Giải pháp phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022 – 2025

Post date: 01/06/2023

Font size : A- A A+

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp; áp dụng các quy trình công nghệ hiện đại, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đối xử nhân đạo với vật nuôi; nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi; đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; phấn đấu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi của tỉnh thuộc nhóm các tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển, UBND tỉnh Quảng Bình đã đề ra các giải pháp phát triển chăn nuối từ nay đến năm 2025 như sau:

Thứ nhất là nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng; đồng thời phát triển các giống vật nuôi bản địa có chất lượng cao, sức chống chịu tốt của địa phương. Tiếp thu và ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học trong nước và thế giới; chú trọng việc bảo tồn, khai thác đặc điểm sinh học quý của các nguồn gen, giống bản địa nhằm tạo ra các sản phẩm giống mang thương hiệu địa phương.

Bên cạnh đó sử dụng các giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời phát triển các giống vật nuôi có lợi thế, duy trì và phát triển các đối tượng nuôi đặc sản có giá trị cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nhưong, chim yến, lợn rừng, hươu lấy nhung, nhím, dê, thỏ...

Thứ hai là đảm bảo nguồn thức ăn tinh, thức ăn thô xanh đáp ứng nhu cầu chăn nuôi; nhất là chủ động nguồn thức ăn thô, xanh cho trâu bò trong mùa khan hiếm thức ăn (nắng hạn, rét đậm, rét hại...). Chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp để trồng cỏ thâm canh và các cây thức ăn có năng suất cao, giàu đạm; tăng năng suất các loại cây trồng (ngô, khoai, sắn,...), tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp với công suất thiết kế từ 100 - 150 nghìn tấn sản phẩm/năm.

Thứ ba là nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật; quản lý tốt công tác hành nghề thú y, kinh doanh thuốc thú y. Thực hiện công tác kiểm dịch vừa bảo đảm hiệu quả cho công tác kiểm soát dịch bệnh vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi, thúc đẩy phát triển chăn nuôi và cung ứng con giống, thực phẩm cho thị trường; từng bước xây dựng hệ thống nhận dạng và truy xuất nguồn gốc động vật.

Thứ tư là chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chăn nuôi; bảo vệ môi trường chăn nuôi, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Đây là giải pháp cần sự đầu tư và xã hội hóa trong chăn nuôi, thú y theo hướng nghiên cứu ứng dụng, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học và chuyn giao công nghệ vào sản xuất để áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm chăn nuôi trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu.

Thứ năm là xây dựng hoàn thiện hệ thống giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.

Bên cạnh đó, các giải giải pháp về tổ chức quản lý sản xuất, phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi cũng được UBND tỉnh chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là các hợp tác xã chăn nuôi trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi từ cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến sản phẩm chăn nuôi và tiếp cận thị trường. Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là “trụ cột”, nòng cốt, dẫn dắt; đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị và kinh tế số vào chuỗi giá trị trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

TL

More