Tài liệu tuyên truyền Quảng Bình - Hào khí 420 năm (1604 - 2024) số 12

15:45, Thứ Hai, 13-5-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ban Biên tập trân trọng giới thiệu Tài liệu tuyên truyền “Quảng Bình - Hào khí 420 năm (1604 - 2024)”. Tài liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình biên soạn và phát hành.

II. BƯỚC CHÂN THỜI GIAN

2. Quảng Bình - Vang mãi hào khí

(Tiếp theo)

2.5. Quảng Bình sau ngày tái lập

Phát huy truyền thống“Quảng Bình quật khởi” trong chống Pháp và “Quảng Bình Hai giỏi” trong kháng chiến chống Mỹ, từ ngày tái lập tỉnh đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đưa tỉnh nhà phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

2.5.1. Về kinh tế

Thành tựu nổi bật sau 35 năm tái lập tỉnh, Quảng Bình đã khắc phục được tình trạng trì trệ, đưa nền kinh tế từng bước thoát khỏi khủng hoảng, phát triển và đi vào thế ổn định, tốc độ tăng trưởng GRDP khá, quy mô nền kinh tế không ngừng được nâng lên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP giai đoạn từ 1991 - 1995 là 8,49%, từ 2005 - 2010 là 11%. Trong giai đoạn 2010 - 2020, do ảnh hưởng của thiên tai và suy thoái kinh tế toàn cầu, sự cố môi trường biển, dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt trên 6,0%; năm 2023 đạt 7,21%, đây là sự nỗ lực lớn của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh. GRDP bình quân đầu người được cải thiện đáng kể, năm 1990 là 0,46 triệu đồng, đến năm 2021 lên 49,3 triệu đồng, năm 2023 lên 60 triệu đồng; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm nhờ tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, dịch vụ luôn duy trì ở mức cao.

Sản lượng lương thực không ngừng tăng, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và ổn định đời sống Nhân dân. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất tăng bình quân 3,07%/năm. Tỷ trọng ngành chăn nuôi không ngừng tăng. Lâm nghiệp chuyển đổi theo hướng lâm nghiệp xã hội; công tác quản lý và bảo vệ rừng được tăng cường. Thủy sản được xác định là ngành kinh tế quan trọng. Tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho nuôi trồng, khai thác và dịch vụ nên sản xuất thuỷ sản phát triển nhanh, sản lượng tăng cao, với đội tàu đánh bắt vùng biển xa đứng thứ ba toàn quốc. Sản xuất lâm nghiệp từng bước được xã hội hóa và chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị. Công tác quản lý và bảo vệ rừng được tăng cường, tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ 2 toàn quốc, đạt 68,69% (năm 2023).

Công nghiệp, từ xuất phát điểm gần như trắng nhưng đến nay, từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Sản xuất công nghiệp từng bước tăng trưởng, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 46 lần (Năm 1990 là 271,7 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt 13.865 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2023 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 10,3%/năm). Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn có bước phát triển khá, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương. Hiện nay, nhiều sản phẩm có giá trị cao và có sức cạnh tranh trên thị trường,. nhiều sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu. Hoạt động thương mại, dịch vụ chuyển biến tiến bộ. Quy mô thị trường tăng nhanh; mạng lưới kinh doanh thương mại mở rộng xuống tận địa bàn khu dân cư. Hàng hoá trên thị trường phong phú, đa dạng, đáp ứng khá tốt nhu cầu các tầng lớp dân cư. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng liên tục qua các năm. Thị trường dịch vụ của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế và phục vụ đời sống Nhân dân. Đến nay, đóng góp của dịch vụ trong cơ cấu GRDP chiếm tỷ trọng trên 49,54%. Cơ sở vật chất ngành Vận tải đã tăng lên đáng kể. Dịch vụ bưu chính - viễn thông phát triển nhanh, mạng lưới viễn thông đã được hiện đại hoá về cơ bản.

Du lịch có nhiều khởi sắc và dần khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong 35 năm qua, tỉnh đã hình thành thêm nhiều điểm tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Tổng số khách du lịch đến tỉnh Quảng Bình ngày một tăng cao. Giai đoạn 1990 - 1999 đạt gần 0,6 triệu lượt khách, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 19,7 triệu lượt khách; năm 2022 đạt hơn 2,1 triệu lượt, gấp 3,7 lần so với năm 2021; năm 2023 đạt hơn 4,5 triệu lượt khách, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ và vượt gần 29% so với kế hoạch đề ra. Thương hiệu du lịch Quảng Bình được khẳng định ở tầm quốc gia, khu vực và thế giới, là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Một số điểm du lịch có tiềm năng lớn trở thành điểm đến tầm cỡ thế giới. Làng du lịch Tân Hóa, huyện Minh Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023. Du lịch Quảng Bình đã và đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần quảng bá hình ảnh văn hoá và con người Quảng Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Hoạt động tài chính, tín dụng có nhiều tiến bộ. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân khoảng 15 - 20%/năm. Hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng đã bám sát các chính sách tiền tệ, tín dụng của Chính phủ và mục tiêu phát triển của tỉnh để huy động và cho vay vốn, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Năm 2023, tổng nguồn vốn huy động đạt gần 58.700 tỷ đồng, tăng 6,5%.

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng và đạt được kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, đời sống Nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn đổi mới toàn diện; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới ngày một tăng cao. Đến năm 2023, có 93/128 xã đạt nông thôn mới, đạt 73%; trong đó, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 36 khu dân cư kiểu mẫu và 44 vườn mẫu. Toàn tỉnh hiện có 145 sản phẩm OCOP được công nhận (tăng 81 sản phẩm so với năm 2020); đến hết năm 2023, có 34 sản phẩm OCOP 4 sao, đạt và vượt kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư ngày càng có nhiều đổi mới và quyết liệt hơn; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ với các cơ chế, chính sách rộng mở, thông thoáng; tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, nhờ đó, ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát, triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án có quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế.

Từ năm 2021 đến nay, đã phê duyệt và chấp thuận chủ trương đầu tư 147 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 28.000 tỷ đồng; thu hút 01 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với số vốn đăng ký 54,6 triệu USD; 47 dự án phi chính phủ nước ngoài (NGO), giá trị cam kết viện trợ 9,5 triệu USD. Nhiều dự án đã triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, một số dự án đã tiến hành xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm và thu ngân sách, tạo động lực phát triển của tỉnh như: Dự án may xuất khẩu của Công ty S&D; Dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn và Shophouse của VinGroup; Sân golf Bảo Ninh - Hải Ninh; Cụm trang trại điện gió B&T... Tỉnh đã tạo điều kiện, môi trường cạnh tranh bình đẳng để các thành phần kinh tế phát triển nhanh, trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Từ đầu năm 2021 đến nay, có thêm 1.627 doanh nghiệp được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp lên hơn 8.800 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký gần 20.180 tỷ đồng.

Công tác quy hoạch, quản lý đô thị được chú trọng. Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, góp phần làm thay đổi bộ mặt từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả như: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, sân bay Đồng Hới, cầu Gianh, cầu Quán Hàu, cầu Nhật Lệ 1 và 2, cầu Trung Quán, đường nối Khu kinh tế Hòn La với Khu công nghiệp xi măng tập trung Tiến - Châu - Văn Hóa, đường Võ Nguyên Giáp, Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, các tuyến đường nối trục Đông - Tây, các tuyến đường nội thành thành phố Đồng Hới,... Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh đang được triển khai quyết liệt; Cảng hàng không Đồng Hới chuẩn bị nâng cấp... sẽ là những tín hiệu mới, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.

Giao thông nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Hệ thống đê điều, thủy lợi, hồ chứa được nâng cấp, bảo đảm an toàn. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô, điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; mạng lưới bưu chính - viễn thông, phát thanh truyền hình phủ kín; chủ động nước tưới cho trên 100% diện tích lúa đông xuân; 97% số dân ở nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư. Nổi bật là thành phố Đồng Hới kết cấu hạ tầng phát triển nhanh, được công nhận là đô thị loại II năm 2014; thị xã Ba Đồn được thành lập năm 2013; khu vực thị trấn Hoàn Lão và khu vực thị trấn Kiến Giang mở rộng được công nhận đạt tiêu chí loại IV. Các khu công nghiệp: Cảng biển Hòn La, Bắc Đồng Hới, Tây Bắc Đồng Hới, Tây Bắc Quán Hàu, Khu Kinh tế cửa khẩu Cha Lo... được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo. Công tác quản lý tài nguyên, môi trường được tăng cường. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020, 2021 - 2023. Việc kiểm soát ô nhiễm, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường được tiến hành thường xuyên. Quản lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước từng bước đi vào nền nếp. 

                                                                                (Còn nữa)

Các tin khác