Bản tin ngày 09-12-2021

Post date: 09/12/2021

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

tt

Tên bài/nội dung

Tên cơ quan báo chí và tác giả

Ghi chú

 
 

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

 

Quảng Bình vượt mốc 3000 ca Covid-19 từ trước đến nay. 4

Baoquangbinh.vn 09/12

 

Ngày 8/12 ghi nhận 14.599 ca mắc, 230 bệnh nhân COVID-19 tử vong. 4

Tienphong.vn 08/12; Dangcongsan.vn 08/12; VTC.vn 08/12; Suckhoedoisong.vn 08/12; Nhandan.vn 08/12

 

Ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, gia đình 6 người không rõ nguồn lây. 5

Thanhnien.vn 08/12, Trương Quang Nam

 

Xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 tại các nơi đông người 6

Laodong.vn 08/12, Lê Phi Long; Nhandan.vn 08/12

 

Quyết liệt thực hiện các biện pháp chống dịch tại Bố Trạch. 7

Baoquangbinh.vn 08/12, Hương Trà

 

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

 

Nhiều ý kiến thảo luận về công tác phòng, chống dịch và giải pháp phục hồi, phát triển KT-XH.. 8

Baoquangbinh.vn 08/12

 

KINH TẾ

 

Kinh tế nhiều địa phương bật tăng trong năm 2021. 9

Vov.vn 09/12

 

XÃ HỘI

 

Vụ người dân ấm ức vì bị "ngâm" sổ đỏ ở Quảng Bình: Huyện yêu cầu báo cáo. 10

Nld.com.vn 08/12, Hoàng Phúc

 

Quảng Bình chấn chỉnh việc lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, trục lợi 11

Nld.com.vn 09/12, Hoàng Phúc

 

Giải pháp phòng chống thiên tai cho người dân vùng lũ: Nhà phao bè nâng vùng lũ lên. 12

Nongnghiep.vn 09/12, Tâm Phùng - Công Điền; Nông nghiệp Việt Nam 09/12, tr15

 

Dịch sốt xuất huyết tăng mạnh khi dịch COVID-19 vẫn phức tạp. 14

Laodong.vn 08/12, Hữu Liều; Suckhoedoisong.vn 08/12

 

AN NINH – QUỐC PHÒNG

 

Kiểm tra, xử lý khai thác cát trái phép trong khu vực dự án điện gió. 15

Baoxaydung.com.vn 08/12, Nhất Linh

 

4 người bị kết án oan yêu cầu Tòa án bồi thường. 17

Cand.com.vn 08/12, Sông Lam-Lam Hồng

 

34 năm án oan của 5 nông dân ở Quảng Bình (Bài 2): Bán cả xe đạp để đi kêu oan. 18

Danviet.vn 08/12

 

Lực lượng vũ trang Quảng Bình bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt 20

Dangcongsan.vn 08/12, Anh Tuấn

 

I. Thông tin liên quan đến dịch COVID-19

1. Quảng Bình vượt mốc 3000 ca Covid-19 từ trước đến nay

(Baoquangbinh.vn 09/12)

Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 08-12 đến 6 giờ ngày 09-12), Quảng Bình ghi nhận thêm 56 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 47 ca cộng đồng, nâng tổng số ca từ trước đến nay lên 3.002 ca.

Mời xem nội dung chi tiết trong đường link dưới đây:

https://baoquangbinh.vn/thoi-su/202112/quang-binh-vuot-moc-3000-ca-covid-19-tu-truoc-den-nay-2196099/

Về đầu trang

2. Ngày 8/12 ghi nhận 14.599 ca mắc, 230 bệnh nhân COVID-19 tử vong

(Tienphong.vn 08/12; Dangcongsan.vn 08/12; VTC.vn 08/12; Suckhoedoisong.vn 08/12; Nhandan.vn 08/12)

Ngày 8/12, Bộ Y tế cho biết trong ngày ghi nhận 14.599 ca nhiễm mới với 4 ca nhập cảnh và 14.595 trường hợp trong nước (tăng 760 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành, có 8.322 ca trong cộng đồng.

Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh (1.475), Tây Ninh (874), Sóc Trăng (781), Bình Phước (747), Bến Tre (740), Đồng Tháp (725), Cần Thơ (676), Bà Rịa - Vũng Tàu (539), Vĩnh Long (525), Cà Mau (511), Khánh Hòa (489), Đồng Nai (461), Bình Dương (455), Trà Vinh (443), Bạc Liêu (438), Kiên Giang (422), Hà Nội (396), Tiền Giang (307), An Giang (279), Hải Phòng (265), Bình Thuận (262), Hậu Giang (248), Bình Định (234), Thanh Hóa (219), Nghệ An (197), Lâm Đồng (181), Bắc Ninh (173), Đà Nẵng (169), Thừa Thiên Huế (163), Gia Lai (135), Hà Giang (109), Đắk Nông (100), Ninh Thuận (87), Long An (77), Hưng Yên (72), Phú Yên (67), Quảng Nam (66), Nam Định (60), Quảng Ninh (56), Quảng Ngãi (44), Thái Nguyên (44), Hải Dương (44), Vĩnh Phúc (37), Phú Thọ (34), Thái Bình (33), Quảng Bình (29), Bắc Giang (25), Yên Bái (16), Quảng Trị (14), Tuyên Quang (14), Hòa Bình (10), Sơn La (9), Lào Cai (7), Hà Nam (5), Cao Bằng (3), Điện Biên (2), Lai Châu (1), Bắc Kạn (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-341), Cần Thơ (-222), Bình Dương (-190). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (+510), Bến Tre (+299), Kiên Giang (+193). Về đầu trang

https://tienphong.vn/ngay-8-12-ghi-nhan-14-599-ca-mac-230-benh-nhan-covid-19-tu-vong-post1399610.tpo

3. Ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, gia đình 6 người không rõ nguồn lây

(Thanhnien.vn 08/12, Trương Quang Nam)

Số ca nhiễm Covid-19 tại Quảng Bình tăng đột biến, trong đó tiếp tục có nhiều ca tại cộng đồng.

Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình cho hay, tính từ ngày 7.12 đến ngày 8.12, đã phát hiện 116 ca nhiễm Covid-19 trên toàn địa bàn tỉnh. Đây là số ca nhiễm nhiều đột biến tại tỉnh trong thời gian qua.

Trong đó có 38 ca nhiễm tại cộng đồng. Đáng chú ý, có 6 ca tại cộng đồng ở thôn Tân Sơn (xã Sơn Hóa, H.Tuyên Hóa) là người cùng gia đình. Cụ thể, vợ chồng anh C.T.H (25 tuổi) và chị T.A.T (23 tuổi) và 2 người con là C.T.B.N (3 tuổi) và C.T.K.D (gần 1 tuổi); ông C.T (57 tuổi, bố của anh C.T.H); cháu Đ.T.N.D (12 tuổi, cháu của ông C.T).

Trước đó, ngày 7.12, chị T. có biểu hiện sốt, nghẹt mũi nên đến Trạm Y tế xã Sơn Hóa khai báo và lấy mẫu test nhanh cho kết quả dương tính với Covid-19. Tiếp tục lấy mẫu những người thân và người có tiếp xúc gần thường xuyên với chị T. đều cho kết quả dương tính với Covid-19.

Trường hợp cháu Đ.T.N.D đang học lớp 7B, Trường THCS Sơn Hóa. Trước đó cháu có biểu hiện mệt mỏi, sốt nhẹ; có tiếp xúc với nhiều học sinh và giáo viên tại trường. Hiện vẫn chưa rõ nguồn lây Covid-19 của 6 người nói trên. Về đầu trang

https://thanhnien.vn/quang-binh-ca-nhiem-covid-19-tang-dot-bien-gia-dinh-6-nguoi-khong-ro-nguon-lay-post1409448.html

4. Xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 tại các nơi đông người

(Laodong.vn 08/12, Lê Phi Long; Nhandan.vn 08/12)

Trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có những diễn biến phức tạp. Lực lượng y tế sẽ tổ chức xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên để phát hiện người nhiễm SARS-CoV-2 tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như chợ, bến xe, siêu thị, cảng cá, cảng biển, trường học, khu vực đông dân cư…

Ngày 8.12, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Quảng Bình cho biết, sẽ tiến hành xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 tại các chợ, bến xe, ga tàu, cảng cá, nơi tập trung đông người trên địa bàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022.

Mục đích nhằm tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, không để dịch lây lan làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sức khỏe nhân dân, đồng thời để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, khu vực có nguy cơ cao, nhóm yếu thế, nơi tiềm ẩn khả năng trở thành ổ dịch, như trong cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.

Theo kế hoạch, lực lượng y tế sẽ xét nghiệm tất cả những người có biểu hiện triệu chứng lâm sàng như sốt, ho, khó thở, mất vị giác, mất khứu giác…; hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở lao động tự tổ chức xét nghiệm tại cơ sở để chủ động giám sát, phát hiện sớm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Cụ thể, lực lượng y tế tổ chức xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như chợ, bến xe, siêu thị, cảng cá, cảng biển, trường học, khu vực đông dân cư…; xét nghiệm định kỳ 7-10 ngày/lần cho đối tượng nguy cơ, di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người như ngư dân, thương nhân, người lao động tại cảng cá, cảng biển; người chạy xe môtô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper), lái xe...

Phương pháp xét nghiệm có thể bằng kỹ thuật RT-PCR mẫu đơn/mẫu nghiệm hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định.

Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong ngày 8.12, số ca bệnh đã tăng đột biến lên 116 ca.

Trong 2 tuần gần đây đã phát hiện 417 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 288 ca tại cộng đồng và trở về từ vùng dịch, 29 ca trong khu phong tỏa. Các ổ dịch mới xuất hiện rải rác ở các huyện, thị xã, thành phố, chủ yếu liên quan đến người về từ vùng dịch. Về đầu trang

https://laodong.vn/xa-hoi/quang-binh-xet-nghiem-tam-soat-sars-cov-2-tai-cac-noi-dong-nguoi-982469.ldo

5. Quyết liệt thực hiện các biện pháp chống dịch tại Bố Trạch

(Baoquangbinh.vn 08/12, Hương Trà)

Chiều 8-12, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Bố Trạch và kiểm tra thực tế việc xử lý phòng, chống dịch liên quan đến ổ dịch tại Công ty TNHH XNK Dalu Surimi (Công ty Dalu Surimi). Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Theo báo cáo của huyện Bố Trạch, Công ty Dalu Surimi đóng tại xã Thanh Trạch, ngành nghề kinh doanh, sản xuất, chế biến thủy, hải sản, với tổng số 276 công nhân hợp đồng và thời vụ, đa số quê huyện Quảng Trạch và Bố Trạch.

 

Ngay khi phát hiện ca dương tính với SARS-COV-2 đầu tiên tại Công ty Dalu Surimi, ngày 4-12, UBND huyện, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch huyện Bố Trạch đã làm việc với công ty, kịp thời tiến hành phong tỏa toàn bộ và phun khử khuẩn tại công ty; chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành test nhanh và lấy mẫu RT-PCR toàn bộ cán bộ, công nhân công ty; lấy mẫu sàng lọc cộng đồng một số vùng có nguy cơ cao và toàn bộ các thôn: Thanh Khê, Thanh Gianh, Tiền Phong (xã Thanh Trạch); chuyển các trường hợp dương tính đi điều trị...

Tính từ ngày 5-12 đến ngày 8-12-2021, số F0 tăng liên quan đến Công ty Dalu Surimi là 104 ca. Trong đó, 102 ca là công nhân của công ty (cụ thể: 23 ca phát hiện khi test nhanh dương tính và lấy mẫu RT-PCR tại công ty; 60 ca phát hiện trong khu cách ly tập trung Tiểu đoàn huấn luyện cơ động, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCH BĐBP) tỉnh; 18 ca trong khu phong tỏa của công ty; 1 ca tại xã Hạ Trạch (cách ly tại nhà); 2 ca là F1 của nhân viên công ty (ở tại thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch).

 

Huyện đã thiết lập 2 khu vực thu dung và điều trị F0, gồm: Phòng khám đa khoa khu vực Sơn Trạch và Tiểu đoàn huấn luyện cơ động, BCH BĐBP tỉnh.

Qua các ý kiến trao đổi giữa đoàn công tác và các ngành chức năng của huyện, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong lưu ý, qua tầm soát toàn tỉnh, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, số ca F0 chưa dừng lại.

 

Trước tình hình đó, Bố Trạch nói riêng cần xác định “chung sống” và chống dịch lâu dài, có sự chỉ đạo phù hợp để tránh trường hợp bị động. Huyện cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức để người dân thực sự “thích ứng an toàn” trong điều kiện dịch bệnh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, đối với ổ dịch tại Công ty Dalu Surimi, các ngành chức năng cần xem xét trách nhiệm, tùy theo mức độ để xử lý theo quy định đối với chủ doanh nghiệp; truy vết kịp thời F1 khi có F0, quyết liệt thực hiện các biện pháp để dập dịch nhanh. Huyện Bố Trạch cũng nghiên cứu triển khai thực hiện sớm mô hình cách ly F0 tại nhà; quan tâm tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho các trạm y tế xã, thị trấn... để phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh và phòng, chống dịch.

 

Về một số đề xuất cấp trang thiết bị phòng, chống dịch, Sở Y tế hứa sẽ hỗ trợ huyện một cơ số thuốc kháng virus, khẩu trang... trong thời gian sớm nhất; còn một số kinh phí liên quan, huyện đề xuất Sở Tài chính xem xét, giải quyết. 

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã đến kiểm tra và có sự chỉ đạo cụ thể tại khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 tại Tiểu đoàn huấn luyện cơ động, BCH BĐBP tỉnh (nơi cách ly tập trung trên 100 trường hợp là nhân viên công ty, trong đó có 78 F0, 33 F1); kiểm tra hoạt động tại Công ty Dalu Surimi (hiện đang cách ly 86 trường hợp trong khu vực phong tỏa tại công ty để duy trì hoạt động sản xuất). Về đầu trang

https://baoquangbinh.vn/thoi-su/202112/quyet-liet-thuc-hien-cac-bien-phap-chong-dich-tai-bo-trach-2196088/

II. Thời sự - Chính trị

1. Nhiều ý kiến thảo luận về công tác phòng, chống dịch và giải pháp phục hồi, phát triển KT-XH

(Baoquangbinh.vn 08/12)

Các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên họp

Các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên họp

Chiều 8-12, dưới sự điều hành của các đồng chí: Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Công Huấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Tân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, HĐND tỉnh tiếp tục nghe và thảo luận về các báo cáo, tờ trình và tiến hành công tác nhân sự.

Tham dự phiên họp có đồng chí: Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương…          

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến của các đại biểu đã tập trung vào nội dung phòng, chống dịch Covid-19 và các giải pháp phục hồi kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân sau đại dịch.

Hầu hết các ý kiến ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch và những kết quả quan trọng đã đạt được trong gần 2 năm qua. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng chỉ ra một số vướng mắc, hạn chế cần khắc phục. Trên cơ sở những kết quả đạt được, các bài học kinh nghiệm, đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể trong năm 2022 để thực hiện thành công “mục tiêu kép”.

Cũng tại phiên họp buổi chiều, HĐND tỉnh đã tiến hành công tác nhân sự. Cụ thể, HĐND tỉnh đã miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Đức Cường, Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế do chuyển công tác và bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế.

Ngày 9-12, sau các phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường, HĐND tỉnh tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Về đầu trang

https://baoquangbinh.vn/thoi-su/202112/nhieu-y-kien-thao-luan-ve-cong-tac-phong-chong-dich-va-giai-phap-phuc-hoi-phat-trien-kt-xh-2196084/ 

III. Kinh tế   

1. Kinh tế nhiều địa phương bật tăng trong năm 2021

(Vov.vn 09/12)

Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhiều địa phương trong cả nước vẫn có mức tăng trưởng kinh tế dương, đã chuyển trạng thái thích ứng hiệu quả khi vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế.

Quảng Bình thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán. Cụ thể trong năm 2021, tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Bình đạt gần 6.500 tỷ đồng, vượt dự toán được giao; sản xuất nông nghiệp được mùa; công nghiệp duy trì tăng trưởng; hàng hóa đảm bảo nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp; Tổng sản phẩm bình quân đầu người không đạt kế hoạch. Có 8/21 chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu không đạt kế hoạch đề ra, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm; thu nhập của doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng. Về đầu trang

https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-nhieu-dia-phuong-bat-tang-trong-nam-2021-910350.vov

IV. Xã hội    

1. Vụ người dân ấm ức vì bị "ngâm" sổ đỏ ở Quảng Bình: Huyện yêu cầu báo cáo

(Nld.com.vn 08/12, Hoàng Phúc)

Dù khu vực đất được chính xã quy hoạch bán đấu giá, nhưng nhiều hộ dân ở Quảng Bình ấm ức vì bỏ tiền mua nhiều năm vẫn chưa thể sang tên, đổi chủ… vì "lệch" bản đồ so với hồ sơ địa chính; tuy nhiên xã "chây ì" giải quyết.

Ngày 8-12, Văn phòng UBND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện này, đã có văn bản chỉ đạo UBND xã Liên Trường khẩn trương kiểm tra, xác minh và báo cáo sự việc hàng chục hộ dân mua đất quy hoạch nhưng bị "ngâm" sổ đỏ nhiều năm liền.

Động thái trên đưa ra, sau khi Báo Người Lao Động và một số cơ quan báo chí có bài viết "Khốn khổ vì sổ đỏ bị "ngâm" nhiều năm" - phản ánh tình trạng nêu trên đang xảy ra tại UBND xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch; gây bức xúc cho người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, trong ngày mai (9-12), huyện sẽ tổ chức cuộc làm việc giữa lãnh đạo UBND huyện và UBND xã Liên Trường cùng các phòng, ban liên quan để tìm hướng giải quyết những tồn tại, vướng mắc cho người dân.

Như Báo Người Lao Động phản ánh, hàng chục hộ dân mua 17 lô đất quy hoạch tại khu vực Động Nghè thuộc thôn Thu Trường (xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch) - dù đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng, có chứng thực của UBND xã nhưng nhiều năm nay họ vẫn chưa nhận được sang tên, đổi chủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ - sổ đỏ).

Nhiều năm liền, các hộ dân "gõ cửa" UBND xã Liên Trường nhưng chưa được giải quyết. Lý do mà UBND xã này đưa ra là khu vực đất bị vướng thủ tục do tọa độ bản đồ bị "lệch" so với hồ sơ địa chính; bởi hiện trạng có thay đổi so với thời điểm quy hoạch.

Trong khi đó, ông Phan Trung Nam, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Quảng Trạch, cho rằng trách nhiệm chính của việc này thuộc UBND xã Liên Trường. Bởi ngay khi phát hiện bản đồ bị sai lệch, địa phương này phải sớm có báo cáo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Trạch để phòng này tham mưu, xin ý kiến UBND huyện Quảng Trạch mở cuộc họp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng xem hồ sơ lưu, nhằm có hướng xử lý, điều chỉnh; sớm giải quyết những vướng mắc thủ tục cho người dân. Về đầu trang

https://nld.com.vn/thoi-su/vu-nguoi-dan-am-uc-vi-bi-ngam-so-do-o-quang-binh-huyen-yeu-cau-bao-cao-20211208140537739.htm

2. Quảng Bình chấn chỉnh việc lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, trục lợi

(Nld.com.vn 09/12, Hoàng Phúc)

Theo phản ánh tại Quảng Bình, thời gian qua, không ít trường hợp lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, trục lợi và hoạt động trái pháp luật; gây bức xúc cho các cơ quan đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Ngày 9-12, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết vừa ban hành công văn về việc chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện nghiêm việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại công văn trước đó mà tỉnh này ban hành vào ngày 2-7; về việc tăng cường công tác phát ngôn, cung cấp thông tin và xử lý thông tin báo chí; kiên quyết không hợp đồng truyền thông, quảng cáo khi có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí sách nhiễu, trục lợi.

Trường hợp phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu thì các cơ quan đơn vị, địa phương cần lưu lại bằng chứng; kịp thời báo cho cơ quan chức năng để nắm bắt, xử lý theo quy định.

UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí; thực hiện trách nhiệm quản lý, kiểm tra hoạt động của Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn theo quy định; chủ động phát huy thẩm quyền được giao tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản để xử lý nghiêm hành vi vi phạm; kể cả đối với hoạt động của cơ quan báo chí Trung ương trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, nhiều đơn vị, địa phương và doanh nghiệp tại Quảng Bình phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động, thời gian qua, có một số cơ quan báo chí, tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp địa phương.

Đáng chú ý, một số cơ quan báo chí, phóng viên, cộng tác viên có hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Trong số đó, có nhiều phóng viên, CTV của các Tạp chí đến từ các tỉnh như: Nghệ An, Hà Tĩnh vào Quảng Bình hoạt động với nhiều cách thức gây phiền hà cho địa phương, doanh nghiệp, gây sức ép bằng cách liên tục gọi điện, nhắn tin nhằm trục lợi. Về đầu trang

https://nld.com.vn/thoi-su/quang-binh-chan-chinh-viec-loi-dung-danh-nghia-bao-chi-de-sach-nhieu-truc-loi-20211209110954401.htm

3. Giải pháp phòng chống thiên tai cho người dân vùng lũ: Nhà phao bè nâng vùng lũ lên

(Nongnghiep.vn 09/12, Tâm Phùng - Công Điền; Nông nghiệp Việt Nam 09/12, tr15)

Là vùng đất ngập sâu và người dân luôn chạy lên núi tránh lũ thì bây giờ, xã Tân Hóa đã bình an khi lũ ngập mái nhà nhờ nhà phao bè…

Ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa - Quảng Bình) cho biết: “Toàn xã Tân Hóa có hơn 700 hộ dân với  trên 3.000 nhân khẩu. Trong đó, các hộ gia đình cơ bản đều làm nhà phao bè, hiện xã có 620 nhà nên khi lũ lớn cũng yên tâm hơn”.

Tự bao đời nay, người dân xã Tân Hóa đều “tự hào” mà nói rằng đây là rốn lũ của cả đất nước. Ông Đinh  Văn Thắng  (80 tuổi, ở Tân Hóa) cho hay, năm nào cũng có lũ. Cứ mưa là lũ về. Lũ cao vượt lên mái nhà. “Có năm, nóc nhà còn ngập sâu trong lũ đến hơn 2 m. Rứa thì có nơi mô lũ hơn vậy không”- ông Thắng nhớ lại.

Do địa thế của Tân Hóa là nằm giữa thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi. Nước từ thượng nguồn đổ về khi mưa lớn thì làng xã mau chóng ngập trong biển nước. Nhiều cái chết thương tâm vì mưa lũ. Có những năm, mưa lũ về đến 4-5 lần. Nước lũ dùng dằng không rút, ngâm cả tháng trời. Cây cối, hoa màu chết úng rũ lá. Vì vậy mà người dân Tân Hóa phải “sống chung với lũ”. Trẻ con lên 4, lên 5 là đã biết bơi lội trong lũ. Nhà gỗ được làm cao hơn vùng khác và có mái rầm để tránh lũ. Trên mái ngói, hai đầu hồi được trổ cửa xem như cửa thoát hiểm. Khi lũ ngập nhà thì lên rầm sinh sống. Khi lũ ngập mái nhà thì ra ở cửa đầu hồi xuống đò bơi lên núi.

Theo kinh nghiệm, cứ đến qua nửa tháng 7, đầu tháng 8 (âm lịch) là người dân Tân Hóa rục rịch chuẩn bị chống lũ. Bà con lo gạo, thực phẩm, củi lửa… để dự phòng cho cả tháng trời. Nhiều gia đình vào rừng chặt cây chuối lớn mang về kết bè để đi lại và chống lũ lớn. Những vạt đất cao ở phần chân núi cũng được chọn để làm nơi đóng lán trại sinh sống và nuôi nhốt trâu, bò, vật nuôi trong những ngày lũ vượt mái nhà.

Từ những chiếc bè phao kết bằng thân cây chuối, cây bương rừng rừng, người dân Tân Hóa đã sáng tạo nên  kiểu “nhà vượt lũ” để an tâm trước mỗi mua lũ đến. Ồng Cao Thanh Đá, một người già của vùng lũ cho biết, kể từ năm 2010, lụt ngập rất sâu, một số gia đình dùng thùng phi, phao kết chắc lại rồi lướt ván sàn lên. “Bây giờ ngập nhà có rầm (gác rầm sát mái nhà), ngập rầm có nhà phao bè, cho nên đảm bảo an toàn cho người và tài sản”- ông Đá nói.

Nhà tránh lũ được thiết kế và làm khá kiên cố. Bên dưới được kết, đỡ bằng hàng chục thùng phi nhựa. Sàn nhà, cột kèo được làm bằng gỗ. Xung quanh mái được chắn, lợp bằng tôn. Mỗi nhà phao có diện tích trên 20 m2 (tùy theo điều kiện kinh tế từng gia đình mà thiết kế rộng hay hẹp). Khi nước lũ dâng cao tới đâu thì ngôi nhà cũng nổi lên theo.  Cũng nhiều gia đình làm nhà phao rộng, có phòng ngủ riêng, có nơi bán hàng. Khi không có lũ, nhà được sử dụng như một quầy bán hàng tạp hóa. Khi lũ lên, cũng thành nơi sinh hoạt của cả nhà và phục vụ hàng hóa cho bà con. Nhà phao bè thường nằm ở vị trí trước sân nhà, sát với nhà lớn, cũng là nơi chứa những vật dụng khi cần.

Ông Cao Ngọc Châu (xã Tân Hoá) cho biết, mỗi nhà phao bè có giá thành từ 30 - 60 triệu đồng. Ngôi nhà như chiếc áo phao cứu mạng của bà con. “Có nhà phao bè, bà con chủ động đối phó, nếu lũ kéo dài nhiều ngày thì người dân có thể nấu ăn, sinh hoạt và nghỉ ngơi ngay trên nhà chống lũ”- ông Châu giảng giải.

Trong đợt mưa lũ lớn cuối năm 2020, cả xã Tân Hóa như một biển nước. Lũ dâng cao 4-6 mét, vượt qua mái nhà lớn. Nhưng chuyện ngập cũng chẳng mấy gây khốn khó cho người dân ở đây.

Ông Trương Văn Thành (thôn Cổ Liêm, xã Tân Hoá) ngồi trong nhà phao nhìn ra ngóng theo dòng lũ. Mấy hôm trước, mưa liên tục làm nước dâng cao ngập hết các khe suối, giao thông bị chia cắt. Sợ nước lũ bất ngờ đổ về trong đêm, ông thu dọn hết đồ đạc chuyển đến nơi khô ráo. Riêng đàn gia súc, gia cầm, ông Thành lùa lên xe để chở đi lánh nạn ở lán trại trên núi cao. Còn áo quần, thuốc men, nhu yếu phẩm, củi đun… ông đưa lên cất ở nhà phao tránh lũ. “Trời mưa gió, nước lũ lên nên gia đình đưa đồ lên nhà chống lũ. Mấy đứa nhỏ thì đã đưa lên khu trại cao trên núi. Trên đó có chỗ ở, ăn uống sinh hoạt bình thường. Nên giờ, lũ có lên cao mấy cũng chẳng sao hết”- ông Thành tự tin

Căn nhà phao của ông Trương Xuân Tâm (ở thôn Yên Thọ, xã Tân Hóa) đang nổi lên theo con nước lũ, cách mặt đất hơn 4m. “Hôm trước, thấy trời mưa lớn, có khả năng gây lũ lớn nên gia đình tôi đem những vật dụng có giá trị và chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và yên tâm sinh sống trong những ngày mưa lũ này”, ông Tâm tự tin.

Để sinh hoạt thoải mái, ông kết thêm một phao bè nữa rồi cho tủ bàn, xe máy, xe đạp điện của con lên đó rồi chằng néo cẩn thận. Làm xong ông bảo: “Lũ cao mấy cũng chẳng ngán. Lũ hạ rút thì tháo dỡ ra thôi. Hôm qua, mấy người trong thôn còn bơi thuyền đến đây ngồi uống trà nữa mà”.

Không chỉ là mọi người dân chủ động phòng tránh lũ, chính quyền xã Tân Hóa cũng đã đưa vào nghị quyết hàng năm về nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Lãnh đạo xã đã đi khảo sát những vùng đất cao sát chân núi rồi đầu tư làm nền móng chắc chắn để khi mưa lũ là che lều bạt di dời nhân dân lên tránh lũ an toàn. Ngoài ra, có những vùng được quy hoạch để làm nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Những nơi đó có đường lên núi để người dân tranh thủ bứt cỏ, chặt lá cho trâu bò ăn. Toàn xã có 6 thôn thì đều quy hoạch 6 vùng rộng, cao ở chân núi để bà con đưa đàn gia súc, gia cầm lên nuôi nhốt trong những ngày lũ lớn.

Theo ông Trương Thanh Duẫn, trong lũ lớn năm ngoái, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương và người  dân Tân Hóa đã chủ động đưa đàn trâu, bò hơn 3.000 con lên vùng cao để trú tránh lũ. “Nếu lũ ngâm hơn tháng trời thì người dân Tân Hóa phải cần cứu trợ lương thực, thực phẩm. Trong thời gian hai chục ngày thì chắc chắn không phải lo lắng việc gì”- ông Duẫn nói chắc.

Ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hoácho rằng, trước đây, Tân Hóa là nơi lo lắng nhất của huyện khi mưa lũ về. Đến nay, nhờ có nhà phao và chủ động tránh lũ đã cho người dân sự an tâm lớn. “Những năm qua nhà phao nổi cơ bản phát huy được tác dụng, hỗ trợ bà con phòng chống thiên tai đặc biệt là lũ lụt. Một số hộ nghèo, gia đình khó khăn được chính quyền hỗ trợ. Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ, xây nhà nổi tránh lũ cho Tân Hóa và một số địa phương khác”- ông Lĩnh nói thêm.

Nhờ các nhà hảo tâm và các cơ quan, đoàn thể hỗ trợ, người dân Tân Hóa đã có đủ nhà phao bè để chống lũ. Khi có lũ lớn thì nhà nào cũng đã chuẩn bị đồ đạc, quần áo, chăn màn xuống nhà phao bè để sinh hoạt. Còn lại gần trăm nóc nhà do ở vị trí sát chân núi cao nên lũ khó ngập nên không sắm nhà phao bè. Nếu  lúc ngập quá thì bà con có chỗ trú an toàn ở những điểm đã được quy hoạch làm nơi tránh lũ.

Rốn lũ Tân Hóa bây giờ đã không còn hốt hoảng khi lũ đến. Hiệu quả từ nhà phao bè cũng đã được lan tỏa ra nhiều địa phương khác. Bà con đã học tập và làm theo kiểu sáng tạo của bà con Tân Hóa mà an tâm trước mỗi mùa mưa lũ. Về đầu trang

https://nongnghiep.vn/nha-phao-be-nang-vung-lu-len-d309996.html

4. Dịch sốt xuất huyết tăng mạnh khi dịch COVID-19 vẫn phức tạp

(Laodong.vn 08/12, Hữu Liều; Suckhoedoisong.vn 08/12)

Nhằm đẩy mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết, tỉnh Quảng Bình đang chủ động phòng chống, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Ngày 8.12 tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 243 ca số xuất huyết. Trong đó, một số huyện có số ca mắc cao như huyện Bố Trạch 80 ca, huyện Lệ Thủy 65 ca… Đặc biệt, có 62 trường hợp là trẻ em và chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do dịch sốt xuất huyết.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành công văn về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân 2021-2022. Yêu cầu các đơn vị thực hiện hiện nghiêm chỉnh, quyết liệt, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận được với dịch vụ y tế, những nơi đã từng có ổ dịch cũ và tỉ lệ tiêm chủng chưa cao.

Với mục tiêu khống chế tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng, cùng với đó là đẩy mạnh công tác phòng chống sốt xuất huyết, CDC Quảng Bình đã phối hợp với các Trung tâm Y tế huyện, thành phố chủ động giám sát các ca bệnh, điều tra muỗi, lăng quăng để nắm được sự biến động về các chỉ số vector truyền bệnh tại các vùng trọng điểm, từ đó đưa ra những biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Đồng thời, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch để tránh trường hợp dịch sốt xuất huyết bùng phát trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Về đầu trang

https://laodong.vn/xa-hoi/quang-binh-dich-sot-xuat-huyet-tang-manh-khi-dich-covid-19-van-phuc-tap-982525.ldo

V. Pháp luật - An ninh quốc phòng  

1. Kiểm tra, xử lý khai thác cát trái phép trong khu vực dự án điện gió

(Baoxaydung.com.vn 08/12, Nhất Linh)

quang binh kiem tra xu ly khai thac cat trai phep trong khu vuc du an dien gio

Quảng Bình yêu cầu kịp thời xử lý việc khai thác cát trái phép của cá nhân, tổ chức trong khu vực dự án điện gió B&T.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành công văn yêu cầu kiểm tra, xử lý việc khai thác cát trái phép trong khu vực dự án Cụm trang trại điện gió B&T tại huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Công văn nêu rõ, để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép trong khu vực Cụm trang trại điện gió B&T trên địa bàn huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường theo quy định.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Quảng Ninh, UBND huyện Lệ Thủy, cơ quan chức năng tổ chức nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, điều tra, xử lý nghiêm minh đối tượng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép và phá hoại, làm hư hỏng công trình hạ tầng, tài sản của dự án, nhằm đảm bảo an ninh trật tự.

Ngoài ra, yêu cầu UBND các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý theo đúng quy định pháp luật; chỉ đạo UBND các xã có dự án Trang trại điện gió tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản đến thôn, xóm.

Vận động người dân địa phương không khai thác, thu mua, lưu trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; thực hiện nghiêm phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

Thực hiện giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh hoặc khi nhận được thông tin chỉ đạo từ cơ quan cấp trên; trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Công ty Cổ phần Điện gió B&T có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc thi công công trình của các nhà thầu; thông báo bằng văn bản cho địa phương UBND các xã nơi thi công về vị trí, phương tiện khai thác, vận chuyển khối lượng cát trong quá trình thực hiện dự án và khi kết thúc dự án để địa phương biết quản lý.

Phải cắm đầy đủ các mốc giới theo phạm vi khu vực đất của dự án đã được UBND tỉnh cấp, tổ chức quản lý, bảo vệ không để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực được phép hoạt động khoáng sản.

Khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép phải báo ngay cho UBND cấp huyện, cấp xã nơi xảy ra sự việc và cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý.

Liên quan đến vấn đề này, từng trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Liệu - Chủ tịch UBND xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) cho biết: Gần đây, tại địa phương có xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, ở khu vực vắng người, sát các dự án hạ tầng. Các đối tượng dùng máy múc bánh lốp để múc cát cho phương tiện chở đi. Qua tin báo của nhân dân, lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi các đối tượng này, để xử lý nghiêm minh.

Để kịp thời ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép, đề nghị Công ty Cổ phần Điện gió B&T tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, giám sát, bảo vệ đất đai, khoáng sản, tài sản, công trình trong khu vực dự án.

Được biết, dự án Cụm trang trại điện gió B&T có tổng công suất 210MW, được đầu tư bởi Công ty Cổ phần Điện gió B&T là Công ty con của Công ty Cổ phần AMI AC Renewables, thuộc Tập đoàn Ayala, Philippine. Dự án này có diện tích 2.244ha, trên địa bàn ven biển 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Về đầu trang

https://baoxaydung.com.vn/quang-binh-kiem-tra-xu-ly-khai-thac-cat-trai-phep-trong-khu-vuc-du-an-dien-gio-321528.html

2. 4 người bị kết án oan yêu cầu Tòa án bồi thường

(Cand.com.vn 08/12, Sông Lam-Lam Hồng)

Cách đây 34 năm, 5 người đàn ông ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình bị TAND huyện Bố Trạch kết tội “trộm cắp tài sản XHCN”. Mới đây, 5 người được minh oan và 4 người mang án oan đã yêu cầu Tòa án bồi thường hơn 12 tỷ đồng.

Vụ án xảy ra vào năm 1988, khi TAND huyện Bố Trạch, Quảng Bình đưa 5 người ra xét xử về tội “trộm cắp tài sản XHCN” gồm: ông Đinh Xuân Hồ, ông Hoàng Trọng Lưu, ông Trần Văn Ổn, ông Đinh Xuân Kỳ và ông Đinh Xuân Tạo.

Sở dĩ 5 người này bị đưa ra xét xử là do cơ quan chức năng ở huyện Bố Trạch cho rằng 5 người này đã cắt khóa của kho nông sản của HTX mua bán xã Liên Trạch lấy trộm 187kg lạc và 34kg tiêu hạt. Theo đó, ông Đinh Xuân Hồ bị tuyên phạt 36 tháng tù, ông Hoàng Trọng Lưu 24 tháng tù, 2 ông Trần Văn Ổn và ông Đinh Xuân Kỳ cùng chịu 18 tháng tù, ông Đinh Xuân Tạo bị cảnh cáo.

Sau khi Tòa tuyên án, trừ ông Đinh Xuân Tạo còn lại cả 4 người đều viết đơn kháng cáo kêu oan. Do đó, năm 1989, TAND tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu do không có chứng cứ đối chiếu, và các bị cáo đều kêu oan…

Đến năm 1990, TAND huyện Bố Trạch, Quảng Bình tiếp tục mở lại phiên tòa sơ thẩm lần 2 và vẫn giữ nguyên tội danh “trộm cắp tài sản XHCN” đối với 5 bị cáo, đồng thời tăng mức án nặng hơn.

Các bị cáo tiếp tục kêu oan, viết đơn kháng cáo. Sau đó, tòa án cấp trên đã thụ lý và cũng quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm lần 2 của TAND huyện Bố Trạch. Lý do: Vụ án có tính chất phức tạp, một số hồ sơ, tài liệu bị thất lạc, không được lưu đầy đủ và có hệ thống; phần chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của một số bị cáo chưa vững chắc mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể bổ sung được. Hội đồng xét xử phúc thẩm đã rút hồ sơ giao cho Viện Kiểm sát nhân dân và Công an tỉnh điều tra bổ sung, truy tố, xét xử sơ thẩm ở cấp tỉnh.

Qua hơn 1 năm điều tra bổ sung nhưng không đủ cơ sở chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo, năm 1991, Cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ vụ án. Sau đó, những người bị kết án oan đã nhiều năm làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu phục hồi danh dự, nhân phẩm cho họ.

Ngày 12/11, tại trụ sở UBND xã Liên Trạch, TAND huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai để phục hồi nhân phẩm, danh dự cho 5 người mang án oan trong suốt 34 năm qua. Hiện, ông Đinh Xuân Hồ đã 60 tuổi, Hoàng Trọng Lưu (66 tuổi), ông Đinh Xuân Kỳ (66 tuổi), Trần Văn Ổn (67 tuổi); ông Đinh Xuân Tạo (đã mất).

Mới đây, 4 người mang án oan đã yêu cầu TAND huyện Bố Trạch bồi thường hơn 12 tỉ đồng. Cụ thể, ông Đinh Xuân Hồ đã yêu cầu bồi thường số tiền hơn 2,9 tỷ đồng vì những tổn thất tinh thần, sức khỏe và kinh tế khi ông phải chịu án oan suốt 34 năm qua. Ông Hoàng Trọng Lưu yêu cầu bồi thường 2 tỷ đồng; ông Trần Văn Ổn yêu cầu bồi thường gần 3 tỷ đồng và ông Đinh Xuân Kỳ yêu cầu bồi thường hơn 4,5 tỷ đồng. Về đầu trang

https://cand.com.vn/ban-tin-113/4-nguoi-bi-ket-an-oan-yeu-cau-toa-an-boi-thuong--i637313/

3. 34 năm án oan của 5 nông dân ở Quảng Bình (Bài 2): Bán cả xe đạp để đi kêu oan

(Danviet.vn 08/12)

Sau những ngày tháng bị tạm giam, xử lên xử xuống, 5 nông dân mang án oan ở Quảng Bình lại bước vào hành trình kêu oan gần như cạn kiệt sức lực chỉ với một niềm tin và mong muốn được rửa oan, trả lại danh dự cho bản thân và gia đình.

Ông Đinh Xuân Hồ (SN 1961, ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), một trong 5 nông dân mang án oan ở Quảng Bình nói: "Gia đình tôi giàu truyền thống cách mạng, bố và anh trai là liệt sỹ chống Mỹ, mẹ tôi là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Lúc quy tội, tôi là Đảng viên, đại biểu HĐND xã, kế toán Hợp tác xã mua bán xã Liên Trạch. Sinh mệnh của cả một con người mà lúc đấy họ đã làm quá ẩu".

"Trải qua nhiều lần xét xử, tôi vẫn mang án "Trộm cắp tài sản XHCN". Tôi bị khai trừ khỏi Đảng và cách chức kế toán trưởng Hợp tác xã mua bán Liên Trạch. Con cái tôi bị xã hội coi thường, còn tôi bị khinh bỉ, họ xem tôi là tội phạm, trộm cắp tài sản của nhà nước cơ mà.

Chỉ một suy nghĩ tơ tưởng một đồng một hào của Nhà nước tôi cũng không dám tơ tưởng nghĩ đến nói gì tới hành vi trộm cắp tài sản.

Đáng buồn hơn, vì án oan của tôi mà con tôi gặp nhiều biến cố. Đứa con trai đầu của tôi học Trường Đại học An ninh nhân dân ra rồi ở lại làm việc, làm được gần 10 năm, lên đến thượng úy rồi nhưng khi xác minh lý lịch, họ ghi là cha Đảng viên bị khai trừ, khiến con tôi 3 lần không kết nạp Đảng được và phải viết đơn ra khỏi ngành. Đến giờ con tôi vẫn chưa có ai kết nạp Đảng lại được" – ông Hồ rớt nước mắt.

"Thời điểm đó, gia đình có mỗi chiếc xe đạp là tài sản giá trị nhất cũng phải bán đi để có tiền đi kêu oan. Những lần đi kêu oan, tôi phải đùm cơm nắm theo, ngủ vật vờ ngoài đường, vỉa hè mong lá đơn được cơ quan chức năng xem xét. Nhưng suốt một thời gian dài không có hồi âm, tôi tuyệt vọng và nhiều lúc lãng quên đi để còn sống tiếp" – ông Hồ nói.

Còn ông Trần Văn Ổn (SN 1954, ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), nhớ lại: "Hết 136 ngày tạm giam, tôi trở về nhà trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, toàn thân da bong tróc hết. Bước vào căn nhà thấy trống không, con cái nheo nhóc không có gì ăn, tôi mới chạy vội ra chợ mua nợ thức ăn về cho con tôi".

"Sau đó, qua nhiều cấp xét xử, vụ án được đình chỉ điều tra, tôi tưởng rằng mình và các anh em khác sớm được minh oan, trả lại sự trong sạch. Nhưng không ngờ, cái án ăn cắp tài sản XHCN cứ treo lơ lửng. Cuộc đời tôi từ đó rơi vào khốn cùng" – ông Ổn nói.

"Suốt 34 năm mang án oan, tôi và gia đình mất mát đủ thứ, không dám đối diện với xã hội. Bản thân tôi oan ức, tâm lý luôn bất ổn nên thường xuyên ốm đau. Đến bây giờ, căn bệnh ung thư trong người tôi đã chuyển sang giai đoạn cuối thì mới nhận được lời xin lỗi công khai từ cơ quan chức năng" – ông Đinh Xuân Kỳ tiếp lời ông Ổn.

Còn ông Hoàng Trọng Lưu (SN 1955, ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), nguyên là cán bộ thủ quỹ Hợp tác xã mua bán Liên Trạch, khi quy kết là đồng phạm tích cực trong vụ án "Trộm cắp tài sản XHCN", ông bị cách hết chức vụ.

"Suốt 34 năm qua, cuộc sống của tôi và gia đình cơ cực lắm. Trong nhà có gì đáng giá là bán hết để cùng ông Hồ, ông Ổn, ông Kỳ đi kêu oan. Buồn thay, từng lá đơn cứ gửi đi nhưng ròng rã mấy chục năm qua chúng tôi không nhận được phản hồi. Sự việc nhiều năm sau tưởng chừng rơi vào quên lãng" – ông Lưu nói.

Cả 4 nông dân án oan còn sống này nhớ lại, sau thời gian tạm giam, tất cả được tại ngoại về gia đình và chờ ngày xét xử.

Năm 1988, TAND Bố Trạch xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Đinh Xuân Hồ 36 tháng tù giam, Hoàng Văn Lưu 24 tháng tù giam, Trần Văn Ổn và Đinh Xuân Kỳ cùng chịu 18 tháng tù giam, Đinh Xuân Tạo bị cảnh cáo. Tất cả nông dân án oan viết đơn kêu cứu.

Năm 1989, TAND tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) xét xử phúc thẩm vụ án và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu do không thu thập được chứng cứ đầy đủ mà chủ yếu dựa vào lời khai. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo lại không nhận tội và không có chứng cứ đối chiếu.

Năm 1990, TAND huyện Bố Trạch mở phiên tòa sơ thẩm lần hai. Tòa giữ nguyên tội danh "Trộm cắp tài sản XHCN" đối với 5 bị cáo; còn tuyên tăng mức án nặng hơn. Các bị cáo tiếp tục kêu oan.

Tại tòa cấp trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm rút hồ sơ giao cho cơ quan công an cấp tỉnh điều tra bổ sung, truy tố, xét xử. Qua điều tra, xác minh củng cố chứng cứ thấy không có cơ sở chứng minh các bị can phạm tội nên Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

Đây có thể xem là bước ngoặt với kỳ án này, cơ hội cho những nông dân thật thà, chân chất này nhìn thấy một tia hy vọng trong hành trình được rửa oan của mình... Về đầu trang

https://danviet.vn/34-nam-an-oan-cua-4-nong-dan-o-quang-binh-bai-2-ngay-tro-ve-nha-cua-xac-xo-20211208001412998.htm

4. Lực lượng vũ trang Quảng Bình bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt

(Dangcongsan.vn 08/12, Anh Tuấn)

Ngày 8/12, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị quân chính nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và huấn luyện chiến đấu năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Tham dự có các đồng chí: Đại tá Lê Văn Vỹ, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4; Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Thượng tá Đoàn Sinh Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh chủ trì hội nghị.

Theo Báo cáo tại Hội nghị, năm 2021, hoạt động của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã bám sát nhiệm vụ, triển khai đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, thực hiện tốt các nội dung, kế hoạch đề ra.

Tình hình tư tưởng cán bộ, chiến sỹ ổn định; đội ngũ cán bộ các cấp phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; chấp hành nghiêm kỷ luật và bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt.

Bên cạnh giữ vững ổn định địa bàn, LLVT tỉnh đã duy trì hiệu quả phong trào thi đua quyết thắng, phát động các phong trào, đợt thi đua cao điểm, thi đua đặc biệt chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước, quân đội và quê hương.

“Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện hoàn thành công tác tuyển quân bảo đảm 100% chỉ tiêu được giao, an toàn, đúng luật; tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ huyện Minh Hóa và diễn tập phòng, chống cháy rừng - tìm kiếm cứu nạn thị xã Ba Đồn; tham mưu, phối hợp tổ chức chu đáo, trang trọng Hội thảo khoa học cấp quốc gia và các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, báo cáo nêu rõ.

Chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT tỉnh được tăng cường, công tác hậu cần, tài chính, kỹ thuật được quan tâm triển khai đồng bộ, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ và nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được cũng như khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, huấn luyện chiến đấu năm 2021.

Hội nghị đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 về công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; công tác quân sự, hậu cần, kỹ thuật và nhiệm vụ công tác Đảng, công tác chính trị, công tác phòng, chống dịch COVID-19…

Dịp này, Bộ CHQS tỉnh và đồng chí Đại tá Đinh Xuân Hướng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen với thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp; 2 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, toàn LLVT tỉnh có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua quyết thắng năm 2021 được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tặng cờ đơn vị xuất sắc, danh hiệu đơn vị quyết thắng và danh hiệu chiến sỹ thi đua. Sau đó, Bộ CHQS tỉnh đã phát động phong trào thi đua quyết thắng năm 2022. Về đầu trang

https://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/luc-luong-vu-trang-quang-binh-bao-dam-an-toan-tuyet-doi-ve-moi-mat-599183.html

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More