Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng

Post date: 10/05/2023

Font size : A- A A+

Chăm sóc, bảo vệ, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ, đạo đức là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó truyền thông đại chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như mọi hoạt động liên quan đến công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em đến mọi tầng lớp nhân dân.

Thời gian qua, song song với việc tham mưu UBND tỉnh triển khai Quyết định số 830/QĐ-Tg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”, Sở Thông tin và Truyền thông đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng với nhiều hình thức, nội dung phong phú, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội vào công tác phòng ngừa, chặn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu mang tính đặc thù trong công tác truyền thông về trẻ em, đặc biệt là truyền thông về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính chuyên đề, thực tế, toàn diện nhưng trọng tâm, trọng điểm, dễ tiếp cận đối với trẻ em, phù hợp với quy định của pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam

Thứ nhất là tăng cường cung cấp thông tin thiết yếu về môi trường mạng cho trẻ em

Cung cấp thông tin thiết yếu về môi trường mạng cho trẻ em là giải pháp hữu hiệu nhất trong chiến lược truyền thông phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng. Bởi trẻ em hôm nay là những công dân số tương lai, việc trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về sử dụng internet an toàn, lành mạnh, hữu ích; những kỹ năng phòng ngừa bị lợi dụng, mua bán, xâm hại, bóc lột trên môi trường mạng giúp các em tự tin khai thác, chia sẻ, sử dụng thông tin và tham gia các hoạt động trên môi trường mạng như một công dân số thực thụ. Đối với nhiệm vụ, giải pháp này, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, tuyên truyền đến các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh; từng bước hướng dẫn trẻ em kỹ năng bảo mật thông tin cá nhân, kỹ năng sử dụng mạng internet an toàn, cách phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng... từ đó giúp trẻ nâng cao năng lực tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Thứ hai là đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

Truyền thông phòng, chống xâm hại trẻ em là nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; các cơ quan báo chí và các loại hình truyền thông khác chỉ là kênh thông tin cơ bản, quan trọng để thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống xâm hại trẻ em đến với mọi tầng lớp nhân dân. Trong khi đó trẻ em lại ít khi sử dụng các kênh thông tin đại chúng. Vì vậy, để thông tin tác động trực tiếp đến trẻ em cần phát huy tối đa các hình thức truyền thông mới như tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp hoặc trực tuyến giữa lãnh đạo, chuyên gia, các cấp, các ngành với trẻ em để các em có cơ hội chia sẻ nguyện vọng của mình về phòng, chống xâm hại trực tuyến với những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Bên cạnh đó cần phát huy vai trò chủ thể của trẻ em trong công tác truyền thông, để trẻ em làm chủ mặt trận thông tin phòng, chống xâm hại trực tuyến ngay tại trường học, môi trường trẻ em đang sống. Việc mở các chuyên mục “Phòng chống xâm hại trẻ em” trên cổng/trang thông tin điện tử của các trường học; thành lập các Hội đồng bảo vệ trẻ em, các tổ đồng đội trẻ em trong nhà trường là các hình thức truyền thông cần được chú trọng xây dựng, triển khai, giúp trẻ em chủ động, kịp thời trong việc chia sẻ, lên tiếng, bảo vệ và thông cho các cơ quan chức năng khi có tình huống xảy ra.

Thứ ba là nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác truyền thông phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

Truyền thông về trẻ em có những đặc điểm, yêu cầu  khác biệt với truyền thông về những vấn đề khác. Việc bảo vệ hình ảnh, thông tin cá nhân, đời sống riêng tư của trẻ cũng như những tác động về tâm, sinh lý lứa tuổi học trò; mối quan hệ giữa người thân, gia đình, bè bạn của trẻ …đòi hỏi người đưa tin phải hết sức trách nhiệm và có cái nhìn đa chiều khi quyết định thông tin về các vấn đề của trẻ. Trên thực tế, những thông tin liên quan đến sức khoẻ, tinh thần, trẻ bị bạo lực, lạm dụng, xâm phạm tình dục luôn thu hút sự quan tâm của mọi người. Một khi không cẩn trọng trong truyền thông sẽ dẫn đến phản tác dụng, có thể đẩy trẻ em vào những tình huống khó xử, thậm chí khiến trẻ bị xa lánh. Việc nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, các cơ sở pháp lý, đạo đức nghề nghiệp khi viết về trẻ em sẽ giúp đội ngũ làm công tác truyền thông về trẻ em có một cách nhìn khách quan và nhạy cảm hơn, đảm bảo phục vụ lợi ích tốt nhất của cộng đồng mà không xâm phạm hoặc hạ thấp các quyền của trẻ em. Đặc biệt phải luôn xác định, đưa thông tin nào cần cho trẻ và có lợi cho trẻ, chứ không được đưa thông tin chỉ nhằm mục đích thu hút người đọc…

Thứ tư là phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp, trao đổi thông tin về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

Để vấn đề truyền thông phòng, chống xâm hại trẻ em được tốt hơn, không mắc phải những sai lầm đáng tiếc, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng. Cần hình thành một mạng lưới bảo vệ và truyền thông về trẻ em một các chuyên nghiệp để đưa ra những định hướng thông tin, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đúng thời điểm.

Đối với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, truyền thông, cần tăng cường hướng dẫn các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em; định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí về các đề tài phòng, chống xâm hại trẻ em; khuyến khích, biểu dương các bài viết tốt, các chương trình hay về phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng. Đồng thời chỉ đạo đổi mới công tác truyền thông, phát huy vai trò và trách nhiệm của hệ thống thông tin cơ sở (đội tuyên truyền, cổ động, các đài truyền thanh phường, xã, các tuyên truyền viên…) trong công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người trong công tác tuyên truyền bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng./.

Thu Lan

More