Những cách bảo vệ quyền riêng tư trên mạng mà người dùng cần lưu ý

10:0, Thứ Sáu, 1-1-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Quyền riêng tư của người dùng trên mạng tùy thuộc vào khả năng kiểm soát cả lượng thông tin cá nhân mà bạn cung cấp và ai có quyền truy nhập thông tin đó.

Khi thực hiện hoạt động trực tuyến mỗi ngày, người dùng Internet có thể tiết lộ thông tin cá nhân mà những người khác có thể sử dụng để xâm phạm quyền riêng tư. Chẳng hạn thông tin nhạy cảm như địa chỉ IP, địa chỉ email, vị trí thực tế hiện tại, địa chỉ nhà hoặc nơi làm việc.

Thông thường, các doanh nghiệp, chính phủ và tổ chức khác thu thập dữ liệu khi người dùng: thiết lập tài khoản trực tuyến, giao dịch mua hàng trong một cửa hàng trực tuyến, đăng ký một cuộc thi, tham gia khảo sát, tải xuống phần mềm miễn phí, lướt web, sử dụng các ứng dụng trên máy tính hoặc thiết bị di động, đăng ảnh hoặc trạng thái trên phương tiện truyền thông xã hội…

Khi thực hiện hoạt động trực tuyến mỗi ngày, người dùng Internet có thể tiết lộ thông tin cá nhân
mà những người khác có thể sử dụng để xâm phạm quyền riêng tư. (Ảnh minh họa: Internet)

Vậy điều gì xảy ra với thông tin của người dùng?

Một số doanh nghiệp chịu trách nhiệm sử dụng thông tin cá nhân người dùng để giúp cải thiện trải nghiệm của bạn với các sản phẩm, dịch vụ của họ. Các giao dịch trực tuyến được liên kết với bạn bằng thông tin như địa chỉ giao hàng hoặc số thẻ tín dụng. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, các doanh nghiệp thường thu thập dữ liệu không nhận diện bạn bằng tên. Một số trang web theo dõi các trang bạn truy cập và click bấm chuột của bạn mà không phải theo dõi thông tin cá nhân.

Thông tin chi tiết cá nhân về người dùng có thể khả dụng trực tuyến vì bạn đã thêm thông tin riêng trong sơ yếu lý lịch, tham gia mạng xã hội như Facebook hoặc bình luận trong một số nhóm trên Twitter. Ngoài ra, bạn bè cũng có thể viết về bạn hoặc đăng ảnh bạn và gia đình. Các hội nhóm, câu lạc bộ và hiệp hội nghề nghiệp có thể tiết lộ họ tên, nơi làm việc và lịch sử đóng góp của bạn.

Đáng ngại nhất là bọn tội phạm mạng có thể sử dụng dữ liệu trực tuyến về người dùng để lừa đảo, đánh cắp danh tính và một số mục đích xấu khác…

Mọi người đều có thể tìm kiếm thông tin trực tuyến và thông tin này thường tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, không giống như dữ liệu được lưu trữ trên giấy, các công cụ tập hợp dữ liệu và tìm kiếm mạnh mẽ trên Internet có thể giúp dễ dàng liên kết dữ liệu với nhau để tạo ra một hồ sơ hoàn chỉnh về người dùng. Sau khi dữ liệu được xuất bản trực tuyến nó sẽ có hiệu lực ở đó mãi mãi, tùy thuộc vào chính sách về quyền riêng tư của công ty nắm dữ liệu, cuối cùng thì bất kỳ ai truy cập Internet đều có thể thấy dữ liệu đó.

Những cách bảo mật quyền riêng tư trực tuyến

- Luôn dùng mật khẩu: Việc đặt mật khẩu cho các thiết bị kỹ thuật số như smartphone, tablet, laptop hoặc bất kỳ thiết bị nào khác có chứa dữ liệu cá nhân,… là rất quan trọng. Nếu sơ suất, thông tin cá nhân của người dùng có thể bị kẻ xấu đánh cắp qua smartphone. Nên cài đặt mật khẩu mạnh cho tài khoản trực tuyến, có thể sử dụng trình quản lý mật khẩu để tạo và theo dõi các mật khẩu phức tạp.

- Bảo vệ máy tính khỏi virus: Quyền riêng tư và bảo mật kỹ thuật số là hai khái niệm được liên kết chặt chẽ. Nếu máy tính bị nhiễm phần mềm độc hại hoặc virus. Hacker có thể truy cập và đánh cắp thông tin cá nhân. Cách phòng tránh tốt nhất là cài đặt và cập nhật thường xuyên những chương trình anti-virus trên thiết bị kỹ thuật số để xóa sổ các lỗ hổng bảo mật. Người dùng có thể bật cập nhật tự động phần mềm để duy trì sự an toàn cho máy tính.

- Bảo mật quá trình duyệt web: Hãy cẩn thận khi duyệt web bằng cách tắt JavaScript, tắt cookie của bên thứ ba và dùng trình duyệt ẩn danh khi cần thiết. Ngoài ra, lưu ý rằng việc sử dụng Proxy riêng sẽ giúp bạn truy cập các website giới hạn về vị trí, nhưng không giúp ẩn danh hoàn toàn. Cách tốt nhất là sử dụng Mạng riêng ảo (VPN). 

- Thay đổi công cụ tìm kiếm: Một số công cụ tìm kiếm theo dõi hành vi tìm kiếm và sử dụng lịch sử duyệt web để phân phối và nhắm mục tiêu quảng cáo. Nghĩa là bạn luôn bị theo dõi khi tìm kiếm trên Internet. Cách phòng tránh là chọn công cụ tìm kiếm an toàn như Google, Bing,..

- Cẩn trọng với mạng xã hội: Cần điều chỉnh hợp lý cài đặt bảo mật tài khoản, có thể tùy chỉnh cách người khác xem thông tin và các bài đăng mà mình chia sẻ nhằm hạn chế rủi ro tiềm ẩn.

- Cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo: Luôn cảnh giác với những email, cuộc gọi và website yêu cầu thông tin cá nhân. Nhiều kẻ lừa đảo qua mặt người dùng bằng cách giả mạo một số công ty hợp pháp hoặc cơ quan đại diện pháp luật thuyết phục bạn cung cấp thông tin cá nhân. Cần lưu ý không mắc lừa và không cung cấp bất kỳ thông tin riêng tư nào.

- Sử dụng kết nối Wi-Fi an toàn: Việc dùng Wi-Fi miễn phí tại nơi công cộng rất phổ biến, nhưng đây là nguy cơ gây rò rỉ dữ liệu cá nhân. Nếu muốn sử dụng các kết nối như vậy, nên dùng dịch vụ VPN uy tín để mã hóa toàn bộ dữ liệu gửi đi.

- Cẩn thận với dữ liệu download: Chỉ nên tải xuống dữ liệu từ các nguồn đáng tin cậy và được xác thực. Rất nhiều trang web có dữ liệu chứa virus và phần mềm độc hại, khi được tải về, chúng có thể truy cập dữ liệu cá nhân của bạn.

(Theo Đ.P - ICTNEWS)

Các tin khác