Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 04-01-2021

Post date: 05/01/2021

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.                Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28-31/12. 1

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 3

2.                Chính sách mới gỡ khó cho nhà đầu tư. 3

3.                Việt Nam có tiềm năng hơn Ấn Độ, Trung Quốc để thành đối tác kinh tế triển vọng của Australia. 4

4.                Việt Nam - nền kinh tế 1.000 tỷ USD: Những kỳ vọng và thách thức. 5

5.                "Việt Nam sẽ gia nhập nhóm nước có thu nhập cao sớm hơn khi thực thi Bộ luật Lao động mới". 6

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 6

6.                Thưa Chủ tịch Chu Ngọc Anh: Nửa triệu m2 bãi đỗ xe đang bị bỏ hoang. 6

7.                Để họa cho đồng bào vì món lợi nhỏ. 7

QUẢN LÝ.. 9

8.                Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Tết gần đến nơi rồi, phải lo cho dân nhiều hơn!' 9

9.                Kon Tum: Nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 9

10.            Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

11.            Tổng cục Hậu cần thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính. 12

12.            Quảng Bình triển khai làm căn cước công dân gắn chíp. 13

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 13

13.            Đầu tư công "ế" 80.600 tỷ đồng, có "siêu dự án" chỉ tiêu được 27% vốn. 13

14.            Tiết kiệm 10.000 tỷ đồng từ giảm công tác nước ngoài: Không chỉ là biện pháp tình thế. 14

15.            Thu nghìn tỷ đồng tiền thuế từ cá nhân kiếm tiền qua Facebook, Google. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

16.            Bộ Công an điều tra việc đào tạo chui ngành Dược tại Trường Đại học KD&CN Hà Nội 15

THẾ GIỚI 16

17.            Cuba triển khai kế hoạch thống nhất tiền tệ. 16

18.            Thủ tướng Anh khuyến khích học sinh đi học. 16

 CHÍNH SÁCH MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28-31/12

Thần tốc truy vết người tiếp xúc BN1440, kiểm soát chặt nhập cảnh; mức hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi; mỗi xã, phường, thôn bản xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28-31/12/2020.

 Thần tốc truy vết người tiếp xúc BN1440, kiểm soát chặt nhập cảnh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Công điện 1838/CĐ-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó yêu cầu thần tốc truy vết người tiếp xúc với bệnh nhân 1440, kiểm soát chặt người nhập cảnh, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

 Thủ tướng chỉ thị: Cả nước chung sức, đồng lòng trồng mới 1 tỷ cây xanh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Chỉ thị nêu rõ: Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua, khắc phục tồn tại, bất cập, đồng thời chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay dịp Tết Tân Sửu năm 2021, cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, xuân Tân Sửu năm 2021 với chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần và từ năm 2022 đến 2025 cao gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020.

 Điều kiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Theo Nghị định số 150/2020/NĐ-CP, các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

 1- Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi.

 2- Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.

 3- Thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Danh mục này không bao gồm các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

 4- Có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

 99 công nghệ cao được ưu tiên phát triển

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 38/2020/QĐ-TTg về Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

 Cụ thể, có 99 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển gồm: Công nghệ trí tuệ nhân tạo; công nghệ Internet kết nối vạn vật; công nghệ lượng tử; công nghệ tin sinh học; công nghệ hàng không, vũ trụ, viễn thám; công nghệ thiết kế, chế tạo màn hình độ phân giải cao; công nghệ in 3D tiên tiến…

 Mức hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Theo Quyết định số 2254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi năm 2020, Nhà nước hỗ trợ người chăn nuôi, hộ chăn nuôi nông hộ, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi (cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với mức cụ thể như sau: 1- Đối với lợn con, lợn thịt các loại: Hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi; 2- Đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác: Hỗ trợ 35.000 đồng/kg lợn hơi.

 Hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với mức hỗ trợ cụ thể như sau: a- Đối với lợn con, lợn thịt các loại: Hỗ trợ 10.000 đồng/kg lợn hơi; b- Đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác: Hỗ trợ 12.000 đồng/kg lợn hơi.

 Thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.

 VNX là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. VNX có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng.

 Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt chỉ tiêu đến năm 2025 tối thiểu 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự trợ giúp từ cơ quan cung cấp dịch vụ; 100% trường hợp có nhu cầu trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau.

 Mỗi xã, phường, thôn bản xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu

Trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: Mỗi xã, phường, mỗi thôn bản xây dựng “mô hình giảm nghèo tiêu biểu” phù hợp với địa phương mình với cách làm sáng tạo hơn nữa. Các địa phương khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cấp ủy phân công đảng viên tham gia hỗ trợ người nghèo. (Baochinhphu.vn 02/01, Chí Kiên) Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Chính sách mới gỡ khó cho nhà đầu tư

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Luật Đầu tư 2020 hướng đến mục tiêu thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

 Trong đó, những mục tiêu cụ thể là, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

 Nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Luật Đầu tư 2020 sửa đổi, bổ sung Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

 Nhằm tiếp tục thể chế hóa nguyên tắc Hiến định về bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm, đồng thời góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, Luật đã bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Sửa đổi, bổ sung quy định tại các Phụ lục I, II, III về cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy; hóa chất, khoáng vật độc hại và động, thực vật hoang dã cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý Nhà nước đối với sản phẩm này theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế có liên quan.

 Tiếp tục cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp (gồm 22 ngành, nghề quy định tại Phụ lục IV).

 Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, Luật Đầu tư 2020 đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng theo Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các luật thuế và các luật liên quan.

 Bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện chính sách này (như: Áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án; nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật).

 Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí không cần thiết trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, Luật phân định rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, gồm: (1) Đấu giá quyền sử dụng đất; (2) đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; (3) chấp thuận nhà đầu tư, chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư. 

Luật Đầu tư 2020 đã hoàn thiện, bổ sung các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng. (Baochinhphu.vn 02/01) Về đầu trang

Việt Nam có tiềm năng hơn Ấn Độ, Trung Quốc để thành đối tác kinh tế triển vọng của Australia

Theo báo cáo của Hiệp hội châu Á Australia và Trung tâm Nghiên cứu APEC, nền kinh tế châu Á mới nổi có khả năng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế Australia chính là Việt Nam.

Theo The Diplomat, bên cạnh đại dịch, một trong những mối lo ngại chính của Australia trong năm qua là tìm cách đa dạng hoá nền kinh tế quốc gia này. Từ lâu, Australia đã lo ngại về vấn đề phụ thuộc mạnh mẽ vào Trung Quốc. Đến năm 2020, mối lo này đã trở nên ngày càng rõ hơn bao giờ hết.

 Báo cáo mới đây của Hiệp hội châu Á Australia và Trung tâm Nghiên cứu APEC đã xác định một nền kinh tế châu Á mới nổi khác có khả năng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế Australia: Việt Nam.

 Mặc dù dân số Việt Nam không đông như Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng việc chuyển đổi cơ cấu trong vài thập kỷ qua, từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế hỗn hợp với sự tham gia của quốc tế đã giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế, cũng như tăng đáng kể mức sống của người dân.

 Việc tái cơ cấu này đã mang lại một số cơ hội gia tăng cho các doanh nghiệp Australia. Năm 1990, thương mại hai chiều giữa hai nước là 32,3 triệu USD, nhưng đến năm 2019, con số này đã tăng lên khoảng 11,8 tỷ USD. Mặc dù thấp hơn nhiều so với giá trị 252 tỷ USD thương mại hai chiều giữa Australia và Trung Quốc, nhưng báo cáo cũng chỉ ra những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng hơn nữa đối với thương mại của Australia với Việt Nam.

 Mặc dù Australia và Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do song phương, nhưng hiện nay đã có một số hiệp định khu vực mà cả hai nước đều tham gia: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết gần đây và Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN Australia - New Zealand (AANZFTA). (Saigoneconomy.vn 03/01, Hà Trần) Về đầu trang

Việt Nam - nền kinh tế 1.000 tỷ USD: Những kỳ vọng và thách thức

Quy mô GDP tính theo sức mua tương đương của Việt Nam đạt 1,05 nghìn tỷ USD là điều đáng mừng song với một nền kinh tế phụ thuộc FDI, trọng lao động giá rẻ thì phía trước còn nhiều thách thức.

 Tại sự kiện kỷ niệm 75 ngành truyền thống ngành Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD.

 Dẫn báo cáo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) về kinh tế Việt Nam, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Quy mô GDP Việt Nam nếu tính theo sức mua tương đương có thể đạt 1,05 nghìn tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD.

 Tạp chí Economist nhận định, Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới đánh giá với mức tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam ở mức 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

 Trong tháng 10/2020, IMF cũng dự báo quy mô GDP năm 2020 của Việt Nam có thể đạt trên 340 tỷ USD.

 GDP của Việt Nam được cho là chính thức vượt qua Singapore, trở thành 1 trong 4 nước có quy mô GDP cao nhất ASEAN, chỉ sau Philippines (hơn 367 tỷ USD), Thái Lan (hơn 509 tỷ USD) và Indonesia (hơn 1.000 tỷ USD).

 Trong bản cập nhật mới của Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020, IMF ghi nhận Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có tăng trưởng dương năm 2020, ở mức 1,6% và đến năm 2021 là 6,7%. (Baoxaydung.vn 03/01) Về đầu trang

"Việt Nam sẽ gia nhập nhóm nước có thu nhập cao sớm hơn khi thực thi Bộ luật Lao động mới"

Bộ luật mới sẽ giúp Việt Nam tăng tốc trên con đường vì việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập cao sớm hơn, theo ILO...

 Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chia sẻ như vậy nhân dịp Bộ luật Lao động sửa đổi của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2021.

 Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee, cho biết: "Bộ luật mới sẽ giúp Việt Nam tăng tốc trên con đường vì việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, cả nam và nữ".

 Ông cũng nhấn mạnh: "Bộ luật Lao động mới có nhiều cải tiến có thể mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động, nhưng những nội dung cải tiến sẽ chỉ đi vào thực tiễn cuộc sống khi mọi người đều hiểu được mình có những quyền mới nào và chủ động sử dụng những quyền đó".

 ILO đánh giá, thay đổi quan trọng đầu tiên là mở rộng phạm vi điều chỉnh với người lao động làm việc mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Bộ luật có một số nội dung được áp dụng cho toàn bộ khoảng 55 triệu người, thay vì phạm vi điều chỉnh hiện tại chỉ khoảng 20 triệu người là những người lao động có quan hệ lao động.

 Bộ luật cũng bổ sung, hoàn thiện thêm các quy định nhằm đảm bảo nguyên tắc không phân biệt giới và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. (Vneconomy.vn 02/01, Nhật Dương) Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Thưa Chủ tịch Chu Ngọc Anh: Nửa triệu m2 bãi đỗ xe đang bị bỏ hoang

Trong khi giao thông tĩnh ở thủ đô chỉ đáp ứng được 8-10%, thì nửa triệu m2 bãi đỗ “bỏ hoang” suốt 2 thập kỷ qua là một kỷ lục, một sự thật không thể chấp nhận được.

 Đó là 83 ô đất với diện tích 514.600m2 được quy hoạch bãi đỗ xe đang bị “bỏ hoang” theo báo điện tử Vietnamnet.

 Nửa triệu ấy trên địa bàn Hoàng Mai, một quận 60 vạn dân, đông dân nhất thủ đô và dân đang khát từng điểm đỗ.

 Và nửa triệu m2 ấy bỏ hoang trong hoàn cảnh diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội mới chỉ đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu đỗ xe của dân. Trong hoàn cảnh 90% phương tiện “đỗ tự phát”, tràn cả lên vỉa hè, chui rúc ngõ ngách lòng đường, sân chung cư, đường nội thị, sân cơ quan…

 Nửa triệu m2 đắp chiếu, trong khi báo điện tử VNN dẫn thống kê của chính Hoàng Mai cho biết trên địa bàn quận có đến 100 bãi xe không phép.

 Chỉ tính với mỗi xe 100 ngàn/tháng (giá từ những bãi đỗ xe tự phát), không biết Hoàng Mai, không biết Thủ đô đã lãng phí bao nhiêu tiền bạc trong những năm qua.

 Hồi giữa năm ngoái, HĐND TP Hà Nội đã thông qua một nghị quyết trong đó ưu tiên, khuyến khích xây dựng các bãi, điểm đỗ ô tô. Một nghị quyết được cho là mang tính “đột phá”, “cởi trói” về cơ chế chính sách để thu hút đầu tư cho giao thông tĩnh Thủ đô. 

Nhưng, như ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho hay, các chủ đầu tư cho rằng cơ chế của Hà Nội hiện nay chưa hấp dẫn. Chẳng hạn khiến họ băn khoăn khi thành phố yêu cầu bãi xe phải xây nhiều tầng, thiết bị máy móc hiện đại theo chuẩn quốc tế. Để làm được vậy sẽ tốn nhiều tiền đầu tư công nghệ, hạ tầng, tuy vậy, cơ chế hỗ trợ tài chính chưa thiết thực.

 Nguyên nhân có là gì thì hẳn nhiên nửa triệu m2 bỏ hoang suốt 2 thập kỷ qua là không thể chấp nhận được.

 Bởi cái thiếu của Thủ đô đất chật người đông chưa chắc đã phải là thiếu diện tích đất cho giao thông tĩnh mà là thiếu trách nhiệm của những người có trách nhiệm, thiếu cơ chế để tháo gỡ cảnh nửa triệu m2 bỏ hoang.

 Phát biểu về công tác xây dựng quản lý và phát triển đô thị, tại Hội nghị 3 chương trình công tác của Thành uỷ, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh từng nhấn mạnh việc tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh khớp nối hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, tăng tỷ lệ diện tích giao thông tĩnh toàn đô thị. Việc đầu tiên, có lẽ Chủ tịch nên có cơ chế đối với nửa triệu m2 này.

 Bởi ngoài sự lãng phí, việc bỏ hoang nửa triệu m2 bãi đỗ còn rất phản cảm trong hoàn cảnh dân đang phải kiếm từng điểm để “đỗ lậu”. (Laodong.vn 02/01, Anh Đào) Về đầu trang

Để họa cho đồng bào vì món lợi nhỏ

Trong khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vẫn có người vì hám lợi trước mắt đã tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng...

 TAND tỉnh Tây Ninh vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự đối với 3 bị cáo tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép.

 Đây lẽ ra chỉ là một phiên tòa hình sự bình thường như bao phiên tòa khác và sẽ được xét xử tại TAND tỉnh. Nhưng TAND tỉnh Tây Ninh quyết định mở phiên tòa xét xử lưu động, bởi các bị cáo đã đưa người trái phép qua biên giới bất chấp lệnh cấm xuất, nhập cảnh để phòng dịch COVID-19.

 Việc đưa ra xét xử lưu động là vừa để tuyên truyền vừa răn đe, cảnh báo... cho những ai còn xem nhẹ ý thức phòng chống COVID-19. Do vậy, phiên tòa được mở ngay tại Nhà văn hóa xã Phước Bình (thị xã Trảng Bàng).

 Sáng hôm ấy, rất đông người dân đã đến dự phiên xét xử 3 bị cáo: Trịnh Vũ Bảo (33 tuổi, ngụ huyện Bến Cầu), Võ Quang Luân (33 tuổi) và Nguyễn Văn An (35 tuổi, cùng ngụ thị xã Trảng Bàng).

 Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ ngày 11-7 đến 31-7-2020, vì vụ lợi, Bảo, Luân và An đã 3 lần tổ chức đưa người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam và ngược lại để hưởng lợi số tiền 11 triệu đồng. Bảo hưởng 3,2 triệu đồng, Luân 5,4 triệu đồng và An 2,4 triệu đồng.

 Trước tòa, Bảo khai năm 2019 đã sang Campuchia, có quen và thường liên lạc với một người đàn ông Campuchia (không rõ nhân thân, lai lịch). Đến đầu tháng 7-2020 thì người này gọi cho Bảo đề nghị đưa người xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Campuchia với tiền công 5,5 triệu đồng. Bảo đồng ý.

 Hành vi của các bị cáo rất đơn giản: khi có "khách", người đàn ông Campuchia gọi điện thoại cho Bảo. Bảo phân công cho Luân nhận "khách" đưa đi và đón về với tiền công 2,7 triệu đồng, An làm nhiệm vụ cảnh giới với tiền công 1,2 triệu đồng, riêng Bảo hưởng 1,6 triệu đồng còn lại. Là người địa phương, thông thuộc địa bàn, các bị cáo dẫn "khách" đi bộ băng qua đồng ruộng sang biên giới.

 Đến lần thứ ba, vào lúc 20h40 ngày 31-7-2020, tại khu vực cột mốc phụ 173/3 thuộc ấp Bình Phú, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, trong lúc Luân đang đưa một người Nigeria nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam thì bị lực lượng tuần tra Đồn biên phòng Phước Chỉ phát hiện.

 Nghe xong cáo trạng của viện kiểm sát, nhiều người dự khán không khỏi lắc đầu ngao ngán, bởi món lợi mà các bị cáo được hưởng quá nhỏ so với cái giá mà họ phải trả.

 Vậy nên, phiên tòa từ ồn ào, lao xao, đôi khi giận dữ lúc ban đầu từ phía người dự khán dần chuyển sang xót xa, tiếc nuối cho các bị cáo khi hội đồng xét xử tuyên các mức án khá nặng: Trịnh Vũ Bảo 7 năm tù giam, Võ Quang Luân 6 năm tù và Nguyễn Văn An 5 năm tù giam.

 Rời phiên xử, tôi cứ mãi nghĩ về cái lợi mà các bị cáo thu được và hậu quả mà họ phải lãnh: 11 triệu đồng và 18 năm tù giam chia cho cả ba.

 Rõ ràng, hội đồng xét xử đã tuyên các mức án rất nghiêm khắc cho họ. Bởi trong khi cả nước ra sức chống dịch thì họ lại tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh "chui" qua biên giới. Hành vi của các bị cáo đem lại mối nguy hại cho những nỗ lực phòng dịch của chúng ta, mà bài học từ ca bệnh 1440 là nhãn tiền.

 Thời gian qua, không ít người đã phải hầu tòa, phải nhận những mức án nặng với hành vi tương tự. Thế nhưng, vì món lợi trước mắt mà không ít người cạn nghĩ, bất chấp, đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam giữa lúc dịch COVID-19 đang hoành hành.

 Vì món lợi nhỏ, họ quên rằng cả nước phải tổn hao nhân lực, vật lực để chống dịch. Và họ quên rằng rất nhiều người phải hi sinh cả những nhu cầu, tình cảm cá nhân, rời xa gia đình xông pha lên tuyến đầu chống dịch. 

Những bản án nghiêm minh dành cho các bị cáo trên là bài học thích đáng cho những ai vì đồng tiền mà xem thường pháp luật, xem thường tính mạng và sức khỏe người khác. Nó cũng là lời cảnh tỉnh, răn đe đầy sức nặng cho những ai vì món lợi nhỏ mà sẵn sàng để họa cho đồng bào... (Tuoitre.vn 03/01, Vân Lam) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Tết gần đến nơi rồi, phải lo cho dân nhiều hơn!'

Bên cạnh khắc phục mạnh mẽ hậu quả của bão lũ, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy chính quyền Quảng Nam phải lo cho dân nhiều hơn, không để dân bị ảnh hưởng thiên tai chịu cảnh 'màn trời chiếu đất' khi tết đã cận kề.

 Phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 – 6-1-2021) và tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 ngày 3-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đại biểu Quốc hội phải đại diện chính đáng cho quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân.

 Người vào Quốc hội phải người tài đức, bản lĩnh, đại diện cho dân, có tiếng nói nghị trường. "Phải là người có năng lực, có bản lĩnh, trung thành mới có thể làm được việc lớn của đất nước" - ông nhấn mạnh.

 Thủ tướng cho biết năm nay là năm thiên tai lịch sử, mất mát nhiều, thứ hai là ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cả nước khó khăn chồng chất khó khăn, lũ lụt khắp nơi, sạt lở đất, hạn mặn lịch sử. Nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta đã vượt qua khó khăn.

 "Tết gần đến nơi rồi, cấp ủy chính quyền phải lo cho dân nhiều hơn. Phải làm sao cho người dân có cơm ăn áo mặc, không để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số màn trời chiếu đất. Trường học, vùng sâu vùng xa có đường giao thông thuận lợi. Phải lo cái tết cho nhân dân" - ông yêu cầu. (Tuoitre.vn 03/01, Lê Trung) Về đầu trang

Kon Tum: Nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Năm 2020, với nhiều giải pháp và nỗ lực liên tục, ngành Thanh tra tỉnh Kon Tum đã gặt hái được nhiều thành quả trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn.

 Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công tác về PCTN; trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện công khai các hoạt động quản lý; quy định phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức (CC,VC) trên địa bàn; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; ban hành kế hoạch triển khai, đánh giá công tác PCTN trong năm 2020...

 Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức 1.313 cuộc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN với 62.848 lượt người tham gia. Biên soạn và phát hành 1 tập tài liệu và 15.000 tờ gấp phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật PCTN cùng các văn bản hướng dẫn thi hành; đưa tin, bài viết liên quan đến công tác PCTN trên trang thông tin điện tử, Tập san Tư pháp với số lượng 2.100 cuốn; thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN với hơn 5.500 cuốn. Ngoài ra, các cơ quan ngôn luận của tỉnh duy trì chuyên mục PCTN định kỳ.

 Năm 2020, có 14 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với 106 cán bộ, CC,VC. Đã có 11 đơn vị thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với 69 cán bộ, CC,VC; các đơn vị còn lại đang tiếp tục thực hiện theo kế hoạch.

 UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, TP thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

 Thực hiện nghiêm túc theo Bộ Thủ tục hành chính đã được công bố; đồng thời tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính đã được công bố theo Kế hoạch số 297/KH-UBND ngày 5/2/2020 của UBND tỉnh về rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2020 trên địa bàn.

 Số hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh là 25.762 hồ sơ (trong đó có 2.261 hồ sơ trực tuyến, 1.461 hồ sơ kỳ trước chuyển qua và 22.040 hồ sơ trực tiếp). Đã giải quyết xong 23.811 hồ sơ các loại.

 Toàn tỉnh triển khai 93 cuộc thanh tra hành chính, trong đó có 74 cuộc theo kế hoạch được phê duyệt và 19 cuộc thanh tra đột xuất. Kết thúc 74 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực quản lý tài chính - kế toán; đầu tư xây dựng cơ bản; PCTN; quản lý, sử dụng đất đai... với tổng số tiền sai phạm hơn 11 tỷ đồng và 450.622m2 đất. Kiến nghị thu hồi nộp ngân sách gần 6 tỷ đồng, 450.622m2 đất và một số kiến nghị xử lý khác 5 tỷ đồng.

 Tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 41 tập thể và 95 cá nhân và kỷ luật khiển trách đối với 5 cá nhân.

 Thanh tra chuyên ngành đã triển khai 50 cuộc thanh tra, kiểm tra; kết thúc 31 cuộc thanh tra, phát hiện tổng số tiền sai phạm 561,5 triệu đồng. Kiến nghị thu nộp ngân sách gần 195 triệu đồng, truy thu thuế 212 triệu đồng và xử lý khác 154 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 203 triệu đồng.

 Thông qua việc tự kiểm tra nội bộ đột xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ngọc Hồi, đã phát hiện vụ việc vi phạm pháp luật trong công tác quản lý đất đai, lập thủ tục xác nhận quyền sở hữu đất... Sở đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

 Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đối với khu vực thửa đất số 218, 219, tờ bản đồ số 2, thôn 2, xã Đăk Cấm, TP Kon Tum; xét thấy có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về phân lô, bán nền trái phép, Sở đã cung cấp hồ sơ cho Công an tỉnh để tiến hành điều tra dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng đất đai.

 Thanh tra huyện Đăk Hà phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về việc quản lý, sử dụng tài chính tại Trường THCS Đăk Hring với số tiền vi phạm 189 triệu đồng. Qua đó, UBND huyện Đăk Hà đã chuyển vụ việc đến Công an huyện Đăk Hà để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

 Qua thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác tại một số cơ quan, đơn vị chưa phát hiện trường hợp nào tặng quà, nhận quà, sử dụng quà tặng sai quy định.

 Gần đây, tình trạng khai thác, tàng trữ, vận chuyển và mua bán lâm sản trái phép diễn ra tại các huyện Đăk Tô, Kon Rẫy, Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) xảy ra liên tục và nghiêm trọng. Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum đã tổ chức cuộc họp chỉ đạo xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm; yêu cầu Công an tỉnh thành lập chuyên án để điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo pháp luật.

 Khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ phá rừng xảy ra tại thôn Đăk Manh 1, xã Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô); đồng thời khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với vụ việc phá rừng tại các huyện Kon Rẫy, Đăk Glei theo thông tin phản ánh của dư luận; nhất là dấu hiệu kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc tàn phá rừng.

 Năm 2021, ngành Thanh tra Kon Tum sẽ tập trung thanh tra công tác PCTN trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng; nhất là các vụ việc để mất rừng do buông lỏng trách nhiệm hoặc bắt tay, tiếp tay cho lâm tặc tàn phá rừng trái phép. (Thanhtra.com.vn 02/01, Ngọc Phó) Về đầu trang

Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi

Trước những khó khăn của doanh nghiệp (DN) trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để các DN nhanh chóng khắc phục khó khăn và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD). Tuy nhiên, khoảng cách từ thiết kế chính sách đến thực thi còn khá lớn khi vẫn còn nhiều DN chưa được tiếp cận các gói hỗ trợ, điều này khiến các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ chưa đạt được hiệu quả cao, chưa thật sự bám sát thực tiễn cuộc sống.

 Hiệu quả từ chính sách đã phát huy được tác dụng nhất định, giúp nhiều DN có thêm nguồn lực về tài chính để vượt qua khó khăn. Với việc cho phép gia hạn nộp tiền thuê đất, DN còn được giãn, hoãn nộp nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, lãi suất cho vay, bảo hiểm xã hội,... Bên cạnh đó, giá các loại hình dịch vụ cũng được điều chỉnh giảm như: điện, dịch vụ hàng không, chứng khoán… nhằm giảm chi phí đầu vào cho DN, tạo thuận lợi cho SXKD, thúc đẩy xuất khẩu, phục hồi và phát triển các ngành như du lịch, hàng không. Từ đó, góp phần tạo thuận lợi cho DN về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử,...

 Trưởng ban Pháp chế VCCI Ðậu Anh Tuấn cho rằng, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với DN chưa được như kỳ vọng. Qua khảo sát, có những chính sách được DN đánh giá cao như gia hạn tiền thuế đất, nhưng cũng có chính sách gây khó khăn cho DN như gói hỗ trợ cho vay 16 nghìn tỷ đồng lãi suất 0% để trả tiền lương cho NLÐ khi đến cuối tháng 11 vừa qua mới chỉ có 75 DN được vay. Kết quả này có được chỉ sau khi Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi các điều kiện được vay vốn "dễ thở" hơn.

 Ðiều này cho thấy, dù chính sách tốt, nhưng tính thực thi thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, bởi theo một khảo sát của VCCI mới đây, có tới gần 80% số DN được khảo sát cho biết chưa nhận được hỗ trợ từ Chính phủ và gần 30% số DN cho biết đã nghe "loáng thoáng", nhưng có rất ít DN biết thông tin để tìm hiểu và hưởng lợi từ các chính sách này. Ðiều này cho thấy, vấn đề thiết kế chính sách và thực thi đang có khoảng cách quá lớn. Mặc dù chính sách tốt nhưng chính những rào cản, thủ tục phức tạp không đi vào thực tế khi triển khai sẽ làm giảm hiệu quả hỗ trợ.

 Theo lãnh đạo VCCI, việc ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN, thể hiện một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng DN. Tuy nhiên, Chính phủ và các địa phương cũng cần thường xuyên đối thoại, trao đổi với cộng đồng DN, góp phần tìm ra được tiếng nói chung trong thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách. Qua đó, cải thiện các chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hỗ trợ "đúng, trúng" cho cộng đồng DN. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ để điều chỉnh cho phù hợp; thủ tục cũng cần đơn giản hơn, phân loại đối tượng cần trúng hơn. Làm sao để những chính sách đã ban hành nhanh đi vào thực tiễn nhất, phù hợp với các DN từng ngành, từng lĩnh vực và từng giai đoạn. (Nhandan.com.vn 03/01, Minh Khôi) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Tổng cục Hậu cần thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính

Công tác cải cách hành chính được Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Hậu cần (TCHC) quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc; đồng thời được xác định là khâu quan trọng trong các khâu đột phá về “xây dựng cơ quan, đơn vị tổng cục VMTD "tiêu biểu mẫu mực” năm 2020.

 Điểm nổi bật là toàn tổng cục đã quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch kiểm soát TTHC năm 2020. Thời gian qua, TCHC được giao thực hiện 26 TTHC gồm: 24 TTHC thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh; 2 TTHC thuộc lĩnh vực tàu thuyền quân sự và quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự. Ngoài ra, TCHC còn triển khai, thực hiện tốt các TTHC nội bộ (các quy trình xử lý, giải quyết công việc, văn bản tài liệu), rút ngắn thời gian giải quyết ở các khâu trung gian và giảm văn bản giấy không cần thiết; cài đặt, hướng dẫn cán bộ, nhân viên sử dụng phần mềm chuyển công văn qua hệ thống mạng, do đó đã giảm 2/3 quy trình, thủ tục ban hành văn bản, thời gian được bảo đảm nhanh chóng, chính xác, kịp thời; đồng thời quản lý chặt chẽ việc ban hành mới văn bản hành chính, bảo đảm phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính của cấp trên... (Qdnd.vn 02/01, Ngô Duy) Về đầu trang

Quảng Bình triển khai làm căn cước công dân gắn chíp

Tại Quảng Bình, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cũng chính thức vận hành hệ thống làm căn cước công dân gắn chíp điện tử. Đây là một sự cố gắng, nỗ lực của lực lượng Công an Quảng Bình trong việc sớm hoàn thiện tiếp nhận cơ sở vật chất, trang thiết bị, các phần mền để thực hiện đề án theo lộ trình đề ra của Bộ Công an.

 Trước khi vận hành hệ thống làm căn cước công dân gắn chíp điện tử cho toàn dân từ ngày 1/1/2021, ngày 30 tháng 12 năm 2020, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Bình triển khai làm sớm cho đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc lần tứ XIII của Đảng. Tất cả thông tin cá nhân làm căn cước công dân đã được khái thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia một cách an toàn, chính xác. (Antv.gov.vn 03/01) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Đầu tư công "ế" 80.600 tỷ đồng, có "siêu dự án" chỉ tiêu được 27% vốn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 dù có tỷ lệ cao nhưng tính đến nay vốn đầu tư công được giao vẫn không giải ngân hết.

 Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi về Bộ KH&ĐT, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11 là hơn 329.800 tỷ đồng, đạt 70,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước giải ngân đến ngày 31/12/2020 là 389.900 tỷ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (470.600 đồng).

 Như vậy, vốn Chính phủ giao cho các bộ, ngành và địa phương giải ngân hết năm 2020 còn ế hơn 80.600 tỷ đồng. Mặc dù vậy, Bộ KH&ĐT khẳng định: Năm 2020 là năm có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 với kỷ luật được thắt chặt. 

Cùng kỳ của 5 năm trước, giải ngân đều thấp hơn, cụ thể như năm 2016 đạt 80,3%, năm 2017 đạt 73,3%, năm 2018 đạt 66,87% và năm 2019 đạt 67,46%.

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, việc giải ngân cao nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là lập đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn, điều này đã khiến tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7/2020 có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt từ tháng 10 đến cuối năm tốc độ giải ngân vốn rất cao.

 Theo Bộ KH&ĐT, tính đến hết ngày 31/12, có 17 Bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%, trong đó: 10 Bộ, cơ quan trung ương và 06 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90%.

 Có 13 Bộ, cơ quan trung ương và 05 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60%, trong đó có 06 Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%.

 Về nguyên nhân chậm giải ngân, Bộ KH&ĐT dẫn giải là do công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của nhiều nơi chưa sát với thực tế, khả năng giao vốn và khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân. (Baoxaydung.com.vn 03/01, Nguyễn Tuyền) Về đầu trang

Tiết kiệm 10.000 tỷ đồng từ giảm công tác nước ngoài: Không chỉ là biện pháp tình thế

Hơn 10.000 tỷ đồng tiền thuế của dân đã được tiết kiệm trong năm 2020 nhờ giảm các chuyến công tác nước ngoài và hội nghị trực tiếp. Số liệu vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng công bố đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. 

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, ngành đã siết chặt chi tiêu, như chi cho hội nghị hội thảo, đi công tác nước ngoài cắt giảm tối thiểu 70% và cắt giảm thêm 10% chi phí ngoài lương. Nhờ đó, ngân sách Trung ương đã tiết kiệm chi trên 10.000 tỷ đồng và có nguồn để giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh. 

Đáng chú ý là tiết giảm hội họp trực tiếp, tiết giảm tiền tiếp khách, công tác nước ngoài, nhưng công tác điều hành, chỉ đạo từ Trung ương, các bộ ngành cho tới địa phương vẫn thông suốt, nền kinh tế vẫn đạt được những kết quả ấn tượng. Điều dư luận quan tâm là làm sao để duy trì sự tiết kiệm hiệu quả này, không chỉ trong đợt dịch COVID-19 mà phải là việc làm thường xuyên, lâu dài.

 Trên bình diện cả nước, đây là một con số ý nghĩa trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn kép là đại dịch COVID-19 và mưa lũ thiên tai kỷ lục ở miền Trung.

 Đại biểu Quốc hội khóa 13 Lê Như Tiến đánh giá: “10.000 tỷ đồng rất lớn và dành cho những nhu cầu thiết yếu hơn, như an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo và tập trung vào những lĩnh vực đang nóng là y tế, giáo dục… Con số 10.000 tỷ nói lên một điều rằng, nếu chúng ta quyết tâm, chúng ta vẫn tiết kiệm được”.

 Điều ấn tượng nữa là trong khi tiết kiệm 10.000 tỷ này từ tiết giảm các đoàn công tác nước ngoài, tiết giảm hội họp trực tiếp, lại không ảnh hưởng nhiều tới nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại của đất nước, của bộ ngành và của địa phương. Minh chứng là kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt mức cao, Việt Nam là một số ít nền kinh tế tăng trưởng dương trên thế giới; hoạt động xúc tiến thương mại điện tử, trực tuyến diễn ra thường xuyên hơn, tích cực hơn; doanh nghiệp vẫn kiếm được đơn hàng từ đối tác mà không cần quan chức cất công đi công cán sang tận nước bạn. Hội họp trực tiếp giảm nhưng điều hành từ trung ương tới địa phương vẫn thông suốt và có phần quyết liệt hơn mọi năm. (Cafef.vn 03/01, Thanh Trường) Về đầu trang

Thu nghìn tỷ đồng tiền thuế từ cá nhân kiếm tiền qua Facebook, Google

Đó là thông tin được ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết tại cuộc họp báo chí cuối năm 2020. "Số thuế này được xác định dựa trên số liệu Facebook, Google trả tiền trực tiếp cho cá nhân hoặc qua doanh nghiệp có hoạt động quảng cáo".

 Theo ông Minh, số thu thuế từ hoạt động kinh doanh qua mạng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nhờ tốc độ phát triển nhanh của các dịch vụ kinh tế số. Theo đó, người dân sẽ tham gia các hoạt động mua sắm và giải trí trực tuyến, thực hiện thanh toán không tiền mặt với tần suất cao hơn do chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

 Tổng cục Thuế vừa qua đã chỉ đạo toàn bộ các cơ quan thuế trong hệ thống phải thành lập các tổ chuyên môn trách khảo sát các hệ thống kinh doanh trực tuyến.Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị quản lý thị trường và công ty trung gian thanh toán để tìm giải pháp quản lý doanh thu từ các dịch vụ số. 

Liên quan đến thể chế, Tổng cục Thuế đã đưa nhiều quy định liên quan tới quản lý số và giao dịch xuyên biên giới vào Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14. Theo đó, cơ quan này sẽ ban hành một số Thông tư hướng dẫn về trách nhiệm của các bên trong công tác quản lý thuế.

 Đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang thực hiện cung ứng nền tảng tại Việt Nam, cơ quan thuế đã có kế hoạch làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán để mời các doanh nghiệp, gồm: Netflix, Amazon, Google, Youtube để trao đổi, hướng dẫn về nghĩa vụ thuế và phương pháp quản lý thuế theo quy định mới.

 Cuối cùng, ông Minh kết luận: "Không chỉ riêng người kinh doanh mà cả trung gian thanh toán, doanh nghiệp cung ứng nền tảng, bộ ngành có liên quan sẽ phối hợp cơ quan thuế để quản lý, tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế số". (Cafef.vn 02/01, Hà Trần) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Bộ Công an điều tra việc đào tạo chui ngành Dược tại Trường Đại học KD&CN Hà Nội

Bộ Công an yêu cầu trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Cung cấp tài liệu liên quan đến đào tạo liên thông ngành Dược.

 Liên quan đến việc tuyển sinh, đào tạo Quản lý tài chính của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đối với chuyên ngành dược từ khóa học 2015 - 2016 đến nay.

 Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công An đã có văn bản đề nghị cung cấp tài liệu phục vụ công tác xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

 Trong quá trình xác minh làm rõ vụ việc nêu trên Cục Cảnh Sát kinh tế yêu cầu trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hợp tác cung cấp các giấy tờ bằng chứng liên quan.

 Như Pháp luật Plus đã thông tin tại các bài viết trước về sai phạm trong 5 năm qua đào tạo liên thông ngành Dược của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khiến hàng ngàn sinh viên “uất hận”.

 Số tiền thu được từ các học viên liên thông ngành Dược trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận 70% số phần trăm còn lại 20 trạm liên kết được hưởng; có năm trường hưởng 30%, các trạm liên kết hưởng 70%.

 Theo Kết luận thanh tra từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không có hồ sơ minh chứng về việc thành lập Hội đồng thẩm định và công nhận giá trị chuyển đổi kiến thức: Trường chưa công bố công khai chỉ tiêu, quy trình và kết quả công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức, kỹ năng được miễn trừ trên trang thông tin điện tử của Trường theo quy định... (Phapluatplus.vn 03/01, Đào Xuân - Ngọc Huy) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Cuba triển khai kế hoạch thống nhất tiền tệ

Chính phủ Cuba đã bắt đầu triển khai một kế hoạch quan trọng trong chiến lược KT-XH của đất nước đó là thống nhất tiền tệ, xóa bỏ hệ thống tiền tệ kép.

 Với chính sách mới, Cuba thiết lập tỷ giá hối đoái 24 Peso nội tệ đổi 1 USD. Đồng Peso chuyển đổi sẽ ngừng lưu hành vào cuối tháng 6.

 Những hộ gia đình có thu nhập thấp sẽ được hỗ trợ trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản. Còn các doanh nghiệp quốc doanh báo lỗ do cải cách tiền tệ sẽ được nhận trợ cấp Chính phủ trong 1 năm.

 Bên cạnh đó, Cuba cũng có kế hoạch nâng gấp 5 lần mức lương trung bình, lương hưu và các khoản trợ cấp xã hội.

 Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel nhận định kế hoạch cải tổ hệ thống tiền tệ là một trong những nhiệm vụ phức tạp nhất Cuba phải đối mặt và nhấn mạnh Chính phủ sẽ "không áp dụng liệu pháp sốc". (Vtv.vn 02/01) Về đầu trang

Thủ tướng Anh khuyến khích học sinh đi học

Ngày 3/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định các trường học là môi trường an toàn và khuyến khích trẻ tiếp tục đến trường tại những khu vực cho phép điều này.

 Tuyên bố được đưa ra nhằm xoa dịu những lo ngại số ca mắc COVID-19 gia tăng khi các lớp học dự kiến được mở cửa trở lại sau kỳ lễ Giáng sinh.

 Trả lời đài BBC, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: “Tôi chắc chắn rằng các trường học đều an toàn và giáo dục là một ưu tiên”. Ông cho biết thêm chính phủ có thể cân nhắc siết chặt những biện pháp hạn chế để phòng dịch, nhưng không nêu cụ thể các biện pháp này. 

Nhà lãnh đạo Anh cũng cho biết trong ngày 4/1, nước này sẽ nhận 530.000 liều vaccine phòng bệnh COVID-19 của Oxford/AstraZeneca. Ông bày tỏ hy vọng trong 3 tháng tới, hàng chục triệu người dân Anh sẽ được chủng ngừa. (Baotintuc.vn 03/01, Nguyễn Hằng) Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More