Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 30-12-2019

Post date: 30/12/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.Nghiêm cấm bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi 1

CHỈ THỊ MỚI 2

2.   Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 23-27/12. 2

3.  Tổ chức đưa đón, thay cho việc công nhân đi xe máy về quê ăn Tết 3

4. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đảm bảo hoạt động ATM dịp cuối năm.. 5

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 5

5. Tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp phát triển. 5

6. Kinh tế Việt Nam năm 2019 đạt “thắng lợi kép”. 6

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 6

7.  Chuyện ông “phó Hải” và ông “phó Tuấn”. 6

QUẢN LÝ.. 8

8. Thủ tướng: Không được lùi thời gian quy hoạch báo chí 8

9.  Năm 2020, Hà Nội tiếp tục hoàn thiện giai đoạn 2 đề án chính quyền đô thị 8

10.  Tăng cường lãnh đạo của Đảng với công tác chống tham nhũng. 10

11.  Cựu Chủ tịch quận ở Cần Thơ xin thôi việc. 10

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

12.   Cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra bằng lái xe qua mã QR.. 11

13. Quận 6 xây dựng hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động đầu tiên của TP.HCM.. 11

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 12

14.  Vụ án Nhật Cường: Bắt Chánh văn phòng Thành uỷ Hà Nội 12

15.Thanh Hóa: Để phá rừng hàng loạt, nhiều cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật cảnh cáo. 13

16.Hải Phòng phê bình Chủ tịch 3 quận để xảy ra vi phạm trật tự đường hè. 14

THẾ GIỚI 14

17.  Nhật Bản khuyến khích nam giới nghỉ chăm con sơ sinh. 14

18.   Nga cấm mua thiết bị nước ngoài cho nhu cầu lưu trữ dữ liệu nhà nước. 15

 CHÍNH SÁCH MỚI

Nghiêm cấm bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi

Luật Phòng chống tác hại rượu bia sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, trong đó quy định không được bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi.

 Trong bảng "Nội quy ăn nhậu" của một quán ốc tại quận 4, TP.HCM, các quy định hiện nay mang tính vui là chính. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2020, bảng nội quy này sẽ phải thêm một thông báo rất quan trọng, đó là không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi.

 Luật Phòng chống tác hại rượu bia quy định, trong trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu bia, người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh. Tuy nhiên, nhiều quán cho rằng họ cũng có những cách riêng để kiểm tra.

 Ngoài quy định nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia, nghiêm cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi, Luật Phòng chống tác hại rượu bia cũng nghiêm cấm sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu bia. Thậm chí, hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi cũng không được phép sử dụng trong các quảng cáo rượu bia. (VTV.vn 28/12)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 23-27/12

Trong tuần qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vấn đề y tế, sức khỏe, trẻ em như: Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam; Kế hoạch quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phát triển y dược cổ truyền, kết hợp với y dược hiện đại.

 Chăm sóc 1.000 ngày đầu đời phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em: Về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em, Chương trình đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 11%, riêng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dưới 15%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 8%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai dưới 23%, riêng ở vùng miền núi dưới 25,5…

 Kế hoạch quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025. Mục tiêu phấn đấu 100% gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau; 100% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi; phấn đấu 100% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên, tình nguyện viên được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp được củng cố và phát triển ở tất cả các tỉnh, thành phố.

 Phát triển y dược cổ truyền, kết hợp với y dược hiện đại: Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 với mục tiêu phát triển toàn diện y dược cổ truyền, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

 Xử lý nghiêm vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, thuốc theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, thuốc; xử lý nghiêm các sai phạm.

 Sửa quy định về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự: Chính phủ ban hành Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 7/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định Hội đồng định giá theo vụ việc được thành lập ở cấp huyện, cấp tỉnh và ở trung ương. bộ (cấp bộ) và Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 Xử lý dứt điểm vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách phát triển thủy sản: tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trung ương tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

 Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1869/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chung là bảo đảm tưới, cấp nước, tiêu, thoát nước cho nông nghiệp, dân sinh, các ngành kinh tế, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn các lưu vực sông.

 Nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi quy hoạch gồm phần lãnh thổ thành phố Đà Nẵng với diện tích tự nhiên là 1.284,88 km2; trong đó, các quận nội thành chiếm diện tích 246,71km2, các huyện ngoại thành chiếm diện tích 1.038,17 km2 (trong đó huyện Hoàng Sa có diện tích 305 km2).

 100% văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia phải được ký số: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/1/2019 về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gương mẫu trong sử dụng chữ ký số cá nhân phê duyệt hồ sơ, văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường mạng, hoàn thành trước tháng 6 năm 2020. (Baochinhphu.vn 28/12) Về đầu trang

Tổ chức đưa đón, thay cho việc công nhân đi xe máy về quê ăn Tết

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm an toàn giao thông năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ngày 28/12.

 Tại đây, Phó thủ tướng Thường trực cho biết năm 2019 lần đầu tiên kể từ năm 2014, số người chết do tai nạn giao thông đã giảm trên mức 5% (giảm 7,15%), số vụ tai nạn giao thông, số người bị thương cũng giảm trên 5% so với năm 2018.

 Về nhiệm vụ năm 2020, Phó thủ tướng Thường trực nhấn mạnh 8 trọng tâm và đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt, nghiêm túc thực hiện.

 Một là, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông. Đặc biệt năm 2020 là năm cả nước tổ chức lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nên cần phải lồng ghép mục tiêu và các giải pháp chiến lược về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông vào các quy hoạch.

 Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành tập trung xây dựng Luật Giao thông đường bộ mới, thay thế cho Luật 2008. Sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và yêu cầu của nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ, yêu cầu hội nhập quốc tế.

 Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.

 Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hiệu lực, hiệu quả tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm. Về quản lý nhà nước, Phó thủ tướng đề nghị ngành giao thông vận tải, ngành xây dựng và các ngành có liên quan tập trung cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, chống tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, thuyền viên; đăng kiểm phương tiện; an toàn, an ninh hàng không; quản lý quy hoạch - trật tự xây dựng. Đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả nghị định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà Chính phủ sắp ký ban hành.

 Bộ Công an cần tiếp tục chỉ đạo tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông như vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý và tốc độ; quan tâm xử lý vi phạm về sử dụng điện thoại khi lái xe và không thắt dây bảo hiểm khi ngồi trên xe ô tô.

 Bốn là, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu và bảo vệ hành lang an toàn giao thông.

 Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện các dự án trên tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và các công trình trọng điểm khác, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội khẩn trương đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác, sớm sửa chữa, bảo đảm an toàn giao thông cho tuyến cao tốc Tp.HCM -Trung Lương trong năm 2020…

 Năm là, tiếp tục tập trung cải thiện chất lượng nâng cao thị phần vận tải thuỷ và vận tải ven biển để giảm lưu lượng vận tải hàng hóa bằng xe tải trên đường bộ.

 Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đề nghị Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí xử phạt để mua sắm, lắp đặt và kết nối hệ thống camera giám sát, hỗ trợ xử phạt vi phạm giao thông và bảo đảm an ninh trật tự đồng thời sớm có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng dữ liệu hình ảnh do người dân cung cấp để làm căn cứ xử phạt theo quy định.

 Bảy là, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị.

 UBND thành phố Hà Nội, Tp.HCM khẩn trương thực hiện kiểm tra khí thải đối với mô tô xe máy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; có phương án thu hồi, đổi để loại bỏ phương tiện cũ nát, không đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Việc Hà Nội có phương án giảm lượng xe tải lưu thông trong nội đô là tích cực. Đề nghị thành phố có báo cáo đánh giá hiệu quả để có thể nhân rộng.

 Tám là, tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông động và giao thông tĩnh và vận tải công cộng...

 "Tết này, các địa phương nghiên cứu tổ chức dịch vụ chuyên chở đưa đón công nhân về quê vui Tết cùng gia đình, thay cho việc họ tự đi xe gắn máy, gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Kiềm chế, ngăn chặn không để xảy ra tai nạn giao thông là món quà Tết ý nghĩa nhất đối với người dân", Phó thủ tướng phát biểu. (Vneconomy.vn 28/12, Nguyên Vũ)Về đầu trang

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đảm bảo hoạt động ATM dịp cuối năm

Các ngân hàng giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống cây rút tiền tự động ATM, đảm bảo mạng lưới ATM hoạt động an toàn và thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đây là yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 Các ngân hàng cần chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý, xây dựng phương án dự phòng chi trả lương, thưởng Tết linh hoạt, tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giảm việc rút tiền mặt tại các ATM. (VTV.vn 28/12)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp phát triển

Nhiều kỳ vọng về tháo gỡ những rào cản được mở ra sau cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp diễn ra ngày 23/12.

 Trong một tuần đầy hoạt động vừa qua, cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp là một hoạt động nhận được sự quan tâm lớn nhất của báo chí. Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với các doanh nghiệp. Nhiều ý kiến nhận định đây là sự kiện rất quan trọng nhằm tìm ra giải pháp nâng số doanh nghiệp tại Việt Nam lên 1 triệu vào năm sau.

 Thời báo Kinh tế bình luận, hội nghị lần này không có sự vụ nào kịch tính như tại hội nghị lần đầu tiên cách đây 3 năm. Những tiếng than thở của doanh nghiệp cũng đã vãn. Thế nhưng Chính phủ sẽ vẫn phải tiếp tục là bờ vai để doanh nghiệp dựa vào để cởi trói.

 Tờ Tuổi trẻ đồng tình với các nhiệm vụ mà Thủ tướng đề ra, đăc biệt là tiếp tục có chính sách cởi mở hơn, thực sự cởi trói để doanh nghiệp bứt phá hơn, giúp doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm như an ninh, quốc phòng.

 Doanh nghiệp có hùng hậu thì quốc gia mới hùng cường. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiểu điều này và đây cũng chính là thông điệp của Thủ tướng tại Hội nghị. Và để góp phần cởi trói cho doanh nghiệp thì một yếu tố quan trọng được các tờ báo đề cập đó là đại diện Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án đều khẳng định sẽ không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.

 Có thể nói, với tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng dành cho giới doanh nghiệp, sau sự kiện lần này, giới doanh nhân chắc sẽ có nhiều kỳ vọng: Kỳ vọng vào những biến chuyển để doanh nghiệp không mất nhiều thời gian lo thủ tục giấy tờ rườm rà, để đối phó với những nhũng nhiễu, hoạnh họe từ phía cơ quan chức năng mà toàn tâm phát triển doanh nghiệp. Những những hành động thực chất cũng là những kỳ vọng của báo chí sau hội nghị kéo dài kỷ lục hơn 5 tiếng đồng hồ này. (Kênh VTV1 – Báo chí toàn cảnh lúc 6h57 ngày 29/12)Về đầu trang

Kinh tế Việt Nam năm 2019 đạt “thắng lợi kép”

Nền kinh tế Việt Nam năm 2019 duy trì đà tăng trưởng cao, đi cùng với đó là lạm phát thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng.

 Năm ngoái, nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng 7,08%, mức mà sau tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 mới có được. Một cách thận trọng, Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng năm nay chỉ ở mức 6,6 - 6,8%, còn Chính phủ quyết tâm đạt ở ngưỡng cao của mục tiêu này và kết quả không nằm ngoài dự đoán.

 Điều này cũng trùng với nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á khi hai ngân hàng này đều lần lượt điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019, sau khi nhìn thấy những yếu tố tích cực.

 Với mức lạm phát 2,7%, tờ Thời báo kinh tế Việt Nam cho rằng đây là mức thấp nhất trong 3 năm gần đây và còn thấp hơn cả mức dự báo của Ban chỉ đạo điều hành giá. Chỉ số này giúp tăng trưởng càng có thêm nhiều ý nghĩa.

 Tờ Đầu tư bình luận rằng kinh tế Việt Nam đã đạt "thắng lợi kép". Thậm chí với 12/12 chỉ tiêu kinh tế xã hột đạt và vượt mục tiêu đề ra thì đó là thành tựu khá toàn diện.

 Những tín hiệu lạc quan trong cuối năm 2019 góp phần giúp đất nước tự tin bước vào năm 2020. (Kênh VTV1 – Báo chí toàn cảnh lúc 6h57 ngày 29/12)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Chuyện ông “phó Hải” và ông “phó Tuấn”

Xin nói ngay và luôn, ông “phó Hải” ở đây là ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận I, TP Hồ Chí Minh, người nổi tiếng nhiều năm qua sau lời tuyên bố đòi lại vỉa hè khá hùng hồn: “Nếu không làm được tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi, để nổi tiếng”.

 Còn ông “phó Tuấn” là ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, người cũng từng rất nổi tiếng sau vụ hotgirl Trần Vũ Quỳnh Anh. Nhắc đến hai ông là bởi mới đây, họ lại vừa “nổi tiếng” trên báo chí và mạng xã hội. Xin nói về ông Đoàn Ngọc Hải trước.

 Việc ông Đoàn Ngọc Hải thất bại trong vụ đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, đúng như ông Hải tuyên bố là sẽ từ chức và ông làm đơn xin từ chức thật. Thế rồi ông lại rút đơn để rồi lại làm đơn lần thứ hai và lần này, đơn của ông được chuẩn y.

 Ông Hải được điều về làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn. Tại đây chưa bao lâu, cho rằng vị trí này không phù hợp, ông Hải xin về làm dân “với lý do cá nhân”.

 Giờ thì ông Hải làm dân 101%. Riêng chi tiết này, người viết trân trọng ông Hải bởi nói là làm. Thời nay, chức Phó Chủ tịch Quận I của TP HCM không phải to nhưng cũng đâu phải đùa. “Thét” không ra “lửa” thì cũng “khét lẹt” mùi khói. Ấy là chưa kể, có khi bổng lộc xum xuê.

 Nhưng thôi, đó là chuyện của ông Hải và nó cũng qua rồi. Gần đây, ông Hải lại nổi lên với tuyên bố bán đồng hồ và điện thoại trị giá nhiều tỉ đồng mua nhà giúp người nghèo.

 “Tôi muốn dành cho bà con có một chỗ ngủ qua đêm hoàn toàn miễn phí, có thể không được tươm tất như nhà nghỉ nhưng sẽ tốt hơn so với việc ngủ ngoài đường. Sắp tới, nếu được giải quyết chính sách thôi việc, tôi cũng sẽ dành số tiền đó để làm từ thiện, lo cho người nghèo…”, ông Hải nói. Dư luận lại một lần nữa nổi sóng. Người tán đồng, người không.

 Ý kiến tán đồng thì rõ rồi nhưng ý kiến ngược lại thì cho rằng ông Hải đang “đánh bóng tên tuổi” và đặt câu hỏi: Tại sao không làm viêc này khi đương chức?... Chuyện thứ hai là về ông “phó Tuấn”.

 Sau vụ “nâng đỡ không trong sáng” (có thể hiểu là nâng đỡ trong… bóng tối không nhỉ?) hotgirl Quỳnh Anh, ông Tuấn bị cách mọi chức vụ cả trong Đảng lẫn chính quyền, chuyển về làm chuyên viên.

 Cách đây ít lâu, ông Tuấn được bổ nhiệm Chánh Văn phòng Sở Xây dựng nhưng chỉ 5 ngày, do dư luận phản ứng mạnh quá, Sở Xây dựng Thanh Hóa phải rút quyết định này, đưa ông sang làm tổ trưởng tổ giúp việc của ban chỉ đạo qui hoạch xây dựng và phát triển đô thị và nhà ở Thanh Hoá. Giờ, ông làm đơn xin bố trí là Phó giám đốc Ban quản lí Dự án xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp của tỉnh Thanh Hoá.

 Vụ này cũng gây ra luồng dư luận trái chiều. Phía thì cho rằng việc ông Tuấn đã qua thời hạn kỉ luật (qui định 1 năm) nên bố trí công việc cho phù hợp với khả năng để tránh thiệt thòi cho cá nhân ông Tuấn và cũng đỡ lãng phí một người có năng lực.

 Phía thì cho rằng, Thanh Hóa hết người tài hay sao lại phải cất nhắc một người từng bị kỉ luật và cho rằng ông Tuấn đã bị kỉ luật nên không còn uy tín để tham gia quản lý…

 Về quan điểm cá nhân, với việc ông Hải, tôi cho rằng hãy động viên để ông Hải là từ thiện bất cứ lúc nào kể cả với mục đích “đánh bóng tên tuổi” bởi điều đó chẳng hại đến ai mà người nghèo được lợi.

 Còn với ông Tuấn thì khá phân vân… Vậy nên hành xử với cả hai trường hợp này thế nào cho phải? (Dantri.com.vn 29/12, Bùi Hoàng Tám)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Thủ tướng: Không được lùi thời gian quy hoạch báo chí

"Thực hiện nghiêm túc, chủ động hơn nữa quy hoạch báo chí được ký, không được lùi thời gian. Cơ quan chủ quản nào làm không đúng thời hạn đã được thông báo trước thì tạm dừng để thực hiện xong quy hoạch", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, sáng 28/12.

 Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2019 ngành thông tin và truyền thông Việt Nam đã có bước tiến bộ toàn diện, đáng mừng. Theo ông, một thành công rất quan trọng trong năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông là đã trình ký và thực hiện nghiêm quy hoạch báo chí. Đây là một cuộc đấu tranh rất dài, từ nhiều nhiệm kỳ trước đã có nghị quyết Trung ương, song thực hiện quy hoạch đó không dễ.

 Thủ tướng cho rằng, không thể để báo chí tản mạn như trước đây, giờ quy hoạch sắp xếp lại nhưng không mất việc làm của những người làm báo. Làm sao để quản lý tốt hơn và theo tinh thần là phải "nắm người có tóc" chứ không phải để tình trạng không ai chịu trách nhiệm.

 "Chúng ta phải đưa vào nề nếp, trong đó sự thúc đẩy truyền thông thông tin của Bộ trưởng rất quan trọng để thúc đẩy việc này. Có bản lĩnh mới dám làm. Bước đầu khắc phục một cách tương đối bình yên, tốt đẹp, rất cương quyết", ông nói. 

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn nhiều tồn tại kéo dài về báo chí. Báo chí có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Như nhiều tờ báo chưa hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, vẫn còn tình trạng báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin. 

"Những thông tin tiêu cực đã làm suy giảm năng lực tích cực của xã hội, chưa tạo ra một khát vọng của dân tộc. Những thông tin xấu độc, tin giả gây nhiễu làm cho xã hội thiếu đi niềm tin. Đây là tồn tại cần phải tập trung loại bỏ nhằm đưa dân tộc Việt Nam tiến bước trong giai đoạn mới", Thủ tướng nhấn mạnh. (Vneconomy.vn 28/12, Thủy Diệu)Về đầu trang

Năm 2020, Hà Nội tiếp tục hoàn thiện giai đoạn 2 đề án chính quyền đô thị

Sáng nay, 28-12, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình phối hợp và triển khai nhiệm vụ năm 2020.

 Trình bày dự thảo báo cáo sơ kết thực hiện chương trình phối hợp giữa Thành ủy Hà Nội và Hội đồng Lý luận Trung ương năm 2019, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, trọng tâm hợp tác giữa hai cơ quan thời gian qua là phối hợp tổ chức các tọa đàm khoa học, khảo sát thực tiễn nhằm thực hiện trực tiếp công tác tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước.

 Cùng đó, hai cơ quan đã phối hợp tổ chức, tham gia nghiên cứu các đề tài phục vụ Chương trình số 20-CTr/TU nghiên cứu khoa học trọng điểm Thành phố Hà Nội; phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ cho thành phố, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên đề, nghị quyết cho Đảng bộ Hà Nội…

 Nhìn chung, sau một năm tổ chức thực hiện, Chương trình hợp tác giữa Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy Hà Nội, bước đầu đã phát huy hiệu quả. Các hoạt động hợp tác được hai cơ quan lựa chọn, tổ chức phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu của mỗi bên. Dù vậy, nhiều tiềm năng, thế mạnh của hai bên chưa được phát huy.

 Từ những kết quả trên, năm 2020, Thành ủy Hà Nội và Hội đồng Lý luận Trung ương dự kiến sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa, tập trung vào nghiên cứu nhằm cung cấp những luận cứ khoa học cho nhiệm kỳ tới để tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các vấn đề thực tiễn phát triển đặt ra; phối hợp chọn một số việc thiết thực để triển khai theo cơ chế đặt hàng nghiên cứu…

 Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú cho biết, chưa bao giờ công tác phối hợp giữa Thành ủy Hà Nội và Hội đồng Lý luận Trung ương diễn ra tích cực, nội dung phong phú, thiết thực và hiệu quả như thời gian qua. GS Phú mong muốn năm 2020, sự phối hợp này sẽ chặt chẽ hơn nữa, nhất là trong công tác kết nối chia sẻ thông tin, xây dựng kế hoạch hoạt động chung giữa 2 cơ quan.

 Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cảm ơn sự giúp đỡ, chia sẻ, phối hợp của Hội đồng Lý luận Trung ương, giúp cho Hà Nội phát huy được các tiềm năng, lợi thế để đạt được những kết quả toàn diện trong nhiệm kỳ này và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thủ đô với cả nước.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, sự tham gia của Hội đồng Lý luận Trung ương, của các nhà khoa học đầu ngành đã giúp Hà Nội nâng cao chất lượng, đổi mới tư duy công tác lãnh đạo chỉ đạo, quản lý điều hành trong hoạt động của mình; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, lý luận; nâng cao chất lượng công tác đào tạo và đánh giá cán bộ mang tính thực tiễn hơn…

 Về nhiệm vụ và trọng tâm hợp tác giữa 2 cơ quan trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị, nên tập trung vào các việc lớn, việc khó, nhất là tiếp tục hoàn thiện đề án thí điểm chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và áp dụng vào thực tiễn; trong đó giai đoạn 2 của đề án chính là phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo chức năng nhiệm vụ để tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền Thủ đô. (VTV.vn 28/12)Về đầu trang

Tăng cường lãnh đạo của Đảng với công tác chống tham nhũng

Ban Nội chính Trung ương sẽ thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ người đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng phòng chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước.

 Đây nội dung được đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội Chính Trung ương nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của cơ quan này sáng 28/12.

 Cùng với yêu cầu chủ động nắm bắt, kịp thời tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ việc sai phạm về kinh tế nghiêm trọng, cũng như các biện pháp phát hiện và đấu tranh với tham nhũng vặt, đồng chí Phan Đình Trạc cho biết năm tới, cơ quan này sẽ tập trung xây dựng đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát hiện và xử lý tham nhũng; kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực này.

 Trước đó, theo thông tin tại hội nghị, trong năm 2019, Ban Nội Chính Trung ương đã nghiên cứu, tham mưu và đề xuất 9 đề án, chuyên đề lớn trong lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng; đôn đốc kết thúc chỉ đạo 26 vụ án, 38 vụ việc, đưa ra xét xử 6 vụ án nghiêm trọng, điển hình như các vụ Vinashin, vụ buôn bán thuốc giả tại VN Pharma và mới đây là vụ án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty AVG. (VTV.vn 28/12)Về đầu trang

Cựu Chủ tịch quận ở Cần Thơ xin thôi việc

Sau khi bị điều động về Sở Nội vụ vì để xảy ra nhiều sai phạm đất, ông Lê Tâm Niệm, 54 tuổi, cựu Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, xin thôi việc.

 Đơn xin nghỉ hưu trước tuổi của ông Lê Tâm Niệm, cán bộ Phòng Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, đang được xem xét, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ Nguyễn Hoàng Ba cho biết ngày 27/12.

 Hai tháng trước, ông Niệm đã nhận quyết định điều động về Sở Nội vụ khi đang là Chủ tịch UBND quận Bình Thủy. Trước đó, ông bị UBND TP Cần Thơ kỷ luật cảnh cáo vì để xảy ra nhiều sai phạm đất đai.

 "Tôi xin nghỉ hưu non vì lý do sức khỏe và hoàn cảnh gia đình", cựu Chủ tịch UBND quận Bình Thủy nói.

 Cuối năm 2017, Thanh tra TP Cần Thơ kết luận hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về đất đai tại quận Bình Thủy. Họ nhận định có dấu hiệu hình thành đường dây làm các thủ tục đất đai với diện tích lớn, trái quy hoạch. Các sai phạm này thuộc trách nhiệm của lãnh đạo quận Bình Thủy vì trực tiếp ký các văn bản.

 Liên quan sự việc, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cũng bị kỷ luật cảnh cáo, điều động về Ban Tổ chức quận. Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường Lê Văn Vũ bị giáng chức; bốn cán bộ bị cảnh cáo; một trường hợp bị khiển trách và bảy người bị hạ bậc lương.

 Hồi tuần trước, ông Vũ cùng ba cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Bình Thủy bị bắt tạm giam về hành vi Chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. (Vnexpress.net 28/12, Cửu Long)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra bằng lái xe qua mã QR

Ngành giao thông sẽ cấp giấy phép lái xe có mã hai chiều (QR) từ tháng 6/2020 và Cảnh sát giao thông (CSGT) có thể dùng điện thoại để kiểm tra bằng lái qua mã này.

  Sáng 28/12, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Uỷ ban an toàn giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết cơ quan này đã cùng Cục CSGT chia sẻ kết nối dữ liệu dùng chung về giấy phép lái xe, đăng ký xe và đăng kiểm.

 Qua đó CSGT trên toàn quốc có thể truy cập để xem dữ liệu về giấy phép lái xe của tài xế trên hệ thống dữ liệu của Tổng cục đường bộ. "Năm 2020, khi đơn vị cấp giấy phép lái xe gắn mã QR thì qua dữ liệu được chia sẻ, CSGT chỉ cần dùng điện thoại di động có thể kiểm tra được ngay bằng lái xe thật hay giả", ông Huyện nói.

 Ngoài ra, ông Huyện nói Tổng cục đường bộ đã đề xuất Chính phủ, Bộ Công an xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về phương tiện giao thông trên toàn quốc để các bộ, ngành đều có thể kết nối, truy cập dễ dàng, phục vụ cho việc quản lý phương tiện và tài xế.

 Đồng tình với đề xuất trên, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Công an cho rằng "các ngành cần nuôi sống hệ thống bằng việc thường xuyên bổ sung thông tin, dữ liệu". Theo ông, hiện trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đã có nhóm dữ liệu liên thông giữa ngành công an và giao thông, tuy nhiên Chính phủ nên giao cho thường trực Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia xây dựng kho dữ liệu dùng chung.

 Theo thông tư của Bộ Giao thông Vận tải, từ 1/6/2020, ngành giao thông sẽ cấp giấy phép lái xe có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin và liên kết với hệ thống quản lý giấy phép lái xe; giấy phép được cấp trước ngày 1/12/2019 vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên giấy phép. (Vnexpress.net 28/12, Bá Đô)Về đầu trang

Quận 6 xây dựng hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động đầu tiên của TP.HCM

Quận 6 sẽ là địa phương đầu tiên của TP.HCM xây dựng hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động (nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến) trong năm 2020.

 Đây là một trong những nội dung đột phá cải cách hành chính năm 2019 và sẽ được tiếp tục hoàn thiện, đưa vào sử dụng, đóng góp vào mục tiêu chung của thành phố và đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

 Năm 2019, chỉ số cải cách hành chính của quận 6 đạt 77,25/80 điểm, tỷ lệ hài lòng của người dân với chất lượng hành chính công tại quận và 14 phường đều đạt trên 98%. Đây là kết quả của nhiều nỗ lực, trong đó có việc triển khai 3/6 đề án có tổng kinh phí 100 tỷ đồng ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn thông qua mô hình chính quyền điện tử.

 Năm 2020, quận 6 sẽ hoàn thiện mô hình phòng họp không giấy, hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động, tăng tính minh bạch và hiệu quả cho công tác hành chính công, đóng góp vào kết quả của năm 2019, năm cải cách hành chính của TP.HCM. (VTV.vn 28/12)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Vụ án Nhật Cường: Bắt Chánh văn phòng Thành uỷ Hà Nội

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tiến hành điều tra mở rộng vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường; Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án số 27/C03-P14 ngày 14/05/2019, Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 12/C03-P14 ngày 09/07/2019 và số 23/C03-P14 ngày 28/11/2019.

 Vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

 Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt tạm giam 02 bị can về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; gồm:

 Nguyễn Văn Tứ, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, hiện là Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội. Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.

 Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

 Trước đó, Bộ Công an khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", "Buôn lậu" và "Rửa tiền", xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) và các đơn vị có liên quan.

 Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 10 bị can, trong đó, Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, bị khởi tố về cả 2 tội danh "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và hành vi rửa tiền. Hiện Bùi Quang Huy đang bị Bộ Công an truy nã.

 Mở rộng điều tra, ngày 29/11, Bộ Công an quyết định khởi tố bổ sung vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hà Nội và các đơn vị có liên quan.

 Đồng thời, quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với Nguyễn Tiến Học - nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội; Phạm Thị Kim Tuyến - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh; Lê Duy Tuấn - Giám đốc kinh doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và phát triển Đông Kinh, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 điều 222 Bộ Luật hình sự năm 2015. (Vneconomy.vn 29/12, Bạch Huệ)Về đầu trang

Thanh Hóa: Để phá rừng hàng loạt, nhiều cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật cảnh cáo

Ngày 28/12, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã ký Công văn số 327/BC-SNNPTNT báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về việc xử lý cán bộ ngành Kiểm lâm liên quan đến vụ phá rừng ở huyện Bá Thước.

 Theo đó, sau khi để xảy ra tình trạng phá rừng hàng loạt trên địa bàn hai xã Điền Hạ, Điền Thượng huyện Bá Thước, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc điều tra, để xử lý vụ việc.

 Đến ngày 16/12/2019, Chi cục trưởng Kiểm lâm đã ban hành Quyết định số 297/QĐ-CCKL, thành lập Hội đồng kỷ luật, xem xét đưa ra hình thức kỷ luật đối với những cá nhân có liên quan của Hạt Kiểm lâm Bá Thước trong việc để rừng bị khai thác trái pháp luật nhưng phát hiện, xứ lý chậm.

 Cụ thể, chi cục đã có quyết định các hình thức kỷ luật như sau: kỷ luật cảnh cáo với các ông Lê Duy Ngợi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bá Thước; ông Đào Đình Huy, Phó hạt trưởng phụ trách tuyến, địa bàn; ông Phạm Văn Dũng, phụ trách trạm kiểm lâm Điền Lư và phụ trách địa bàn xã Điền Thượng. Riêng ông Mai Văn Am, kiểm lâm viên địa bàn xã Điền Hạ- chịu hình thức kỷ luật khiển trách.

 Miễn xem xét trách nhiệm kỷ luật đối với các ông: Nguyện Thế Vinh - cán bộ Thanh tra pháp chế và ông Nguyễn Thành Văn – Tổ trưởng Tổ Kiểm lâm cơ động & PCCCR, kiểm điểm nghiêm túc tại đơn vị, nhưng xem xét, đánh giá hạ mức hoàn thành nhiệm vụ và xếp loại công chức năm 2019.

 Đối với Ban quản lý rừng Phòng hộ Thạch Thành, Giám đốc Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Thanh tra Sở, phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và những cá nhân có liên quan trong việc để rừng bị khai thác trái pháp luật, nhưng phát hiện chậm.

 Trên cơ sở xem xét tính chất, mức độ, trách nhiệm của từng cá nhân; Giám đốc Sở NN&PTNT quyết định: Miễn áp dụng hình thức kỷ luật đối với ông Phạm Văn Hồ, Giám đốc Ban quản lý; ông Mai Văn Đảm, Phó Giám đốc. Đồng thời, yêu cầu tập thể, cá nhân có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái pháp luật và chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra sai sót tựơng tự.

 Được biết, trước đó dư luận phát hiện nhiều vụ phá rừng ở xã Điền Hạ và Điền Thượng, huyện miền núi Bá Thước. Đã có hàng trăm cây gỗ rừng có đường kính từ 16-50cm bị lâm tặc cắt bằng cưa xăng, đưa ra khỏi rừng. Nhiều gốc cây gỗ rừng có vết cưa còn mới, với nhiều khúc gỗ còn chưa kịp đưa ra khỏi hiện trường. Kết quả kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho thấy tổng số cây bị khai thác trái phép là 89 cây gỗ. Số gỗ bị chặt nêu trên nằm rải trên tổng diện tích 2ha.

 Còn tại xã Điền Thượng, lực lượng kiểm lâm phát hiện 86 cây gỗ bị khai thác trái pháp luật; trong đó rừng sản xuất có 83 cây, rừng phòng hộ có 3 cây gỗ đã lấy ra khỏi rừng.

 Số gỗ bị khai thác trái phép này thuộc của chủ rừng là Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc bị chặt 41 cây thuộc rừng sản xuất; chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành bị chặt 3 cây thuộc rừng phòng hộ; chủ rừng là UBND xã Điền Thượng bị chặt 42 cây gỗ thuộc rừng sản xuất; phần lớn gỗ khai thác trái phép này đã được đưa ra khỏi rừng. (Dantri.com.vn 29/12, Bình Minh)Về đầu trang

Hải Phòng phê bình Chủ tịch 3 quận để xảy ra vi phạm trật tự đường hè

Tình trạng vi phạm trật từ đường hè, bán hàng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, để xe sai quy định và đặt biển quảng cáo sai vị trí vẫn tiếp diễn ở các tuyến đường trung tâm gồm Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân (Hải Phòng).

 Thông tin từ UBND TP.Hải Phòng ngày 29.12, trước tình trạng nhiều điểm bán hàng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, để xe sai quy định và đặt biển quảng cáo sai vị trí gây mất mỹ quan, ảnh hưởng an toàn giao thông trên các tuyến đường: Lê Lợi, Cầu Đất, Tô Hiệu, Lạch Tray, Trần Phú, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đức Cảnh, Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Đinh Tiên Hoàng, UBND thành phố ban hành công văn số 8193 ngày 25.12.2019 về giải quyết vấn đề nêu trên.

 Cụ thể, UBND TP.Hải Phòng phê bình Chủ tịch UBND các quận: Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân; Chủ tịch UBND các phường có các tuyến đường nêu trên đã không thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố về công tác bảo đảm mỹ quan đô thị, trật tự đường hè trên địa bàn thành phố, để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự đường hè gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng an toàn giao thông.

 Đồng thời, UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận chỉ đạo các phường thuộc địa bàn tăng cường xử lý vi phạm việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trong tháng 12.2019; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu vẫn để xảy ra vi phạm. (Lao Động 29/12, Đặng Luân)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nhật Bản khuyến khích nam giới nghỉ chăm con sơ sinh

 Người nghỉ phép chăm con sẽ được trả lương 1 tuần và được bảo hiểm việc làm để bù đắp phần thu nhập bị mất trong thời gian nghỉ sau đó.

 Ngày 27/12, Chính phủ Nhật Bản chính thức quyết định khuyến khích các công chức nam giới nghỉ phép tối thiểu 1 tháng để chăm sóc con sơ sinh. Quyết định trên sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2020.

 Theo chính sách mới, thành tích công việc của những người quản lý sẽ được đánh giá một phần dựa trên việc họ có tạo điều kiện cho cấp dưới nghỉ phép để chăm sóc con hay không. Ngoài ra, các biện pháp khác sẽ được áp dụng để tạo điều kiện cho những người mới được làm cha sắp xếp công việc của họ trong thời gian nghỉ chăm con.

 Chính sách trên cũng khuyến nghị người lao động nghỉ phép trong vòng 8 tuần kể từ khi con ra đời, mặc dù về nguyên tắc, chính sách nghỉ phép có hiệu lực trong 1 năm kể từ ngày trẻ được sinh ra. (VTV.vn 28/12)Về đầu trang

Nga cấm mua thiết bị nước ngoài cho nhu cầu lưu trữ dữ liệu nhà nước

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 26/12 đã ký sắc lệnh cấm mua các thiết bị lưu trữ dữ liệu nước ngoài sử dụng trong các cơ quan nhà nước và chính quyền thành phố trong vòng hai năm.

 Quyết định sẽ có hiệu lực ngay khi ký. Đây là một trong những biện pháp giúp tăng cường tính bảo mật cho các hệ thống điện tử nhà nước và hỗ trợ các nhà sản xuất phần cứng và phần mềm của Nga.

 Trước đó, Tổng thống Nga Putin cũng đã ký ban hành một đạo luật nhằm cung cấp hoạt động ổn định cho hệ thống đường truyền Internet quốc gia trong trường hợp Moskva bị ngắt kết nối khỏi mạng lưới toàn cầu. (VTV.vn 28/12)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More