Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 31-7-2019

Post date: 31/07/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.Hàng loạt Thông tư mới có hiệu lực từ tháng 8/2019. 1

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 2

2.Chuyên gia kinh tế Singapore: Lạm phát 2019 của Việt Nam chỉ 2,8%.. 2

3. Không ép buộc hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. 3

4.Đến doanh nghiệp Nhà nước cũng… kêu khổ! 4

5. Đà Nẵng: Hình thức gây khó khăn phổ biến nhất của hải quan là kéo dài thời gian làm thủ tục. 6

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 7

6."Biết tao là ai không?". 7

QUẢN LÝ.. 9

7. 42 tỉnh, thành phải sắp xếp 623 đơn vị hành chính cấp xã. 9

8.   Mất 1 năm để "xếp chỗ" cho hơn 6.500 cán bộ của Tổng cục Quản lý thị trường. 10

9.Điểm tên 8 bộ ngành không chịu bàn giao trụ sở "đất vàng". 10

10.Mời những người không tham nhũng tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.. 11

11.300 cán bộ, thanh tra xây dựng TPHCM bị xử lý vì sai phạm.. 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

12.Giới thiệu Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến. 13

13.Lãnh đạo Bộ sử dụng chữ ký số, chuyển học bạ sang dữ liệu điện tử. 13

14.Kỳ họp HĐND “không giấy” đầu tiên tại Quảng Ninh. 14

15.  Khai trương Trung tâm hành chính công Quảng Trị 15

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 15

16.Hàng chục bộ ngành không công khai bất cứ thông tin gì về ngân sách. 15

17.Ngân sách Nhà nước tiếp tục bội thu. 17

THẾ GIỚI 18

18. Anh lên kế hoạch chi 1 tỷ bảng cho kịch bản rời EU không thỏa thuận. 18

 CHÍNH SÁCH MỚI

Hàng loạt Thông tư mới có hiệu lực từ tháng 8/2019

Lương hưu, trợ cấp BHXH của cán bộ xã tăng 7,19%, vé số vietlot quá 60 ngày sẽ không còn giá trị nhận thưởng…là những Thông tư nổi bật có hiệu lực thi hành từ tháng 8/2019.

 Lương hưu, trợ cấp BHXH của cán bộ xã tăng 7,19%: Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 09/2019/TT-BNV , có hiệu lực ngày 01/8/2019, hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng từ ngày 01/7/2019 đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.

 Tăng mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng thêm 7,19% trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2019 đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc. Theo đó, mức trợ cấp hàng tháng từ 01/7/2019 = mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2019 x 1,0719.

 Vé số Vietlot quá 60 ngày không còn giá trị nhận thưởng: Thông tư 36/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán quy định, từ 1/8/2019, thời hạn tối đa để nhận thưởng của vé số Vietlot là 60 ngày kể từ ngày xác định trúng thưởng hoặc kể từ ngày hết hạn lưu hành của vé xổ số tự chọn số điện toán, quá thời hạn này thì các vé số không còn giá trị để lĩnh thưởng.

 Thời gian thanh toán tiền trúng thưởng là 5 ngày làm việc kể từ ngày có đề nghị được lĩnh thưởng, việc trả thưởng được thực hiện tại trụ sở chính, chi nhánh, cửa hàng của công ty xổ số điện toán và các đại lý xổ số tự chọn điện toán được ủy quyền.

 Đăng ký xe máy chuyên dùng tạm thời có thời hạn 20 ngày: Thông tư 22/2019/TT-BGTVT yêu cầu xe máy chuyên dùng chưa đăng ký, khi di chuyển trên đường bộ phải được đăng ký tạm thời và giấy này có thời hạn 20 ngày kể từ ngày cấp. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/8/2019.

 Theo đó, trường hợp đăng ký lần đầu đối với xe máy chuyên dùng thì thành phần hồ sơ gồm có: Tờ khai đăng ký xe máy chuyên dùng theo mẫu số 2 của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư  22/2019/TT-BGTVT;

 Bản chính giấy tờ xác định quyền sở hữu xe máy chuyên dùng theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 19; Bản chính giấy tờ xác định nguồn gốc xe máy chuyên dùng theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 19.

 Thêm 3 trường hợp được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT: Theo Thông tư 09/2019/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Thông tư nêu rõ, từ 1/8/2019 có thêm 3 trường hợp người có thẻ BHYT được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh, gồm:

 Người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (8,94 triệu đồng) (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở;

 Dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin thẻ BHYT; Người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do cấp cứu, mất ý thức, tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại. (Báo điện tử Trí Thức Trẻ 30/7, Hồng Vân)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Chuyên gia kinh tế Singapore: Lạm phát 2019 của Việt Nam chỉ 2,8%

Ông Khoon Goh - Trưởng phòng Nghiên cứu Châu Á tại Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ) nhận định: Việt Nam đang là điểm sáng giữa những cơn gió toàn cầu.

 Đưa ra những suy nghĩ về con số tăng trưởng nửa đầu năm 2019 của Việt Nam, Trưởng phòng Nghiên cứu châu Á tại ANZ nhận xét: Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 là khá vững chắc, trong bối cảnh suy thoái thương mại toàn cầu và tác động không hề nhỏ của dịch tả lợn châu Phi đối với ngành nông nghiệp.

 Ông Khoon Goh cho biết: "Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2019 là 6,7%. Mặc dù con số này giảm so với tốc độ tăng trưởng 7,1% đạt được trong năm 2018, nhưng điều này vẫn cho thấy Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á.

 Lạm phát sẽ vẫn có thể kiểm soát được, trung bình 2,8% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước".

 Trong khi đó, chuyên gia này cũng cho rằng Việt Nam cần phải quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chặt chẽ để đảm bảo phân bổ nguồn lực đầy đủ và ngăn chặn tình trạng tăng trưởng quá nóng. Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy rằng chất lượng FDI cần được cải thiện về giá trị gia tăng và hiệu ứng lan toả. Sự thay đổi của chính phủ theo hướng tập trung vào thu hút vốn FDI thế hệ mới là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.

 Trong khi đầu tư “thế hệ mới” sẽ ngày càng tập trung thu hút nhiều hơn các hoạt động sử dụng nhiều công nghệ và kỹ năng và tối đa hóa giá trị gia tăng, đầu tư “thế hệ một” vẫn sẽ cần thiết để lấp đầy những lỗ hổng cơ bản trong chuỗi cung ứng trong nước, tạo ra số lượng lớn việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các tỉnh thành, làm nền cho tăng trưởng đầu tư FDI thế hệ mới.

 Việt Nam cũng dần nhận thức được rằng cần phải có một sự thay đổi chiến lược về chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh trong ASEAN, bảo đảm sự bền vững của luồng vốn FDI tiếp nhận được và đẩy mạnh FDI có giá trị gia tăng cao hơn để đạt được các mục tiêu phát triển.

 Thu hút vốn FDI kỷ lục tuy cho thấy các điều kiện ban đầu về đầu tư là thuận lợi, nhưng phân tích sơ bộ cho thấy các thủ tục đầu tư vào các ngành viễn thông, logistics, giáo dục, y tế và dịch vụ tài chính còn rườm rà do vậy có thể làm suy giảm dòng vốn đầu tư thế hệ mới.

 "Khi Việt Nam tiếp tục gặt hái những lợi ích của các cải cách trong quá khứ và cam kết cải cách tiếp tục, đất nước đang trên đà tăng gấp đôi GNI bình quân đầu người từ 2.400 USD vào năm 2018 lên 4.800 USD vào năm 2028, vươn lên đạt mức thu nhập trung bình cao" - ông Khoon Goh nhận xét. (Báo điện tử Trí Thức Trẻ 30/7)Về đầu trang

Không ép buộc hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp

Dự thảo mới nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra lấy ý kiến đề xuất bổ sung hộ kinh doanh (HKD) vào đối tượng điều chỉnh của Luật DN. Đồng thời xóa bỏ tất cả các hạn chế để HKD lớn lên, không ép buộc hành chính HKD phải chuyển thành DN.

 Đề cập về sự cần thiết bổ sung HKD vào đối tượng điều chỉnh của Luật DN, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Ban soạn thảo cho biết, theo quy định hiện hành, địa vị pháp lý của HKD còn thiếu rõ ràng do không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật DN. Điều này đã làm hạn chế đáng kể khả năng huy động nguồn lực đầu tư của mô hình kinh doanh này. Do đó, dự thảo lần này sửa đổi Điều 1 để bổ sung HKD vào đối tượng điều chỉnh của Luật DN và xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với HKD.

 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN bổ sung Chương VIIa về HKD (bao gồm Điều 187b, 187c) theo hướng tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của HKD bên cạnh các loại hình khác là DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. HKD là hình thức kinh doanh phù hợp với hoạt động kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, đơn giản, nhanh nhạy; tạo điều kiện cho gia đình có cơ hội kinh doanh nâng cao đời sống; xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với HKD; không ép buộc hành chính HKD phải chuyển thành DN hoặc xóa bỏ hình thức HKD.

 Theo Dự thảo Luật, HKD là cơ sở kinh doanh do một cá nhân đăng ký hoặc hộ gia đình đăng ký thành lập. Trường hợp hộ gia đình đăng ký thành lập HKD, tất cả thành viên hộ gia đình phải ủy quyền cho một thành viên theo quy định pháp luật dân sự để đứng tên đăng ký thành lập HKD.

 Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư thuộc Sở KH&ĐT Hải Dương, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư nêu quan điểm: “Luật Đầu tư không quy định về đối tượng này; Luật DN cũng không nêu về HKD mà loại hình này chỉ được nêu ở Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký DN. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cho phép chuyển đổi HKD thành DN. Vậy vấn đề chuyển đổi HKD thành DN cần phải được đặt ra và xem xét cụ thể, nghiêm túc; đồng thời có cách thức ứng xử phù hợp với HKD để họ lớn lên thành DN”.

 Nhắc đến tầm quan trọng của việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, môi trường thuận lợi sẽ là điều kiện tốt nhất tạo đà phát triển khu vực HKD để họ muốn lớn lên trở thành DN. Vì vậy, những gì đang là rào cản, cản trở quyền tự do kinh doanh của HKD phải được gỡ bỏ.

 Cơ quan xây dựng Luật đã đề xuất cơ chế thuận lợi, từ đó tạo điều kiện cho các HKD chuyển đổi thành DN. Cụ thể, Điều 199a Dự thảo Luật bổ sung quy định HKD có thể chuyển đổi thành DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quyết định của chủ HKD.

 Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Dự thảo Luật nêu rõ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký DN nếu có đủ các điều kiện. Đồng thời, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo cho các cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định cũng như cập nhật tình trạng pháp lý của DN được chuyển đổi trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN. (Baodauthau.vn 30/7)Về đầu trang

Đến doanh nghiệp Nhà nước cũng… kêu khổ!

Nghị quyết 12-NQ/TW được Hội nghị Trung ương 5 của Đảng đưa ra mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nói rõ phải có thay đổi cơ bản về cơ chế tài chính để doanh nghiệp Nhà nước cạnh tranh bình đẳng trong cùng mặt bằng pháp luật như các thành phần kinh tế khác.

 Thế nhưng, theo nhận xét của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương đưa ra tại Hội nghị sơ kết đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương diễn ra ngày 26/7, qua theo dõi 3 năm gần đây thì “cơ bản quản trị của DNNN chưa có gì thay đổi”.

 “Hướng dẫn sửa chỗ nào thì mới sửa mỗi chỗ đó. Nhưng sửa mãi mà không có thay đổi toàn diện quản trị đi thì lại nay bục chỗ này, mai bục chỗ khác, cứ chắp vá mãi sao?”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá. 

Trong khi đó, thực tế được báo chí phản ánh cho thấy, “doanh nghiệp tư nhân mơ ước được có cơ chế như DNNN (về các lợi thế thị trường, đất đai...), nhưng hỏi DNNN, họ lại bảo chúng tôi mơ ước được thoải mái như doanh nghiệp tư nhân”.

 Bức tranh quản trị DNNN không hề đơn giản nhưng đã được khái quát khá rõ trong những phát biểu nói trên.

 Đứng trên góc độ của người dân, chúng ta sẽ không khỏi không thắc mắc bởi lý do gì mà nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước một thời từng được kỳ vọng là “nắm đấm” của nền kinh tế; nhiều DNNN được hưởng những lợi thế không hề nhỏ về đất đai, nguồn lực, song kinh doanh lại không cạnh tranh được với tư nhân, thậm chí bết bát và tạo gánh nặng cho ngân sách?

 Không khó để “điểm mặt chỉ tên” những thất bại, những nỗi thất vọng mà các DNNN đã để lại: những Vinashin, Vinalines, 12 dự án vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng thua lỗ, kém hiệu quả… Hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo DNNN đã vướng vòng lao lý và phải trả giá đắt vì “cố ý làm trái”, “gây hậu quả nghiêm trọng”.

 Và thành ra, DNNN khó tránh khỏi bị “định kiến” và bị hoài nghi về năng lực hoạt động thực sự cũng như vai trò đối với nền kinh tế.

 Tuy nhiên, đầu tháng 6 vừa rồi, một bài viết về “tâm sự cay đắng của một sếp lớn DNNN” trên tờ Vietnamnet có lẽ sẽ khiến chúng ta phải suy ngẫm. Lãnh đạo một DNNN có số nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho biết, sau khi giữ lại các khoản phúc lợi, chi lương thưởng, trích quỹ đầu tư phát triển… thì lợi nhuận làm ra được nộp lại NSNN. Nhưng khi cần những hoạt động đầu tư lớn thì lại phải đi vay với lãi suất cao.

 Quyền tự chủ của lãnh đạo DNNN bị hạn chế, họ không thể tự quyết được giải thể nhà máy này, bỏ đơn vị kia đi vì không hiệu quả để lập nên một nhà máy khác. Họ “khao khát” được “thoải mái” như doanh nghiệp tư nhân là ở lẽ đó. 

Nhiều DNNN ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh thuần tuý còn phải “gánh” thêm nhiệm vụ chính sách, được coi là “công cụ điều hành của Nhà nước”, nhưng vấn đề là nếu lãi sẽ bị cho là vì được hưởng quá nhiều ưu đãi, lỗ thì bị cho là “ăn tàn phá hại”.

 Người viết cho rằng, chỉ khi không làm gì thì mới không phát sinh vướng mắc. Vấn đề là thấy được những vướng mắc và cả những “nút thắt” thì cần tháo gỡ đúng chỗ. Về cơ chế, để DNNN và doanh nghiệp tư nhân không còn phải “mơ về nhau” thì trước hết phải tạo được môi trường bình đẳng, cơ chế bình đẳng và minh bạch như nhau, không có “ưu ái” và cũng không có “lợi thế”. Theo đó, phạm vi DNNN cũng phải được thu hẹp với chức năng kinh tế - chính trị rõ ràng.

 Trong môi trường vậy, một khi các lãnh đạo thấy “đồng tiền gắn liền khúc ruột” chứ không phải là nơi để “chia chác”, “kiếm lợi”, ắt rằng, doanh nghiệp sẽ có động lực phát triển. Và lúc đó, kể cả khi DNNN có bị thất bại, đó cũng là lẽ thường tình chứ không còn là “hiện tượng”. (Dân Trí 30/7, Bích Diệp)Về đầu trang

Đà Nẵng: Hình thức gây khó khăn phổ biến nhất của hải quan là kéo dài thời gian làm thủ tục

Theo khảo sát của VCCI Đà Nẵng, 12.94% doanh nghiệp cho biết nếu không chi trả chi phí ngoài quy định, doanh nghiệp bị gây khó khăn với hình thức phổ biến nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục.

 VCCI Đà Nẵng vừa có báo cáo phục vụ cho Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp với Hải quan Đà Nẵng năm 2019 dựa trên khảo sát 340 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics, đại lý hải quan, đang làm thủ tục hải quan tại Hải quan Đà Nẵng.

 Theo báo cáo nói trên thì liên quan đến chi phí ngoài qui định, có 10.59% doanh nghiệp trả lời có chi các khoản chi phí ngoài qui định và 78.82% doanh nghiệp trả lời không. Cụ thể, trong số những doanh nghiệp có chi các chi phí ngoài qui định thì chủ yếu các doanh nghiệp chi trả cho khâu kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa với tỷ lệ là 77.78%.

 Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề chi trả các khoản phí ngoài qui định, 12.94% doanh nghiệp cho biết nếu không chi trả những chi phí này thì doanh nghiệp bị gây khó khăn với hình thức phổ biến nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục (100%). Ngoài ra còn có các hình thức khác như yêu cầu bổ sung, giải trình các chứng từ không theo quy định của pháp luật; Thái độ không văn minh, lịch sự của công chức với tỷ lệ lần lượt là 36.36% và 18.18%.

 Cũng theo khảo sát nói trên, 34.12% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết gặp khó khăn do các qui định hay thay đổi nhiều nhất là ở khâu báo cáo quyết toán; tiếp theo là ở khâu miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế (12.94%) và khâu nộp thuế (10.59%) với nguyên nhân là do sự phối hợp chưa đồng bộ giữa cơ quan hải quan và các cơ quan khác trong khâu miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế là cao nhất với 12.94%.

 “Một số doanh nghiệp phản ánh khó khăn liên quan tới việc chậm trễ trong kết nối thông tin giữa ngân hàng và CQHQ. Có trường hợp, dù đã nộp thuế qua ngân hàng, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được thông quan vì lý do tiền chưa vào tài khoản của CQHQ. Cũng có trường hợp một số tờ khai doanh nghiệp đã hủy nhưng hệ thống vẫn treo nợ lệ phí, một số trường hợp sau khi nộp lệ phí HQ vẫn chưa được kịp thời xóa nợ đã ảnh hưởng đến thủ tục hoàn thuế của doanh nghiệp.

 Ngoài những khó khăn trên, một số doanh nghiệp phản ánh thủ tục hoàn thuế vẫn còn khó khăn, thời gian đề xuất hoàn thuế được chấp thuận cho đến khi nhận được tiền hoàn thuế cũng như thời gian làm thủ tục, cung cấp hồ sơ hoàn thuế, xét duyệt theo từng cấp còn lâu. Chưa cập nhật rõ tình trạng hồ sơ trong quá trình xử lý để doanh nghiệp tiện theo dõi”, báo cáo của VCCI cho biết. (Diễn Đàn Doanh Nghiệp 30/7, Tuấn Vỹ) Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

"Biết tao là ai không?"

"Mày có biết tao là ai không?" - có lần chính tôi đã thốt ra một câu nói với sắc thái tương tự, khi còn là kiểu cán bộ có phẩm hàm.

 Vài năm trước khi còn làm ở đơn vị cũ, một lần tôi có việc phải đỗ xe máy gần cổng một cơ quan tư pháp tối cao tại Hà Nội. Dù tôi đã đỗ sát vỉa hè, không thuộc khu vực bảo vệ nhưng cậu lính nghĩa vụ vẫn ra "nhắc nhở" yêu cầu di chuyển. Trưa nắng, đang có việc gấp, tôi văng một câu với cậu lính nghĩa vụ, gợi nhớ đến sự chênh lệch "phẩm hàm" giữa tôi và cậu ta. Dù không vô văn hóa như câu "mày có biết tao là ai không?" nhưng ý nghĩa cũng tương đương.

 Nói xong câu đó, tự tôi thấy giật mình rồi vội vã tìm chỗ đỗ khác. Đã lâu, mỗi lần đọc câu chuyện "mày có biết tao là ai" trên báo chí hay mạng xã hội, tôi lại thấy đỏ mặt.

 Thử tìm kiếm trên Google, hơn 14,6 triệu kết quả với từ khóa "mày có biết tao là ai". Hóa ra, câu này đã trở thành cửa miệng của một bộ phận không nhỏ những người tự cho mình có thế và lực trong xã hội. Bị Cảnh sát giao thông kiểm tra khi vi phạm. Đỗ xe sai quy định. Thậm chí đổ rác không đúng vị trí. Doanh nhân, công chức, tài xế hay cầu thủ vi phạm đề sẵn sàng phọt ra câu "Mày biết tao là ai không?".

 Không chỉ ở Việt Nam, tại một số nước, những hành vi vượt trên pháp luật vẫn thi thoảng diễn ra. Tháng 5/2019, Bộ trưởng Môi trường Mexico - bà Josefa González Blanco đã phải nộp đơn từ chức sau khi bị chỉ trích vì làm một chuyến bay khởi hành muộn 38 phút để chờ bà này.

 Một hành khách chuyến bay 198 của Aeroméxico kể, khi máy bay chuẩn bị cất cánh thì phi công thông báo họ phải quay trở lại đường băng vì "lệnh của tổng thống" để tiếp nhận vị hành khách chậm trễ, chính là bà Bộ trưởng. Josefa González Blanco đã gọi cho một lãnh đạo hãng hàng không để "nhờ vả" việc trì hoãn chuyến bay.

 Bạn đã từng lạm dụng tình thân, lạm dụng quyền lực của người thân cho mục đích cá nhân hay chưa? Có thể là có. Nhẹ nhàng là xin cho con một chỗ học trái tuyến. Xin khám trước hay một suất giường nằm trong bệnh viện quá tải. Hay "cho cháu nhà tôi một chân nhân viên quèn ở cơ quan bác nhé".

 Còn nếu chịu khó quan sát các chốt Cảnh sát giao thông thì thấy khá rõ. Việc đầu tiên của người vi phạm không phải là xuất trình giấy tờ, trao đổi về hành vi được cho là vi phạm giao thông mà là rút điện thoại "gọi cho người thân". Và tất nhiên, giải pháp này đôi khi khả thi nên vẫn được triển khai thường xuyên. Đến mức nghe đồn, có những trạm mà luật bất thành văn là cho người vi phạm gọi điện thoại thoải mái trước khi 2 bên "vào việc".

 Đó chỉ là nhờ vả mà người nhờ dù sao cũng tự ý thức mình có vị thế thấp hơn, yếu thế hơn và phải dùng lời nói, tiền bạc hỗ trợ. Tức là chủ thể vẫn phải khom lưng, xoa tay.

 Nhưng khi bạn tự tin "mày có biết tao không" thì sự việc đã được đẩy lên tầm cao mới. Đó không là sự xin xỏ, nhờ vả mà mang sắc thái của một sự ra lệnh. Phải tự tin vào sự chống lưng mạnh mẽ đến mức nào thì một người vi phạm mới có thể ra lệnh cho nhân viên công vụ như vậy.

 Về mặt ngôn ngữ, câu "Mày có biết tao là ai không" là một câu hỏi khá đơn giản. Nhưng lại không hề đơn giản. Đó là một câu hỏi tu từ hay nói cách khác là một sự khẳng định. Ở đây, chủ thể của câu nói tự thấy mình cao hơn mấy vụ nhờ vả qua điện thoại. Câu nói này thể hiện một nhận thức đã được tuyệt đối hoá về khả năng lạm dụng của mình. Không còn là thương lượng hay dò dẫm như mấy ví dụ xếp hàng bệnh viện hay kiểu "anh linh động giúp" nữa.

 Bản chất của sự việc, chính xác hơn, là thể hiện sự không bình đẳng trước pháp luật. Nhưng tại sao lại có những người lớn miệng như vậy? Rất khó lý giải trong một xã hội đan xen nhiều mối quan hệ mà trong đó có những mối quan hệ còn có sức nặng hơn cả quan hệ hành chính kiểu cấp trên - cấp dưới.

 Thế nên mới có những giai thoại kiểu một doanh nhân chỉ tay vào Chủ tịch UBND TP và dọa rằng "tao sẽ cho mày nghỉ việc". Hay một cán bộ cho Cảnh sát giao thông xử lý mình phải chuyển công tác. Hay chuyện do chính ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kể, ở Sơn La có những doanh nghiệp đứng trước cửa UBND chỉ mặt mấy ông giám đốc, phó giám đốc sở hỏi "chúng mày có muốn làm nữa không thì bảo?".

 Hẳn nhiên là trong những giai thoại trên có nhiều câu chuyện không xa sự thật là mấy. Rõ ràng có những cá nhân nằm ngoài hệ thống quyền lực nhưng lại đang nắm giữ quyền lực một cách có hệ thống. Ở đây đã có sự hình thành của một nhóm đối tượng, dù thuộc khối dân sự, nhưng thực chất nắm đầy quyền lực thông qua việc giúp những người có quyền làm kinh tế, phụ trách các khu vực "sân sau" cho người này người khác.

 Đã hình thành những nhóm lợi ích trong đó người có quyền lực và một số cá nhân trong hoặc ngoài hệ thống có những quan hệ nhằng nhịt về kinh tế, sex thậm chí tâm linh. Điều này dẫn đến tình trạng "ban phát quyền lực". Như Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII xác định là việc "sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi".

 Và chúng ta sẽ thấy Thuyết "buôn vua", Vũ "nhôm"... ở khắp nơi. Chỉ khác nhau ở mức độ quyền lực bị lạm dụng nhưng lại giống nhau ở chỗ luôn luôn có quan chức tha hóa và quyền lực bị bán mua và thể hiện ở cùng một câu nói: Mày biết tao là ai không?

 Bài viết đến đây có thể kết thúc. Nhưng tôi chợt nghĩ rằng, tại sao chúng ta không thể nói một câu tương tự "Ông/bà có biết tôi là ai không? Tôi là người đóng thuế để trả lương cho ông/bà", mỗi khi chúng ta gặp cảnh nhũng nhiễu, gặp những công chức luôn có ước mong được "tham nhũng vặt". Lạm dụng quyền lực là không được phép nhưng cũng nên biết sử dụng quyền lực của mình. Dùng đúng lúc, đúng chỗ. (VnExpress.net 30/7, Trần Anh Tú)Về đầu trang

QUẢN LÝ

42 tỉnh, thành phải sắp xếp 623 đơn vị hành chính cấp xã

Bộ Nội vụ vừa có báo cáo nhanh thống kê số liệu về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

 Cũng theo báo cáo này, đến nay cả nước cơ bản đã thực hiện việc rà soát số liệu để xác định số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021. Hiện chỉ còn hai địa phương là Cần Thơ và TP.HCM và chưa tổng hợp được số liệu về diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

 Có 13 tỉnh, thành trong cả nước thuộc diện phải sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện. Trong đó, bốn tỉnh, thành đồng ý tiến hành việc sắp xếp sáu ĐVHC cấp huyện trong giai đoạn 2019 – 2021 gồm: Cao Bằng (ba huyện), Hòa Bình (một huyện), Yên Bái (một huyện) và Điện Biện (một huyện).

 Tuy nhiên, chín tỉnh, thành đề nghị chưa tiến hành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện trong giai đoạn 2019 – 2021, cụ thể: Tiền Giang 1, Quảng Trị 2, Quảng Ninh 2, Quảng Ngãi 4, Lào Cai 1, Lai Châu 1, Khánh Hòa 1, Hải Phòng 1, Hà Tĩnh 1. Trong số này, có bốn huyện của bốn tỉnh, thành do có yếu tố đặc thù là huyện đảo, cù lao nằm biệt lập, gồm: Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Tân Thới Đông (Tiền Giang).

 Theo các phương án các tỉnh, thành gửi đến Bộ Nội vụ, có bốn phương án sáp nhập hai huyện thành một huyện mới; hai phương án điều chỉnh địa giới ĐVHC để hình thành các ĐVHC mới nhưng không làm giảm số lượng ĐVHC.

 Sau khi sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp huyện giảm là bốn đơn vị. Trong đó: Tỉnh Cao Bằng giảm ba huyện, tỉnh Hòa Bình giảm một huyện; tỉnh Yên Bái có điều chỉnh ĐVHC cấp huyện nhưng không giảm số lượng ĐVHC cấp huyện. Số lượng ĐVHC cấp huyện mới hình thành chưa đạt các tiêu chuẩn theo quy định là sáu đơn vị.

 Cũng theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cả nước có 42 tỉnh, thành phải sắp xếp 623 ĐVHC cấp xã. Trong đó, 39 tỉnh, thành phố đồng ý tiến hành sắp xếp 518 các ĐVHC cấp xã.

 Ba tỉnh, thành đề nghị chưa tiến hành việc sắp xếp 105 ĐVHC cấp xã (gồm: Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ninh). Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi các tỉnh, thành này đề nghị thực hiện việc sắp xếp ĐVHC theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật

 Có bốn tỉnh, thành mặc dù không có ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng đã tiến hành sắp xếp các ĐVHC cấp xã theo diện khuyến khích, gồm: Bình Thuận, Kiên Giang, Sơn La và Tây Ninh.

 “Tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp (bao gồm: số thuộc diện phải sắp xếp, số thuộc diện khuyến khích sắp xếp và số liền kề có liên quan đến sắp xếp) là 1.026 đơn vị”- báo cáo của Bộ Nội vụ cho hay.

 Về phương án sắp xếp các xã: Có ba phương án sáp nhập bốn xã thành một xã mới;  84 phương án sáp nhập ba xã làm một xã mới; 337 phương án sáp nhập hai xã  thành một xã mới; 56 phương án có điều chỉnh địa giới để hình thành các xã mới; tám phương án có điều chỉnh địa giới thành xã mới nhưng không làm giảm số lượng xã.

 Đáng chú ý, trong số này có những tỉnh giảm nhiều như: tỉnh Hòa Bình giảm 59/210 xã, Cao Bằng giảm 40/199 xã, Phú Thọ giảm 52/277 xã, Hà Tĩnh giảm 46/262 xã, Thanh Hóa giảm 76/635 xã, Lạng Sơn giảm 26/226 xã, Hải Dương giảm 30/265 xã...

 Sau khi sáp nhập, số lượng xã mới hình thành bảo đảm đạt cả hai tiêu chuẩn hoặc do có từ ba xã nhập thành một xã là 151 đơn vị. Số lượng xã mới hình thành chưa đạt các tiêu chuẩn theo quy định là 327 đơn vị. (Pháp Luật TPHCM 30/7)Về đầu trang

Mất 1 năm để "xếp chỗ" cho hơn 6.500 cán bộ của Tổng cục Quản lý thị trường

Đây là thông tin được ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề về kết quả chống buôn lậu, hàng giả 6 tháng đầu năm 2019 sáng 30/7 tại Hà Nội, khi được báo chí hỏi về việc ổn định bộ máy đơn vị này nhằm thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh hàng giả, gian lận thương mại trong nước đang diễn biến hết sức gay gắt thời gian gần đây.

 Theo ông Trần Hữu Linh: "Tổng cục Quản lý thị trường hiện mới 10 tháng tuổi, quân số lớn mà ổn định tổ chức tôi xin khẳng định phải mất thời gian, không thể một lực lượng gần 6.500 cán bộ mà trong một tháng hay một quý mà phải mất ít nhất 1 năm".

 Ông này lý giải: Nâng cấp các Chi cục rời rạc thành Tổng cục, thống nhất ngành dọc xuyên suốt từ Bộ Công thương xuống thì tổ chức phải làm rất nhiều việc, từ ổn định tư tưởng, tổ chức Đảng; bổ nhiệm mới hầu hết các vị trí từ Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Phó phòng... số lượng lớn mà phải theo đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn từng chức danh, độ tuổi.

 "Chúng tôi đặt mục tiêu trong năm đầu phải ổn định tổ chức, đến nay đang tiến hành khẩn trương sắp hoàn thành, cấp đội trưởng phó hầu hết đã xong 63 Cục; Phó Cục trưởng đã bổ nhiệm được gần một nửa", ông Linh thông tin.

 Về cơ quan đầu não các Cục, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Hiện ở cấp Cục trưởng, một số người là Chi Cục trưởng trước đây lại thiếu tiêu chuẩn lên Cục trưởng, do vậy Tổng cục mới bổ nhiệm được 12 Cục trưởng, còn lại mới là "quyền" Cục trưởng.

 "Chúng tôi phấn đấu hết tháng 9/2019, kiện toàn xong hết các chức danh có thể bổ nhiệm hết chức danh". (Dân Trí 30/7, An Linh)Về đầu trang

Điểm tên 8 bộ ngành không chịu bàn giao trụ sở "đất vàng"

Theo Bộ Xây dựng, đến nay, đã có 9 Bộ, ngành hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới nhưng hiện mới có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý.

 Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV diễn ra hồi tháng 6, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng) đã nêu lên thực trạng các bộ, ngành có trụ sở mới vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, tận dụng quỹ đất sau di dời làm cơ sở 2 như các bộ: Công an, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ… Như vậy là không đúng với chủ trương quỹ đất sau di dời giao cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng để bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của địa phương.

 Từ thực trạng trên, Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Liệu chủ trương trên có thực hiện được không? Xin nêu rõ lý do?.

 Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Kim Thuý, Bộ trưởng Bộ xây dựng cho biết, thực hiện chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội tại Nghị quyết số 16 năm 2008 của Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 130 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

 Theo Bộ Xây dựng, đến nay, đã có 9 bộ, ngành hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 Trong các bộ, ngành đã đầu tư xây dựng trụ sở mới, đến nay chỉ có Bộ Nội vụ bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý. Bộ Tài chính đã có quyết định thu hồi 4 cơ sở của Bộ này để bố trí cho các cơ quan khác quản lý, sử dụng làm trụ sở làm việc.

 Còn lại, một số cơ quan vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho TP Hà Nội khai thác, sử dụng, như Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ…như phản ánh của Đại biểu. 

Theo Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, báo cáo mới nhất tại văn bản số 187 ngày 18/6 của UBND Hà Nội nêu rõ thành phố đã bố trí quỹ đất tập trung tại khu vực Tây Hồ Tây, quận Tây Hồ (khoảng 20 ha) và Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (khoảng 55 ha). Ngoài ra, thành phố đã giải quyết, bố trí quỹ đất di dời cho 7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý.

 Hai cơ sở đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tạo nguồn vốn di dời và đầu tư xây dựng trụ sở mới là trụ sở Thanh tra Chính phủ tại 220 Đội Cấn (quận Ba Đình) và trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại số 45 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm).

 Đặc biệt, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cần thực hiện nghiêm chủ trương bàn giao quỹ đất sau khi di dời về TP, để sử dụng theo quy hoạch được duyệt, ưu tiên đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. (Dân Trí  30/7, Trần Kháng)Về đầu trang

Mời những người không tham nhũng tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ngày 29-7, Hội nghị lần thứ 17 Đoàn Chủ tịch Ủy ban (UB) Trung ương MTTQ Việt Nam đã diễn ra để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX (tháng 9-2019).

 Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nói Đại hội lần thứ IX của MTTQ Việt Nam đã được Ban Bí thư ban hành chỉ thị, Chính phủ có công văn chỉ đạo chính quyền các cấp quan tâm, đảm bảo các điều kiện tổ chức đại hội.

 Theo ông Trần Thanh Mẫn, tiểu ban nhân sự đã xây dựng phương án nhân sự cụ thể với những tiêu chuẩn, quy trình chặt chẽ theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. “Đó là mời các đồng chí có sức khỏe, có kinh nghiệm, có trách nhiệm cao với Mặt trận, với Đảng, với đất nước và nhân dân tham gia Đoàn Chủ tịch và UB Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX” - ông Mẫn nói.

 Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, góp ý: Mặt trận là đại diện ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân chính vì vậy báo cáo chính trị phải thể hiện rõ thái độ của Mặt trận trong việc bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Về định hướng nhân sự, ông Kim đồng tình với tiêu chuẩn của các ủy viên UB Trung ương MTTQ Việt Nam và nhấn mạnh rằng: “Các vị ủy viên khóa mới phải là những người sống lành mạnh, trung thực, không tham nhũng và tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng”.

 Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, thì cho rằng người đứng đầu của tổ chức Mặt trận từ trung ương đến cơ sở phải thực sự nêu gương sáng, là người có bản lĩnh, biết nắm dân, nghe dân nói, dám nói sự thật làm cho dân tin. Cựu chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đề nghị việc bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ mới phải được mở rộng, hoạt động của Mặt trận phải hướng về cơ sở và bám sát địa bàn dân cư.

 Ông Trần Thanh Mẫn sau khi lắng nghe các ý kiến đã yêu cầu các ban chuyên môn tiếp tục liên hệ, xin ý kiến các vị trong Đoàn Chủ tịch để ngày 30/7 tiếp tục tiếp thu ý kiến của các vị ủy viên UB Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông Trần Thanh Mẫn hy vọng công tác Mặt trận ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới. (Pháp Luật TPHCM 30/7, Chân Luận)Về đầu trang

300 cán bộ, thanh tra xây dựng TPHCM bị xử lý vì sai phạm

Đối với các cán bộ, thanh tra xây dựng có sai phạm, thành phố đã xử lý 300 trường hợp với các hình thức cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc...

 Thông tin trên được Ban Nội chính Thành uỷ TPHCM đưa ra tại Hội nghị Xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về trật tự xây dựng diễn ra sáng 30/7.

 Theo Ban Nội chính Thành uỷ TPHCM, lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng được xem là một trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. So với các lĩnh vực khác, hành vi tham nhũng lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng nảy sinh khi lực lượng chức năng phát hiện hành vi vi phạm nhưng không xử lý hoặc che dấu, không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

 Đối với các cán bộ, thanh tra xây dựng có sai phạm, thành phố đã xử lý 300 trường hợp với các hình thức cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc. Trong số đó, chỉ có 1 trường hợp phải ngồi tù vì tội “Nhận hối lộ” là cán bộ Thanh tra xây dựng huyện Nhà Bè.

 Ông Võ Văn Quận, Phó trưởng Ban Nội chính Thành uỷ TPHCM nhận định, cơ chế quản lý hiện nay khiến phát sinh tiêu cực, “tham nhũng vặt”. Một số trường hợp vì nhu cầu bức thiết của người dân về chỗ ở, hoặc chỗ buôn bán mưu sinh nên chính quyền cũng có sự linh động, “du di” trong giải quyết vi phạm.

 "Chính cơ chế này đẻ ra tiêu cực. Bởi vì người dân khi muốn xây dựng sai phép mà được phê duyệt thì cũng gửi cho cán bộ quản lý địa bàn “chút đỉnh” để họ ngó lơ cho làm. Nên nghiên cứu có chủ trương rạch ròi, để người dân được sử dụng phần đất của mình" - ông Võ Văn Quận nói.

 Ngoài ra, Tổ công tác 1374 của Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ TPHCM đã tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 5 tổ chức đảng và 6 đảng viên trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Qua kiểm tra tại Đảng bộ quận Thủ Đức, Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ thi hành kỷ luật cách tất cả chức vụ trong đảng đối với 1 người, kỷ luật cảnh cáo 2 người. (VOV.vn 30/7, Duy Phương)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Giới thiệu Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến

Sáng 30/7, một lần nữa, những dịch vụ, tiện ích của trung tâm này được giới thiệu đến các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan thông tin đại chúng.

 Những nội dung như: Cách đăng ký tài khoản, cách đăng nhập hệ thống, tạo và nộp hồ sơ điện tử đã được hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, khách hàng có thể trực tiếp thử nghiệm các dịch vụ hành chính công trực tuyến với sự hướng dẫn của các đơn vị cung cấp dịch vụ.

 Hoạt động này tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới ở Khánh Hòa nhằm rút ngắn khoảng cách giữa người dân với các dịch vụ hành chính công. Theo tính toán, một hồ sơ nếu được giải quyết trực tuyến, tiết kiệm cho khách hàng ở Khánh Hòa là hơn 200.000 đồng, còn đối với khách hàng ở TP.HCM khoảng 1 triệu đồng, chưa kể những lợi ích khác. (VTV.vn 30/7)Về đầu trang

Lãnh đạo Bộ sử dụng chữ ký số, chuyển học bạ sang dữ liệu điện tử

Ngày 29/7, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 12 bộ, cơ quan về triển khai Chính phủ điện tử và kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử 6 tháng cuối năm 2019.

 Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ GD&ĐT, Bộ đã tập trung chỉ đạo và bước đầu xây dựng được cơ sở dữ liệu ngành giáo dục.

 Bộ đã thu thập được dữ liệu của gần 53 ngàn trường học mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, gần 500 cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên, với gần 24 triệu hồ sơ học sinh sinh viên (bao gồm thông tin hồ sơ lý lịch và kết quả học tập rèn luyện), gần 1,5 triệu hồ sơ chi tiết cán bộ, giáo viên ở các cơ sở giáo dục.

 Đến nay, đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu. Đang tập trung xử lý, phân tích dữ liệu phuc vụ cho công tác quy hoạch và quản lý.

 Đẩy mạnh ứng dụng CNTT được Bộ GD&ĐT xác định là một trong chín nhiệm vụ trọng tâm mà toàn ngành giáo dục tập trung triển khai… Năm 2018, chỉ số hiện đại hóa cải cách hành chính dựa trên ứng dụng CNTT của Bộ tăng 8 bậc (từ vị trí thứ 10 lên vị trí thứ 2 trên tổng số 18 bộ ngành).

 Với việc đã số hóa được các thông tin quản lý ngành, trong thời gian tới Bộ sẽ nghiên cứu, rà soát và cắt giảm giấy tờ trong thực hiện các thủ tục hành chính của ngành.

 "Chúng ta đã có dữ liệu số rồi, không cần văn bản giấy nữa. Sau này sổ điểm, học bạ… những giấy tờ xác nhận về kết quả học tập, thông tin học sinh... trong nhà trường chúng tôi hoàn toàn có thể thực hiện qua môi trường mạng", ông Hải nói.

 Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai và có hiệu quả là Hệ thống e-office. Tất cả cán bộ công chức, viên chức của Bộ đều thực hiện quản lý hồ sơ công việc và văn bản điện tử trên môi trường mạng.

 Bộ đã kết nối hệ thống e-office tới hơn 300 trường đại học, 63 Sở GD&ĐT. Việc trao đổi văn bản giữa Bộ với cơ sở đều thực hiện qua hệ thống này.

 Đã cấp hơn 400 chữ ký số cho tất cả cán bộ, công chức của Bộ. Từ ngày 1/8 tới đây, tất cả các tờ trình lãnh đạo Bộ đều phải được ký số và gửi trên hệ thống e-office (Văn phòng Bộ không nhận tờ trình giấy).

 Việc tập huấn, sử dụng chữ ký số đại trà tới tất cả chuyên viên ban đầu có những khó khăn, tuy nhiên khi Bộ trưởng và tất cả các Thứ trưởng đều sử dụng ký số, phê duyệt văn bản trên e-office, tình hình sử dụng ký số dần đi vào nền nếp, thường xuyên. (Giáo Dục & Thời Đại 30/7, Bá Hải) Về đầu trang

Kỳ họp HĐND “không giấy” đầu tiên tại Quảng Ninh

Kỳ họp lần thứ 13 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII diễn ra trong 2 ngày 29, 30/7. Đây là kỳ họp đầu tiên các đại biểu được trang bị máy tính bảng và sử dụng phần mềm để khai thác tài liệu, hạn chế việc in, gửi tài liệu giấy. 

Thay vì những tập báo cáo, tờ trình dày hàng chục trang, tại kỳ họp lần này, các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh sẽ sử dụng Ipad để khai thác tài liệu phục vụ kỳ họp và một số tiện ích khác theo mô hình phòng họp điện tử, giúp hạn chế tối đa việc in ấn văn bản giấy, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.

 Ông Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và triển khai ứng dụng phần mềm quản lý kỳ họp trong máy tính bảng trang bị cho đại biểu. Các văn kiện tài liệu kỳ họp, chương trình kỳ họp, các thông báo, ý kiến cử tri... được chuyển tới các đại biểu thông qua kênh công nghệ thông tin, được cập nhật thường xuyên trên hệ thống phần mềm để tạo thuận lợi cho đại biểu HĐND tỉnh trong sử dụng và tra cứu.

 Kỳ họp lần thứ 13 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và xem xét, quyết định các nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm. Một số nghị quyết quan trọng sẽ được thảo luận và thông qua là chính sách thu hút học sinh, sinh viên và nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000 của Chính phủ nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc theo nguyện vọng; nghị quyết quy định số lượng, chức danh, một số chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh,...

 Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cũng tiến hành theo hướng đổi mới, tập trung xung quanh việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh và một số vấn đề mà cử tri đang quan tâm. (VOV.vn 30/7)Về đầu trang

Khai trương Trung tâm hành chính công Quảng Trị

Ngày 30-7, tỉnh Quảng Trị khai trương, đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công. Đây thật sự là bước đột phá trong công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính của địa phương này.

 Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Trung tâm hành chính công có chức năng, nhiệm vụ làm đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và các đơn vị của T.Ư theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

 Việc khai trương trung tâm này nhằm bảo đảm sự thuận tiện, hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước. Hiện tại, Trung tâm đã tiếp nhận, giải quyết hơn 1.600 thủ tục hành chính cấp tỉnh được số hóa và cập nhật vào hệ thống phần mềm điện tử, bảo đảm hoạt động thông suốt và hiệu quả, đồng thời tiếp tục tập trung số hóa hơn 250 thủ tục hành chính cấp huyện và hơn 80 thủ tục hành chính cấp xã để triển khai thống nhất hệ thống “một cửa điện tử” từ cấp xã, cấp huyện và tỉnh.

 Trung tâm có 64 công chức, viên chức được các sở, ban, ngành cử đến làm việc, trong đó có 21 người chính thức, 43 người dự phòng. (Nhân Dân 30/7, Lâm Quang Huy)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Hàng chục bộ ngành không công khai bất cứ thông tin gì về ngân sách

Trong số 37 bộ, cơ quan Trung ương được khảo sát về chỉ số công khai ngân sách (MOBI 2018), có 20 đơn vị không công khai bất cứ thông tin gì về ngân sách. Đây là kết quả khảo sát được Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) và  Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) công bố ngày 30/7, tại Hà Nội.

 Phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, MOBI 2018 là khảo sát dựa trên bằng chứng về công khai các tài liệu ngân sách trên cổng thông tin điện tử của 37 bộ và cơ quan Trung ương.

 Theo quy định, 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách nhà nước 2015 là Dự toán thu-chi ngân sách đơn vị năm 2019; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị quý 1 năm 2018, 6 tháng đầu năm, 9 tháng năm 2018, cả năm 2018 và Quyết toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2017.

 Qua đó, theo ông Cường, nhóm nghiên cứu đã đánh giá mức độ công khai các tài liệu trên dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ và tính thuận tiện. Kết quả này đã được gửi lại các bộ, cơ quan để tham vấn.

 Kết quả cho thấy, trong 37 bộ, cơ quan Trung ương được khảo sát đạt mức "ít công khai", không có đơn vị nào đạt mức độ "công khai đầy đủ", "tương đối đẩy đủ" và "chưa đầy đủ" trong khảo sát MOBI 2018.

 Về tính sẵn có, theo khảo sát, trong số 37 bộ, cơ quan Trung ương tham gia khảo sát MOBI 2018, chỉ có 12 cơ quan, tổ chức có công khai ít nhất một trong sáu tài liệu ngân sách bắt buộc (chiếm 32,43%).

 Có 25 bộ, cơ quan Trung ương không công khai bất kỳ một tài liệu nào tại thời điểm khảo sát (chiếm 67,57%). Trong số này, có 5 đơn vị chỉ có thư mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử mà không có tài liệu ngân sách đính kèm (gồm có Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông).

 Có 20 đơn vị thậm chí không có thư mục công khai ngân sách và không công khai tài liệu ngân sách nào như: có Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Xây dựng; Bộ Ngoại giao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

 Loại tài liệu được công bố nhiều nhất là Dự toán ngân sách năm 2019 với 10 trên tổng số 37 đơn vị có công bố (chiếm 27%). Xếp thứ hai là Quyết toán ngân sách năm 2017 với 6 trên tổng số 37 đơn vị có công bố (chiếm 16,2%). Bộ Tài chính là đơn vị duy nhất công bố tài liệu về Báo cáo tình hình thực hiện 9 tháng cũng như cả năm 2018.

 Ở hướng khác, về tính kịp thời, kết quả MOBI 2018 cho thấy, các bộ, cơ quan Trung ương chưa công khai kịp thời các tài liệu ngân sách theo quy định. Đơn cử, trong số 10 đơn vị có công bố tài liệu về Dự toán ngân sách năm 2019, chỉ có duy nhất Bộ Công Thương là đơn vị công bố đúng thời hạn theo quy định là trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31/12/2018.

 Đối với tài liệu về Quyết toán ngân sách năm 2017, có 4 trên tổng số 6 đơn vị có công khai thông tin công bố đúng thời hạn theo quy định (bao gồm Bộ Nội vụ; Đài Truyền hình Việt Nam; Uỷ ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội).

 Các tài liệu còn lại gồm Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2018 không được công khai hoặc công khai muộn hơn so với thời hạn quy định.

 Về tính đầy đủ, theo đánh giá, các bộ, cơ quan Trung ương thường thiếu nội dung về báo cáo thuyết minh tài liệu, thiếu các bảng biêuu bắt buộc phải công khai theo quy định. Chỉ có Bộ Công Thương là đơn vị duy nhất công khai đầy đủ thuyết minh tài liệu, quyết định công khai và bảng biểu đính kèm Dự toán thu – chi ngân sách của đơn vị năm 2019.

 Đây là vấn đề theo phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Sỹ Cường là cần lưu ý. Ông khẳng định, thuyết minh là vấn đề quan trọng. Bản thân ông đã vào website của các nước và nhận thấy, hầu hết báo cáo tại các nước đều thuyết minh đẩy đủ, giải thích các nội dung thu chi thay đổi do đâu. "Việt Nam thì có công khai chỉ có bảng số, không biết vì sao tăng, giảm," ông Cường nói.

 Theo ông, người dân bìnhthường hay kể cả chuyên gia nếu đọc nhưng thông tin công bố của Việt Nam cũng sẽ khó hiểu được cụ thể các nội dung.

 Tổng hợp điểm của các trụ cột, đại diện nhóm nghiên cứu tính toán, trong số 37 bộ, cơ quan được chấm điểm, Đài Truyền hình Việt Nam có thứ hạng cao nhất. Xếp thứ là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Phía ngược lại, xếp cuối bảng là Bộ Tư pháp. Một số cơ quan khác phía trên Bộ Tư pháp là: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ,... (VietnamPlus.vn 30/7, Xuân Dũng)Về đầu trang

Ngân sách Nhà nước tiếp tục bội thu

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2019 ước tính đạt 777.700 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán năm. Trong đó thu nội địa là 620.500 tỷ đồng, bằng 52,9%; thu từ dầu thô 31.100 tỷ đồng, bằng 69,7%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 123.900 tỷ đồng, bằng 65,5%.

 Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 85.100 tỷ đồng, bằng 47,9% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 103.200  tỷ đồng, bằng 48,3% dự toán năm. Một số khoản thu khác như thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước đạt 121.100 tỷ đồng, bằng 50,1% dự toán.

 Đáng chú ý, thu thuế thu nhập cá nhân trong hơn 6 tháng qua đạt 62.600 tỷ đồng, bằng 55,3%; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 28.600 tỷ đồng, bằng 41,4%; thu tiền sử dụng đất đạt 61.400 tỷ đồng, bằng 68,2% dự toán năm. 

Về chi ngân sách, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2019 ước tính đạt 726.200 tỷ đồng, bằng 44,5% dự toán năm. Trong đó chi thường xuyên đạt 522.800 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển đạt 130.500 tỷ đồng; chi trả nợ lãi 65.200 tỷ đồng.

 Như vậy, ngân sách Nhà nước trong hơn 6 tháng qua vẫn tiếp tục ở mức dương. Ước tính, bội thu ngân sách khoảng 51.500 tỷ đồng.

 Tổng cục Thống kê đánh giá, thu ngân sách Nhà nước duy trì tiến độ ổn định, chi ngân sách bảo đảm đáp ứng kịp thời các yêu cầu đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và hoạt động của bộ máy Nhà nước. (VnEconomy.vn 30/7, Duyên Duyên)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Anh lên kế hoạch chi 1 tỷ bảng cho kịch bản rời EU không thỏa thuận

Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid sẽ công bố kế hoạch chi khoảng 1 tỷ bảng Anh để sẵn sàng cho kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) không thỏa thuận vào tháng 10 tới.

 Theo hãng tin Reuters, ông Javid đã chia sẻ với báo Sunday Telegraph rằng ông sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các giải pháp của Bộ Tài chính Anh trong vấn đề Brexit (Anh rời khỏi EU), trong đó bắt đầu từ việc công bố "quỹ bổ sung cụ thể" trong vài ngày tới để đảm bảo Anh hoàn toàn sẵn sàng rời khỏi EU vào ngày 31/10 với kịch bản có hoặc không có thỏa thuận.

 Tờ Suday Telegraph dẫn lời ông Javid cho biết ông có kế hoạch bổ sung 500 nhân viên cho lực lượng kiểm soát biên giới và có khả năng nâng cấp cơ sở hạ tầng tại tất cả các cảng của Anh.

 Trong khi đó, báo Observer ngày 27/7 đưa tin cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond, người vừa từ chức hồi tuần trước khi ông Boris Johnson nhậm chức, đã có các cuộc thương lượng bí mật với quan chức phụ trách Brexit hàng đầu của Công đảng đối lập, Kier Starmer về cách thức ngăn chặn Brexit không thỏa thuận.

 Theo báo này, ông Hammond và ông Starmer đã nhất trí hợp tác với các nghị sĩ kỳ cựu để tìm ra giải pháp tốt nhất sử dụng quyền phủ quyết của Quốc hội nước này ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận.

 Báo Observer dẫn lời ông Starmer cho biết đường hướng chính trị của nước Anh dưới sự lãnh đạo của ông Boris Johnson rất rõ ràng, do đó, ông cho rằng điều quan trọng hơn cả hiện này là xây dựng một liên minh đa đảng mạnh mẽ nhằm ngặn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận.

 Kể từ khi bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử và cho đến nay khi đã trở thành nhà lãnh đạo nước Anh, ông Johnson luôn khẳng định quyết tâm bằng mọi giá hoàn tất Brexit vào ngày 31/10.

 Ông Johnson thậm chí còn để ngỏ khả năng đình chỉ Quốc hội nếu các nghị sĩ đe dọa ngăn chặn Brexit không thỏa thuận. (TTXVN/Bnews.vn 30/7)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More