Tài liệu tuyên truyền Quảng Bình - Hào khí 420 năm (1604 - 2024) số 22

Post date: 13/05/2024

Font size : A- A A+

Ban Biên tập trân trọng giới thiệu Tài liệu tuyên truyền “Quảng Bình - Hào khí 420 năm (1604 - 2024)”. Tài liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình biên soạn và phát hành.

Phần thứ hai:

MỤC TIÊU PHÍA TRƯỚC VÀ KHÁT VỌNG VƯƠN LÊN

2. Phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh

(Tiếp theo)

2.5. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác

2.5.1. Thương mại - dịch vụ

Phát triển thương mại theo hướng hiện đại, nâng cao khả năng tham gia điều tiết, cân đối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, cung cấp đầy đủ các loại vật tư, mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, người sản xuất. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 13,5 - 14% (trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 13,4%/ năm); của kim ngạch xuất khẩu là 9,6%; của kim ngạch nhập khẩu là 6,6 - 7,1%/năm.

2.5.2. Khoa học và công nghệ

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu mới của khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất lao động, chất lượng, giá trị sản phẩm, nhất là các sản phẩm có thế mạnh chủ lực của tỉnh. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế hoạt động nghiên cứu, quản lý khoa học, công nghệ. Nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học, công nghệ trong toàn tỉnh; phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ. Tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ. Phấn đấu đến năm 2030, năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp từ 35% vào tăng trưởng kinh tế.

2.5.3. Thông tin và truyền thông

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, công nghệ thông tin, tăng tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực. Các công nghệ hiện đại như điện toán đám mây Cloud Computing, kết nối vạn vật IoT, trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn BigData, chuỗi khối Blockchain... được ứng dụng sâu rộng. Các dịch vụ đô thị thông minh được xây dựng, cung cấp đầy đủ trên địa bàn tỉnh. Xây dựng ngành báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Đến năm 2030, duy trì và từng bước nâng thứ hạng của Quảng Bình trên Bảng xếp hạng chỉ số Chính quyền số của tỉnh, thành phố trên toàn quốc; tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%; xây dựng, phát triển mạng di động 5G, 6G đến 100% khu vực đô thị, khu vực trung tâm các xã, phường, thị trấn. Thực hiện ngầm hóa 30 - 35% hạ tầng mạng cấp ngoại vi trên địa bàn tỉnh; ngầm hóa mạng cấp ngoại vi khu vực đô thị đạt 45 - 55%. Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đạt trên 70%.

2.5.4. Y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống; giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh, dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Củng cố và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của mạng lưới hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở. Đến năm 2030, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải ở các cơ sở khám chữa bệnh; số giường bệnh/10.000 dân đạt 50 giường trở lên, số bác sĩ/10.000 dân đạt trên 14 bác sĩ, số lượng dược sĩ/10.000 dân đạt trên 3 dược sĩ, tỷ suất trẻ em tử vong dưới 5 tuổi dưới 12‰, dưới 1 tuổi dưới 10‰, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế trên 90%.

2.5.5. Giáo dục và đào tạo

Phát triển hợp lý và vững chắc quy mô giáo dục - đào tạo đi đôi với việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, củng cố chất lượng đội ngũ giáo viên. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình giáo dục và đào tạo nhằm tăng nguồn lực, mở rộng quy mô và tăng cơ hội giáo dục cho mọi người; quan tâm giáo dục khuyết tật; chú trọng giáo dục khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục - đào tạo, coi trọng 3 mục tiêu: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đến năm 2030, 100% trường tiểu học, trên 85% trường mầm non, 95% trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mẫu giáo; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm xuống dưới 2,5%; tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi đạt 100%.

2.5.6. Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và lao động, việc làm

Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN; phát triển hệ thống các cơ sở GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo. Mỗi năm cần cung cấp cho thị trường lao động 20.000 lao động có tay nghề. Các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đảm bảo quy mô đào tạo 25.000 người/năm, mỗi năm tuyển sinh mới 17.000 người.

Thúc đẩy mở rộng, nâng cao năng lực đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phát triển doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu về giải quyết việc làm ngoài nước trên địa bàn. Tỷ lệ thất nghiệp chung giảm còn 2,3% trong giai đoạn 2021 - 2025, duy trì dưới mức 2,1% trong giai đoạn 2025 - 2030.

2.5.7. An sinh xã hội

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên hỗ trợ sinh kế cho người dân để tạo thu nhập ổn định nhằm giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản. Đến năm 2030, 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; 90% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 50% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.

2.5.8. Văn hóa và thể thao

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phát triển văn hóa, thể thao, đồng thời, đảm bảo phục vụ chất lượng, hiệu quả và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa và rèn luyện sức khỏe của Nhân dân; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, gắn với phát triển du lịch bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có 90% gia đình; 95% thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt trên 42%; số gia đình thể thao đạt trên 33%.

                                                                                (Còn nữa)

More