Cán bộ lãnh đạo thông tin và CNTT trong khu vực công (Phần 1)

Post date: 16/12/2014

Font size : A- A A+
Khái niệm chức danh CIO (Chief Information Officer) - Lãnh đạo Thông tin và CNTT ngày nay không còn xa lạ gì đối với xã hội Việt Nam trong giai đoạn bùng nổ thông tin - truyền thông. Sau đây xin giới thiệu bài viết của Tác giả Hoàng Mai được đăng trên Tạp chí CNTT-TT nghiên cứu về vị trí cán bộ lãnh đạo thông tin và CNTT trong khu vực công... (Phần 1) 

1.      Chức danh CIO (Chief Information Officer) [1] -  Lãnh đạo Thông tin và CNTT

1.1    Vai trò ngày càng tăng của CNTT và thông tin đối với sự phát triển

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin (CNTT), sự hội tụ của các công nghệ máy tính và truyền thông, cuộc cách mạng thông tin đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, làm biến đổi sâu sắc đời sống văn hóa, xã hội của thế giới hiện đại. Vào năm 2000 toàn thế giới có khoảng 400 triệu máy tính cá nhân và 1 tỷ máy điện thoại, theo một số dự báo đến 2010 sẽ có khoảng 1 tỷ máy tính cá nhân và 3 tỷ máy điện thoại. Năng lực của các thiết bị và hệ thống CNTT cũng ngày một cao hơn.

CNTT đang đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra một nền kinh tế và xã hội dựa trên tri thức toàn cầu – có thể so sánh với vai trò của động cơ hơi nước và động cơ điện trong thời kỳ đầu của cách mạng công nghiệp trước đây. CNTT dường như làm cho thời gian, không gian và khoảng cách ngắn lại. Chúng ảnh hưởng tới sự phân công lao động quốc tế, mang lại những mẫu hình mới phát triển  kinh tế và liên kết xã hội, quyết định sức cạnh tranh của các nền kinh tế và các doanh nghiệp, tạo ra các mẫu hình tăng trưởng mới và mang lại các sản phẩm, việc làm và sinh kế chưa từng biết tới cho đến nay. CNTT cũng có khả năng hỗ trợ đắc lực công cuộc cải cách hành chính nhà nước, cải cách cách thức các cơ quan  nhà nước cung cấp thông tin và các dịch vụ công tới người dân, cách thức giao tiếp giữa chính phủ và người dân, là phương tiện quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng một chính phủ của dân, do dân và vì dân. CNTT có thể góp phần quan trọng đặc biệt trong việc thúc đẩy tăng trưởng, xóa đói, giảm nghèo và  phát triển bền vững ở các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi, trong việc hỗ trợ các nước này hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu.

Thông tin và tri thức sẽ đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế thế giới tương lai – xã hội hậu công nghiệp hay công nghiệp tiên tiến. Ngày nay, khối lượng thông tin đang tăng trưởng với nhịp độ ngày càng cao. CNTT là phương tiện để tạo ra, truy cập, phổ biến và chia sẻ dữ liệu, thông tin, tri thức và các giao tiếp. 03 đặc trưng ưu việt của các sản phẩm thông tin và tri thức trong thời đại của cuộc cách mạng thông tin là: thông tin và tri thức có thể được truy cập tức thời, có thể được chuyển tải và phân phối đồng thời  cho một số lượng không hạn chế người dùng. Việc sử dụng thông tin và tri thức của  người này không làm mất  đi khả năng sử dụng hoặc tiêu dùng của những người khác. Chúng không thể bị chiếm đoạt, mặc dù cơ chế phân phối chúng có thể, việc bán chúng đưa đến việc chia sẻ không phải là việc chuyển giao hoàn toàn. Thông tin và tri thức trở thành tài sản chiến lược của các tổ chức.       

1.2   Quá trình hình thành khái niệm CIO

Lý thuyết về quản lý thông tin và CNTT luôn phát triển. Máy tính thương mại bắt đầu có từ năm 1964, khởi đầu với các máy tính lớn IBM 36. Từ đó đến nay, vấn đề quản lý thông tin và CNTT đã  đi qua giai đoạn từ kiểm soát hoàn toàn đối với CNTT, đến giai đoạn hỗn loạn,  giai đoạn đa dạng, rồi xu hướng phối kết hợp lại. Trong thời kỳ kiểm soát hoàn toàn ban đầu, nhân vật cao cấp nhất trực tiếp phụ trách CNTT là giám đốc xử lý thông tin (Director of Information Processing) hoặc giám đốc tin học, bất kể đó là tổ chức của nhà nước hay công ty tư nhân. Anh ta thường báo cáo lên giám đốc tài chính (Chief Financial Officer – CFO)  hoặc tổng giám đốc (Chief Executive Officer – CEO). Anh ta không hội nhập với các cán bộ quản lý khác của tổ chức. Đấy là kỷ nguyên của kỹ thuật. Giám đốc xử lý thông tin giống như một nhà khoa học hơn là một nhà kinh doanh. Tuy nhiên, mọi vấn đề đều do giám đốc này chịu trách nhiệm, bất kể đó là vấn đề về phần cứng, phần mềm, viễn thông hay mua sắm thiết bị. Anh ta giám sát tất cả mọi việc. Nhưng anh ta không có mối quan hệ chặt chẽ với các bộ phận  khác.

Sau khi máy tính cá nhân xuất hiện, các đơn vị và các cá nhân trong tổ chức có thể đặt mua phần cứng, phần mềm phục vụ cho các nhu cầu riêng của đơn vị mình, vai trò kiểm soát của giám đốc xử lý thông tin bị mất đi, xuất hiện tình trạng hỗn loạn. Tiếp sau đó xuất hiện nhu cầu phải kết hợp mọi thứ lại với nhau. Đấy chính là thời điểm xuất hiện khái niệm CIO. Trách nhiệm không chỉ còn là xử lý máy tính với các công nghệ liên quan. Khái niệm CIO thay thế cho việc mất quyền kiểm soát của giám đốc xử lý thông tin.

Về thuật ngữ, nói chung giám đốc xử lý thông tin hay giám đốc tin học là người chịu trách nhiệm về thiết bị, phần cứng, phần mềm, là một người về kỹ thuật, chịu trách nhiệm xây dựng cấu trúc công nghệ. Khi ta nói về một thành phố, không ai nghi ngờ về việc sẽ có một người có tấm bản đồ mô tả các đường ống dẫn nước, hệ thống điện, đường xá, các khu nhà cao tầng và các khu nhà ở. Tương tự như vậy, trong lĩnh vực CNTT cần phải có  một cấu trúc, một cách thức nối tất cả các phần lại với nhau. Các hệ thống máy tính không thể trao đổi được với nhau, thư điện tử không thể đi từ người này sang người khác thì tác dụng sẽ rất hạn chế hoặc là vô dụng. Điều này sẽ xảy ra trong trường hợp không có một cấu trúc chung.  Trách nhiệm của giám đốc tin học là thiết kế một cấu trúc cho tất cả các thiết bị. Vị trí này, khái niệm này giờ đây đã ổn định. Chức vụ, mô tả công việc, vị trí trong tổ chức, mối quan hệ báo cáo được xác định rõ ràng. Chức danh thực tế có thể khác nhau, xong chức năng và các nhiệm vụ chính về cơ bản là giống nhau.

CIO là người chịu trách nhiệm về nội dung thông tin và nói chung cả phần  tin học. Cán bộ phụ trách tin học phải báo cáo lên người này. Vì vậy, trên thực tế CIO chịu trách nhiệm cả phần cấu trúc công nghệ và cả phần cấu trúc thông tin. Nếu không có cấu trúc thông tin, các cơ sở dữ liệu không thể kết nối được với nhau. Đấy là một lộ trình tới dữ liệu, cũng giống như lộ trình tới thiết bị, giống như lộ trình tới một thành phố. Nhiệm vụ của một CIO là xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược và kế hoạch CNTT, như là một phần của chiến lược, kế hoạch chung. “Việc xây dựng chiến lược và kế hoạch CNTT không thể, không bao giờ, không nên giao cho những người chuyên về CNTT thực hiện. Công nghệ để phục vụ cho nhu cầu công việc và vì vậy người sử dụng phải đề ra các ưu tiên, dựa trên đó những nhà công nghệ sẽ phải đáp ứng” [2].   Không giống các ngành nghề về tin học, nghề này cần có sự đào tạo về công nghệ hoặc về quản lý. Một nhà quản lý học công nghệ hoặc một nhà công nghệ học quản lý.   

Thuật ngữ CIO được xuất hiện lần đầu tiên năm 1981, ban đầu là trong khu vực tư nhân. Nó được dùng cho các nhà quản lý cấp cao chịu trách nhiệm về các chính sách, các chuẩn và việc kiểm soát quản lý tất cả các nguồn lực chung. Khi các tổ chức ngày càng phụ thuộc vào thông tin và hoạt động hướng vào kết quả thì nhu cầu đối với người lãnh đạo này trở nên rất thiết yếu. CIO là một phần của làn sóng thay đổi và vị trí của CIO là một trong các tiêu chí hàng đầu nói lên một tổ chức có tham gia trong quá trình thay đổi này hay không.

Thừa nhận vai trò quan trọng của các CIO trong khu vực tư nhân, trong khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chính phủ của các nước phát triển bắt đầu chú ý đến ý tưởng về CIO trong khu vực công. Một số cơ quan của Chính phủ Mỹ ban đầu theo sáng kiến riêng chỉ định các CIO của mình. Sau đó, Luật về cải cách quản lý CNTT của Mỹ ban hành năm 1996 (còn gọi là Luật Clinger – Cohen) quy định đến tháng 8/1996 23 cơ quan của Liên bang phải có các CIO và quy định rõ các trách nhiệm của các CIO. Sau năm 2000, tại nhiều bang của Mỹ, các thống đốc bang cũng ban hành các văn bản về việc thành lập CIO của bang và quy định các trách nhiệm của các CIO này. Hàn Quốc ban hành Luật Khung về thúc đẩy tin học hóa năm 1995, đến năm 1999 bổ sung, sửa đổi đưa vào một điều khoản riêng về CIO (mặc dù không dùng thuật ngữ CIO mà gọi là quan chức chịu trách nhiệm về công tác tin học hóa với các quy định cụ thể về các trách nhiệm). Trong khu vực ASEAN, các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines cũng đều đã thiết lập hệ thống các CIO trong các cơ quan nhà nước trước năm 2000.

Có thể có CIO ở cấp khu vực hoặc cấp bộ. Rất ít chính phủ trên thế giới thực hiện quyết định quan trọng là có CIO ở cấp chính phủ. Nhiều chính phủ có người mang chức danh CIO ở cấp chính phủ nhưng nhiệm vụ của người đó không hoàn toàn là CIO. Tại Mỹ chức danh CIO Liên bang đến năm 2002 mới được quy định trong Luật về Chính phủ điện tử, trước đó họ có Hội đồng các CIO. Tại Canada CIO Liên bang có từ trước năm 2000.   

1.3    Vị trí của CIO trong tổ chức

Vị trí CIO trong một tổ chức được xem là một trong các vị trí phức tạp nhất, do tính chất của công việc đòi hỏi phải có vai trò lãnh đạo và quan hệ với tất cả các đơn vị trong tổ chức, thêm vào đó lại phải bảo đảm quan hệ với nhiều tổ chức bên ngoài.  Có chuyên gia so sánh vị trí và vai trò của CIO trong một tổ chức giống như vị trí và vai trò của người tổng tham mưu trưởng trong quân đội. Người này phải am hiểu công việc của tổ chức như người thủ trưởng, chịu trách nhiệm về hoạch định các chiến lược phát triển và trên anh ta chỉ có một thủ trưởng. Điều này cũng có nghĩa là để bảo đảm cho sự thành công của CIO thì CIO cần thiết phải là thành viên trong ban lãnh đạo cao nhất của tổ chức. Việc CIO có mặt trong ban lãnh đạo cao nhất một mặt bảo đảm vai trò lãnh đạo của CIO trong việc triển khai các nhiệm vụ của mình, mặt khác sẽ thuận lợi trong việc bảo đảm sự cam kết của Lãnh đạo cao nhất đối với việc triển khai các sáng kiến CNTT, đồng thời cũng thuận lợi trong việc CIO có thể tác động đến các thành viên trong ban lãnh đạo về khả năng của CNTT phục vụ các hoạt động và sự phát triển của tổ chức.

1.4  Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị và vấn đề CIO

Tại Chỉ thị số 58 – CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong số các biện pháp thúc đẩy ứng dụng CNTT trong khu vực công Bộ Chính trị đã chỉ đạo “mỗi cơ quan Đảng và Nhà nước cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử cán bộ lãnh đạo trực tiếp phụ trách về CNTT”.  Có thể xem đây là văn bản chính thức đầu tiên ở nước ta đề cập đến chức danh CIO trong khu vực công. Theo tinh thần này Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đã có công văn số 398/BTCCBCP-CCVC ngày 05/9/2001 đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử một đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách thông tin và CNTT. Nói chung, các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh đã cử cán bộ theo tinh thần trên, với số lượng hơn 100 người.

Tại Quyết định số 331/QĐ-TTg ngày ngày 06/4/2004 về phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì Dự án Đào tạo về quản lý CNTT và phổ cập tin học cho cán bộ, công chức và viên chức, trong đó có việc đào tạo, bồi dưỡng CIO.

Tuy nhiên, cho đến nay ta vẫn chưa có một quy định chính thức của Nhà nước về chức năng, nhiệm vụ và các các tiêu chuẩn, chế độ đối với chức danh CIO trong khu vực công.

... (Còn tiếp phần 2) ...

 

Ghi chú

[1]. Thuật ngữ  tiếng Anh Chief Information Officer – CIO hiện đang được dùng khá phổ biến và có tính quốc tế, ở đây dịch là  Lãnh đạo Thông tin và Công nghệ Thông tin là căn cứ theo nội dung của khái  niệm này, không phải là cách dịch sát theo nghĩa đen có thể gây nhầm với các khái niệm khác, chẳng hạn giám đốc trung tâm CNTT/tin học hoặc  trung tâm thông tin. Trong phần tiếp theo chúng tôi sẽ dùng “CIO”, thay cho “Lãnh đạo Thông tin và Công nghệ Thông tin” cho gọn và phù hợp với xu hướng dùng chung đối với khái niệm này.  Trong thực tiễn ở nước ta một số thuật ngữ tiếng Anh cũng đã và đang được dùng trực tiếp  như: CIA, Internet, AIDS, HIV, SARS.

[2]. Phát biểu của ông Geylan Duncan, Chủ tịch Hiệp hội CNTT Canada tại Hội thảo về CIO, Hà Nội, 3/1999.

Xuân Ngọc

More