Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 19-3-2020

Post date: 19/03/2020

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đón công dân về nước chu đáo là nghĩa đồng bào. 1

2.                Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi kỳ thị du khách nước ngoài 3

TIN QUỐC HỘI 3

3.                Covid -19: Ủy ban Thường vụ Quốc hội hạn chế người dự họp phiên 43 thế nào?. 3

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

4.                Việt Nam tăng 23 bậc về Chỉ số Tự do Kinh tế 2020. 4

5.                VCCI tiếp tục phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ. 5

6.                Rà soát doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước. 6

7.                Siết chặt thuế với kinh doanh qua mạng. 7

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 7

8.                Thấy gì từ khoản nợ 50 tỉ của huyện Yên Định, Thanh Hóa?. 7

QUẢN LÝ.. 9

9.                An ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia, Thủ tướng đề nghị "mạnh dạn nói các yếu kém". 9

10.             Thanh Hóa: Bố làm chủ tịch hội đồng xét tuyển, chỉ mình con trai đậu viên chức. 10

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

11.             Thủ tướng yêu cầu đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử. 11

12.             Dịch vụ công của Bộ Công Thương: Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. 13

13.             Ngành điện TP.HCM đẩy mạnh giao dịch trực tuyến. 14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 14

14.             Ngân sách vẫn “nuôi” hoàn toàn 72% đơn vị sự nghiệp công lập. 14

15.             Giải ngân vốn đầu tư công tăng gần gấp 2 lần. 15

16.             TP.HCM giải ngân vốn đầu tư công hơn 1.500 tỷ đồng. 15

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 16

17.             Vụ Chủ tịch xã “mang phở” cho phụ nữ vắng chồng: Đề xuất cách chức. 16

THẾ GIỚI 17

18.             Trump đề xuất gửi 1.000 USD cho mỗi người Mỹ. 17

19.             Saudi Arabia bắt giữ 298 quan chức trong các cuộc điều tra tham nhũng mới 18

 TIÊU ĐIỂM

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đón công dân về nước chu đáo là nghĩa đồng bào

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 18/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dù còn khó khăn nhưng với người Việt Nam ở nước ngoài thực sự cần thiết phải về nước, chúng ta luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể.

 Trước diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới rất phức tạp, nhanh hơn nhiều dự kiến của các chuyên gia thế giới, Phó Thủ tướng khẳng định, những nguyên tắc, chủ trương, chỉ đạo chống dịch của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo quốc gia từ đầu tới nay là rất đúng đắn.

 “Bài học lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua là dưới sự lãnh đạo của Đảng, tất cả lực lượng đã vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ, đặc biệt là sự tham gia của người dân. Qua khó khăn càng thấy rõ sức mạnh của nhân dân và của hệ thống chính trị. Chúng ta phải tiếp tục phát huy”, Phó Thủ tướng nói.

 Trước hết, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh xâm nhập vào Việt Nam thông qua các chính sách về xuất nhập cảnh, trên tinh thần mềm dẻo, hợp tác nhưng kiên quyết. Việt Nam phòng, chống dịch tốt cũng góp phần cùng thế giới phòng, chống dịch.

 Thực tế, trong những ngày qua, như nhiều nước, do không thể ngăn giao lưu ngay với bên ngoài, các lực lượng phải làm việc “không có đêm, không có ngày” để rà soát, tìm kiếm, giám sát hành khách, các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 trên hàng chục chuyến bay đến Việt Nam.

 Trong nước hiện vẫn còn hàng trăm nghìn người nước ngoài đã nhập cảnh chưa quá thời hạn 14 ngày, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch. Tất cả các đơn vị, lực lượng phải tiếp tục hiệp đồng từ con người, cơ chế, công nghệ để phát hiện nhanh nhất người bệnh, những người tiếp xúc gần.

 Tất cả mọi người, dù là người nước ngoài, phải tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của Bộ Y tế, cung cấp thông tin về việc xác định, tiếp cận cách ly, hỗ trợ y tế những người có nguy cơ lây nhiễm nhanh nhất, không để bỏ sót một ai.

 “Chúng ta phải kiểm soát được người nhập cảnh bằng chính sách quản lý thị thực như Thủ tướng vừa chỉ đạo, đồng thời tiếp cận, cách ly được tất cả những người có nguy cơ lây nhiễm đã nhập cảnh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

 Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng cường truyền thông qua tất cả các kênh để hướng dẫn, đề nghị người Việt Nam đang học tập, lao động ở nước ngoài tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của nước sở tại.

 “Những trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 Dù sẽ có những bất tiện như các thủ tục sân bay, điều kiện nơi cách ly, nhưng Phó Thủ tướng mong mọi người nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, hợp tác, chia sẻ. Sự hợp tác chia sẻ của những người được cách ly và của cả cộng đồng chính là sự động viên quý báu nhất cho tất cả các lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. (Danviet.vn 18/3, Diệu Linh)Về đầu trang

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi kỳ thị du khách nước ngoài

Ngày 18/3, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý thông tin báo nêu về việc ứng xử với khách du lịch nước ngoài.

 Văn bản nêu, gần đây một số phương tiện thông tin, báo chí có phản ánh về việc do lo ngại nguy cơ nhiễm và lây lan dịch bệnh Covid-19 từ khách du lịch là người nước ngoài, một số cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch ở các địa phương đã từ chối phục vụ, thậm chí có biểu hiện tẩy chay, kỳ thị khách du lịch là người nước ngoài.

 Để kịp thời chấn chỉnh, giữ gìn hình ảnh đất nước, con người, điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hiếu khách, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo rà soát về tình hình khách du lịch nước ngoài trên địa bàn; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, nhất là tại các khu, điểm du lịch thực hiện nghiêm quy định của Luật Du lịch về việc không phân biệt, đối xử đối với khách du lịch; chấn chỉnh và xử lý nghiêm mọi hành vi kỳ thị, từ chối phục vụ khách du lịch là người nước ngoài.

 Trường hợp phát sinh những vấn đề phức tạp, vượt quá khả năng xử lý tại chỗ, báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để chỉ đạo, xử lý.

 Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú du lịch chủ động triển khai các giải pháp về phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của cơ quan y tế và có biện pháp phù hợp để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nước ngoài, bảo đảm an toàn, có tổ chức.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời có hướng dẫn tránh để xảy ra các vụ việc và phối hợp với Đại sứ quán các nước liên quan trong quá trình xử lý, gìn giữ hình ảnh quốc gia hiếu khách, thân thiện. (Danviet.vn 18/3, Xuân Lực)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Covid -19: Ủy ban Thường vụ Quốc hội hạn chế người dự họp phiên 43 thế nào?

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên số lượng và thành phần dự tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hạn chế.

 Được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc có thông báo dự kiến Chương trình phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Phiên họp sẽ bắt đầu từ ngày 23 đến sáng 25/3/2020.

 Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên số lượng và thành phần dự tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội được hạn chế, chỉ bao gồm như sau: Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Cơ quan trình (tối đa 5 người); Thường trực Ủy ban chủ trì thẩm tra và 1 đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật (các thành viên khác của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban và Lãnh đạo các Ban theo dõi phiên họp tại phòng làm việc của mình qua hệ thống truyền hình nội bộ cơ quan - MyTV);

 Đại diện lãnh đạo một số cơ quan liên quan (1 người/1 cơ quan); Văn phòng Quốc hội: 1 Lãnh đạo Văn phòng; trợ lý, thư ký Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội; đơn vị chủ trì phục vụ nội dung, Vụ Pháp luật, Vụ Tổng hợp (1 người/1 đơn vị).

 Thông báo cũng nêu rõ, Văn phòng Quốc hội khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian tiến hành phiên họp.

 Theo dự kiến Chương trình, tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về một số dự án Luật còn có ý kiến khác nhau như: Cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Cho ý kiến (lần 2) về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Cho ý kiến về việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao; Cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); Cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

 Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 - 2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính; Cho ý kiến về cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; Cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định chi tiết về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. (Danviet.vn 18/3)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam tăng 23 bậc về Chỉ số Tự do Kinh tế 2020

Quỹ Di sản đã công bố báo cáo Chỉ số Tự do Kinh tế 2020, trong đó Việt Nam đạt 58,8 điểm và xếp hạng thứ 105 trên thế giới, tăng 23 bậc so với năm 2019.

 Điểm tự do kinh tế của Việt Nam là 58,8, đưa Việt Nam đứng thứ 105 trong bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Kinh tế 2020. Kết quả tổng thể của Việt Nam đã tăng 3,5 điểm do tăng đáng kể tình hình tài khóa.

 Việt Nam xếp hạng 21 trong số 42 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và điểm tổng thể của Việt Nam thấp hơn một chút so với mức trung bình của khu vực và thế giới.

 Nền kinh tế Việt Nam đã dần dần được cải thiện về chỉ số tự do kể từ năm 2011. Tăng trưởng GDP mạnh mẽ trong 5 năm qua đã phản ánh sự cải thiện này, được thúc đẩy bởi các ngành sản xuất và chế biến định hướng xuất khẩu.

 Tự do kinh tế sẽ được tăng cường ở Việt Nam nếu chính phủ có thể tự do hóa kinh tế bằng cách thúc đẩy thương mại quốc tế và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Cải thiện môi trường đầu tư cũng sẽ chậm nếu như không có cải thiện về tư pháp.

 Báo cáo nhận xét, mặc dù tất cả đất đai đều thuộc sở hữu và quản lý của nhà nước, kể từ tháng 9/2018, chính phủ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 96,9% đất đai tại Việt Nam.

 Thuế thu nhập cá nhân cao nhất là 35% và thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất là 22%. Các loại thuế khác bao gồm thuế giá trị gia tăng và tài sản. Gánh nặng thuế chung bằng 18,6% tổng thu nhập trong nước. Chi tiêu của chính phủ đã lên tới 28,3% GDP trong 3 năm qua và thâm hụt ngân sách đã trung bình 4,7% GDP. Nợ công tương đương với 57,5% GDP.

 Báo cáo đánh giá: "Khởi sự kinh doanh đã trở nên dễ dàng hơn, và chi phí đăng ký kinh doanh đã được cắt giảm. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp và việc thực thi luật lao động vẫn còn yếu. Kiểm soát ổn định giá vẫn có hiệu lực đối với nhiên liệu, năng lượng và nước, tài nguyên thiên nhiên và dược phẩm. Năm 2019, Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục trợ cấp cho hãng hàng không quốc gia trong tối đa 10 năm.

 Tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ bằng 187,5% GDP. Thuế suất áp dụng trung bình là 2,7%. Khung đầu tư tổng thể đã được hiện đại hóa và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, nhưng còn chưa hiệu quả. Lĩnh vực tài chính tiếp tục phát triển, và hoạt động cho vay theo chỉ đạo của các ngân hàng thương mại nhà nước đã được thu hẹp trong những năm gần đây". (Cafef.vn 18/3)Về đầu trang

VCCI tiếp tục phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có Công văn gửi Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp và Doanh nghiệp.

 Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh dưới tác động của dịch COVID-19, trên cơ sở tập hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, ngày 25/2/2020 Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có công văn số 0210/PTM-PTDN gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp, kiến nghị các giải pháp dài hạn và đề xuất 12 giải pháp ngắn hạn có tính chất cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

 Ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

 Ngày 17/3/2020, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đã ra lời kêu gọi "Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch COVID-19".

 Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng và Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị các Hiệp hội Doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tích cực quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng và hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 Đồng thời, kịp thời triển khai các biện pháp cụ thể, khả thi để ngăn ngừa dịch bệnh tại cơ quan, tổ chức của mình; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tái cấu trúc, duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong và sau dịch bệnh; đảm bảo việc làm, đời sống, thu nhập cho người lao động; tích cực tham gia ủng hộ phòng chống dịch COVID-19.

 Cùng với đó, tiếp tục phản ánh những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị các giải pháp cụ thể về VCCI để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới. (Diễn đàn doanh nghiệp 18/3)Về đầu trang

Rà soát doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực công nghiệp – thương mại, đề nghị rà soát, báo cáo danh sách doanh nghiệp và kinh doanh thương mại trên địa bàn quản lý.

 Theo đó, để tiếp tục chủ động các biện pháp ứng phó, phòng chống hiệu quả dịch bệnh cũng như để phục vụ công tác chỉ đạo điều tiết sản xuất, bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ người dân trong mọi tình huống theo chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố rà soát, tổng hợp danh sách các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại (bao gồm cả trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và thương mại nội địa) trên địa bàn.

 Trong đó, yêu cầu các thông tin cụ thể gồm: Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh (các lĩnh vực thực tế đang có hoạt động); tên, số điện thoại của lãnh đạo điều hành doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (người sẽ chịu trách nhiệm trực và đầu mối liên lạc để phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch); số lượng cán bộ, nhân viên, người lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; thông tin ghi chú khác (nếu có).

 Đối với Chủ tịch các Hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại, Bộ Công Thương yêu cầu chỉ đạo đơn vị chức năng của Hiệp hội rà soát, tổng hợp danh sách về các doanh nghiệp, đơn vị Thành viên của Hiệp hội với thông tin cụ thể như sau: Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, đơn vị thành viên; lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (các lĩnh vực thực tế đang có hoạt động); tên, số điện thoại của lãnh đạo điều hành doanh nghiệp, đơn vị thành viên (người sẽ chịu trách nhiệm trực và đầu mối liên lạc để phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch); số lượng cán bộ, nhân viên, người lao động của doanh nghiệp, đơn vị thành viên.

 Các thông tin nêu trên đề nghị gửi về Bộ Công Thương trong ngày 17.3.2020. (Đại biểu nhân dân 17/3)Về đầu trang

Siết chặt thuế với kinh doanh qua mạng

Luật Quản lý thuế, phần sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới, trong đó đã có các điều khoản sửa đổi làm cơ sở quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh qua mạng chặt chẽ hơn.

 Đặc biệt, Luật sửa đổi quy định trách nhiệm của các cơ quan ban ngành phối hợp để chặt chẽ hơn việc quản lý thuế.

 Cơ quan thuế sẽ tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ để người nộp thuế nắm bắt được quy định để nộp thuế đúng, đồng thời thực hiện thanh tra, kiểm tra để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các đối tượng chịu thuế.

 Trước đó, nhiều thông tin cho thấy nhiều cá nhân là YouTuber, những người kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook có nguồn thu nhập lớn nhưng không đóng thuế đầy đủ. (VTV.vn 18/3)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Thấy gì từ khoản nợ 50 tỉ của huyện Yên Định, Thanh Hóa?

Điểm lại một số vụ án liên quan đến việc “vung tay quá trán” và cố tình làm trái luật để thấy, nó diễn ra từ rất lâu, được cảnh báo nhiều nhưng vẫn tồn tại.

 Điểm lại một số vụ án liên quan đến việc “vung tay quá trán” và cố tình làm trái luật để thấy, nó diễn ra từ rất lâu, được cảnh báo nhiều nhưng vẫn tồn tại dài dài và có xu hướng ngày càng phức tạp hơn.Chuyện ở Thanh Hóa...

 Nội dung bài “Thanh Hóa: Oái oăm Huyện ủy, Ủy ban nợ hơn 50 tỷ đồng không có khả năng trả” (Dân trí ngày 16.3.2020) khiến dư luận thực sự sốc. Bởi lẽ, từ lính tới quan, họ rất biết trái luật nhưng vẫn vô tư thực hiện như chuyện phải ăn, phải uống hàng ngày. 

 Hành vi “vung tay quá trán” của Bí thư, Chủ tịch huyện Yên Định, Thanh Hóa (diễn ra chủ yếu giai đoạn 2011- 2015, cả hai vị này đã nghỉ hưu) trong bài không khiến tôi ngỡ ngàng (bởi nó ngấm vào máu thịt không ít quan chức tùy tiện xài ngân khố quốc gia), mà điều gây bất ngờ nhất là cách “cho vay” và cách sử dụng những đồng tiền “ đi vay” đó.

 Theo tố khổ của một số thuộc cấp, Bí thư hay Chủ tịch huyện đã lệnh kể cả tiếp khách, liên hoan, lãnh đạo các phòng ban chức năng phải tự giác tìm nguồn tiền để thực hiện, mặc cho ngân sách không còn và quỹ đang âm hàng chục tỉ. Vì ngân quỹ không còn, nhiều lãnh đạo phòng ban chức năng phải lấy tiền nhà ra để ứng tiền cho các xếp tiêu, có người phải ứng nhiều lần, lên tới 4 - 5 tỉ đồng. Trong đơn, có vị tố cáo “anh em cấp dưới như chúng tôi cứ lãnh đạo nói là bỏ tiền của mình ra chi thôi, hầu như không có giấy tờ cụ thể gì. Các bác hứa trả, nhưng nợ càng ngày càng nhiều, không trả nổi”. Vì vậy, có vị đã gửi đơn thư đến lãnh đạo tỉnh, Thanh tra Chính phủ, thậm chí khởi kiện ra tòa nhưng cho đến nay vẫn chưa thể lấy được tiền “cho vay”.

 Vì “hầu như không có giấy tờ gì cụ thể”, phận cán bộ cấp dưới cứ tố cáo, cứ  kiện ra tòa, các cơ quan chức năng lấy bằng cớ gì giải quyết. Chỉ khổ thân phận cấp dưới phải thực thi những yêu cầu của cấp trên, dù phi lý.

 Những vụ việc kiểu đó khiến dư luận chợt nhớ cũng trong thời điểm này, xảy ra những việc đáng xấu hổ với một số quan chức tỉnh Thanh: 12 con dê hỗ trợ hộ nghèo đi “lạc” vào trang trại của ông Bí thư huyện ủy Thạch Thành; việc “nâng đỡ không trong sáng” của cựu Phó Chủ tịch tỉnh cho hot girl Trần Vũ Quỳnh Anh...

 Đến đây cần dư luận có quyền đặt ra câu hỏi: Đâu là lý do diễn ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, tiếp tục làm sói mòn lòng tin mong manh của người dân vào chính quyền? Trách nhiệm của người đứng đầu, của tập thể lãnh đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đến đâu trong những vụ việc này?

 Người dân cũng không thể không liên tưởng tới vụ “dột từ nóc” xảy ra ở Công an tỉnh Đồng Nai: Hầu hết lãnh đạo hai khóa (2010 – 2015 và 2015- 2020) bị cảnh cáo, bị cách hết các chức vụ, trong đó không chỉ một loạt Trưởng phòng nghiệp vụ, 3 Phó Giám đốc mà cả nguyên Giám đốc và Giám đốc Công an tỉnh cùng dính chàm, thậm chí cả hai nguyên Chủ tịch Đoàn Quốc hội của tỉnh Đồng Nai cũng bị cách hết các chức vụ. 

Cũng giống như ở Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chưa bị xem xét kỷ luật tương xứng khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Phải chăng ở những nơi này vẫn có vùng cấm?

 So sánh rộng một chút, chủ trương xã hội hóa phát triển giao thông là chủ trương hoàn toàn đúng nhưng không ít các trạm BOT giao thông vì “đặt nhầm chỗ”, vì hạch toán vống khoản đầu tư và giấu khoản thu khủng khiến dư luận dậy sóng. Không chỉ vậy, trước việc một số BOT phải “xả trạm”, phải tính lại thời gian thu phí, giảm mức phí, những ông chủ của các dự án này cho rằng nếu tính lại như vậy họ sẽ lỗ.

 Do đó, những ông chủ này đưa ra thông điệp không khác gì dọa ngược Bộ GTVT: Sẽ trả lại dự án!? Ô hay, nếu làm ăn như vậy, bất cứ ai cũng có thể làm ông chủ được, bởi lời ăn, lỗ thì trả lại Nhà nước. Thật mà như đùa.

 Mặt khác, thực sự họ có lỗ thật hay không thì có trời biết. Bởi ngoài việc khai khống vốn đầu tư, đặt nhầm chỗ trạm thu phí, hiện các trạm thu phí vẫn “chống lệnh” thu phí không dùng của Thủ tướng. Vậy đâu là lý do họ “chống” như vậy? 

Hoặc xa hơn một chút, vào những năm 2001 -2004, dư luận thực sự sốc với “đại công trường” của Hà Giang . Đây không chỉ là hành vi “vung tay quá trán” mà còn đặt Nhà nước vào thế “tiền trảm hậu tấu”. Dù không có vốn, dự án chưa được Nhà nước duyệt, lãnh đạo tỉnh cứ bút phê thực hiện như đúng rồi. Hậu quả để lại là nợ giá trị khối lượng xây dựng cơ bản 953,387 tỉ đồng và điều đó khiến Hội DN trẻ Hà Giang tuyên bố: Nếu không được xem xét thanh toán sẽ có khoảng 50-60% trong tổng số hơn 350 DN của Hà Giang bị phá sản.

 Điểm lại từ những vụ từ trước đến nay để thấy chuyện “vung tay quá trán” và cố tình làm trái luật diễn ra đã lâu, được cảnh báo nhiều nhưng nó vẫn tồn tại dài dài, xu hướng ngày càng phức tạp hơn.

  Hy vọng, thời gian qua một số vị đứng đầu đã, đang bị xử lý trách nhiệm sẽ làm chùn tay những vị định “ăn không từ thứ gì” như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nói thẳng. (Dantri.com.vn 18/3, Vương Hà)Về đầu trang

QUẢN LÝ

An ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia, Thủ tướng đề nghị "mạnh dạn nói các yếu kém"

Sáng 18/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020.

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương tại gần 100 điểm cầu trên toàn quốc tham dự.

 An ninh lương thực là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia. Đất nước ta với quy mô dân số gần 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực càng hệ trọng. 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết, Chính phủ hiện tập trung chỉ đạo chống dịch Covid-19 đang lây lan toàn cầu, với số ca nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam gia tăng.

 “Chúng ta phải quyết ngăn chặn cho được đại dịch này. Đây là nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, vì dịch ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nói.

 Đi liền với chống đại dịch tốt là phải giữ ổn định đời sống nhân dân, giữ nhịp độ sản xuất cũng như các lĩnh vực xã hội khác.

 Trong bối cảnh đó, hội nghị này được tổ chức nhằm thảo luận về công tác bảo đảm an ninh lương thực, một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào để bảo đảm cuộc sống, nhu yếu phẩm cho người dân.

Về 10 năm thực hiện Đề án, theo người đứng đầu Chính phủ, nông nghiệp nói chung, đặc biệt sản xuất lương thực của nước ta đã đạt nhiều thành tựu lớn, toàn diện.

 Từ một nước thiếu ăn, đến nay, bình quân lương thực đầu người của Việt Nam đã đạt 525 kg và là một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Việt Nam có loại gạo được bình chọn là ngon nhất thế giới.

 Từ kết quả đó, Thủ tướng đề nghị, các đại biểu thảo luận về các bài học, kinh nghiệm thành công. Nhưng không chỉ nói thành tích mà còn “mạnh dạn nói về các yếu kém của nông nghiệp nói chung, đặc biệt đối với an ninh lương thực nói riêng”.

 Thủ tướng ví dụ, chúng ta xuất khẩu trong top đầu nhưng an ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia. Về trồng lúa, mức sống nông dân đã khá hơn trước nhưng nhiều người vẫn còn nghèo, còn khó khăn...

 Bên cạnh đó là việc giữ diện tích trồng lúa. “Sắp tới, giữ diện tích lương thực, diện tích sản xuất lúa ở mức nào để bảo đảm an ninh lương thực, phát huy hiệu quả của nông nghiệp nhiệt đới”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, đây cũng là bài toán cần phải thảo luận.

 Thủ tướng cũng nhắc lại sự việc vừa qua khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19, “thị trường nhốn nháo, nhất là có việc người dân mua lương thực, mì tôm dự trữ”. Khi đó, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo các công ty lương thực bảo đảm cung ứng, mở cửa bán lương thực đến 23h đêm cho người dân.

 Trong tình huống đó, “không có nguồn thì làm sao bảo đảm được”. Vì vậy, dự trữ lương thực, ổn định trong mọi điều kiện là rất quan trọng, đây là mặt hàng chính yếu. “Đừng coi thường, đừng cho đây không phải vấn đề chiến lược”, Thủ tướng nêu rõ.

 Theo người đứng đầu Chính phủ, an ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới. Do đó, câu nói của cha ông “phi nông bất ổn” cần được quán triệt trong tình hình mới. (Thanhtra.com.vn 18/3, Hương Giang)Về đầu trang

Thanh Hóa: Bố làm chủ tịch hội đồng xét tuyển, chỉ mình con trai đậu viên chức

Trong 3 thí sinh xét tuyển viên chức, 1 thí sinh bỏ phỏng vấn, 2 thí sinh còn lại có 1 thí sinh trúng tuyển. Thí sinh này là con trai Chủ tịch Hội đồng xét tuyển khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

 Theo phản ánh, năm 2020, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa được UBND tỉnh này đồng ý cho tuyển dụng 2 người vào các vị trí gồm: vị trí việc làm di sản viên hạng 3 (1 người) và lao động hợp đồng theo Nghị định 68 (1 người).

 Sau khi kế hoạch được UBND tỉnh Thanh Hóa thông qua, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thông báo tuyển dụng và có 3 người đăng ký dự tuyển vào vị trí viên chức và 1 người đăng ký vào vị trí lao động hợp đồng theo Nghị định 68.

 Tuy nhiên, tại buổi thi phỏng vấn, thí sinh làm hợp đồng lâu năm tại bảo tàng bất ngờ bỏ thi, chỉ còn 2 thí sinh dự tuyển vị trí việc làm di sản hạng 3.

 Kết quả, ông Trịnh Tiến Dũng đang là cán bộ hợp đồng tại Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh (trực thuộc Sở VHTT&DL Thanh Hóa) trúng tuyển vào vị trí này và một ứng viên duy nhất dự tuyển lao động hợp đồng Nghị định 68 trúng tuyển.

 Đáng chú ý, ông Trịnh Tiến Dũng là con trai của ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cũng là người làm Chủ tịch Hội đồng xét tuyển viên chức của đơn vị.

 Khi kết quả tuyển dụng được công bố, nhiều ý kiến cho rằng việc tuyển dụng không khách quan, trung thực khi bố làm Giám đốc Bảo tàng, Chủ tịch Hội đồng xét tuyển, còn người dự thi và trúng tuyển lại là con trai.

 Trao đổi với PV Dân trí, ông Trịnh Đình Dương xác nhận việc ứng viên duy nhất trúng tuyển vào vị trí việc làm di sản hạng 3 là con trai ông.

 Cũng theo ông Dương thì ông cũng băn khoăn việc mình làm chủ tịch hội đồng xét tuyển nên trước khi diễn ra cũng đã nghiên cứu các quyết định tuyển viên chức và thấy không có quyết định nào nói con thi tuyển viên chức thì bố không được làm chủ tịch hội đồng.

 “Quy trình xét tuyển chúng tôi làm chặt chẽ, khách quan. Tôi có hỏi ý kiến Sở và vẫn được đồng ý. Trước đây việc xét tuyển là do Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa làm Chủ tịch Hội đồng, tuy nhiên việc xét tuyển lần này tỉnh giao cho đơn vị thực hiện” – ông Dương nói.

 Còn bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT&DL cho biết, Sở đã nắm được thông tin phản ánh về việc xét tuyển viên chức vào Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa (đơn vị trực thuộc sở) được cho là chưa khách quan, hiện Sở đang giao cho Thanh tra phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ của Sở kiểm tra lại.

 Được biết, ngày 13/11/2019, Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép tuyển dụng 20 công chức sự nghiệp và 1 hợp đồng lao động theo Nghị định 68. Trong đó, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa được tuyển 1 vị trí viên chức và 1 lao động hợp đồng 68. Việc tuyển dụng phải thực hiện xong trước tháng 2/2020.

 Thời điểm này, ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa, đã có thông báo chờ nghỉ chế độ (nghỉ hưu ngày 1/12/2020) nên việc tuyển dụng viên chức tại các đơn vị trực thuộc Sở này được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho các đơn vị (trừ Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ) xây dựng phương án tuyển dụng. (Dantri.com.vn 18/3, Bình Minh)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Thủ tướng yêu cầu đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua. 

Tại Nghị quyết về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025 được ban hành ngày 7/3/2019, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực (doanh nghiệp đầu tư, nhà nước thuê dịch vụ; hợp tác công tư (PPP), kinh phí sự nghiệp...) để triển khai các dự án xây dựng Chính phủ điện tử, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đây là một những giải pháp nhằm bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

 Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã có báo cáo về nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực để triển khai các dự án xây dựng Chính phủ điện tử.

 Chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí xây dựng Chính phủ thời gian qua; nêu rõ tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục, đảm bảo sử dụng kinh phí hiệu quả, không thất thoát, lãng phí.

 “Trên cơ sở đó, rà soát, hoàn thiện nội dung báo cáo đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2020”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

 Theo đánh giá của Bộ TT&TT, cơ quan điều phối các nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, một trong những hạn chế thời gian qua là kinh phí đầu tư cho phát triển Chính phủ điện tử chưa đáp ứng nhu cầu.

 Nhận định một nguyên nhân chính của việc kinh phí đầu tư cho phát triển Chính phủ điện tử chưa đáp ứng nhu cầu là do chưa có nguồn ngân sách ổn định cho Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT đã đề xuất thực hiện những giải pháp: các bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước hàng năm cho triển khai các nhiệm vụ trong Nghị quyết của Chính phủ ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; đưa Chính phủ điện tử, an toàn, an ninh mạng vào nội dung triển khai của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2021 - 2025. 

Từ thực tế triển khai tại Bộ TN&MT, trong hội nghị trực tuyến của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo quốc gia về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành địa phương hồi giữa tháng 2/2020, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, nên tận dụng phương thức nhà nước và doanh nghiệp cùng thực hiện, có như vậy chúng ta mới có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án Chính phủ điện tử như dự án cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

 “Để xây dựng được, chúng ta phải xem xét có những thủ tục tốt hơn, nhanh hơn trong vấn đề chỉ định hoặc lựa chọn doanh nghiệp tham gia. Chúng ta cũng cần có ngay cơ chế để làm sao các doanh nghiệp có thể tham gia quá trình này cùng với nhà nước, tức là xem xét các hình thức đầu tư công –tư, có thể đầu tư công nhưng quản trị tư, hoặc là đầu tư tư và quản trị công. Với lĩnh vực TN&MT, đất đai, chúng tôi đề nghị nên có đầu tư tư và quản trị công. Như vậy, ở đây có vai trò của nhà nước. Nhà nước sẽ ban hành ra cơ chế chính sách để khi cung cấp các dịch vụ công thì những người sử dụng dịch vụ sẽ chi trả lại một phần chi phí bù lại các chi phí đầu tư, duy trì hoạt động các hệ thống”, người đứng đầu Bộ TN&MT phân tích.

 Cũng tại hội nghị trên, nhận định các doanh nghiệp tư nhân đều có các năng lực thế mạnh riêng trên nhiều lĩnh vực, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CMC Nguyễn Trung Chính, thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã đề xuất việc mở rộng giao cho doanh nghiệp tư nhân tham gia cùng nhà nước trong quá trình cải cách và đẩy mạnh áp dụng hình thức PPP (đối tác công - tư), tiến tới loại bỏ việc nhà nước tổ chức thực hiện dịch vụ công. (Ictnews.vietnamnet.vn 17/3,  M.T) Về đầu trang

Dịch vụ công của Bộ Công Thương: Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tốt hơn

Bộ Công Thương là địa chỉ duy nhất của Bộ để kết nối, liên thông và trao đổi dữ liệu đến Cổng Dịch vụ công quốc gia.

 Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT & KTS) - Bộ Công Thương, hiện tất cả 292 thủ tục hành chính (TTHC) cấp trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai DVCTT mức độ 2 trở lên; trong đó có 166 DVCTT mức độ 3, 4. Hiện đã có hơn 31.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký sử dụng Cổng DVCTT của Bộ. Hết năm 2019, Bộ đã xử lý hơn 1.540.792 hồ sơ điện tử qua các DVCTT mức độ 3, 4, tương ứng 99% tổng số hồ sơ gửi đến.

 Ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục TMĐT&KTS- cho biết, bên cạnh việc đưa vào sử dụng các DVCTT, Bộ Công Thương hỗ trợ hàng vạn lượt DN trong việc sử dụng các DVCTT thông qua điện thoại, email… góp phần hỗ trợ người dân, DN tiếp cận với các TTHC do Bộ quản lý.

 Liên quan tới việc triển khai Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020. Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng DVCTT mức độ 4 đối với 6 TTHC được nêu tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg. Đến nay, nhiệm vụ này đã hoàn thành, cụ thể đối với các DVCTT: Đăng ký danh mục hàng nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam kể từ đợt 2; cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương; cấp phép hoạt động điện lực; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cấp nhãn năng lượng.

 Cùng với đó, xây dựng mới, nâng cấp, cập nhật thêm 30 DVCTT thuộc các lĩnh vực: An toàn công nghiệp, an toàn thực phẩm, khoa học công nghệ, quản lý cạnh tranh, thương mại quốc tế, công nghiệp nặng…

 Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục giao nhiệm vụ cho các đơn vị xây dựng kế hoạch tổng thể về ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, xây dựng hệ thống DVCTT, Chính phủ điện tử, ban hành các hướng dẫn cụ thể về việc triển khai thực hiện.

 Cụ thể, để hoàn thiện các DVCTT phù hợp với nội dung Thông tư số 05/2016/TT-BCT ngày 6/6/2016 quy định về việc cung cấp DVCTT của Bộ Công Thương. Đồng thời, triển khai xây dựng mới thêm DVCTT mức độ 3, 4; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, Cục TMĐT&KTS sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị có liên quan, đảm bảo việc trao đổi thông tin về C/O form D với Cơ chế một cửa ASEAN được thông suốt.

 Để triển khai Quyết định số 4597/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương giai đoạn 2018-2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu: Các đơn vị thuộc Bộ phải kiến trúc được mô hình của Chính phủ điện tử trong giai đoạn tới đây với những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn 2018 - 2020 và kế hoạch của từng năm trong giai đoạn này; xây dựng hạ tầng CNTT, đảm bảo tính kết nối, liên thông, an toàn, hiệu quả, có tính kết nối với các đơn vị thuộc Bộ, với Chính phủ điện tử của Chính phủ và các bộ, ngành khác. (Congthuong.vn 18/3, Việt Anh) Về đầu trang

Ngành điện TP.HCM đẩy mạnh giao dịch trực tuyến

Ngành điện TP.HCM triển khai mạnh mẽ các giao dịch, thủ tục qua mạng nhằm cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện nhất.

 Chỉ chưa tới 2 ngày, hồ sơ xin cấp điện mới của một xưởng cơ khí ở huyện Nhà Bè, TP.HCM đã được Công ty Điện lực Duyên Hải phê duyệt. Điều đáng nói là các thủ tục đều được thực hiện qua mạng. Nhiều khu vực ở huyện Nhà Bè là thuần nông, nhưng việc triển khai các giao dịch qua mạng vẫn được ngành điện TP.HCM triển khai sâu rộng. Dù người dân còn bỡ ngỡ lúc đầu, qua sự tuyên truyền cặn kẽ, nay việc này đã trở nên dễ dàng hơn. 

Hiện ngành điện đã đáp ứng 100% nhu cầu các dịch vụ về điện trực tuyến 24/7 ở cấp độ 4, tương ứng với 19 loại hình dịch vụ phổ biến nhất. Khách hàng có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như: trang web chăm sóc khách hàng, cổng dịch vụ công quốc gia, gọi điện đến tổng đài, ứng dụng Zalo hoặc gửi thông tin qua email và đều được đáp ứng.

 Do giảm bớt phiền hà cho khách hàng, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nên các giao dịch trực tuyến đang được khuyến khích để người dân thực hiện. Với ngành điện TP.HCM, hiện thủ tục, hồ sơ qua mạng đã được thực hiện 100% và 99% người dân nộp tiền điện trực tuyến. (Vtv.vn 17/3, Uyên Phương - Hoàng Vũ) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Ngân sách vẫn “nuôi” hoàn toàn 72% đơn vị sự nghiệp công lập

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, yêu cầu đến năm 2021 phải tính đủ chi phí trong giá dịch vụ công, tuy nhiên đối với một số dịch vụ công thuộc lĩnh vực giáo dục, Nhà nước vẫn hỗ trợ một phần chi phí.

 Bộ Tài chính cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến hết năm 2016, trong 57.171 đơn vị sự nghiệp công lập được giao cơ chế tự chủ về tài chính theo các mức độ khác nhau, có 123 đơn vị (0,21%) tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 1.934 đơn vị (3,33%) tự bảo đảm chi thường xuyên; 12.968 đơn vị (22,36%) tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; còn lại 42.146 đơn vị (72,67%) do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động. Kết quả này cho thấy việc thực hiện quy định về tự chủ còn nhiều hạn chế.

 Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành đến năm 2020, giá dịch vụ công phải tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Tuy nhiên, đến nay nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình. Mới chỉ có lĩnh vực y tế đã ban hành khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có bảo hiểm y tế và không có bảo hiểm y tế. Điều này dẫn đến việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch và ngân sách vẫn phải tiếp tục bao cấp các đơn vị sự nghiệp công lập.

 Để khắc phục, dự thảo Nghị định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định nguyên tắc: Đến năm 2021 giá cung cấp dịch vụ công cần được tính đầy đủ chi phí. Đồng thời dự thảo bổ sung quy định cụ thể: Trong trường hợp chưa ban hành được định mức kinh tế kỹ thuật, thì các chi phí trực tiếp và chi phí quản lý để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công được xác định theo số thực hiện bình quân của 3 năm trước liền kề.

 Tuy vậy, Bộ Tài chính cho rằng trên thực tế sẽ vẫn còn một số loại dịch vụ công mang tính thiết yếu, ảnh hưởng đến an sinh xã hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế, sẽ chưa tính được đầy đủ chi phí cung cấp dịch vụ trong giá, vẫn cần tiếp tục duy trì cơ chế Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí cung cấp dịch vụ. Ví dụ với giáo dục phổ thông, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2017 - 2018, mức thu học phí trung bình cấp học mầm non, cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông thấp hơn từ 9 - 10 lần chi phí đào tạo (số chi từ ngân sách nhà nước cho giáo dục phổ thông).

 Do đó, nếu thực hiện tính đủ chi phí vào giá dịch vụ thì dự kiến mức học phí giáo dục phổ thông sẽ phải tăng từ 9 - 10 lần so với hiện nay, như vậy sẽ không khả thi với mức đóng góp của xã hội. Vì vậy, dự thảo Nghị định bổ sung quy định: “Lộ trình tính giá đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giá dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và pháp luật chuyên ngành”. (Đại biểu nhân dân 18/3)Về đầu trang

Giải ngân vốn đầu tư công tăng gần gấp 2 lần

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), 2 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công đã tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019 cả về tiến độ và mức thực hiện.

 Theo đó, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương đến hết tháng 2 là hơn 34.700 tỷ đồng, đạt 7,38% kế hoạch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, các Bộ, ngành Trung ương giải ngân đạt 5,46% kế hoạch; các địa phương giải ngân đạt 7,96% kế hoạch.

 Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), mặc dù tiến độ giải ngân vốn 2 tháng đầu năm có tiến bộ lớn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn thấp so với kế hoạch do trong thời gian này hầu hết các Bộ, ngành địa phương đang tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 còn lại và triển khai phân bổ kế hoạch, nhập dự toán chi cho các dự án được bố trí kế hoạch. (VTV.vn 18/3)Về đầu trang

TP.HCM giải ngân vốn đầu tư công hơn 1.500 tỷ đồng

Trong 3 tháng đầu năm 2020, TP.HCM giải ngân được hơn 1.568 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2019.

 Năm 2020, tổng vốn giao cho cho các dự án đầu tư công của TP.HCM là 33.940 tỷ đồng, gồm: vốn ODA, vốn đầu tư của Nhà nước cho các dự án PPP, vốn thanh toán nợ gốc, lãi vay cho các dự án xây dựng những trường mầm non thực hiện theo Quyết định 41 của UBND thành phố, vốn phân cấp cho các quận, huyện quản lý...

 Tại cuộc họp vào sáng 18/3, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố thực hiện cơ chế bồi thường để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, đồng thời tiết kiệm ngân sách cho thành phố, có lợi cho người dân. Nguyên nhân là do các dự án bồi thường hiện đang chiếm nguồn vốn rất lớn. (VTV.vn 18/3)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Vụ Chủ tịch xã “mang phở” cho phụ nữ vắng chồng: Đề xuất cách chức

Ban Thường vụ Thị ủy Giá Rai (Bạc Liêu) đã họp và thống nhất đề xuất hình thức kỷ luật cách chức Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh Đông đối với ông Lương Minh Đương, đồng thời đề nghị miễn nhiệm đại biểu HĐND xã đối với ông này.

   Thông tin trên Tiền Phong, ngày 17/3, ông Nguyễn Chí Thiện, Bí thư Thị ủy Giá Rai (Bạc Liêu) cho biết, Ban thường vụ Thị ủy Giá Rai (Bạc Liêu) đã nhóm họp và thống nhất đề xuất hình thức kỷ luật cách chức Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh Đông (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) đối với ông Lương Minh Đương, đồng thời đề nghị bãi miễn tư cách đại biểu HĐND xã đối với ông này vì “vi phạm đạo đức lối sống”.

 Ông Nguyễn Chí Thiện cho biết thêm, sau khi họp kiểm điểm, ông Lương Minh Đương giao việc điều hành UBND xã Phong Thạnh Đông cho người khác.

 “Ban Thường vụ Thị ủy đang xem xét tư cách Phó Bí thư Đảng uỷ xã Phong Thạnh Đông để có hình thức kỷ luật về mặt đảng”- ông Nguyễn Chí Thiện cho biết thêm.

 Như đã thông tin, ông L.V.V (29 tuổi) kết hôn với bà C.T.M.C (28 tuổi) vào năm 2014, và đã có một con chung. Ông L.V.V làm tài xế xe tải, thường xuyên đi lái xe đường dài.

 Vào khoảng 22h30 ngày 19/12/2019, ông L.V.V đang lái xe đường dài vắng nhà thì bố đẻ và anh chị của ông L.V.V đã “phục kích” và bắt tại trận ông Lương Minh Đương vào nhà gặp bà C.T.M.C để nói chuyện sau đó khoá trái cửa trước, cửa sau và tắt đèn. Người thân của ông L.V.V đã yêu cầu công an xã Phong Thạnh Đông tới để lập biên bản.

 Theo trung tá Phạm Minh Hải - Phó Trưởng Công an xã Phong Thạnh Đông (Giá Rai) báo cáo với Đảng uỷ, UBND xã Phong Thạnh Đông: Bà C.T.M.C đã trình bày: Khoảng 19h ngày 19/12/2019, ông Lương Minh Đương - Chủ tịch UBND xã gọi điện hỏi ăn gì chưa và đề nghị mua phở đưa tới cho thì bà C.T.M.C đã đồng ý. Đến khoảng 21h cùng ngày, bà đã C.T.M.C mở cửa sau cho ông Lương Minh Đương đem hộp phở vào. Khoảng 22h30, bà C.T.M.C đang nằm võng còn ông Lương Minh Đương ngồi ghế đối diện thì xảy ra vụ bắt ghen.

 Cũng theo công an xã Phong Thạnh Đông, trong khi ông Lương Minh Đương đang nói chuyện với người thân của ông L.V.V, bà C.T.M.C đã mở cửa trước để ông này "thoát" ra ngoài. Ông L.V.V cho biết, hiện 2 vợ chồng ông đang chờ ngày ra tòa ly hôn.

 Nói về việc này, chị C.T.M.C nói: “Em đã sai, say nắng với anh Đương. Anh ấy mới 40 tuổi, làm Chủ tịch xã, có uy. Khi quen biết nhau, anh Đương còn hứa hẹn, nếu em yêu, lỡ lộ ra, về làm dân có sao đâu? Nhưng kể từ khi vụ việc đổ bể, anh Đương không đoái hoài đến em”.

 Được biết, hiện tại chị C. vẫn uốn tóc nhưng khách cũng thưa hơn. Còn chồng ít về, đã treo bảng bán nhà để chia chác.  “Thật lòng, em đã sai nhưng em thương chồng em vô cùng. Bây giờ, anh L.V.V (chồng chị C.) viết đơn ly hôn thì em biết làm sao?" - chị C. nói.

 Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Huyện uỷ Giá Rai, ông Lương Minh Đương vi phạm đạo đức, không có dấu hiệu vi phạm “vi phạm chế độ một vợ một chồng” theo qui định tại Điều 182 BLHS. Tuy nhiên việc vào nhà bà C.T.M.C (ở ấp 13, xã Phong Thạnh Đông) khi không có ai ở nhà gây dư luận xấu trong xã hội và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình vợ chồng ông L.V.V và bà C.T.M.C.

 Cũng theo Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ Giá Rai, ông Lương Minh Đương thiếu gương mẫu, rèn luyện, vi phạm đạo đức lối sống của người cán bộ lãnh đạo cơ sở, vi phạm Điều 1, Qui định số 47- QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban chấp hành TƯ về những điều đảng viên không được làm và Điều 2, Điều 12 Điều lệ Đảng.

 Còn theo đại diện lãnh đạo xã Phong Thạnh Đông: "Dù chị C. khai là được ông Đương mua phở giúp nhưng khi cơ quan chức năng có mặt lại không thấy hộp phở như trong lời khai".

 Chiều ngày 26/2, Đảng uỷ xã Phong Thạnh Đông thống nhất 100% cách chức Chủ tịch UBND, miễn nhiệm đại biểu HĐND đối với ông Lương Minh Đương, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã nông thôn mới Phong Thạnh Đông vì “vi phạm lối sống”.

 Trước đó, vào ngày 26/2, tại trụ sở UBND xã Phong Thạnh Đông, ông Trần Thanh Danh, Phó Chủ tịch HĐND thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) chủ trì cuộc họp kiểm điểm, xem xét hành vi, biểu quyết với tỷ lệ 100%, đề nghị cách chức Chủ tịch, miễn nhiệm đại biểu HĐND đối với ông Lương Minh Đương. (Danviet.vn 18/3, N.P)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trump đề xuất gửi 1.000 USD cho mỗi người Mỹ

Trump đang xem xét kế hoạch gửi chi phiếu 1.000 USD cho mỗi công dân Mỹ, trừ người có thu nhập cao, để hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19.

 Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi gói kích cầu kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD, trong đó bao gồm khoản chi 1.000 USD cho mỗi người dân Mỹ nhằm hỗ trợ họ vượt qua khó khăn do Covid-19. Thông tin được đưa ra trong buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm 17/3, trong đó Trump cho biết kế hoạch có thể diễn ra trong vòng hai tuần tới và các chi tiết đang được hoàn thiện.

 Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết những người có thu nhập cao sẽ không được nhận hỗ trợ. Gói cứu trợ 1.000 tỷ USD sẽ bao gồm 50 tỷ USD cho các hãng hàng không chịu ảnh hưởng của đại dịch, cùng 250 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. 

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết cơ quan này sẽ duyệt chi gói ngân sách khẩn cấp trị giá nhiều tỷ USD được Hạ viện Mỹ thông qua hồi tuần trước, khẳng định Thượng viện Mỹ sẽ không nghỉ cho tới khi phê duyệt các khoản tiền giải cứu nền kinh tế.

 Ngân sách khẩn cấp giúp chi trả tiền nghỉ ốm có lương cho người lao động, mở rộng khoản trợ cấp thất nghiệp và cung cấp gần một tỷ USD để bảo đảm lương thực cho trẻ em, người cao tuổi và nhiều nhóm dân cư trong quá trình ngăn chặn nCoV.

 Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 200.000 ca nhiễm và gần 8.000 người chết. Dịch bệnh đã xuất hiện tại toàn bộ 50 bang của Mỹ, số ca nhiễm nCoV đã tăng lên hơn 6.400, trong đó 109 người chết.

 Tổng thống Trump hôm 13/3 tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho các bang và vùng lãnh thổ quyền tiếp cận 50 tỷ USD trong quỹ liên bang để đối phó dịch bệnh. Ông cũng ban hành hướng dẫn nhằm "kìm chân" nCoV trong 15 ngày, nhưng thừa nhận đại dịch có thể kéo dài đến tháng 8. (Vnexpress.net 18/3, Vũ Anh)Về đầu trang

Saudi Arabia bắt giữ 298 quan chức trong các cuộc điều tra tham nhũng mới

Saudi Arabia thông báo đã bắt giữ hàng trăm quan chức chính phủ nước này, trong đó có các sĩ quan quân sự và an ninh.

 Những quan chức chính phủ nói trên bị bắt với các tội danh liên quan đến hối lộ và lạm dụng chức quyền. Đồng thời, chính quyền Saudi Arabia cho biết các nhà điều tra sẽ đưa ra cáo buộc với những người này.

 Trên mạng xã hội Twitter, Cơ quan chống tham nhũng Nazaha thông báo bắt giữ và sẽ buộc tội 298 người với các tội danh tham nhũng, biển thủ công quỹ và lạm dụng chức quyền với tổng số tiền lên tới 379 triệu Riyal (101 triệu USD). Trong số những người bị bắt có 8 sĩ quan (3 đại tá, 1 thiếu tướng và 1 chuẩn tướng) trong ngành công nghiệp quốc phòng, bị tình nghi hối lộ và rửa tiền trong các hợp đồng của Chính phủ Saudi Arabia trong giai đoạn 2005 - 2015 và 29 quan chức Bộ Nội vụ tại tỉnh Đông. Đáng chú ý, một số nhân vật hoàng gia cấp cao cũng bị bắt trong tuần qua.

 Các vụ bắt giữ này được xem là cuộc đàn áp mới nhất của Thái tử Mohammed bin Salman, người đang tìm cách thâu tóm quyền lực trong cuộc chiến nội bộ ở hoàng gia Saudi Arabia. (VTV.vn 18/3)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More