Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 04-9-2019

Post date: 04/09/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.Ông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD.. 1

2.Nhận hối lộ 3 triệu USD, ông Nguyễn Bắc Son đối diện án tử hình. 3

3.Con gái cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai gì về số tiền 3 triệu USD.. 4

4. Ông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3,2 triệu USD bằng 800 cây cầu. 5

CHÍNH SÁCH MỚI 6

5.Phạt đến 200 triệu đồng đối với vi phạm hành chính lĩnh vực hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp. 6

TIN QUỐC HỘI 7

6.Xét xử 517 bị cáo tham nhũng, không có án tử hình. 7

7. Phải thi hành trên 1.000 tỷ, tài sản đấu giá chỉ được 55 tỷ. 8

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 9

8.TP.HCM: Trí tuệ nhân tạo hiện diện trong mô hình đô thị thông minh. 9

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 10

9. Doanh nhân hiến kế hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế. 10

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 11

10. Họ đang phải nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương. 11

11.Không chỉ là tăng thuế. 12

QUẢN LÝ.. 13

12.Cán bộ nghỉ hưu “nhúng chàm” mất quyền vật chất: Răn đe! 13

13.Sẽ có kỳ sát hạch tập trung cho công chức trước khi tuyển dụng. 14

14. 57 người chết vì tai nạn giao thông trong 3 ngày nghỉ lễ. 15

15.Tổng cục Đường bộ yêu cầu dự án BOT chốt phương án thu phí không dừng. 16

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 17

16. Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan. 17

17. Dịch vụ “chat” giữa dân và chính quyền Bắc Giang hoạt động ra sao?. 18

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 19

18.Thi hành kỷ luật nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến. 19

19.Vụ Xã đội trưởng đập xe Bộ Công an: "Xe biển số 80A đậu không cản trở". 20

THẾ GIỚI 20

20.Tổng thống Ukraine thông báo ý tưởng cải cách quy mô lớn. 20

21.Australia điều tra tỷ phú Trung Quốc đưa “túi tiền lớn” cho đảng chính trị 21

TIÊU ĐIỂM

Ông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD

Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị Bộ Công an cáo buộc đã nhận 3 triệu USD từ chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ. Đây là số tiền cơ quan điều tra xác định ông Son hưởng lợi bất chính từ việc chỉ đạo MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, gây thiệt hại cho vốn nhà nước khoảng 7.000 tỷ đồng.

Ngày 31/8, trong bản kết luận điều tra vụ án sai phạm sử dụng vốn đầu tư công tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (nhiệm kỳ 2011-2016) về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (điều 220, Bộ luật Hình sự 2015) và Nhận hối lộ (điều 354, Bộ luật Hình sự 2015).

Đầu năm 2015, được ông Son đồng ý chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình, MobiFone ký biên bản ghi nhớ mua 95% cổ phần của Công ty AVG, trị giá gần 8.900 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện việc này, ông Son khai nhiều lần bị chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ hối thúc chỉ đạo việc sớm mua cổ phần. Ông Son muốn tạo dấu ấn trước khi rời ghế bộ trưởng vào tháng 4/2016 nên càng rốt ráo "phải mua được mảng truyền hình của AVG" trong năm 2015. Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, ông Son tin nếu mọi việc trót lọt sẽ được các cổ đông của AVG "cám ơn bằng vật chất".

Khi dự án hoàn thành, ông Son nhận 3 triệu USD (hơn 65 tỷ đồng) do ông Phạm Nhật Vũ mang đến nhà riêng trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Cơ quan điều tra cho rằng ông Son "nhận thức" việc đưa tiền là vì ông đã chỉ đạo thực hiện dự án.

Ông Son khai số tiền trên đã chuyển cho con gái khoảng 10 lần, tuy nhiên không có tài liệu chứng minh. Hiện, cựu bộ trưởng xin nộp hơn 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Cựu bộ trưởng thứ hai bị khởi tố trong vụ án này là ông Trương Minh Tuấn (nhiệm kỳ 4/2016-7/2018). Theo kết luận điều tra, ông Tuấn nhận nhiều cuộc gọi, tin nhắn từ chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ thúc giục "tạo điều kiện thực hiện nhanh dự án".

Tại phòng làm việc ở Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Tuấn đã nhận 200.000 USD (hơn 4,3 tỷ đồng) từ ông Vũ và hiểu lý do vì mình có tham gia dự án, trực tiếp ký quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông về phê duyệt vốn đầu tư mua AVG. Số tiền này ông Tuấn khai đã sử dụng cá nhân và xin nộp 2,12 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Trong bản kết luận được hoàn thành sau hơn 13 tháng điều tra, ngày 31/8 Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị VKSND Tối cao truy tố hai cựu bộ trưởng cùng 12 bị can.

Ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải (thành viên HĐTV, cựu tổng giám đốc MobiFone), Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) cùng bị đề nghị truy tố về hai tội: Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (điều 220, Bộ luật Hình sự 2015) và Nhận hối lộ (điều 354, Bộ luật Hình sự 2015). Theo cơ quan điều tra, ông Trà đã nhận 2,5 triệu USD (hơn 54,5 tỷ đồng) từ chủ tịch AVG, ông Hải nhận 500.000 USD (gần 11 tỷ đồng).

Ông Trà, Hải đều khai có trích lại lần lượt 700.000 USD và 200.000 USD để biếu ông Nguyễn Bắc Son. Do hai ông này thừa nhận, giao dịch đó chỉ là dân sự, cơ quan chức năng không xem xét hành vi đưa tiền cho ông Son.

Bị can Phạm Nhật Vũ bị đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ, theo điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.

9 bị can còn lại gồm: Phạm Đình Trọng (cựu vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông), Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Phan Thị Hoa Mai (thành viên Hội đồng thành viên MobiFone), Hồ Tuấn (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Đăng Nguyên (cựu phó tổng giám đốc phụ trách MobiFone), Nguyễn Bảo Long (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Mạnh Hùng (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Võ Văn Mạnh (cựu giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Hoàng Duy Quang (nhân viên AMAX) bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. (VnExpress.net 3/9, Việt Dũng – Bá Đô)Về đầu trang

Nhận hối lộ 3 triệu USD, ông Nguyễn Bắc Son đối diện án tử hình

Cơ quan Cảnh sát điều tra– Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra và chuyển Viện KSND Tối cáo để truy tố các bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ" xảy ra tại Tổng công ty Mobifone và một số đơn vị liên quan.

Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố 14 bị can, đáng chú ý trong số đó bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (đều là cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) bị đề nghị truy tố về hai tội danh: "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ".

Bị can Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), bị đề nghị truy tố về tội "Đưa hối lộ".

Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Bắc Son khai, trong quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ đã nhiều lần liên lạc, gọi điện thoại, nhắn tin để hối thúc, mong muốn ông Son chỉ đạo để sớm bán được cổ phần.

Ngoài ra, vị cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông này biết nhiệm kỳ Bộ trưởng đến tháng 4/2016 là hết nên muốn có dấu ấn tạo ra cho Mobifone phải mua được mảng truyền hình của AVG trong năm 2015. Ông Son cũng nghĩ nếu việc mua bán thành công thì cổ đông AVG sẽ cảm ơn ông bằng vật chất.

Sau khi hoàn thành dự án, Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, bị can Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng của cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tại phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đưa cho ông Son 3 triệu USD. Sau khi nhận tiền, ông Son khai đưa cho con gái khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000-400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh.

Bị can Nguyễn Bắc Son còn thừa nhận, vào dịp lễ, tết, ông đã nhận tiền của ông Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc Mobifone, cụ thể 200 triệu đồng dịp 30/4/2015. Ông Son cũng nhận 200.000 USD của ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Mobifone dịp Tết âm lịch 2016.

Về phần cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, bị can này cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện dự án đã được ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện thúc giục tạo điều kiện thực hiện nhanh. Sau khi hoàn thành dự án, ông Vũ đã đến phòng làm việc của ông Tuấn, đưa số tiền 200.000 USD. Ông Tuấn nhận thức được việc ông Vũ đưa tiền cho mình vì ông có tham gia dự án, ký quyết định 236.

Quá trình điều tra, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn nhận thức số tiền nhận từ bị can Phạm Nhật Vũ là hưởng lợi bất chính nên đã viết đơn xin khắc phục hậu quả. Bị can Nguyễn Bắc Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng; bị can Trương Minh Tuấn xin nộp 2,12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Theo quy định của Bộ luật hình sự, người nào nhận hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; hoặc gây tài sản thiệt hại từ 5 tỷ đồng trở lên sẽ bị truy tố theo khoản 4 điều 354, với khung hình phạt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. (Danviet.vn 3/9, Lương Kết)Về đầu trang

Con gái cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai gì về số tiền 3 triệu USD

Liên quan đến khoản tiền 3 triệu USD cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai nhận hối lộ từ Phạm Nhật Vũ, sau đó đưa cho con gái, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã cho ông Son và con gái đối chất về khoản tiền này.

Theo kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ" xảy ra tại Tổng công ty Mobifone và một số đơn vị liên quan, bị can Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khai, trong quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG đã nhiều lần liên lạc, gọi điện thoại, nhắn tin để hối thúc, mong muốn ông Son chỉ đạo để sớm bán được cổ phần của AVG cho Mobifone.

Ông Nguyễn Bắc Son cho biết nhiệm kỳ Bộ trưởng đến tháng 4/2016 là hết, nên ông muốn có dấu ấn tạo ra cho Mobifone phải mua được mảng truyền hình của AVG trong năm 2015. Ông Son cũng nghĩ nếu việc mua bán thành công thì cổ đông AVG sẽ cảm ơn ông bằng vật chất.

Sau khi hoàn thành dự án, Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG,  Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng của cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tại phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đưa cho ông Son 3 triệu USD. Sau khi nhận tiền, ông Son khai đưa cho con gái là N.T.T.H (xin không nêu tên) trong những lần chị này từ TP.HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Việc đưa tiền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000-400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh.

Cơ quan điều tra đã lấy lời khai với con gái của ông Nguyễn Bắc Son, chị này thừa nhận có ra Hà Nội thăm bố mẹ vài lần. Ông Nguyễn Bắc Son và vợ cũng vào TP.HCM thăm con gái nhưng không nhớ rõ thời gian cụ thể. Con gái ông Nguyễn Bắc Son khẳng định không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ bố. Kết quả đối chất với ông Nguyễn Bắc Son, chị N.T.T.H vẫn giữ nguyên lời khai không nhận tiền.

Ngoài khoản tiền 3 triệu USD, ông Nguyễn Bắc Son còn thừa nhận vào dịp lễ, tết đã nhận của Cao Duy Hải (lúc đó Tổng giám đốc Mobifone) số tiền 200 triệu đồng; nhận số tiền 200 nghìn USD của Lê Nam Trà (lúc đó là Chủ tịch HĐTV Mobifone) vào dịp Tết âm lịch 2016.

Theo lời khai của bị can Lê Nam Trà, vào dịp Tết âm lịch 2016, bị can này đưa ông Nguyễn Bắc Son 700 nghìn USD, trong đó có 500 nghìn USD bị can Trà nhận từ Phạm Nhật Vũ. Tuy nhiên bị can Trà cho rằng đây là việc dân sự giữa ông và ông Nguyễn Bắc Son nên không có yêu cầu, đề nghị xem xét trong vụ án.

Còn bị can Cao Duy Hải khai vào dịp 30/4/2016, đã biếu Nguyễn Bắc Son 200 nghìn USD, khoản tiền này cũng có nguồn gốc nhận từ Phạm Nhật Vũ. Cao Duy Hải cũng cho rằng, đây là việc dân sự cá nhân giữa ông và ông Nguyễn Bắc Son nên không có yêu cầu, đề nghị xem xét trong vụ án.

Như vậy trong vụ án này, Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Bắc Son đã nhận hối lộ 3 triệu USD (tương đương hơn 66,4 tỷ đồng). Hiện nay ông Son mới xin nộp khắc phục hậu quả số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân tại Vietcombank. Hiện Cơ quan điều tra đã phong tỏa tài khoản số tiền này. (Danviet.vn 3/9, Lương Kết)Về đầu trang

Ông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3,2 triệu USD bằng 800 cây cầu

Lương của bộ trưởng từ 1/7/2019 ở mức cao nhất 1 tháng cũng chỉ hơn 15 triệu đồng, như vậy phải tích góp 411 năm tiền lương để một vị bộ trưởng có thể sở hữu được số tiền 3,2 triệu USD.

Nếu bạn đang có trong tay 3,2 triệu USD tức là bạn đang giữ 320 cọc tiền mệnh giá 100 USD, hay 32.000 tờ tiền in hình tổng thống Benjamin Franklin. Số tiền này nếu đem rải liền nhau, sẽ kéo dài suốt quãng đường gần 5km (4.992m).

Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank ngày hôm nay, một USD "ăn" 23.255 đồng, bạn sẽ có hơn 74 tỷ đồng. Vậy bạn có thắc mắc rằng, với 74 tỷ đồng này bạn sẽ phải cất trữ như thế nào không?

Với 74 tỷ tiền mặt mệnh giá 500.000 VND, bạn sẽ sở hữu 148.000 tờ tiền mệnh giá này, tương đương 148 kg.

Ví thử, bạn có 1 chiếc vali chứa được 30kg hàng hóa với kích thước ngang: 48,5cm x rộng 31,5cm x cao 73cm thì bạn sẽ phải kéo thêm 4 chiếc như vậy nữa mới có thể đựng được toàn bộ số tiền 74 tỷ đồng trên.

Về giá trị của số tiền này ở Việt Nam, để dễ hình dung hơn, ta xét trong một số trường hợp cụ thể sau.

Lương của bộ trưởng từ 1/7/2019 ở mức cao nhất 1 tháng cũng chỉ hơn 15 triệu đồng, như vậy phải tích góp 411 năm tiền lương để một vị bộ trưởng có thể sở hữu được số tiền trên.

Chi phí để xây một cây cầu dân sinh trung bình mất 90 triệu đồng, với 74 tỷ đồng có thể xây được hơn 800 cây cầu cho người dân nghèo.

Chi phí xây dựng 1 căn nhà tình thương trung bình trị giá 45 triệu đồng, với 74 tỷ đồng có thể xây được hơn 1.600 căn nhà cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Giá một giường bệnh tại 1 bệnh viện lớn ở Hà Nội trung bình tầm 700.000 đồng/1 ngày, như vậy, 74 tỷ đồng sẽ đủ cho người bệnh này nằm gần 300 năm.

Ngoài ra, với 74 tỷ đồng, bạn có thể mua một căn hộ hạng sang tầm 5-7 tỷ đồng, mua một chiếc xe sang 3 tỷ và còn có thể mua thêm tới gần 50 căn nhà chung cư bình dân để cho thuê.

Còn trong trường hợp bạn dùng toàn bộ số tiền kếch xù trên để đầu tư vào những kênh mang lại lợi nhuận cao hoặc gửi ngân hàng để lấy lãi thì giá trị thực của khối tài sản bạn đang nắm giữ sẽ còn lớn hơn nữa.

Nói thế để thấy rằng, đứng trước một khối tài sản khổng lồ như trên, một người bình thường sẽ không khỏi cảm thấy bối rối, thậm chí bất an. (Danviet.vn 3/9, Thanh Hương)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Phạt đến 200 triệu đồng đối với vi phạm hành chính lĩnh vực hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp.

Theo quy định, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực hóa chất là 50.000.000 đồng, trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp là 100.000.000 đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đối với vi phạm quy định về yêu cầu đối với nhà xưởng, kho chứa, thiết bị trong sản xuất, kinh doanh hóa chất, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không có bảng hiệu và đèn báo tại lối thoát hiểm của nhà xưởng, kho chứa hóa chất.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không có thông tin thể hiện các đặc tính nguy hiểm của hóa chất theo quy định trong biển báo nguy hiểm treo tại nhà xưởng, kho chứa hóa chất; không treo, đặt biển báo các đặc tính nguy hiểm của hóa chất ở nơi dễ thấy trong nhà xưởng, kho chứa hóa chất; không có bảng nội quy về an toàn hóa chất trong nhà xưởng, kho chứa hóa chất; không treo, đặt bảng hướng dẫn cụ thể về quy trình thao tác an toàn ở vị trí dễ thấy, dễ đọc...

Nghi định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2019. Nghị định này thay thế Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định vể xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP. (Chinhphu.vn 3/9, Minh Hiển)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Xét xử 517 bị cáo tham nhũng, không có án tử hình

Báo cáo tại phiên họp sáng 3/9 của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, lãnh đạo Toà án nhân dân Tối cao cho biết từ 1/10/2018 đến 31/7/2019 đã xét xử 240 vụ án tham nhũng với 517 bị cáo. So với cùng kỳ 2019 số xét xử tăng 83 vụ với 119 bị cáo.

Trong số 517 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, toà án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân đối với 9 bị cáo, xử tù từ trên 15 năm đến 20 năm với 20 bị cáo, tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 65 bị cáo, 89 bị cáo được hưởng án treo...

Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, các toà án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại.

Tán thành với đánh giá của Toà án nhân dân Tối cao, Nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp nhận xét, việc xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đã quán triệt yêu cầu xử lý theo hướng rõ đến đâu xử lý đến đó, chia thành các giai đoạn để xử lý dứt điểm.

Báo cáo của Chánh án Toà án Nhân dân tối cao cũng cho biết, hiện chỉ còn 2 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13 và đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình đang được xem xét, giải quyết.

Trong tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Toà án nhân dân Tối cao và các toà án nhân dân Tối cao phải giải quyết là gần 16.400 đơn/vụ, đã giải quyết được 48,1%, tăng trên 2.600 đơn so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng lưu ý, trong tổng số gần 7.900 đơn/ vụ đã giải quyết, toà án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị gần 7.500 vụ. Về cơ bản đến nay đã khắc phục được tình trạng đã trả lời cho đương sự là không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao lại phát hiện bản án đã có hiệu lực có sai lầm nghiêm trọng.

Quá trình giải quyết, các toà án đã tập trung xem xét, ưu tiên giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết.   

Đáng chú ý, theo báo cáo, trong 10 tháng qua, số lượng các vụ việc mà toà án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục có xu hướng gia tăng, đã xuất hiện một số phương thức phạm tội mới, nhất là hiện tượng sử dụng công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc; hoạt động bảo kê, tín dụng đen…

Đặc biệt, số vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc trong dư luận; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn có xu hướng tang về số lượng với tính chất của tranh chấp rất gay gắt và phức tạp. (VnEconomy.vn 3/9, Hà Vũ)Về đầu trang

Phải thi hành trên 1.000 tỷ, tài sản đấu giá chỉ được 55 tỷ

Sáng 3/9, tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo công tác thi hành án năm 2019. Theo báo cáo, kết quả tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế còn thấp, chưa đạt kết quả mong muốn.

Trình bày báo cáo, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết, nhiều vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước có giá trị phải thi hành lớn, nhưng khả năng thi hành thấp, do tài sản của đương sự có giá trị nhỏ; vụ án có tính chất phức tạp, có hạng mục tài sản phải kê biên lớn hoặc vụ việc nhiều chủng loại phải mất nhiều thời gian để phân loại, xác định hoặc vụ việc mới được thụ lý, đang trong giai đoạn đầu của quá trình tổ chức thi hành án. Điển hình là vụ Công ty Cổ phần Thuận Thảo, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh.

Trong khi đó công tác định giá, thẩm định giá và đấu giá tài sản lại liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, đa dạng và phức tạp. Nguyên nhân khách quan được nêu tại báo cáo là số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều và tiếp tục tăng cao so với năm trước (từ 1/10/2018 đến 31/7/2019 tăng trên 39.000 việc (tương đương gần 74.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lượng việc tồn đọng, không có điều kiện thi hành trong nhiều năm qua cũng rất lớn, chưa có cơ chế giải quyết.

Tuy nhiên, không ít nguyên nhân chủ quan cũng được cơ quan thi hành án nhấn mạnh. Đặc biệt, hoạt động tín dụng, cho vay tại một số ngân hàng còn thiếu chặt chẽ, giá tài sản thế chấp được thẩm định để cho vay cao hơn nhiều lần so với thực tế.

Một số vụ điển hình được nêu như Vụ Công ty TNHH thương mại Hiệp Long được vay tới hơn 186 tỷ đồng (Ngân hàng Phát triển Việt Nam) nhưng khi thi hành án, giá trị tài sản thế chấp chỉ định giá được trên 61 tỷ đồng. Vụ Công ty Cổ phần thép Vạn Lợi (Hải Phòng) phải thi hành trên 1.000 tỷ đồng (Ngân hàng Ngoại thương) nhưng khi thi hành án, tài sản kê biên, định giá, bán đấu giá chỉ được 55 tỷ đồng.

Kẽ hở trong hoạt động tín dụng còn ở chỗ không chặt chẽ trong việc kiểm tra thực địa, xác định ranh giới và tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp, dẫn đến khi phát mãi tài sản phát sinh nhiều khiếu nại, tranh chấp.

Như, vụ Công ty Cavidomex (Cà Mau) hoặc vụ Ngân hàng Hàng hải (chi nhánh Bình Dương) có tài sản thế chấp 400 tỷ đồng, hiện nay không thực hiện kiểm đếm tài sản được do không xác định được ranh giới đất.

Một số vụ đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua, như Công ty TNHH Mai Sáng (Tp.HCM) bán tài sản 20 lần không thành. Công ty TNHH sợi Việt Ý do Chi cục quận 12 bán 15 lần không thành, Công ty Cổ phần Sing Sing bán đấu giá lần thứ 22.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, người phải thi hành án có điều kiện thi hành, nhưng cố tình chống đối, tẩu tán tài sản hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kéo dài việc thi hành án.

Trong báo cáo của Chính phủ cũng nêu tình hình thực hiện các vụ việc liên quan đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, tổng số thụ lý là 27.679 việc, tăng 3,737 việc so với cùng kỳ 2018, số việc có điều kiện thi hành là 19.030 việc. Về tiền tổng thụ lý là 145.1000 tỷ, đã thu được 18.721 tỷ, đạt tỷ lệ 17,48%, giảm 713 tỷ so với 2018. (VnEconomy.vn 3/9, Nguyên Vũ)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

TP.HCM: Trí tuệ nhân tạo hiện diện trong mô hình đô thị thông minh

Hiện trí tuệ nhân tạo đang có mặt phục vụ cho cư dân TP.HCM mỗi ngày, không chỉ là những ứng dụng lẻ tẻ, đích đến của TP.HCM là một hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo.

Cư dân của TP.HCM ngày càng cảm nhận rõ rệt hơn những dấu ấn của đô thị thông minh trong đời sống khi ở một vài lĩnh vực, công nghệ đã thật sự trở thành công cụ đắc lực cho cả người dân và chính quyền. Đa phần ứng dụng công nghệ này đều là thành quả của trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, điều gì cũng có mặt trái của nó và bài toán phát triển trí tuệ nhân tạo của TP.HCM sẽ không chỉ đơn giản là đem ứng dụng có sẵn về sử dụng.

Sẽ không có đô thị thông minh khi không có trí tuệ nhân tạo, đây chính là định hướng của TP.HCM trong đề án xây dựng đô thị thông minh. Từ nhiều năm qua, đã có những ứng dụng thuộc lĩnh vực này đi vào đời sống đô thị và phát huy hiệu quả.

Trí tuệ nhân tạo mang lại rất nhiều giá trị cho cuộc sống nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ. Không phải cứ bất cứ ứng dụng trí tuệ nhân tạo nào đã được phổ biến trên thế giới cũng có thể "bê nguyên xi" về Việt Nam để sử dụng. Đây cũng là vấn đề mà TP.HCM cần đặc biệt quan tâm trong việc thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo, hình thành hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo trong vận hành và quản lý đô thị thông minh.

Trí tuệ nhân tạo mang lại rất nhiều giá trị cho cuộc sống, nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ. Không phải cứ bất cứ ứng dụng trí tuệ nhân tạo nào đã được phổ biến trên thế giới cũng có thể "bê nguyên xi" về Việt Nam để sử dụng. Đây cũng là vấn đề mà TP.HCM cần đặc biệt quan tâm trong việc thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo, hình thành hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo trong vận hành và quản lý đô thị thông minh.

Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để có thể làm chủ ứng dụng hay hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo nếu những ứng dụng, hệ sinh thái này không phải do chính chúng ta làm ra xuất phát từ những thực tế cuộc sống, đòi hỏi của mô hình đô thị thông minh TP.HCM? Việc kết nối và tạo ra một môi trường cho nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo chính là điều mà hơn lúc nào hết TP.HCM cần phải làm để có hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo cho đô thị thông minh

Vào cuối tháng 9/2019, TP.HCM sẽ có một hội thảo quốc tế về trí tuệ nhân tạo với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới và Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội để kết nối, thu hút nguồn lực trí tuệ mà còn là dịp để thành phố đặt hàng những ứng dụng để giải quyết những vấn đề đã, đang và sẽ gặp phải khi xây dựng đô thị thông minh. Đây chính là hoạt động thể hiện quyết tâm của chính quyền TP.HCM trong việc thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo. (VTV.vn 3/9)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Doanh nhân hiến kế hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế

Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” sẽ được Ban Kinh tế Trung ương cùng các cơ quan liên quan phát động ngày 3/9.

Ban tổ chức cuộc vận động gồm các cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam…

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động, cho biết, cuộc vận động lần này thể hiện sự đổi mới trong cách thức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng đến với cộng đồng doanh nhân, doanh nhân. Qua đó, giúp cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nâng cao được nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thực tế ghi nhận, từ năm 2010 tới nay, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,2%/năm, tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 12%/năm ở khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tỉ trọng thu ngân sách nội địa chủ yếu doanh nghiệp tạo ra tăng từ 65% năm 2010 lên 80,6% năm 2019.

Tỉ trọng đóng góp của khu vực ngoài nhà nước và FDI tăng từ 58,1% lên 62,4%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước có đóng góp GDP lớn nhất trong vòng 9 năm trở lại đây.

Doanh nghiệp hàng năm tăng đều đặn, đưa số doanh nghiệp đang hoạt động đã đạt con số 715.000 doanh nghiệp. Hiện khu vực doanh nghiệp đang đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, cho thấy đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng tiên phong chèo lái con thuyền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, để có thành công lớn và tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế nhanh, bền vững, không chỉ cần có sự quyết tâm, đồng tâm, đồng lòng của toàn Đàng, toàn dân, toàn quân mà cần phải có tư duy mới, suy nghĩ và tầm nhìn lớn, hành động đổi mới sáng tạo.

Khẳng định vai trò của đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam hiện có hơn 700.000 doanh nghiệp, 5,2 triệu hộ kinh doanh, gần 6 triệu thực thể kinh doanh... Tuy nhiên, đông nhưng không mạnh.

"Việt Nam cần chính thức hóa, coi hộ kinh doanh như doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển theo xu hướng của các Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư... Bằng cách đó chúng ta vừa nâng cấp hệ thống doanh nghiệp Việt vừa giúp chất lượng doanh nghiệp thay đổi hơn", TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Đồng quan điểm, PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, hiện nay lực lượng quan trọng bậc nhất của kinh tế thị trường là doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, như Tổng Bí thư nói là vẫn còn bị kì thị, phân biệt, những ưu đãi vẫn chỉ cho những lực lượng khác như doanh nghiệp FDI, rồi cách tiếp cận giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân chưa thật sự công bằng.

Theo ông Thiên, thời đại mới công nghiệp sẽ hướng đến dịch vụ công nghệ cao, công nghệ thông tin, thương mại số, kinh tế số. Điều này sẽ hình thành các doanh nghiệp kinh tế số, doanh nhân kinh tế số lớn mạnh.

"Cách tiếp cận mới phải thay đổi từ tư duy xây dựng thể chế, thay đổi tư duy hướng đến lắng nghe ý kiến, phản biện của những chủ nhân mới của kinh tế đất nước và kinh tế thế giới", ông Thiên chia sẻ. (Diễn đàn Doanh nghiệp 3/9, Thy Hằng)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Họ đang phải nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương

Vì sao đóng góp tới gần 30% GDP mà hơn 5 triệu hộ kinh doanh chỉ đóng góp 1,6% ngân sách? Vì họ đang phải “nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương, nuôi rất lớn các đồng chí ạ” - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông giải thích.

Đúng là có những nghịch lý về những đóng góp cho ngân sách từ 5,1 triệu hộ kinh doanh: Đóng góp gần 30% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 8 triệu lao động, nhưng đóng góp cho ngân sách thì chỉ khoảng 1,6%.

Nhưng đó là những “nghịch lý” không khó để giải thích, những “nghịch lý” rất dễ thấy nguyên do mà nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã nói rất đúng, rất thẳng trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, rằng họ đang  phải “nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương, nuôi rất lớn...”.

Trong cuộc họp này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cũng nói: “Khu vực hộ kinh doanh là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng vặt”.

Còn Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh nói hộ kinh doanh phải chi phí rất nhiều thứ mà "ai cũng biết". Giả định mỗi trong 5 triệu hộ kinh doanh phải “chi không chính thức” chỉ 1 triệu/tháng thì tổng chi phí một năm cũng lên đến gần 50-60 ngàn tỉ đồng.

Chi phí không chính thức là gì? Là việc “cưa đôi tiền phạt”. Là tiền luật vỉa hè. Là “hụi chết”. Là “phế”. Là thậm chí "tiền tươi" không cần phong bì.

Chuyên gia kinh tế Đặng Quang Vinh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) từng dẫn những rà soát thực tế cho rằng: Chi phí không chính thức có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và trong tất cả quá trình thực thi pháp luật, chính sách và thủ tục hành chính. Nhưng chi phí này rất khó xác định, khó tiên liệu và không thể định lượng.

Đối với doanh nghiệp, 59% cho rằng họ vẫn còn phải chi trả các chi phí không chính thức. Còn đối với hộ kinh doanh, chưa có thống kê khảo sát bởi không chừng con số ấy có khi lại là... 3 con số %.

50-60 ngàn tỉ chi phí không chính thức, để “nuôi rất lớn” cả bộ máy chính quyền địa phương vừa đè nặng lên sự cam chịu của người dân, vừa làm hỏng cán bộ, vừa gây thất thu lớn cho ngân sách.

Và vấn đề là chấn chỉnh việc thực thi pháp luật đủ nghiêm để xóa bỏ tình trạng tham nhũng vặt này, chứ đặt vấn đề đưa hộ kinh doanh lên doanh nghiệp có lẽ chưa hoàn toàn chính xác.

Chính Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh nói thế này: “Nếu luật hoá phải thêm chi phí mà chi phí bên ngoài vẫn có thì nếu là tôi, tôi cũng không muốn lên doanh nghiệp". (Lao Động 3/9, Anh Đào)Về đầu trang

Không chỉ là tăng thuế

Cả Hải quan và cơ quan Thuế TPHCM đều kiến nghị cần xem xét tăng mức thuế đối với túi nylon trong Luật Thuế bảo vệ môi trường để “nhằm hạn chế sử dụng”.

Dẫn nguồn Cục Hải quan TPHCM, Báo Hải Quan cho biết, cơ quan này đang kiến nghị sửa đổi, tăng khung thuế áp dụng đối với mặt hàng túi nylon lên cao hơn mức quy định hiện nay. Nguyên do “túi ni lông là mặt hàng không thiết yếu và có ảnh hưởng đến môi trường rất lớn và cần hạn chế ở mức thấp nhất việc nhập khẩu và sản xuất đối với mặt hàng này”.

Một quan chức Cục Thuế TPHCM được dẫn lời rằng: Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định biểu khung thuế đối với túi nylon từ 30 nghìn đến 50 nghìn đồng/kg. Mức thuế thuế cụ thể hiện hành đối với túi nylon là 40 nghìn đồng/kg, tương đương khoảng 200% giá bán hiện hành (1kg túi nylon có thể có từ 100 - 200 túi), nghĩa là Thuế bảo vệ môi trường chỉ thu khoảng 200 - 400 đồng/túi. Như vậy là quá thấp so với... thế giới.

Đúng, chúng ta đang đứng trước “thảm họa túi nylon” với những con số rất đáng báo động. Hà Nội chẳng hạn, trong 5.000 - 6.000 tấn rác mỗi ngày có tới 7 - 8% là túi nylon. Trong khi tại TPHCM tỉ lệ này còn lên tới 10% trong khoảng 7.000 tấn rác thải mỗi ngày.

Nhưng vấn đề của chúng ta không phải là thuế thấp mà là không thu được thuế. Với 40 nghìn đồng tiền thuế/kg theo luật, và khoảng 30 nghìn đồng/kg giá thành sản xuất, đáng lẽ mỗi kilôgam túi nylon phải có giá tối thiểu là 70 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, loại túi này đang được bán ở khắp các chợ, ở bất kỳ nơi nào với giá chỉ 30 nghìn đồng/kg. Thấp hơn cả số tiền phải đóng thuế.

Số tiền 30 nghìn đồng/kg này có ý nghĩa gì? Có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này hầu hết đều không đóng thuế. Có nghĩa rằng cơ quan thuế chưa thực sự hiệu quả trong việc thu thuế. Và con số 30 nghìn đồng/kg túi nylon cũng đang khiến các loại túi đựng thân thiện với môi trường gần như không thể cạnh tranh, không còn đất sống.

 Trở lại với tư duy tăng thuế. Phải khẳng định để hạn chế hoàn toàn không đồng nghĩa với việc tăng thuế. Bởi tăng thuế bao nhiêu chăng nữa mà không có các sản phẩm thay thế thì nylon vẫn lại hoàn nylon. Bởi “tăng thuế để hạn chế”, thứ tư duy không nên có, không đúng, không phù hợp, nhất là khi tăng thuế nhưng không thu nổi thì việc tăng thuế giống như một thứ “nhờn luật”.

 Còn nhớ rất nhiều doanh nghiệp sản xuất túi nylon thân thiện từng kiến nghị xin giảm thuế giá trị gia tăng xuống 5% để có thể “cạnh tranh sòng phẳng”. Tại sao dễ thế, đơn giản vậy mà chúng ta không làm?! Tại sao không thu đúng, thu đủ số thuế “theo luật” kia trước khi lại bàn đến tăng thuế? (Lao Động 3/9, Anh Đào)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Cán bộ nghỉ hưu “nhúng chàm” mất quyền vật chất: Răn đe!

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức gửi đến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo luật đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng, để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết.

 Theo đó, đối với từng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo”, “kỷ luật”, “xóa tư cách” thì cán bộ, công chức còn phải chịu kèm theo hệ quả cụ thể nào đó (ví dụ như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng)...

 Trao đổi với Đất Việt, các ý kiến đều tán thành việc gắn hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức với việc cắt một số quyền lợi vật chất mà người đó đang được hưởng.

 Một chuyên gia hành chính công cho biết, từ trước tới nay, việc xử lý cán bộ, công chức sau nghỉ hưu, trong đó có việc xóa tư cách chức vụ của người đó trong thời gian đảm nhiệm chỉ là “xóa cái danh”. Và vấn đề gây tranh luận nhiều trong thời gian qua chính là các chế độ, chính sách kèm theo chức danh đó như hệ số phụ cấp, thưởng có bị xử lý hay không?

 Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc nghỉ hưu là một chủ trương lớn nên cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

 "Khi xóa tư cách chức vụ cần xử lý đầy đủ các chế độ, chính sách mà cán bộ, công chức được hưởng khi họ bị xóa tư cách chức vụ đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm. Việc dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức bổ sung quy định này là hoàn toàn hợp lý và cần thiết, có tác dụng răn đe và giúp đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ khi đang công tác, tránh việc tư duy nhiệm kỳ", vị chuyên gia đánh giá.

 Cùng quan điểm, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng tán thành việc xóa bỏ tư cách chức vụ của cán bộ, công chức bị kỷ luật kèm theo xóa bỏ các điều kiện vật chất mà người đó được hưởng với tư cách chức vụ đó.

 "Ví dụ, một người trước là bộ trưởng, sau khi nghỉ hưu bị kỷ luật xóa tư cách bộ trưởng thì phải xóa luôn các điều kiện quyền lợi vật chất mà người đó được hưởng với tư cách là bộ trưởng. Bởi đã bị xóa tư cách bộ trưởng rồi thì không có lý do gì để giữ lại và cũng không có quyền được hưởng các quyền lợi vật chất như việc đi lại, khám chữa bệnh... mà cán bộ cao cấp được hưởng", ông Tiến dẫn chứng.

 Ông khẳng định, nếu quy định trên trở thành hiện thực thì tính cảnh báo, răn đe sẽ cao hơn, cho thấy khi cán bộ, công chức nghỉ hưu bị kỷ luật, không còn chức danh ấy thì không thể có quyền lợi đi kèm với chức danh đó.

 "Cán bộ tay đã nhúng chàm thì phải xử lý mạnh mẽ, quyết liệt để răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh họ và cả những cán bộ khác có dấu hiệu vi phạm hay tham nhũng", nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh. (Đất Việt 3/9, Thành Luân) Về đầu trang

Sẽ có kỳ sát hạch tập trung cho công chức trước khi tuyển dụng

Phần thi kiến thức chung, tin học, ngoại ngữ sẽ được tách riêng để giao cho các trung tâm độc lập tổ chức sát hạch tập trung cho cả nước và cấp chứng chỉ cho ứng viên trước khi các cơ quan tuyển dụng thi tuyển chuyên ngành.

 “Kiểm định chất lượng đầu vào” đối với công chức là một trong những chính sách mới vừa được Chính phủ bổ sung vào luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (QH) tới đây. Trong dự thảo luật lần đầu trình ra QH tại kỳ họp 7 vừa qua, điều 39 luật Cán bộ, công chức hiện hành đã được đổi tên từ “Cơ quan thực hiện tuyển dụng công chức” thành “Tuyển dụng công chức”, đồng thời bổ sung quy định: “Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện trước khi cơ quan có thẩm quyền lựa chọn, tuyển dụng công chức. Chính phủ quy định chi tiết việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức”. Trình bày tờ trình tại kỳ họp 7, đại diện Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải thích, quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương đã được xác định tại Nghị quyết 26 Hội nghị T.Ư 7, trong đó xác định: “Thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ”. 

Tuy nhiên, 7 trong số 19 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia thảo luận về dự thảo luật tại nghị trường đã bày tỏ băn khoăn về quy định này, nhất là nội dung “giao Chính phủ quy định chi tiết” trong khi đây là quy định rất mới. ĐBQH Trần Thị Hằng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Bắc Ninh, đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Đề nghị phải có quy định về nguyên tắc kiểm định chất lượng đầu vào là kiểm định những gì, kiểm định như thế nào và giá trị kiểm định ra sao? Đầu ra của kiểm định là gì, có phải sau khi kiểm định cấp cho mỗi người một chứng chỉ và sau đó có thể giơ chứng chỉ đi các cơ quan đăng ký thi vào không?”. ĐB Huỳnh Cao Nhất, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, cũng đề nghị làm rõ thế nào là “kiểm định chất lượng đầu vào” công chức và quy định chi tiết trong luật một số vấn đề nguyên tắc, hình thức tổ chức, nội dung kiểm định, cơ quan, tổ chức kiểm định; trình tự, thủ tục kiểm định...

 Giải thích về những băn khoăn của các ĐBQH, trao đổi với Thanh Niên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giải thích: Việc kiểm định đầu vào được tiến hành trước khi cơ quan tuyển dụng thi tuyển hoặc xét tuyển là “kiểm định” về những kiến thức chung về quản lý hành chính nhà nước; ngoại ngữ và tin học. Sau khi các ứng viên vượt qua được kỳ “kiểm định”, được cấp chứng nhận thì các cơ quan tuyển dụng sẽ tiến hành thi tuyển, xét tuyển về chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm mà các cơ quan này cần tuyển dụng. Về đơn vị được giao làm nhiệm vụ “kiểm định”, ông Tân cho hay, dự kiến sẽ hình thành một số trung tâm theo khu vực nhưng theo hướng giao cho các đơn vị sẵn có.

 Các chuyên gia vẫn cho rằng còn nhiều điều cần phải làm rõ đối với quy định này. Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật QH, cho biết do Chính phủ không trình dự thảo nghị định kèm theo hồ sơ dự luật nên ngay cả cơ quan thẩm tra cũng chưa biết cụ thể việc kiểm định đầu vào công chức sẽ thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, ông Xuyền cho hay, quan điểm của cơ quan thẩm tra là cần phải quy định rõ về thời điểm kiểm định, nguyên tắc cơ bản trong kiểm định, hình thức kiểm định; giao Chính phủ quy định chi tiết và phân công cơ quan tổ chức thực hiện kiểm định, quy định trình tự, thủ tục kiểm định, hiệu lực của kết quả kiểm định. Bên cạnh đó, theo ông Xuyền, việc sử dụng khái niệm “kiểm định đầu vào” ở đây cũng chưa chính xác khi thực chất nó là việc sát hạch kiến thức chung và các kỹ năng ngoại ngữ, tin học như những điều kiện cần đối với công chức trước khi sát hạch kiến thức chuyên ngành.

 Bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp QH, thì băn khoăn, nếu như việc kiểm định này được tiến hành một cách thường xuyên, không gắn với các đợt tuyển dụng công chức thì sẽ có hàng ngàn thí sinh mặc dù chưa biết sẽ thi tuyển công chức vào cơ quan nào nhưng vẫn đăng ký kiểm định chất lượng để có chứng chỉ như tin học, ngoại ngữ. Ngược lại, nếu như kiểm định gắn các đợt tuyển dụng thì có thể kéo dài thời gian thi tuyển, gây tốn kém cho thí sinh vì khi đó, cơ quan có nhu cầu tuyển dụng sẽ phải thông báo việc tuyển dụng, tiếp nhận hồ sơ, sau đó nhờ cơ quan kiểm định kiểm định đầu vào cho số thí sinh đã đăng ký, sau khi có kết quả chấm kiểm định mới tổ chức thi sát hạch chuyên ngành. “Bộ Nội vụ cần phải thực hiện dự kiến cần bao nhiêu biên chế để thực hiện nhiệm vụ mới và nguồn biên chế này được lấy từ đâu, bởi công việc này vẫn đang được giao cho hơn 100 đầu mối, cơ quan thực hiện”, bà Thủy nêu. (Thanh Niên 3/9, Lê Hiệp) Về đầu trang

57 người chết vì tai nạn giao thông trong 3 ngày nghỉ lễ

Toàn quốc xảy ra 73 vụ tai nạn giao thông khiến 57 người chết, 46 người bị thương trong ba ngày nghỉ từ 31/8 đến 2/9.

 Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, so với cùng kỳ 2018, số tai nạn dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay giảm 10 vụ, nhưng tăng 11 người chết, giảm 7 người bị thương. Riêng trong ngày 2/9, toàn quốc xảy ra 23 vụ tai nạn, làm chết 16 người, bị thương 20 người.

 "Việc tăng số người chết so với cùng kỳ năm 2018 chủ yếu do người điều khiển xe môtô, xe máy vi phạm quy định về an toàn giao thông, như chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, thiếu quan sát, đi sai phần đường, vi phạm quy định nồng độ cồn", Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu.

 Trong 3 ngày nghỉ lễ, lực lượng chức năng toàn quốc xử lý trên 16.000 trường hợp vi phạm quy định an toàn giao thông (vi phạm nồng độ cồn là 262 trường hợp); phạt tiền trên 7 tỷ đồng, tạm giữ 117 ôtô, trên 2.000 xe máy, 23 phương tiện khác... (Vnexpress.net 3/9, Hoàng Việt)Về đầu trang

Tổng cục Đường bộ yêu cầu dự án BOT chốt phương án thu phí không dừng

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án bàn giao để thực hiện thu phí tự động không dừng, nhà đầu tư dự án ETC xây dựng quy chế phối hợp quản lý, vận hành công tác thu phí gửi các nhà đầu tư dự án BOT.

 Trước đó, Thủ tướng Chính Phủ đã có Quyết định số 07/2017 về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Cụ thể, nhà đầu tư các dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên chậm nhất đến ngày 31/12/2018 phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng…

 Những trạm thu phí xây dựng sau ngày 1/1/2019, nhà đầu tư phải thực hiện bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ ngay sau khi được nghiệm thu, đưa vào sử dụng cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí.

 Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khác do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định phù hợp với điều kiện thực tế, chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện thu phí tự động không dừng.

 Nhằm thúc đẩy tiến độ dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn xây dựng quy trình tổ chức, quản lý thu phí sau khi chuyển giao để thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng và mới nhận được văn bản của Công ty thu phí tự động VETC và 3 nhà đầu tư dự án BOT.

 Để đảm bảo tiến độ thực hiện thu phí tự động không dừng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các nhà đầu tư dự án BOT sớm xây dựng phương án bàn giao, tiếp nhận nhân sự và tài sản phục vụ công tác thu phí, gửi nhà đầu tư dự án thu phí điện tử tự động không dừng (ETC).

 Đặc biệt, các bên cũng cần sớm thống nhất phương án bàn giao, tiếp nhận nhân sự và tài sản. Các nhà đầu tư dự án BOT căn cứ Thông tư số 37/2018 của Bộ GTVT, Tiêu chuẩn số TCCS 01:2008, trên cơ sở quy trình quản lý thu phí đã xây dựng, lập dự toán cho công tác quản lý thu phí trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

 Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị, xây dựng phương án giải quyết lao động và xử lý tài sản sau khi bàn giao công tác thu phí. Phối hợp với các nhà đầu tư dự án ETC thống nhất quy chế phối hợp quản lý, vận hành công tác thu phí.

 Đồng thời, đề nghị các nhà đầu tư dự án ETC xây dựng quy chế phối hợp quản lý, vận hành công tác thu phí gửi các nhà đầu tư dự án BOT. Ban hành và thống nhất phương án bàn giao, tiếp nhận nhân sự và tài sản với các nhà đầu tư BOT. Các nhà đầu tư dự án BOT gửi các Cục Quản lý đường bộ trước ngày 25/9/2019… (Danviet.vn 3/9, Thế Anh)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan

Thủ tục hải quan trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS với sự tham gia của 100% doanh nghiệp làm thủ tục hải quan. 100% thủ tục hành chính tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình được thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3, cấp độ 4…

 Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Anh Tình – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Bình cho biết, “Điểm nổi bật trong công tác của Hải quan tỉnh Quảng Bình thời gian qua, đó là thực hiện thành công hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) từ năm 2014. Đến nay, hệ thống được vận hành thông suốt, hiệu quả, với tỷ lệ trên 99% tờ khai được thông quan trên hệ thống. Song song với việc áp dụng hệ thống thông quan tự động, Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), thực hiện cơ chế Một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan”.

 Cũng theo ông Nguyễn Anh Tình, thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS trên địa bàn có sự tham gia của 100% doanh nghiệp làm thủ tục hải quan.

 Thời gian thông quan hàng liên tục được rút ngắn qua từng năm. Từ năm 2018, tờ khai luồng xanh được hệ thống thông quan trong vòng 3 giây. Đối với tờ khai luồng vàng, luồng đỏ, thời gian kiểm tra chi tiết hồ sơ trung bình là 5 phút; thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa trung bình 55 phút. Kết quả này tương đương năm 2017.

 Tuy nhiên, tổng thời gian tính từ khi tiếp nhận tờ khai đến khi thông quan/giải phóng hàng được rút ngắn rất lớn: 20h đối với hàng nhập khẩu, 13h đối với hàng xuất khẩu thông quan tại cửa khẩu/cảng. Rút ngắn 214 giờ đối với hàng nhập khẩu đưa về bảo quản, đảm bảo các cam kết theo Tuyên ngôn phục vụ khách hàng của ngành Hải quan.

 Thêm nữa, công tác thu nộp thuế, lệ phí chủ yếu được thực hiện bằng phương thức điện tử với khoảng 90% tổng số thuế, lệ phí hải quan thực hiện thu nộp qua các ngân hàng thương mại; đã đưa vào áp dụng hình thức nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước “mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện”.

 Đối với việc thực hiện Cơ chế Một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, cho đến nay, tỷ lệ tờ khai kiểm tra chuyên ngành thực hiện qua cổng thông tin một cửa quốc gia đạt 92% (12.058/13.072 trường hợp). Cơ chế Một cửa quốc gia đối với đường hàng không và đường biển cũng đã được triển khai thực hiện thông suốt. Đơn vị cũng đã kết nối và sẵn sàng áp dụng Cơ chế một cửa ASEAN khi có hồ sơ phát sinh.

 Không những vậy, 100% thủ tục hành chính tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình được thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3, cấp độ 4. (Pháp Luật Việt Nam 3/9, Bùi Mến) Về đầu trang

Dịch vụ “chat” giữa dân và chính quyền Bắc Giang hoạt động ra sao?

Chỉ trong 2 tuần kể từ khi khai thác tính năng của ứng dụng Zalo, hơn 1.000 người đã bấm nút “Quan tâm” tài khoản “Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang”. Đây là cổng thông tin và tương tác trên Zalo của Trung tâm Phục vụ hành chính công - đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

 “Tôi cảm thấy rất tiện lợi khi được hỏi đáp, giải quyết các giấy tờ hành chính và thủ tục liên quan đến quyền lợi qua mạng Zalo”, anh Đàm Văn Hiếu, thôn An Bá, huyện Sơn Động (Bắc Giang) nói.

 Khi bấm nút “Quan tâm” “Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang” trên Zalo, người thực hiện thủ tục hành chính sẽ nhận được tin nhắn xác nhận việc tiếp nhận hồ sơ có đính kèm số biên nhận và mã QR. Tình trạng giải quyết hồ sơ, ngày trả kết quả sẽ hiển thị trên điện thoại khi quét mã này. Mỗi khi có sự thay đổi tình trạng giải quyết hồ sơ, người dân cũng sẽ nhận được tin nhắn thông báo.

 Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang cho biết gần 900 người đã tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua “Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang” trên Zalo. Song song với việc thao tác theo video clip hướng dẫn, người làm thủ tục còn có thể mang về nhà một tờ rơi chỉ dẫn cách thức tra cứu để thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Hơn 1.000 tờ rơi hướng dẫn đặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đã được trao đến tận tay người có nhu cầu. 

Trong tháng 9/2019, Trung tâm sẽ thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng Zalo tại tầng 1 của tòa nhà. Qua đó, cung cấp trải nghiệm tốt hơn và từng bước thay đổi thói quen thực hiện thủ tục hành chính hiện nay. 

Bên cạnh tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ, tính năng “chat” giữa người dân và chính quyền trên ứng dụng Zalo là dịch vụ nhận được sự quan tâm lớn. Gọi điện thoại và nhắn tin là hai cách “chat” được triển khai trong một tháng qua.

 Trực tiếp gõ phím trên điện thoại, ông Bùi Huy Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang, cho biết, quy trình tiếp nhận được thiết kế để mọi câu hỏi đều được trả lời.

 “Khi gõ trên ứng dụng Zalo, câu hỏi sẽ được chuyển đến người quản trị Trung tâm để trả lời. Khi quản trị trung tâm không trả lời được, nội dung câu hỏi đó sẽ được chuyển cho công chức của Sở ngành đang làm việc tại các quầy trong trung tâm. Các Sở ngành sẽ nhận thông tin và trả lời người dân” - ông Bùi Huy Khánh nói.

 Đối với hình thức nói chuyện trực tiếp, cuộc gọi của người dân được nối máy đến bộ phận lễ tân của trung tâm. Với những câu hỏi mà bộ phận lễ tân chưa trả lời được, cuộc gọi được chuyển tiếp đến công chức của sở, ngành chuyên môn để tiếp tục tư vấn trực tiếp.

 Các giải pháp tiếp nhận ý kiến của người dân được triển khai tại Bắc Giang nằm trong kế hoạch nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên địa bàn tỉnh, hình thành thói quen thực hiện dịch vụ công trên mạng Internet thay vì tốn nhiều thời gian đi xe đến Trung tâm Phục vụ hành chính duy nhất tại thành phố Bắc Giang. (News.zing.vn 3/9, An Bình) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Thi hành kỷ luật nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thi hành kỷ luật đối với đồng chí Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

 Cụ thể, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân đối với đồng chí Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân do đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong thời gian giữ chức vụ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng.

 Trước đó, theo thông báo của Bộ Chính trị, trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, ông Nguyễn Văn Hiến chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân trong triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết của cơ quan này về công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng do Quân chủng Hải quân quản lý.

 Ông Nguyễn Văn Hiến cũng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Quân chủng Hải quân và trách nhiệm cá nhân về vi phạm, khuyết điểm như: Thực hiện không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng đối với 10 khu đất quốc phòng; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của Đảng ủy Quân chủng Hải quân, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý, sử dụng các khu đất quốc phòng...

 Các cơ quan chức năng đã xem xét, xác định vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Hiến là rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về tiền, tài sản của Nhà nước và Quân đội, để một số cán bộ, đảng viên trong Quân chủng Hải quân bị khởi tố, điều tra và xử lý hình sự, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Quân đội và cá nhân ông.

 Căn cứ quy định số 102 của Bộ Chính trị khoá 12 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm; xét quá trình công tác, những đóng góp cho Quân chủng Hải quân, cho Quân đội và đất nước của ông Nguyễn Văn Hiến, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Hiến bằng hình thức cách chức các chức vụ: Ủy viên Đảng uỷ Quân sự TƯ nhiệm kỳ 2005-2010; ủy viên BCH Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010 (gồm Phó bí thư Đảng uỷ, ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ và ủy viên BCH Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010). (Chinhphu.vn 3/9, Phương Nhi)Về đầu trang

Vụ Xã đội trưởng đập xe Bộ Công an: "Xe biển số 80A đậu không cản trở"

Liên quan vụ Xã đội trưởng đập xe Bộ Công an, chiều 3/9, thông tin từ Công an TP.Cà Mau (Cà Mau) cho biết, xe 80A - 000.39 đậu không cản trở.

 Theo Công an TP.Cà Mau, sau khi xác minh, điều tra vụ việc, đồng thời trích xuất camera cho thấy xe BKS 80A - 000.39 đậu không cản trở xe BKS 69E1 - 440.17 (xe của Xã đội trưởng). Hiện Công an TP.Cà Mau đang chờ kết quả giám định thiệt hại tài sản để có các bước xử lý tiếp theo.

 Sáng cùng ngày, anh Châu Hữu Nghị - Xã đội trưởng Xã đội Thạnh Phú cho hay: “Vụ việc cũng đã xảy ra, tôi không thể làm lại được. Tôi sẽ khắc phục hậu quả cho người ta, sau đó, cấp trên xử lý như thế nào, tôi sẽ nghe theo. Tôi đang chờ báo giá để khắc phục thiệt hại”.

 Trước đó, khoảng 22h30 ngày 30/8, anh V.N.V (36 tuổi) điều khiển xe ô tô 7 chỗ mang biển kiểm soát 80A - 000.39 chở đoàn cán bộ của Phân viện kỹ thuật hình sự, Bộ Công an đến quán ăn nằm trên đường Phan Ngọc Hiển để ăn tối. 

Vào thời điểm này, anh Châu Hữu Nghị (30 tuổi, ngụ ấp Láng Cùng, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau) và Phạm Công Khanh (30 tuổi) là dân quân tự vệ xã Thạnh Phú từ trong quán đi ra, lấy xe máy mang biển số 69E1-440.17 rời đi. Một lúc sau, 2 người quay trở lại dùng 1 cây gỗ đập bể kính chắn gió phía sau của xe 80A - 000.39 đang đậu trước quán ăn.

 Làm việc với cơ quan chức năng, cả Nghị và Khanh đều khai nhận, vào thời gian trên, sau khi ăn tối xong, do xe 80A - 000.39 đậu chắn lối xe của Nghị. Nghị yêu cầu nhóm người đi xe 80A-000.39 dời xe để Nghị dẫn xe ra, nhưng nhóm người này không thực hiện.

 Sau khi đã rời khỏi quán, cả hai điều khiển xe đến đường Nguyễn Tất Thành, phường 8. Tuy nhiên, do ấm ức, Nghị rủ Khanh nhặt khúc gỗ ở lề đường để quay trở lại đập cửa kính chắn gió của xe 80A - 000.39. (Danviet.vn 3/9, Ngọc Quyên)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Tổng thống Ukraine thông báo ý tưởng cải cách quy mô lớn

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu Chính phủ mới của ông đệ trình dự thảo luật về cải cách thị trường đất đai trước đầu tháng 10 tới và chuẩn bị cho việc cổ phần hóa quy mô lớn các công ty nhà nước bắt đầu vào tháng 4 năm sau.

 Theo Reuters, phát biểu tại một cuộc họp được truyền hình trực tiếp cùng với Thủ tướng mới được bổ nhiệm Oleksiy Goncharuk, ông Zelensky cho biết ông muốn Quốc hội Ukraine sẽ thông qua luật về thị trường đất nông nghiệp và dỡ bỏ lệnh cấm bán đất vào ngày 1/12/2019.

“Bây giờ chúng ta có một tình huống duy nhất, một cơ hội duy nhất để thực hiện tất cả các cải cách cần thiết. Chúng ta có tất cả mọi thứ để thực hiện việc này: ý chí chính trị của tổng thống, đa số trong quốc hội, chính phủ và thủ tướng sẵn sàng thực hiện”, ông Zelensky nói.

 Tổng thống Ukraine cũng đã công bố một luật đặc biệt để bảo vệ đầu tư nước ngoài sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 1 năm sau.

 Đảng Người phụng sự Nhân dân của ông Zelensky đã giành được 254 trên 450 ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine được tổ chức hồi tháng 7 vừa qua.

 Đây là lần đầu tiên một đảng của tổng thống cầm quyền giành được đa số tuyệt đối trong cơ quan lập pháp và có quyền độc lập trong việc thành lập chính phủ.

 Trước đây, ông Zelensky đã cam kết dỡ bỏ lệnh cấm bán đất nông nghiệp tồn tại từ lâu ở nước này - một động thái mà những người ủng hộ cho rằng sẽ mở ra cơ hội lớn cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Ukraine.

 Đây cũng là một phần của nỗ lực làm cho Ukraine hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, đồng thời được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề khác. (Pháp luật Việt Nam 3/9, Hà Dung)Về đầu trang

Australia điều tra tỷ phú Trung Quốc đưa “túi tiền lớn” cho đảng chính trị

Ủy ban Độc lập Chống Tham nhũng (ICAC) đang điều tra liệu số tiền hơn 67.300 USD mà tỷ phú Huang Xiangmo gửi cho đảng Lao động New South Wales có vi phạm pháp luật hay không. Bang New South Wales cấm các nhà đầu tư bất động sản quyên góp tiền cho đảng chính trị, theo South China Morning Post.

 Điều tra của ICAC tập trung chủ yếu vào bữa tiệc tối vận động tài trợ "Những người bạn Trung Quốc" của đảng Lao Động, tổ chức không lâu sau cuộc bầu cử ở New South Wales vào năm 2015. Nhiều bằng chứng cho thấy số tiền của ông Huang được che đậy bằng một loạt các nhà hảo tâm giả danh.

 Kết quả điều tra hé lộ chi tiết tỷ phú Trung Quốc xuất hiện ở văn phòng đảng Lao động vài tuần sau bữa tiệc tối với một túi đầy tiền mặt. Huang sau đó chuyển túi tiền cho Tổng thư ký đảng Lao động Jamie Clements. 

Ernest Wong, cựu nghị sĩ đảng Lao động, ngày 2/9 nói ông Huang đóng vai trò "người vận chuyển" để tập hợp tiền của nhiều cá nhân mang đến trụ sở đảng này.

 Ông Wong, cũng là người tham gia tổ chức buổi vận động tài trợ năm 2015, đang bị điều tra. Ông phủ nhận cá nhân ông Huang tài trợ tiền cho đảng Lao động.

 Lãnh đạo ủy ban điều tra Peter Hall đặt nghi vấn vì sao ông Wong không bất ngờ khi tỷ phú Trung Quốc bất chợt đề nghị đưa một túi tiền lớn đến trụ sở đảng Lao động. Cựu nghị sĩ cho biết nhà tỷ phú có thể muốn giữ thể diện bản thân vì không tham gia quyên góp.

 Ông Wong khai rằng bản thân đã đồng ý để ông Huang mang túi tiền từ sự kiện đến trụ sở của đảng. Các mẫu đơn công bố danh tính người quyên góp được giữ trong một túi khác và được ông Wong mang về nhà riêng. Trong khi đó, Scott Robertson, trợ lý công tố viên, cáo buộc cựu nghị sĩ bịa đặt câu chuyện để lách luật.

 Giới chức tình báo Australia trong thời gian qua nhiều lần bày tỏ quan ngại Trung Quốc can thiệp vào chính trị nội bộ của nước này, sử dụng các khoản quyên góp thiếu minh bạch để tiếp cận chính trị gia.

 Cơ quan tình báo Australia đã đề cảnh báo các chính khách về rủi ro khi nhận tiền quyên góp từ Huang Xiangmo và một nhà đầu tư bất động sản khác là Chau Chak Wing. Hai nhân vật này bị tình nghi có quan hệ với chính phủ Trung Quốc. (News.zing.vn 3/9, Thanh Danh)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More