Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 30-12-2020

Post date: 30/12/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHỈ THỊ MỚI 1

1.                12 việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm trong dịp Tết 2021. 1

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY.. 3

2.                Đã có 55 tỉnh, thành phố sử dụng Zalo để cải cách thủ tục hành chính. 3

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

3.                Tăng trưởng kinh tế “chạy đà” để tăng tốc vào 2021. 4

4.                Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đang dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.. 5

5.                Thu hút FDI năm 2020 đạt 28,53 tỷ USD.. 5

6.                Việt Nam tăng 20 bậc về môi trường kinh doanh toàn cầu. 6

7.                Tiết kiệm 6,3 nghìn tỷ đồng từ cắt giảm điều kiện kinh doanh. 6

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 7

8.                Tìm thấy điểm nóng, chống tham nhũng càng hiệu quả... 7

9.                Áp lực như "nghề" hiệu trưởng trường đại học tư thục. 8

10.            “Sếu đầu đàn” cần cách tiếp cận mới 10

QUẢN LÝ.. 11

11.            Thủ tướng: 'Tư lệnh ngành không được im lặng' 11

12.            Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

13.            Một năm vận hành, cổng dịch vụ công quốc gia tiết kiệm được 8.500 tỷ đồng. 12

14.            Bộ Nội vụ cắt giảm, đơn giản hóa 11 thủ tục hành chính. 13

15.            Gia Lai ban hành tiêu chí an toàn thông tin cho chính quyền điện tử. 13

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 14

16.            Năm 2020, ước thu ngân sách đạt 1 triệu 472 nghìn tỷ đồng. 14

17.            Hậu COVID-19 và bài toán phục hồi ngân sách. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

18.            Phú Yên kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên liên quan đến vụ phá rừng. 15

THẾ GIỚI 15

19.            Các bộ trưởng Philippines tiêm vắc xin chưa được cấp phép. 15

20.            Quan chức y tế, giám đốc bệnh viện bị mất chức vì tham nhũng. 16

 CHỈ THỊ MỚI

12 việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm trong dịp Tết 2021

Tết 2021 đang cận kề, bên cạnh các vấn đề quan trọng dịp cuối năm yêu cầu cán bộ, công chức, đảng viên phải hoàn thành thì trong dịp tết 2021, cán bộ, công chức cần phải lưu ý các vấn đề sau để không vi phạm và bị xử lý kỷ luật.

 Ngày 09/12/2020, Chỉ thị 48-CT/TW do Ban Bí thư ban hành ngày 09/12/2020 về việc tổ chức Tết năm 2021. Theo đó, để đón mừng năm mới 2021 và vui xuân, đón Tết Nguyên đán Tân Sửu lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Ban Bí thư yêu cầu:

 1. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.

 2. Không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công.

 3. Không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi.

 Theo tinh thần của chỉ thị 34/CT-TTg năm 2018 thì cán bộ, công chức

 4. Không được sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng quy định tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo.

 5. Không tổ chức sự kiện, lễ hội xa hoa, lãng phí trước và sau Tết.

 6. Không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp.

 7. Không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, Lễ hội...

 Theo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019

 8. Cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc.

 Từ ngày 01/01/2020 cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

 Trong Luận Phòng, chống tham nhũng: Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng nêu rõ:

 9. Không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức.

 Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định.

 Quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ: Tại Chỉ thị 26/CT-TTg năm 2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức:

 10. Không được vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức.

 11. Không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp.

 12. Không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực. (Giadinh.net.vn 29/12, PV) Về đầu trang

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

Đã có 55 tỉnh, thành phố sử dụng Zalo để cải cách thủ tục hành chính

Ngày 29-12, đại diện Zalo cho biết, đến nay, đã có 55/63 tỉnh, thành phố triển khai ứng dụng Zalo trong việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến, tương tác với người dân.

 Mới đây, Nam Định đã trở thành địa phương thứ 55 trên cả nước chính thức ký kết triển khai sử dụng Zalo trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Qua đó, cán bộ công chức, tổ chức và người dân có thể thông qua trang Zalo chính thức “Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nam Định” để làm thủ tục, tra cứu thông tin hồ sơ, phản ánh hiện trường hoặc liên lạc với cơ quan chức năng.

 Trang Zalo “Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nam Định” hiện có sáu chức năng và tiện ích để người dân có thể trải nghiệm, gồm: Tích hợp tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ dịch vụ công qua Zalo bằng mã số biên nhận; Chức năng nộp thủ tục hành chính trực tuyến qua Zalo; Chức năng nhận thông báo khẩn, chính sách mới, văn bản luật mới, sự kiện thường kỳ, các hoạt động diễn ra trên địa bàn tỉnh; Chức năng đánh giá sự hài lòng của người dân về dịch vụ công; Chức năng nhận và phản hồi các phản ánh hiện trường từ người dân; Tích hợp các thông tin cần thiết như: Chỉ đạo của tỉnh ủy, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, tin sở, ngành, huyện, thành phố…. 

Tính đến tháng 12, trên cả nước đã có hơn 2.374 trang Zalo của các cơ quan cấp Bộ, tỉnh/thành Phố, địa phương, công an, y tế, giáo dục, điện, nước… được thiết lập. Hơn 433 triệu tin nhắn tương tác giữa người dân và chính quyền đã được gửi đi thông qua Zalo. Zalo trở thành kênh hiệu quả của các địa phương trong công tác cải cách hành chính và tương tác với người dân.

 Song song với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng Chính phủ điện tử tại nhiều địa phương, Zalo đóng vai trò là kênh thông tin truyền thông chính thống trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam và là đồng hành cùng người dân giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra.

 Trong hai đợt phòng, chống dịch Covid-19 vào tháng 4 và tháng 10, đã có hơn 7,5 tỷ tin nhắn thông báo đến người dân vùng dịch từ Zalo chính thức của Bộ Y tế, các địa phương và chatbot “Phòng chống virus Corona”. Trong đó, riêng kênh Zalo Phòng chống virus Corona thu hút được gần 2,5 triệu lượt theo dõi, là kênh chính thống để tra cứu thông tin bệnh viện tiếp nhận, lịch trình di chuyển của bệnh nhân, chatbot hỗ trợ xem thống kê tình hình dịch bệnh ở Việt Nam dưới dạng bản đồ theo thời gian thực.

 Trong bối cảnh thiên tai bão lũ đang hoành hoành tại các tỉnh miền trung, chỉ tính từ ngày 21-10 đến 27-11, Zalo đã hỗ trợ gửi hơn 334 triệu tin nhắn đến cho các tỉnh miền trung và Tây Nguyên thông qua các kênh Phòng chống thiên tai của Tổng cục Phòng chống thiên tai, kênh OA địa phương và Zalo Thời tiết. Bên cạnh đó, “Tính năng SOS” với ưu điểm nổi bật là đính kèm tọa độ chính xác hỗ trợ cứu hộ, được cập nhật đến 15 tỉnh thành được dự báo là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. (Nhandan.com.vn 29/12, Phạm Trung) Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Tăng trưởng kinh tế “chạy đà” để tăng tốc vào 2021

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 2,9% nhưng là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đây sẽ là bước đệm để đạt mức tăng trưởng bứt phá vào năm 2021, tất nhiên với điều kiện vượt qua tốt biến số khó lường từ tác động của dịch COVID-19 và tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

 Theo Tổng cục Thống kê, trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Cả năm có 101,7 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước.

 Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã dùng cụm từ "vô cùng gian nan" để nói về những khó khăn mà cộng đồng DN Việt Nam gặp phải trong năm 2020. Số lượng DN gặp khó khăn, giải thể, phá sản, ngừng hoạt động tăng lên nhanh chóng. Những tháng đầu năm, 60% DN phải tạm ngừng hoạt động, rời bỏ thị trường.

 Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng 2020 cũng là năm mà sự kiên cường, chống chịu của DN Việt Nam thể hiện khá rõ. Điều này đã đóng góp vào kết quả tăng trưởng dương của cả nền kinh tế. Cộng đồng DN nhận thức rõ yêu cầu về khả năng chống chịu, đi theo con đường phát triển bền vững.

 Hàng loạt báo cáo của các tổ chức kinh tế và truyền thông thế giới gần đây đều có chung nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong năm tới. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn phụ thuộc nhiều vào tốc độ khôi phục của nền kinh tế trong nước cũng như vào diễn biến của đại dịch trên thế giới.

 Theo kịch bản cơ sở của WB, GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng lên mức 6,8% trong năm 2021 và 6,5% trong năm 2022. Tuy nhiên, triển vọng trong trung hạn còn phụ thuộc vào một số rủi ro theo hướng suy giảm. Trong đó, đại dịch COVID-19 là yếu tố bất định. Nếu việc phê duyệt và phân phối vắc xin bị trễ đến năm 2021, tiến trình khôi phục kinh tế toàn cầu sẽ gặp rủi ro, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế ở Việt Nam.

 Nếu được quản lý tốt, WB cho rằng, Việt Nam sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau khủng hoảng COVID-19. Nhờ khống chế đại dịch xuất sắc, quốc gia có điều kiện mở rộng dấu ấn của mình trong nền kinh tế thế giới thông qua nắm bắt được thị phần lớn hơn trên toàn cầu về thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2020. Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam không nhất thiết là thu hút thêm nhà đầu tư, mà là tối ưu hóa tác động cộng hưởng với các nhà cung cấp và phân phối trong nước để phục vụ cho thị trường trong nước ngày càng lớn mạnh, qua đó tạo điều kiện lan tỏa về công nghệ và năng lực.

 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đánh giá mục tiêu tăng trưởng 6 - 7% trong năm 2021 không phải là thách thức quá lớn, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng phụ thuộc vào 2 biến số là dịch COVID-19 được khống chế và làn sóng cải cách thủ tục hành chính cần được đẩy mạnh. 

"Năm 2021, tăng trưởng GDP khoảng 6% so với 2020 là chuyện không khó, bởi chúng ta còn dư địa cải cách hành chính, nếu Chính phủ tập trung xử lý điểm nghẽn chồng chéo pháp luật. Đồng thời, cộng đồng DN cần nâng cấp hoạt động, phát triển bền vững và gắn với chuyển đổi số không phải là lựa chọn mà là con đường bắt buộc. Chính phủ kiến tạo và cộng đồng DN cũng phải là cộng đồng kinh doanh có trách nhiệm", ông Lộc nhấn mạnh. (Thoibaokinhdoanh.vn 29/12)Về đầu trang

Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đang dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam

Các chuyên gia nhận định rằng nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và môi trường kinh doanh thuận lợi của Việt Nam được ví như Thái Lan trong thời kỳ bùng nổ đầu tư nước ngoài những năm 1980 hay như Trung Quốc khoảng 20 năm trước, khi lĩnh vực sản xuất tại quốc gia này đang phát triển.

 Các yếu tố thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam bao gồm việc sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu cùng với mạng lưới các hiệp định thương mại tự do ngày càng mở rộng, gần đây nhất bao gồm với EU và Anh. Song, Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa đối với khách du lịch quốc tế đã phần nào làm giảm tốc độ cũng như xu hướng phát triển này khi các doanh nghiệp không thể đến và xem xét khả năng đầu tư tại đây.

 Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng Covid-19 cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp đa dạng hoá chuỗi cung ứng thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, ông Michael Kokalari nhận xét: "Các doanh nghiệp nghĩ rằng họ có một chuỗi cung ứng toàn cầu của riêng mình, và những gì Covid-19 cho họ thấy đó là họ chỉ có một chuỗi cung ứng tại Trung Quốc".

 "Xu hướng các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam mới chỉ bắt đầu, và chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng tốc mạnh mẽ trong năm tới". Điển hình như Apple đã yêu cầu các cơ sở sản xuất khổng lồ tại Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam. Quý 2/2020, hàng triệu tai nghe không dây AirPods được Apple sản xuất tại Việt Nam trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn đang vật lộn với dịch bệnh và phải đóng cửa nền kinh tế. (Thoibaokinhdoanh.vn 29/12)Về đầu trang

Thu hút FDI năm 2020 đạt 28,53 tỷ USD

Năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,53 tỷ USD.

 Số liệu vừa được công bố, tính đến ngày 20/12/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. 

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đã có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư/đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiều đầu tư tại Việt Nam, trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới/mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

 Trong năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, với tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ USD, chiếm 18%; sau đó lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký tương ứng gần 4,2 tỷ USD và trên 1,6 tỷ USD… (VTV.vn 29/12)Về đầu trang

Việt Nam tăng 20 bậc về môi trường kinh doanh toàn cầu

Xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của Việt Nam so với các nước trên thế giới những năm qua đều tăng bậc. Đó là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nói tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, chiều 28-12.

 Báo cáo về kết quả cải cách thủ tục hành chính, ông Mai Tiến Dũng cho biết trong năm 2020, đã cắt giảm thêm 239 điều kiện kinh doanh. Tính chung giai đoạn 2016-2020, đã cắt giảm gần 3.900 điều kiện kinh doanh, hơn 6.700 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Việc cắt giảm này đã giúp tiết kiệm cho xã hội, người dân và doanh nghiệp khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương 6.300 tỉ đồng/năm. 

Theo ông Mai Tiến Dũng, với những nỗ lực lớn, thứ hạng của Việt Nam trên thế giới đã được cải thiện. Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế. Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018-2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, nền kinh tế, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.

 Liên hợp quốc đã xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 2 bậc so với năm 2018), duy trì việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86 và được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao và cao hơn chỉ số trung bình thế giới. (Plo.vn 28/12, Tá Lâm)Về đầu trang

Tiết kiệm 6,3 nghìn tỷ đồng từ cắt giảm điều kiện kinh doanh

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đã giúp tiết kiệm cho xã hội, người dân và doanh nghiệp 18 triệu ngày công/năm, tương đương 6.300 tỷ đồng/năm trong giai đoạn năm 2016 - 2020.

 Thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng công bố tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

 Tính riêng năm 2020, đã cắt giảm thêm 239 điều kiện kinh doanh. Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; 1.501 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo đã được xử lý. Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng giao cơ quan hải quan làm đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, được khẩn trương xây dựng. 

Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế.

 Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018 - 2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia.

 Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, nền kinh tế, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập. (Nhandan.com.vn 29/12, Thái An) Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Tìm thấy điểm nóng, chống tham nhũng càng hiệu quả...

Với những điểm nóng đã lộ diện cần tập trung tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, phòng, chống, nhưng cũng không lơ là những lĩnh vực khác.

 Những năm qua, dư luận ghi nhận nhiều trường hợp CSGT bị điều chuyển, bị xử lý nghiêm khắc tại nhiều tỉnh, thành, địa phương trên cả nước. Điển hình phải kể đến Quyết định kỷ luật và đề nghị kỷ luật ở Đồng Nai mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố; Hay việc xử lý 21 cán bộ, chiến sĩ CSGT của Hà Nội bị tố làm luật với người vi phạm; 9 CSGT Tiền Giang bị yêu cầu kỷ luật vì có hành vi tiêu cực... đã cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, hiệu quả, "không có vùng cấm". 

Bình luận thêm về việc này, ĐBQH khóa XIV, Phạm Văn Hòa cho rằng: tình trạng tham nhũng vặt vẫn luôn được nhắc đến tại các báo cáo về kết quả phòng, chống tham nhũng của các cơ quan chống tham nhũng thời gian qua. Đây là vấn nạn gây bức xúc cần phải ngăn chặn triệt để. 

Điều ông lo ngại hơn là khi tham nhũng vặt trở nên khá phổ biến, len lỏi vào mọi ngóc ngách, mọi lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân. Vì lý do này, không chỉ có CSGT mới là "điểm nóng", lĩnh vực thuế, hải quan cũng ghi nhận hàng trăm cán bộ, lãnh đạo bị xử lý. Ví dụ như một loạt cán bộ hải quan Quảng Ninh do có liên quan đến vụ "cả gia đình buôn lậu"; nghi vấn cán bộ hải quan nhận hối lộ 25 triệu yên của công ty Tenma Việt Nam... còn rất nhiều trường hợp khác đã bị xử lý hoặc đang chờ xử lý. Như vậy, tham nhũng vặt đã lộ diện tại những lĩnh vực, những điểm nóng, đặt ra yêu cầu cần phải tăng cường kiểm tra giám sát đặc biệt nhằm ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh trước pháp luật. 

Vị đại biểu cũng lưu ý, với các hành vi tham nhũng vặt dễ bị phát giác, lộ diện, đó là những hành vi vòi vĩnh, xin xỏ, chạy chọt thì việc xử lý cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vẫn có những hành vi tham nhũng, tiêu cực tinh vi, kín đáo hơn, thậm chí, tham nhũng lại trở thành cuộc thỏa thuận ngầm "đôi bên cùng có lợi" khiến việc phát hiện, tố giác, phòng, chống trở nên phức tạp khó khăn hơn nhiều. Đó là tình trạng bảo kê, là tình trạng thỏa thuận nộp tiền phạt vi phạm- tức là khi sai phạm, tham nhũng lại nhận được sự đồng thuận của cả bên vi phạm không chỉ khiến việc tố giác sai phạm bị hạn chế mà còn gây cản trở, khó khăn trong công tác phòng, chống tham nhũng, khiến tình trạng tham nhũng càng trở lên nhức nhối, bức xúc. 

Ông Hòa cũng nhấn mạnh, với những điểm đen đã lộ diện cần tập trung tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, phòng, chống, nhưng bên cạnh đó cũng không lơ là cảnh giác, tăng cường đề phòng, xử lý với những lĩnh vực khác. Ví dụ trong xây dựng cơ bản, đấu thầu, đấu giá, dù các hành vi tham nhũng không dễ bị phát hiện nhưng qua hàng loạt các vụ án lớn đã và đang được xử lý thời gian qua đã cho thấy vấn nạn tham nhũng tại các lĩnh vực này cũng gây nhiều bức xúc.

 Chỉ cần một sự móc ngoặc, thông đồng, bắt tay với nhau để trúng giá một lô đất, một dự án xây dựng hạ tầng thì số tiền có nguy cơ thất thoát, rơi vào tay nhóm tham nhũng đã lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Chỉ cần một sự thỏa thuận trích phần trăm nhỏ trong thực hiện dự án hạ tầng xây dựng, mỗi bên cũng đã có cơ hội đút túi hàng trăm tỷ đồng từ dự án.

 "Tôi lo ngại nhất là từ tham nhũng vặt, tới tham nhũng lớn, các đối tượng bắt tay, kết nối, dần hình thành đường dây bảo kê, người thực thi pháp luật lại đồng lõa, thỏa hiệp với người vi phạm khiến công cụ pháp luật bị méo mó, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Điển hình như ở Đồng Nai, một trong những điểm nóng của tội phạm trong thời gian vừa qua và cũng là nơi đã có nhiều cán bộ, lãnh đạo CSGT đã phải chịu án kỷ luật. 

Cơ quan có khả năng kiểm soát quyền lực của ngành công an chính là lực lượng thanh tra nội bộ, cụ thể là thanh tra ngành công an sẽ phải thực thi, thực hiện nhiệm vụ này. Chỉ khi làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra mới mong xử lý, thanh lọc, làm trong sạch nội bộ của ngành", ông Hòa nói.

 Tương tự với với ngành thuế, hải quan, ông Hòa cũng lưu ý thêm với việc xuất hiện những vụ việc mới như vụ Tenma Bắc Ninh, vị đại biểu cho rằng tham nhũng, tiêu cực tại các dự án, công ty nước ngoài không phải mới nhưng phải đặc biệt lưu tâm. Bởi trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu vốn, các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài được khuyến khích mạnh nhưng cơ chế kiểm soát tiêu cực, tham nhũng nếu không được làm tốt không những sẽ gây mất uy tín với các nhà đầu tư nước ngoài mà sẽ là hòn đá tảng cản trở quá trình thu hút, phát triển trong nước. Vì lẽ này, ông Hòa cho rằng, các cơ quan phòng, chống tham nhũng cần kích hoạt đồng bộ các cơ chế phòng, chồng tham nhũng đồng thời phải chống tham nhũng ngay tại cơ quan chống tham nhũng, chống tham nhũng ngay tại cơ quan thực thi pháp luật.

 "Khi phát hiện ra những sai phạm, phát hiện hành vi, đối tượng tham nhũng thì cần phải xử lý thật nghiêm, không có vùng cấm, vùng hạn chế, không cần quan tâm tới quan hệ nhân thân của đối tượng là ai để xử lý. Xử lý nghiêm chính là để phòng ngừa, răn đe, để đối tượng có ý đồ tham nhũng mới không ham, không muốn, và không dám tham nhũng nữa", ông Hòa nói rõ. (Baodatviet.vn 29/12, Thái Bình) Về đầu trang

Áp lực như "nghề" hiệu trưởng trường đại học tư thục

Chỉ trong vòng hơn một tháng qua, hàng loạt trường Đại học (ĐH) tư thục thay hiệu trưởng. Chỉ những người ở "trong chăn" mới biết vì trí này "nóng" đến mức nào.

 Đầu tháng 11, PGS.TS Đỗ Văn Xê thông báo từ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM vì lý do sức khỏe và lui về làm cố vấn cho ông Đặng Thành Tâm. Ông Đỗ Văn Xê được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng từ năm 2018 sau khi có 9 năm làm Phó hiệu trưởng ở Trường ĐH Cần Thơ.

 Cũng trong tháng 11, trường ĐH Gia Định thông báo đã bổ nhiệm ông Võ Trí Hảo, nguyên Giám đốc Ban ĐH, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng làm hiệu trưởng nhà trường. Trước đó hiệu trưởng trường này là ông Hà Hữu Phúc, nguyên Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM (nghỉ hưu từ tháng 4/2018) được bổ nhiệm từ tháng 10/2018. Sau một số bất ổn trong nội bộ, trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM đã có hiệu trưởng mới là TS. Nguyễn Anh Tuấn, trước đó là phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường.

 Trước đó, năm 2018, chỉ trong vòng 1 năm, trường ĐH Hoa Sen đã trải qua 4 đời hiệu trưởng.

 TS. Đàm Quang Minh kể, khi mới bắt đầu với "nghề hiệu trưởng" trường ĐH FPT, ông đã từng có những đêm mất ngủ. Vì vừa phải lo rất nhiều thứ trong trường vừa phải đảm bảo thực hiện tốt những yêu cầu của Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, càng về sau, khi đã quen, ông đã xem nghề hiệu trưởng như nghề giám đốc và những áp lực phải đối mặt là chuyện đương nhiên.

 Theo TS Minh, đằng sau một hiệu trưởng trường ĐH tư thục hiện nay là áp lực tăng trưởng, áp lực chất lượng, áp lực đổi mới. Ba thứ áp lực đó mỗi hiệu trưởng phải đối mặt hằng ngày. Tùy giai đoạn mà áp lực nào sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, thông thường thì áp lực tuyển sinh/tăng trưởng là thường xuyên nhất. Các áp lực này cũng tùy thuộc nhiều vào mỗi chủ sở hữu trường đặt lên vai của mỗi hiệu trưởng mình thuê.

 Một hiệu trưởng trường ĐH tư thục vừa nộp đơn xin nghỉ cho biết khi đầu tư vào một trường ĐH, gần như nguồn thu duy nhất của chủ đầu tư là học phí sinh viên.

 Những chủ đầu tư đã bỏ ra rất nhiều kinh phí để xây dựng cơ sở, trả lương cao mời lãnh đạo, giảng viên giỏi... thì nguồn thu yêu cầu hằng năm cũng phải nằm trong mức kỳ vọng. Trách nhiệm tuyển sinh ở một định mức đặt ra được giao lại cho các hiệu trưởng. 

Cũng theo nguyên hiệu trưởng này, mức lương của hiệu trưởng được thỏa thuận phần lớn từ trách nhiệm về định mức tuyển sinh đó (bên cạnh một số nhiệm vụ khác cũng như quy mô nhà trường). Mặt bằng chung lương hiệu trưởng hiện nay đã vượt hơn 100 triệu đồng/tháng, thậm chí gấp 3 lần con số này. Nhưng áp lực cũng lớn lên tương ứng theo mức lương.

 Ngoài ra, hiệu trưởng còn có thể chịu một áp lực khác rất dễ xảy ra là mâu thuẫn về phương hướng phát triển với chủ đầu tư. Nhất là khi phương hướng phát triển nhà trường của hiệu trưởng và nhà đầu tư không thống nhất được với nhau. 

TS.Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cũng khẳng định, khi giáo dục được vận hành theo cơ chế thị trường thì chủ đầu tư luôn đặt lợi ích, lợi nhuận lên đầu. Điều này nhiều khi sẽ dẫn đến mâu thuẫn với người điều hành trường ĐH chính là các hiệu trưởng. 

Trong ngày chính thức rời chức vụ hiệu trưởng, trao đổi với báo chí, PGS. Đỗ Văn Xê cho biết, trong thời gian hơn 2 năm lãnh đạo nhà trường, điều ông tâm đắc nhất là hoàn chỉnh bộ máy, tạo ra quy trình hoạt động trong nội bộ trường sau một thời gian dài trường lâm vào bất ổn nội bộ nghiêm trọng. Tuy nhiên, dấu ấn của nhà trường với xã hội chưa được mạnh mẽ như kỳ vọng. Hai năm vừa qua, những bất ổn trong nội bộ của trường này đã phần nào được giải quyết, nhưng vấn đề tuyển sinh và thương hiệu của trường lại là trở ngại lớn.

 Đánh giá về vị trí hiệu trưởng của các trường ĐH tư thục hiện nay, một chuyên gia cho rằng, hiệu trưởng đang phải giải quyết 2 vấn đề. Đầu tiên là điều hành nhà trường để hoạt động. Kế đến là uy tín của trường đối với xã hội, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay điều ảnh hưởng nhất đến vị trí hiệu trưởng là vấn đề tuyển sinh. (Dantri.com.vn 29/12, Nghiêm Huê) Về đầu trang

“Sếu đầu đàn” cần cách tiếp cận mới

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề án Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn hay còn gọi là các “sếu đầu đàn” nhằm dẫn dắt các ngành kinh tế trọng điểm. Dự thảo đề xuất 3 “sếu đầu đàn” đặc biệt quan trọng cho 3 lĩnh vực là Viettel, gắn với công nghiệp quốc phòng; Mobifone gắn với lĩnh vực viễn thông; và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gắn với lĩnh vực năng lượng.

 Dù định hướng cần các doanh nghiệp lớn để dẫn dắt và đóng vai trò trụ cột cho các ngành kinh tế quan trọng là hợp lý, nhưng cách tiếp cận, cách làm cần có những tư duy mới để tránh lặp lại thất bại của các tập đoàn kinh tế quốc doanh trong hơn 10 năm qua.

Trước khi tính đến giải pháp, cần đánh giá và nhìn nhận một cách thẳng thắn vào hiệu quả đạt được của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn dài vừa qua, đặc biệt đặt trên tương quan so sánh với các doanh nghiệp tư nhân khác trong ngành. Dù kỳ vọng và nguồn lực đổ vào các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước là rất lớn, nhưng như Dự thảo văn kiện đại hội XIII của Đảng đánh giá, về tổng thể kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn còn hạn chế. Thực tế, nhiều doanh nghiệp quản trị thiếu hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nặng, không những không phát huy được vai trò "chủ đạo" mà còn cần đến sự trợ giúp của Chính phủ để có thể tồn tại, điển hình là các tập đoàn Vinashin, Vinaline, Tập đoàn Hóa chất...

 Trong khi đó, với những điều kiện kém thuận lợi hơn, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam vẫn có sự phát triển ấn tượng và vươn lên dẫn đầu ngành, ví dụ Masan trong công nghiệp thực phẩm và hàng tiêu dùng, Trường Hải trong công nghiệp ô tô, Vingroup trong bất động sản, công nghệ... Dù vẫn cần nghiên cứu kỹ lưỡng các bằng chứng, bài học về thành công, thất bại, nhưng thực tế này là tiền đề để cân nhắc cách tiếp cận mới: “sếu đầu đàn” có nhất thiết phải là doanh nghiệp nhà nước hay là doanh nghiệp tư nhân thành công và có năng lực cũng có thể đảm đương vai trò đó và nhận được những “phần thưởng” và khích lệ tốt hơn?

 Nhìn nhận trên tổng thể bối cảnh mới của nền kinh tế lẫn bối cảnh về mức độ hội nhập và cam kết pháp lý khi Việt Nam tham gia sâu rộng các hiệp định thương mại và đầu tư, rõ ràng cách tiếp cận mới là cần thiết.

 Thứ nhất, nguồn lực từ Nhà nước để hỗ trợ về tài chính, về tài sản (như đất đai, tài nguyên thiên nhiên) không còn dồi dào như 10 năm trước, khi nợ công đã tăng cao. Việt Nam không còn được ưu đãi về vay vốn quốc tế, tài nguyên đã phân phối xong về cơ bản.

 Thứ hai, các cam kết về bình đẳng và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong nhiều ngành nghề cũng hạn chế rất nhiều khả năng áp dụng các rào cản kỹ thuật để bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Sự kết hợp hai yếu tố này cho thấy dư địa để thiết kế các chính sách hỗ trợ không còn nhiều.

 Và yếu tố thứ ba cần nói thêm là sự trưởng thành vượt bậc của các doanh nghiệp tư nhân trong nước cho thấy vai trò tham gia của doanh nghiệp lớn vào các điều tiết vĩ mô khi cần thiết là đáng kể. Điều này cho thấy để đóng vai trò “sếu đầu đàn” không nhất thiết phải là “nhà nước” hay “không nhà nước” mà quan trọng hơn là cách Chính phủ dẫn dắt và hợp tác với doanh nghiệp lớn trong nước để đạt các mục tiêu vĩ mô.

 Khi bối cảnh đã có những sự thay đổi căn bản, mục tiêu chính sách dù tham vọng lớn “sếu đầu đàn” hay “nắm đấm thép” cần tính tới tiếp cận mới. Ở thời điểm này, đối xử bình đẳng giữa tư nhân và Nhà nước, lấy thước đo hiệu quả đặt lên hàng đầu nên là nguyên tắc để thiết kế chính sách mới. (Daibieunhandan.vn 29/12, Cẩm Phô) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Thủ tướng: 'Tư lệnh ngành không được im lặng'

Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng 29-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các địa phương đã gửi 319 kiến nghị cụ thể về nhiều vấn đề lớn của đất nước.

 Với những kiến nghị này, Thủ tướng yêu cầu các tư lệnh ngành “không được im lặng”, mà phải thường xuyên trao đổi để xử lý các vấn đề bức xúc trong sản xuất kinh doanh, không văn bản qua, giấy tờ lại, mất thời gian, mất cơ hội kinh doanh. Đồng thời, chấn chỉnh theo cách làm việc mới không giấy tờ.

 Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần quyết tâm cao hơn nữa trong năm mới để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Cần phải hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn.

 Mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng vì việc này không chỉ đảm bảo cho sự phát triển vững chắc, mà còn đảm bảo việc làm, thu nhập, chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển. “1% GDP tăng trưởng có thể giải quyết đến 300.000 việc làm” – Thủ tướng nói và cho biết Chính phủ quyết tâm đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% vào năm sau.

 Do vậy, ông yêu cầu từng cấp, từng ngành phải đặt mục tiêu cao hơn, tháo gỡ nút thắt để phát triển bền vững. (Plo.vn 29/12, Tá Lâm) Về đầu trang

Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa khởi động Chương trình sáng kiến nâng cao khả năng chống chịu của các doanh nghiệp (DN) để đối phó với dịch bệnh, thiên tai và ra mắt trang mạng hỗ trợ DN ứng phó dịch Covid-19. Tương tự, gần đây, nhiều tổ chức nghiên cứu uy tín trong nước cũng tiến hành các cuộc khảo sát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội để từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp nhằm tiếp sức cho cộng đồng DN vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch.

 Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép đặt ra trong năm 2020 đầy biến động là nhờ phản ứng nhanh của Chính phủ trong công tác điều hành. Cụ thể, ngay khi xác định dịch Covid-19 sẽ bùng phát mạnh, tác động tiêu cực, toàn diện đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, Chính phủ đã chủ động ban hành các gói kích thích kinh tế phù hợp với diễn biến dịch bệnh và biến động của thị trường, phù hợp khả năng ngân sách nhà nước. Thông qua các chính sách tài khóa, tiền tệ, Chính phủ cũng chủ động dùng các nguồn lực nhà nước hướng đến hỗ trợ DN, người lao động bị tác động tiêu cực từ đại dịch và bảo đảm an sinh xã hội.

 Để các gói hỗ trợ cho người dân và DN có hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo Chính phủ cần thu hẹp khoảng cách giữa việc ban hành chính sách hỗ trợ và thực thi. Theo đó, cần rà soát, đánh giá lại một cách độc lập và hiệu quả thật sự của các chính sách hỗ trợ; đồng thời đẩy mạnh tham vấn, lấy ý kiến của đối tượng tác động cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm tính khả thi của chính sách khi được ban hành. 

Thiết kế chính sách cần thực tế hơn với thủ tục đơn giản, phân loại đối tượng cần trúng hơn để nâng cao tỷ lệ giải ngân. Muốn vậy, phải xây dựng được hình thức hỗ trợ phù hợp với từng ngành, từng DN, trong đó ưu tiên các DN đổi mới sáng tạo, DN có ngành nghề kinh doanh mới, DN chịu tác động trực tiếp nhưng có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch. Quan trọng hơn, các giải pháp hỗ trợ cần có tính hệ thống và dài hạn, có tác động đủ lớn để DN đứng dậy chớp thời cơ phục hồi trong tương lai. (Nhandan.com.vn 29/12, Tô Hà) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Một năm vận hành, cổng dịch vụ công quốc gia tiết kiệm được 8.500 tỷ đồng

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào chiều nay (28/12), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nhờ áp dụng các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, ước tính tổng chi phí tiết kiệm cho xã hội lên đến trên 8.500 tỷ đồng/năm.

 Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong năm 2020, chúng ta đã cắt giảm thêm 239 điều kiện kinh doanh. Tính chung giai đoạn 2016-2020, đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; 1.501 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo đã được xử lý.

 Với những nỗ lực và kết quả đạt được nêu trên của các bộ, cơ quan, địa phương đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các xếp hạng quốc tế như tăng 20 bậc xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế; xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018-2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia; chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, nền kinh tế, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.

 Cổng Dịch vụ công quốc gia sau một năm vận hành đã có hơn 2.650 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số 6.700 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%), với hơn 99 triệu lượt truy cập, hơn 412.000 tài khoản đăng ký; hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 719.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 46.000 giao dịch thanh toán điện tử; tiếp nhận, hỗ trợ hơn 9.600 phản ánh, kiến nghị; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 6.700 tỷ đồng/năm. (Baogiaothong.vn 28/12, Phùng Đô) Về đầu trang

Bộ Nội vụ cắt giảm, đơn giản hóa 11 thủ tục hành chính

Theo tin từ Bộ Nội vụ, thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) nhằm đảm bảo công khai, minh bạch thông tin về TTHC, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận và thực hiện TTHC, trong năm 2020, Bộ đã công bố tổng số 53 TTHC, trong đó 24 TTHC quy định mới và 29 TTHC sửa đổi, bổ sung. Tất cả TTHC được nhập vào cơ sở dữ liệu và công khai trên Trang Thông tin kiểm soát TTHC của Bộ.

 Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị và qua rà soát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký ban hành Quyết định 900/QĐ-BNV ngày 24/10/2020 về thông qua phương án đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, trong đó cắt giảm, đơn giản hóa 11 TTHC thuộc các lĩnh vực: Công tác thanh niên (cắt giảm 3 TTHC), tổ chức phi chính phủ (cắt giảm 7 TTHC), văn thư - lưu trữ (đơn giản hóa về thành phần hồ sơ 1 TTHC).

 Cùng đó, về tình hình, kết quả giải quyết TTHC, năm 2020, Bộ Nội vụ đã tiếp nhận tổng số 94.058 hồ sơ, trong đó tiếp nhận mới 93.498 hồ sơ và 560 hồ sơ kỳ trước chuyển sang. Bộ đã giải quyết 92.792 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn 92.782 hồ sơ, quá hạn 10 hồ sơ, còn 2.266 hồ sơ đang giải quyết trong hạn… (Kinhtedothi.vn 29/12, Linh Nguyễn)Về đầu trang

Gia Lai ban hành tiêu chí an toàn thông tin cho chính quyền điện tử

Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 5/4/2019, ban hành Bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá mức độ Chính quyền điện tử các cấp trên địa bàn tỉnh. Tiêu chí đánh giá, xếp hạng mức độ xây dựng chính quyền điện tử bao gồm quy định an toàn thông tin.

 Về tiêu chí cơ sở hạ tầng thông tin, một số điều nếu thực hiện được sẽ được cộng 1 điểm, bao gồm: có hệ thống tường lửa, giám sát truy nhập trái phép bảo vệ an toàn mạng LAN; cập nhật các chính sách bảo vệ trên thiết bị tường lửa (firewall); đồng thời bố trí máy tính không kết nối Internet và máy in riêng để soạn thảo, in ấn văn bản mật.

 Một số tiêu chí khác bao gồm: có sử dụng phần mềm sao lưu dữ liệu dự phòng định kỳ hàng ngày cho máy chủ; sử dụng thiết bị như NAS, SAN… để lưu trữ dữ liệu; mặt khác có phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho các hệ thống thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP.

 Ngoài ra với tỷ lệ máy tính có cài đặt phần mềm diệt virus có bản quyền tại khối văn phòng sở (tính trên số cán bộ công chức trong biên chế thực tế), điểm được tính theo %. (Ictnews.vietnamnet.vn 28/12, H.A.H)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Năm 2020, ước thu ngân sách đạt 1 triệu 472 nghìn tỷ đồng

Ngày 29/12, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương bước sang ngày làm việc thứ hai, với phần tham luận của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ.

 Kết quả thu cân đối ngân sách nhà nước đến hết 28.12.2020 đạt 1 triệu 426 nghìn tỉ đồng, bằng 94,32% dự toán, cao hơn hơn 101,4 nghìn tỉ đồng so với con số đã báo cáo Quốc hội, vẫn đang chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc phối hợp với các cấp các ngành đôn đốc các khoản thu trên tinh thần thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định và tuyệt đối không động viên các doanh nghiệp nộp trước các khoản chưa đến hạn.

 Ước thu ngân sách cả năm đạt 1 triệu 472 nghìn tỉ đồng, bằng 98,3% dự toán, cao hơn 148-150 nghìn tỉ đồng so với con số đánh giá tháng 8, tháng 9 để báo cáo Quốc hội, trong đó thu nội địa trên 98%, thu dầu thô 97,7%... (Kinhtedothi.vn 29/12)Về đầu trang

Hậu COVID-19 và bài toán phục hồi ngân sách

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đẩy cộng đồng doanh nghiệp vào tình thế vô cùng khó khăn. Ðó là đứt gãy cung - cầu, thiếu hụt dòng tiền, đầu tư ngưng trệ...

 Do đó, nếu không có sự trợ giúp mạnh mẽ, hiệu quả hơn, khả năng các doanh nghiệp có thể phục hồi được ngân sách và duy trì ổn định được sản xuất, kinh doanh sẽ gặp rất nhiều trở ngại.

 Theo báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), đến nay NSNN đã chi khoảng 17,77 nghìn tỷ đồng phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.

 Kết hợp với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, đã ảnh hưởng đến số thu, chi NSNN. Cụ thể, tổng thu NSNN lũy kế ước đạt 779,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa đạt 51,4% dự toán, giảm 10,6%; thu về dầu thô đạt 65,4% dự toán, giảm 32,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 51,2% dự toán, giảm 20,5% so cùng kỳ năm 2019.

 Lĩnh vực xuất, nhập khẩu gặp khó khăn so với cùng kỳ là do dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động ngoại thương, làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ đầu ra nên các đối tác đã và sẽ còn giãn hoãn, hủy các đơn đặt hàng, gây sụt giảm kim ngạch xuất khẩu và sản lượng. 

Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc đề xuất thêm gói hỗ trợ mới trong giai đoạn này là rất cần thiết, vì dịch bệnh đang có nhiều yếu tố bất định, có thể kéo dài đến hết năm 2021. Do đó, cần tung thêm gói hỗ trợ với quy mô khoảng 150 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5% GDP, trong khi vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt gói hỗ trợ lần thứ nhất với tỷ lệ giải ngân còn lại khoảng 75%. Gói hỗ trợ lần thứ hai cần xem xét bốn nội dung: Có nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, trên cơ sở đánh giá tác động của chính sách đến doanh nghiệp và khả năng cân đối ngân sách nhà nước; hỗ trợ lực lượng lao động không chính thức bị mất việc làm, giảm thu nhập; chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; tiếp tục hỗ trợ lãi suất.

 Riêng về chính sách lãi suất, TS Cấn Văn Lực khuyến cáo cần nghiên cứu kỹ mức hỗ trợ cho từng ngành nghề theo mức độ chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh thay vì áp dụng một mức chung, như đề xuất của VNA về mức hỗ trợ lãi suất cho vay 4% so với mức cho vay trên thị trường là 8% - 9%/năm. (Enternews.vn 29/12, Vân Anh) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Phú Yên kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên liên quan đến vụ phá rừng

Liên quan đến phản ánh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại xã Phú Mỡ, ngày 29/12, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) cho biết đã thi hành kỷ luật đối với một tập thể và 12 cán bộ, đảng viên có liên quan.

 Theo đó, tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), nhiệm kỳ 2020-2025, bị thi hành kỷ luật với hình thức Khiển trách vì thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. 

Các cá nhân là lãnh đạo xã Phú Mỡ và đảng viên có liên quan đến vụ phát dọn, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép bị thi hành kỷ luật từ hình thức Khiển trách đến Cảnh cáo và xem xét điều chuyển công tác khác.

 Cụ thể, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Mỡ La O Hóa bị kỷ luật với hình thức Cảnh cáo và xem xét điều chuyển công tác khác vì thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

 Năm cán bộ xã Phú Mỡ bị kỷ luật với hình thức Khiển trách vì thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gồm: So Bếp - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, Bí thư Chi bộ Quân sự xã; La Đình Thơ - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; La Lan Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã; La Lan Hoàn - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Công an xã, Bí thư Chi bộ Công an; La Lan Huy - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.

 Sáu đảng viên trực tiếp phát dọn, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật bị thi hành kỷ luật với hình thức Khiển trách gồm: La Lan Mạch - Đảng ủy viên, nguyên cán bộ Tuyên giáo, Dân vận xã; So Minh Thỏ - Đảng ủy viên, Bí thư xã Đoàn; La O Dũng - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phú Lợi; La Chí Cu - Bí thư Chi bộ thôn Phú Giang; La O Lợi - Đảng viên, nguyên Công an xã; Trần Quyết Thắng - Đảng viên, giáo viên. (Baotintuc.vn 29/12, Xuân Triệu) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Các bộ trưởng Philippines tiêm vắc xin chưa được cấp phép

Các bộ trưởng Philippines và các thành viên trong đội ngũ an ninh của Tổng thống Rodrigo Duterte đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nhưng chưa được nước này cấp phép.

 Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Philippines (FDA) cho đến nay vẫn chưa phê chuẩn bất kỳ vắc xin ngừa Covid-19 nào, trước khi phân phối cho 110 triệu dân. Tuy nhiên, Nhóm An ninh Tổng thống (PSG), đội ngũ có nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Rodrigo Duterte, cho biết một số thành viên của nhóm đã được tiêm vắc xin.

 "PSG đã tiêm vắc xin Covid-19 cho các thành viên phụ trách các hoạt động an ninh thân cận với tổng thống", người đứng đầu PSG, Chuẩn tướng Jesus Durante, cho biết, song không nêu cụ thể số lượng người được tiêm vắc xin.

 Bộ trưởng Nội vụ Philippines Eduardo Ano ngày 28/12 cho biết một số bộ trưởng đã được tiêm vắc xin Covid-19. Tư lệnh lục quân Philippines Cirilito Sobejana cũng thông báo binh sĩ nước này đã được tiêm vắc xin nhưng với số lượng không lớn. Cả hai quan chức đều không tiết lộ loại vắc xin được sử dụng. 

Khi được hỏi về việc ông Duterte đã được tiêm vắc xin chưa, ông Durante nói rằng Tổng thống vẫn đang chờ "loại vắc xin hoàn hảo hoặc phù hợp".

 Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Harry Roque, cũng xác nhận các cận vệ của ông Duterte đã được tiêm vắc xin của Sinopharm. Tuy nhiên, ông Roque không giải thích cách Philippines sở hữu số vắc xin này, cũng như số liều vắc xin được tiêm. (Dantri.com.vn 29/12, Thành Đạt) Về đầu trang

Quan chức y tế, giám đốc bệnh viện bị mất chức vì tham nhũng

Một quan chức y tế cấp cao và giám đốc bệnh viện ở huyện Preah Sdach (tỉnh Prey Veng, Campuchia) có liên quan đến tham nhũng và chiếm đoạt đất của Nhà nước đã bị giáng chức, điều chuyển đến Sở Y tế tỉnh để làm nhân viên.

 Hình phạt đối với You Sy Le - Giám đốc Khu Hoạt động Y tế của Preah Sdach, và You Sy Na - Giám đốc Bệnh viện Giới thiệu huyện Preah Sdach, được thực hiện theo quyết định của chính quyền tỉnh Prey Veng. 2 người này là anh em ruột.

 Quyết định của chính quyền tỉnh Prey Veng cũng nêu: “Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ung Chan Thoeun (thay thế You Sy Le) làm Giám đốc Khu Hoạt động Y tế của Preah Sdach. Và Long Vibol được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Giới thiệu huyện Preah Sdach”.

 Quyết định không nêu rõ lý do điều chuyển công tác, nhưng được đưa ra sau khi Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng giao cho chính quyền tỉnh Prey Veng điều tra vụ bê bối.

 Vụ bê bối được đưa ra ánh sáng sau khi gần 200 người, bao gồm nhân viên y tế, cán bộ và công dân các địa phương của huyện Preah Sdech gửi đơn kiến nghị ngày 15/12 lên Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng.

 Nội dung đơn tố cáo Sy Le và các đối tác lấn chiếm đất và kênh mương tại Trung tâm Y tế Angkor Reach để sở hữu cá nhân.

 Ngoài ra, đơn tố cáo cũng cho rằng, Sy Le cùng những người liên quan đã thực hiện hành vi tham nhũng tại Bệnh viện tuyến huyện.

 Trước những cáo buộc và hình phạt đối với 2 anh em You Sy Le, You Sy Na, nhiều ý kiến cho rằng chỉ giáng chức và điều chuyển công tác là không đủ nghiêm khắc. Theo quy định của pháp luật Campuchia, các hành vi tham nhũng của công chức nhà nước và lấy đất công làm sở hữu tư nhân đều là tội hình sự. (Thanhtra.com.vn 29/12, Ngọc Anh) Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More