Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 11-03-2020

Post date: 11/03/2020

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1. Báo cáo Bộ Chính trị về tình hình dịch COVID-2019. 1

2.  Bộ, ngành ​hoãn họp, dân làm việc trực tuyến. 2

3.  Khai báo y tế chống dịch Covid-19: Tự giác, trách nhiệm.. 4

4.   Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cách ly tại nhà. 5

5.  Sếp công ty điện gió ở Quảng Trị bị cách ly, nhân viên đi thay. 6

6.Sếp đánh tráo nhân viên đi cách ly thay: Nếu có, phải truy cứu trách nhiệm hình sự. 7

CHÍNH SÁCH MỚI 8

7. Nhiều thủ tục hành chính làm căn cước công dân được bãi bỏ trong năm 2020. 8

8. Chính phủ sửa Nghị định, khởi sự kinh doanh dễ dàng hơn. 8

9. Từ 1/5, chủ tàu, thuyền được tự giữ phương tiện vi phạm.. 9

CHỈ THỊ MỚI 9

10. Thủ tướng chỉ thị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.. 9

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 10

11. TP.HCM: Dân thích lên phường. 10

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 11

12. Loại bỏ “sâu mọt” trong lực lượng thanh tra. 11

QUẢN LÝ.. 12

13.   Chống dịch COVID-19: Đẩy mạnh dịch vụ thanh toán trực tuyến. 12

14.  Doanh nghiệp Nhà nước xin về lại Bộ: “Bước thụt lùi của cải cách”. 13

15.  TP.HCM xin không tổ chức HĐND quận và phường. 15

16.TPHCM: Hóc Môn thông tin về clip dân “tố” Chủ tịch huyện. 16

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 17

17. Xây dựng Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản. 17

18.TP.HCM khuyến khích người dân làm thủ tục hành chính qua mạng. 17

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 17

19. Luỹ kế thu ngân sách 2 tháng đầu năm tăng 9,3% so với cùng kỳ 2019. 17

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 19

20. 2 Trung tá Cảnh sát giao thông Đồng Nai bị tố bảo kê xe tự nhận mức kỷ luật 19

THẾ GIỚI 19

21. Italy mở rộng các biện pháp kiểm dịch ra toàn quốc. 19

22. Singapore: Phạt nặng người vi phạm phòng chống dịch bệnh COVID-19. 20

 TIÊU ĐIỂM

Báo cáo Bộ Chính trị về tình hình dịch COVID-2019

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc chuẩn bị báo cáo cấp có thẩm quyền về dịch COVID-2019.

 Theo đó, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì làm việc với các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo báo cáo Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình phòng, chống dịch COVID-2019. Trong đó, cần nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

 “Với Bộ Chính trị cần đề xuất kiến nghị cho chủ trương, định hướng chỉ đạo về các vấn đề lớn và giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các Tỉnh ủy, Thành ủy và các cơ quan liên quan về phòng chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống cho nhân dân…” - Thủ tướng yêu cầu.

 Đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng yêu cầu có kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực cần sớm triển khai thực hiện thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

 Đặc biệt là về các giải pháp về thuế, phí, lệ phí, chi ngân sách nhà nước. Trong đó có nhiệm vụ chi cấp bách phòng chống dịch, và việc chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

 Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo cơ quan soạn thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đưa ra các giải pháp về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người dân, doanh nghiệp.

 “Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan để phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống cho nhân dân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-3…” - Thủ tướng nhấn mạnh. (Pháp luật TPHCM 10/3, Viết Long)Về đầu trang

Bộ, ngành ​hoãn họp, dân làm việc trực tuyến

Trước thực trạng Hà Nội có 4 người nhiễm Covid -19, ngày làm việc đầu tuần (9/3), nhiều doanh nghiệp cho nhân viên làm việc trực tuyến (online) tại nhà. Trong khi đó, các bộ, ngành hoãn cuộc họp tập trung đông người, đo thân nhiệt với tất cả mọi người từ cổng vào của các bộ.

 Từ ngày 9/3, Bộ LĐ-TB&XH hoãn tất cả cuộc họp tại bộ, trong khi Bộ GTVT thực hiện đo thân nhiệt với tất cả mọi người ra vào ngay từ cổng vào và tạm dừng bếp ăn tập thể… Đây là các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.

 Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các khuyến cáo của Bộ Y tế, từ sáng 9/3, cơ quan Bộ GTVT đã triển khai kiểm tra thân nhiệt cán bộ và khách đến làm việc ngay từ cổng vào trụ sở bộ. Cùng đó, Bộ GTVT tạm nghỉ bếp ăn tập thể, và khuyến cáo cán bộ công chức, viên chức thực hiện nghiêm các hoạt động cá nhân theo chỉ dẫn của Bộ Y tế.

 Bộ LĐ-TB&XH cũng thông báo tạm hoãn nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo để tránh tập trung đông người ở bộ từ ngày 9/3, cho đến khi có thông báo mới. Trong trường hợp cuộc họp rất cần thiết, các cục, vụ phải báo cáo bộ trưởng để xem xét, quyết định.

 Bộ này cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo phòng chống dịch vừa giải quyết công việc chuyên môn.

 Trước tình hình dịch Covid -19 hiện nay, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu tạm hoãn các chuyến đi công tác nước ngoài, tập trung phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

 Cùng đó, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các cá nhân, đơn vị thuộc bộ thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, các đơn vị của bộ này được yêu cầu: Rà soát toàn bộ công chức, viên chức và người lao động của đơn vị sinh sống ở khu vực có thể tiếp xúc với những người đã được công bố bị nhiễm Covid-19 (nếu có); Nghiêm túc thực hiện cách ly theo hướng dẫn của cơ quan y tế ở địa phương và kịp thời báo cáo bộ. 

Theo nguồn tin của PV Tiền Phong, các thành viên trong đoàn cán bộ của Bộ KH&ĐT đi cùng chuyến bay với bệnh nhân nhiễm Covid -19 số 17 đều đã được cách ly và theo dõi y tế từ ngày 7/3. Đến nay, sau 2 lần xét nghiệm, tất cả các thành viên trong đoàn đều có kết quả âm tính.

 “Sáng thứ 2 (ngày 9/3), mọi hoạt động của cán bộ công nhân viên chức của Bộ KH&ĐT diễn ra bình thường. Thông tin việc Bộ KH&ĐT đóng cửa hay làm việc tại nhà không đến cơ quan là tin đồn”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết.

 Trước thực trạng, Hà Nội có 4 người nhiễm Covid -19, ngày làm việc đầu tuần (9/3), nhiều doanh nghiệp cho nhân viên ở nhà làm việc online, không cần đến văn phòng tập trung. Chị Quỳnh Mai, nhân viên công ty xuất nhập khẩu tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, tối 8/3 giám đốc công ty thông báo tất cả nhân viên sẽ không cần đến công ty và làm việc tại nhà. Mọi chỉ đạo, công việc được trao đổi qua các nhóm trên mạng như Skype, Zalo, Facebook…

 “Từ ngày 9/3 đến hết tuần, chúng tôi trao đổi công việc qua mạng xã hội. Nếu việc gì cần thiết sẽ gọi điện trao đổi trực tiếp. Nếu tuần sau, tình hình dịch bệnh giảm, công ty sẽ quay trở lại làm việc bình thường”, chị Mai cho biết. 

Nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ như công ty của chị Mai lựa chọn phương án làm việc online, tránh tập trung đông người, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây bệnh. Với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, trước khi vào ca làm việc, công nhân được kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang, sát trùng tay trước khi vào nhà xưởng.

 Tại các chung cư ở Hà Nội, việc tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch Covid -19 cũng được đẩy mạnh. Anh Nguyễn Văn Ngàn, cư dân sinh sống tại chung cư tại quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, ở cửa ra vào thang máy và trong thang máy ban quản lý tòa nhà đều trang bị nước sát khuẩn, tờ rơi hướng dẫn các dấu hiệu của bệnh, cách phòng tránh, số điện thoại liên lạc trạm y tế phường, trung tâm y tế quận khi cần hỗ trợ. Ngoài ra, ban quản lý chung cư còn liên tục phát thanh bản tin về phòng chống dịch Covid-19 trên hệ thống loa của chung cư.

 Bộ LÐ-TB&XH cũng thông báo tạm hoãn nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo để tránh tập trung đông người ở bộ từ ngày 9/3, cho đến khi có thông báo mới. Trong trường hợp cuộc họp rất cần thiết, các cục, vụ phải báo cáo bộ trưởng để xem xét, quyết định. (Tiền phong 10/3, Quỳnh Nga – Lê Hữu Việt)Về đầu trang

Khai báo y tế chống dịch Covid-19: Tự giác, trách nhiệm

Để giúp các công dân Việt Nam và người nhập cảnh vào Việt Nam nắm bắt được đầy đủ thông tin, các khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh Covid-19 từ Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế, 2 ứng dụng (app) trợ giúp y tế cho người Việt Nam và người nước ngoài đã được Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Y tế ra mắt vào cuối chiều 9-3.

 Đó là ứng dụng NCOVI dành cho người dân Việt Nam và ứng dụng Vietnam Health Declaration dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam.

 Ứng dụng NCOVI do Tập đoàn VNPT cùng các công ty ICT lớn ở Việt Nam nghiên cứu và phát triển, được Bộ Y tế, Bộ Thông tin & Truyền thông khuyến nghị toàn dân sử dụng để cung cấp thông tin hỗ trợ ngành y tế, nhằm tìm ra các trường hợp cần chú ý để bảo đảm phòng chống dịch một cách chủ động. Ứng dụng gồm nhiều chức năng như: chức năng khai báo yếu tố nguy cơ (dành cho những người đi từ vùng dịch, đã tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, giúp họ được hỗ trợ kịp thời từ cơ quan y tế); chức năng khai báo y tế toàn dân (dành cho người dân đăng ký thông tin sức khỏe bản thân và người thân trong gia đình với cơ quan y tế). App này còn có chức năng theo dõi sức khỏe, chức năng phản ánh thông tin (cho phép người dùng phản ánh đến cơ quan chức năng các trường hợp khả nghi, cần theo dõi bệnh), chức năng cảnh báo khu vực có dịch...

 Theo VNPT, ứng dụng hỗ trợ được tất cả thuê bao của các nhà mạng khác nhau, tương thích nhiều hệ điều hành và các dòng smartphone phổ biến trên thị trường. Để tạo tài khoản, người dùng phải cung cấp các thông tin gồm tên, năm sinh, một số giấy tờ tùy thân, địa chỉ, số điện thoại. Đặc biệt, ứng dụng bảo đảm an toàn bảo mật dữ liệu cá nhân, chống tấn công mạng như từ chối dịch vụ, chiếm quyền kiểm soát, rò rỉ thông tin cá nhân...

 Sau khi cài đặt ứng dụng NCOVI trên điện thoại thông minh, người dân nhập đầy đủ thông tin cá nhân theo yêu cầu để bắt đầu sử dụng. Người dân cung cấp các thông tin cá nhân và tình hình sức khỏe của bản thân trong mục "Khai báo y tế toàn dân" ở màn hình chính; cập nhật tình hình sức khỏe hằng ngày ở màn hình "Theo dõi sức khỏe". Ngoài ra, ứng dụng này còn có mục để người dân phản ánh về những trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại nơi mình sinh sống. Các dữ liệu này được cập nhật trên thời gian thực và được định vị trên nền tảng bản đồ số Việt Nam (Vmap).

 Theo Bộ TT-TT, để góp phần phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19, người dân cần hết sức tự giác, có trách nhiệm không chỉ vì sức khỏe bản thân mà cho cả gia đình và cộng đồng. Việc khai báo sớm, trung thực sẽ giúp cơ quan chức năng cách ly, khoanh vùng ổ dịch kịp thời, tránh lây lan.

 Việc người dân sử dụng app NCOVI còn góp phần cung cấp thông tin hỗ trợ ngành y tế tìm ra các trường hợp cần chú ý để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 một cách chủ động. Dựa trên dữ liệu gửi về, hệ thống y tế sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể.

 Cũng tại lễ ra mắt, ứng dụng Vietnam Health Declaration (do Viettel Solutions xây dựng) đã được giới thiệu dành cho người nước ngoài khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình trạng sức khỏe khi đến Việt Nam.

 Theo đó, người nhập cảnh vào Việt Nam có thể khai bằng cách quét mã QR qua điện thoại thông minh để nhận đầy đủ các thông tin cần khai báo. Khi kê khai xong, các thông tin từ tờ khai sẽ được hệ thống cập nhật về các trung tâm chống dịch và cơ quan của Việt Nam để quản lý. Dựa trên dữ liệu mà ứng dụng này gửi về, hệ thống y tế Việt Nam sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể. 

Hai ứng dụng hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 gồm NCOVI và Vietnam Health Declaration hiện đã được nhóm phát triển gửi lên các kho ứng dụng Apple Store và Google Play. Các ứng dụng này sẽ là kênh chính thức để cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi các khuyến cáo tới người dân, người nhập cảnh vào Việt Nam, vì vậy đề nghị người dân, người nhập cảnh thường xuyên cập nhật dữ liệu và kiểm tra thông tin mới trên ứng dụng.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo "toàn dân chống dịch" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. "Việt Nam đã bước sang giai đoạn 2 của việc chống dịch Covid-19. Dịch bệnh không chỉ vào nước ta từ một, hai phía mà vào từ rất nhiều phía, thậm chí đang nằm trong đất nước chúng ta. Do vậy, cần cảnh giác hơn, quyết tâm hơn, đồng thời phải tự tin hơn, bởi vì chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm từ giai đoạn 1, đã lường hết mọi kịch bản, tình huống và điều quan trọng nhất là có sự tham gia của nhân dân" - Phó Thủ tướng lưu ý.

 Để "toàn dân chống dịch", theo Phó Thủ tướng, một trong những việc hết sức thiết thực là tham gia cung cấp thông tin tương tác 2 chiều với cơ quan chức năng. "Việc khai báo y tế của người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam là bắt buộc. Ai không khai hay khai không trung thực là vi phạm pháp luật và phải xử lý. Khai báo y tế toàn dân, bản chất là cung cấp thông tin và tương tác 2 chiều giữa từng người dân và cơ quan y tế" - Phó Thủ tướng nói.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá việc ra mắt 2 ứng dụng khai báo y tế mới NCOVI và Vietnam Health Declaration là một trong những biểu hiện rất cụ thể của tinh thần "toàn dân chống dịch". Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng kêu gọi mọi người cùng tham gia sử dụng 2 ứng dụng mới này. "Đây là hành động thiết thực và ý nghĩa. Khi đất nước gặp khó khăn, tất cả người Việt Nam đều nắm chặt tay nhau, bước qua những cái riêng tư để cùng đạt được mục đích" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 Cùng với việc sử dụng các app trên, người dân cũng có thể truy cập trang suckhoetoandan.vn/khaiyte hoặc tokhaiyte.vn và làm theo hướng dẫn để thực hiện khai báo y tế điện tử. Thông qua hệ thống, các cơ quan quản lý có thể nắm bắt chính xác số lượng về người nhập cảnh, xuất cảnh, quản lý các trường hợp nghi ngờ cách ly, thống kê và báo cáo tình hình nhanh và chính xác nhất tới cơ quan y tế, địa phương. (Người lao động 10/3)Về đầu trang

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cách ly tại nhà

Ông Trương Quang Nghĩa đang cách ly tại nhà vì đi cùng chuyến bay với hai du khách người Anh nhiễm nCoV.

 Chiều 9/3, bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng thông tin, kết quả xét nghiệm của ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng âm tính với nCoV.

 "Do kết quả âm tính nên CDC được quyền công bố", Bác sĩ Thạnh nói và cho biết ông Trương Quang Nghĩa cách ly tại nhà trong 14 ngày theo quy định.

 Trước đó ông Nghĩa đi trên chuyến bay VN163 từ Hà Nội đến Đà Nẵng vào sáng 2/3. Trên chuyến bay này có hai du khách người Anh nhiễm dịch.

 CDC Đà Nẵng cho biết, chưa rà soát được toàn bộ số lượng hành khách đi cùng chuyến bay với hai du khách người Anh. Qua điều tra ban đầu, hơn 100 người ở thành phố đã tiếp xúc với họ và CDC đang phân loại để ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần.

 "Mỗi lần làm xét nghiệm được khoảng 20 ca, thời gian cần 4 tiếng", Bác sĩ Thạnh nói.

 Hôm nay, Đà Nẵng chưa ghi nhận thêm ca dương tính ngoài hai du khách người Anh. Hiện hai người này sức khỏe ổn định, không sốt, không ho, không khó thở; các xét nghiệm, X-quang phổi không có gì đặc biệt. 

Sở Y tế đề nghị người dân tiếp xúc gần với hai du khách người Anh, hoặc có đến các địa điểm trong lịch trình của họ trong thời gian qua nên chủ động theo dõi sức khỏe, trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

 Trong ba ngày qua Việt Nam ghi nhận thêm 15 ca dương tính nCoV, nâng số bệnh nhân lên 31, trong đó 16 người đã khỏi bệnh. (Vnexpress.net 09/3, Nguyễn Đông)Về đầu trang

Sếp công ty điện gió ở Quảng Trị bị cách ly, nhân viên đi thay

Trong nhóm 4 người bị cách ly dịch Covid-19 tại Quảng Trị có một người được lệnh đánh tráo thay sếp. Hiện sếp công ty đã ra trình diện và buộc phải cách ly.

 Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chiều 09/3  xác nhận, có trường hợp “đánh tráo” người để đi cách ly.

 Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Hùng cũng cho hay, 1 trong 4 người mà cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã tiến hành cách ly khi đi trên chuyến bay có người nhiễm Covid-19 lưu trú tại TT Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) đã bị “đánh tráo”.

 Theo đó, sáng 10/3, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị phát hiện sự việc nêu trên và lập tức sử dụng các biện pháp quyết liệt. Đến buổi trưa người này đã tự nguyện ra trình diện, cách ly.

 Được biết, người đã chỉ đạo cấp dưới đi cách ly thay mình là ông L.T.H. (Chủ tịch công ty xây dựng, đang triển khai dự án điện tại huyện Hướng Hoá). Khi ông H. ra trình diện đã đi cùng tài xế của mình.

 Hiện tại, ông H., tài xế và cả 4 người được cách ly trước đó là N.T.L., N.B.S., N.M.Đ., L.T.H. (cùng trú tại Hà Nội) đều đang được cách ly.

 Công an huyện Hướng Hóa cho hay, người được ông H. đánh tráo là P.Đ.H (nhân viên công ty).

 “Quá trình kiểm tra để cách ly thì mọi người bịt khẩu trang, khó phát hiện. Đến khi về đến trung tâm cách ly thì cán bộ mới phát hiện, đấu tranh làm rõ. Đến buổi trưa người này mới tự nguyện ra trình diện, cách ly”, lãnh đạo công an cho biết thêm. 

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị vẫn đang tích cực điều tra, làm rõ nghi án “đánh tráo” người đi cách ly, phòng dịch Covid-19 để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 Những người này được xác định đã di chuyển cùng bệnh nhân Covid-19 thứ 30 trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội về Huế ngày 6/3. Sau khi xuống sân bay, 4 người nêu trên đã tự thuê xe riêng về Quảng Trị (không ghé Huế). (Vietnamnet.vn 09/3, Hương Lài)Về đầu trang

Sếp đánh tráo nhân viên đi cách ly thay: Nếu có, phải truy cứu trách nhiệm hình sự

Xung quanh thông tin về sự việc hy hữu Chủ tịch HĐQT Công ty điện gió tại tỉnh Quảng Trị đưa nhân viên đi cách ly thay để trốn cách ly dịch Covid-19, các luật sư cho rằng, nếu có, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Hiện có thông tin về một sự việc cực kỳ nghiêm trọng khi 1 trong 4 người mà cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đưa đi cách ly sau khi đi trên chuyến bay VN1547 (có bệnh nhân Covid-19 thứ 30 đi từ Hà Nội vào Huế) bị đánh tráo. Người thực hiện việc đánh tráo là Chủ tịch HĐQT của một công ty triển khai dự án năng lượng điện gió tại tỉnh Quảng Trị.

 Người này là 1 trong 4 người ngồi cùng khoang máy bay mang số hiệu VN1547 từ Hà Nội vào Huế với bệnh nhân Covid-19 thứ 30 (hiện đang điều trị cách ly tại Bệnh viện T.Ư Huế Cơ sở 2). Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng thực hiện cách ly thì Chủ tịch HĐQT này lại cho nhân viên của mình đi cách ly thay. Sự việc sau đó được phát hiện và khi cơ quan chức năng sử dụng các biện pháp quyết liệt, Chủ tịch HĐQT này mới tự nguyện ra trình diện và thực hiện cách ly.

 Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vụ việc này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay,  nếu vụ việc là đúng, theo quy định của pháp luật, hành vi trốn tránh các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh đều bị xử lý. Cụ thể, Ðiều 10 Nghị định 176/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: Người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.

 “Bên cạnh đó, nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Ðiều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà đối tượng phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20 - 100 triệu đồng” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng thông tin.

 Theo các chuyên gia luật, việc chế tài xử phạt với các trường hợp trốn cách ly y tế, mức độ xử phạt hành chính, phạt tiền như vậy vẫn còn quá nhẹ, so với hậu quả của dịch bệnh Covid-19 gây ra như hiện nay. Tại Nga, người nghi nhiễm dịch bệnh Covid-19 trốn cách ly có thể bị tống giam tới 5 năm tù; trong khi đó, Séc phạt tiền tới 130.000 USD còn Hàn Quốc phạt 8.200 USD. (Kinh tế & Đô thị 09/3, Hồng Thái)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Nhiều thủ tục hành chính làm căn cước công dân được bãi bỏ trong năm 2020

Tại Quyết định 58/QĐ-BCA ngày 03/01/2020 có hiệu lực cùng ngày, 2 thủ tục hành chính về Thẻ căn cước công dân chính thức bị bãi bỏ.

 Các thủ tục hành chính lĩnh vực cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân bị bãi bỏ, trong đó có: 02 thủ tục hành chính cấp trung ương, 02 thủ tục cấp tỉnh và 02 thủ tục cấp huyện.

 Cụ thể, các thủ tục hành chính bị bãi bỏ bao gồm: Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi cấp thẻ Căn cước công dân đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG) và Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi cấp thẻ Căn cước công dân chưa có thông tin trong CSDLQG về dân cư (thực hiện tại 3 cấp).

 Ngoài ra, Quyết định cũng công bố một số thủ tục hành chính cùng lĩnh vực bị sửa đổi, bổ sung bao gồm các thủ tục: Cấp thẻ Căn cước công dân khi đã có thông tin trong CSDLQG về dân cư; Cấp thẻ Căn cước công dân khi chưa có thông tin trong CSDLQG về dân cư; Đổi thẻ Căn cước công dân; Cấp lại thẻ Căn cước công dân; Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân… (Tapchitaichinh.vn 10/3, D.Bùi) Về đầu trang

Chính phủ sửa Nghị định, khởi sự kinh doanh dễ dàng hơn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 139/2016/NĐ-CP về lệ phí môn bài, với nhiều quy định sửa đổi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự kinh doanh nhanh chóng, dễ dàng hơn, thực hiện ngay từ 25/2.

 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định miễn lệ phí môn bài 3 năm kể từ năm thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh; tuy nhiên, chưa có quy định miễn lệ phí môn bài đối với chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập trong thời gian này.

 Do đó, để khuyến khích, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và chuyển hoạt động của hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, Nghị định số 22/2020/NĐ-CP đã quy định miễn lệ phí môn bài đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh do doanh nghiệp nhỏ và vừa (chuyển từ hộ kinh doanh) thành lập, thời gian miễn lệ phí môn bài cùng với thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.

 Theo quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân mới ra hoạt động kinh doanh thực hiện khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Trường hợp mới thành lập nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thuế. Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí.

 Để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, tại Nghị định số 22/2020/NĐ-CP đã quy định thời gian khai, nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/1 năm sau.

 Đáng chú ý, nghị định mới đã bổ sung quy định hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán không phải khai lệ phí môn bài. Cơ quan thuế căn cứ tờ khai thuế, cơ sở dữ liệu ngành Thuế để xác định doanh thu kinh doanh làm căn cứ tính mức lệ phí môn bài phải nộp của hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán.

 Nhằm sớm hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích hoạt động khởi nghiệp, Chính phủ quy định hiệu lực thi hành của các chính sách nêu trên ngay từ ngày 25/2/2020. (Thời báo tài chính Việt Nam 10/3)Về đầu trang

Từ 1/5, chủ tàu, thuyền được tự giữ phương tiện vi phạm

Đây là một nội dung mới trong Nghị định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

 Để có thể được tự trông giữ phương tiện vi phạm các cá nhân, tổ chức phải có nơi đăng ký thường trú, tạm trú, có địa chỉ hoạt động cụ thể và phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện. Trong thời hạn tự trông giữ, tổ chức, cá nhân vi phạm không được đưa phương tiện vi phạm tham gia giao thông.

 Quy định này được xem là sẽ tạo thuận lợi hơn cho cả cơ quan chức năng và chủ phương tiện. (VTV.vn 10/3)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Thủ tướng chỉ thị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

 Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, các loại dịch bệnh động vật đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành và có chiều hướng diễn biến phức tạp.

 Cả nước đã có 34 ổ dịch cúm gia cầm do virus cúm A/H5N1 và A/H5N6 gây ra tại 10 tỉnh, thành, buộc phải tiêu hủy hơn 100.000 con gia cầm. Các chủng virus cúm này có khả năng lây nhiễm và gây tử vong ở người. Có hơn 100 ổ dịch lở mồm long móng tại chín tỉnh, thành làm hàng ngàn gia súc mắc bệnh và hàng trăm gia súc bị chết. Bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra rất trầm trọng vào năm 2019, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng và làm ảnh hưởng lớn chỉ số CPI…

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ… (Pháp luật TPHCM 10/3, TX)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

TP.HCM: Dân thích lên phường

Với bộ máy tinh gọn, cách sắp xếp hiện đại, khang trang, bộ phận “một cửa” tại UBND phường 10, quận 11 (TPHCM) đã giúp người dân ngày càng hài lòng hơn về công tác cải cách hành chính tại địa phương.

 Gặp anh Phạm Văn Tuấn tại khu vực đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cách phục vụ của cán bộ công chức UBND phường 10, quận 11 (TPHCM), anh Tuấn rất vui khi bấm chọn vào biểu tượng hài lòng nhất. 10 phút trước, anh Tuấn vào trụ sở UBND phường 10 và đến quầy “một cửa” để chứng nhận một số giấy tờ. “Nghe bạn bè nói cán bộ phường tiếp nhận và trả kết quả rất nhanh, nhưng tôi không nghĩ lại được giải quyết trong thời gian nhanh như vậy. Chưa đến 10 phút, giấy tờ của tôi đã được ký xong. Cán bộ tiếp dân cũng rất vui vẻ và thân thiện”, anh Tuấn nói vui.

 Không chỉ anh Tuấn, mà nhiều người khi đến làm giấy tờ tại bộ phận một cửa của UBND phường 10 đều cảm thấy hài lòng với cách làm sáng tạo vì dân của cán bộ tại đây. Theo ông Đỗ Nguyễn Tuấn Kha, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 10, trong quá trình thực hiện chương trình cải cách hành chính và cơ chế một cửa, Đảng ủy, UBND phường đã tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ công chức. Từ đó góp phần nâng cao thái độ ứng xử của cán bộ công chức với nhân dân, giúp người dân ngày càng hài lòng khi đến thực hiện thủ tục hành chính tại phường.

 Để người dân hiểu rõ hơn về quy trình phục vụ, mọi văn bản tại bộ phận một cửa đều niêm yết công khai danh mục, thủ tục hành chính, nguyên tắc tiếp khách, tiếp dân và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức để người dân tiện giám sát.   

Vì dân, phường còn linh hoạt nghĩ ra nhiều giải pháp hay để hỗ trợ thiết thực. Trong đó, hỗ trợ sửa chữa nhà ở là một trong rất nhiều cách làm hay của phường đã làm để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Cùng con cháu quây quần bên mâm cơm, ông Triệu Hải Thọ (ngụ đường Lạc Long Quân) rất hạnh phúc. Hơn 70 tuổi, ước mơ về căn nhà khang trang của ông đã được UBND phường 10 giúp thực hiện. Kiếm sống bằng nghề lượm ve chai, các con và cháu cũng chỉ đi làm thuê để kiếm sống nên dù căn nhà đã xuống cấp nhiều năm nhưng gia đình ông không có khả năng sửa chữa. Từ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân với số tiền hơn 44 triệu đồng, căn nhà của ông Thọ đã được xây sửa mới.

 Nhờ sâu sát từng hoàn cảnh các hộ nghèo và cận nghèo, cán bộ tổ tự quản nhận thấy để thoát nghèo thì công tác hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm phải được thực hiện trước. Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững phường đã tạo cầu nối để các cơ sở sản xuất trên địa bàn tiếp nhận lao động của các hộ gia đình khó khăn để từ đó ổn định cuộc sống. Ngoài ra, sự trợ giúp kịp thời về nhà ở, bảo hiểm y tế, trao tặng học bổng, phương tiện sinh kế cũng đã giúp đời sống cho các hộ gia đình nghèo và cận nghèo trên địa bàn phường được nâng cao.

 Bà Trần Thị Phi Yến, Bí thư Đảng ủy phường 10, vui mừng cho biết, từ sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, xã hội trên địa bàn và ý thức vươn lên của các hộ gia đình đã giúp phường 10 không còn hộ nghèo trước chuẩn 2 năm, hộ cận nghèo trước chuẩn 1 năm. (Sggp.org.vn 10/3, Thái Phương) Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Loại bỏ “sâu mọt” trong lực lượng thanh tra

Thanh tra Chính phủ đang dự thảo Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Đoàn Thanh tra. Trong đó, quy định cụ thể về xử lý hành vi vi phạm của Trưởng đoàn Thanh tra, thành viên Đoàn Thanh tra. Đây được coi là chế tài mạnh nhằm xử lý hành vi vi phạm của lực lượng thanh tra trong quá trình thi hành công vụ.

 Hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Qua hoạt động thanh tra góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 Thời gian qua, lực lượng thanh tra đã vào cuộc tích cực để đưa nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng ra ánh sáng. Nhờ đó, kịp thời phát hiện các vi phạm, giúp thu hồi được một lượng lớn tài sản tham nhũng về cho Nhà nước. Tuy vậy, bên cạnh đó, một số cán bộ đã lợi dụng hoạt động thanh tra để “ép” doanh nghiệp đưa tiền nhằm làm lợi cá nhân. Đó là trường hợp 5 cán bộ Thanh tra tỉnh Thanh Hóa trong khi làm nhiệm vụ thanh tra việc quản lý thu, chi ngân sách và đầu tư xây dựng cơ bản đã có hành vi đe dọa, ép buộc phải đưa tiền nhằm bỏ qua những sai phạm. Hậu quả, những đối tượng này đã bị khởi tố về tội “nhận hối lộ”. Hay vụ việc vi phạm tương tự xảy ra ở Vĩnh Phúc từng gây bức xúc dư luận, khi một số cá nhân trong Đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng “vòi tiền” doanh nghiệp tại Vĩnh Tường. Công an tỉnh này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3/5 thành viên của Đoàn Thanh tra về tội “nhận hối lộ”.

 Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số công chức, viên chức thanh tra không nghiêm; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị thanh tra chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức; việc phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời, chưa nghiêm. Chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng việc một số cán bộ suy thoái đạo đức này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỷ cương, phép nước, đến uy tín của ngành thanh tra.

 Để kịp thời ngăn ngừa, khắc phục tiêu cực, cũng như làm trong sạch đội ngũ thanh tra, dự thảo Thông tư quy định các hình thức xử lý hành vi vi phạm đối với Trưởng đoàn Thanh tra, thành viên Đoàn Thanh tra. Theo đó, Trưởng đoàn Thanh tra, thành viên Đoàn Thanh tra phải bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách khi không thực hiện đúng, không hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Trưởng đoàn Thanh tra, thành viên Đoàn Thanh tra phải bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật khi có các hành vi: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; làm sai lệch hồ sơ thanh tra, giả mạo, sửa chữa, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ nhằm kết luận, báo cáo sai sự thật; bao che cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng kết luận, báo cáo người ra quyết định thanh tra với mức độ nhẹ hơn so với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; nhận hối lộ, môi giới hối lộ…

 Quy định này được đánh giá là chế tài mạnh, răn đe đối với lực lượng thanh tra khi thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp xử lý khi hậu quả “đã rồi”. Điều quan trọng là có biện pháp phòng ngừa vi phạm hiệu quả. Muốn vậy, phải phát huy trách nhiệm người đứng đầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức thanh tra trong thực thi nhiệm vụ. Khi công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, xử lý cán bộ vi phạm chưa nghiêm, cán bộ thực thi còn “thỏa hiệp” với đối tượng vi phạm, thì rất khó nói “không” với tiêu cực trong hoạt động thanh tra. (Đại biểu nhân dân 10/3, Hà An)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Chống dịch COVID-19: Đẩy mạnh dịch vụ thanh toán trực tuyến

áng 10/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan nhằm kiểm thử, đánh giá kết quả tích hợp, cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG).

 Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đánh giá Việt Nam đã thành công bước đầu trong giai đoạn 1. Tuy nhiên, cuộc chiến chống dịch COVID-19 bắt đầu sang giai đoạn mới, chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt cho tình huống này và sẽ làm tốt hơn nữa các kịch bản chống dịch. 

Bên cạnh việc đánh giá cao các bộ, cơ quan đã tích cực phối hợp với VPCP trong thời gian qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ, cơ quan tiếp tục phối hợp đưa các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng DVCQG trong thời gian tới. Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, các dịch vụ công có ý nghĩa quan trọng bởi sự chú trọng đến cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

 Dự kiến, vào ngày 13/3 tới, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, VPCP tổ chức hội nghị sơ kết 3 tháng triển khai Cổng DVCQG và khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Thời điểm sơ kết dự kiến sẽ có từ 15-20 dịch vụ công trực tuyến được đưa lên Cổng DVCQG.

 Vì vậy, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, cuộc họp hôm nay sẽ tiếp tục đánh giá những kết quả đã triển khai, kiểm thử, đánh giá một số dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng DVCQG sắp tới; từ đó khắc phục những tồn tại để dịch vụ công khi tích hợp phải bảo đảm tuyệt đối thành công.

 Điểm chung của những dịch vụ công đưa lên Cổng DVCQG sắp tới chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử, đó là các dịch vụ liên quan đến: Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩn h vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách và khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; dịch vụ hủy tờ khai hải quan, khai bổ sung hồ sơ hải quan; dịch vụ đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; dịch đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp...

 Đối với việc cung cấp dịch vụ công trên Cổng DVCQG trong quý I/2020, Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) cho biết, hiện đã tích hợp đăng nhập một lần với 11/22 bộ, ngành, 63/63 địa phương; thực hiện kết nối, đồng bộ trạng thái hồ sơ TTHC với 13/22 bộ, ngành, 63/63 tỉnh, thành phố.

 Từ thời điểm Cổng DVCQG khai trương ngày 9/12/2019 đến hôm nay là tròn 3 tháng, đã có có trên 77.200 tài khoản đăng nhập, hơn 20,9 triệu người truy cập tìm hiểu thông tin dịch vụ, trên 2,6 triệu bồ hồ sơ đồng bộ trạng thái, trong đó có trên 13.100 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng DVCQG. Đây là kết quả tích cực khi Cổng DVCQG được người dân, doanh nghiệp ủng hộ. (Baochinhphu.vn 10/3, Gia Huy)Về đầu trang

Doanh nghiệp Nhà nước xin về lại Bộ: “Bước thụt lùi của cải cách”

Mới đây, trong buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, đại diện nhiều doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã “than khó”, đưa ra nhiều vướng mắc trong việc việc thực hiện các dự án.

 Đặc biệt, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, bày tỏ mong muốn doanh nghiệp trở về Bộ GTVT bởi không được giao vốn ngân sách năm 2020 do vướng Luật Ngân sách Nhà nước. Doanh nghiệp này cho biết không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT nên không được giao vốn nữa.

 Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc tách bạch việc quản lý Nhà nước và quản lý doanh nghiệp là hoàn toàn đúng đắn. Việc doanh nghiệp xin về lại Bộ giống như một bước thụt lùi trong cải cách.

 Tờ Zing dẫn lời Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, từ Đại hội XII, Đảng đã xác định chủ trương dứt khoát xóa bỏ chế độ chủ quản, thành lập một cơ quan độc lập quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, ông hoàn toàn ủng hộ việc thành lập cơ quan quản lý vốn độc lập, tách bạch với bộ chủ quản chuyên ngành.

 Ông Lộc nhấn mạnh, việc bộ quản lý chuyên ngành mà lại đồng thời là chủ quản doanh nghiệp nhà nước thì khác nào bộ đó có “con đẻ” của riêng mình thì sao có thể đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân cùng ngành nghề. Do đó, việc xóa bỏ chế độ bộ chủ quản cũng giúp tạo sự bình đẳng trong nền kinh tế.

 Các bộ chuyên ngành được giải phóng khỏi chức năng chủ quản doanh nghiệp Nhà nước để tập trung vào chức năng quản lý Nhà nước. Chủ tịch VCCI nhấn mạnh việc xây dựng thể chế là nhiệm vụ trung tâm, là một trong những bước tiến lớn nhất trong cải cách bộ máy hành chính của chính của Chính phủ trong nhiệm kỳ này.

 "Các doanh nghiệp Nhà nước xin về lại bộ là một bước lùi của cải cách, đi ngược lại những nỗ lực tách bạch cơ quan quản lý và đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp Nhà nước bấy lâu nay”, ông Lộc bày tỏ.

 Cùng chia sẻ quan điểm trên báo này, ông Phạm Phú Quốc, nguyên là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, nguyên là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM và có nhiều năm kinh nghiệm liên quan đến việc quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cho rằng, các bộ chuyên ngành chỉ nên tập trung vào việc xây dựng thể chế chính sách, cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, không nên sa vào việc vừa sở hữu, vừa quản lý.

 Ông nhấn mạnh chủ trương tách bạch là đúng nghị quyết của Trung ương cũng như phù hợp với các thông lệ quốc tế, tuy nhiên cách thực hiện sẽ cần phải ngày càng hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển.

 Theo ông Phạm Phú Quốc, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới thành lập nên còn gặp một số khó khăn liên quan đến thể chế, chính sách và cả con người, trong khi đó Ủy ban cần có nguồn lực tương xứng về con người, nhất là đội ngũ lãnh đạo có tư duy chiến lược, am hiểu doanh nghiệp, mạnh mẽ trong việc thể hiện rõ tinh thần kiến tạo, phục vụ, không phải theo cách thức mệnh lệnh hành chính, quan liêu mà cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

 “Phải có một thể chế và khung pháp lý rõ ràng, mạnh mẽ cũng như đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao để Ủy ban có thể vận hành, hoạt động hiệu quả, đáp ứng các nhiệm vụ đặt ra”, ông Phạm Phú Quốc nói.

 Vị đại biểu Quốc hội cho rằng Ủy ban mới thành lập nên cần phải thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm, tìm kiếm những cách làm hay, thay đổi sao cho phù hợp với sự phát triển.

 Trong thời gian tới, Ủy ban cần chủ động đề xuất, kiến nghị để cùng các bộ ngành giải quyết các vướng mắc, khó khăn này. Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc mong muốn phải tái cấu trúc lại chính cơ quan này theo mô hình tập đoàn đầu tư tài chính của nhà nước chứ không phải là một cơ quan hành chính cấp trên của các doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.

 Còn TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (Bộ KH-ĐT), một trong những thành viên ban soạn thảo đề án thành lập Ủy ban Quản lý vốn, chỉ ra thực trạng, thời gian qua, ủy ban đã không làm đúng bản chất của mình lúc mới thành lập. Đó là sự dùng dằng trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Đây mới là mấu chốt khiến việc thiết kế Ủy ban Quản lý vốn không đúng với bản chất. 

“Vai trò của Ủy ban Quản lý vốn không phải dự án đầu tư mà là giao mục tiêu (như tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh…) để doanh nghiệp thực hiện, chứ không phải đi giao từng dự án. Ủy ban phải làm như thế, còn đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào là quyết định của doanh nghiệp. Ủy ban Quản lý vốn không phải nơi thẩm định dự án đầu tư của doanh nghiệp. Dự án chỉ là công cụ đạt được mục tiêu mà thôi”, ông Cung kiến nghị.

 Vị chuyên gia cho rằng, nếu cơ quan này cứ can thiệp từng dự án thì có hàng nghìn người cũng không làm được. “Muốn có được người giỏi vào Ủy ban Quản lý vốn thì phải thực hiện cơ chế tiền lương mới, là tiền lương theo thị trường lao động quốc tế mới tuyển được CEO giỏi, chứ đừng đưa mấy ông công chức vào ủy ban. Ghế tại cơ quan này không phải ghế thử quyền lực”, ông Cung đề nghị.

 Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/3, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giải thích, trong 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển về còn nhiều nhiệm vụ tồn đọng. Thậm chí, có dự án lớn, triển khai dở dang 10 năm, 20 năm và nảy sinh nhiều vấn đề. Việc chuyển giao về Ủy ban, cơ quan này nhận thấy còn nhiều dự án hồ sơ chưa đầy đủ.

 Bà Hà nhấn mạnh với mỗi dự án, cơ quan này yêu cầu triển khai theo đúng trình tự thủ tục, phê duyệt dự án phải tuân theo pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành. Có những nhiệm vụ liên quan đến phê duyệt dự án, có thẩm quyền quyết định là của Thủ tướng, có thẩm quyền của địa phương, hoặc thẩm quyền của cơ quan chủ sở hữu.

 “Chúng tôi chiếu theo quy định thì một số dự án không phù hợp, không hiệu quả thì phải yêu cầu làm rõ. Trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp chưa quen cách triển khai của Ủy ban, nhưng chúng tôi yêu cầu phải bảo toàn vốn, không được thua lỗ, phải có hiệu quả. Khi không hiệu quả, chúng tôi yêu cầu phải báo cáo, đến khi nào có phương án thì mới đưa ra các cấp có thẩm quyền”, bà Hà chia sẻ. (Đất Việt 10/3)Về đầu trang

TP.HCM xin không tổ chức HĐND quận và phường

Sở Nội vụ TP.HCM vừa có tờ trình gửi Chủ tịch UBND TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận và phường.

 Theo Sở Nội vụ TP.HCM, trước đây TP đã có kinh nghiệm thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường giai đoạn 2009-2016. Việc thí điểm cho thấy kết quả phù hợp với điều kiện thực tế của TP, được nhân dân đồng tình.

 Việc này giúp TP tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy hành chính và phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở. 

Việc thí điểm đã mang lại sự chủ động cho UBND quận, huyện và phường khi xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội… theo định hướng của UBND TP. Thời gian thực thi kế hoạch được triển khai nhanh hơn, mang lại hiệu quả cao hơn.

 Khi thực hiện thí điểm, quyền làm chủ của nhân dân luôn được đảm bảo và không ngừng phát huy thông qua việc tăng cường, đẩy mạnh hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND… Qua đó, các nguồn lực được tập trung hơn cho các kênh tiếp xúc với người dân, tạo nên sự gần gũi hơn giữa chính quyền và nhân dân.

 Ngoài ra, việc thí điểm đã tạo cơ chế cho Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo cấp dưới là phù hợp. Đảm bảo sự thống nhất giữa cơ quan hành chính cấp trên với cấp dưới trong hệ thống chính quyền, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý cán bộ của cấp trên đối với cấp dưới…

 Theo Sở Nội vụ, những kết quả trên cho thấy hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc vào việc tổ chức HĐND trải đều trên tất cả các cấp hành chính.

 Việc thí điểm cũng không gây ảnh hưởng đến kết quả hoạt động thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và chăm lo đời sống của nhân dân.

 “Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển TP, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…Sở Nội vụ trình Chủ tịch UBND TP xin ý kiến Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP.HCM xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận và phường trình Chính phủ, Quốc hội” - văn bản ghi.

 Theo Sở Nội vụ, giai đoạn 2009-2016 TP.HCM là địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng, gồm tất cả 24 quận, huyện và 259 phường.

 Đến năm 2016, TP.HCM tổ chức lại HĐND quận, huyện, phường theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sau 7 năm thí điểm (2009-2016); việc tổ chức lại HĐND quận, huyện và phường đã tăng thêm hơn 8.300 biên chế và tốn 47 tỉ đồng/năm. (Vietnamnet.vn 10/3, Hồ Văn) Về đầu trang

TPHCM: Hóc Môn thông tin về clip dân “tố” Chủ tịch huyện

Sáng 10-3, clip dài hơn 7 phút quay tại trụ sở tiếp công dân của UBND huyện Hóc Môn (TP.HCM) lan truyền trên mạng xã hội. Clip cho thấy nhóm người tỏ thái độ bức xúc do không được gặp và làm việc với chủ tịch UBND huyện Hóc Môn.

 Một bà trong clip nói: “Chủ tịch hẹn năm người nhưng chỉ tiếp hai người. Yêu cầu Chủ tịch gặp dân đi”.

 Một bà khác khác chen vào, có nội dung là chủ tịch huyện Hóc Môn không ra tiếp dân. "Dịch bệnh (COVID-19) thế này ai mà không sợ, chúng tôi đâu muốn tụ tập đông người..." - bà này nói.

 Trao đổi với PLO, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Chánh Văn phòng UBND huyện Hóc Môn, cho biết: Nhóm người nói trên đề nghị gặp chủ tịch UBND huyện Hóc Môn để trao đổi một dự án liên quan nhà đất trên địa bàn huyện kéo dài khá lâu. 

Theo bà Châu, vụ việc nói trên xảy ra sáng 6-3. Ban đầu chỉ hai người đăng ký tại bộ phận tiếp công dân để cùng làm việc với UBND huyện. Tuy nhiên sau đó nhóm người này gây áp lực và yêu cầu UBND huyện phải tiếp năm người. 

“Mỗi người có một vấn đề pháp lý khác nhau nên những người chưa đăng ký với bộ phận tiếp công dân thì không thể vào làm việc với UBND huyện. Chính vì vậy, nhóm người nói trên tỏ thái độ không hài lòng và lớn tiếng. Tuy nhiên, sau đó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn đã tiếp bốn người” - bà Châu thông tin. (Pháp luật TPHCM 10/3, Trần Ngọc)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Xây dựng Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản

Để triển khai Luật Đấu giá tài sản và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp xây dựng xong bản Demo của Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản.

 Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo việc triển khai, ứng dụng Cổng thông tin quốc gia về đấu giá tài sản tại địa chỉ http://dgts.moj.gov.vn theo quy định của Luật đấu giá tài sản tới tất cả các Sở, ban ngành, tổ chức có liên quan tại địa phương và đặc biệt tới tất cả các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố. Đồng thời, hướng dẫn người có tài sản đấu giá (các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan) tại địa phương thực hiện việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 56 Luật đấu giá tài sản và các tổ chức đấu giá tài sản thành lập tại địa phương làm đề nghị cấp tài khoản cho tổ chức mình theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại các Tài liệu hướng dẫn sử dụng đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đấu giá tài sản.

 Trong tháng 4.2020, Bộ Tư pháp đề nghị các Sở Tư pháp hoàn thành việc cập nhật và cấp tài khoản cho các tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh, thành phố. Đối với người có tài sản đấu giá và các tổ chức đấu giá, đề nghị hoàn thành việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản và thông báo công khai việc đấu giá theo quy định của Luật đấu giá tài sản lên Cổng thông tin quốc gia về đấu giá tài sản. (Đại biểu nhân dân 10/3, Nguyễn Minh)Về đầu trang

TP.HCM khuyến khích người dân làm thủ tục hành chính qua mạng

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản khuyến nghị người dân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm hạn chế việc tiếp xúc nơi đông người trong mùa dịch Covid-19.

 Sở Thông tin và Truyền thông giao Trung tâm Công nghệ thông tin - truyền thông thực hiện cập nhật giá cước ưu đãi giảm 20% khi người dân và doanh nghiệp đăng ký dịch vụ công trực tuyến và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích của Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

 Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc nơi đông người.

 Ngoài nộp hồ sơ trực tuyến, người dân và doanh nghiệp còn có thể gọi đến đường dây nóng của bưu điện (028.3827.0999) để được hướng dẫn nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà. (Hanoimoi.com.vn 10/3, Phương Nam) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Luỹ kế thu ngân sách 2 tháng đầu năm tăng 9,3% so với cùng kỳ 2019

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 2 ước đạt 95,1 nghìn tỷ đồng, luỹ kế thu 2 tháng đầu năm đạt 276,7 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% dự toán, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2019.

 Trong đó, thu nội địa thực hiện trong tháng 2 ước đạt 75,6 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu 2 tháng đạt 233,2 nghìn tỷ đồng, bằng 18,4% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2019.

 Thu từ dầu thô tháng 2 ước đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, luỹ kế thu 2 tháng đạt 11,2 nghìn tỷ đồng, bằng 31,9% dự toán, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2019.

 Do tác động của dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ dầu thô giảm mạnh, giá dầu thô trên thị trường thế giới ở mức thấp (xoay quanh mức 50 USD/thùng). Tuy nhiên, do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu Việt Nam thanh toán bình quân 2 tháng vẫn duy trì ở mức 68 USD/thùng, cao hơn 8 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng ước đạt 1,8 triệu tấn, bằng 19,9% kế hoạch.

 Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 2 ước đạt 22,2 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 2 tháng đạt 48,2 nghìn tỷ đồng, bằng 14,3% dự toán, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2019.

 Do tác động của dịch COVID-19, đà tăng trưởng của kim ngạch xuất nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm đã chậm lại, trong đó kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn đều giảm.

 Thu cân đối NSNN đạt khoảng 32,2 nghìn tỷ đồng, bằng 15,5% dự toán, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là nguyên nhân chính làm cho tổng số thu NSNN 2 tháng đầu năm tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 22,5%).

 Ở chiều ngược lại, tổng chi NSNN tháng 2 ước đạt 118,7 nghìn tỷ đồng, luỹ kế chi 2 tháng đầu năm đạt khoảng 220,6 nghìn tỷ đồng, bằng 12,6% dự toán, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2019.

 Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 34,7 nghìn tỷ đồng, bằng 7,4% dự toán, tăng 114,2% so với cùng kỳ năm 2019; chi trả nợ lãi đạt 25,5 nghìn tỷ đồng, bằng 21,6% dự toán, tăng 3,9% cùng kỳ năm 2019; chi thường xuyên xấp xỉ 160 nghìn tỷ đồng, bằng 15,1% dự toán, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ.

 Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2020 Thủ tướng Chính phủ giao là 470,6 nghìn tỷ đồng; đến ngày 28/2/2020, có 51/53 (96,2%) bộ, cơ quan trung ương và 100% địa phương gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn được giao đến Bộ Tài chính, với số vốn đã phân bổ đạt 77,3% kế hoạch được giao đối với trung ương và 98,3% kế hoạch được giao đối với địa phương.

 Tiến độ giải ngân vốn 2 tháng tuy còn chậm so với yêu cầu (trên 10% dự toán), song có tiến bộ so với cùng kỳ năm 2019 (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ cả về tiến độ và mức thực hiện). (Baochinhphu.vn 10/3)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

2 Trung tá Cảnh sát giao thông Đồng Nai bị tố bảo kê xe tự nhận mức kỷ luật

Ngày 10-3, theo một nguồn tin, hai Trung tá Cảnh sát giao thông (CSGT) ở Đồng Nai bị tố "bảo kê" xe quá tải vừa kiểm điểm trước ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.

 Cụ thể, Trung tá Phạm Hải Cảng, Đội trưởng Đội CSGT số 2, tự nhận mức kỷ luật giáng chức, còn Trung tá Phan Cẩm Tú, Đội phó Đội CSGT số 1, tự nhận mức kỷ luật cảnh cáo. Cả hai đang bị tạm đình chỉ công tác.

 Riêng Thiếu tá Hoàng Nam, cán bộ CSGT, có liên quan đến việc tố "bảo kê", tự nhận mức kỷ luật khiển trách.

 Trao đổi với PLO, Trung tá Phạm Hải Cảng xác nhận thông tin trên và cho hay đến nay ông chưa nhận quyết định kỷ luật.

 Trước đó, một số cán bộ CSGT đã gửi đơn đến Ban giám đốc Công an tỉnh và một số đơn vị liên quan, tố cáo Trung tá Cảng và Trung tá Tú “bảo kê” cho các xe tải dọc tuyến quốc lộ 20. Sau một thời gian vào cuộc xác minh, bước đầu Thanh tra Công an tỉnh Đồng Nai xác định Trung tá Cảng và Trung tá Tú có dấu hiệu vi phạm quy trình công tác trong việc xử lý xe vi phạm.

 Trước tính chất của vụ việc, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã chỉ đạo, giao Thanh tra Bộ Công an và một số đơn vị chức năng của Bộ kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc CSGT Công an tỉnh Đồng Nai can thiệp xử lý xe quá tải.

 Kết quả xác minh ban đầu, thanh tra xác định Trung tá Phạm Hải Cảng đã gọi điện thoại để can thiệp xử lý 10 phương tiện vi phạm. Trung tá Phạm Cẩm Tú (Đội phó Đội CSGT số 1) đã gọi điện thoại can thiệp xử lý sáu phương tiện vi phạm. (Pháp luật TPHCM 10/3, Vũ Hội)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Italy mở rộng các biện pháp kiểm dịch ra toàn quốc

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte vừa ký sắc lệnh trong đó yêu cầu người dân hạn chế tối đa việc di chuyển.

 Người dân chỉ được phép đi lại vì công việc, liên quan tới sức khỏe hay các lí do khẩn cấp khác. Việc tụ tập ở nơi công cộng bị cấm hoàn toàn. Tất cả sự kiện thể thao đều bị tạm hoãn.

 Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã từng áp dụng cho vùng Lombardy và các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 sẽ được áp dụng trên toàn Italy.

 Thủ tướng Italy cũng khuyến cáo người dân cả nước nên ở nhà để chống lại dịch bệnh COVID-19. Italy ngày 9/3 ghi nhận thêm 97 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca nhiễm hiện đã lên trên 9.000 trường hợp. (VTV.vn 10/3)Về đầu trang

Singapore: Phạt nặng người vi phạm phòng chống dịch bệnh COVID-19

Việc áp dụng các hình phạt nghiêm khắc với người từ chối tuân thủ các quy định của Chính phủ là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Singapore.

 Singapore là một trong những quốc gia làm tốt công tác phòng chống sự lây lan của COVID-19. Theo điều 65 của Đạo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm Singapore, bất cứ công dân Singapore hay người có thẻ thường trú vĩnh viễn tại Singapore vi phạm các quy định trong luật này như khai báo y tế gian dối hay cung cấp thông tin sai lệch về lịch sử di chuyển của mình có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 10.000 SGD (khoảng 169 triệu VND) hoặc bị phạt tù lên đến 6 tháng hoặc cả hai hình phạt.

 Nếu vi phạm lần thứ hai, mức phạt sẽ được tăng lên gấp đôi. Đối với người có thẻ thường trú vĩnh viễn họ có thể bị tước thẻ thường trú và cấm nhập cảnh Singapore. Đối với những người có thẻ cư trú dài hạn, nếu vi phạm ngoài việc bị phạt như trên sẽ bị xóa thẻ, phải trở về nước và bị cấm nhập cảnh vào Singapore.

 Trong tháng 2, Singapore đã tước thẻ thường trú vĩnh viễn của của một công dân nước ngoài khi cố tình vi phạm lệnh yêu cầu tự cách ly tại nhà. Ông này đã phải nộp phạt, bị tước thẻ thường trú và bị cấm nhập cảnh trở lại. Trong khi đó, một cặp vợ chồng người nước ngoài khác bị nhiễm COVID-19 được điều trị tại Singapore cũng đã phải ra tòa do khai báo gian dối về lịch sử di chuyển khiến cho việc xác định các trường hợp tiếp xúc với họ gặp nhiều khó khăn.

 Trước đó, Singapore cũng đã xóa thẻ lao động đối với 14 trường hợp và phạt 15 chủ sử dụng lao động do vi phạm yêu cầu cách ly 14 ngày để phòng chống dịch bệnh. Các lao động nước ngoài nói trên cũng đều bị cấm nhập cảnh Singapore.

 Trong bối cảnh dịch bệnh do COVID-19 gây ra đang có những diễn biến hết sức phức tạp với tỷ lệ lây nhiễm rất cao và số ca tử vong tăng, việc trung thực trong khai báo y tế và tuân thủ các yêu cầu của cơ quan chuyên trách đưa ra là rất quan trọng. Singapore đã cho thấy, họ quyết tâm đảm bảo việc thực hiện điều này. (VTV.vn 10/3)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More