Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 15-9-2020

Post date: 15/09/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.                Phải công khai số lượng viên chức đơn vị sự nghiệp công lập. 1

TIN QUỐC HỘI 2

2.                Tạm đình chỉ cả cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý để điều tra. 2

3.                “Số vụ tham nhũng được phát hiện chưa phản ánh đúng thực trạng”. 3

4.                “Lộ bí mật nhà nước trên mạng “ngày càng nghiêm trọng”. 4

5.                Đơn thư tố cáo tăng trước thềm đại hội đảng bộ các cấp. 5

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

6.                Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả doanh nghiệp. 6

7.                Làn sóng dịch chuyển đầu tư: Lóe lên niềm hy vọng! 6

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

8.                Bổ nhiệm cán bộ "thần tốc", thiếu minh bạch... gây hoài nghi trong dư luận. 8

QUẢN LÝ.. 9

9.                Hàng loạt lãnh đạo ở Quảng Ngãi xin nghỉ hưu trước tuổi 9

10.             Băn khoăn hỗ trợ đổi xe máy cũ ở Hà Nội 10

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

11.             Năm 2025, Hà Nội hoàn thành chuyển đổi số cơ quan Đảng và chính quyền. 11

12.             Bình Phước đưa vào hoạt động “bộ não điều hành kỹ thuật số” của tỉnh. 11

13.             Bắc Giang nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. 12

14.             Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả xử lý công việc trên môi trường điện tử. 12

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 13

15.             Hàng loạt cán bộ bị xem xét kỷ luật, đề nghị khai trừ Đảng. 13

16.             Yêu cầu Hà Nội kiểm điểm, xử lý đảng viên liên quan đến các vụ án nghiêm trọng. 14

17.             Thanh Hóa: Mất chức Phó Chủ tịch huyện vì đánh bạc. 15

THẾ GIỚI 15

18.             Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản chiến thắng cuộc bỏ phiếu chọn thủ tướng mới 15

19.             Trung Quốc giới hạn hoạt động của các nhà ngoại giao Mỹ. 16

 CHÍNH SÁCH MỚI

Phải công khai số lượng viên chức đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 106/2020 quy định về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-11-2020 và thay thế Nghị định 41/2012 quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

 1. Nguyên tắc xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc: Theo Nghị định, việc xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập; bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, bảo đảm một người làm việc phải được giao đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian lao động quy định. Những vị trí việc làm không có đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian quy định của một người làm việc thì phải bố trí kiêm nhiệm.

 2. Căn cứ xác định vị trí việc làm: Nội dung Nghị định quy định cụ thể hai căn cứ xác định vị trí việc làm, bao gồm: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập; Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

 3. Căn cứ xác định số lượng người làm việc: Nghị định nêu rõ ba căn cứ xác định số lượng người làm việc, cụ thể: Vị trí việc làm và khối lượng công việc thực tế tại từng vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập; Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; Thực trạng quản lý, sử dụng số lượng người làm việc được giao của đơn vị.

 4. Về xử lý trách nhiệm: Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, Hội đồng quản lý (đối với đơn vị sự nghiệp công lập có Hội đồng quản lý) và Hội đồng trường (đối với trường đại học công lập) thực hiện không đúng các quy định tại Nghị định thì bị xem xét, đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ hàng năm và xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật

 5. Về trách nhiệm thi hành: Nội dung Nghị định nêu rõ: Chậm nhất đến hết ngày 30-6-2021, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý. (Plo.vn 14/9, N.Thảo)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Tạm đình chỉ cả cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý để điều tra

Sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020.

 Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, năm 2020, "tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi".

 Trong kỳ báo cáo, có 2 người bị tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao và 1 người bị đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao do có xung đột lợi ích.

 Qua kiểm tra thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, các cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 56 người, xử lý hình sự 64 người; kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 43 tỷ đồng, đã được thu hồi và bồi thường gần 23 tỷ đồng.

 Cùng với đó, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (tăng 32% so với năm 2019).

 Việc nộp lại quà tặng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Năm 2020, có 3 trường hợp nộp lại quà tặng trị giá 31,8 triệu đồng. Trong khi, cùng kỳ năm trước không có trường hợp nộp lại.

 Các cấp, ngành đều chú trọng triển khai thực hiện Luật PCTN năm 2018. Nhiều trường hợp cán bộ đã bị tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. 

Báo cáo của Chính phủ dẫn chứng trường hợp Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung , Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến…

 Cũng trong kỳ báo cáo có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019), trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

 Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh. Các vụ án thụ lý đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không có oan sai, bỏ lọt tội phạm, được dư luận và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

 Các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực, phối hợp ngày càng chặt chẽ, bài bản hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu.

 Đặc biệt, đã chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai ngay các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đạt tỷ lệ cao, nhiều vụ thu hồi 100% số tiền thiệt hại.

 Theo báo cáo của Chính phủ, với vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung đã thi hành xong 2.584 việc (chiếm 61,95% tổng số việc có điều kiện thi hành, tăng 222% so với 9 tháng năm 2019) với số tiền hơn 11.390 tỷ đồng (chiếm 23,25% tổng số tiền có điều kiện thi hành, tăng 84,51% so với 9 tháng năm 2019).

 Còn những vụ án diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết hết ngày 31/7/2020, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã tổ chức thi hành 58 vụ việc.

 Trong đó, 15 vụ việc đã được tổ chức thi hành xong với số tiền gần 19.262 tỷ đồng. Riêng những tháng đầu năm 2020, đã thi hành được số tiền hơn 10.442 tỷ đồng, bằng 54% tổng số tiền đã thi hành xong từ trước đến nay.

 Hiện, 43 vụ việc thuộc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo với tổng số tiền phải thi hành 55.278 tỷ đồng đang được tổ chức thi hành án. (Cafef.vn 14/9, Hoàng Đan)Về đầu trang

“Số vụ tham nhũng được phát hiện chưa phản ánh đúng thực trạng”

Sáng 14/9, Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Báo cáo thẩm tra nội dung này, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, nói "dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, sát sao của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó".

 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đơn cử các vụ án xảy ra tại: Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; Tổng Công ty bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; Công ty fang thép Thái Nguyên...

 Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp do tham nhũng, vi phạm về quản lý kinh tế.

 Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, số vụ án được phát hiện, điều tra còn "chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng". Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục.

 Hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu; số vụ việc, vụ án tham nhũng do cơ quan điều tra chuyên trách phát hiện, khởi tố, điều tra còn ít. Việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Chất lượng và tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều...

 Bà Lê Thị Nga cũng đề cập đến tình trạng vẫn còn nghi phạm bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận. Ví dụ như, bị can Vũ Đình Duy bị truy nã đặc biệt về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex); bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) bị truy nã quốc tế về các tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; bị can Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, khi bị khởi tố không có mặt tại địa phương... (Vnexpress.net 14/9, Hoàng Thùy)Về đầu trang

“Lộ bí mật nhà nước trên mạng “ngày càng nghiêm trọng”

Sáng 14/9, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 Theo ông, từ ngày 1/10/2019 đến 31/7, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình, thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, ngăn ngừa âm mưu bạo loạn, khủng bố, phá hoại. 

Tuy nhiên, an ninh nội địa còn tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây bất ổn; an ninh kinh tế diễn biến phức tạp. "Tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng", ông nói.

 Vì vậy, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông, nhất là những vấn đề liên quan đến không gian mạng. Nhiều kế hoạch, biện pháp phát hiện, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao được triển khai; triệt phá nhiều đường dây tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet...

 "Tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn", lãnh đạo Bộ Công an nói.

 Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nói năm 2020, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế được nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra so với cùng kỳ năm 2019. Một số chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội như: Tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội vượt hơn 11%, án đặc biệt nghiêm trọng vượt gần 6%.

 Tuy nhiên, theo đại diện Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm, dẫn đến số trường hợp VKSND các cấp không phê chuẩn tăng mạnh so với năm 2019.

 "Còn 17 trường hợp cơ quan điều tra phải đình chỉ bị can, do không có sự việc phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm", bà Nga nói. (Vnexpress.net 14/9, Hoàng Thùy)Về đầu trang

Đơn thư tố cáo tăng trước thềm đại hội đảng bộ các cấp

Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020 tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều 14/9, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay số lượng khiếu nại giảm 5,8% số đơn và giảm 15,5% số vụ việc so với năm 2019. Còn tố cáo tăng 20,8% số đơn nhưng giảm 0,8% số vụ việc.

 Một số địa phương có số đơn thư tố cáo tăng nhiều so với năm 2019 là TP HCM (tăng 139%, hơn 2.400 đơn), Tuyên Quang (468%, 670 đơn), Khánh Hòa (204%, 615 đơn).

 Nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ; bao che cho cấp dưới, có lối sống, sinh hoạt không đúng mực...

 Trong tổng số đơn, nội dung tố cáo lĩnh vực hành chính chiếm 64,8%; lĩnh vực tư pháp chiếm tỉ lệ 4,5%, chủ yếu là tố cáo cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng thiếu khách quan trong giải quyết vụ án; tố cáo cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng chiếm tỉ lệ 2,8%. Nhiều người bị tố cáo là nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.

 Theo ông Khái, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ tố cáo tăng, như: Chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp; công tác quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém. Một số công chức chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ và thiếu khách quan, công tâm trong thực thi công vụ; có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân...

 Bên cạnh đó, năm 2020 cả nước tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội lần thứ XIII của Đảng, cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tố cáo.

 Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận xét, cơ cấu và lĩnh vực khiếu nại, tố cáo không có nhiều thay đổi so với năm trước; tập trung chủ yếu về khiếu nại liên quan đến đất đai, chiếm hơn 61 % tổng số đơn khiếu nại (so với năm 2019 giảm 5,4%).

 Tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, thực thi công vụ... "Tại trụ sở tiếp công dân Trung ương đặc biệt nổi lên một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tập trung đông người ẩn chứa yếu tố tôn giáo hoặc có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch", ông Tùng nói.

 Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa phân tích sâu về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2020, nhất là những biến động lớn về số liệu so với các năm trước đây; chưa phân tách được số liệu cụ thể vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh mới trong năm nay, số vụ việc từ những năm trước còn tồn đọng chưa giải quyết xong.

 Báo cáo cũng Chính phủ cũng chưa đánh giá xu hướng phát triển của khiếu kiện tập trung đông người..., để từ đó làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp thích hợp trong thời gian tới. (Vnexpress.net 14/9, Hoàng Thùy)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả doanh nghiệp

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho các doanh nghiệp năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

 Theo khảo sát của Ban IV khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch. Ngoài ra, Ban IV cũng có đề xuất ngân hàng mở rộng hình thức vay tín chấp, tiếp tục ưu đãi lãi suất với các khoản vay đầu tư, giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ.

 Để kích cầu tiêu dùng, đối với thuế giá trị gia tăng (VAT), Ban IV đề xuất giảm mức thuế suất từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng, nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch. (VTV.vn 14/9)Về đầu trang

Làn sóng dịch chuyển đầu tư: Lóe lên niềm hy vọng!

Vào cuối tháng 11 này, hãng điện tử Samsung (Hàn Quốc) sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất ti vi duy nhất của mình tại thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) để chuyển sang một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

 Dù đây chỉ là một nhà máy khá nhỏ, với khoảng vài trăm công nhân, nhưng cũng là ánh sáng đầu tiên cho chuỗi những tháng ngày hy vọng về làn sóng dịch chuyển FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào Việt Nam.

 Trong vòng hai năm qua, Việt Nam đã có không dưới hai lần bùng lên niềm hy vọng về làn sóng dịch chuyển này, nhưng cả hai lần, hy vọng vẫn chỉ là hy vọng.

 Vào đầu năm 2019, cả nền kinh tế háo hức trong chờ đợi các dự án FDI ồ ạt chảy vào Việt Nam khi xảy ra thương chiến Mỹ - Trung. Đất nước lúc đó có thời cơ lớn để thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ cao đến từ EU, từ các nền kinh tế lớn khác nói chung. Trong các cuộc họp thường kỳ Chính phủ khi đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nhắc nhở các bộ, ngành tập trung triển khai nhiệm vụ này. Ông nhấn mạnh, “phải nóng lòng, phải biết sốt ruột để đề ra những giải pháp, cách làm sáng tạo tận dụng cơ hội phát triển đất nước”.

 Thời gian thấm thoát trôi đi, làn sóng này không xuất hiện như kỳ vọng. “Các tập đoàn công nghệ cao đến Việt Nam hay các nước xung quanh? Rất ít tập đoàn vào Việt Nam”, Thủ tướng buồn rầu, “chúng ta muốn thu hút họ đến đầu tư, nhưng lại không muốn thực sự làm gì. Chúng ta cứ ngồi chờ sung rụng thì không có đâu!”.

 Tiếp đó, đến những ngày tháng của nửa đầu năm 2020, Việt Nam nổi bật trên toàn cầu về thành công trong chống đại dịch. Uy tín và vị thế của Việt Nam được đánh giá rất cao và đó chính là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam, với lợi thế đặc biệt là sự tin cậy chiến lược, điểm đến đầu tư an toàn.

 Không để cơ hội này vuột mất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại yêu cầu thành lập một Tổ công tác đặc biệt đón làn sóng FDI vào Việt Nam. Đây đã là lần thứ hai Thủ tướng đưa ra yêu cầu như vậy. Không giống như lần trước, lần này, cả guồng máy có vẻ khẩn trương và nóng lòng sốt ruột hơn nhiều.

 Chính phủ liên tục phát đi những thông điệp mạnh mẽ rằng, với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, đồng thời với những nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, đẩy lùi đại dịch Covid-19 Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao, trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

 Chính phủ cũng chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt hàng loạt giải pháp để rộng đường cho dòng vốn đầu tư dịch chuyển theo nguyên tắc cùng thắng (win-win). Có thể kể đến như sự dồn lực của Bộ Tài chính trong rà soát tổng thể các chính sách tài chính, đặc biệt là chính sách thuế thu hút vốn FDI đang được áp dụng, để có những điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cho phù hợp, hướng đến xây dựng một hệ thống thuế tốt với chi phí tuân thủ thấp; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống chuyển giá và hiện tượng “vốn mỏng”...

 Và sự đặt chân đến Việt Nam vào những ngày tới đây của nhà máy sản xuất TV SamSung, là chỉ dấu cho thấy làn sóng các dự án FDI chảy về Việt Nam sẽ không “mất hút” như lần thứ nhất. Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á - ông Nirukt Sapru khẳng định, đại dịch Covid-19 có thể sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa, tuy nhiên, không điều gì có thể ngăn cản các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm các cơ hội và đưa ra những chiến lược mới để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam.

 Thực tế, trong bối cảnh đầu tư nước ngoài toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020, nhưng kết quả thu hút đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan, với tổng vốn đăng ký gần 20 tỷ USD. Đặc biệt, vốn đăng ký mới tăng 6,6%, vốn đăng ký mở rộng và tăng thêm tăng 22,2%. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 14/9, Đoàn Trần) Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Bổ nhiệm cán bộ "thần tốc", thiếu minh bạch... gây hoài nghi trong dư luận

“Có một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch; bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn … đã gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận”.

 Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn. Dù gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hướng lớn của dịch bệnh Covid-19, nhưng hầu hết các nhiệm vụ về công tác này vẫn cơ bản được hoàn thành theo kế hoạch, có nhiệm vụ vượt yêu cầu.

 Cụ thể như 2.944 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn được tiến hành và phát hiện 335 vụ việc, 467 người vi phạm (tăng 37,7% số vụ và 74,7% số người vi phạm so với năm 2019). 56 người bị kỷ luật và 64 người bị xử lý hình sự. Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 19 đơn vị cũng phát hiện trong tuyển dụng công chức, viên chức thông báo không được công khai, quy định bằng cấp chuyên môn không phù hợp; thiếu sót; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh và trình tự, thủ tục, thời hạn bổ nhiệm…

 Trong năm nay có 3 trường hợp nộp lại quà tặng trị giá 31,8 triệu đồng. Các cấp, các ngành cũng đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 26.732 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 34% so với năm 2019).

 Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, Báo cáo cho biết có 81 trường hợp bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019); trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

 Các cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 508 vụ án, 1.186 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 286 vụ, 606 bị can (tăng 15 vụ, 58 bị can so với cùng kỳ năm 2019); thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng và 45.503,5m2 đất; thu hồi trên 10.000 tỷ đồng. Cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng cũng điều tra và xử lý tham nhũng 4 vụ, số tiền thiệt hại do tham nhũng là hơn 27,713 tỷ đồng.

 Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng cũng có chuyển biến tích cực khi thi hành xong số tiền là hơn 11.390 tỷ đồng trong các vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung.

 “Cùng với những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII có thể khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng không những không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước” – báo cáo nhấn mạnh.

 Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao về những kết quả đạt được, tuy nhiên cũng cho rằng công tác phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định.

 Cụ thể như việc thực hiện quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích tuy đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện nhưng trên một số lĩnh vực, hiệu quả công tác này còn chưa thực sự chuyển biến. Qua công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra...

 Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra khá phổ biến; thậm chí có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng.

 Cũng theo cơ quan thẩm tra, việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong một số trường hợp còn chưa thật sự phù hợp, dẫn đến còn có trường hợp người đứng đầu bị xử lý. Bên cạnh đó, qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch; bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn … đã gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận.

 Uỷ ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện các kiến nghị về đánh giá, nhận diện về tình trạng “tham nhũng vặt”, tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng để có giải pháp phòng, chống; tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp. (VOV.vn 14/9, Ngọc Thành)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Hàng loạt lãnh đạo ở Quảng Ngãi xin nghỉ hưu trước tuổi

Ngày 14/9, ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi, cho biết trên địa bàn có gần 60 cán bộ, lãnh đạo từ cấp xã đến cấp tỉnh xin nghỉ hưu trước tuổi.

 "Trong số này có 3 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một Tỉnh ủy viên, Chủ tịch tịch UBND TP Quảng Ngãi viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi do không đủ tuổi tái cử. Nhiều cán bộ, lãnh đạo cấp xã, huyện, TP Quảng Ngãi đã nghỉ hưu trước tuổi bắt đầu từ ngày 1/9", ông Dụng nói.

 Lãnh đạo Sở Nội vụ Quảng Ngãi cho rằng việc này là thực hiện theo Nghị định 26 quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

 "Đây là cơ hội cho đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, có năng lực sẽ được bổ nhiệm, đề bạt tiếp tục gánh vác trọng trách nhiệm kỳ 2021-2026 thay cho các lãnh đạo nghỉ hưu trước tuổi”, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi nói.

 Ông Dụng cho biết trước đây Nhà nước động viên cán bộ, công chức không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nghỉ hưu trước tuổi nhưng nhiều người không nghỉ. Bây giờ nhiều người tình nguyện viết đơn xin nghỉ là đáng hoan nghênh. (Tienphong.vn 14/9, Minh Hoàng)Về đầu trang

Băn khoăn hỗ trợ đổi xe máy cũ ở Hà Nội

Nhiều chuyên gia lo ngại tính hiệu quả của chương trình đổi xe máy cũ của TP Hà Nội, với mức hỗ trợ cho người dân từ 2-4 triệu đồng.

 Ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Hà Nội), cho biết sẽ có 2 nguồn kinh phí để thực hiện chương trình này. Thứ nhất, Hiệp hội Xe máy Việt Nam chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải và lắp đặt tại 8 địa điểm đo kiểm khí thải và 30 trạm đổi xe... Thứ hai, Sở TN-MT chủ trì các hoạt động tuyên truyền. Kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho Sở TN-MT năm 2020 tại nhiệm vụ: Triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học đến cộng đồng dân cư trên địa bàn TP…

 Tuy nhiên, theo ông Thái, việc hỗ trợ người dân đổi xe máy đã sử dụng quá 18 năm đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn nên UBND TP yêu cầu Sở TN-MT tiếp tục xin ý kiến của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị phối hợp thực hiện để có phương án khả thi nhất.

 Nhiều chuyên gia cho rằng để đổi hết khoảng 2,5 triệu xe máy, cần khoản kinh phí trên 10.000 tỉ đồng. Đây là số tiền rất lớn, vì vậy để thực hiện thành công và triệt để là điều không dễ. Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nếu Hà Nội cấm những phương tiện quá hạn lưu thông thì những người nghèo sẽ không có phương tiện mưu sinh. Phương án hỗ trợ từ 2-4 triệu đồng/xe vẫn còn ít vì hiện nay, giá 1 chiếc xe máy mới khoảng 20 triệu đồng trở lên. Với sự hỗ trợ như thế thì nhiều người chắc chắn sẽ không mua xe mới. Do đó, nếu tăng số tiền hỗ trợ lên khoảng 6-8 triệu đồng, có lẽ khả thi hơn. Vấn đề là có đủ nguồn kinh phí cho việc tăng mức hỗ trợ hay không.

 Nhiều chuyên gia cũng cho rằng các cơ quan chức năng của Hà Nội cần khảo sát ý kiến của người dân và lên kế hoạch bài bản chứ không nên làm theo kiểu nửa vời. Cần thực hiện nghiêm túc và triệt để thì chương trình mới có thể thành công được.

 Các chuyên gia cũng đặt vấn đề vì sao lại hỗ trợ từ 2-4 triệu đồng mà không phải là từng mức cho từng loại xe? Có những loại xe quá hàng chục năm nhưng nhiều người vẫn sử dụng tốt thì rất khó. Hơn nữa, việc lấy tiền ngân sách để giải quyết vấn đề này cũng chưa khả thi, cần xem xét, cân nhắc lại. (Người lao động 14/9, Bạch Huy Thanh)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Năm 2025, Hà Nội hoàn thành chuyển đổi số cơ quan Đảng và chính quyền

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 205 về thực hiện Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

 Theo kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sẽ phát triển mạng di động 5G để mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Thành phố cũng sẽ phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số và đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu (Data Science) và Trí tuệ nhân tạo (AI).

 Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố; cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố phục vụ người dân và doanh nghiệp; hình thành, phát triển một số khu đô thị thông minh; từng bước phát triển các lĩnh vực thông minh quan trọng, hướng tới xây dựng thành phố thông minh; hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố.

 Hà Nội phấn đấu phát triển kinh tế số với giá trị đạt được chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2025; phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước; đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực châu Á.

 Thành phố sẽ tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, hạn chế rủi ro để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa nền kinh tế.

 Thành phố cũng sẽ phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; từng bước xây dựng thành phố thông minh vào năm 2025. (Tienphong.vn 14/9, Hoàng Phong)Về đầu trang

Bình Phước đưa vào hoạt động “bộ não điều hành kỹ thuật số” của tỉnh

UBND tỉnh Bình Phước vừa chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh, sau 2 tháng vận hành thử nghiệm.

 Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Phước được trang bị hệ thống máy móc, đi kèm với các ứng dụng hiện đại, phát triển kho tích hợp dữ liệu dùng chung trong tất cả lĩnh vực... được đánh giá sẽ hỗ trợ lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo, đánh giá, phân tích thông tin bằng công nghệ số một cách chính xác, nhanh chóng và hiệu quả.

 Bước đầu, Trung tâm được cập nhật 10 chức năng trọng tâm, bao gồm: điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội, hành chính công, giao thông, trật tự đô thị, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục, du lịch và tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng đến lãnh đạo tỉnh. 

Đi vào vận hành chính thức, Trung tâm sẽ giúp lãnh đạo tỉnh Bình Phước có được cái nhìn toàn cảnh về những thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, lĩnh vực... trên phạm vi toàn tỉnh. Điều này góp phần thúc đẩy đổi mới, thực thi công bằng xã hội, tăng cường sự minh bạch trong quản lý, điều hành. (Ictnews.vietnamnet.vn 13/9, M.T)Về đầu trang

Bắc Giang nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Trước tình trạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI liên tục tụt hạng (năm 2019 đứng vị trí thứ 40 trong số 63 tỉnh, thành phố), tỉnh Bắc Giang thực hiện các giải pháp để khắc phục những điểm nghẽn, quyết tâm cải thiện chỉ số năm 2020 và những năm tiếp theo; phấn đấu nâng điểm số PCI năm 2020 đạt 66,68 điểm (tăng 2,21 điểm so với năm 2019), đứng thứ 30 trong số 63 tỉnh, thành phố.

 Tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc khắc phục hạn chế của bốn chỉ số giảm điểm năm 2019 gồm: Chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Mặt khác, tỉnh tập trung duy trì, cải thiện điểm số của sáu chỉ số tăng năm 2019 như: Tính minh bạch, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung giải quyết những bất cập ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

 Tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, chấn chỉnh, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, nhất là những người làm tại bộ phận “một cửa” hoặc thường xuyên làm việc, tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân. Tỉnh cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tích cực phối hợp, đồng hành cùng cơ quan nhà nước xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng minh bạch, lành mạnh, công bằng; chủ động phản ánh, cung cấp thông tin về những bất cập, những hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức các cấp trong thực thi công vụ. (Nhân dân 14/9, PV)Về đầu trang

Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả xử lý công việc trên môi trường điện tử

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 1-9-2020, 100% UBND cấp xã thực hiện việc trao đổi, tạo lập dự thảo văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Đến nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao, chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử.

 Ông Hoàng Hữu Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) cho biết: “Việc điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử, tạo lập văn bản điện tử và ký số có rất nhiều tiện ích. Đầu tiên là giảm được việc sử dụng văn bản giấy, tiết kiệm chi phí giấy tờ và in ấn. Trong xử lý công việc, công chức chuyên môn có thể soạn và gửi văn bản phát sinh ngay khi ở nhà hay khi đi công tác để chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã ký hoặc khi chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã đi vắng vẫn có thể điều hành, ký duyệt văn bản để xử lý công việc của cơ quan.

 Điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử rất công khai, minh bạch nên cán bộ, công chức phải thực hiện nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, đúng thời gian và kế hoạch. Bên cạnh nhiều tiện ích thì việc trao đổi, sử dụng văn bản điện tử và ký số cũng gặp một vài khó khăn. Đối với các đồng chí lãnh đạo cao tuổi, việc sử dụng công nghệ thông tin chưa thành thạo sẽ lúng túng trong thao tác xử lý văn bản; trang thiết bị, máy tính đã đầu tư từ lâu, chất lượng không bảo đảm hoặc chưa đủ máy tính cũng ảnh hưởng đến xử lý công việc của cán bộ chuyên môn”.

 Ông Lê Đỗ Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Cương cũng chia sẻ: “Để xử lý hồ sơ công việc nhanh chóng, hiệu quả, ngay khi được nhận thiết bị ký số cá nhân tôi đã tìm hiểu quy trình xử lý hồ sơ văn bản và ký số trên môi trường mạng. Việc xử lý văn bản và ký số trên môi trường mạng có nhiều tiện ích, nếu phải đi công tác xa, đi dự hội nghị, chỉ cần có máy tính xách tay hoặc Ipad tôi vẫn ký được các văn bản để cán bộ, công chức ở nhà thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm công việc diễn ra thông suốt, không gián đoạn”. (Baothanhhoa.vn 13/9, Tố Linh)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Hàng loạt cán bộ bị xem xét kỷ luật, đề nghị khai trừ Đảng

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với 4 đảng viên Đảng bộ TP Đà Nẵng, trong đó có nguyên Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến.

 Từ ngày 9 đến 11/9/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ 48. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

 1. Sau khi xem xét kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBKT Tỉnh ủy Long An và kết quả giám sát đối với: Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh An Giang, Trà Vinh; Ban cán sự đảng và đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam về lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Quy chế làm việc, công tác cán bộ, thực hiện nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm nêu gương; UBKT Trung ương yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát nêu trên phát huy ưu điểm, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và sớm có biện pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra.

 UBKT Trung ương yêu cầu UBKT Tỉnh ủy Trà Vinh tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh và đồng chí Lê Văn Việt, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Quy chế làm việc và công tác cán bộ.

 2. Sau khi xem xét kết quả giám sát tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, UBKT Trung ương yêu cầu UBKT Thành ủy Hà Nội tiến hành kiểm điểm, xem xét, xử lý đối với các tổ chức đảng, đảng viên có trách nhiệm liên quan đến các vụ án, vụ việc nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Thành phố trong thời gian vừa qua.

 3. Xem xét báo cáo của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương về đề nghị thi hành kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương nhận thấy, một số đồng chí nguyên lãnh đạo Binh đoàn 15 và Tổng Công ty Sông Thu thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã có vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; mua sắm tài sản, trang thiết bị; thực hiện dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai của đơn vị. 

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật: Cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15 nhiệm kỳ 2010 – 2015 đối với đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 15. Cảnh cáo các đồng chí Thiếu tướng Đặng Anh Dũng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 15; Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Binh đoàn 15 và Đại tá Hà Sơn Hải, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Thu. Khiển trách các đồng chí Đại tá Đường Công Luận, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 15; Đại tá Trần Quang Hùng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Công ty 74; Đại tá Đỗ Vinh Quốc, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc Công ty Bình Dương, Binh đoàn 15; Đại tá Phạm Hồng Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Xí nghiệp liên hợp Sông Thu kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Thu và Đại tá Nguyễn Xuân Tình, nguyên Trợ lý Phòng Quản lý dự án đầu tư, Bộ Tham mưu, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

 4. UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với 4 đảng viên thuộc Đảng bộ thành phố Đà Nẵng do đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gồm các đồng chí: Văn Hữu Chiến, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Thành ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Điểu, nguyên Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Đào Tấn Bằng, Thành ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng.

 5. Cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng đối với một số trường hợp và quyết định một số nội dung quan trọng khác. (VTV.vn 14/9)Về đầu trang

Yêu cầu Hà Nội kiểm điểm, xử lý đảng viên liên quan đến các vụ án nghiêm trọng

Trong thông cáo báo chí về nội dung kỳ họp thứ 48 được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phát chiều 14/9, thì cơ quan này đã xem xét kết quả giám sát tại Đảng bộ thành phố Hà Nội.

 Trên cơ sở đó, cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội tiến hành kiểm điểm, xem xét, xử lý đối với các tổ chức đảng, đảng viên có trách nhiệm liên quan đến các vụ án, vụ việc nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Thành phố trong thời gian vừa qua.

 Thông cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương không nêu cụ thể các vụ án, vụ việc nghiêm trọng cụ thể xảy ra trên địa bàn Hà Nội thời gian qua. Song có thể nói vụ án Nhật Cường là một trong những vụ việc được dư luận quan tâm đặc biệt trong thời gian qua.

 Liên quan đến vụ án này, nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo của các cấp, ngành Hà Nội bị khởi tố bắt tạm giam như ông Nguyễn Tiến Học, cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cùng 2 cán bộ dưới quyền, là bà Phạm Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh) và bà Phạm Thị Thu Hường (Chánh văn phòng sở).

 Tháng 12/2019, Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội, về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

 Ngoài ra, mới đây nhất ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Trung (lái xe của Chủ tịch UBND Hà Nội), ông Nguyễn Anh Ngọc (Phó phòng Thư ký - Biên tập thuộc Văn phòng UBND Hà Nội) cũng bị khởi tố bắt tạm giam vì tội Chiếm đoạt tài liệu mật, trong đó có tài liệu về Nhật Cường. (Tienphong.vn 14/9, Văn Kiên)Về đầu trang

Thanh Hóa: Mất chức Phó Chủ tịch huyện vì đánh bạc

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, vừa phê chuẩn quyết định miễn nhiệm chức Phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Văn Long.

 Việc miễn nhiệm được HĐND huyện Hậu Lộc biểu quyết hôm 4/9. Sau đó, Thường trực HĐND huyện và Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa có tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định phê chuẩn.

 Hôm 31/5, Công an tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang 4 người đánh bạc tại trụ sở UBND huyện Hậu Lộc, thu giữ số tiền 92 triệu đồng.

 Trong số những người bị bắt quả tang có ông Nguyễn Văn Long (khi đó là Phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc), ông Lê Duy Hưng (Trưởng phòng Tài chính huyện Hậu Lộc).

 Hai người còn lại là chủ doanh nghiệp. Bốn người liên quan sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Đánh bạc. (Zingnews.vn 14/9, Quỳnh An)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản chiến thắng cuộc bỏ phiếu chọn thủ tướng mới

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, một đồng minh lâu năm của Thủ tướng Abe Shinzo, vừa chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, mở đường cho ông trở thành thủ tướng kế nhiệm.

 Ông Suga sẽ phải trải qua một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội trong tuần này, nhưng chắc chắn ông sẽ chiến thắng vì LDP đang nắm đa số ghế.

 Trước khi cuộc bỏ phiếu hôm nay diễn ra ông Suga đã nắm chắc phần thắng vì nhận được ủng hộ của những nhóm chủ chốt trong đảng, khiến ông có lợi thế hơn hẳn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida.

 Ông Suga giành được 377 trong tổng số 534 phiếu của các nghị sĩ LDP và các đại diện vùng.

 Ông Suga nhận được nhiều ủng hộ trong đảng vì kỳ vọng ông sẽ tiếp tục các chính sách của ông Abe. Vì thế, chiến thắng của ông có vẻ là một thỏa thuận đã đàm phán xong mà một số người chỉ trích ở trong và ngoài đảng cho rằng đây là tiến trình không dân chủ và trong sáng. (Tienphong.vn 14/9, Bình Giang)Về đầu trang

Trung Quốc giới hạn hoạt động của các nhà ngoại giao Mỹ

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động của nhân viên ngoại giao cũng như các cá nhân khác tại Đại sứ quán và các lãnh sự quán Mỹ ở Trung Quốc, bao gồm cả Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Đặc khu hành chính Hong Kong. 

Hiện tại, chưa rõ các biện pháp cụ thể nào sẽ được Bắc Kinh áp đặt với giới ngoại giao Mỹ. Phía Trung Quốc khẳng định, các biện pháp hạn chế sẽ được dỡ bỏ sau khi phía Mỹ có bước đi tương tự.

 Thông báo của Bắc Kinh được coi là động thái đáp trả sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ áp đặt hạn chế hoạt động đối với các nhân viên ngoại giao Trung Quốc từ đầu tháng 9. Trước đó, Mỹ đã đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, bang Texas. Đáp lại, Trung Quốc đã đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. (VTV.vn 13/9)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More