Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 13-12-2021

Post date: 14/12/2021

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

  1. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế làm tốt hơn truyền thông chống dịch. 1
  2. Tiêm vắc-xin Covid-19 có xu hướng giảm, Bộ Y tế nhắc địa phương tiêm mũi 3. 2
  3. Xuất hiện học sinh là F0, không vội đóng cửa trường học. 3
  4. Hà Nội lại lập kỷ lục mới với gần 900 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ. 4
  5. Bình Phước không có ca mắc sau một ngày có số ca COVID-19 kỷ lục?. 4
  6. Ca mắc mới ở Đà Nẵng tăng cao kỷ lục, hơn gấp đôi đỉnh dịch đợt 4. 5
  7. Hải Phòng: F0 phải tự trả chi phí điều trị nếu không thực hiện tiêm vaccine COVID-19  6
  8. Người nước ngoài đã tiêm đủ 2 liều vaccine đến Đồng Nai chỉ cần cách ly 7 ngày. 6
  9. Quảng Trị thu hồi văn bản xin trả lại vắc xin vì “không đúng theo chỉ đạo”. 7

CÁCH LÀM HAY CHỐNG DỊCH COVID-19. 7

  1. TPHCM: Ứng dụng công nghệ trong quản lý, chăm sóc F0 tại nhà. 7
  2. Long An: Mô hình lưu trú khắc phục khó khăn cho công nhân, tránh lây lan dịch bệnh  8

CHÍNH SÁCH MỚI 9

  1. Cách tính tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2022. 9

CHỈ THỊ MỚI 10

  1. Ban Bí thư nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức. 10

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 11

  1. Sẽ sớm có chính sách phát triển công nghệ cao. 11
  2. Doanh nghiệp khổ vì hải quan “đòi” kiểm hóa sau khi thông quan. 12

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN.. 12

  1. Đủ cơ sở và niềm tin vào lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. 12

QUẢN LÝ.. 13

  1. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khắc phục tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc. 13
  2. Vĩnh Phúc: 100% cán bộ, viên chức không tổ chức Lễ Giáng sinh trực tiếp. 14

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 15

  1. Bộ GTVT phấn đấu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công. 15
  2. Khai trương trung tâm điều hành đô thị thông minh đầu tiên tại Đồng Tháp. 16

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 17

  1. Bộ trưởng Tài chính “thúc” tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. 17

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 18

  1. Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị mức án 8 - 10 năm tù. 18
  2. Hải Phòng: Hàng loạt cán bộ bị đình chỉ công tác để điều tra. 18
  3. Tây Ninh: Tạm đình chỉ công tác Viện trưởng VKSND thị xã Trảng Bàng. 19

THẾ GIỚI 19

  1. Tử vong tăng ở Nam Phi, nơi đầu tiên công bố Omicron, chuyện gì đã xảy ra?. 19

 

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế làm tốt hơn truyền thông chống dịch

Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 9058/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đồng chí Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch COVID-19.

Công văn nêu rõ: Để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế rút kinh nghiệm để chủ động chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt hơn công tác truyền thông trong phòng chống dịch COVID-19.

Đồng thời, có giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục tình trạng không ít cán bộ y tế đang nghỉ việc, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, tổ chức lễ tôn vinh và khen thưởng các thầy thuốc trong tháng 12/2021.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành Công văn số 9072/VPCP-KGVX ngày 11/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc thông tin, hướng dẫn về thuốc điều trị COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn về các loại thuốc, các biện pháp để người dân có thể mua, sử dụng theo đúng quy định và an toàn các loại thuốc không kê đơn có tác dụng điều trị tại nhà các triệu chứng thông thường, nhẹ do nhiễm virus COVID-19. (VTV.vn 12/12)Về đầu trang

Tiêm vắc-xin Covid-19 có xu hướng giảm, Bộ Y tế nhắc địa phương tiêm mũi 3

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19.

Bộ Y tế cho biết Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 từ đầu tháng 3-2021, đến sáng 10-12, sau hơn 9 tháng triển khai, đã có hơn 131 triệu liều vắc-xin được sử dụng, nhiều tỉnh thành phố đã đạt được độ bao phủ vắc-xin Covid-19 cao cho những đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Cục Y tế dự phòng, những ngày gần đây tiến độ tiêm của cả nước có xu hướng giảm nhiều, tỉ lệ sử dụng vắc-xin/số vắc-xin phân bổ của nhiều địa phương còn thấp trong khi tỉ lệ bao phủ vắc-xin cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên chưa cao (dưới 85%).

Để tăng cường công tác tiêm chủng, đảm bảo đạt tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản trong năm 2021, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các nội dung, cụ thể:

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền), đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với những địa phương đã đạt được độ bao phủ vắc-xin cao cho người từ 18 tuổi trở lên cần rà soát kĩ lại các đối tượng tiêm, tổ chức tiêm vét để tránh bỏ sót đối tượng và triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Các địa phương lập danh sách, xây dựng kế hoạch và triển khai việc tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho những người đã tiêm đủ liều cơ bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Những người thuộc đối tượng phải tiêm liều bổ sung thì sau khi tiêm liều bổ sung được coi là hoàn tất liều cơ bản.

Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố xây dựng nhu cầu vắc-xin tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để kịp thời phân bổ vắc-xin.

Kiểm tra, giám sát tình hình triển khai tiêm chủng tại địa phương và rà soát số lượng vắc-xin đã được phân bổ để chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp nhận vắc-xin và triển khai tiêm chủng kịp thời.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị, vắc-xin được phân bổ không có nhu cầu sử dụng, các địa phương cần báo cáo ngay về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để điều phối, tránh xảy ra tình trạng thừa vắc-xin hoặc không kịp sử dụng phải hủy bỏ gây lãng phí.

Trước đó, Bộ Y tế liên tục có các văn bản đôn đốc, nhắc các địa phương đẩy nhanh tiêm chủng trong tháng 12 đạt bao phủ vắc-xin cả 2 mũi cho người trên 18 tuổi, lên kế hoạch tiêm mũi bổ sung, tăng cường cho các đối tượng đã tiêm đủ liều. (Người lao động 11/12, D.Thu)Về đầu trang

Xuất hiện học sinh là F0, không vội đóng cửa trường học

Đó là nhận định của PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y về việc xử lí khi xuất hiện học sinh là F0 trong trường học.

Sau thời gian dài tạm dừng đến trường, ưu tiên phòng, chống dịch bệnh, Hà Nội đã cho phép toàn bộ học sinh khối 9 của 18 huyện, thị xã ngoại thành và học sinh lớp 12 toàn thành phố được đi học trực tiếp.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 2 trường là Trường THCS Minh Cường, huyện Thường Tín, và Trường THCS Tri Thuỷ, huyện Phú Xuyên, tạm thời dừng học trực tiếp sau khi ghi nhận học sinh mắc COVID-19.

Riêng tại quận Đống Đa, trong 14 ngày vừa qua, ghi nhận 1.336 F0 cộng đồng, chuyển sang cấp độ dịch 3 tức "nguy cơ cao". Các trường THPT trên địa bàn quận tạm dừng đến trường từ thứ hai tuần sau (ngày 13.12).

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, việc xử lí khi xuất hiện F0 trong trường học cần được thực hiện linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể.

“Trong 1 trường học, khi xuất hiện F0, cần nhanh chóng khoanh vùng, truy vết các trường hợp F1 để tiến hành khử khuẩn lớp học, đồng thời xét nghiệm, theo dõi sức khỏe. Nếu học sinh F0 chỉ liên quan đến lớp học thì toàn bộ học sinh lớp đó được xem là F1. Khi đó, cần khoanh vùng lớp học, cho F0 cách ly điều trị tại nhà hoặc đưa F0 đi điều trị, xét nghiệm.

Đồng thời, theo dõi sức khỏe các trường hợp F1 tại nhà theo thời gian quy định của Bộ Y tế. Các lớp học còn lại tiếp tục dạy học bình thường. Nếu vì một lí do nào đó, trường hợp F0 tiếp xúc với các lớp học khác, tiếp tục điều tra, truy vết. F0 tiếp xúc đến đâu khoanh vùng và xử lí gọn đến đấy” – ông Phu phân tích.

Bên cạnh đó, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, phía các nhà trường không nên quá hoảng loạn, bối rối trong cách xử lí F0 trong trường học. Tránh tình trạng chỉ xuất hiện 1,2 ca F0 mà phong tỏa, đóng cửa toàn bộ trường học gây tâm lí hoang mang cho phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Liên quan đến thông tin quận Đống Đa chuyển từ cấp độ dịch 2 sang cấp độ dịch 3, PGS Trần Đắc Phu cho rằng: “Dù 1 quận được đánh giá mức độ dịch cấp độ 3 nhưng không phải tất cả phường, xã thuộc quận đều ở mức nguy cơ cao của dịch bệnh. Do đó, việc mở cửa đón học sinh cần thực hiện linh động theo tình hình thực tế. Trường học ở khu vực phường, phố thuộc vùng an toàn vẫn có thể tổ chức đón học sinh đến trường với điều kiện thực hiện nghiêm các quy định an toàn khi đón học sinh do Bộ GDĐT tạo ban hành”.

Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam cho hay, khi trường học có F0, F1, Quảng Nam chỉ tổ chức cách ly lớp học có ca nhiễm, khử khuẩn, truy vết các trường hợp liên quan chứ không đóng cửa cả trường.

Hướng dẫn của TP.HCM khi phát hiện có F0 trong trường học cũng quy định rất rõ: “Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh, khử khuẩn lớp và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp đó (F1), còn các lớp học khác hoạt động bình thường”.

Tương tự, tại tỉnh Bắc Ninh, khi cơ sở giáo dục xuất hiện ca nhiễm COVID-19 (F0), tùy vào tình hình thực tế, thực hiện phong tỏa tạm thời toàn bộ cơ sở giáo dục hoặc khu vực những nơi F0 từng đến, ở, đi qua (phòng học, hành lang, nhà vệ sinh...). Cách ly tạm thời F0 tại trường, đảm bảo an toàn trong quá trình cách ly. Lập danh sách và phối hợp đưa F1 đi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. (Laodong.vn 12/12, Tường Vân)Về đầu trang

Hà Nội lại lập kỷ lục mới với gần 900 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ

Với 895 ca, TP Hà Nội tiếp tục lập kỷ lục số ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ. Trước đó, con số lớn nhất Hà Nội ghi nhận trong 1 ngày là 863 ca.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc mới từ 18h ngày 11/12 đến 18h ngày 12/12 là 895 ca bệnh, trong đó: cộng đồng (357), khu cách ly (472), khu phong tỏa (66).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 18.448 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 6.902 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 11.546 ca. (Baogiaothong.vn 12/12, Phùng Tuệ An)Về đầu trang

Bình Phước không có ca mắc sau một ngày có số ca COVID-19 kỷ lục?

Sau một ngày chạm ngưỡng ca mắc COVID-19 kỷ lục, Bình Phước ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó với 1.164 ca, bằng số ca mắc ngày 11-12. Điều này đồng nghĩa với việc hôm nay Bình Phước không ghi nhận ca nào.

Bản tin về tình hình chống dịch được Bộ Y tế phát tối 12-12 cho biết tính từ 16h ngày 11-12 đến 16h ngày 12-12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 cả nước ghi nhận 14.638 ca nhiễm mới (trong đó 17 ca nhập cảnh, 9.377 ca trong cộng đồng), giảm 1.483 ca so với ngày trước đó.

Trong 58 địa phương ghi nhận ca mắc COVID-19, TP.HCM vẫn là nơi có số ca mắc cao nhất với 1.216 ca, kế đến là Hà Nội với 980 ca. 12/12 cũng là ngày mà Tây Ninh ghi nhận có số ca mắc cao nhất được công bố chính thức từ trước đến nay với 920 ca.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó đặc biệt có tỉnh Bình Phước, giảm 1.164 ca, bằng với số ca mắc kỷ lục vào ngày 11-12. Điều này đồng nghĩa với việc hôm nay tỉnh Bình Phước không ghi nhận ca mắc COVID-19 nào, theo công bố chính thức từ Bộ Y tế.

Điều này khá bất ngờ, bởi theo thống kê số ca mắc tại Bình Phước trong 6 ngày gần nhất đều có chiều hướng tăng, cụ thể ngày 11-12 (1.164 ca), 10-12 (579 ca), 9-12 (631 ca), 8-12 (747 ca), 7-12 (640 ca) và 6-12 (637 ca).

Trước đó trong bản tin cập nhật tình hình COVID-19 của Bộ Y tế tối 11-12 cho biết trong 24 giờ Bình Phước ghi nhận 1.164 ca mắc, chỉ đứng sau TP.HCM với 1.441 ca. Đây là số ca mắc cao nhất được ghi nhận trong 24 giờ tại Bình Phước kể từ đầu mùa dịch đến nay. (Tuoitre.vn 12/12, Hoàng Lộc – A Lộc)Về đầu trang

Ca mắc mới ở Đà Nẵng tăng cao kỷ lục, hơn gấp đôi đỉnh dịch đợt 4

Trong ngày 12-12 Đà Nẵng ghi nhận 442 ca mắc COVID mới. Đây là số ca mắc mới ghi nhận trong ngày cao nhất từ trước đến nay tại thành phố này, nhiều hơn gấp đôi so với đỉnh dịch đợt 4.

Chiều 12-12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng cho biết trong ngày ghi nhận tổng cộng 442 ca mắc mới. Trong đó có 304 ca đang cách ly, 32 ca trong khu phong tỏa, 106 ca chưa cách ly.

Hầu hết các ca mắc mới được ghi nhận trong ngày đều là F1 của các F0 là công nhân Công ty Matrix (đóng tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Công ty Matrix là đơn vị đã phát hiện ra cùng lúc hơn 100 ca mắc mới vào những ngày trước đó.

Tại buổi làm việc với quận Liên Chiểu, ông Nguyễn Văn Quảng, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đánh giá dịch diễn ra ở những nơi có nguy cơ cao như chợ, khu công nghiệp, khu dân cư, đồng thời tốc độ gia tăng của F0 cao hơn đợt dịch trước.

Điều này cho thấy sự chủ quan của người dân trong việc tuân thủ quy định "5K" dẫn đến lây lan nhanh. Một phần hiện nay do không còn thực hiện các biện pháp hành chính mạnh như trước khi thành phố chuyển sang điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả…

Ông Quảng yêu cầu quận Liên Chiểu phải xác định mục tiêu quan trọng thời gian tới là kiểm soát, kiềm chế sự gia tăng của dịch bệnh. Do vậy đã yêu cầu quận Liên Chiểu tập trung dập các ổ dịch hiện có, ngăn chặn sự lây lan ra diện rộng.

Trong đó phải tập trung xử lý triệt để các khu phong tỏa nhằm sàng lọc hết F0, tiếp tục rà soát lại các đối tượng chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhất là người có nguy cơ cao. (Tuoitre.vn 12/12, Trường Trung)Về đầu trang

Hải Phòng: F0 phải tự trả chi phí điều trị nếu không thực hiện tiêm vaccine COVID-19

Từ ngày 1/1/2022, các trường hợp F0 không có chống chỉ định tiêm phòng COVID-19 nhưng không thực hiện tiêm vaccine phải tự chi trả phí điều trị.

Kết luận tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp rà soát, lập danh sách các trường hợp chưa được tiêm vaccine (bao gồm cả các trường hợp lao động vãng lai trên địa bàn thành phố), gửi về Sở Y tế để tổng hợp, tổ chức tiêm vaccine dứt điểm trong tháng 12/2021. Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố dừng việc tiếp nhận lao động chưa được tiêm vaccine.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm việc cách ly F1 và điều trị F0 đủ điều kiện tại nhà. Các bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện dã chiến (sẽ được thành phố cân nhắc phương án thành lập bổ sung trong thời gian tới) chỉ sử dụng để điều trị bệnh nhân trung bình và nặng.

Từ ngày 1/1/2022, các trường hợp F0 không có chống chỉ định tiêm phòng COVID-19 nhưng không thực hiện tiêm vaccine phải tự chi trả phí điều trị. Thành phố kêu gọi toàn dân tự trang bị các thiết bị test thử, máy đo nồng độ oxy SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) để tự xét nghiệm khi cần thiết và chủ động trong việc tự kiểm tra sức khỏe.

Chủ tịch UBND TP đồng ý thành lập Trạm y tế lưu động tại các khu, cụm công nghiệp nhưng phải đảm bảo khu vực để bố trí cách ly F1 và điều trị F0 tại chỗ. Giao UBND các quận, huyện phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Sở Công Thương triển khai thực hiện.

Yêu cầu các quận, huyện thực hiện đúng mô hình của Trạm y tế lưu động, chỉ hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, không phải là cơ sở điều trị tập trung. Linh hoạt, chủ động trong việc bố trí địa điểm phù hợp, bảo đảm hiệu quả hoạt động của các Trạm y tế lưu động. (VTV.vn 12/12, Hồng Nhung)Về đầu trang

Người nước ngoài đã tiêm đủ 2 liều vaccine đến Đồng Nai chỉ cần cách ly 7 ngày

Đồng Nai đã đồng ý giảm thời gian cách ly đối với người nước ngoài đã tiêm đủ 2 liều vaccine từ 14 ngày xuống còn 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo. Đây là quyết định được đưa ta theo kiến nghị của 2 doanh nghiệp địa phương về thời gian cách ly tập trung đối với các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào tỉnh.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản về việc giảm thời gian cách ly, điều trị F0, cách ly F1 tại nhà trên địa bàn tỉnh từ 14 ngày xuống còn 7 ngày. Đây là quyết định để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp và giải quyết được tình hình thiếu lao động vào thời điểm cuối năm.

Trước đó, chiều 8/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ Y tế và các bộ, ngành về rà soát công tác phòng, chống dịch COVID-19 liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải ban hành hướng dẫn mới về việc cách ly, theo dõi sức khoẻ đối với người nhập cảnh vào Việt Nam chậm nhất trước ngày 15/12, trên tinh thần tương tự như đối với người từ vùng dịch đến các địa phương khác ở trong nước.

Cụ thể: Người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ tự cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà với thời gian bảo đảm an toàn dịch bệnh. Người chưa tiêm vaccine phải có cơ sở cách ly trong nước với thời gian, điều kiện tốt nhất, thuận lợi cho người dân. Các địa phương cũng phải tăng tốc tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho công dân. (VTV.vn 11/12)Về đầu trang

Quảng Trị thu hồi văn bản xin trả lại vắc xin vì “không đúng theo chỉ đạo”

Tối 12-12, Sở Y tế Quảng Trị xác nhận vừa có văn bản hỏa tốc thu hồi văn bản xin trả lô vắc xin trong diện quá hạn đã ban hành trước đó.

Lý do được cơ quan này đưa ra là vì trong quá trình soạn thảo có nhiều nội dung không đúng theo chỉ đạo.

Văn bản xin thu hồi được sở này gửi hỏa tốc đến Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và "mong được chấp thuận".

Trước đó, Sở Y tế Quảng Trị có tờ trình gửi hai cơ quan nói trên xin không sử dụng và đề nghị Bộ Y tế thu hồi lô vắn xin mà bộ đã cấp cho Quảng Trị để tiêm cho lứa tuổi 12 - 17. Lô vắc xin này của Hãng Pfizer có hạn sử dụng ghi trên bao bì là 30-11-2021, nhưng sau đó được Bộ Y tế cho gia hạn sử dụng đến 28-2-2022.

Lý do được sở này đưa ra là vì kết quả khảo sát được Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị thực hiện với nhóm tuổi này cho thấy có đến 94% số người không đồng ý tiêm. Sở Y tế Quảng Trị cũng đề nghị Bộ Y tế thu hồi và có phương án sử dụng khác để tránh lãng phí.

Cũng theo Sở Y tế Quảng Trị, ngoài việc đa số người trong độ tuổi không đồng ý tiêm, thì tỉnh Quảng Trị cũng đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, trong đó có nữ sinh lớp 12, tử vong sau 7 ngày tiêm loại vắc xin này. (Tuoitre.vn 12/12, Quốc Nam)Về đầu trang

CÁCH LÀM HAY CHỐNG DỊCH COVID-19

TPHCM: Ứng dụng công nghệ trong quản lý, chăm sóc F0 tại nhà

Ứng dụng đã kết nối F0 với đội ngũ y tế và lãnh đạo chính quyền các cấp, giúp việc chăm sóc được tối ưu hóa.

Mỗi ngày, sau khi nhận được thông tin F0 báo qua điện thoại hoặc trên trang Hóc Môn trực tuyến, các nhân viên y tế tại trạm sẽ phối hợp UBND xã - thị trấn xuống nhà của F0 lấy thông tin, xét nghiệm, chăm sóc và phát thuốc.

Sau đó, khi về trạm, các nhân viên y tế chỉ cần nhập dữ liệu vào ứng dụng quản lý, chăm sóc F0 tại nhà. Khi hệ thống đã xử lý thông tin, tại Sở Chỉ huy phòng chống dịch, các tình nguyện viên sẽ là những người theo dõi, chăm sóc các bệnh nhân từ xa.

Ngoài 46 trạm y tế lưu động cùng 95 tổ chăm sóc F0, huyện Hóc Môn đã huy động 240 tình nguyện viên là giáo viên chuyên gọi, tư vấn, chăm sóc cập nhật lên phần mềm. Việc chăm sóc và cập nhật dữ liệu được thực hiện liên tục.

Việc xử lý thông tin được tự động hóa và có nhiều tính năng như: tự động xác định ca bệnh nặng, trung bình, nhẹ, cảnh báo chuyển viện, nhắc việc theo dõi, thăm khám hàng ngày. Như vậy ứng dụng đã kết nối F0 với đội ngũ y tế và lãnh đạo chính quyền các cấp, giúp việc chăm sóc được tối ưu hóa.

Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng Phòng Y tế huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh - cho biết: "Kết quả là 10 ngày qua, số ca nhập viện ít, số ca chuyển nặng không nhiều, sức khỏe người dân được cải thiện. Nếu có ca nặng thì được chuyển viện kịp thời. Huy động được cả một hệ thống tham gia hỗ trợ cho F0, giảm tải được cho nhân viên y tế".

Sắp tới, huyện dự kiến sẽ mở rộng nhiều tính năng của ứng dụng như: Đội ngũ y bác sỹ tại các phòng khám và các nhóm bác sỹ đồng hành tình nguyện chăm sóc F0 và tư vấn sức khỏe sau điều trị, người thân và bệnh nhân F0 có thể đánh giá việc chăm sóc bệnh của các bác sỹ, sổ theo dõi sức khỏe của người dân trên địa bàn huyện Hóc Môn.

Mời xem chi tiết trong video đính kèm tại link sau:

https://vtv.vn/xa-hoi/tp-ho-chi-minh-ung-dung-cong-nghe-trong-quan-ly-cham-soc-f0-tai-nha-20211212174453118.htm

(Kênh VTV1 – Thời sự 16h ngày 12/12)Về đầu trang

Long An: Mô hình lưu trú khắc phục khó khăn cho công nhân, tránh lây lan dịch bệnh

 Tại tỉnh Long An, có một mô hình lưu trú cho công nhân phần nào khắc phục được khó khăn cho công nhân và những bất cập trong phòng chống dịch bệnh.

Không gian chật hẹp dễ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh là những điểm bất cập của các khu nhà trọ cho công nhân. Khu nhà trọ không đủ điều kiện cách ly F1, điều trị F0 tại nhà cũng gây khó khăn cho công nhân và doanh nghiệp.

Bỏ ra 2,1 triệu đồng mỗi tháng, chị Nguyễn Thùy Dương (công nhân Công ty CP Hiệp Phú, khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An) được vào ở phòng trọ 40m² ngay tại khu lưu trú công nhân Long Hậu, tỉnh Long An. Trong suốt đợt dịch vừa qua, dù không đi sản xuất nhưng chị Dương vẫn bám trụ được tại tỉnh Long An để chờ đi làm trở lại. Gần 3.000 công nhân tại khu lưu trú cho công nhân Long Hậu đã tiếp tục đi làm trở lại một phần là nhờ các chính sách tại khu lưu trú như thế này.

Tại mỗi khu lưu trú, ngoài các phòng trọ giá rẻ, công nhân được hưởng nhiều tiện ích kèm theo như không gian thoáng mát, siêu thị, nhà trẻ, phòng tập gym, sân bóng đá… Đặc biệt, trong đợt dịch bệnh vừa qua, doanh nghiệp ở tỉnh Long An đã giảm được chi phí chống dịch, vừa tránh được khủng hoảng nhân lực khi thực hiện mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến" và "3 tại chỗ" bởi có công nhân đồng loạt sinh sống tại nhà lưu trú.

Trong đợt dịch bệnh vừa qua, tỉnh Long An đã phải huy động một lượng lớn người và chi phí để di dời, giãn cách công nhân tại các nhà trọ chật hẹp tới nơi thoáng mát nhằm thuận tiện cho phòng chống dịch bệnh. Tỉnh Long An đã phê duyệt chủ trương đầu tư 15 dự án nhà ở công nhân. Trong đó, có 2 khu lưu trú tại khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, góp phần gỡ nút thắt giữ chân và chăm lo cho người lao động. (VTV.vn 11/12)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Cách tính tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2022

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 108/2021/NĐ-CP về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/1/2022.

Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo Thông tư Hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 108 của Chính phủ. Dự thảo Thông tư đang được lấy ý kiến các cá nhân, tổ chức có liên quan góp ý, sau đó Bộ LĐTB&XH sẽ hoàn thiện và ban hành.

Dự thảo Thông tư nêu rõ 2 đối tượng áp dụng hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng là: các đối tượng quy định tại các điểm a, b và điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 108 hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/1/2022; các đối tượng quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 108 hưởng lương hưu trước ngày 1/1/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng dưới 2,5 triệu đồng/tháng.

Dự thảo cũng quy định từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này được tăng thêm 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021.

Cụ thể, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng từ tháng 1/2022 bằng mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp tháng 12/2021 x 1,074%.

Từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng của các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này cũng được điều chỉnh.

Theo đó, đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng sau điều chỉnh bằng mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng trước điều chỉnh cộng 200.000 đồng/tháng.

Với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng từ trên 2,3 triệu đồng/người/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh bằng 2,5 triệu đồng/tháng.

Bộ LĐTB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo sở LĐTB&XH và các cơ quan chức năng có liên quan tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm triển khai thực hiện việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 108/2021/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư.

Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân có trách nhiệm triển khai việc điều chỉnh trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Thông tư đối với đối tượng thuộc diện quản lý. (VTV.vn 12/12)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Ban Bí thư nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Ban Bí thư ký Chỉ thị số 11-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022.

Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu tập trung nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong cả nước và tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình phụ trách; hạn chế tối đa tổ chức các hoạt động tập trung đông người để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Ban Bí thư cũng lưu ý việc phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp. Đặc biệt, chăm lo, thăm hỏi các gia đình có người thân, trẻ em có cha mẹ mất do dịch COVID-19, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết…

Lãnh đạo các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể, cân nhắc thận trọng, quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bảo đảm tiết kiệm, an toàn, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Ban Bí thư cũng yêu cầu không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp uỷ, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.

Ban Bí thư chỉ đạo không dự các lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi.

Thực hiện nghiêm Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quy định về những điều đảng viên không được làm.

Chỉ thị của Ban Bí thư yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.

Tăng cường công tác dự báo và quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hoá, dịch vụ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá hàng hoá tăng cao bất thường để thu lợi bất chính…

Cùng với đó, Ban Bí thư cũng lưu ý, chú trọng công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp xảy ra, không để bị động, bất ngờ; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc... (Baogiaothong.vn 11/12, Phùng Tuệ An)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Sẽ sớm có chính sách phát triển công nghệ cao

Chính phủ và Quốc hội tới đây sẽ ban hành chính sách quốc gia về phát triển công nghệ cao, trong đó có các loại pin. Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khởi công Nhà máy Sản xuất Pin VinES tại khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh vào chiều 12/12.

Đánh giá cao Vingroup đang chuyển sang lĩnh vực công nghệ cao, tham gia trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu và hiện đại hóa nền kinh tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, con người, tri thức và khoa học - công nghệ có vị trí trung tâm trong mô hình tăng trưởng bền vững dài hạn. Đây là chìa khóa để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, đạt tăng trưởng kinh tế cao và vươn lên sự thịnh vượng của quốc gia, dân tộc.

Chủ tịch nước cho rằng cùng với chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ, cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ, thu hút, trọng dụng nhân tài và tạo cơ chế khuyến khích, cơ chế hợp tác công tư trong phát triển các công nghệ tiên phong. Bên cạnh đó, cần phải có những tiêu chuẩn công nghệ, tiêu chế kỹ thuật cụ thể cho những ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên để định hướng đầu tư cho doanh nghiệp và định hướng chi tiêu công. (VTV.vn 12/12)Về đầu trang

Doanh nghiệp khổ vì hải quan “đòi” kiểm hóa sau khi thông quan

Ngày 11.12, trên các diễn đàn về xuất nhập khẩu, hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp logistics than trời vì quy định được coi là “vẽ thêm việc làm cho công chức hải quan” và “đội thêm quá nhiều chi phí cho doanh nghiệp nhập khẩu” - đối tượng đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch qua các công văn mới đây của Tổng cục Hải quan.

Cụ thể, ngày 6.12, Tổng cục Hải quan ban hành công văn 5718 về triển khai phân hệ V. tái xuất, quá thời hạn trên Hệ thống quản lý trực ban gửi hải quan các địa phương. Trong đó, tại Mục III của công văn yêu cầu các lô hàng doanh nghiệp đã làm thủ tục hải quan, nhưng lưu giữ tại kho bãi, cảng, cửa khẩu quá thời gian 30 ngày, 60 ngày, 90 ngày, làm thủ tục vận chuyển độc lập đến cảng đích hoặc đã thông quan, giải phóng hàng, đưa hàng về bảo quản, yêu cầu cục hải quan các tỉnh thành thực hiện kiểm tra thực tế lại và báo cáo, hồ sơ về cho Tổng cục Hải quan trước khi cho đưa hàng về.

Trước đó, ngày 9.11, Tổng cục Hải quan cũng ban hành công văn 5306 quy định hàng đến kho bãi, cảng, cửa khẩu quá 30 ngày, 60 ngày, 90 ngày chưa làm thủ tục hải quan, yêu cầu các chi cục hải quan phải thực hiện soi chiếu hàng hóa và có báo cáo hằng ngày về Tổng cục Hải quan; chuyển luồng kiểm tra thực tế hàng hóa và sao gửi hồ sơ báo cáo về Tổng cục. Hàng sau kiểm tra thực tế phải có văn bản báo cáo và sao gửi toàn bộ hồ sơ liên quan lô hàng gửi về Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý về hải quan) để được hướng dẫn trước khi thông quan.

Đơn cử, Công ty N.K.P mở tờ khai tại cảng Cát Lái (Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP.HCM) từ ngày 1.12, nhưng vướng không lấy hàng về được do công văn 5306 quy định hàng lưu tại cảng quá 90 ngày. Trong công văn giải trình của doanh nghiệp này cho biết, 2 lô hàng về cảng từ giữa và cuối tháng 8 - thời điểm TP.HCM giãn cách tăng cường toàn xã hội, sản xuất và kinh doanh ngưng trệ, kho bảo quản đông lạnh của công ty không đủ chỗ chứa, buộc lòng doanh nghiệp phải để hàng tại cảng. “Công ty đã chật vật thương lượng với đối tác cho trả nợ chậm, xin giảm tối đa chi phí phát sinh quá lớn. Nhưng hàng làm thủ tục xong, hồ sơ chờ ý kiến của Tổng cục Hải quan không biết khi nào có kết quả”, đại diện công ty than thở.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đến nay, hiện có rất nhiều doanh nghiệp đang vướng thông quan hàng theo 2 công văn trên.

Rõ ràng, các quy định mới của ngành hải quan đang đi ngược chủ trương của Chính phủ về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khôi phục kinh tế sau đại dịch. (Thanhnien.vn 12/12, Nguyên Nga)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Đủ cơ sở và niềm tin vào lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3 ngày 11.12, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một cam kết mạnh mẽ, đó là sau một năm, chuyển đổi số sẽ mang lại kết quả "giúp cho người dân hạnh phúc, đất nước phát triển".

 

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra nguy cơ: Cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, đại dịch COVID, phục hồi kinh tế... Và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết: "Nếu ngày này năm sau Thủ tướng đến diễn đàn, mà không nhìn thấy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ số, các sản phẩm do những doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm ra, giúp cho người dân hạnh phúc, đất nước phát triển, tôi xin phép từ chức".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra lời cam kết mạnh mẽ, quyết liệt và bảo đảm bằng sinh mệnh chính trị của mình. Mạnh mẽ và quyết liệt là vì chỉ trong một năm, sẽ có những sản phẩm công nghệ "Make in Viet Nam" mang đến hạnh phúc, thịnh vượng. Như Thủ tướng nói, chuyển đổi số phải mang tinh thần dân tộc "Make in Viet Nam".

Chúng ta đã nói về "Make in Viet Nam" lâu rồi, nhưng cho đến nay, sản phẩm công nghệ có tầm nhân loại thì chưa. Chúng ta nói đến khởi nghiệp cũng đã nhiều năm, nhưng chưa có nhiều start up có vị trí nổi bật trong làng khởi nghiệp quốc tế.

Nói về sự phát triển của một quốc gia thì phải có những thành quả cụ thể, không nói chung chung. Ví dụ như, trong số 801 startup kỳ lân, có 316 công ty đạt trạng thái kỳ lân trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2021 đến ngày 20.8.2021. Các lĩnh vực "sản sinh" ra kỳ lân tập trung vào công nghệ, có điều chưa thấy chân dung Việt trong danh sách này.

Vậy thì sau một năm, Việt Nam phải có doanh nghiệp công nghệ dù chưa phải là kỳ lân thì cũng "kỳ phùng địch thủ" với những doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Một năm sau, Việt Nam có những doanh nghiệp tạo ra nền tảng quốc gia đúng tinh thần "Make in Viet Nam", đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ. Một năm sau, phải có được những sản phẩm công nghệ do chính con người Việt Nam làm ra, xử lý các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, hay nói đúng hơn là làm cho dân mình giàu lên.

Đúng là chỉ có "công nghệ số, giải pháp số, trí tuệ, sự đổi mới sáng tạo Việt Nam" mới giải quyết được những vấn đề lớn lao đó. Song cam kết chỉ vỏn vẹn một năm để giải quyết những vấn đề trên thì quả là điều đột phá chưa từng thấy. Nhưng cũng chính công nghệ số sẽ không cho phép tính bằng thời gian bằng năm, mà tính bằng ngày, giờ, thậm chí là từng giây. Mặt khác, nhiều DN Việt Nam đã tiếp cận công nghệ số rất nhanh, đầu tư lớn và rất nghiêm túc vì nó là sự sống còn của chính họ. Bởi vậy có đủ niềm tin và hy vọng vào lời cam kết của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. (Laodong.vn 12/12, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khắc phục tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc

Trước tình trạng không ít cán bộ y tế đang nghỉ việc, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch Covid-19.

Công văn nêu rõ, để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế rút kinh nghiệm để chủ động chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt hơn công tác truyền thông trong phòng chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý, Thủ tướng lưu ý Bộ trưởng Y tế có giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ y tế đang nghỉ việc, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, tổ chức lễ tôn vinh và khen thưởng các thầy thuốc trong tháng 12.2021.

Nhân viên y tế nghỉ việc là một trong những vấn đề nóng được chất vấn ở kỳ họp HĐND TP.HCM hồi giữa tuần. Trả lời về tình trạng này, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nói rằng "có thể dùng từ kiệt sức để cắt nghĩa lý do nhiều nhân viên y tế nghỉ việc cũng không sai" khi "gần 8 tháng trời chưa được nghỉ ngơi ngày nào với mức thu nhập thấp”.

Trước đó, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, nếu như trong năm 2020 có 597 nhân viên y tế nghỉ việc thì trong 10 tháng đầu năm 2021 có 988 người nghỉ việc. Lý do nghỉ việc chủ yếu xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, lý do cá nhân.

Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch, ngày 11.12, Thủ tướng đã có chỉ đạo đối với Bộ Y tế về việc thông tin, hướng dẫn về thuốc điều trị Covid-19.

Theo tổng hợp của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, báo chí có phản ánh việc một số loại thuốc kháng viêm, chống đông, thuốc kháng virus, thuốc điều trị Covid-19 được rao bán tràn lan và dễ dàng mua được mà không cần có đơn của bác sĩ.

Trước tình trạng này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn về các loại thuốc, biện pháp để người dân có thể mua, sử dụng theo đúng quy định và an toàn các loại thuốc không kê đơn có tác dụng điều trị tại nhà các triệu chứng thông thường, nhẹ do nhiễm virus Covid-19. (Thanhnien.vn 12/12, Chí Hiếu)Về đầu trang

Vĩnh Phúc: 100% cán bộ, viên chức không tổ chức Lễ Giáng sinh trực tiếp

UBND) tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Thông báo số 311/TB-UBND yêu cầu tiếp tục chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

 

Cụ thể, thông báo nêu rõ Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu trong thời gian tới các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai các nhiệm vụ cụ thể.

Chủ tịch tỉnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các hoạt động lễ hội đang tạm dừng để phòng, chống dịch COVID-19. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ thực hiện các quy định phòng, chống dịch dịp Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch năm 2022.

Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị theo phải chịu trách nhiệm theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

Mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm: Tự chủ, tự tầm soát, tự xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm.

Mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ gia đình phải hoàn thiện tủ thuốc; chủ động sẵn sàng cơ số kist test nhanh để tự xét nghiệm sàng lọc, tầm soát cho cán bộ, người lao động của cơ quan, đơn vị và gia đình mình.

Bên cạnh đó, thông báo nêu rõ yêu cầu 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện, vận động nhân dân không tổ chức Lễ Giáng sinh trực tiếp;

Không tập trung đông người, không tụ tập ăn uống, hạn chế du lịch, thăm quan dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2022; nghỉ ngơi tại nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết để tránh lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân. (Laodong.vn 12/12, Quỳnh Chi)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bộ GTVT phấn đấu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký quyết định ban hành kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở cụ thể hoá các nội dung của Nghị quyết số 76 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, Bộ GTVT tập trung hoàn thiện thể chế và các khung khổ pháp lý để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế.

Đến năm 2025, Bộ GTVT sẽ cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ GTVT cũng sẽ ứng dựng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính, đẩy nhanh lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tối thiểu 80% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GTVT có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến.

Tối thiểu 80% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GTVT có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4. Trong số đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận.

Bộ GTVT phấn đấu đến năm 2025, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính và sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực GTVT đạt tối thiểu 90%.

Trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ GTVT phấn đấu 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của Bộ GTVT.

"Công tác chỉ đạo, điều hành khoa học, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính bảo đảm sự hài hòa, tính tổng thể các mục tiêu cải cách hành chính nhằm xây dựng Bộ GTVT ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững", Bộ GTVT khẳng định. (Baogiaothong.vn 11/12, Trần Duy)Về đầu trang

Khai trương trung tâm điều hành đô thị thông minh đầu tiên tại Đồng Tháp

Ngày 12-12, UBND TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC TP Cao Lãnh). Đây là bước ngoặt quan trọng, làm cơ sở xây dựng TP Cao Lãnh phát triển thành đô thị thông minh trong thời gian tới.

Ông Võ Phan Thành Minh - chủ tịch UBND TP Cao Lãnh - cho biết IOC TP Cao Lãnh do Trung tâm Tin học TP phối hợp VNPT Đồng Tháp xây dựng. TP Cao Lãnh thí điểm 8 hệ thống giám sát điều hành gồm các lĩnh vực: y tế; thông tin phòng, chống dịch COVID-19; hành chính công; giáo dục; mạng xã hội; xử lý phản ánh của người dân; an ninh và an toàn giao thông; du lịch.

IOC TP Cao Lãnh được đầu tư, xây dựng trên các nền tảng công nghệ hiện đại, giúp người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận các dịch vụ đô thị thông minh một cách nhanh chóng, tiện lợi nhất, giảm chi phí và phiền hà; đồng thời, đề cao vai trò của người dân, doanh nghiệp trong việc tham gia giám sát hoạt động chính quyền thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động, qua mạng xã hội và nhiều kênh khác.

IOC TP Cao Lãnh sẽ là nơi thu thập, tổng hợp thông tin của TP trên tất cả các lĩnh vực, giúp lãnh đạo TP chỉ đạo, điều hành hoạt động. Đặc biệt, hệ thống cung cấp ứng dụng IOC trên điện thoại di động, máy tính bảng hỗ trợ cho lãnh đạo TP dễ dàng giám sát, khai thác dữ liệu mọi lúc mọi nơi, từ đó đưa ra quyết định chính xác, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.

"Thứ nhất là phục vụ chỉ đạo điều hành của UBND TP, thứ hai là người dân có thể tiếp cận những thông tin do TP chia sẻ trên hệ thống. Trước đó, chúng tôi đã chuẩn bị, thu thập, xử lý và phối hợp rất lâu mới xây dựng được. Trước mắt đưa vào sử dụng trước 8 mục này", ông Minh nói.

Theo ông Minh, thời gian tới, thành phố tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thêm các lĩnh vực phục vụ giám sát, điều hành thông minh như: quy hoạch đô thị, quản lý sử dụng đất, quan trắc môi trường, bản đồ quản lý mã số vùng trồng, chỉ tiêu kinh tế xã hội và phát triển thêm ứng dụng di động cho công dân kết nối trực tiếp với chính quyền, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số… (Tuoitre.vn 12/12, Bửu Đấu)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Bộ trưởng Tài chính “thúc” tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Ngày 10/12, Bộ trưởng Tài chính làm việc với 6 địa phương, thúc tiến độ giải ngân vốn các dự án đầu tư công.

Tại buổi làm việc với 6 địa phương là Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, đại diện các địa phương cho biết đặc thù kế hoạch đầu tư công phải chờ giao kế hoạch trung hạn nên các dự án khởi công mới giao muộn.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và giá cả vật liệu xây dựng tăng cao cùng các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong thực hiện thủ tục xin ý kiến tham gia của các nhà tài trợ đối với dự án dùng nguồn vốn nước ngoài... khiến cho tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Theo đó, số giải ngân vốn đến 30/11/2021 của 6 địa phương nói trên mới đạt 11.749,185 tỷ đồng, tương đương 48,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021. Trong đó, tỉnh Cà Mau có số giải ngân cao nhất đạt 59,1%, tỉnh An Giang thấp nhất trong 6 tỉnh khi chỉ đạt 33,8%.

Đáng chú ý, nguồn vốn ODA của 6 địa phương giải ngân mới chỉ đạt 23,7% kế hoạch, tương đương 722,031 tỷ đồng.

Trước thực tế trên, một số địa phương kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Trung ương đã được giao kế hoạch năm 2021 sang năm 2022, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài ODA năm 2021.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo Luật, Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài đến hết 31/12 của năm sau, nhưng có nên kéo dài hay không bởi sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa, trong khi đất nước còn đang khó khăn và Chính phủ đang bàn về gói kích cầu kinh tế.

Bộ trưởng cho hay, nếu giải ngân đầu tư công lại đề nghị kéo dài thì không có ý nghĩa. "Cần phải tập trung giải ngân nhanh nhất, hiệu quả nhất, nhiều nhất thì mới tính đến kích cầu kinh tế", Bộ trưởng nói.

Đối với vấn đề giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng tới tiến độ các dự án, Bộ trưởng Tài chính yêu cầu các địa phương cần phải có báo cáo kịp thời, chi tiết về thời gian, giá của từng loại nguyên vật liệu tăng như thế nào, tăng trong bao lâu và đề xuất các giải pháp.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ có tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như thế mới giải quyết được vấn đề.

Ông Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần nghiên cứu những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để giải quyết sớm. Với các ý kiến ngoài thẩm quyền của Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tổng hợp báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ. (Giao thông 11/12, C.Sơn)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị mức án 8 - 10 năm tù

Ngày 11.12, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm trong vụ án HSDC mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic (Công ty Arktic), gây thiệt hại hơn 36 tỉ đồng cho nhà nước.

Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội (VKS) giữ quyền công tố tại phiên tòa đã công bố bản luận tội, đề nghị mức án đối với các bị cáo, trong đó bị cáo Nguyễn Đức Chung mức án từ 10 - 12 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Chiều cùng ngày, VKS đã đề nghị giảm mức án xuống 8 - 10 năm tù do gia đình bị cáo Chung đã tự nộp 10 tỉ đồng để đảm bảo thi hành án; cá nhân bị cáo Chung có nhiều thành tích trong quá trình công tác... Các bị cáo: Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc HSDC) và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty Arktic) cùng bị đề nghị mức án từ 6 - 7 năm tù.

Về dân sự, VKS đề nghị tuyên các bị cáo Chung và Giang phải liên đới bồi thường cho nguyên đơn dân sự là HSDC 36,1 tỉ đồng…

VKS đánh giá, tại tòa, các bị cáo Hùng, Giang đều thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng bị cáo Chung không thừa nhận chỉ đạo bị cáo Hùng mua chế phẩm, không có quan hệ làm ăn kinh tế với bị cáo Giang, không hưởng lợi từ Công ty Arktic. Nhưng căn cứ vào các tài liệu thu thập được, biên bản cuộc họp có ghi âm, lời khai của các bị cáo và những người liên quan... đã đủ cơ sở kết tội các bị cáo.

Theo VKS, bị cáo Chung ở cương vị người đứng đầu UBND TP.Hà Nội, quá trình chỉ đạo, xử lý khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ tại Hà Nội, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C phải thông qua Công ty Arktic để tạo lợi nhuận cho công ty này, vốn là công ty của gia đình mình. Bị cáo Chung đã “cài cắm” cho bị cáo Giang tham gia như cán bộ UBND TP.Hà Nội xuyên suốt quá trình tham quan, thử nghiệm, mua bán chế phẩm. Với hậu thuẫn của bị cáo Chung, Công ty Arktic đã được độc quyền phân phối chế phẩm Redoxy-3C và bán cho HSDC. Sau đó, bị cáo Chung ký thông báo chỉ đạo việc đàm phán mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C. Mặt khác, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo bị cáo Hùng phải mua chế phẩm này thông qua Công ty Arktic. (Thanhnien.vn 12/12, Lê Quân)Về đầu trang

Hải Phòng: Hàng loạt cán bộ bị đình chỉ công tác để điều tra

Tối 10/12, lãnh đạo UBND quận Kiến An xác nhận thông tin cho biết, đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 3 cán bộ UBND phường Văn Đẩu để phục vụ điều tra theo yêu cầu của cơ quan công an.

Đó là trường hợp ông Trần Tuấn Anh – Chủ tịch UBND phường, ông Bùi Đức Ngoãn – Phó chủ tịch UBND phường và ông Đặng Văn Hưng – Công chức địa chính phường để phục vụ điều tra.

Bên cạnh đó, ông Dương Việt Hùng, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Kiến An và ông Hoàng Minh Chương, cán bộ thuộc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Kiến An cũng đã bị cơ quan chức năng đình chỉ công tác.

Thông tin ban đầu, các trường hợp nói trên bị tạm đình chỉ công tác phục vụ điều tra do có liên quan tới việc thiết lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Cơ quan CSĐT Công an quận Kiến An đang thụ lý điều tra do có sử dụng phiếu thu nộp tiền sử dụng đất giả.

Riêng 3 cán bộ UBND phường Văn Đẩu bị điều tra do nghi đã thực hiện thủ tục xác nhận nguồn gốc đất cho một thửa đất của hộ dân xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập biên bản xác nhận nguồn gốc đất trong khi không tổ chức họp tại tổ dân phố theo quy định.

Liên quan đến vụ việc, cơ quan công an cũng đã bắt giữ 1 số đối tượng là lao động tự do để điều tra về việc làm giả giấy tờ nói trên. (Nongnghiep.vn 11/12, Đinh Mười)Về đầu trang

Tây Ninh: Tạm đình chỉ công tác Viện trưởng VKSND thị xã Trảng Bàng

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí vừa ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Tạ Hoàng Phi, viện trưởng Viện KSND thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Ông Phi bị tố cáo có hành vi sàm sỡ nhân viên dưới quyền.

Theo đơn tố cáo được gửi đến các cơ quan chức năng của chị P.T.V.V. (26 tuổi, chuyên viên đang làm việc tại Viện KSND thị xã Trảng Bàng), trước đây 2 tháng, ông Phi gọi chị V. đến phòng riêng làm việc và có hành vi sàm sỡ, muốn quan hệ tình dục với chị V.

Cụ thể, theo đơn tố cáo, khoảng 18h ngày 10-10, ông Phi cùng một số người tổ chức ăn uống tại cơ quan. Trong đó, chị V. ngồi ăn cùng khoảng 30 phút. Đến khoảng 21h20, ông Phi gọi chị V. vào phòng riêng tại cơ quan để nhờ chút việc. Khi chị V. vào phòng, ông Phi đóng cửa kín lại và nói bị nhức đầu nên nhờ V. "bắt gió".

Sau khoảng 5 phút, chị V. xin về phòng nhưng ông Phi không chịu, kéo tay chị V. và bắt đầu đụng chạm vào vùng nhạy cảm, đòi thực hiện quan hệ tình dục với chị V.. Quá hoảng sợ, chị V. đã cắn lưỡi dọa ông Phi rồi chạy ra khỏi phòng.

Sau đó, chị V. trình bày toàn bộ nội dung vụ việc lên công đoàn cơ sở, đồng thời gửi đơn tố cáo và bằng chứng (ghi âm) đến Viện KSND tỉnh Tây Ninh và cơ quan chức năng. (Tuoitre.vn 12/12, Hoàng Điệp – Châu Tuấn)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Tử vong tăng ở Nam Phi, nơi đầu tiên công bố Omicron, chuyện gì đã xảy ra?

Hội đồng nghiên cứu y khoa (MRC) Nam Phi mới đây công bố các dữ liệu cho thấy số người chết bất thường tính theo tuần ở Nam Phi tăng gấp đôi trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh.

Thông tin này ngay lập tức gây ra nhiều lo ngại vì Nam Phi là quốc gia đầu tiên công bố ca mắc biến thể Omicron hôm 25-11. Nhưng có thể bớt lo hơn khi số ca tử vong bất thường hiện nay ít hơn gần 8 lần so với đỉnh của làn sóng dịch bệnh thứ hai quét qua Nam Phi, thời điểm Delta vẫn là chủng virus thống trị.

Hiện nay thống kê số ca tử vong bất thường được coi là thước đo về tác động của đại dịch chính xác hơn số ca tử vong vì COVID-19 được ghi nhận chính thức. Tại Nam Phi, các thống kê chính thức chỉ ghi nhận 90.000 ca tử vong từ đầu dịch, trong khi số ca tử vong bất thường là 275.000 ca. Số ca tử vong bất thường là con số chênh lệch giữa số người chết trong một giai đoạn nhất định với số người chết trung bình cùng giai đoạn đó trong các năm trước.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ MRC Nam Phi cho biết trong tuần kết thúc vào ngày 28-11, số ca tử vong bất thường tại Nam Phi là 2.076 ca, gấp đôi so với tuần trước đó là 1.091 ca. Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 chính thức được ghi nhận trong cùng tuần này chỉ là… 174 ca.

Tuy nhiên số ca tử vong bất thường hằng tuần trên (2.076 ca) vẫn thấp hơn rất nhiều so với đỉnh của đợt bùng dịch thứ hai tại Nam Phi hồi tháng 1-2021 khoảng 15.500 ca.

Ngày 9-12, Nam Phi ghi nhận hơn 22.400 ca COVID-19 mới trong 24 giờ, nhưng chỉ có 22 ca tử vong. Cùng ngày tiến sĩ Thiero Balde - phụ trách COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Phi - cho biết số ca COVID-19 mới ở Nam Phi đã tăng 255% trong 7 ngày qua, song bệnh nhân chỉ chiếm 6% giường cấp cứu.

Kết quả này phù hợp với dữ liệu từ Viện Quốc gia về bệnh truyền nhiễm Nam Phi (NICD) cho thấy chỉ 1/3 bệnh nhân COVID-19 nhập viện có triệu chứng nặng. Tuy nhiên NICD cũng cho biết cần nhiều tuần để tập hợp đầy đủ thông tin từ các bệnh viện.

Việc hệ thống y tế Nam Phi không quá tải dù ca nhiễm tăng cao là một tia hi vọng, qua đó cho thấy chủng Omicron nhiều khả năng có độc lực nhẹ hơn chủng Delta.

Trong bối cảnh vẫn chưa có nhiều dữ liệu về biến thể Omicron, WHO tỏ thái độ thận trọng. Bà Maria Van Kerkhove - trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO - cảnh báo mọi người có thể chết vì Omicron. "Nói biến thể này chỉ gây bệnh nhẹ là điều rất nguy hiểm. Nếu nó lây nhanh hơn Delta, sẽ có nhiều ca bệnh hơn, nhiều ca nhập viện hơn và nhiều ca tử vong hơn" - bà Kerkhove cảnh báo.

Dù thừa nhận có những dấu hiệu cho thấy Omicron gây bệnh nhẹ hơn so với chủng Delta ở Nam Phi, nhưng bà Kerkhove tỏ thái độ thận trọng trước bất kỳ kết luận nào về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron. "Chúng ta chưa thật sự có nghiên cứu nào về biến thể này" - bà Kerkhove lưu ý. Chuyên gia WHO cho biết chúng ta sẽ sớm biết về mức độ nghiêm trọng, khả năng lây truyền và khả năng né tránh miễn dịch của biến thể Omicron có thể là trong Giáng sinh này. (Tuoitre.vn 11/12, Anh Thư)Về đầu trang ./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More