Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 16-10-2020

Post date: 16/10/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Đại hội Đảng bộ ở một số tỉnh, thành đã thành công tốt đẹp. 1

2.                Đắk Nông: Chủ tịch huyện bị “kiểm điểm rút kinh nghiệm” không trúng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. 3

3.                Đảng vì dân - dân tin Đảng. 4

CHỈ THỊ MỚI 5

4.                Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát quy định liên quan tới sách giáo khoa mới 5

TIN QUỐC HỘI 5

5.                Bế mạc Phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội 5

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

6.                IMF: Việt Nam vượt Singapore, Malaysia, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á   6

7.                Chuyên gia Philippines: Xử lí tốt Covid-19, GDP bình quân Việt Nam sẽ vượt Philippines 6

8.                Quảng Ninh: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 7

QUẢN LÝ.. 8

9.                Chi tiền tỷ mua quà tặng đại biểu dự đại hội là chưa thực hiện tiết kiệm.. 8

10.             Bộ Nội vụ trả lời về vấn đề “thừa cấp phó”. 8

11.             Đà Nẵng thí điểm chính quyền đô thị, quận phường lo mất phòng, giảm biên chế. 9

12.             Kiểm toán Nhà nước “chỉ mặt” 6 tỉnh thành sử dụng sai quy định gần 180 tỷ đồng. 10

13.             Thủ tướng: “TP HCM không thiếu tiền, chỉ thiếu cơ chế”. 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

14.             Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, đơn giản hoá thủ tục hành chính. 12

15.             Đơn giản hóa thủ tục hành chính giúp tiết kiệm 77 tỷ đồng. 13

16.             Cải cách hành chính ở Bạc Liêu: Hướng đến sự tiện lợi cho dân. 14

17.             Đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào hoạt động. 14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 15

18.             Vốn đầu tư công: Khơi mãi vẫn chưa thông. 15

19.             Hà Nam: Giải ngân đạt trên 50% vốn vay nước ngoài 16

THẾ GIỚI 16

20.             Argentina tăng lương tối thiểu cho người lao động. 16

 TIÊU ĐIỂM

Đại hội Đảng bộ ở một số tỉnh, thành đã thành công tốt đẹp

Ngày 15/10, Đại hội Đảng bộ các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Thái Bình, Điện Biên, Đắk Lắk, Bình Dương, TP Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Sóc Trăng đã bế mạc.

 Bắc Giang: Đại hội Đảng bộ tỉnh đã thông qua Nghị quyết đề ra mục tiêu phấn đâu xây dựng tỉnh Bắc Giang thành một địa phương phát triển toàn diện, vững chắc, nằm trong 15 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế GRDP dẫn đầu cả nước. Trước đó, Đại hội đã bầu gồm 51 đồng chí vào Ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ mới. Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu ông Dương Văn Thái, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhiệm kỳ mới.

 Tuyên Quang: Tại phiên bế mạc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 17 đã thông qua nghị quyết đề ra 3 khâu đột phá là phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, phát triển du lịch và kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị đưa tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Đại hội cũng đã bầu 48 đồng chí vào cấp ủy nhiệm kỳ mới. Ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy khóa 16, tiếp tục tái đắc cử giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang khóa 17.

 Thái Bình: Tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ 20, Đại hội đề mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đại hội đã bầu 51 đồng chí vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ mới. Ông Ngô Đông Hải, Bí thư tỉnh ủy khóa 19 tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình khóa 20. Cũng tại đại hội, các đại biểu đã quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

 Điện Biên: Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao trước Đảng bộ và trước nhân dân, Đại hội Đảng bộ địa phương này cũng đã qua các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ mới. Đại hội kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nêu cao ý chí tự lực, tự cường, hăng hái thi đua, lao động sáng tạo, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết đại hội đã đề ra. Trước đó, Đại hội đã bầu 51 đồng chí vào cấp ủy. Ông Nguyễn Văn Thắng được được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới.

 Đắk Lắk: Chiều 15/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ 17 cũng đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Đại hội đề ra mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ mới tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 7 %/năm. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng, xây dựng Đắk Lắk xứng đáng là tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên. Đại hội đã bầu 53 đồng chí vào Ban Chấp hành khoá mới. Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy khóa 16 tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khóa 17.

 Bình Dương: Cùng ngày, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 11 đã tiến hành phiên bế mạc. Đại hội thông qua Nghị quyết đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh hiện đại, đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ khoá mới gồm 49 thành viên. Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ mới.

 Hải Phòng: Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ 16 đã thông qua Nghị quyết, phấn đầu đến năm 2025, đưa Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm du lịch quốc tế. Đại hội đã bầu 53 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 16. Ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy khóa 15 tiếp tục tái đắc cử chức vụ Bí thư Thành ủy Hải Phòng khóa 16. Cũng trong phiên bế mạc chiều 15/10, thành phố Hải Phòng đã quyết định tạm trích 10 tỷ đồng để ủng hộ các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai. 

Vĩnh Phúc: Tại phiên bế mạc, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua nghị quyết, đề ra mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ mới tăng trưởng kinh tế bình quân 8,5 - 9 %/năm; thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 6 - 8 %/năm. Đại hội cũng đề ra mục tiêu đến năm 2022, 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 50 đồng chí, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khóa 16 tái cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy khóa 17.

 Tiền Giang: Tại phiên bế mạc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang cũng đề ra mục tiêu tổng quát phấn đấu trong 5 năm tới sẽ xây dựng Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là tỉnh tự cân đối ngân sách. Đại hội cũng đề ra 17 chỉ tiêu chủ yếu, cụ thể như tăng trưởng kinh tế bình quân 7 -7,5 %/năm; đến cuối nhiệm kỳ thu nhập bình quân đầu người trên 93 triệu đồng/năm. Trước đó, Đại hội đã bầu ban chấp hành khóa mới gồm 47 đồng chí. Ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy khóa 10 tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang khóa 11.

 Sóc Trăng: Cùng ngày, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã bế mạc. Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh và bền vững. Đại hội cũng đề ra 3 khâu đột phá: nâng cao nguồn nhân lực; cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng phấn đấu đến năm 2030 có thu nhập bình quân đầu người bằng mức bình quân khu vực. Đại hội đã bầu chọn 51 đồng chí vào cấp ủy khóa mới. Ông Lâm Văn Mẫn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới. (Vtv.vn 15/10)Về đầu trang

Đắk Nông: Chủ tịch huyện bị “kiểm điểm rút kinh nghiệm” không trúng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

Chiều 15/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Đắk Nông đã tiến hành công tác nhân sự, bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025.

 Theo phương án nhân sự, ông Ngô Xuân Đông, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô nằm trong danh sách 54 cán bộ được giới thiệu để bầu lấy 48 người vào Ban Chấp hành khóa mới.

 Theo kết quả kiểm phiếu được công bố, ông Đông không có tên trong danh sách trúng cử Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025.

 Trong khi đó, người trúng cử có số phiếu cao nhất là thượng tá Đinh Hồng Tiếng (346 phiếu, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông), tiếp theo là ông Ngô Thanh Danh (345 phiếu, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông)… thấp nhất là ông Hồ Xuân Hậu (236 phiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông).

 Vào trung tuần tháng 4 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông đã thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Ngô Xuân Đông.

 Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cho rằng, từ năm 2014-2017, ông Ngô Xuân Đông (lúc này Phó chủ tịch UBND huyện Krông Nô) đã để ký hợp đồng với công ty Nam Trường về hợp tác đầu tư xây dựng bến xe khách huyện này theo hình thức đối tác công-tư; trong đó, UBND huyện góp 45% vốn và Cty Nam Trường góp 55%, là không đúng thẩm quyền và không đủ điều kiện theo Nghị định 15 của Chính phủ.

 Ngoài ra, ông Đông còn là người ký quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại dự án thủy lợi Đắk Rồ (hạng mục lòng hồ chính bổ sung), sai về số lượng hộ dân được bồi thường, hỗ trợ và diện tích đất được bồi thường, hỗ trợ so với thực tế (nhiều hơn so với thực tế); dẫn đến phải phê duyệt bổ sung, điều chỉnh lại phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và giảm số tiền từ hơn tỷ 8 tỷ đồng xuống còn hơn 2,4 tỷ đồng…

 Với các sai phạm nêu trên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông thống nhất yêu cầu ông Đông và người tiền nhiệm của ông Đông ở địa phương nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc. (Tienphong.vn 15/10, Vũ Long)Về đầu trang

Đảng vì dân - dân tin Đảng

Trước khi bước chân vào đại hội, 444 đại biểu thêm một lần nữa hãy nhìn thẳng về những người dân thành phố của mình, về con cháu mình, để biết mình cần phải làm gì trong thời điểm quan trọng này.

 Ngày 15-10, Đảng bộ TP.HCM long trọng khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội XI không chỉ là công việc riêng của hơn 100.000 đảng viên Cộng sản mà liên quan đến gần 10 triệu người dân thành phố, bởi "Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

 n dành sự quan tâm đặc biệt, và gửi gắm niềm tin vào sự sáng suốt của các đại biểu.

 Người dân trông đợi đại hội lần này sẽ chọn ra được những lãnh đạo Đảng có "tâm, tầm, tài trí... và tận tụy", bởi sau đại hội, rất nhiều người trong số họ sẽ trở thành những người lãnh đạo chính quyền cấp thành phố và sở, ngành chức năng.

 Những người "đứng mũi chịu sào" không chỉ dám nói, dám làm mà còn dám dũng cảm đương đầu với những cơ chế bảo thủ lạc hậu, phá bỏ những nút thắt, rào cản trói buộc người dân thành phố khó làm ăn và đánh mất những cơ hội phát triển cho thành phố.

 Nhân dân thành phố cũng trông đợi từ đại hội một nghị quyết chính trị định hướng đúng đắn phát triển cho nhiệm kỳ 5 năm tới. Không những thế, điều mà người dân mong chờ nhất là các chương trình hành động cụ thể, hiệu quả nhằm mang lại chất lượng sống tốt hơn.

 Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng trộm cướp để người dân được sống an bình, giải quyết từng bước có hiệu quả tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường để giảm bớt áp lực đang đè nặng lên cuộc sống thường nhật. 

Giảm bớt phong trào ồn ào bằng những hành động thiết thực, rằng nhất định năm 2021 bà con sẽ bước lên con tàu trên tuyến metro số 1, trung tâm tài chính sẽ mọc lên ở Thủ Thiêm, cầu Cát Lái sẽ nối quận 2 (TP.HCM) với Nhơn Trạch (Đồng Nai), đường vành đai 2, 3 sẽ khép kín, bà con đi chữa bệnh sẽ mỗi người một giường và mỗi ngày con trẻ đến trường là một ngày vui... Chỉ cần như thế thôi là đủ làm cho nhân dân thành phố tin yêu vào Đảng.

 Thành phố này còn tiềm ẩn những nguồn lực vô cùng lớn lao về kinh tế - tài chính, văn hóa - xã hội và nhất là vốn con người. Nhân dân thành phố này sẵn sàng cho một cuộc chơi lớn, sẵn sàng bỏ của cải tài sản, công sức để làm nên một "kỳ tích Sài Gòn", để thành phố xứng danh với "hòn ngọc Viễn Đông".

 Điều đó phụ thuộc vào chỗ ai là người có khả năng đánh thức tiềm năng ấy, thổi vào người dân cảm hứng làm giàu, niềm tin chính trị bền chặt và tấm lòng nghĩa tình thủy chung. (Tuoitre.vn 15/10, Nguyễn Minh Hòa)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát quy định liên quan tới sách giáo khoa mới

Chiều 15/10, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về sách giáo khoa (SGK), trong đó yêu cầu, Bộ GD&ĐT cần rà soát ngay các quy định, tổ chức thuộc trách nhiệm của Bộ, của Bộ trưởng liên quan tới chương trình, SGK mới.

 Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên sử dụng SGK lớp 1 mới. Vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng SGK tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều (là 1 trong 5 bộ sách được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt) có nhiều điểm không phù hợp. Các ý kiến này chưa được Bộ GD&ĐT phản hồi kịp thời.

 Bộ GD&ĐT cần tăng cường chỉ đạo việc nghiên cứu các ý kiến góp ý, có quyết định kịp thời, phù hợp theo đúng thẩm quyền như quy định tại Điều 32 Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) để bảo đảm chất lượng của SGK mới đáp ứng yêu cầu đảm bảo mục tiêu giáo dục như quy định tại Điều 2 Luật số 43/2019/QH14.

 Từ thực tiễn biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK lớp 1 mới vừa qua, Bộ GD&ĐT cần rà soát ngay các quy định, tổ chức thuộc trách nhiệm của Bộ, của Bộ trưởng liên quan tới chương trình, SGK; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để huy động, phát huy đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến đối với SGK mới và xây dựng kho học liệu điện tử theo chương trình mới. (Tienphong.vn 15/10)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Bế mạc Phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 15/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 49.

 Trước đó, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào việc chuẩn bị cho chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

 Dự kiến Kỳ họp thứ 10 sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và được tiến hành làm hai đợt. Đợt 1, Quốc hội sẽ họp trực tuyến từ ngày 20/10 đến ngày 27/10. Đợt 2, Quốc hội họp tập trung từ 2/11 đến 18/11.

 Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 4 dự án luật. Quốc hội cũng sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; thông qua các báo cáo giám sát và một số vấn đề quan trọng khác.

 Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đây là kỳ họp quan trọng, tiếp tục tổ chức với hình thức trực tuyến, do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện bổ sung các văn bản dự án luật cũng như chuẩn bị chu đáo các trang thiết bị kỹ thuật, hậu cần, bảo đảm kỳ họp được tổ chức thành công theo chương trình đề ra. (Vtv.vn 15/10)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

IMF: Việt Nam vượt Singapore, Malaysia, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã công bố bản cập nhật mới của Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020.

 Theo báo cáo của IMF công bố, Việt Nam tiếp tục là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng dương năm nay, ở mức 1,6% và đến năm 2021, con số này sẽ đạt 6,7%.

 IMF cũng dự báo trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore và Malaysia. Cụ thể, GDP Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore với 337,5 tỷ USD; Malaysia với 336,3 tỷ USD. Trong khi đó, GDP Thái Lan trong năm nay sẽ đạt 509,2 tỷ USD; Philippines 367,4 tỷ USD; Indonesia 1.088,8 tỷ USD.

 Về tổng quan, IMF nhận định dự báo mức suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020 lần này không nghiêm trọng như báo cáo hồi tháng 6. Song sẽ còn một thời gian dài đến khi đại dịch kết thúc. Các nền kinh tế trên thế giới sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức để có thể phục hồi hoạt động như giai đoạn trước đại dịch COVID-19. (VTV.vn 15/10)Về đầu trang

Chuyên gia Philippines: Xử lí tốt Covid-19, GDP bình quân Việt Nam sẽ vượt Philippines

Báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, trong vòng 5 năm nữa, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Philippines khó có thể đuổi kịp Việt Nam.

  của dịch Covid-19 và cách hai chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng y tế khác nhau đã dẫn đến điều này.

 Theo báo cáo của IMF, GDP Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340,6 tỷ USD trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, đối với GDP đầu người, IMF dự báo Việt Nam đứng thứ 6 trong khối ASEAN với 3.497 USD/người vào năm 2020, vượt qua mức 3.723 USD/người của Philippines.

 IMF còn dự đoán, đến năm 2025, người dân thủ đô Manila chỉ đạt GDP bình quân đầu người ở mức 4805,84 USD/người, trong khi đó người Hà Nội sẽ đạt bình quân là 5211,90 USD/người. Điều này phản ánh những hậu quả nghiêm trọng về mức độ nghèo đói, mà chính phủ Philippines cho rằng xảy ra do khủng hoảng trong đại dịch.

 Theo các chuyên gia Philippines, những con số này phản ánh mức độ hiệu quả của chính phủ trong việc phản ứng với đại dịch. Ông Sonny Frica, Giám đốc điều hành tổ chức nghiên cứu Philippines IBON Foundation đánh giá: “Việt Nam đã phản ứng rất tốt với đại dịch và có thể tiếp tục phát triển mặc dù với tốc độ chậm hơn. Ngược lại, phản ứng kém và trầm lặng của chính quyền ông Duterte đã gây ra sự sụp đổ kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước”. 

Ông Sony cho rằng, việc Việt Nam vượt qua Philippines là không có gì đáng ngạc nhiên vì nền kinh tế quốc gia này đã ở “đỉnh cao” trong nhiều năm nay và cuối cùng đã có thể thu hẹp khoảng cách, thậm chí tăng cao hơn trong năm nay.

 Theo dự báo của IMF, năm 2020 nền kinh tế Philippines được dự báo sẽ giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất kể từ khi nền dân chủ được khôi phục vào năm 1986. Ngược lại, Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 1,6% mỗi năm. (VOV.vn 14/10)Về đầu trang

Quảng Ninh: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng của Quảng Ninh nhằm góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.

 Giải pháp này được tỉnh Quảng Ninh xác định đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế cần phải tăng cường hấp thụ các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, dần kéo lại đà tăng trưởng đang bị sụt giảm đáng kể do tác động xấu từ đại dịch Covid-19.

 Năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp Quảng Ninh bảo vệ thành công ngôi vị quán quân PCI với 73,4 điểm, tăng 3,04 điểm so với năm 2018 và đạt điểm số cao nhất từ trước đến nay. Theo phân tích của các chuyên gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan liên quan khi thực hiện khảo sát PCI năm 2019, cơ bản các chỉ số PCI của Quảng Ninh đều có sự cải thiện rõ nét. Đáng chú ý, trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh có tới 8 chỉ số tiếp tục được nâng cao.

 Cũng theo khảo sát PCI 2019, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Quảng Ninh được đánh giá cao. 82% doanh nghiệp cho biết vướng mắc, khó khăn được tháo gỡ kịp thời và 93% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi, cách giải quyết của các cơ quan chính quyền tỉnh.

 Có 76% doanh nghiệp đánh giá thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định, 82% doanh nghiệp cho biết cán bộ thân thiện trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp và 87% doanh nghiệp đánh giá cán bộ giải quyết công việc hiệu quả.

 Đáng lưu ý, 89% doanh nghiệp đánh giá “UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi truờng kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân" (tỷ lệ đánh giá này năm 2018 là 84%) và 82% doanh nghiệp nhận định "UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh” (năm 2018 là 72%). (Thoibaotaichinhvietnam.vn 15/10, Lan Hương)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Chi tiền tỷ mua quà tặng đại biểu dự đại hội là chưa thực hiện tiết kiệm

Ngày 14/10, tiếp tục phiên họp thứ 49, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.

 Trước kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, cử tri và Nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm , các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp gây bức xúc trong xã hội.

 Tuy nhiên, cử tri cho rằng, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn không ít khó khăn, còn tình trạng đối tượng phạm tội tham nhũng tẩu tán tài sản, bỏ trốn, tham nhũng vặt, nhũng nhiễu trong giải quyết các thủ tục hành chính vẫn tồn tại; việc thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu công vẫn chưa đạt hiệu quả tích cực .

 Nhiều ví dụ được dẫn để chứng minh cho nhận định này, như huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) chi 14 tỷ đồng ngân sách để xây tượng đài ba năm chưa hoàn thành mặc dù đây là một trong 56 huyện nghèo nhất cả nước; Vụ việc 3 công trình y tế công (Khu bệnh viện phụ sản 300 giường xây xong từ năm 2019; Bệnh viện chuyên khoa lao phổi quy mô 300 giường và Bệnh viện chuyên khoa tâm thần quy mô 300 giường bắt đầu xây dựng từ năm 2014 đến 2018 thì hoàn thành cơ bản) tại Bình Dương nhưng đến nay chưa đưa vào sử dụng, bỏ hoang gây lãng phí.

 Việc một số địa phương chi tiền tỉ mua cặp da đựng tài liệu, may trang phục, mua sắm quà tặng cho khách mời và đại biểu dự Đại hội Đảng bộ... cũng nằm trong số các dẫn chứng chưa tiết kiệm. Sau khi hoàn thiện, báo cáo tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ được báo cáo Quốc hội ngay phiên họp đầu tiên của mỗi kỳ họp. (Baodautu.vn 14/10, An Nguyên)Về đầu trang

Bộ Nội vụ trả lời về vấn đề “thừa cấp phó”

Sáng 14/10, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức; Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

 Tại Hội nghị, nhiều ý kiến nêu những vướng mắc khi thực hiện Luật Cán bộ Công chức và Luật Viên chức được nêu ra. Có ý kiến băn khoăn đặt vấn đề, người đang trong thời gian xem xét kỷ luật có được chuyển vào công chức không? Nghị định 107 liên quan đến điều khoản chuyển tiếp đó là trong quá trình sắp xếp lại các sở, phòng nếu số lượng cấp phó nhiều hơn quy định sẽ có lộ trình là 3 năm để thực hiện theo luật. Tuy nhiên, chưa có quy định với phòng không sắp xếp nhưng thừa cấp phó thì sẽ thực hiện theo lộ trình nào?

 Trả lời vấn đề thừa cấp phó với những đơn vị không sắp xếp lại ông Nguyễn Văn Lượng, quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế cho rằng, thừa cấp phó vốn đã sai luật, cho nên địa phương phải chủ động sắp xếp tuân thủ luật. Còn đối với các phòng, ban sau khi sắp xếp lại mà thừa cấp phó mới có điều kiện chuyển tiếp là 3 năm. Liên quan đến vấn đề biên chế, ông Lượng cho biết thêm, địa phương có thể thành lập tổ chức mới, nhưng trên cơ sở những biên chế được giao và không vượt quá số lượng này. (Đại đoàn kết 15/10, N.Khánh)Về đầu trang

Đà Nẵng thí điểm chính quyền đô thị, quận phường lo mất phòng, giảm biên chế

Bộ Nội vụ cùng UBND TP Đà Nẵng ngày 15/10 tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, mô hình chính quyền tại TP Đà Nẵng chỉ có 1 cấp chính quyền ở TP gồm có HĐND và UBND. Còn UBND quận, UBND phường, không có HĐND và chỉ là cơ quan hành chính nhà nước thuộc UBND TP, thực hiện sự chỉ đạo của chính quyền TP nhằm đảm bảo sự quản lý tập trung, thống nhất trên các lĩnh vực.

 Khi đó, UBND phường là cánh tay nối dài của quận và 2 cơ quan này hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường không còn là cán bộ (do HĐND bầu) mà là công chức được tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, quản lý theo quy định.

 Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng cho biết, dự thảo quy định UBND quận gồm 8 cơ quan chuyên môn; số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận không quá 16 người. Còn biên chế công chức phường không quá 12 người.

 Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng cho biết, qua lấy ý kiến, nhiều nơi băn khoăn về quy định liên quan đến biên chế và số lượng cấp phó, cũng như số cơ quan chuyên môn quy định cứng như dự thảo.

 “Đề nghị Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương giao lượng cán bộ, công chức của 45 phường như hiện nay, tương ứng 315 biên chế cán bộ cấp phường và 659 biên chế công chức cấp phường”, Giám đốc Sở Nội vụ nói. 

Về quy định cứng 8 cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh dự thảo như quy định hiện nay để không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy, không làm ảnh hưởng lớn đến tư tưởng cán bộ, công chức cấp quận.

 Đại diện phường Hải Châu 1 cho biết, nếu thực hiện số công chức theo dự thảo, phường sẽ dôi dư 2 người, trong khi công việc của phường rất nhiều, hiện đang quá tải. Vì vậy đại diện phường Hải Châu đề nghị Bộ Nội vụ xem xét thêm chỉ tiêu biên chế công chức cho phường là 15 người.

 Đại diện phường Chính Gián cũng nêu thực tế, công chức của UBND phường hiện nay gồm 3 lãnh đạo UBND và 11 công chức phân bổ trên 6 lĩnh vực. Đội ngũ này đảm bảo công việc ổn định. Còn theo dự thảo mới chỉ còn 12 người gồm cả lãnh đạo và công chức, giảm 2 người so với trước mà phụ trách 5, 6 lĩnh vực thì khó đảm bảo công việc. Như thế một số lĩnh vực sẽ chỉ có một người phụ trách.

 “Một lĩnh vực chỉ một người phụ trách thì cán bộ xám mặt ngay, nhất là khi 50% các lĩnh vực phải có một người ngồi ở bộ phận một cửa để tiếp dân, giải quyết hồ sơ, thủ tục, rồi còn làm công việc chuyên môn…”, đại diện phường Chính Gián nói. Vì vậy, hầu hết các phường đều đề nghị Bộ Nội vụ giữ số lượng công chức phường là 15 người như hiện nay hoặc tăng thêm.

 Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy cho rằng việc giảm từ 12 phòng ban nhập xuống còn 8 phòng cũng là rất khó khăn. Như gộp phòng quản lý đô thị với tài nguyên môi trường thành phòng quản lý đô thị môi trường thì lĩnh vực quản lý rất rộng vì bây giờ nhiều lĩnh vực phân cấp cho quận huyện làm rất nhiều.

 Ngoài ra, dự thảo quy định quận có 16 cấp phó thì trung bình mỗi phòng 2 cấp phó sẽ rất khó khăn trong công tác điều hành. Vì vậy, ông Huy đề nghị Bộ Nội vụ cân nhắc trong việc quy định cứng 8 phòng chuyên môn như dự thảo. (Vietnamnet.vn 15/10, Thu Hằng)Về đầu trang

Kiểm toán Nhà nước “chỉ mặt” 6 tỉnh thành sử dụng sai quy định gần 180 tỷ đồng

6 tỉnh nói trên gồm: Hải Dương 140,7 tỷ đồng, Ninh Bình 28 tỷ đồng, Quảng Bình 5,3 tỷ đồng, Bến Tre 3,6 tỷ đồng, Bắc Ninh 0,88 tỷ đồng, thành phố Đà Nẵng 0,4 tỷ đồng.

 Kết quả kiểm toán ngân sách bộ, ngành và ngân sách địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phát hiện một số tỉnh thành phân bổ kế hoạch vốn cho một số dự án chưa đầy đủ thủ tục đầu tư hoặc không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

 Ngoài ra còn có tình trạng phân bổ vượt tổng mức đầu tư hoặc kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn. Cụ thể, tỉnh Cao Bằng phân bổ vốn đầu tư vượt tổng mức đầu tư được duyệt cho 17 dự án, Đà Nẵng phân bổ vượt tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho 195 danh mục dự án, Bến Tre cũng phân bổ vượt tổng kế hoạch vốn trung hạn cho 4 dự án.

 Tính đến 31/12/2019, một số địa phương vẫn còn nợ đọng xây dựng cơ bản với giá trị lớn, như Ninh Bình 6.338 tỷ đồng, Bắc Ninh 1.805 tỷ đồng, Lạng Sơn 1.702 tỷ đồng, Phú Thọ 1.075 tỷ đồng

 Bên cạnh đó, các tỉnh vẫn để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới với tổng số tiền lên tới 1.922,3 tỷ đồng, gồm: Bắc Ninh 670,9 tỷ đồng; Hà Tĩnh 300,3 tỷ đồng; Hải Dương 500,1 tỷ đồng; Phú Thọ 260,6 tỷ đồng...

 Theo Kiểm toán Nhà nước, có 9/18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa báo cáo đầy đủ nợ đọng thuế, số nợ thuế qua kiểm toán phát hiện tăng thêm 1.923 tỷ đồng, gồm: Đà Nẵng 1.378 tỷ đồng, tỉnh Bắc Ninh 373 tỷ đồng, Lạng Sơn 93 tỷ đồng, Hà Tĩnh 38 tỷ đồng, Lâm Đồng 35 tỷ đồng

 Có 2/18 địa phương ứng trước dự toán ngân sách trung ương nhưng chưa bố trí để thu hồi 1.785,7 tỷ đồng, gồm: Lâm Đồng 1.535 tỷ đồng, Lai Châu 250,7 tỷ đồng

 Có 9/18 địa phương sử dụng sai nguồn 366 tỷ đồng, gồm: Long An 209 tỷ đồng, Lâm Đồng 99,2 tỷ đồng, Trà Vinh 20,4 tỷ đồng, Ninh Bình 17,3 tỷ đồng, Bến Tre 9,1 tỷ đồng, Hà Tĩnh 6,7 tỷ đồng, Lạng Sơn 2 tỷ đồng, Bắc Ninh 0,8 tỷ đồng, thành phố Đà Nẵng 1,4 tỷ đồng.

 Ngoài ra, một số đơn vị tại 7/18 địa phương chưa trích lập đủ nguồn cải cách tiền lương theo quy định 2.145,7 tỷ đồng, điển hình là Bà Rịa Vũng Tàu với 1.840,7 tỷ đồng.

 Thống kê cũng cho thấy có 6/18 địa phương sử dụng sai quy định 179,2 tỷ đồng, gồm: Hải Dương 140,7 tỷ đồng, Ninh Bình 28 tỷ đồng, Quảng Bình 5,3 tỷ đồng, Bến Tre 3,6 tỷ đồng, Bắc Ninh 0,88 tỷ đồng, thành phố Đà Nẵng 0,4 tỷ đồng.

 Kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu và các chương trình mục tiêu quốc gia tại 10/18 địa phương còn tồn chưa hoàn trả ngân sách trung ương 722,9 tỷ đồng, gồm: Đà Nẵng 183,8 tỷ đồng, tỉnh Gia Lai 128,9 tỷ đồng, Long An 105,4 tỷ đồng, Ninh Bình 69,8 tỷ đồng, Trà Vinh 63,3 tỷ đồng, Hà Tĩnh 52,9 tỷ đồng, Lâm Đồng 20,9 tỷ đồng. (Vietnamfinance.vn 15/10, Lê Nguyễn)Về đầu trang

Thủ tướng: “TP HCM không thiếu tiền, chỉ thiếu cơ chế”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói TP HCM không thiếu tiền và nguồn lực mà chỉ cần có cơ chế phù hợp sẽ phát triển nhanh hơn.

 "TP HCM cần tiên phong trong việc tạo ra những cơ chế, chính sách đột phá để có thể huy động được tất cả các nguồn lực phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khi phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần XI, sáng 15/10.

 Ngoài các đề xuất của thành phố mà Trung ương đã ủng hộ thời gian qua như: mô hình chính quyền đô thị, lập thành phố Thủ Đức, phát triển TP HCM trung tâm tài chính quốc tế..., Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, thành phố tiếp tục đề xuất và Trung ương sẽ lắng nghe, ủng hộ giúp thành phố phát triển mạnh hơn nữa.

 Theo Thủ tướng, đại hội lần này là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với tương lai TP HCM - một trung tâm kinh tế năng động và là đầu tàu của cả nước, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, TP HCM lại là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19.

 Điểm lại một số dấu ấn nổi bật của TP HCM nhiệm kỳ qua, Thủ tướng đánh giá thành phố đã phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đề ra như: tốc độ tăng trưởng bình quân trong 4 năm liên tiếp luôn hơn 7,7%, chiếm 22% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước; đóng góp 27% ngân sách quốc gia; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2,4 lần trung bình cả nước. 

"Quy mô kinh tế của TP HCM lớn hơn Việt Nam trước năm 2005, thậm chí lớn hơn một số nước trong khu vực", ông nói và cho rằng diện mạo thành phố đã thay đổi rất nhiều, ngày càng xanh, sạch đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.

 Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, thành phố vẫn còn nhiều hạn chế như: tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, vị trí; động lực tăng trưởng mới vẫn còn trên định hướng, chưa định hình rõ nét; quy hoạch đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển; khoa học - công nghệ chưa thực sự trở thành động lực phát triển; cải cách hành chính chưa được như mục tiêu; tinh thần dám nghĩ dám làm còn hạn chế...

 "Nhiệm kỳ này Thủ tướng đã làm việc trực tiếp 8 lần với thành phố để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn để giúp TP HCM tiến nhanh hơn, mạnh hơn... Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để", ông nói. 

Bày tỏ sự đồng tình với báo cáo chính trị của Đảng bộ TP HCM khoá X, Thủ tướng đề nghị đại hội thảo luận với tinh thần thẳng thắn, cầu thị đề ra những nhiệm vụ mới, khắc phục yếu kém để làm tốt hơn trong thời gian tới. Thành phố cần có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý để phát triển nhanh, bền vững thời gian tới khi mà tình hình thế giới được dự báo tiếp tục phức tạp, xu hướng bảo hộ, cạnh tranh quốc gia ngày càng tăng, Covid-19 còn kéo dài...

 "Đây là nhiệm vụ nặng nề, nhưng với những tiềm năng và lợi thế không nơi nào có được, thiên thời, địa lợi, nhân hòa hội tụ khá đầy đủ... chúng ta tin tưởng rằng các mục tiêu này hoàn toàn có khả năng đạt được, đặc biệt với tinh thần cả nước vì thành phố và thành phố vì cả nước", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. (Vnexpress.net 15/10, Hữu Công)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, đơn giản hoá thủ tục hành chính

Nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp, trong 9 tháng qua, cùng với việc tiến hành thanh, kiểm tra, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính còn tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng thông qua việc luân chuyển cán bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính.

 Theo báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng quý 3 và 9 tháng đầu năm 2020, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện trên 52.000 cuộc; tiến hành kiểm tra trên 436.000 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ hơn 9.000 vụ. Trên cơ sở này đã kiến nghị xử lý về tài chính 43.646.941 triệu đồng, trong đó số tiền đã thu nộp ngân sách Nhà nước là 8.717.892 triệu đồng.

 Song song với công tác thanh kiểm tra, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính còn thường xuyên quán triệt, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng gắn với triển khai, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, để phòng ngừa tham nhũng, toàn ngành đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 3.507 người, trong đó, Tổng cục Thuế 2.348 người, Tổng cục Hải quan 698 người; Kho bạc Nhà nước 437 người; Tổng cục Dự trữ Nhà nước  24 người).

 Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động, trong đó tập trung vào các lĩnh vực thuế, hải quan, công tác tổ chức cán bộ, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm.

 Mặt khác, để tránh gây phiền hà cho người dân trong thực thi công vụ, toàn ngành tài chính còn tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 325 đơn vị, trong đó Tổng cục Thuế 212 đơn vị; Tổng cục Hải quan là 31 đơn vị… Kết quả kiểm tra cho thấy, cán bộ công chức đều nghiêm túc chấp hành đúng quy định trong thực thi công vụ, không có thái độ cửa quyền, hách dịch gây phiền hà cho đơn vị, người dân.

 Cùng với tăng cường thanh, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, Bộ Tài chính còn thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đề xuất bãi bỏ những thủ tục không còn phù hợp, hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, qua đó tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.

 Luỹ kế từ ngày 1/1/2020 đến 31/8/2020, Bộ Tài chính đã công bố bãi bỏ 37 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 44 thủ tục hành chính và ban hành mới 47 thủ tục theo yêu cầu quản lý trong các lĩnh vực hải quan, kho bạc, công sản, thuế và kế toán, kiểm toán. Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ, kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện thủ tục hành chính theo đúng quy định. Không chỉ vậy, việc thực hiện nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cũng được chú trọng. (Tapchithue.com.vn 14/10, Hương Quỳnh)Về đầu trang

Đơn giản hóa thủ tục hành chính giúp tiết kiệm 77 tỷ đồng

Trong Quý III/2020, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính của Văn phòng Bộ đã góp ý 4 văn bản quy phạm pháp luật và 17 thủ tục hành chính, thẩm định 1 dự thảo Thông tư và 2 thủ tục hành chính, kiểm soát chất lượng công bố thủ tục hành chính đối với 2 Quyết định, 9 thủ tục hành chính.

 Lĩnh vực rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đã thực hiện rà soát 34 thủ tục hành chính, ban hành phương án đơn giản hóa 15/34 thủ tục hành chính đạt 44,11%.

 Cụ thể, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa trên 106 tỷ đồng/năm, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa trên 28 tỷ đồng/năm, qua đó tiết kiệm được trên 77 tỷ đồng/năm, đạt tỷ lệ cắt giảm chi phí 72.80%.

 Về công bố, công khai thủ thủ tục hành chính, đã ban hành Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN-PTNT (Quyết định 2538/QĐ-BNN-VP ngày 06/7/2020); cập nhật, công khai 09 thủ thủ tục hành chính vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính (https://dichvucong.gov.vn).

 Trong quý III, Bộ NN-PTNT đã tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về thủ thủ tục hành chính, chuyển xử lý, công khai kết quả xử lý đối với 2 phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. 

Cũng trong quý III, Bộ NN-PTNT tiếp tục xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của Bộ tại các đơn vị, dự thảo Quy chế quản lý, vận hành, khai thác sử dụng Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ. (Nongnghiep.vn 15/10, Nguyên Huân)Về đầu trang

Cải cách hành chính ở Bạc Liêu: Hướng đến sự tiện lợi cho dân

Nhiều năm nay, tỉnh Bạc Liêu luôn xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá, có tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội. Giá trị trung bình chỉ số CCHC của tỉnh từ năm 2012 - 2019 đạt 80,11%, được đánh giá thuộc nhóm tốt.

 Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại cơ quan hành chính nhà nước, tỉnh đã chủ động khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC. Kết quả, năm 2015 thực hiện khảo sát với 2.850 phiếu và năm 2017 với 2.563 phiếu. Thông qua các cuộc khảo sát, một số tiêu chí được đa số ý kiến của người dân, doanh nghiệp đánh giá tốt. Điển hình như tiêu chí “tiếp cận thông tin TTHC” dễ dàng, “thời gian chờ nộp hồ sơ” nhanh, “trả kết quả giải quyết TTHC” đúng hẹn, “niêm yết công khai TTHC” đầy đủ, rõ ràng.

 Đánh giá chung về quá trình thực hiện TTHC tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, đa số ý kiến của người dân, doanh nghiệp đánh giá là hài lòng. Điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của cơ quan, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, từ năm 2017 - 2019, tỉnh luôn đạt mức độ đánh giá sự hài lòng từ 80% trở lên.

 Đối với việc đơn giản hóa TTHC, qua 10 năm, UBND tỉnh đã phê duyệt rà soát 172 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp trên địa bàn tỉnh. Thông qua công tác rà soát, đánh giá, tỉnh đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đơn giản hóa 172 TTHC (trong đó 152 TTHC thuộc thẩm quyền quyết định của Trung ương, 20 TTHC thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương).

 Nhiều kiến nghị của tỉnh về quy định TTHC qua rà soát, đánh giá đã được Bộ, ngành Trung ương ghi nhận, tiếp thu điều chỉnh, sửa đổi, góp phần tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC. Hiện tại, 100% TTHC sau khi công bố đều được cập nhật dữ liệu điện tử vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia và công khai trên Cổng, trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đúng quy định, đảm bảo yêu cầu về chất lượng.  (Baobaclieu.vn 14/10, Kim Phượng)Về đầu trang

Đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào hoạt động

Ngày 15/10, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chính thức đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào hoạt động tại số 4 đường Phạm Văn Đồng (phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa).

 Theo đó, các lĩnh vực mà Trung tâm thực hiện gồm: tư vấn, hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ (đối với các thủ tục thực hiện theo mô hình “4 tại chỗ”) và trả kết quả đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị gồm: các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (trừ Thanh tra tỉnh), Ban Quản lý các Khu Công nghiệp; Công an tỉnh với các lĩnh vực căn cước công dân, đăng ký, quản lý con dấu, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Bảo hiểm xã hội với các lĩnh vực thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, cấp sổ, cấp thẻ.

 Ông Dương Văn Thơm, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm, cho biết: Nhân dịp này, Trung tâm Phục vụ hành chính công khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ: http://dichvucong.baria-vungtau.gov.vn cung cấp cho người dân, tổ chức các dịch vụ công gồm: công khai thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, theo dõi, thống kê tiến độ giải quyết hồ sơ, lấy ý kiến góp ý, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận của Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa các cấp. (TTXVN 15/10, Đoàn Mạnh Dương)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Vốn đầu tư công: Khơi mãi vẫn chưa thông

Tổng giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các địa phương 9 tháng qua chưa đạt yêu cầu.

 Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), dự toán vốn nước ngoài được giao từ ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương là 38.484 tỷ đồng. Số các địa phương đã phân bổ và nhập Tabmis tính đến ngày 30/9 đạt 97% dự toán (vốn cấp phát), tăng 6,6% so với thời điểm 31/8. Trong số dự toán trên, số dự toán các địa phương đề nghị hoàn trả lại ngân sách trung ương chiếm 11,73% dự toán.

 Về nguồn vốn Trung ương cho vay lại cho địa phương, các địa phương đã phân bổ và hệ thống Tabmis tính đến ngày 30/9/2020 đạt 75,3% dự toán, tăng 1,2% so với thời điểm 31/8.

 Tỷ lệ giải ngân chung nguồn Trung ương hỗ trợ cho địa phương từ nguồn nước ngoài theo phương thức ghi thu ghi chi, bao gồm cả phần ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu và Trung ương cho vay lại là 30,4% dự toán được giao. 

Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương theo kế hoạch vốn 2019, phần được chuyển nguồn và kéo dài thời gian thực hiện đến 31/12/2020 của các địa phương đạt 71,6% so với dự toán 2019 được chuyển nguồn bao gồm cả số vốn giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước.

 Hiện nay, đã có 60/62 địa phương được giao dự toán vốn vay nước ngoài đã nhập và phân bổ trên 50% dự toán được giao trên Tabmis, trong đó 43/62 địa phương đã nhập Tabmis 100%, tăng so với thời điểm 31/8 là 18 địa phương.

 Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại nhận định, tỷ lệ giải ngân tháng 9/2020 đã có cải thiện đáng kể (tăng thêm 8%) so với tháng 8/2020, song tổng giải ngân 9 tháng đầu năm vẫn thấp so với dự toán 2020.

 "Nếu so với dự toán giảm trừ do các địa phương trả lại dự toán, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương đạt 32,43% trong khi thời gian giải ngân dự toán 2020 còn lại là 4 tháng", đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết.

 Việc quản lý vốn nhàn rỗi trên các tài khoản tạm ứng được tăng cường, Bộ Tài chính cho biết, số dư vốn ứng chưa báo cáo hoàn chứng từ trên các tài khoản tạm ứng giảm dần qua các thời điểm 31/12/2019, 31/8/2020 và 30/9/2020. Cùng với đó, vốn giải ngân thực thanh toán tăng, thời gian chi tiêu trung bình từ các tài khoản tạm ứng giảm từ 7 tháng xuống còn 3 đến 4 tháng. Điều này góp phần giảm chi phí trả lãi vay cho ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và đẩy nhanh giải ngân. (Vtv.vn 15/10)Về đầu trang

Hà Nam: Giải ngân đạt trên 50% vốn vay nước ngoài

Báo cáo công tác giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài của UBND tỉnh Hà Nam cho thấy, 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh giải ngân được 327 tỷ đồng, bằng 50,13% kế hoạch vốn. Trong đó, vốn kéo dài từ năm 2019 chuyển sang giải ngân được là 46,9 tỷ đồng, bằng 68,5% kế hoạch; vốn kế hoạch năm 2020 đã giải ngân được hơn 280 tỷ đồng, bằng 48% kế hoạch.

 Lý giải về nguyên nhân giải ngân vốn vay chưa đảm bảo kế hoạch, đại diện UBND tỉnh Hà Nam cho biết, do Dự án phát triển đô thị Phủ Lý đang xin gia hạn thời gian thực hiện; các gói thầu sử dụng vốn vay 70% chưa phê duyệt kế hoạch đấu thầu nên không giải ngân được số vốn đã phân bổ…

 Để thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công, UBND tỉnh Hà Nam đề nghị các cấp ngành liên quan tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư của dự án đã được bố trí vốn năm 2020 hoàn tất các thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, kịp thời làm thủ tục giải ngân đối với các dự án đã có khối lượng hoàn thành.

 Đối với trường hợp các dự án được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư; điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch vốn năm 2020 đối với một số dự án…, UBND tỉnh Hà Nam đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có kế hoạch điều chỉnh, hướng dẫn sớm hoàn thành hồ sơ thủ tục để tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả, đáp ứng tiến độ kế hoạch Chính phủ giao. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 15/10, Văn Tuấn) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Argentina tăng lương tối thiểu cho người lao động

Ngày 14/10, Chính phủ Argentina đã quyết định tăng 28% lương tối thiểu cho người lao động từ mức 16.875 peso (205 USD) lên mức 21.600 peso (262 USD)/tháng.

 Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp giữa đại diện chính phủ và lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động (CGT) của Argentina và Trung tâm những người lao động Argentina (CTA).

 Quá trình tăng lương tối thiểu sẽ được chia làm 3 gian đoạn, trong đó giai đoạn 1 với mức tăng 12% sẽ được tiến hành trong tháng 10/2020; giai đoạn 2 với mức tăng 10% được triển khai vào tháng 12/2020; mức tăng 6% còn lại sẽ được thực hiện vào tháng 3/2021. 

Theo Hội đồng Tiền lương quốc gia Argentina, lần cuối cùng nền kinh tế lớn thứ 3 Nam Mỹ này tăng lương tối thiểu cho người lao động là vào tháng Chín năm ngoái dưới thời Tổng thống Mauricio Macri, với mức tăng 35% từ 12.500 peso (151 USD)/tháng lên 16.875 peso (205 US)/tháng.

 Kinh tế Argentina đã rơi vào suy thoái kể từ năm 2018 và lạm phát của nước này vượt hơn 40%. Tình trạng nghèo đói và thất nghiệp đã tăng vọt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

 Viện Thống kê và Điều tra Argentina (INDEC) mới đây cho biết tỷ lệ đói nghèo trong nửa đầu năm nay của nước này đã tăng lên mức 40,9% so với mức 35,5% ghi nhận vào cuối năm ngoái. Đây là một trong những số liệu thống kê tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Mỹ Latinh này.

 Theo INDEC, tổng thu nhập trung bình hàng tháng của các hộ gia đình nghèo tại Argentina hiện ở mức 25.759 peso (khoảng 320 USD), trong khi đó "giỏ tiêu dùng" gia đình cơ bản ở nước này có giá trị 43.785 peso (khoảng 545 USD). (Vtv.vn 15/10)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More