Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 22-10-2019

Post date: 22/10/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.Vụ cán bộ đi xe công dự tiệc ở Kiên Giang: "Phải chấm dứt ngay!". 1

CHÍNH SÁCH MỚI 2

2.Thủ tướng yêu cầu triển khai rộng rãi ghi âm, ghi hình để giám sát cán bộ. 2

TIN QUỐC HỘI 3

3. Thủ tướng: Năm 2020 Việt Nam đặt mục tiêu GDP đạt 6,8%.. 3

4.   Vay nợ thêm gần 500 ngàn tỷ để bù đắp thiếu tiền chi tiêu. 4

5. Chính phủ tích cực giải quyết, xử lý các kiến nghị của cử tri 5

6.3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội 6

7.Cải thiện cơ cấu thu chi Ngân sách Nhà nước. 6

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 7

8. Đà Nẵng: Hiệu quả việc tiếp nhận thông tin người dân qua ứng dụng. 7

9.Hà Tĩnh: Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo. 8

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 8

10.  Bloomberg: Việt Nam nằm trong 20 nền kinh tế có tác động lớn nhất đến tăng trưởng toàn cầu 2019. 8

11.Việt Nam thăng hạng cạnh tranh nhờ hàng loạt những nỗ lực vượt bậc. 9

12. Ở Việt Nam, phụ nữ nắm giữ 36% các vị trí quản lý cấp cao. 10

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 11

13.  Biểu hiện "Bệnh công thần" vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên. 11

14.  "Chấm điểm" sở, ngành và địa phương. 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

15.  Bộ Y tế triển khai 4 thủ tục hành chính mới trên Cơ chế một cửa quốc gia. 12

16. Bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính tại Hải Dương. 13

17.TP HCM: Thành phố thông minh cần người dân và chính quyền “thông minh”. 15

18.TP Hồ Chí Minh: Giảm thủ tục, chi phí nhờ cơ chế ủy quyền. 17

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 18

19.Ninh Bình: Để người nhà "thâu tóm" đất công, Chủ tịch xã mất chức. 18

 TIÊU ĐIỂM

Vụ cán bộ đi xe công dự tiệc ở Kiên Giang: "Phải chấm dứt ngay!"

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, sẽ tiến hành kiểm điểm 2 cán bộ cấp dưới đi xe công đến dự tiệc khai trương nhà nuôi yến của mình. Việc kiểm điểm này nhằm không để xảy ra những vụ việc tương tự sau này.

 Liên quan đến vụ nhiều cán bộ đi xe công đến dự tiệc khai trương nhà nuôi yến của ông Hồ Minh Tuấn - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang gây xôn xao dư luận vài ngày qua, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Tuấn cho hay, tới đây sẽ kiểm điểm 2 cấp phó trong cùng cơ quan.

 "2 cán bộ cấp phó này do thường trực Tỉnh uỷ quản lý nên phải xin ý kiến thường trực Tỉnh uỷ để tiến hành kiểm điểm. Kiểm điểm nghiêm để từ nay về sau phải chấm dứt tình trạng này" - ông Tuấn nói.

 Ông Tuấn nói thêm: "Tôi đã dặn không đi xe biển xanh đến dự tiệc khai trương nhà yến của tôi mà 2 cán bộ cấp phó không nghe. Khi phát hiện vụ việc, tôi cũng đã la rồi. Tôi rất tức giận vì mình đã dặn rồi chứ đâu phải là vô tình, thuê xe bên ngoài đi đâu mất nhiều tiền. Kể cả bản thân tôi đi xuống nhà yến cũng thuê xe bên ngoài".

 Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà nuôi yến của ông Tuấn nằm ở xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Nhà này có bề ngang 6m, 5 tầng. Trong đó, 4 tầng trên, ông Tuấn dùng để nuôi yến, còn tầng dưới ông có kế hoạch dùng để ở.

 Trước đó, sáng ngày 19/10, ông Tuấn tổ chức tiệc khai trương nhà nuôi yến trên thì nhiều cán bộ sử dụng xe công (biển số xanh) đến dự. Lúc này, một người dân vô tình phát hiện đã chụp ảnh, quay clip và đưa lên mạng xã hội facebook sau đó. (VTV.vn 21/10, Huỳnh Xây)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Thủ tướng yêu cầu triển khai rộng rãi ghi âm, ghi hình để giám sát cán bộ

Thủ tướng ký ban hành công điện số về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

 Theo người đứng đầu Chính phủ, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sơ hở của chính sách, pháp luật… sách nhiễu, gây phiền hà, thậm chí tiêu cực, tham nhũng khi thực hiện hoạt động công vụ, gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

 Trong chỉ thị, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong một số lĩnh vực (hải quan, thuế, quản lý thị trường…) và ngay cả trong chính lực lượng chức năng của thanh tra một số địa phương và bộ, ngành. Đồng thời, dư luận xã hội cũng bức xúc về sự thiếu minh bạch, thiếu kiểm soát, nguy cơ tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ của một số lĩnh vực nhạy cảm khác (điều tra, thi hành án, kiểm toán, tổ chức nội vụ…)

 Trước tình hình trên, để chủ động phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và thủ trưởng các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật.

 Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ. Cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường… bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, "vòi vĩnh", "chung chi", phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ

 Từng cơ quan, đơn vị phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực để theo dõi, giám sát thường xuyên.

 Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm… (Enternews.vn 19/10, Nguyên An) Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Thủ tướng: Năm 2020 Việt Nam đặt mục tiêu GDP đạt 6,8%

Báo cáo trước Quốc hội sáng 21/10, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2020.

 Cụ thể, về kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

 Về xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%.

 Về môi trường, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

 Theo Thủ tướng, để đạt được những mục đích này, Việt Nam cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Chính sách tiền tệ phải chủ động, linh hoạt nhưng thận trọng, phối hợp hiệu quả với chính sách tài khoá và các chính sách khác.

 Việt Nam cần tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên…

 Việt Nam cũng cần cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu dựa vào tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

 Thủ tướng cũng nhắc đến việc phải đẩy mạnh cơ cấu lại giữa các ngành và nội ngành dựa vào lợi thế so sánh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; tập trung phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động; tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp FDI.

 Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng cần huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền.

 Việt Nam cần phát triển hạ tầng số trên nền tảng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại. Đồng hành cùng thế giới đưa mạng 5G vào hoạt động với thiết bị sản xuất trong nước; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước tiến đến làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi sang nền kinh tế số… (Trí Thức Trẻ 21/10)Về đầu trang

Vay nợ thêm gần 500 ngàn tỷ để bù đắp thiếu tiền chi tiêu

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020.

 Báo cáo về nợ công năm 2020, Chính phủ cho biết nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách trung ương năm 2020 là 459 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương là hơn 217 nghìn tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương là hơn 217 nghìn tỷ đồng; vay để nhận nợ Bảo hiểm xã hội 9,1 nghìn tỷ.

 Việc phải đi vay để bù đắp bội chi có nghĩa tiền làm ra vẫn chưa đủ đáp ứng chi tiêu, nên phải đi vay để bù đắp vào. Cũng vì tiền làm ra không chi tiêu đủ, nên việc trả nợ vay phải duy trì bằng cách "vay nợ mới trả nợ cũ" 

Với dự kiến vay, trả nợ của Chính phủ, của chính quyền địa phương,... dự báo đến cuối năm 2020, nợ công khoảng 54,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP khoảng 45,5%. 

Như vậy, nợ công tiếp tục giảm so với năm 2019.

 Tuy các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP tiếp tục giảm so với các năm trước, nhưng Chính phủ đánh giá: Xu hướng này một phần phản ánh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn nước ngoài, rất chậm. Việc này một mặt hạn chế đóng góp cho tăng trưởng từ nguồn vốn vay, mặt khác ngân sách vẫn phải chịu chi phí cam kết đối với các khoản vay đã ký kết và chưa giải ngân.

 Dự kiến các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2019 như sau: nợ công ở mức 56,1% GDP, nợ Chính phủ ở mức 49,2% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước ước khoảng 19,5-20,5%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45,8% GDP.

 Mặc dù tỷ lệ vay bằng đồng Việt Nam đã tăng lên (từ 55% vào cuối năm 2015 lên 62,3% dư nợ Chính phủ tính đến hết năm 2019), song danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn tập trung vào 3 loại tiền chủ đạo gồm USD, JPY và EUR (chiếm tỷ lệ tương ứng 38,7%; 34,2% và 16,7% dư nợ nước ngoài của Chính phủ tính đến 31/12/2019).

 Chính phủ lưu ý đây là những đồng tiền “có biến động lớn trong thời gian vừa qua”. Những khoản trái phiếu chính phủ ngoại tệ phát hành trong nước trong giai đoạn trước cũng làm gia tăng rủi ro tỷ giá đối với tiền USD của danh mục nợ Chính phủ. Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá trị đồng Việt Nam cũng sẽ làm tăng giá trị danh nghĩa các khoản nợ bằng ngoại tệ khi quy sang nội tệ.

 Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2020, dự kiến mức dư nợ công là 54,3%GDP, nợ Chính phủ là 48,5%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5%GDP. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ Quốc hội tại kỳ họp này về tất cả các khoản nợ của ngân sách Nhà nước như: nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước, nợ nguồn thanh toán của ngân sách Nhà nước; đồng thời lưu ý về rủi ro thanh khoản, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất huy động và vấn đề đảo nợ… để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. (Vietnamnet.vn 21/10)Về đầu trang

Chính phủ tích cực giải quyết, xử lý các kiến nghị của cử tri

Đây là khẳng định của Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

 Theo báo cáo, thời gian qua đã có hơn 2.000 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, hơn 99% trong số đó đã được giải quyết. Trong đó, cử tri đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Các nghị quyết của Quốc hội cũng được triển khai nghiêm túc, nhiều cam kết, lời hứa đã được thực hiện, tạo lòng tin của người dân.

 Bên cạnh đó, cử tri cũng đánh giá hoạt động của Quốc hội có nhiều cải tiến, đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, nhất là việc lựa chọn các vấn đề nóng để tiến hành chất vấn, qua đó tạo sự lan tỏa tới hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp, các địa phương.

 Báo cũng cho biết, cử tri nhiều địa phương tiếp tục đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng. Nhất là đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước, các dự án trọng điểm quốc gia để bảo đảm việc đầu tư được hiệu quả, tránh tăng chi ngân sách. Cử tri cũng kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, rà soát, thanh tra để bảo đảm chế độ đối với người có công.

 Theo báo cáo, vụ gian lận thi cử năm 2018 tại Hòa Bình và Sơn La đã được xử lý nghiêm khắc, đảm bảo sức răn đe đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về cả kỳ thi nói chung, nhưng thực tế vẫn chưa kiểm soát tốt tình hình diễn biến trong kỳ thi. Còn đối với kỳ thi năm 2019, cử tri đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tuy nhiên cử tri cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, xử lý để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật

 Cũng theo báo cáo, công tác giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri vẫn còn hạn chế. Văn bản trả lời của một số bộ ngành còn thiếu thông tin, việc phối hợp giữa các bộ ngành để giải quyết kiến nghị của cử tri chưa chặt chẽ, chưa rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì giải quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế và gửi kết quả giải quyết tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước tháng 4 năm sau, để kịp báo cáo cử tri trong kỳ họp tới. (VTV.vn 21/10)Về đầu trang

3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội

Sáng 21/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, báo cáo được tổng hợp từ 3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, tiếp tục thể hiện tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Quốc hội, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đặc biệt, cử tri ghi nhận và đánh giá cao những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thời gian qua.

 Cũng theo báo cáo, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm tác động của "cuộc chiến" thương mại giữa một số nước lớn; những diễn biến tình hình phức tạp ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; Tiến độ giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương chưa triệt để gây bức xúc trong nhân dân; công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, lãng phí chưa kịp thời, việc xử lý tham nhũng, lãng phí ở một số nơi chưa chuyển biến mạnh, nhất là ở địa phương, cơ sở.

 Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương 5 kiến nghị. Trong đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, địa phương ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu; đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ, thực hiện minh bạch các dự án. Đồng thời, hoàn thiện hơn nữa thể chế về quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, chú trọng phát huy và tạo điều kiện để nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên giám sát công tác cán bộ; tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. (VTV.vn 21/10)Về đầu trang

Cải thiện cơ cấu thu chi Ngân sách Nhà nước

Đánh giá kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2016 - 2020 cho thấy tỷ trọng dự toán chi thường xuyên đã giảm dần.

 Dự kiến năm nay là năm thứ 4 thu Ngân sách Nhà nước vượt dự toán. Đây là tín hiệu tích cực được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ từ báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 2019 và dự toán, phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Về cơ bản, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhất trí với báo cáo của Chính phủ nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề cần tập trung tháo gỡ.

 Ước tính cả năm nay, thu ngân sách Nhà nước vượt 3,3% so với dự toán, tương đương 46.000 tỷ đồng. Chi thường xuyên, chi trả nợ cơ bản ước đạt dự toán. Cân đối ngân sách Nhà nước trong phạm vi dự toán và cân đối ngân sách địa phương dự kiến không bội chi.

 Mặc dù thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán nhưng báo cáo thẩm tra chỉ ra tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách chỉ đạt 20,2% GDP, chưa đạt yêu cầu đặt ra là 21% GDP. Đáng chú ý, thu từ khu vực doanh nghiệp không đạt dự toán cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, đòi hỏi những giải pháp tháo gỡ. Trong khi đó, về mặt chi, dù tỷ trọng chi thường xuyên có xu hướng giảm nhưng theo đánh giá là giảm vẫn chậm.

 Cũng liên quan tới cơ cấu chi, Chính phủ dự kiến năm 2020 chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách TW chiếm 46,7% so với tổng chi của nền kinh tế cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, sau khi trừ các khoản bổ sung có mục tiêu cho địa phương, rồi trừ các nhiệm vụ chi quan trọng, con số đó chỉ còn 27,2%. Như vậy, cơ cấu này chưa đảm bảo vai trò chủ đạo của Ngân sách TW theo quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách Nhà nước.

 Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra thủ tục giao vốn vẫn còn phức tạp, làm ảnh hưởng tới tiến độ thi công nên nhiều dự án quan trọng của nền kinh tế vẫn chậm được triển khai hoặc bị dở dang. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển hiện mới chỉ đạt hơn 49% kế hoạch Thủ tướng giao và khó có thể giải ngân hết được trong năm nay. Báo cáo cho rằng đây là vấn đề kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục thực sự quyết liệt.

 Về xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước cho năm tới, Chính phủ dự toán mức tăng khoảng 3,8% so với mức ước thực hiện năm nay. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi, đánh giá để phấn đấu mức tăng cao hơn thế, khoảng 4 - 4,5%. Ủy ban Tài chính Ngân sáchnhất trí với đề nghị của Chính phủ giữ mức bội chi ngân sách Nhà nước năm sau là 3,44% và dự kiến nợ công đạt 54,3% GDP. (VTV.vn 21/10)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Đà Nẵng: Hiệu quả việc tiếp nhận thông tin người dân qua ứng dụng

Người dân có thể phản ánh về mọi lĩnh vực lên ứng dụng Góp ý Đà Nẵng, ngay lập tức, Trung tâm Thông tin dịch vụ công sẽ chuyển những phản ánh này đến các cơ quan chức năng.

 Tiếp nhận phản ánh của một người dân trên ứng dụng Góp ý Đà Nẵng về việc khu vực phía sau Trạm Y tế phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng từ lâu đã trở thành nơi đổ xà bần, rác thải sinh hoạt gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lãnh đạo UBND quận Sơn Trà đã nhanh chóng chỉ đạo cho phường An Hải Tây xử lý ngay điểm ô nhiễm môi trường này.

 Sự việc trên là một trong rất nhiều phản ánh của người dân ở mọi lĩnh vực thông qua cổng Góp ý Đà Nẵng được các cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý. Hiện tại thành phố Đà Nẵng đã có quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến, phản ánh của người dân thông qua nhiều kênh khác nhau như: Điện thoại, tin nhắn, Facebook, ứng dụng Góp ý Đà Nẵng…

 Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong việc tiếp nhận và xử lý những góp ý, phản ánh của người dân thông qua ứng dụng và các trang mạng xã hội. Đây là nỗ lực của chính quyền thành phố Đà Nẵng trong cải cách hành chính công nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời những tồn tại, bức xúc của người dân thành phố. (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 12h11 ngày 21/10)Về đầu trang

Hà Tĩnh: Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo

Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã xâydựng mô hình "Con nuôi đồn biên phòng" để nhận nuôi, chăm sóc và giáo dục các em học sinh nghèo nên người.

 Từ ngày được Đồn biên phòng Bản Giàng, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh nhận nuôi, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được các chiến sỹ chăm sóc, giáo dục như những người con trong gia đình. Việc hướng dẫn các em học tập dù gặp nhiều khó khăn nhưng với trách nhiệm, tình yêu thương dành cho các em, các cán bộ biên phòng đã tận tình dạy thêm, bồi dưỡng kiến thức giúp các em nâng cao thành tích trong học tập. 

Ngoài những giờ lên lớp, các em còn tham gia sinh hoạt, lao động cùng với các chiến sỹ biên phòng. Các chiến sỹ không chỉ dạy cho các em cách nấu ăn, sinh hoạt mà còn dạy các em các lễ nghi, phép tắc, tác phong trong quân đội, qua đó giúp các em sớm trưởng thành, để hòa nhập với công đồng.

 Mô hình con nuôi đồn biên phòng được lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh xây dựng đầu năm 2019. Bước đầu các đồn biên phòng đã nhận nuôi 4 cháu dân tộc Chứt và 1 cháu dân tộc Lào. Với những việc làm thiết thực, lực lượng biên phòng đã góp phần chia sẻ những khó khăn với đồng bào vùng biên giới và giúp các em học sinh trở thành những công dân tốt, góp phần xây dựng quê hương, bản làng giàu mạnh. (VTV.vn 21/10)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Bloomberg: Việt Nam nằm trong 20 nền kinh tế có tác động lớn nhất đến tăng trưởng toàn cầu 2019

Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế có tác động lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019. Ấn Độ đứng thứ 3, đuổi sát nút Mỹ. Ở khu vực Đông Nam Á có Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. 

Nền kinh tế toàn cầu đang bị đè nặng bởi những căng thẳng cản trở thương mại quốc tế và sự bất ổn gia tăng.

 Dự kiến, một loạt các nền kinh tế lớn ​​sẽ tăng trưởng chậm hơn trong nửa thập kỷ tới. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tiếp tục chậm lại, và sẽ giảm bớt tầm ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP toàn cầu trong thời gian tới.

 Tỷ lệ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP toàn cầu của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ giảm từ 32,7% trong năm 2018-2019 xuống còn 28,3% vào năm 2024 - giảm tương đối mạnh, 4,4 điểm phần trăm.

 Tăng trưởng toàn cầu sẽ yếu hơn, dự kiến ​​sẽ giảm xuống 3% trong năm nay và đó là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Suy thoái sẽ ảnh hưởng đến 90% thế giới, theo ước tính được công bố trong tuần này của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

 Những nền kinh tế nào là nhân tố chủ chốt hiện nay và tăng trưởng toàn cầu sẽ được thúc đẩy bởi những nền kinh tế nào sau 5 năm nữa? Bloomberg đã sử dụng các dự báo của IMF, được điều chỉnh theo ngang giá sức mua, để xác định các động cơ tăng trưởng này.

 Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế có tác động lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019. Ấn Độ đứng thứ 3, đuổi sát nút Mỹ. Ở khu vực Đông Nam Á có Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. 

Theo dự báo của IMF, Hoa Kỳ, trong khi vẫn dự kiến ​​sẽ đóng góp một phần khá lớn vào tăng trưởng thế giới, dự kiến ​​sẽ rơi xuống vị trí thứ ba, sau Ấn Độ.

 Tỷ lệ ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu của Mỹ dự kiến ​​sẽ giảm từ 13,8% xuống còn 9,2% vào năm 2024, trong khi con số này của Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tăng lên 15,5% và làm lu mờ ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong giai đoạn 5 năm này. 

Indonesia sẽ vẫn ở vị trí thứ tư vì nền kinh tế của nước này dự kiến ​​sẽ có tỷ lệ ảnh hưởng đến tăng trưởng 3,7% vào năm 2024, con số này giảm nhẹ so với 3,9% trong năm 2019.

 Anh sẽ thấy tầm ảnh hưởng của họ suy yếu trong bối cảnh Brexit, khi nền kinh tế Anh tụt từ vị trí thứ 9 xuống thứ 13.

 Sức ảnh hưởng của Nga hiện ở mức 2% và mặc dù dự kiến ​​sẽ không thay đổi sau 5 năm nữa, nước này có thể sẽ thay thế Nhật Bản trở thành nước đóng góp tăng trưởng đứng thứ 5. Vì Nhật Bản sẽ rơi xuống vị trí thứ 9 vào năm 2024. 

Brazil dự kiến ​​sẽ tăng từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6. Tỷ lệ ảnh hưởng tăng trưởng của Đức dự kiến ​​sẽ duy trì ở mức 1,6% và đứng thứ 7 trong danh sách.

 IMF cho biết động cơ tăng trưởng mới trong số 20 quốc gia hàng đầu trong 5 năm tới sẽ bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Pakistan và Ả Rập Saudi, trong khi Tây Ban Nha, Ba Lan, Canada và Việt Nam rời khỏi Top 20 năm 2024. (Trí Thức Trẻ 21/10)Về đầu trang

Việt Nam thăng hạng cạnh tranh nhờ hàng loạt những nỗ lực vượt bậc

Việt Nam đã trở thành "quán quân" của cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019.

 Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong một năm vừa qua.

 Việt Nam đã lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên, của bảng xếp hạng thế giới về Năng lực cạnh tranh toàn cầu. Cụ thể là ở vị trí thứ 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng. Có một điểm đáng chú ý hơn nữa. Đó là trong thời điểm nhiều nước ở châu Á và trong khu vực đang bị giảm bậc, thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam lại được cải thiện đáng kể.

 Cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử và nền kinh tế số; Thực hiện cơ chế Một cửa quốc gia ASEAN; Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh ở các địa phương... Hàng loạt những nỗ lực vượt bậc này đã giúp hoán đổi mạnh mẽ vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu.

 Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm, cả nước có 11.787 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 140,2 nghìn tỷ đồng. Đây là tín hiệu thể hiện tăng trưởng của Việt Nam đang tốt hơn mong đợi. Tuy nhiên, việc chất lượng thể chế của Việt Nam mới chỉ xếp thứ 89/ 141 quốc gia được cho là vẫn chưa tương xứng với hàng loạt chủ trương cải cách đã được Chính phủ ban hành thời gian qua.

 Tuy đã đạt được những cải thiện rất đáng kể nhưng Chính phủ vẫn cam kết sẽ chỉ đạo, rà soát những nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với cací đích trước mắt là lọt vào nhóm ASEAN 4 - tức nhóm 4 nước dẫn đầu trong khối ASEAN. (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 19h ngày 20/10)Về đầu trang

Ở Việt Nam, phụ nữ nắm giữ 36% các vị trí quản lý cấp cao

Phụ nữ làm kinh doanh (She's the Business), một báo cáo đặc biệt của HSBC được giới thiệu trong tháng 10/2019 cho biết, hơn một phần ba (35%) nữ doanh nhân gặp phải định kiến về giới tính khi huy động vốn cho doanh nghiệp của mình.

 Định kiến này được thể hiện một cách rõ ràng điển hình như trong quá trình đầu tư, các nữ doanh nhân thường "được" đặt các câu hỏi về hoàn cảnh gia đình, uy tín của họ với tư cách là lãnh đạo doanh nghiệp hay làm sao phòng tránh thua lỗ…

 Một báo cáo khác của Grant Thornton có tiêu đề Phụ nữ trong Kinh doanh 2019 (Women in Business) cho biết phụ nữ hiện đang nắm giữ 29% các vị trí lãnh đạo cấp cao trên toàn cầu. Tại ASEAN, khoảng 94% doanh nghiệp có ít nhất một phụ nữ làm quản lý cấp cao và tỷ lệ các vị trí cấp cao do phụ nữ nắm giữ là 28%.

 Ở Việt Nam, phụ nữ nắm giữ 36% các vị trí quản lý cấp cao, đứng thứ hai sau Philippines (37,5%) ở trong khu vực. Phụ nữ Việt Nam thường giữ bốn vị trí hàng đầu trong các doanh nghiệp bao gồm Giám đốc tài chính (36%); Tổng giám đốc hoặc Giám đốc điều hành (30%); Giám đốc nhân sự và Giám đốc tiếp thị (25%).

 Trong khi đó, theo Chỉ số Nữ doanh nhân của MasterCard (Mastercard Index Women Entrepreneurs 2018), nhu cầu sinh tồn thúc đẩy phụ nữ Việt Nam tìm kiếm cơ hội trong các mô hình kinh doanh quy mô nhỏ, ít công nghệ. Nghiên cứu của MasterCard cũng cho biết phụ nữ ít có cơ hội vươn lên làm lãnh đạo doanh nghiệp khi trong bốn nhà lãnh đạo chỉ có một người là nữ.

 Điều thú vị là các nữ doanh nhân Việt Nam có xu hướng do cơ hội "đưa đẩy" (43,8%) hơn là sự cần thiết (56,3%) trong giai đoạn khởi nghiệp ban đầu và họ nhận thức khá cao về các khả năng cần thiết để thực hiện điều đó. Các doanh nhân nữ cũng nhận thực tốt về những rủi ro trong kinh doanh và có thể so sánh với nam giới. (Vneconomy.vn 20/10)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Biểu hiện "Bệnh công thần" vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên

Bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản là những thói hư tật xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã từng được Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ lâu.

 Lúc sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tránh những căn bệnh ấy, rèn luyện đạo đức cách mạng, khi đương chức cũng như khi nghỉ hưu. Thế nhưng, vẫn có những người tự kiêu tự mãn, để những căn bệnh ấy không chỉ làm méo mó hình ảnh, nhân cách, vinh quang của chính họ mà còn tạo ra dư luận xấu, ảnh hưởng đến niềm tin, tình cảm của nhân dân.

 Đề cập đến bệnh công thần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là "cứu tinh" của dân, "công thần" của Đảng, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng.

 Thật đáng buồn, đến giờ, biểu hiện của căn bệnh ấy vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong đó, có cả cán bộ đã kinh qua rèn luyện, cống hiến, lập nhiều chiến công nhưng đến lúc nghỉ hưu lại thiếu tỉnh táo, nói và viết trái với đường lối quan điểm của Đảng. Rồi tiếp xúc với nhiều đối tượng cơ hội chính trị, thậm chí cả đối tượng phản động, bị chúng lợi dụng, kích động, dẫn đến phát tán nhiều thông tin xấu, việc làm sai trái, có hại cho đất nước, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận".

 Bệnh công thần còn thể hiện ở sự hống hách, coi thường pháp luật trong đời sống hàng ngày. Năm 2017, xuất hiện clip ghi lại hình ảnh CSGT quận Bình Thủy, TP Cần Thơ yêu cầu một tài xế xe ô tô xuất trình giấy tờ để kiểm tra nhưng tài xế không chấp hành. Lúc này, người đàn ông ngồi trên xe liên tục dùng lời lẽ thô tục, tuyên bố có thể cách chức được cả giám đốc công an và nếu làm ông trễ họp thì chiến sĩ CSGT sẽ phải "nghỉ việc luôn". Người đàn ông sau đó được xác định là một vị trung tướng quân đội, nguyên Phó chính ủy một quân khu. (Vtv.vn 20/10) Về đầu trang

"Chấm điểm" sở, ngành và địa phương

Một DN đang đầu tư dự án tại KCN đóng trên địa bàn tỉnh cho biết, trong quá trình làm thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng dự án, khó khăn nhất không phải là ở lãnh đạo cấp tỉnh mà đến từ các sở, ngành. Tình trạng dây dưa, kéo dài và chậm có hồi đáp cụ thể khiến các nhà đầu tư phải “chạy lòng vòng” từ sở này qua sở khác đã khiến cho họ mệt mỏi. Thậm chí, một số nhà đầu tư không chờ đợi nữa mà tìm đến các tỉnh, thành phố khác.

 Tại các hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và DN cũng ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh của DN về thủ tục cấp phép đầu tư rườm rà, kéo dài từ phía một số sở, địa phương trong việc thẩm định, lấy ý kiến... Điều này khiến cho tỉnh mất đi nhiều cơ hội thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh.

 Trên thực tế cho thấy, hiện nay vấn đề quản trị công ở cấp cơ sở còn thấp, thiếu công cụ giám sát, đo lường sự hài lòng của người thụ hưởng dịch vụ và tiếp nhận thông tin phản hồi… Đây là “điểm yếu” cần sớm được khắc phục nhằm thúc đẩy và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

 Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố (DDCI). Mục tiêu tổng thể của việc triển khai DDCI là thúc đẩy cải thiện chất lượng điều hành của các sở, ngành, huyện, thị xã tại mỗi tỉnh, thành phố, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch tại địa phương. Khảo sát DDCI trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, DN, hộ kinh doanh cá thể, HTX đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm.

 Tại hội nghị này, kinh nghiệm từ tỉnh Quảng Ninh cho thấy, sáng kiến thực hiện chỉ số đánh giá thực thi cấp sở, ngành, địa phương mà tỉnh này thực hiện thời gian qua rất nổi bật. Từ trước đến nay, việc đánh giá chất lượng điều hành kinh tế ở các cấp nói chung, cấp tỉnh nói riêng chủ yếu dựa trên hệ thống chỉ tiêu đánh giá từ bên trong và đánh giá theo đầu ra.

 Cụ thể, đánh giá bên trong chủ yếu là hệ thống đánh giá do cơ quan nhà nước tự tiến hành và kết quả thông thường như tổ chức trong sạch vững mạnh, hoàn thành nhiệm vụ, thay đổi tích cực. Còn đánh giá đầu ra chủ yếu tập trung vào số lượng hoạt động như ban hành được bao nhiêu kế hoạch, văn bản,... (thể hiện số lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước). Cách đánh giá truyền thống này chưa đầy đủ, chưa khách quan, chưa gắn với thực tiễn, chưa đo lường được kết quả là tác động của chính sách, công việc đó đem lại tác động đến người dân, DN như thế nào.

 Trong khi đó, các công cụ như chỉ số DDCI mà Quảng Ninh thực hiện được đo lường từ sự hài lòng của DN, hộ kinh doanh về chính quyền cơ sở và sở, ngành. Điều này tạo được sức ép thay đổi, chuyển đổi tư duy của cả hệ thống chính quyền cơ sở, cung cấp các thông tin quý báu cho lãnh đạo điều hành và thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền và DN.

 Nếu DDCI được triển khai tại BR-VT trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương sẽ được DN, HTX, người dân “chấm điểm” một cách công khai, khách quan, công bằng. Đồng thời, là động lực thúc đẩy sự quyết liệt cải cách của các sở, ngành, địa phương, thay đổi mạnh mẽ nhận thức và hành động của cán bộ công chức các cấp, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, coi DN là đối tác và khách hàng của hệ thống dịch vụ công. Trong đó, sự hài lòng của DN thực sự trở thành thước đo chuẩn mực đối với chất lượng dịch vụ của cơ quan công quyền. (Báo Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 20/10, Ngô Gia)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bộ Y tế triển khai 4 thủ tục hành chính mới trên Cơ chế một cửa quốc gia

Tổng cục Hải quan cho biết, từ ngày 15/10/2019, sẽ có thêm 4 thủ tục hành chính mới của Bộ Y tế thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế sẽ được Tổng cục Hải quan triển khai thí điểm trên Cơ chế một cửa quốc gia.

 Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018, thời gian qua, với sự hỗ trợ của Tổng cục Hải quan, Bộ Y tế đã xây dựng và hoàn thiện phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để kết nối liên thông với Cổng thông tin một cửa quốc gia đối với 4 thủ tục hành chính trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.

 Cục Công nghệ Thông tin - Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan triển khai thí điểm 4 thủ tục hành chính mới trên Cơ chế một cửa quốc gia.

 Cụ thể, 04 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế do Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế quản lý gồm: Cấp mới sổ lưu hành đối với trang thiết bị y tế chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; Gia hạn sổ lưu hành trang thiết bị y tế; Cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với trang thiết bị y tế đã có sổ lưu hành; Công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A.

 Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị Tổng cục Hải quan thông báo cho các đơn vị hải quan cửa khẩu về việc chấp nhận các Thông báo/Giấy phép nhập khẩu kết quả của các thủ tục hành chính nêu trên là bản điện tử có chữ ký số hợp pháp được chuyển về Tổng cục Hải quan trên hệ thống từ ngày 15/10/2019; trong thời gian thí điểm, các Thông báo/Giấy phép nhập khẩu là bản giấy vẫn có giá trị đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép. 

Việc triển khai thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia đối với 4 thủ tục hành chính nêu trên được thực hiện từ ngày 15/10/2019 đến hết ngày 31/12/2019 đối với tất cả các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có đủ điều kiện và có nhu cầu thực hiện. Từ ngày 01/01/2020, tất cả các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia.

 Theo danh mục 61 thủ tục hành chính cần triển khai trong năm 2019 trên Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ Y tế có 24 thủ tục hành chính. Cho đến nay, Bộ Y tế đã thử nghiệm 10 thủ tục hành chính (6 thủ tục hành chính mới thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm, môi trường y tế đã triển khai trước đó và 4 thủ tục hành chính mới thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế).

 Như vậy, từ nay đến hết 2019, Bộ Y tế còn phải triển khai 14 thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo kế hoạch. (Tapchitaichinh.vn 21/10, Việt Dũng) Về đầu trang

Bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính tại Hải Dương

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng chất lượng hoạt động ở hệ thống “một cửa”, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục… đã tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

 Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại phường Nguyễn Trãi (thành phố Hải Dương) cho thấy, cơ sở vật chất của bộ phận “một cửa” ở đây khang trang, diện tích trên 70m2, phòng thoáng mát, trang bị điều hòa, máy in, 5 bộ máy vi tính, bố trí đủ ghế ngồi, quạt, nước uống… Đội ngũ cán bộ trong đồng phục áo dài, niềm nở tiếp đón công dân. Cùng với hệ thống máy tính để cán bộ xử lý công việc, phường bố trí thêm 1 màn hình máy tính quay ra hướng ngồi của công dân, giúp công dân kiểm tra các thông tin do cán bộ nhập vào, điều này đảm bảo tính chính xác ngay từ khâu đầu tiên, giảm thiểu việc sai sót. Đối với những trường hợp cần chuẩn bị nhiều loại giấy tờ, cán bộ ở bộ phận “một cửa” của phường sẽ cụ thể hóa hướng dẫn cho người dân bằng văn bản.

 Anh Nguyễn Quang Dũng, ở phố Nguyễn Thượng Mẫn (thành phố Hải Dương) cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên phải lên phường làm các thủ tục giấy tờ. Tôi nhận thấy tác phong và thái độ của cán bộ ở bộ phận một cửa rất nhiệt tình, trách nhiệm với người dân; thời gian trả hồ sơ nhanh, linh hoạt; không có hiện tượng vòi vĩnh”.

 Tính đến giữa tháng 9/2019, phường Nguyễn Trãi đã tiếp nhận và giải quyết đúng thời hạn 1.511 hồ sơ lĩnh vực chứng thực, dẫn đầu thành phố. Bên cạnh đó là hồ sơ lĩnh vực đất đai, hộ tịch, bảo trợ xã hội, người có công. 

Ông Nguyễn Đình Hồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Nguyễn Trãi cho biết: “Chúng tôi luôn đặt mục tiêu đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính chủ động, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính. Từ đó, tạo thuận lợi cho công dân và tổ chức không phải đi lại nhiều nơi, nhiều lần khi liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, tránh tình trạng sách nhiễu, phiền hà cho tổ chức, công dân”. 

Ở phường Nguyễn Trãi, quy trình, quy định về thời gian giải quyết, lệ phí đối với từng loại thủ tục được niêm yết công khai, cụ thể giúp tạo lòng tin trong nhân dân. Phường cũng đã thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” đối với lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội, lĩnh vực tư pháp, hộ tịch. Phường bố trí 2 cán bộ, công chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận “một cửa”. Trong tuần, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường luân phiên trực tại chỗ giúp rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tránh phiền hà cho tổ chức và công dân. Sáng thứ Hai hàng tuần, lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường giao ban với các bộ phận chuyên môn để kịp thời giải quyết những trường hợp còn vướng mắc.

 Tương tự, bộ phận “một cửa” của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương cũng được quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, bố trí diện tích phù hợp để nhân dân ngồi chờ, làm thủ tục. Tại đây, quy trình rõ ràng, thủ tục hành chính được công khai minh bạch, ngày càng đơn giản giúp tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân đến liên hệ, làm việc. Thông tin dữ liệu được cập nhật, lưu trữ, hệ thống camera giám sát giúp bao quát hoạt động, chỉ đạo giải quyết công việc diễn ra tại bộ phận “một cửa” khi cần thiết. Từ đầu năm đến 15/9, bộ phận này đã tiếp nhận trên 6.500 hồ sơ các lĩnh vực, trong đó đã giải quyết 6.000 hồ sơ, còn 300 hồ sơ trả lại do không đủ điều kiện giải quyết.

 Bà Trần Thị Bích Toản, Phó trưởng Phòng Nội vụ phụ trách bộ phận “một cửa” của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương cho biết: “Lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm đến hoạt động của bộ phận “một cửa” từ việc bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đến sắp xếp cán bộ, tập huấn cho cán bộ. Lấy mục tiêu hướng đến sự hài lòng của người dân, nếu cán bộ nào để xảy ra vi phạm hoặc không đạt yêu cầu về văn hóa ứng xử khi tiếp đón công dân tại bộ phận “một cửa”, thành phố sẽ lập tức thay người”.

 Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn hiện nay và là điều kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển của địa phương, thành phố Hải Dương đã và đang tập trung nguồn lực thực hiện đồng thời nhiều giải pháp cải cách hành chính, người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “một cửa”, thành phố cũng chú trọng tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính.

 Với mục tiêu hiện đại hóa hành chính, đến nay, thành phố Hải Dương đã triển khai số hóa hồ sơ, tài liệu của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, sử dụng phần mềm quản lý văn bản. Trang thông tin điện tử của thành phố xây dựng theo công nghệ chuẩn thống nhất của tỉnh, cập nhật các hoạt động, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố, công khai các văn bản, thủ tục hành chính được thực hiện tại bộ phận “một cửa”. 

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương đã đăng ký, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh rà soát, đưa một số thủ tục hành chính được tiếp nhận theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Thành phố cũng đang tích cực thực hiện dự án xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh và dự án nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin Ủy ban nhân dân thành phố và bộ phận “một cửa” các phường, xã.

 Với những kết quả đã đạt được, năm 2016 và 2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương đứng đầu tỉnh về chỉ số cải cách hành chính. Năm 2018, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương đứng thứ 2 khối cơ quan cấp huyện. Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố được tỉnh tặng Bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính... (Baotintuc.vn 20/10, Mạnh Minh) Về đầu trang

TP HCM: Thành phố thông minh cần người dân và chính quyền “thông minh”

TP HCM đang lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về xây dựng thành phố ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, chất lượng sống ngày càng tốt hơn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia rất quan tâm đến Đề án xây dựng TP HCM trở thành thành phố thông minh.

 Thành phố thông minh là mọi hoạt động của thành phố đều áp dụng công nghệ thông tin. Ví dụ như Chính phủ điện tử, hệ thống giao thông thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong chống ngập, nộp thuế, hải quan, giám sát môi trường và quản lý rác thải… đều là một phần của thành phố thông minh.

 Tất cả việc đó đều áp dụng công nghệ thông tin trên cơ sở hạ tầng cứng của thành phố. Nó góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hiệu quả điều hành, quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước…

 Theo một số doanh nghiệp và chuyên gia, để thành phố thông minh vận hành hiệu quả thì phải có quy hoạch tổng thể đến chi tiết từ thiết lập đến vận hành ứng dụng công nghệ thông tin. Tức là cả doanh nghiệp, chính quyền và mọi người dân phải cùng kết nối, vận hành trên một hạ tầng thông minh.

 Theo một số doanh nghiệp, để thực hiện đề án này hiệu quả thì thành phố cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp nắm rõ, tương tác tốt. Thành phố cần có khảo sát, đánh giá hiện trạng công nghệ của các doanh nghiệp để có sự kết nối phù hợp, hiệu quả.

 Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Thái Sơn kiến nghị, để áp dụng thành phố thông minh hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố phải khảo sát trong bộ phận công nghệ của các doanh nghiệp xem doanh nghiệp “vướng” những gì mà đang phải xử lý cơ học nhiều.

 “Cộng đồng doanh nghiệp phải song song áp dụng công nghệ với thành phố, vì khi thành phố áp dụng công nghệ vào quản trị, điều hành mà doanh nghiệp không áp dụng thì cũng như không”, ông Việt Anh đề xuất.

 Xây dựng thành phố thông minh là phải ứng dụng công nghệ thông tin, khi đó thành phố cần có phần mềm và phần cứng để vận hành tốt hệ thống này. Theo một số chuyên gia lĩnh vực công nghệ thông tin thì thành phố cần phát triển vi mạch và có phần cứng riêng này cho việc phát triển thành phố thông minh.

 Hiện nay, TP HCM đã có chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, chương trình này đã được nâng lên thành Chương trình của Quốc gia, đây là điều kiện thuận lợi của thành phố. Vì vậy, thời gian tới thành phố nên tập trung phát triển chương trình này mạnh mẽ hơn để ứng dung vi mạch vào mọi hoạt động của thành phố. 

 GS.TS Đặng Lương Mô, Đại học Tokyo, Cố vấn Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, về mặt thiết kế phần mềm TP HCM đã có đủ kinh nghiệm, nhưng về chế tạo vi mạch thì vẫn chưa có kinh nghiệm vì nó đòi hỏi đầu tư rất lớn. 

“TP HCM vẫn có thể làm vi mạch nhưng không cần chế tạo vi mạch cạnh tranh với các nước đứng đầu thế giới. Thành phố có thể chế tạo vi mạch cho phần dùng riêng cho chương trình của thành phố, đây là một hướng mà thời gian tới thành phố cần và nên làm”, GS.TS Đặng Lương Mô nêu quan điểm.

 Bên cạnh việc phát triển phần cứng riêng cho hạ tầng công nghệ thông tin của thành phố thông minh, việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung của thành phố sẽ là rất quan trọng. Kho dữ liệu này cần phải đủ lớn và kết nối giữa các cơ quan chức năng của thành phố sẽ giải quyết được sự rời rạc, thiếu liên thông giữa các cơ quan chức năng hiện nay. 

 Mặt khác, kho dữ liệu này sẽ giải quyết được những khó khăn của người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, phải đi nhiều nơi, nhất là các thủ tục nhà đất, cấp phép xây dựng, các thủ tục tư pháp… nên đây cũng là chìa khóa để xây dựng chính quyền số.

 Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực lưu ý, vấn đề quan trọng nhất trong việc xây dựng thành phố thông minh là phải có cơ sở dữ liệu tốt của người dân, doanh nghiệp, từ đó mới có thể kết nối với nhau, giống như một số thành phố thông minh khác trên thế giới đã làm.

 Để xây dựng TP HCM trở thành thành phố thông minh và hoạt động hiệu quả, không chỉ cần nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt, có kho dữ liệu đầy đủ, sự kết nối, vận hành thuận lợi mà cần sự phối hợp, tương tác tốt của người dân, doanh nghiệp với chính quyền thành phố. Vì vậy, khi xây dựng thành phố thông minh thì cũng cần đào tạo người dân và chính quyền đều “thông minh”, hiện đại để vận hành và tương tác tốt./. (Vov.vn 20/10, Lệ Hằng) Về đầu trang

TP Hồ Chí Minh: Giảm thủ tục, chi phí nhờ cơ chế ủy quyền

Sau hơn nửa năm thực hiện, đề án ủy quyền cho các sở, ngành, UBND quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh đã chứng tỏ được nhiều điểm tích cực, mang lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình thực thi công vụ. Nhiều nhóm công việc đã được rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm được chi phí của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Tuy nhiên, trong thực tế, việc ủy quyền vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn cần sớm khắc phục, tháo gỡ…

 Từ đầu năm đến nay, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận Bình Tân đã tham mưu UBND quận Bình Tân ban hành gần 900 quyết định thu hồi đất của chín dự án giao thông đô thị và công trình trường học. Đây cũng là một trong những đầu việc được UBND thành phố ủy quyền cho UBND quận Bình Tân cũng như UBND các quận, huyện khác thực hiện, nhằm tạo sự chủ động cho địa phương trong việc thực hiện công tác thu hồi, giải tỏa và đền bù đất đai.

 Riêng trong tháng 5 vừa qua, Ban BTGPMB quận Bình Tân đã ban hành 75 thông báo thu hồi đất đối với cá nhân và tổ chức để thành phố đầu tư xây dựng dự án cầu Bà Hom. Ông Phan Thanh Trường (tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo) có nhà, đất nằm trong diện bị thu hồi đất của dự án cho biết: Chỉ sau 30 ngày cán bộ điều tra, khảo sát và đo đạc, UBND quận ban hành thông báo thu hồi đất để người có đất bị thu hồi biết cụ thể hiện trạng nhà đất của mình cũng như các chính sách bồi thường về đất đai. Cách làm này đã giúp chính quyền địa phương công khai, minh bạch và tương tác nhanh hơn để người dân biết chủ trương, chính sách đền bù của Nhà nước đối với người dân.

 Trưởng ban BTGPMB quận Bình Tân Lại Phú Cường phân tích: Trước đây, khi chưa thực hiện ủy quyền thì thời gian UBND thành phố ban hành thông báo thu hồi đất đến cá nhân và tổ chức nhanh nhất phải mất hai tháng, có khi nửa năm vì phải chờ UBND quận gửi văn bản tham mưu đến Sở Tài nguyên và Môi trường, sau đó sở này trình UBND thành phố ra thông báo. Sau khi thành phố thực hiện ủy quyền cho UBND quận ban hành quyết định thông báo thu hồi đất thì thời gian đã được rút ngắn rất nhiều, chỉ còn 30 ngày, với quy trình nhanh và gọn.

 Tại quận 3, sau khi có cơ chế ủy quyền, Phòng Nội vụ quận đã tham mưu Chủ tịch UBND quận ra quyết định nâng bậc lương trước thời hạn đối với 72 cán bộ, công chức là chuyên viên chính. Quyết định ủy quyền của thành phố còn cho phép UBND quận xét phụ cấp nghề, ra quyết định nghỉ hưu và các chế độ khác theo quy định. Việc giải quyết nêu trên chỉ mất khoảng 10 ngày, rút ngắn được hai phần ba thời gian so với quy trình cũ (khoảng 30 ngày), do không phải trình qua Sở Nội vụ và UBND thành phố, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức…

 Phó Chủ tịch UBND quận 3 Trần Quang Bá cho biết: Việc ủy quyền, giao việc về cơ sở đã tạo được sự thuận lợi đối với người dân và doanh nghiệp, rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân, đồng thời giúp quận chủ động hơn trong công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính…

 Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Trương Văn Lắm cho biết thêm: Việc ủy quyền đã giúp các sở, ngành, UBND cấp huyện chủ động hơn trong công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, nâng cao hiệu quả công việc ở từng cơ quan, đơn vị. Việc ủy quyền đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết vì giảm khâu trung gian, tiết kiệm chi phí hành chính, văn thư và thời gian, chi phí đi lại cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp…

 Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện ủy quyền vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Theo Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc ủy quyền của cấp sở cho cấp huyện. Cụ thể, tinh thần của Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh) là cho phép ủy quyền giữa các cấp chính quyền. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới triển khai việc UBND thành phố ủy quyền cho các sở, ngành, UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND thành phố ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn. Trong khi đó, cấp sở với cấp huyện và cấp huyện với cấp xã vẫn chưa thiết lập được cơ chế ủy quyền.

 Một vướng mắc khác là hiện nay, rất nhiều thủ tục liên quan nhà đất đang vướng giữa chi nhánh và văn phòng đăng ký đất đai (cấp huyện và cấp thành phố). Mặc dù thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố đẩy mạnh việc ủy quyền nhưng vẫn không giải quyết được một cách triệt để, tình trạng hồ sơ cấp giấy chứng nhận nhà đất giải quyết chậm trễ hoặc quá hạn vẫn phổ biến.

 Đại diện lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay chỉ có giám đốc Sở mới có thẩm quyền ký văn bản cho phép cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại các bệnh viện, đơn vị thuộc Sở đi nước ngoài (việc công hoặc việc riêng), với thời gian dưới ba tháng. Trong khi đó, số lượng người có điều kiện và nhu cầu đi nước ngoài ngày càng tăng cao, gây quá tải cho giám đốc Sở. Thực tế nêu trên đặt ra yêu cầu cần cho phép phân cấp, ủy quyền cho lãnh đạo các bệnh viện, cơ quan, đơn vị thuộc Sở được phê duyệt việc đi nước ngoài… (Nhandan.com.vn 21/10, Hoàng Liêm - Quý Hiền) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Ninh Bình: Để người nhà "thâu tóm" đất công, Chủ tịch xã mất chức

Ngày 20/10, trao đổi với báo Người Lao Động, một lãnh đạo Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh uỷ Ninh Bình cho biết đơn vị này đã có kết luận chỉ rõ những vi phạm của cá nhân ông Nguyễn Như Bằng, Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất, TP.Ninh Bình, đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo về Đảng, đồng thời đề nghị TP.Ninh Bình kỷ luật về mặt chính quyền với hình thức tương xứng.

 Theo kết luận của UBKT Tỉnh ủy Ninh Bình, với trách nhiệm là Bí thư Đảng uỷ xã Ninh Nhất (thời điểm năm 2009), là thành viên được tham gia trong việc xét duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) và hỗ trợ tái định cư (TĐC) dự án đường 477 đoạn qua xã Ninh Nhất, ông Nguyễn Như Bằng đã nhận bồi thường TĐC không đúng quy định  với số tiền hơn 120 triệu đồng và 2 lô đất TĐC với diện tích 204,8 m2. 

Ngoài ra, ông Bằng và gia đình còn nhận giao khoán đất 5% của xã nhưng sau đó cho xây móng nhà, tường bao; thiếu gương mẫu trong việc thực hiện quy định về đất đai, để gia đình lấn chiếm đất công với diện tích 110,8 m2 tại thôn Thượng Nam sau đó xử lý hợp pháp hoá được TP Ninh Bình cấp sổ đỏ để chuyển nhượng cho người khác...

 Với hàng loạt các sai phạm trên, ông Nguyễn Như Bằng đã bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng, bị Chủ tịch UBND TP Ninh Bình kỷ luật cảnh cáo về mặt chính quyền, ký quyết định cho nghỉ việc từ ngày 18/10.

 Ngoài ông Nguyễn Như Bằng mất chức, các ông Nguyễn Văn Cao, Bí thư Đảng uỷ xã Ninh Tiến (nguyên Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất); Đinh Phương Hồng, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND xã Ninh Nhất; ông Trần Minh Giang, công chức Địa chính xã Ninh Nhất cũng bị kỷ luật khiển trách.

 UBKT Tỉnh ủy Ninh Bình cũng đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Ninh Bình khiển trách Đảng uỷ xã Ninh Nhất (nhiệm kỳ 2009-2015); chỉ đạo kiểm điểm các tập thể, cá nhân của TP.Ninh Bình có liên quan đến vụ việc trên. 

Đồng thời, UBKT Tỉnh ủy Ninh Bình yêu cầu thu hồi số tiền 120 triệu đồng hỗ trợ bồi thường, TĐC trái quy định và 2 lô đất TĐC của hộ ông Nguyễn Như Bằng; thu hồi số tiền 43 triệu đồng và 1 lô đất TĐC (diện tích 154 m2) của hộ ông Nguyễn Như Sản (anh trai ông Bằng) do hỗ trợ, bồi thường trái quy định. (Danviet.vn 21/10, Tuấn Minh)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More