Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 13-4-2021

Post date: 13/04/2021

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Ông Đỗ Văn Chiến giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.. 1

2.                Báo Iran: Chính phủ mới Việt Nam sẽ thúc đẩy nền kinh tế số và chống tham nhũng. 2

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 3

3.                Bạn trẻ Cà Mau gọi Chủ tịch tỉnh bằng anh, đề xuất khởi nghiệp. 3

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

4.                Bí thư Đà Nẵng: Chỉ đầu tư những dự án thật sự cần thiết, không dàn trải 4

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 5

5.                Cảnh báo gần một nửa số tỉnh, thành có số người chết do tai nạn giao thông tăng. 5

6.                Phải chăng là thiếu cầu thị?. 6

QUẢN LÝ.. 7

7.                Từ 1.7, “khai tử” sổ hộ khẩu ra sao?. 7

8.                “Doanh nghiệp đi làm phải có phong bì”: Đưa tin sai lệch... quan thành nạn nhân. 8

9.                Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo hướng nào?. 10

10.            Nhập nhằng các dự án sân golf 11

11.            Cần cơ chế “Khoán 10” trong giáo dục. 12

12.            Hà Nội: 6 người ứng cử ĐBQH xin rút, 1 người bị bắt tạm giam.. 13

13.            Đà Nẵng lên biên chế công chức cấp phường sẵn sàng cho thí điểm chính quyền đô thị 14

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 15

14.            Tân Bộ trưởng Công Thương: Phát huy sức mạnh tập thể, đẩy mạnh cải cách. 15

15.            Hà Nội kiểm tra công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị 16

16.            Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống Mặt trận. 17

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 17

17.            Đắk Nông: Khởi tố nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song. 17

18.            Vụ doanh nghiệp lấn vịnh ở Quảng Ninh: Xem xét kỷ luật loạt cán bộ xã. 18

THẾ GIỚI 19

19.            Sẽ thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. 19

20.            Hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc “rất thấp”. 20

 TIÊU ĐIỂM

Ông Đỗ Văn Chiến giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ngày 12/4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ tư, khóa IX để hiệp thương cử Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân sự bổ sung tham gia Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX.

 100% đại biểu tham dự đã thống nhất cao hiệp thương cử ông Đỗ Văn Chiến giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024.

 Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: “Sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã có ý kiến về công tác nhân sự và tại kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã bầu, kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước”.

 Theo đó, ông Trần Thanh Mẫn đã được bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội. Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thống nhất để trình ra UBTƯ MTTQ Việt Nam thảo luận hiệp thương cử Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và bổ sung Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam.

 Theo đó, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ tám đã giới thiệu để Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ tư, khóa IX hiệp thương cử ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tham gia Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024.Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đã trình bày Tờ trình của Ban Thường trực về việc hiệp thương cử nhân sự tham gia Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 và Tờ trình về việc hiệp thương cử bổ sung, thay thế nhân sự tham gia Ủy ban, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

 Bên cạnh đó, Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam giới thiệu để hiệp thương cử bổ sung 8 vị tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 và bổ sung 2 vị tham gia Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

 100% đại biểu tham dự đã thống nhất cao hiệp thương cử ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tham gia Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024.

 100% đại biểu đã thống nhất cao cử bổ sung 8 nhân sự tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024. (VTV.vn 12/4)Về đầu trang

Báo Iran: Chính phủ mới Việt Nam sẽ thúc đẩy nền kinh tế số và chống tham nhũng

Báo Hamshari (Người thành thị) của Iran mới đây có bài viết về những ưu tiên của Chính phủ mới của Việt Nam và những kỳ vọng đối với kinh tế Việt Nam trong tương lai.

 Bài viết điểm lại sự kiện Quốc hội Việt Nam bầu ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, làm Thủ tướng; giới thiệu bộ máy lãnh đạo cấp cao mới của Việt Nam trong những năm tới, bên cạnh Thủ tướng mới còn có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Phạm Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

 Theo bài viết, ông Phạm Minh Chính có kinh nghiệm đa dạng trong bộ máy đảng và công tác an ninh. Thành tích nổi bật của Thủ tướng Phạm Minh Chính là trong thời gian làm Bí thư Quảng Ninh, ông đã thực hiện thành công việc chuyển đổi nền kinh tế vốn dựa trên khai khoáng của tỉnh này thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, phát triển ngành du lịch và đa dạng hóa nền kinh tế.

 Theo bài viết, như phát biểu tuyên thệ của ông Phạm Minh Chính, ưu tiên của chính phủ mới sẽ bao gồm quyết liệt và kiên trì thúc đẩy các biện pháp chống tham nhũng trong khi tiếp tục cải cách kinh tế, phát triển nền kinh tế số và tập trung tháo gỡ khó khăn cho các ngành công nghiệp và doanh nghiệp.

 Trong đó, ưu tiên hàng đầu đối với Chính phủ mới của ông Phạm Minh Chính sẽ là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới vẫn chưa kiểm soát được dịch Covid-19.

 Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Chính phủ mới sẽ tập trung thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết gần đây, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

 Bài viết đánh giá cao kết quả chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam khi Chính phủ Việt Nam đã có những hành động quyết đoán nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để nhanh chóng phục hồi kinh tế và tiếp tục sản xuất, đáng chú ý kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 2,91% trong năm 2020. 

Tác giả bài viết cho rằng, với việc Chính phủ mới áp dụng các chính sách phù hợp, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,5-7%/năm trong những năm tới. (Baoquocte.vn 11/4)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Bạn trẻ Cà Mau gọi Chủ tịch tỉnh bằng anh, đề xuất khởi nghiệp

Lần đầu tiên công chức, viên chức trẻ tỉnh Cà Mau mạnh dạn đề xuất nhiều ý tưởng mới đến Chủ tịch UBND tỉnh. Có bạn trẻ gọi Chủ tịch UBND tỉnh bằng anh để gần gũi hơn trong đề xuất đổi mới của mình.

 Bạn trẻ Trần Văn Sự xin phép Chủ tịch UBND Cà Mau Lê Quân được gọi bằng anh cho thân mật. Trần Văn Sự đề xuất “anh Quân” ý tưởng làm câu lạc bộ bóng đá phủi (bóng đá tự do) để thu hút giới trẻ. Ngay lập tức, Chủ tịch tỉnh Cà Mau Lê Quân đặt hàng bạn trẻ này thực hiện chương trình bóng đá trên cát: “Tôi hoàn toàn ủng hộ bạn, đồng thời đề nghị bạn nghiên cứu lập các đội bóng đá trên cát”.

 Các công chức, viên chức trẻ tỉnh Cà Mau mạnh dạn bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình với người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau. Bạn trẻ Nguyễn Công Tạo chia sẻ nhiều bạn học xong chưa bố trí được việc làm. Còn bạn Danh Thị Có đề xuất phát triển du lịch cộng đồng từ nền văn hóa Khmer trong tỉnh.

 Bạn Trần Hữu Tính, ấp ủ ý tưởng trang trại sản xuất hữu cơ kết hợp du lịch; bạn Nguyễn Tường My, công tác ngành Thư viện lo lắng về văn hóa đọc và thu nhập của anh chị em thủ thư…

 Chia sẻ với các công chức, viên chức trẻ (dưới 35 tuổi), Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân cho rằng, tuổi trẻ có ý tưởng, phấn đấu vươn lên là điều rất cần thiết.

 Chia sẻ lo lắng của công chức, viên chức về khởi nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân cho rằng: “Không ai cấm các bạn làm giàu chính đáng. Các bạn cứ mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên. Thông thường lúc ban đầu thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, điều đó không đáng lo, chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các bạn, miễn sao ý tưởng của các bạn thiết thực, được áp dụng”.

 Ngày 10.4, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức gặp mặt công chức, viên chức trẻ của tỉnh về nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân trực tiếp trả lời những câu của giới trẻ đưa ra về việc làm, thu nhập, sáng tạo, khởi nghiệp... trong bối cảnh hiện nay. Để gắn kết kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công chức, viên chức trẻ, tỉnh Cà Mau cũng đã chính thức ra mắt mạng lưới công chức, viên chức trẻ. Trước mắt, mạng lưới kết nối với 1.000 người, sau đó sẽ mở rộng.

 Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân giao Phòng Cải cách hành chính, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh nghiên cứu xây dựng trang Facebook tạo điều kiện thuận lợi thu hút công chức, viên chức tỉnh tham gia, cập nhật chia sẻ nhiều thông tin, nhanh chóng kịp thời, giúp mạng lưới công chức, viên chức trẻ có thể kết nối, hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới. (Laodong.vn 12/4, Nhật Hồ)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Bí thư Đà Nẵng: Chỉ đầu tư những dự án thật sự cần thiết, không dàn trải

Sáng 12-4, HĐND thành phố Đà Nẵng tổ chức kỳ họp lần thứ 17, tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 và thông qua một số Nghị quyết quan trọng. Đây là nhiệm kỳ thành phố Đà Nẵng phải tập trung khắc phục những sai phạm, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, quản lý điều hành qua kết luận thanh tra, kiểm tra của Trung ương.

 Ông Lương Nguyễn Minh Triết- Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết: Một nhiệm kỳ sẽ được nhắc đến với nhiều dấu ấn quan trọng, nhiều đổi mới, sáng tạo trong điều hành và hoạt động giám sát, đảm bảo đúng vai trò, vị trí và tầm quan trọng của HĐND. Là nhiệm kỳ đầu tiên, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương hoạt động theo mô hình mới của Luật tổ chức chính quyền địa phương, với cơ cấu các cơ quan thường trực hoàn chỉnh, đội ngũ đại biểu chuyên trách có chuyên môn sâu và tâm huyết.

 Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, nhiệm kỳ 2016- 2021, đối với thành phố Đà Nẵng thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, như: Quyết định phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định quy định chi tiết về thí điểm mô hình Chính quyền đô thị; Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu; chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu, lập đề án Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Những văn bản này là sự chuẩn bị công phu của cả nhiệm kỳ và cụ thể hóa Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Đây là cơ sở, công cụ hết sức quan trọng, tiếp thêm động lực và niềm tin cho Đà Nẵng bước vào giai đoạn lịch sử mới đầy thách thức, nhưng nhiều kỳ vọng phát triển, hướng tới tương lai, đóng góp vào sự phát triển không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn cho cả khu vực miền Trung- Tây Nguyên và cả nước.

 Ông Nguyễn Văn Quảng lưu ý, tại Kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét, cho ý kiến để quyết định thông qua nhiều vấn đề quan trọng. Vì vậy, HĐND thành phố cần tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ; cân nhắc đến tính khả thi, phát huy vai trò trách nhiệm giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là việc cân đối vốn đầu tư công trung hạn. Theo ông Nguyễn Văn Quảng, thành phố cần lựa chọn những công trình, dự án thật sự cần thiết, cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải để đảm bảo nguồn lực khi triển khai thực hiện trong điều kiện ngân sách còn khó khăn.

 Ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị cần tiếp tục làm tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; tiếp tục giám sát việc thi hành pháp luật và thực hiện các nghị quyết, cơ chế chính sách của HĐND thành phố đã ban hành. Đặc biệt, cần tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 34 của Chính phủ quy định chi tiết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị. (Vov.vn 12/4, Đình Thiệu)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Cảnh báo gần một nửa số tỉnh, thành có số người chết do tai nạn giao thông tăng

Tính từ ngày 15.12.2020 đến 14.3.2021, cả nước xảy ra 3.206 vụ tai nạn giao thông làm chết 1.672 người, bị thương 2.386 người.

 Có 30 tỉnh có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2020, đó là số liệu được công bố tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2021, diễn ra ngày 9.4. 

Như vậy là có gần một nửa số tỉnh, thành trên cả nước có người chết do tai nạn giao thông tăng. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phê bình các tỉnh này. Thực tế này cho thấy, các địa phương chưa toàn tâm, toàn lực vào việc kéo giảm tai nạn giao thông. Ai cũng nói đây là quốc nạn, là thảm họa, nhưng không làm hết sức mình.

 Hãy thử so sánh, đại dịch COVID-19 hoành hành dữ dội hơn năm qua, nhưng số người chết vì dịch chỉ 35 người, còn chết vì tai nạn giao thông quý I năm nay đã lên đến 1.672 người. Chưa kể, trong số 2.386 người bị thương, có nhiều người mất sức lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

Đã từng có ý kiến phải cách chức chủ tịch của địa phương nào để xảy ra tai nạn giao thông cao, nhưng rồi đề xuất đó cũng đi vào quên lãng. Và nếu như không gắn trách nhiệm của người đứng đầu tỉnh, thành với tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn, thì khó có thể kéo giảm được tai nạn giao thông. Phê bình chưa đủ, cần những quy định xử lý trách nhiệm ở mức cao hơn.

 Tuy nhiên, sẽ không ông lãnh đạo nào dù tài giỏi đến mấy có thể cứu được từng người, nếu như người đó cố tình vi phạm luật giao thông. Có rất nhiều vụ tai nạn, mà nguyên nhân do người lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, uống bia rượu mà vẫn lái xe. Thậm chí, có những người là con nghiện sau tay lái.

 Trách nhiệm của cảnh sát giao thông là tuần tra, xử lý những trường hợp vi phạm. Nhưng mỗi người tự giác chấp hành luật giao thông thì cả xã hội mới có sự an toàn ổn định, bền vững.

 Phó Thủ tướng Thường trục Trương Hòa Bình còn đặt vấn đề: “Theo thông tin từ báo chí, vấn nạn này không chỉ mới tái diễn gần đây, đề nghị công an chỉ đạo điều tra, xác minh xem có ai chống lưng cho xe quá tải hay không”.

 Bảo kê xe quá tải không chỉ là hiện tượng, mà đã xảy ra trên thực tế. Xin đưa ra hai ví dụ: Tháng 8.2020, bốn cựu thanh tra bảo kê xe quá tải ở Hà Nội hầu tòa. Tại cuộc họp ngày 24.12.2019, Thanh tra Bộ Công an xác định có việc hai cán bộ CSGT Đồng Nai “gọi điện xin không xử lý cho 16 phương tiện giao thông” vi phạm.

 Còn nhiều vụ bảo kê chưa bị phát hiện, và đó là lý do vì sao xe vẫn còn tình trạng xe quá tải ngang nhiên hoạt động. (Laodong.vn 12/4, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

Phải chăng là thiếu cầu thị?

Bị ông Đoàn Ngọc Hải nêu đích danh đòi lại số tiền hỗ trợ 106 triệu đồng xây nhà cho người nghèo, cả lãnh đạo TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) và huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đều phản ứng. Cả hai nơi đều tỏ ra tự ái và tuyên bố sẽ trả lại tiền hỗ trợ nếu ông Hải cương quyết đòi lại do họ chưa triển khai xây nhà tình thương.

 Phải khẳng định ngay và luôn rằng, ông Đoàn Ngọc Hải không chỉ là cương quyết mà là rất cương quyết đòi lại số tiền hỗ trợ 106 triệu đồng. Điều đó đã được thể hiện trên facebook cá nhân của ông: “Tôi mong nhận lại tiền ngay trong ngày hôm nay” (10/4). Thái độ của ông Hải được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, nhất là những nhà hảo tâm.

 Không phải dư luận yêu ông Đoàn Ngọc Hải, ghét lãnh đạo của TP Châu Đốc và huyện Nam Trà My nên ủng hộ việc đòi lại tiền hỗ trợ xây nhà cho người nghèo. Chỉ đơn giản là lãnh đạo hai địa phương trên đã “câu giờ”, không thực hiện việc xây nhà tình thương như đã hứa khi “xin” tiền tài trợ, trong khi còn rất nhiều hộ dân chờ được hỗ trợ.

 Phản ứng lại việc ông Đoàn Ngọc Hải nói rằng lãnh đạo hai địa phương này quá vô cảm, không có tí trách nhiệm nào với dân, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Châu Đốc Lâm Quang Thi đã “đăng đàn” “phản pháo” rằng: Lãnh đạo TP Châu Đốc không vô cảm mà chỉ thượng tôn pháp luật. Đâu có pháp luật nào cấm xây nhà tình thương cho dân?

 Ông Thi lý giải rằng, dù nhận được tiền hỗ trợ từ ông Đoàn Ngọc Hải, nhưng địa phương này phải có thời gian xem xét, chứ không thể xây nhà tình thương ngay như mong muốn của nhà hảo tâm được. Không rõ “quy trình” xem xét của lãnh đạo TP Châu Đốc mất bao lâu, nhưng sau hơn một tháng vẫn án binh bất động, trong khi dân đang cần.

 Còn Chủ tịch MTTQ huyện Nam Trà My Nguyễn Thị Huệ thì loanh quanh giải thích rằng, do không bạn bè facebook với ông Hải nên không biết đến những bài viết cảnh báo về việc nhắc xây nhà. Hơn nữa, ông Hải cũng không nói rõ xây nhà cụ thể cho ai, mấy hộ, ở địa chỉ nào nên tưởng là hỗ trợ chung cho huyện, chứ nếu ông Hải nói rõ thì lại dễ... 

Xin thưa rằng, những lời giải thích của cả lãnh đạo TP Châu Đốc và huyện Nam Trà My đều là khiên cưỡng và khó có thể chấp nhận được. Việc thực hiện xây nhà tình thương cho người dân nghèo (hoặc cận nghèo) theo yêu cầu của nhà hảo tâm không có nghĩa làm trái pháp luật. Hay việc xây nhà cho ai, xây cho mấy hộ với số tiền đó thì địa phương phải là người rõ nhất chứ sao lại nói ông Hải không chỉ đích danh nên khó làm?

 Tấm lòng của ông Đoàn Ngọc Hải và những nhà hảo tâm đã quyên góp tiền thông qua ông là dành cho tất cả những người dân nghèo cần hỗ trợ trên cả nước, chứ không cụ thể vào cá nhân, hộ dân nào cả. Việc bà Huệ đổ ngược lỗi về phía ông Hải, rằng ông không chỉ đích danh nên huyện chưa triển khai xây nhà tình thương là thiếu sự cầu thị.

 Giờ đây, khi mà không triển khai xây nhà tình thương cho người nghèo sau hơn một tháng nhận tiền hỗ trợ, lãnh đạo hai địa phương này không bàn việc xây nhà cho người nghèo mà chuyển trả lại số tiền 106 triệu đồng. Đó há chẳng phải là vô cảm, thiếu trách nhiệm với người dân hay sao?

 Thử đặt ví dụ, thay vì “om” tiền trong két (hoặc có thể nó tạm chui đi đâu đó), lãnh đạo TP Châu Đốc và huyện Nam Trà My lập tức triển khai xây nhà tình thương cho người nghèo (như 5 địa phương khác cùng nhận được hỗ trợ như vậy), liệu ông Hải có đòi lại số tiền hỗ trợ trên hay không? Khi đó, dù ông Hải có muốn cũng chẳng đòi được.

 Vậy là chỉ vì cái “quy trình” xét duyệt (như lời giải thích của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Châu Đốc Lâm Quang Thi gọi là thượng tôn pháp luật), chỉ vì ông Hải không chỉ rõ địa chỉ cần hỗ trợ (như lời của Chủ tịch MTTQ huyện Nam Trà My), hàng chục hộ dân của hai địa phương trên mất cơ hội có được căn nhà tình thương để sinh sống.

 Liệu các nhà hảo tâm khác có dám tiếp tục hỗ trợ người nghèo ở hai địa phương này theo các kênh truyền thống nữa không, khi mà họ không biết tiền có thực sự đến được tay các đối tượng cần hỗ trợ hay không? Ngay cả khi tiền từ thiện cuối cùng cũng đến tay người nghèo, nhưng là sau đó vài tháng, một năm hay 10 năm thì phỏng còn ý nghĩa gì?

 Vậy nên, thay vì “nóng mặt” “phản pháo” lại những từ ngữ ông Đoàn Ngọc Hải viết trên facebook cá nhân, lãnh đạo TP Châu Đốc và huyện Nam Trà My cần thực sự cầu thị, biết nói lời xin lỗi vì đã phụ sự ủy thác của các nhà hảo tâm dành cho người nghèo. Chẳng phải Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn đương nhiệm Thủ tướng từng căn dặn cán bộ, công chức, viên chức phải biết 3 “xin” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn) đó sao? (Daidoanket.vn 12/4, Tinh Anh)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Từ 1.7, khai tử sổ hộ khẩu ra sao?

Theo luật Cư trú năm 2020, từ ngày 1.7 tới đây, Bộ Công an bắt đầu tiến trình “khai tử” sổ hộ khẩu giấy, quản lý công dân bằng số hóa. Quá trình này có thể hoàn tất sớm nhưng cũng có thể diễn ra trong 18 tháng, đến cuối năm 2022.

 Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an nhấn mạnh: “Việc bỏ sổ hộ khẩu không phải là bỏ việc quản lý con người mà chỉ là thay đổi cách thức quản lý. Trước đây, khi chúng ta chưa có điều kiện thì việc quản lý con người được thực hiện theo cách thức thủ công, là ghi chép, lưu giữ trên các loại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Còn hiện nay, chúng ta quản lý con người bằng công nghệ thông tin hiện đại, vừa đảm bảo chính xác vừa rút gọn các loại giấy tờ thủ tục cho người dân”.

 Theo vị lãnh đạo C06, luật Cư trú 2020 nêu rõ từ ngày 1.7 cơ quan chức năng không còn quản lý dân cư theo sổ hộ khẩu giấy mà thay vào đó là quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Đây là dãy số được xác lập từ Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), thường được thể hiện bằng 12 số trên thẻ căn cước công dân hoặc mã số được cấp cho công dân khi đăng ký khai sinh. Mã số định danh cá nhân gắn liền với mỗi người dân từ lúc sinh cho đến lúc chết, không thay đổi, cũng không trùng lắp với người nào. 

Bên cạnh đó, từ ngày 1.7, việc quản lý dân cư sẽ được phân cấp cho công an xã, phường. Người dân khi có sự thay đổi về nhân khẩu, hộ khẩu thì đến công an cấp xã, phường để thực hiện đăng ký thay đổi. Tại đây, công an xã, phường sẽ truy cập vào Hệ thống CSDLQGVDC để lấy dữ liệu phục vụ yêu cầu, đồng thời điều chỉnh, cập nhật các thông tin công dân ngay trên hệ thống đó.

 Cũng theo lãnh đạo C06, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy đối với Bộ Công an có thể được thực hiện ngay từ thời điểm 1.7, tuy nhiên sổ hộ khẩu có liên quan đến nhiều chuyên ngành, lĩnh vực khác, do đó luật Cư trú đã quy định điều khoản chuyển tiếp, đến thời điểm 31.12.2022 thì sổ hộ khẩu mới chính thức bị khai tử. Trong khoảng thời gian từ 1.7.2021 - 31.12.2022, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp thì cơ quan đăng ký cư trú sẽ thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú thuộc Hệ thống CSDLQGVDC theo quy định của luật Cư trú và không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

 Việc quản lý, đăng ký cư trú và các giao dịch của công dân liên quan đến thông tin về cư trú sau đó sẽ sử dụng theo CSDLQGVDC. Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong CSDLQGVDC thì sử dụng thông tin trong CSDLQGVDC. Đối với các loại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp mà chưa bị thu hồi vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật cho đến hết ngày 31.12.2022. (Thanh niên 12/4, Thái Sơn)Về đầu trang

“Doanh nghiệp đi làm phải có phong bì”: Đưa tin sai lệch... quan thành nạn nhân

Cùng với vấn nạn thông tin thất thiệt được tung lên mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của của những trò vu khống. Từ người dân bình thường đến người nổi tiếng, thậm chí cả quan chức cũng trở thành nạn nhân.

 Ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon PLông (Kon Tum) mới đây đã trở thành nạn nhân của vấn nạn đưa tin sai lệch khi một video có nội dung được cho là thất thiệt được đăng tải lên mạng xã hội đã làm ảnh hưởng đến uy tín của vị lãnh đạo huyện này. 

Nội dung đoạn clip ghi lại cảnh ông Đặng Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Kon PLông đang trao đổi với nhiều người trong quán cà phê và nói rằng: "Đi làm việc phải có phong bì, phong bao. Không phong bì, phong bao thì không trôi được". Ngay sau đó, đoạn video đã thu hút sự quan tâm của dư luận, không ít ý kiến đã bày tỏ sự bức xúc trước nội dung câu nói của ông Nam.

 Trao đổi với báo chí, ông Đào Duy Khánh, Bí thư huyện Kon PLông, khẳng định hoàn toàn không có chuyện này. Sự thật, câu nói đầy đủ của ông Đặng Thanh Nam tại chương trình cà phê khởi nghiệp với sự tham gia của các lãnh đạo huyện, hơn 20 doanh nghiệp và phóng viên báo chí là: “Trước đây ở một số địa phương có tình trạng doanh nghiệp đưa phong bì để công việc "trôi." Nếu tình trạng trên xảy ra, cán bộ gây sách nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp, chính quyền huyện sẽ xử lý nghiêm”. 

Đồng thời, ông Nam cũng nói rằng, cán bộ nhận phong bì của doanh nghiệp chính là tham nhũng vặt.

 Ngay ông Bùi Viết Hà, chủ quán cà phê Bạch Dương (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), nơi diễn ra buổi "Cà phê khởi nghiệp” cũng khẳng định, clip đăng tải đã cắt và không còn đầy đủ phần phát biểu của ông Nam nên gây ra hiểu lầm.

 Một doanh nhân tham dự buổi “Cà phê khởi nghiệp” cho biết, trước ý kiến của một doanh nghiệp phản ánh tình trạng cán bộ có thái độ không thân thiện khi làm việc, ông Đặng Thanh Nam nhấn mạnh huyện sẽ xử lý nghiêm những cán bộ phải có phong bì mới làm việc. 

Từ một câu nói đầy đủ của Chủ tịch UBND huyện Kon PLông mang quyết tâm triệt tiêu nạn tham nhũng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư bị cắt dán trở thành một đoạn clip với thông tin sai lệch dẫn đến không ít người hiểu lầm, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Chủ tịch UBND huyện Kon PLông, môi trường đầu tư của huyện này.

 Trên thực tế, không cần đến khi Bí thư huyện ủy hay ông Nam lên tiếng, bởi với video có nội dung như trên, nhiều người sẽ nhận ra đây là chiêu trò của đối tượng xấu. Bởi một lãnh đạo huyện như ông Đặng Thanh Nam không thể thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu hiểu biết về các quy định của Đảng để có thể phát ngôn như nội dung trong đoạn clip. Nhất là trong bối cảnh, Đảng ta quyết tâm chống tham nhũng một cách mạnh mẽ như thời gian qua.

 Dù việc cắt dán, đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội nhằm mục đích gì nhưng có thể khẳng định đây là hành vi không chỉ đáng lên án khi gây ảnh hưởng đến hình ảnh, danh dự của người khác mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. 

Theo quy định của pháp luật, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và pháp luật bảo vệ. Người nào có hành vi đăng tải hình ảnh, nội dung về người khác lên mạng xã hội sai sự thật, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử nêu rõ, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

 Trường hợp người đăng tải bài viết, hình ảnh sai sự thật đó nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Tuy nhiên, trước vấn nạn đưa tin sai lệch lên mạng tràn lan, không chỉ Chủ tịch UBND huyện Kon PLông mà trước đó đã rất nhiều người trở thành nạn nhân cho thấy, mức phạt trên chưa đủ sức răn đe.

 Vấn nạn tin giả, tin đồn thất thiệt, thông tin không đúng sự thật thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, thậm chí có thể gây tác động tiêu cực đến cả xã hội, đến nền kinh tế và thậm chí đối với cả thể chế. 

Do đó, ngoài việc xử lý nghiêm các đối tượng này, cần phải áp dụng hình phạt nghiêm ngặt hơn, đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống những thông tin thất thiệt. (Kienthuc.net.vn 11/4, Tâm Đức)Về đầu trang

Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo hướng nào?

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025. Theo đó, thời gian rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm thực hiện từ ngày 1/9 đến hết ngày 15/12 của năm.

 Thời gian rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên thực hiện tại thời điểm UBND cấp xã nhận được giấy đề nghị bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc đề nghị thoát nghèo, thoát cận nghèo của hộ gia đình.

 Dự thảo nêu rõ quy trình rà soát định kỳ hằng năm gồm 7 bước: Lập danh sách hộ gia đình cần rà soát; tổ chức rà soát, lập danh sách phân loại hộ gia đình; họp lấy ý kiến nhân dân về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; niêm yết, thông báo công khai danh sách rà soát lần 3; báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện; phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo; phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo ở cấp huyện và cấp tỉnh.

 Theo dự thảo, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổng hợp, có văn bản báo cáo kết quả phê duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn cho chủ tịch UBND cấp huyện. Đặc biệt tại cấp tỉnh, căn cứ văn bản báo cáo của chủ tịch UBND cấp huyện về kết quả phê duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt kết quả chung trên toàn địa bàn và báo cáo Bộ LĐTBXH. 

Với những hộ gia đình có Giấy đề nghị bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc Giấy đề nghị ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí của Bộ LĐTBXH nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận Giấy đề nghị của hộ gia đình, Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổ chức rà soát, thẩm định theo quy định; xem xét, quyết định cấp Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc Giấy chứng nhận hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Trường hợp hộ gia đình không đủ điều kiện, Chủ tịch UBND cấp xã phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. 

Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 có 2 tiêu chí để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình là tiêu chí về thu nhập và tiêu chí về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (gồm 12 chỉ số: Dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin; việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình). (Daidoanket.vn 12/4, Khanh Lê)Về đầu trang

Nhập nhằng các dự án sân golf

Với hàng loạt sân golf được cấp phép thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế quản lý chặt bất động sản nghỉ dưỡng “ăn theo” sân golf, áp thuế như đất dịch vụ - thương mại thông thường.

 Thông tin tới truyền thông mới đây bên lề Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội, ông Phạm Thành Trí, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có 75 sân golf đang hoạt động, trong đó 3/4 do nhà đầu tư Việt Nam làm chủ, 1/4 do người Hàn Quốc đầu tư.

 Ông Trí thông tin: “Thời gian gần đây, tính trung bình cứ 2 tuần Việt Nam có thêm 1 sân golf được cấp phép. Sắp tới mỗi năm Việt Nam có thể thêm 50 - 100 sân golf. Tỉnh Bắc Giang đang có 1 sân golf, 2 sân chuẩn bị ra mắt, 8 sân golf đang trong quá trình xin cấp phép; Vĩnh Phúc cũng cấp phép 10 sân; Quảng Nam có 3 sân và sắp có thêm 10 sân”…

 Mặc dù tỷ lệ sân golf ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với mức trung bình của thế giới, nhưng việc phát triển ồ ạt mang tính thời điểm khiến một số chuyên gia lo ngại. Đó là việc làm mất đi một diện tích đất canh tác lớn, làm biến đổi địa hình và nguồn nước ngầm tại địa phương. Người ta cũng lo ngại khả năng nhiều chủ đầu tư lợi dụng biến sân golf thành “điểm nhấn” đi kèm cho các dự án bất động sản.

 Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng: việc tỉnh Hòa Bình thu hồi hơn 61ha trong tổng số hơn 140ha rừng trồng để giao cho nhà đầu tư xây dựng sân golf; phê duyệt quy hoạch sân golf trên đất lâm nghiệp được giao cho Tổng Công ty Lâm nghiệp quản lý là sai với quy hoạch sân golf quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt.

 GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, phát triển các sân golf là việc cần làm để kích cầu du lịch. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có nhiều chủ đầu tư sân golf lạm dụng xin dự án để lách luật kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng. Nguồn thu từ bất động sản “ăn theo” sân golf thực chất là nguồn lợi chính của nhà đầu tư.

 Hầu hết các dự án sân golf và bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay, xét về quy hoạch, theo ông Võ, đều không hình thành nên đơn vị ở hay đơn vị dân cư, nghĩa là đơn thuần chỉ thuộc quy hoạch du lịch. Do đó các dự án bất động sản cùng sân golf không có thời hạn sử dụng lâu dài. Các chủ đầu tư thường thuê đất trả tiền hằng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho suốt thời gian thuê.

 Vì thế người mua các sản phẩm bất động sản này không sở hữu tài sản như đối với nhà ở thông thường được. “Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư sử dụng 10% quỹ đất dịch vụ cho sân golf cho việc xây khách sạn, biệt thự để bán và kinh doanh không đúng quy định, thậm chí còn có bán cả condotel trong dự án sân golf”, ông Đặng Hùng Võ nói.

 “Vì sao nhiều sân golf lỗ triền miên, thu không đủ chi nhưng chủ đầu tư vẫn tính làm sân golf tiếp, mở rộng thêm dự án?”, GS Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi và đề xuất nên có quy định chặt chẽ về 10% quỹ đất dịch vụ thì chỉ được kinh doanh, các dịch vụ về golf và cho người đánh golf. Hiện nay, nhiều sân golf đang nhập nhằng việc này. Ngoài ra, theo ông Võ, cần đánh thuế, thu tiền sử dụng đất theo dạng đất dịch vụ xây khách sạn, xây biệt thự để bán, cho thuê để tránh thất thu ngân sách.

 Một số chuyên gia đồng tình với quan điểm của ông Võ và cho rằng, quy định cho sử dụng 10% diện tích đất dịch vụ trong sân golf tạo kẽ hở trong cấp phép sân golf. Cần có quy định diện tích sân golf không được làm các dịch vụ khác, phần đất dịch vụ trong sân golf phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính như đất dịch vụ. (Tienphong.vn 12/4, Trần Hoàng)Về đầu trang

Cần cơ chế Khoán 10 trong giáo dục

Ðông đảo nhà giáo đặc biệt quan tâm bức thư mà tân Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Kim Sơn gửi các thầy cô mới đây. Nhiều người cho rằng, ngành giáo dục hiện nay cần một cơ chế mang tính đột phá, “xé rào”.

 Sau khi được bổ nhiệm vị trí đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn có thư gửi các thầy cô. Trong thư, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vấn đề cốt lõi của giáo dục chính là giá trị nhân bản và đội ngũ thầy cô giáo. “Chúng ta đang sống và đang làm việc, cống hiến trong thời khắc mà đất nước, dân tộc đang dâng niềm khát vọng bứt phá, mong đưa cơ đồ đất nước lên một vị thế phát triển mới, văn minh và thịnh vượng. Một phần của nhiệm vụ trọng đại đó phó thác cho ngành giáo dục của chúng ta. Để đảm đương được sứ mệnh này, không có cách nào khác, chúng ta cần tiếp tục kiên trì và tích cực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới”, ông viết.

 Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc đổi mới cần bắt đầu từ người thầy và phát triển người thầy, đổi mới phù hợp với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, căn cứ từ thực tiễn, giải những bài toán từ thực tiễn để chất lượng giáo dục hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay theo một định hướng mang tính chiến lược.

 Bộ trưởng cho biết, ông và tất cả đội ngũ thầy cô đều mong mỏi vị thế của nhà giáo được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề được giữ gìn. “Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta. Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề, yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, mới dần làm cho nghề giáo của chúng ta tôn nghiêm thêm”, ông viết. 

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng Tâm lý Giáo dục Hà Nội, nói rằng, trong thư, tân Bộ trưởng GD&ĐT đã chú ý đến nguồn lực nhà giáo, nhưng thực tế hiện nay đang không đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực của đời sống.

 “Do vậy, cơ chế quản lý giáo dục phải thay đổi. Nếu chữa các bệnh mà vấn đề này không được tháo gỡ thì vẫn còn nút thắt. Nhà trường phải làm chủ, giáo viên phải được làm chủ để bản thân các trường, mỗi giáo viên tự giải quyết những khó khăn khác. Quản lý là phải giải phóng được con người. Cơ chế chưa hợp lý thì chưa tháo gỡ được tất cả những tồn tại bấy lâu nay của ngành”, ông Lâm nói.

 Ông Lâm cũng nhận định: “Chỉ cần “Khoán 10” trong giáo dục là sẽ bung ra được nhiều thứ. Phải tận dụng hết được quy luật tích cực của cơ chế thị trường và hạn chế được mặt trái của nó. Nhà giáo phải làm song song 3 thứ: đào tạo, bồi dưỡng phải chuẩn; sử dụng chuẩn; tôn vinh và đãi ngộ. Đây là 3 đỉnh của tam giác phải giải quyết đồng bộ. Chứ chỉ giải quyết nguyên “cái bụng” của nhà giáo cũng không được”.

 Ông lấy ví dụ từ chuyện thi cử hiện nay. Theo ông Lâm, cần tổ chức thi cử khác với hiện nay. Bộ đang “bao cấp” cả khâu kiểm tra đầu ra của THPT lẫn khâu xét tuyển đầu vào của ĐH nên cả địa phương và cơ sở đào tạo đều ỷ lại và không chịu trách nhiệm rõ ràng. “Bộ nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các trường”, ông đề xuất. 

GS.TS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng, trong giáo dục, thầy cô đều là những nhân tố nằm trong bộ máy chung và phụ thuộc rất nhiều vào bộ máy này; họ thay đổi hay không tùy thuộc rất nhiều vào Bộ trưởng GD&ĐT và lãnh đạo của các địa phương, tức là phụ thuộc vào chính sách, chủ trương, sự chỉ đạo của Nhà nước.

 “Chỉ đạo vĩ mô từ bộ trưởng, từ sự phù hợp giữa ngành Giáo dục với các cấp chính quyền trung ương và địa phương rất quan trọng. Cách nhìn nhận của tân Bộ trưởng có thể thắp lên hy vọng cho nhiều người”, ông Hùng nói.

 Theo ông Hùng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi gắm nhiều kỳ vọng và đặc biệt là thông điệp cần sự hợp tác, chung sức của giáo viên, hợp tác trong toàn ngành và sự phối hợp ngoài ngành từ trung ương đến địa phương. “Nhưng nếu Nhà nước không có sự hỗ trợ cho Bộ trưởng, cho ngành Giáo dục thì ngành cũng như tân bộ trưởng rất khó để vượt qua khó khăn”, Hùng nhận định. (Tienphong.vn 12/4, Nghiêm Huê)Về đầu trang

Hà Nội: 6 người ứng cử ĐBQH xin rút, 1 người bị bắt tạm giam

Theo báo cáo của Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, tổng số hồ sơ người ứng cử ĐBQH khoá XV của thành phố Hà Nội là 72 hồ sơ. Tính đến ngày 2/4/2021, đã có 6 người có đơn xin rút, 1 người bị cơ quan công an bắt tạm giam để điều tra.

 Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả công tác bầu cử ĐBQH khoá XV, bầu cử ĐB HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

 heo báo cáo, sau khi tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ ứng cử, đối chiếu với danh sách trích ngang những người ứng cử do Uỷ ban bầu cử lập và danh sách trích ngang do các cơ quan, tổ chức, đơn vị nộp biên bản hội nghị giới thiệu tại Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổng hợp.

 Cụ thể, tổng số hồ sơ và danh sách trích ngang những người ứng cử ĐBQH khoá XV là 72 người; trong đó 42 người được giới thiệu ứng cử; 30 người tự ứng cử.

 Tổng số hồ sơ và danh sách trích ngang những người ứng cử ĐB HĐND thành phố khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 là 188 người, trong đó, 185 người được giới thiệu ứng cử, 3 người tự ứng cử.

 Theo báo cáo, trên cơ sở những hồ sơ của người ứng cử ĐBQH khoá XV và ĐB HĐND thành phố khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã hội nghị trực tuyến hướng dẫn Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử, ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác đối với người tự ứng cử ĐBQH và người tự ứng cử ĐB HĐND thành phố…

 Tổng số hồ sơ người ứng cử ĐBQH khoá XV do Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam chuyển về là 171 hồ sơ. Tổng số hồ sơ người ứng cử ĐBQH khoá XV của thành phố Hà Nội là 72 hồ sơ. Tính đến ngày 2/4/2021, đã có 6 người có đơn xin rút, 1 người bị cơ quan công an bắt tạm giam để điều tra. 

Tổng số hồ sơ người ứng cử ĐB HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 là 188 hồ sơ. Tính đến ngày 2/4/2021, có 11 người có đơn xin rút. Tổng số hồ sơ do các tỉnh gửi về là 17 hồ sơ/11 tỉnh, trong đó có 8 hồ sơ ứng cử ĐBQH khoá XV, 9 hồ sơ ứng cử ĐB HĐND. (Tienphong.vn 12/4, Trường Phong)Về đầu trang

Đà Nẵng lên biên chế công chức cấp phường sẵn sàng cho thí điểm chính quyền đô thị

Sáng ngày 12/4, tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Đà Nẵng khoá IX (nhiệm kỳ 2016 – 2021), HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua số lượng biên chế công chức của UBND cấp phường ở từng quận khi triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

 Cụ thể, biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người, được tính trên tổng số phường của một quận. Trong đó, biên chế công chức UBND phường ở quận Hải Châu (13 phường) là 195 người; quận Thanh Khê (10 phường): 150 người; quận Sơn Trà (7 phường): 105 người; quận Ngũ Hành Sơn (4 phường): 60 người; quận Liên Chiểu (5 phường): 75 người; quận Cẩm Lệ (6 phường): 90 người.

 Quy định biên chế công chức có hiệu lực từ ngày 1/7 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng.

 Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 119/2020/QH14 cho phép TP Đà Nẵng thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình 1 cấp chính quyền địa phương (cấp TP) và 2 cấp hành chính (quận, phường) từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt thực hiện.

 Theo mô hình chính quyền đô thị, chính quyền TP Đà Nẵng sẽ được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc Đà Nẵng là UBND quận (không tổ chức HĐND quận). UBND quận là cơ quan hành chính Nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP

 Chính quyền địa phương ở các phường là UBND phường (không tổ chức HĐND phường). UBND phường là cơ quan hành chính Nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP, UBND quận.

 Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. (Viettimes.vn 12/4)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Tân Bộ trưởng Công Thương: Phát huy sức mạnh tập thể, đẩy mạnh cải cách

Sáng 12/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị triển khai các nghị quyết, quyết định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ của Bộ Công Thương.

 Chia sẻ tại hội nghị, tân Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nhiều năm làm việc tại địa phương và Ban Tuyên giáo Trung ương cũng có cái nhìn tổng quan về sự vận hành của bộ máy nhà nước, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, khi bắt tay vào công việc mới chắc chắn không tránh khỏi khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu.

 Hơn nữa, Bộ Công Thương là lĩnh vực đa ngành, đa lĩnh vực, liên quan hầu hết lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế quốc dân, có rất nhiều lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm liên quan đến sự phát triển đất nước, đặc biệt là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong hội nhập kinh tế quốc tế.

 Để vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức phía trước, hoàn thành nhiệm vụ được giao, tân Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: “Điều quan trọng nhất là chúng ta phát huy truyền thống của ngành, phát huy sức mạnh tập thể, phát huy trí tuệ, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trên từng vị trí được giao; thông qua việc thực hiện các quy chế, quy định, thực hiện chế độ phân cấp, phân quyền; mở rộng mối quan hệ hợp tác, gắn kết với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong cả nước, đối tác nước ngoài; sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân để chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhìn lại gần 15 năm qua Bộ Công Thương đã phát huy tốt truyền thống vẻ vang về đoàn kết, gắn bó giữa công chức, viên chức, người lao động. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã hoàn thành tốt các chức năng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Sự kiện Bộ trưởng tiền nhiệm Trần Tuấn Anh đã được bầu vào Bộ Chính trị khoá XIII đã minh chứng cho điều này.

 “Tôi tin tưởng chắc chắn rằng thời gian tới thuận lợi cũng lắm và gian nan cũng nhiều, nhưng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, phát huy thành tựu kinh nghiệm đã đạt được, thể hiện rõ vai trò tiên phong của ngành công thương, tập trung khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

 Đặc biệt là phát huy vai trò của Ban cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cũng như cá thể hoá trách nhiệm của những người được phân cấp phân quyền để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định. (TTXVN 12/4, Uyên Hương)Về đầu trang

Hà Nội kiểm tra công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị

Từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021, UBND thành phố Hà Nội sẽ kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

 Nội dung kiểm tra bao gồm việc triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, kết luận, chỉ đạo của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố; việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC, tập trung vào những nhiệm vụ đã được xác định trong kế hoạch CCHC năm 2021 của cơ quan, đơn vị (tính đến thời điểm kiểm tra).

 Đoàn kiểm tra trực tiếp làm việc tại cơ quan, đơn vị. Đại diện đơn vị báo cáo và trao đổi những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra. Trong trường hợp cần thiết, đoàn kiểm tra sẽ làm việc với một số tổ chức, cá nhân liên quan tại cơ quan, đơn vị để kiểm tra, xác minh.

 Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra đột xuất, không báo trước tại trụ sở cơ quan, đơn vị, địa phương; các địa điểm giải quyết thủ tục hành chính, địa điểm tiếp công dân; các phòng, ban, bộ phận, đơn vị trực thuộc hoặc phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã kiểm tra tại địa điểm khác có liên quan đối với các nội dung kiểm tra tại kế hoạch này.

 Thông qua kiểm tra nhằm rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình kế hoạch, kết luận, chỉ đạo của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố. Đôn đốc, hướng dẫn, chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố về tiến độ, hiệu quả, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực cải cách hành chính. Đánh giá những nội dung đã làm được, phát hiện kịp thời những sáng kiến kinh nghiệm, mô hình hiệu quả để có phương án nhân rộng mô hình trong toàn Thành phố. 

Bên cạnh đó, đánh giá những nội dung chưa làm được, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác CCHC, qua đó, xác định những vấn đề cần tập trung chỉ đạo hoặc bổ sung, điều chỉnh trong thời gian tiếp theo. Kết quả kiểm tra CCHC là căn cứ quan trọng xác định chỉ số CCHC các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã. (Vietq.vn 12/4, Bảo An)Về đầu trang

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống Mặt trận

Đi trước đón đầu công nghệ, tỉnh Thái Nguyên đã dành nhiều nguồn lực đầu tư, thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển; đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch hành động về chuyển đổi số trong hệ thống Mặt trận các cấp.

 Ông Phạm Thái Hanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng chương trình chuyển đổi số trong các cấp hệ thống Mặt trận nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến rõ nét trong hành động của tổ chức và cán bộ MTTQ các cấp về chủ trương, định hướng, mục tiêu chuyển đổi số. 

Việc làm này góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành của Ban Thường trực MTTQ các cấp nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian, linh hoạt trong công tác quản lý; đồng thời xây dựng được đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp thích ứng, chủ động với công cuộc chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ các cấp trong tỉnh, đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ chuyên trách MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ, phổ cập kỹ năng số, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ gắn với công tác Mặt trận. Trên 90% tổng số hồ sơ công việc của MTTQ cấp tỉnh; trên 80% tổng số hồ sơ công việc của MTTQ cấp huyện và trên 60% hồ sơ công việc của MTTQ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

 Bên cạnh đó, đầu tư trang thiết bị nâng cấp phòng họp trực tuyến của Uỷ ban MTTQ tỉnh; tích hợp kết nối liên thông phòng họp trực tuyến của Uỷ ban MTTQ tỉnh với các phòng họp trực tuyến theo đầu mối cấp tỉnh và hệ thống phòng họp trực tuyến dùng chung các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê, chuyên đề phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung. 100% dữ liệu văn bản của MTTQ cấp tỉnh và cấp huyện được số hóa, làm kho dữ liệu lưu trữ, tra cứu, phục vụ công tác.

 9/9 Ủy ban MTTQ cấp huyện xây dựng, đưa vào sử dụng trang thông tin điện tử hoặc tích hợp nội dung, giao diện riêng trong hệ thống Cổng thông tin điện tử của địa phương. 100% các thông tin, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện được cập nhật kịp thời trên Trang thông tin điện tử… (Daidoanket.vn 12/4, Tu Phương)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Đắk Nông: Khởi tố nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song

Ngày 12/4, ông Vũ Văn Sinh, Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông xác nhận, lãnh đạo Viện đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Song Lê Viết Sinh để điều tra, làm rõ hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Song Nguyễn Văn Phò cho biết Ủy ban Nhân dân huyện đã nhận được thông báo của cơ quan chức năng vào thứ 6 (ngày 9/4).

 Ủy ban Nhân dân huyện đã ra quyết định đình chỉ công tác ông Lê Viết Sinh để phục vụ công tác điều tra. Vào thời điểm bị đình chỉ công tác, ông Lê Viết Sinh là chuyên viên Văn phòng Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Song.

 Theo cơ quan chức năng, từ trong các năm từ 2014-2019, ông Lê Viết Sinh đã ký nhiều quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật; ký nhiều quyết định giao đất, giao rừng không đúng đối tượng theo quy định; buông lỏng công tác quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng… 

Đầu năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Sinh bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đắk Song, nhiệm kỳ 2015-2020. (TTXVN/VietnamPlus.vn 12/4, Hưng Thịnh)Về đầu trang

Vụ doanh nghiệp lấn vịnh ở Quảng Ninh: Xem xét kỷ luật loạt cán bộ xã

Để xảy ra sai phạm trong quản lý tài nguyên, đất đai, lơ là trong việc kiểm tra, giám sát cán bộ để xảy ra việc doanh nghiệp đổ lấn hơn 16.000 m2 ra vịnh Bái Tử Long, hàng loạt cán bộ xã Đông Xá, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) bị xem xét kỷ luật.

 Liên quan đến vụ Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đô thị Phương Đông (Công ty Phương Đông) đổ trộm, san lấp trái phép 16.000 m2 bãi triều vịnh Bái Tử Long (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đã quyết định giao Ban Thường vụ Huyện ủy Vân Đồn chỉ đạo tổ chức Đảng xem xét, đề nghị xử lý kỷ luật đối với các cá nhân theo thẩm quyền.

 Sau khi phân tích nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và kết quả khắc phục hậu quả, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh kết luận vi phạm, khuyết điểm của các ông Nguyễn Thành Sang (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Xá), Phạm Văn Thùy (Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xá) và Phạm Ngọc Sơn (cán bộ địa chính xã Đông Xá) đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

 Cụ thể, giai đoạn từ 2020 đến nay, ông Nguyễn Thành Sang với cương vị người đứng đầu cấp ủy và chính quyền xã đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quản lý đất đai, xây dựng; thiếu kiểm tra, giám sát cán bộ, Đảng viên, công chức được phân công phụ trách để xảy ra các vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn.

 Sau khi phân tích nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và kết quả khắc phục hậu quả, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh kết luận vi phạm, khuyết điểm của các ông Nguyễn Thành Sang (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Xá), Phạm Văn Thùy (Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xá) và Phạm Ngọc Sơn (cán bộ địa chính xã Đông Xá) đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

 Cụ thể, giai đoạn từ 2020 đến nay, ông Nguyễn Thành Sang với cương vị người đứng đầu cấp ủy và chính quyền xã đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quản lý đất đai, xây dựng; thiếu kiểm tra, giám sát cán bộ, Đảng viên, công chức được phân công phụ trách để xảy ra các vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn. (Tienphong.vn 12/4, Hoàng Dương)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Sẽ thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Báo chí châu Âu tuần qua có một số bài viết về nỗ lực thiết lập một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu chung cho toàn thế giới, nhằm ngăn các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế. Từ vài năm trở lại đây, dự án quốc tế này đã có những bước tiến dài và có thể trở thành hiện thực ngay trong mùa hè năm nay.

 Hà Lan là một trong 4 quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất thế giới nhờ tiếp tay cho các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế. Hà Lan cùng với Luxembourg, Thụy Sỹ và Anh có trách nhiệm đối với gần 45% tổng số tiền trốn thuế trên toàn thế giới.

 Báo chí Hà Lan tuần qua đã không viết quá nhiều về nỗ lực xoá bỏ tình trạng các công ty đăng ký ở một nước thuế thấp rồi tiến hành hoạt động kinh doanh kiếm lời tại những nước khác nhưng không đóng thuế cho những nước đó.

 Theo theo tờ Mặt trời 24h của Italy, năm 2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế công bố báo cáo khẳng định cách trốn thuế trên gây thiệt hại 427 tỷ USD mỗi năm.

 Báo cáo nhấn mạnh, nước Pháp thất thu khoảng 20 tỷ USD/năm, tương đương 3% tổng thu thuế quốc gia của nước Pháp. Nhưng thiệt hại lớn nhất vẫn là các quốc gia nghèo và đang phát triển. Sudan hay Cộng hòa Trung Phi thiệt hại đến hơn 1/4 tổng thu thuế quốc gia do thủ đoạn này của các tập đoàn đa quốc gia.

 Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đang chủ trì một cuộc đàm phán giữa 135 nước, đề xuất mức thuế tối thiểu cho các tập đoàn đa quốc gia ở mức 12,5%.

 Tờ Der Standard ra tại Áo tuần trước viết: "Áp đặt mức thuế tối thiểu sẽ làm giảm cạnh tranh về thuế giữa các quốc gia. Thay vì thu hút các công ty thông qua thuế suất thấp, các nước sẽ phải dựa vào các biện pháp khuyến khích cổ điển và thực chất như tạo dựng cơ sở hạ tầng tốt cho doanh nghiệp tới đầu tư".

 Theo tờ Le Figaro của Pháp, dự án thuế toàn cầu dựa trên 2 trụ cột. Thứ nhất là chia sẻ công bằng các khoản thuế thu được giữa quốc gia nơi công ty đặt trụ sở và quốc gia nơi công ty thu được lợi nhuận từ thị trường.

 Bài báo giải thích, việc nộp thuế sẽ không còn dựa vào nơi đăng ký doanh nghiệp, mà sẽ phụ thuộc vào mức độ hoạt động và doanh thu đạt được ở mỗi quốc gia. Chỉ riêng việc buộc các công ty kiếm lãi ở đâu thì phải đóng thuế ở đó sẽ mang lại cho các nước khoảng 80 tỷ USD/năm.

 Trụ cột thứ hai của dự án thuế toàn cầu là xác lập mức thuế tối thiểu chung cho toàn thế giới, biện pháp này sẽ mang về cho các nước thêm mỗi năm 100 tỷ USD. Dự án có thể thành hiện thực trước cuối tháng 6 do Quỹ Tiền tệ quốc tế và nhóm 20 cường quốc kinh tế ủng hộ, các nước lớn trong đó có Đức, Pháp và Mỹ đều tán đồng. (VTV.vn 12/4)Về đầu trang

Hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc rất thấp

Trong một lần hiếm hoi thừa nhận hiệu quả của vắc-xin phòng coronavirus do công ty Trung Quốc sản xuất rất thấp, một quan chức phụ trách kiểm soát dịch bệnh hàng đầu của nước này cho biết, chính phủ đang cân nhắc các phương án cải thiện tình hình.

 Theo tường thuật của hãng tin AP, tại một hội nghị hôm 10/4 ở thành phố Thành Đô, ông Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, nói “tỷ lệ bảo vệ của vắc-xin Trung Quốc không cao” .

 Bắc Kinh đã phân phối hàng trăm triệu liều vắc-xin phòng COVID -19 ở nhiều quốc gia trong khi tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của vắc-xin phương Tây.

 Ông Cao được dẫn lời nói: “Hiện các cơ quan chức năng đang xem xét chính thức liệu chúng ta có nên sử dụng các loại vắc-xin khác nhau từ các dây chuyền kỹ thuật khác nhau cho quá trình tiêm chủng hay không”.

 Tỷ lệ hiệu quả vắc-xin của Sinovac, một hãng dược Trung Quốc, theo các nhà nghiên cứu ở Brazil, chỉ đạt 50,4%. Trong khi đó, vắc-xin do hãng Pfizer của Mỹ sản xuất đã được chứng minh là có hiệu quả tới 97%.

 Bắc Kinh vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại vắc-xin nước ngoài nào để sử dụng ở Trung Quốc, nơi virus coronavirus xuất hiện từ cuối năm 2019.

 Ông Cao không đưa ra chi tiết về những thay đổi có thể có trong chiến lược nhưng đã nói đến mRNA, một kỹ thuật thử nghiệm trước đây được các nhà phát triển vắc-xin phương Tây sử dụng trong khi các nhà sản xuất thuốc của Trung Quốc sử dụng công nghệ truyền thống.

 “Mọi người nên xem xét những lợi ích mà vắc-xin mRNA có thể mang lại cho nhân loại”, ông Cao nói. “Chúng ta phải theo dõi một cách cẩn thận và không bỏ qua chúng chỉ vì chúng ta đã có một số loại vắc-xin rồi”.

 Ông Cao trước đây đã đưa ra câu hỏi về tính an toàn của vắc-xin theo phương pháp mRNA. Ông được Tân Hoa Xã dẫn lời hồi tháng 12/2020 rằng, ông không thể loại trừ tác dụng phụ tiêu cực vì các loại vắc-xin này mới được sử dụng lần đầu trên người khỏe mạnh. 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc, các blog khoa học và sức khỏe nổi tiếng cũng đã đặt câu hỏi về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin Pfizer, sử dụng phương pháp mRNA.

 Các chuyên gia nói việc sử dụng hỗn hợp vắc-xin hoặc tiêm chủng tuần tự có thể tăng tỷ lệ hiệu quả. Các cuộc thử nghiệm trên khắp thế giới đang xem xét việc phối trộn vắc-xin hoặc tiêm nhắc lại sau một khoảng thời gian dài hơn. Các nhà nghiên cứu ở Anh đang xem xét khả năng kết hợp vắc-xin Pfizer và AstraZeneca. (Tienphong.vn 12/4, Anh Minh)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More