Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 28-10-2020

Post date: 29/10/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.                Lương, thưởng Tết Dương lịch 2021 theo quy định mới nhất 1

TIN QUỐC HỘI 2

2.                Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII: Loại trừ cho bằng được “lợi ích nhóm”. 2

3.                Nâng cao hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. 3

4.                Cải cách sách giáo khoa: Chưa phù hợp thì phải sửa. 4

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 5

5.                Báo nước ngoài: Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm đầu tư trực tiếp nước ngoài 5

6.                Doanh nghiệp chỉ mất 6 ngày làm thủ tục khởi sự kinh doanh. 6

7.                Cải cách quản lý thuế, giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. 6

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN.. 7

8.                Chọn đúng người, đúng việc. 7

9.                Hệ lụy từ “kính chuyển”. 9

QUẢN LÝ.. 10

10.             Gói kích thích nền kinh tế lần 2: “Bất động” vì chờ các bộ, ngành?. 10

11.             Phạt 1-3 triệu đồng người không đeo khẩu trang nơi quy định. 10

12.             Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình rút ngắn thời gian họp để chống bão. 11

13.             Sở Ngoại vụ Đắk Lắk sẽ giải thể hay tiếp tục duy trì hoạt động?. 11

14.             Một số địa phương khai mạc Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025. 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

15.             Người dân dễ dàng đóng, nộp các khoản bảo hiểm tại nhà. 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 13

16.             Bộ Tài chính dự toán ngân sách nhà nước tiếp tục bội chi 344 nghìn tỷ năm 2021. 13

17.             Phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2021. 14

THẾ GIỚI 14

18.             Kỷ lục hơn 60 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu sớm bầu cử Tổng thống Mỹ. 14

19.             Hàn Quốc cấm gửi cảnh báo vào điện thoại của người dân vào ban đêm.. 15

 CHÍNH SÁCH MỚI

Lương, thưởng Tết Dương lịch 2021 theo quy định mới nhất

Bộ luật Lao động 2019 sẽ chính thức có hiệu lực vào đúng ngày 1/1/2021 - Tết Dương lịch 2021.

 Theo Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương 1 ngày Tết Dương lịch (1/1 dương lịch). Trường hợp ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết thì người lao động được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp.

 Do 1/1/2021 rơi vào thứ Sáu nên người lao động được nghỉ Tết Dương lịch 1 ngày và hưởng nguyên lương đối với ngày đó.

 Tuy vậy, do đặc thù công việc hoặc nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động có thể yêu cầu người lao động đi làm vào ngày Tết Dương lịch song phải được người lao động đồng ý.

 Người lao động đi làm vào ngày Tết Dương lịch sẽ được tính là làm thêm giờ và được trả lương theo Điều 98 BLLĐ 2019. Cụ thể là, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

 Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

 Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

 Như vậy, người lao động làm việc vào ngày Tết Dương lịch sẽ được hưởng ít nhất 400% lương ngày làm việc bình thường. Nếu làm việc vào ca đêm của ngày Tết Dương lịch, người lao động sẽ được hưởng tối thiểu 490% lương của ngày làm việc bình thường. (Anninhthudo.vn 27/10)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII: Loại trừ cho bằng được “lợi ích nhóm”

Sáng 26/10, phát biểu tại Hội nghị góp ý vào Dự thảo Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Ðường Hồ Chí Minh cho rằng cần thực hiện nghiêm quy định trách nhiệm nêu gương, cũng như loại trừ bằng được “lợi ích nhóm”.

 Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, dự thảo Văn kiện lần này có nhiều điểm mới. Nếu như trước đây mới chỉ ghi xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, lần này, dự thảo bổ sung cả “hệ thống chính trị” bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội. Dự thảo Văn kiện tiếp tục nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh. Dân chủ trong Đảng phải là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Về các đột phá chiến lược, ông Mẫn cho biết, từ Đại hội XI, XII Đảng ta đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược: thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Lần này, dự thảo Văn kiện tiếp tục khẳng định: thể chế là hành lang pháp lý; nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển và gắn với đó là hạ tầng, kết cấu hạ tầng.

 Góp ý dự thảo Văn kiện, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam đang làm gia công phụ kiện cho nước ngoài và đang bị lệ thuộc. Do đó, cần phải có giải pháp để khắc phục vấn đề trên. Về công tác xây dựng Đảng, ông Sở cho rằng cần thực hiện nghiêm quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. “Phải loại trừ bằng được “lợi ích nhóm”, kiên quyết loại bỏ những người không đủ phẩm chất khỏi tổ chức Đảng”, ông Sở nói.

 Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng không thấy tiêu chí cho từng con người thế nào? Theo ông Dong, sự phát triển của nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số… đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, bởi nếu “công dân số” thì có nghĩa là từ bà bán rau, ông bán nước cũng phải sử dụng được các tiện ích số. (Tienphong.vn 27/10, Văn Kiên)Về đầu trang

Nâng cao hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương

Tại Kỳ họp thứ 8 và 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

 Đây là hai địa phương đầu tiên của cả nước được Quốc hội quyết nghị thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Trong xu thế đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội cho phép địa phương này xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhưng với một bước tiến dài hơn, đó là bỏ qua giai đoạn thí điểm, thực hiện luôn việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố.

 Đề án của Thành phố Hồ Chí Minh được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 này. Để làm rõ hơn các vấn đề liên quan, TTXVN xin giới thiệu chùm 3 bài viết "Xây dựng chính quyền đô thị - Phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm."

 Nghị quyết Đại hội XII đã chỉ rõ “Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo luật định.”

 Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XII) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng đã xác định "Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.”

 Việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhằm mục tiêu thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, phù hợp với đặc điểm hoạt động của đô thị.

 Mục tiêu này nhằm kết hợp giữa quản lý theo ngành, theo lĩnh vực, với quản lý theo lãnh thổ và đảm bảo hoạt động của chính quyền địa phương đáp ứng sự hài lòng của người dân và lãnh đạo phát triển bền vững kinh tế-xã hội của địa phương trong thời gian tới.

 Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, hiện nay, chúng ta chưa có sự phân biệt về chính quyền địa phương tổ chức ở nông thôn với đô thị và hải đảo. Mỗi đơn vị hành chính thường được tổ chức thành một cấp chính quyền gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân.

 Việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình chính quyền đô thị nhằm phù hợp với đặc điểm của đô thị là nơi tập trung dân cư với mật độ dân số cao, nhiều thành phần, sống đan xen, có lối sống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, tham gia các hoạt động kinh tế xã hội đa dạng. (TTXVN/VietnamPlus.vn 26/10, Chu Thanh Vân)Về đầu trang

Cải cách sách giáo khoa: Chưa phù hợp thì phải sửa

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười về vấn đề sách giáo khoa (SGK) năm học 2020 - 2021. Trong báo cáo nêu rõ, các bên liên quan tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn. Động thái này của Bộ Giáo dục và Đào tạo được cử tri và dư luận đánh giá cao. Chưa phù hợp thì phải sửa, vì kiến thức SGK ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cả thế hệ tương lai của đất nước.

 Để triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã phê duyệt 5 bộ SGK, trong đó có bộ sách Cánh Diều để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy. Và SGK Tiếng Việt lớp 1 của Bộ sách Cánh Diều là 1 trong 46 quyển sách SGK lớp 1 được phê duyệt vừa qua.

 Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, tất cả SGK được Bộ phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho các giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu, đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. Bộ sách Cánh Diều chiếm 32% trong tổng số SGK lớp 1 được các nhà trường trong cả nước lựa chọn. “Điều này cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, không còn sự độc quyền trong xuất bản, phát hành SGK như trước đây”, báo cáo của Bộ nhấn mạnh.

 Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, khi bộ sách được đưa vào sử dụng đã có nhiều thông tin phản ánh về việc SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh ấn hành có một số nội dung chưa phù hợp. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có chỉ đạo kịp thời, yêu cầu Hội đồng thẩm định quốc gia rà soát, kiểm tra. Bộ cũng đã có cuộc làm việc với Hội đồng thẩm định, Nhà xuất bản và tác giả sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều, các bên đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa SGK cho phù hợp.

 Theo đó, sẽ chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá”, “Hai con ngựa”, “Lừa, thỏ và cọp”… thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “ quà… quà”, “chén”… Hội đồng thẩm định cũng đề nghị các tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa” nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng văn học Việt Nam. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và các tác giả khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính để kịp thời, thuận lợi cho các giáo viên tổ chức các lớp dạy học. 

Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên sử dụng các ngữ liệu được thay thế, bổ sung để thực hiện hoạt động dạy học các bài nằm trong chương trình học kỳ 1. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện việc điều chỉnh, bổ sung các nội dung trong SGK theo đúng quy định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, phê duyệt trước ngày 15.11.2020.

 Với vai trò là "tư lệnh" ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn: Việc để xảy ra những bức xúc trong dư luận xã hội về một số điểm chưa phù hợp trong SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thẩm định và tác giả. Trong đó, công tác truyền thông về việc triển khai thực hiện chương trình, SGK mới chưa tốt, việc phản hồi các phản ánh về những điểm chưa phù hợp trong sách SGK môn Tiếng Việt lớp 1 chưa kịp thời…

 Việc thẳng thắn nhận trách nhiệm trước các đại biểu Quốc hội, trước cử tri của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo là rất cần thiết. Bởi chỉ khi dũng cảm nhận diện những sai sót, những tồn tại yếu kém thì mới đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Việc nghiêm túc rút kinh nghiệm từ sai sót này là rất cần thiết. (Đại Biểu Nhân Dân 27/10)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Báo nước ngoài: Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm đầu tư trực tiếp nước ngoài

Theo tờ EurAsian Times, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm đầu tư trực tiếp nước ngoài, với FDI đạt trung bình hơn 6% GDP - tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia mới nổi nào.

 Tờ báo này viết, quốc gia Đông Nam Á Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong cuộc đua trở thành Con hổ châu Á, FDI của Việt Nam đạt trung bình hơn 6% GDP. Theo chiến lược gia Ruchir Sharma của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Mỹ và công ty dịch vụ tài chính Morgan Stanley, đây là tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia mới nổi nào.

 Dữ liệu kinh tế gần đây của Việt Nam cho thấy, xuất khẩu tăng 18%, xuất khẩu máy tính/linh kiện tăng 26% và xuất khẩu máy móc/phụ kiện tăng 63%.

 Trong vài tuần qua, các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh xuất hiện những bằng chứng cho thấy cuộc chạy đua trở thành công xưởng tiếp theo của thế giới, sau Trung Quốc. Để làm cho các quốc gia trở nên hấp dẫn hơn, Ấn Độ và Indonesia đã thúc đẩy cải cách luật lao động, Bangladesh được cho là đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do và ưu đãi.

 Thành công kinh tế của các quốc gia như Trung Quốc và Singapore một phần là nhờ vào nguồn vốn FDI. Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng vốn FDI từ 11,15 tỷ USD năm 1992 lên mức cao nhất là 290 tỷ USD vào năm 2013. Khi chi phí lao động ở nước này bắt đầu cao hơn khiến các nhà đầu tư quay sang các nước châu Á khác.

 Chính sách đầu tư thân thiện với doanh nghiệp, khu công nghiệp, nguồn cung lao động trẻ (60% dân số) dồi dào khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

 “Kể từ đó, quốc gia này đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng hàng năm là 10,4% và mức cao kỷ lục của năm ngoái là 16,12 tỷ đô la Mỹ - tăng 81% nói chung”, tờ EurAsian Times viết.

 Ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng COVID, nền kinh tế đất nước đang ở trong tình trạng tốt vì chính phủ đã áp dụng các biện pháp giảm thuế, hoãn nộp thuế và tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp, sửa đổi luật đầu tư và đạt được thỏa thuận thương mại EVFTA với Liên minh châu Âu (EU).

 Bắt đầu từ tháng 7/2020, EU đã dỡ bỏ 85% thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, cắt giảm dần phần còn lại trong vòng 7 năm tới, trong khi vốn FDI trị giá trên 12 tỷ USD được đăng ký từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020. (VTV.vn 27/10)Về đầu trang

Doanh nghiệp chỉ mất 6 ngày làm thủ tục khởi sự kinh doanh

Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước sẽ cắt giảm được chi phí khi nhiều thủ tục không cần thiết, trùng lặp đã bị loại bỏ.

 Nghị định 122/2020/NĐ-CP về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực ngay tại ngày ký (15/10/2020).

 Ông Tuấn cho biết: Doanh nghiệp sẽ nhận thấy ngay các tác động khi thủ tục khởi sự kinh doanh chỉ còn 6 ngày với 3 thủ tục, thay vì 16 ngày và 8 thủ tục. Cụ thể, thay vì thực hiện 4 thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội, đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in, tự in một cách riêng lẻ tại 4 cơ quan khác nhau, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện 1 thủ tục duy nhất tại 1 cơ quan đầu mối là cơ quan đăng ký kinh doanh.

 Bên cạnh đó, việc tích hợp các thông tin về tổng số lao động (dự kiến) tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, phương thức nộp bảo hiểm xã hội, đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in, tự in vào quy trình đăng ký doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giảm đáng kể khối lượng thông tin, biểu mẫu phải kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.

 Việc liên thông, trao đổi thông tin qua mạng điện tử giữa cơ quan quản lý nhà nước cũng làm giảm số lượng đầu mối cơ quan nhà nước tiếp nhận và trả kết quả. Doanh nghiệp sẽ chỉ cần nộp hồ sơ kê khai các thông tin tại cơ quan đăng ký kinh doanh, thay vì nộp hồ sơ tại 4 cơ quan như hiện nay (cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế). (Baodautu.vn 27/10, Khánh An)Về đầu trang

Cải cách quản lý thuế, giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp

Song hành cùng nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, thời gian qua, ngành Thuế đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hiện đại hóa lĩnh vực quản lý theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người nộp thuế.

 Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế, triển khai theo đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin; đặc biệt là đã đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử.

 Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 19/9/2020, đã có 790.924 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,65% doanh nghiệp đang hoạt động.

 Số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế là 778.093 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 98%. Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 19/9/2020, các doanh nghiệp đã thực hiện 2.406.122 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là 454.055 tỷ đồng và 24.775.058 USD. Cũng trong thời gian này, đã có 7.724 doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử, đạt 95,94%. Hệ thống đã tiếp nhận và giải quyết hoàn cho 13.751 hồ sơ với tổng số tiền hơn 80.941 tỷ đồng.

 Theo Tổng cục Thuế, hiện ngành thuế đang tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đến ngày 19/9/2020, đã có 977.396 hóa đơn đã được cấp mã, tổng doanh thu trên hóa đơn đã cấp mã là hơn 25.666 tỷ đồng; số thuế trên hóa đơn đã cấp mã là hơn 2.265 tỷ đồng.

 Cùng với ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong nghiệp vụ, trong thời gian qua, ngành Thuế cũng đã nỗ lực nâng cấp, chuẩn hóa dữ liệu để cung cấp các thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước. (Tapchitaichinh.vn         27/10)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Chọn đúng người, đúng việc

Trong nhiệm kỳ khóa XII, công tác cán bộ của Đảng đạt nhiều kết quả tích cực, xử lý, khắc phục được nhiều tồn tại. Công tác xây dựng đội ngũ luôn được Đảng coi trọng, với quyết tâm lớn.

 Tình trạng “cả họ làm quan”, hay bố trí cán bộ không đúng người, đúng việc đã  tạo ra những bức xúc, suy giảm niềm tin trong nhân dân. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 đã nêu những hạn chế trong công tác này, trong đó một phần do một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức theo quy định. Chưa xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác, chưa công khai đầy đủ kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác. Việc kiểm tra nội bộ, tự phát hiện hành vi tham nhũng trong một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Một số đơn vị thuộc một số bộ, ngành, địa phương khi có xảy ra tham nhũng nhưng người đứng đầu chưa bị xem xét, xử lý trách nhiệm kịp thời.

 Quốc hội cũng có những đánh giá về tình hình lựa chọn, bố trí cán bộ hiện nay. Từ đánh giá đó cho thấy những điểm yếu cố hữu trong công tác này. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẳng thắn khi cho rằng, cải cách, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính để phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, tiến độ đề ra. Việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, kể cả đối với vị trí chủ chốt ở bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp còn chưa thật sự phù hợp, dẫn đến còn có trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự.

 Bên cạnh đó, qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch; bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận.

 Có thể nêu ví dụ: Từ vụ bổ nhiệm, điều động ông Nguyễn Nhân Chinh, con trai ông Nguyễn Nhân Chiến (thời điểm ông Chiến đang là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, nhưng sau đó chỉ 15 ngày lại điều động sang làm Phó Giám đốc Sở LĐTBXH đã bị phản ứng mạnh mẽ của xã hội và cán bộ đảng viên. PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học của các cơ quan Đảng Trung ương đặt vấn đề: Tại sao cả 15 người trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh biểu quyết 100% tán thành điều động ông Nguyễn Nhân Chinh, làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh nhưng sau đó cũng chính những người này lại đã biểu quyết 100% tán thành đưa ông Chinh về làm Phó Giám đốc Sở LĐTBXH?

 Từ thực tế trên cho thấy vấn đề cực kỳ quan trọng là làm sao chọn đúng người đúng việc, đúng năng lực, phù hợp với vị trí công việc; cần loại bỏ việc chọn người nhà, chọn người theo phe cánh mà loại bỏ người tài.

 Khi đi kiểm tra tại các địa phương về công tác chuẩn bị Đại hội, một vấn đề hệ trọng được ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhắc đến nhiều lần là thực hiện nghiêm Chỉ thị 35 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị; công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng và công tác cán bộ thuộc diện chiến lược.

 Hiến kế để làm sao chọn cán bộ “đúng người, đúng việc”, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, quan trọng nhất vẫn là đánh giá đúng cán bộ. Theo ông Sửu: Trước hết những người làm công tác cán bộ phải nắm rõ tiêu chuẩn, quy trình, trong sáng, khách quan, đánh giá “đúng người đúng việc”. Đánh giá cán bộ của người làm công tác tổ chức phải khách quan, trung thực, thẳng thắn trước khi trình nhân sự ra cấp ủy. 

Bởi “cái gốc” của lựa chọn cán bộ chính là đánh giá cán bộ. Nếu đánh giá sai sẽ bố trí sai. Đúng quy trình nhưng chỉ là đúng trong “ngoặc kép”, còn động cơ là xấu. Nếu trong đánh giá cán bộ mang tính chất vụ lợi cá nhân, thì có thể sẽ đúng quy trình nhưng lại mang động cơ vụ lợi cá nhân, tìm cách này, cách khác đưa người thân quen không đủ tiêu chuẩn, đủ đức đủ tài vào bộ máy.

 “Cho nên phải tránh tình trạng làm đúng quy trình, quy định nhưng không chọn đúng người, đúng việc. Đúng tiêu chuẩn, quy trình 5 bước nhưng thực tế động cơ trong từng bước ra sao? Từ phẩm chất, năng lực cán bộ thế nào? Bằng cấp có thực hay không? Nếu đánh giá hời hợt là hỏng, khiến đánh giá sai cán bộ”- ông Sửu bày tỏ.

 PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở trách nhiệm của người đứng đầu, có công tâm, khách quan và cương quyết làm hay không, bởi Hiến pháp và các quy định của pháp luật đã quy định đầy đủ, quan trọng là người đứng đầu. 

Còn ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói: “Trong công tác tổ chức cán bộ thì người đứng đầu phải thực sự công tâm khách quan, vô tư, bố trí cán bộ phải thực sự xứng đáng, được tập thể tín nhiệm, cơ quan đơn vị tín nhiệm. Không vì áp lực của mình mà “gợi ý” để cho cấp dưới tuân theo bố trí người nhà, người cùng phe cánh vào vị trí lãnh đạo”. (Đại đoàn kết 27/10, Hoài Vũ)Về đầu trang

Hệ lụy từ “kính chuyển”

Vậy là lần thứ 2 trong năm 2020 và là lần thứ 15 trong vài năm trở lại đây, người dân sống xung quanh bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) buộc phải chặn xe rác không cho vào khu vực xử lý. Lý do đơn giản là chính quyền chỉ hứa mà không thực hiện nghĩa vụ.   

Sau khi các quận nội thành Hà Nội ngập rác vì người dân Sóc Sơn chặn không cho xe chở rác vào khu vực xử lý, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã triệu tập cuộc họp khẩn, bàn biện pháp giải quyết.

 Tại cuộc họp, ông Huệ khẳng định, xảy ra tình trạng người dân bức xúc chặn xe chở rác, lỗi chính thuộc về chính quyền các cấp của thành phố. Các cấp, ngành liên quan chưa làm tròn trách nhiệm với dân, đùn đẩy trách nhiệm.

 Ông Huệ đơn cử như việc cấp ủy, chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện (Sóc Sơn) chỉ biết “kính chuyển” lên cấp trên mà không thực sự tâm huyết, tích cực vào cuộc giải quyết những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.

 Từ ví dụ cụ thể là cấp ủy, chính quyền tại huyện Sóc Sơn, Bí thư Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành liên quan phải ngay lập tức vào cuộc, rốt ráo giải quyết triệt để mọi vướng mắc để không tái diễn tình trạng này.

 Người đứng đầu Hà Nội yêu cầu cả hệ thống chính trị của thành phố phải quyết liệt vào cuộc để giải quyết cho xong những vấn đề tồn đọng trong thời gian dài tại bãi rác Nam Sơn.

 Bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân không chặn xe chở rác vào bãi (vì đây là hành vi vi phạm pháp luật), cái gì có thể vận dụng để có lợi cho dân thì phải làm ngay, không để người dân bức xúc như thời gian qua, tạo thành điểm nóng trên địa bàn.

 Động thái chấn chỉnh thái độ làm việc của các cấp, ngành, quyết liệt chỉ đạo giải quyết vấn đề của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ được dư luận xã hội hết sức hoan nghênh.

 Song, đây cũng không phải là lần đầu tiên lãnh đạo TP Hà Nội họp bàn, chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến bãi rác Nam Sơn. Vậy mà suốt thời gian dài không được thực hiện khiến người dân bức xúc, năm lần bảy lượt chặn xe chở rác.

 Lần này, thêm một cuộc họp, thêm một lần chỉ đạo giải quyết các vấn đề tại bãi rác Nam Sơn của người đứng đầu Hà Nội, hy vọng sẽ không bị “chìm vào quên lãng” như những lần trước.

 Tồn đọng tại bãi rác Nam Sơn chính là ví dụ điển hình của thực trạng “trên nóng, dưới lạnh” tại Hà Nội. Cả bí thư và chủ tịch thành phố đều đã quyết liệt chỉ đạo giải quyết, song cấp dưới thì “lờ vờ” như không phải việc của cơ quan, đơn vị mình.

 Nếu các cấp chính quyền địa phương, hay sở ngành liên quan nào không thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, lãnh đạo thành phố cần có biện pháp “rắn” để răn đe, nếu cần thì luân chuyển, bãi nhiệm để người khác lên làm tốt hơn. Có vậy mới có thể hết thực trạng “kính chuyển”, dẫn đến những hệ lụy xấu. (Đại đoàn kết 27/10, Tinh Anh)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Gói kích thích nền kinh tế lần 2: “Bất động” vì chờ các bộ, ngành?

Trước khó khăn của nền kinh tế do dịch COVID-19, Bộ KH&ĐT đề xuất giải pháp hỗ trợ nền kinh tế lần thứ 2 (Gói kích thích kinh tế lần 2). Tuy nhiên, dù được người dân, cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhưng đến nay, chính sách này dường như vẫn “bất động” do thiếu báo cáo từ các bộ, ngành.

 Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Bộ KH&ĐT đề xuất gói kích thích kinh tế lần thứ 2. Theo đó, các bộ, ngành sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả, tác động và vướng mắc khi triển khai chính sách kích thích kinh tế đã áp dụng trong lần 1. Trên cơ sở rà soát này, bộ, ngành đề xuất có tiếp tục áp dụng chính sách cũ hay mở rộng đối tượng hay có chính sách gì mới để kích thích nền kinh tế hay không. Từ đó, Bộ KH&ĐT sẽ đề xuất gói kích thích kinh tế lần thứ 2.

 “Tuy nhiên, đến nay, chưa có bộ, ngành nào gửi thông tin cho Bộ KH&ĐT tổng hợp. Dưới góc độ an sinh, Bộ LĐTB&XH đã có báo cáo Thủ tướng và chờ chỉ đạo để tiếp tục bước tiếp theo. Về mặt kinh tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước chưa có thông tin gì nên Bộ KH&ĐT chưa biết đi theo hướng nào”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT thông tin đồng thời cho hay, bộ, ngành cần rà soát kỹ khó khăn cho từng nhóm đối tượng và đánh giá nguồn lực hỗ trợ. Dựa trên nguồn lực, đối tượng, bộ KH&ĐT mới có thể đưa ra cách thức phù hợp nhất để triển khai.

 Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, gói kích thích kinh tế lần thứ 2 ngoài hướng đến đối tượng doanh nghiệp đang khó khăn, cần hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng phát triển trong tương lai. Bên cạnh khó khăn, dịch COVID-19 còn là cơ hội tái cơ cấu cho doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp có khả năng phát triển thì cần hỗ trợ để họ phát triển thêm. Từ đó, trở thành động lực cho nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động”, bà Lan kiến nghị. (Tienphong.vn 27/10)Về đầu trang

Phạt 1-3 triệu đồng người không đeo khẩu trang nơi quy định

Thông tin từ Bộ Y tế cho hay bộ này đã hoàn tất dự thảo hướng dẫn đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, chuẩn bị ký ban hành.

 Theo dự thảo này, các địa điểm công cộng sẽ bắt buộc đeo khẩu trang là nhà ga, bến tàu xe, siêu thị… Người có mặt tại các địa điểm công cộng này sẽ thuộc nhóm bắt buộc đeo khẩu trang.

 Sau khi hướng dẫn hoàn tất, Bộ Y tế sẽ gửi hướng dẫn cho các tỉnh thành để địa phương tùy tình hình cụ thể và quyết định thời gian, địa điểm công cộng bắt buộc đeo khẩu trang.

 Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng ở Hà Nội và TP.HCM nhằm phòng ngừa dịch bệnh. Đây là hai địa phương đầu mối giao thông và có mật độ dân số lớn nhất cả nước, nguy cơ dịch quay lại là rất lớn.

 Sau khi có quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 1-3 triệu đồng, theo hướng dẫn mới trong nghị định 117 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế của Chính phủ có hiệu lực thực hiện từ tháng 11 tới (mức phạt cũ là 100.000-300.000 đồng). (Tuoitre.vn 27/10, L.Anh)Về đầu trang

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình rút ngắn thời gian họp để chống bão

Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định cắt giảm nhiều hoạt động trong đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 để tập trung công tác ứng phó bão số 9 và khắc phục hậu quả lũ lụt.

 Ban đầu đại hội dự kiến tổ chức trong ba ngày, từ 21 đến 23-10, nhưng tạm hoãn do tỉnh phải gánh chịu mưa lụt nặng nề. Nay đại hội tiếp tục được tổ chức và chỉ trong hai ngày 28 và 29-10.

 Số lượng đại biểu, thành phần mời dự rút gọn đến mức ít nhất có thể. Nhiều hoạt động như văn hóa nghệ thuật chào mừng, truyền hình trực tiếp, trang trí hội trường, tuyên truyền, hoa tặng đại hội… cũng được cắt giảm đến mức tối đa nhằm tiết kiệm chi phí.

 Theo Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình, ngay tại phiên trù bị vào sáng 28-10, ban chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ tổ chức quyên góp tiền hàng ủng hộ đồng bào trong tỉnh và các tỉnh bạn bị thiệt hại nặng do lũ lụt. (Tuoitre.vn 27/10, Lam Giang)Về đầu trang

Sở Ngoại vụ Đắk Lắk sẽ giải thể hay tiếp tục duy trì hoạt động?

Sở Ngoại vụ tỉnh Đắk Lắk đang trước nguy cơ bị giải thể nếu không đáp ứng được đủ 4 tiêu chí theo quy định của Nghị định 107/2020/NĐ-CP. Nếu bị giải thể, đơn vị trên có khả năng sẽ trở thành phòng, ban trực thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk để tham mưu các chủ trương hội nhập quốc tế, định hướng mở rộng quan hệ, triển khai công tác đối ngoại của địa phương.

 Trao đổi với Lao Động, đại diện Tỉnh ủy Đắk Lắk xác nhận, tỉnh vẫn chưa muốn ''kết thúc nhiệm vụ'' của Sở Ngoại vụ. Đắk Lắk hiện vẫn chưa có cửa khẩu vùng biên giới với Campuchia nên sắp tới tỉnh sẽ cố gắng để thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, thúc đẩy giao thương hàng hóa, đoàn kết hữu nghị, hợp tác với nước bạn. Vì thế, vai trò của Sở Ngoại vụ trong giai đoạn tới là quan trọng.

 Chiếu theo quy định của Nghị định 107/2020/NĐ-CP thì Sở Ngoại vụ ở các tỉnh, thành phố được thành lập khi đáp ứng đủ 4 tiêu chí. Tuy nhiên, Sở Ngoại vụ tỉnh Đắk Lắk vẫn đang còn thiếu 1 tiêu chí (chưa có cửa khẩu quốc tế đường bộ) để có thể tiếp tục duy trì hoạt động.

 ''Thường trực Tỉnh ủy sắp tới sẽ họp bàn, giải quyết vấn đề kể trên rồi trình Trung ương xem xét, cho ý kiến. Tất nhiên, ưu tiên hàng đầu là phải làm thế nào để giữ vững an ninh chính trị vùng biên giới, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà'', đại diện Tỉnh ủy Đắk Lắk bày tỏ.

 Bà Nguyễn Thị Tiết Hạnh - Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Đắk Lắk - cho biết: ''Tôi không thể đưa ra ý kiến nhận định cũng như quan điểm trong lúc này. Tuy vậy, một số tỉnh khu vực miền Trung với đặc thù riêng vẫn có thể xem xét, báo cáo nội dung ra Trung ương về việc xin giữ lại Sở Ngoại vụ vì hoạt động đối ngoại đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế... Riêng đơn vị sẽ tuân theo quyết định cuối cùng của Thường trực Tỉnh ủy và Trung ương''. (Laodong.vn 27/10, Bảo Trung)Về đầu trang

Một số địa phương khai mạc Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025

Sáng 27/10, Đại hội Đảng bộ các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Cà Mau, Ninh Thuận đã đã tiến hành trọng thể phiên khai mạc.

 Cao Bằng: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là sự kiện trọng đại với Đảng bộ chính quyền và nhân dân địa phương, đề ra quyết sách cho sự phát triển của tỉnh Cao Bằng trong nhiệm kỳ mới. Nhân dịp này, các đại biểu dự đại hội đã quyên góp nhằm chia sẻ, hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục thiệt hại do thiên tai.

 Bắc Kạn: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng khai mạc sáng 27/10. Chỉ đạo đại hội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả khá toàn diện Đảng bộ Bắc Kạn đạt được trong nhiệm kỳ qua. Gợi ý những công việc cần quan tâm trong nhiệm kỳ mới, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị đại hội cần xác định rõ thành phần kinh tế chủ đạo để tập trung phát triển.

 Cà Mau: Sáng 27/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã chính thức khai mạc. Phát biểu tại đại hội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ghi nhận và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ tỉnh Cà Mau đã đạt được trong nhiệm kỳ qua; Về nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới, đại tướng Tô Lâm đề nghị tỉnh Cà Mau cần tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh.

 Ninh Thuận: Cũng trong sáng 27/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ 14 đã chính thức khai mạc với sự tham gia của 349 đại biểu, đại diện cho gần 20.000 Đảng viên trong toàn Đảng bộ. Chỉ đạo đại hội, Đại tướng Lương Cường - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam lưu ý tỉnh cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng các chuỗi giá trị trong nông nghiệp để nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng sản phẩm. (Vtv.vn 27/10)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Người dân dễ dàng đóng, nộp các khoản bảo hiểm tại nhà

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), vừa ký kết thỏa thuận kết nối thanh toán song phương và quản lý dòng tiền, đưa vào hoạt động chính thức chức năng đóng BHXH 24/7 trên Cổng giao dịch điện tử của BHXH Việt Nam. 

Theo đó, bắt đầu từ ngày 15-10, người dân có thể thông qua các tiện ích do BIDV cung cấp (BIDV SmartBanking, BIDV Online, BIDV Business Online), hoặc Cổng dịch vụ công Quốc gia (htttps://dichvucong.gov.vn) cũng như đóng thu BHXH 24/7 trên Cổng giao dịch điện tử BHXH (https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn) để tra cứu và thực hiện đóng các khoản BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm tự nguyện (BHTN) hàng tháng cho người lao động.

 Người dân cũng có thể tự tra cứu và thực hiện gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình, hoặc đóng tiếp BHXH tự nguyện cho bản thân và người thân một cách nhanh chóng, chính xác, thuận lợi nhất tại các kênh nêu trên.

 Lãnh đạo BHXH cho biết trong thời gian qua, với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam cũng phối hợp với một số ngân hàng thương mại khác đưa dịch vụ thanh toán trực tuyến lên cổng dịch vụ công Quốc gia và các nền tảng giao dịch của ngân hàng.

 “Đây là một bước tiến quan trọng trong chương trình hợp tác giữa ngành BHXH Việt Nam với các hệ thống ngân hàng thương mại trong tiến trình hiện đại hóa hoạt động thu - chi của BHXH Việt Nam, góp phần đem lại tiện ích tốt nhất cho tổ chức và cá nhân khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN…”- lãnh đạo BHXH khẳng định. (Plo.vn 27/10, Viết Long)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Bộ Tài chính dự toán ngân sách nhà nước tiếp tục bội chi 344 nghìn tỷ năm 2021

Theo dự toán được Bộ Tài chính xây dựng, ngân sách nhà nước năm 2021 sẽ tiếp tục bội chi khoảng 344 nghìn tỷ đồng, nợ công khoảng 58,6% và dư nợ Chính phủ là 53,2% (tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh). 

Trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, Bộ Tài chính vừa biên soạn và phát hành "Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội" và lấy ý kiến rộng rãi.

 Bộ Tài chính nhận định, trên cơ sở đánh giá khả năng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2021; dự toán NSNN năm 2021 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6% so với năm 2020, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; giá dầu thô 45 USD/thùng; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%.

 Dự toán thu cân đối NSNN năm 2021 là 1.343,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so với dự toán năm 2020. Tỉ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,5%GDP điều chỉnh, trong đó từ thuế, phí khoảng 13%GDP.

 Dự toán chi cân đối NSNN năm 2021 là 1.687 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 60,1 nghìn tỷ đồng (-3,4%) so dự toán năm 2020.

 Bộ Tài chính phân tích, trong bối cảnh thu NSNN chưa thể phục hồi, để có nguồn lực bố trí chi ĐTPT, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ bội chi NSNN năm 2021 dự kiến khoảng 4% GDP điều chỉnh (Tương ứng khoảng 5% nếu tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh, số tuyệt đối là 343,67 nghìn tỷ đồng).

 Đến hết năm 2021, dự kiến dư nợ công khoảng 46,1%GDP điều chỉnh, dư nợ Chính phủ khoảng 41,9%GDP điều chỉnh (tương ứng nợ công khoảng 58,6% và dư nợ Chính phủ là 53,2% nếu tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh). (Cafef.vn 27/10)Về đầu trang

Phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2021

Bộ KH&ĐT vừa gửi văn bản tới các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2021.

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, việc phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 cho các dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải đảm bảo theo các thứ tự ưu tiên sau: Bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025; Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo tiến độ thực hiện dự án và theo các quyết định được phê duyệt; Bố trí đủ vốn NSNN năm 2021 cho các dự án hoàn thành trong năm 2021 để phát huy hiệu quả đầu tư.

 Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục, dự án thực hiện các mục tiêu chiến lược chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực quản trị, điều hành quốc gia; tiếp đến là các dự án thuộc các lĩnh vực: giao thông có tính chất kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, dự án cấp bách phòng chống thiên tai, xử lý sạt lở…

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, năm 2021 là năm bắt đầu thực hiện quy định giải ngân 1 năm theo Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, do vậy, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát, bố trí vốn sát với khả năng thực hiện của dự án, bảo đảm giải ngân hết 100% kế hoạch vốn NSNN năm 2021, hạn chế việc phải điều chuyển, cắt giảm kế hoạch, ảnh hưởng đến tổng thể kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2015 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương. (VTV.vn 27/10)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Kỷ lục hơn 60 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu sớm bầu cử Tổng thống Mỹ

Hơn 60 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm trong bối cảnh còn một tuần nữa mới tới ngày bầu cử Tổng thống 3/11.

 Ngày 26/10, dữ liệu từ Dự án Bầu cử Mỹ do Đại học Florida tiến hành cho thấy, hơn 60 triệu cử tri đã tham gia bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Con số này thể hiện mối quan tâm của cử tri Mỹ tới cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa ứng cử viên đại diện đảng Cộng hòa - đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ Joe Biden. Ngoài ra, số lượng người dân Mỹ đi bỏ phiếu sớm tính tới thời điểm hiện tại đã vượt con số 57 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu sớm vào năm 2016.

 Nguyên nhân dẫn tới việc các cử tri Mỹ quyết định tham gia bỏ phiếu sớm được cho là do lo ngại việc phải xếp hàng dài trong ngày bầu cử sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Đại dịch COVID-19 hiện đang khiến hơn 43 triệu người trên toàn thế giới lây nhiễm và hơn 1,1 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Trong đó, Mỹ là quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch bệnh khi nước này ghi nhận gần 9 triệu ca nhiễm và khoảng hơn 231.000 người tử vong.

 Tỷ lệ bỏ phiếu của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay được dự báo sẽ cao nhất trong vòng 1 thế kỷ qua ở Mỹ. Tổng số cử tri đi bỏ phiếu trong năm 2020 được dự báo là khoảng 150 triệu người, tương đương 65% các cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu. Đây sẽ là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1908.

 Theo kết quả khảo sát mới đây của The Atlanta Journal-Constitution về tỷ lệ ủng hộ của cử tri trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ tại bang Georgia, hai ứng cử viên đang bám đuổi nhau quyết liệt. Tổng thống Donald Trump chỉ kém ứng cử Joe Biden 1 điểm phần trăm (46% so với 47%) về tỷ lệ ủng hộ của những cử tri được hỏi tại bang Georgia. (Vtv.vn 27/10)Về đầu trang

Hàn Quốc cấm gửi cảnh báo vào điện thoại của người dân vào ban đêm

Ngày 26/10, nghị sĩ Park Soo-Young thuộc đảng Quyền lực nhân dân (PPP) đối lập ở Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này đã ban hành các hướng dẫn mới về việc gửi cảnh báo khẩn cấp vào điện thoại di động để không làm phiền người dân vào ban đêm.

 Cụ thể, Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc đã cấm gửi những cảnh báo trong khoảng thời gian từ 23h hôm trước đến 7h hôm sau, ngoại trừ trong những trường hợp khẩn cấp cần sự chú ý của công chúng. Trong khi đó, những cảnh báo liên quan tới quảng bá chính sách bị cấm ngay lập tức bất kể vào thời điểm nào trong ngày.

 Bộ trên cũng đưa ra những quy định chi tiết về cảnh báo liên quan tới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, như cấm những cảnh báo không cần thiết về các ca tử vong hay sử dụng các tài khoản mạng xã hội hoặc trang web để đăng tải thông tin về các ổ dịch mới bùng phát hay cách thức lây lan, hơn là chỉ công bố thông tin trực tiếp cho người dân.

 Theo nghị sĩ Park Soo-Young, chính quyền trung ương và cấp địa phương ở Hàn Quốc trong 9 tháng đầu năm nay đã gửi đi 34.679 cảnh báo vào điện thoại di động của người dân. Chỉ riêng trong ngày 3/9, có 51 trong tổng số 395 cảnh báo khẩn cấp được gửi đi từ nửa đêm đến 6h sáng. (VTV.vn 26/10)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More