Bốn phẩm chất của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH

14:32, Thứ Hai, 16-3-2015

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Bốn phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH là “Tự trọng, Tự tin, Đảm đang, Trung hậu” 

1. Phẩm chất tự trọng

1.1. Khái niệm - Biểu hiện

Tự trọng là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình 1. Hiểu một cách đầy đủ, tự trọng chính là có ý thức về giá trị của bản thân mình, tự mình tôn trọng mình, coi trọng danh dự của mình. Theo nghĩa này, tự trọng đồng nghĩa với tự tôn. Đây là một trong những yếu tố nền tảng quan trọng nhất để làm nên giá trị của một con người chân chính, là giá trị đảm bảo cho tất cả các giá trị của nhân cách mỗi con người.

Biểu hiện của phẩm chất tự trọng có thể khái quát thành mấy nét chính sau đây:

Người có lòng tự trọng trước hết phải là người tôn trọng pháp luật của Nhà nước, tôn trọng và tuân thủ các quy tắc ứng xử của tập thể, cộng đồng. Sự tôn trọng ấy thể hiện qua thái độ tự giác chấp hành mọi quy định của pháp luật, nghiêm túc thực hiện các quy chế, nội quy, hương ước của tập thể, cộng đồng; hoàn toàn không phụ thuộc vào việc có bị giám sát hay không bị giám sát, nhắc nhở hay không bị nhắc nhở. Như vậy, sẽ là người thiếu tự trọng nếu có tư tưởng đối phó trong chấp hành luật pháp, sẵn sàng vi phạm pháp luật, vi phạm những quy định, quy ước chung của tập thể khi có cơ hội (Ví dụ: tham ô, bớt xét của tập thể, vượt đèn đỏ khi không có cảnh sát giao thông, vứt rác bừa bãi nơi công cộng, đi làm thì đến muộn về sớm;…).

Người có lòng tự trọng còn là người luôn tôn trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội. Tự giác tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, rèn luyện tác phong, lối sống theo các chuẩn mực đạo đức xã hội; biết phân biệt đúng/sai, phải/trái; răn mình không vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, chuẩn mực đạo đức gia đình. Chẳng hạn, người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến lấy “tam tòng tứ đức” làm chuẩn mực để tự tu dưỡng đầy đủ “công dung ngôn hạnh”, tự răn mình sống theo đạo lí hiếu thảo với cha mẹ, chung thủy với chồng, toàn tâm toàn ý đến mức hy sinh cả bản thân. Người phụ nữ miền Bắc Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ tích cực hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang”, tiễn chồng tiễn con ra trận, tay súng tay cày đảm đang công việc gia đình, công việc sản xuất, chiến đấu ở hậu phương, … Xuất phát từ ý thức tôn trọng chuẩn mực đạo đức xã hội, người có lòng tự trọng sẽ sẽ không có những hành động trái chuẩn mực đạo đức xã hội, trái lương tâm, sẽ không sống theo kiểu bất chấp dư luận…(Ví dụ: không trộm cắp, mại dâm, hành động bất nhân bất nghĩa…); sẽ tự biết xấu hổ, biết ăn năn nếu làm những việc trái đạo lý. Trong ứng xử, người tự trọng thường độ lượng với người khác nhưng nghiêm khắc với bản thân; không sống dễ dãi, buông thả; khi có lỗi thì tự giác nhận lỗi và sửa lỗi; biết kiềm chế, không xúc phạm người khác; không để người khác kích động, lôi kéo.

Đặc biệt, người tự trọng phải là người coi trọng danh dự bản thân, có lòng tự tôn dân tộc; là người luôn nhận thức đúng đắn về bản thân và về những người xung quanh, biết được điểm yếu, điểm mạnh của mình, của người; trước tự xử sự với mình, sau xử sự với người xung quanh. Việc coi trọng bản thân thể hiện qua ý thức nỗ lực phấn đấu vươn lên để tự hoàn thiện mình; sống có trách nhiệm với bản thân và với mọi người; cố gắng làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, đối với xã hội (Nghĩa vụ làm mẹ, làm vợ trong gia đình; nghĩa vụ người công dân của một đất nước…). Tự giác hoàn thành tốt những công việc được giao phó; nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều; việc gì làm được thì gắng làm, không phiền lụy đến người khác. Lòng tự trọng và tự tôn còn giúp con người biết việc nên làm/việc không nên làm (Chẳng hạn như nếu có lòng tự trọng thì một bộ phận nữ thanh niên sẽ không sa vào lối sống sa đọa, không lấy chồng ngoại chỉ vì lợi ích vật chất trước mắt, không có hình ảnh các cô dâu Việt bị rao bán trên một số báo Hàn Quốc, Đài Loan; không diễn ra những vụ xem mặt, chọn vợ tập thể đã và đang làm tổn hại nghiêm trọng đến phẩm giá, đạo đức, làm sai lệch hình ảnh tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, làm tổn hại đến lòng tự trọng của mỗi con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam…).

1.2. Vì sao phụ nữ thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có phẩm chất tự trọng?

a. Để tiếp nối truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam, người phụ nữ Việt Nam.

Tự trọng là một phẩm chất đạo đức truyền thống của con người Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam. Từ ngàn xưa, tổ tiên chúng ta đã đặt danh dự lên hàng đầu : “Đói cho sạch, rách cho thơm”; “Tốt danh hơn lành áo”; “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”… “Tiếng” ở đây chính là những nhận xét, đánh giá tốt đẹp của cộng đồng xã hội về một cá nhân nào đấy.

Trong lịch sử dân tộc, đã có biết bao tấm gương liệt nữ sáng ngời về lòng tự trọng: Đó là Hai Bà Trưng vì nợ nước, thù nhà, hận quân xâm lược bạo tàn chà đạp lên non sông gấm vóc mà phất cờ khởi nghĩa; là bà Triệu với câu nói nổi tiếng : "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể Đông chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta"... Trong chiến tranh, lòng tự trọng của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam luôn ngời sáng. Biết bao nhiêu người mẹ tiễn chồng, tiễn con, sẵn sàng làm hòn đá vọng phu cạn khô nước mắt, tự nguyện hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước, quê hương. Biết bao chàng trai, cô gái sẵn sàng từ bỏ ước mơ vào cổng trường Đại học để lên đường nhập ngũ, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Một người trốn tránh nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc như đóng thuế, tham gia quân đội... sẽ là sự hổ nhục của cả gia đình, dòng họ, khối phố. Một thanh niên không được cùng bạn bè ra trận, đi học ở nước ngoài với nhiệm vụ sau này thống nhất đất nước về xây dựng quê hương cũng cảm thấy trong lòng day dứt không yên. Chính lòng tự trọng của mỗi người dân Việt Nam đã tạo thành sức mạnh cộng đồng, đoàn kết thành một khối, đánh bại kẻ thù xâm lược để giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

b. Để góp phần bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam trước những thách thức của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập

Toàn cầu hóa đang làm cho nền văn hóa của các quốc gia xích lại gần nhau hơn, song cũng dễ bị “hòa tan” hơn. Trong trào lưu giao thoa giữa các nền văn hóa, bên cạnh những tác động tích cực của những nét văn hóa tiên tiến, tích cực, đã xuất hiện không ít những biểu hiện văn hóa lệch lạc, lai căng, suy đồi, ảnh hưởng trực tiếp tới đạo đức của con người Việt Nam, nhất là lớp trẻ. Vì thế, bản sắc văn hóa dân tộc, nét đẹp truyền thống của phụ nữ… cũng đang có xu hướng bị phai nhạt. Ở một bộ phận nữ giới, qua cách trang phục, sinh hoạt, suy nghĩ, lối sống… đã và đang hình thành sự phô trương, tư tưởng nữ quyền thái quá, làm mất đi nét đẹp nữ tính, nét duyên dáng, dịu dàng và lòng nhân ái, bao dung, sẻ chia vốn có của người phụ nữ Việt Nam. Ở một góc độ khác, do ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, trong xã hội, nhất là trong giới trẻ đang hình thành lối sống thực dụng, cá nhân, ích kỉ và những quan niệm lệch lạc trong hôn nhân, tình yêu. Trên các mặt báo xuất hiện ngày càng nhiều những cái tít: @ sống thử, @ lắc, @ sành điệu… và những câu chuyện đau lòng do sự xuống cấp về đạo đức, sự tha hóa về nhân cách của một bộ phận phụ nữ, nữ thanh niên như: mẹ giết con, vợ giết chồng, tệ nạn mại dâm và bạo lực học đường liên quan tới nữ sinh trong các trường học... Thực trạng ấy cho thấy, vì lòng tự trọng của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, đã đến lúc chúng ta cần rung lên một hồi chuông để cảnh tỉnh cho mỗi con người, mỗi gia đình và cho toàn xã hội thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, bảo vệ văn hóa dân tộc, bảo vệ hạnh phúc cho mỗi con người, mỗi gia đình. Và hơn ai hết, phụ nữ với tư cách là người giữ ngọn lửa ấm cho mỗi gia đình phải đi tiên phong trong công cuộc ấy.

c. Để đem lại giá trị đích thực cho con người, hướng con người sống thiện, sống đẹp.

Lòng tự trọng giúp cho mỗi con người ý thức được giá trị của bản thân, và biết cách để bảo vệ danh dự của bản thân. Người trí thức biết tự trọng sẽ không đánh cắp tri thức của người khác làm tri thức của mình; Một học sinh biết tự trọng sẽ không gian dối trong học tập và thi cử; Một công chức nhà nước tự trọng thì biết tự giác hoàn thành nhiệm vụ, không lợi dụng chức vụ để tư túi; Một người phụ nữ biết tự trọng sẽ không vì đồng tiền mà làm ô uế thanh danh của mình. Chính vì ý nghĩa ấy, lòng tự trọng sẽ làm nên nhân cách và thương hiệu của mỗi người, của mỗi công ty, hay của quốc gia. Một doanh nghiệp không có lòng tự trọng, cho ra đời những sản phẩm  của sự vô trách nhiệm sẽ không bao giờ làm nên thương hiệu; và những sản phẩm như thế sẽ không bao giờ tồn tại lâu dài hay có khả năng chinh phục xã hội. Một dân tộc không có lòng tự trọng sẽ không có khả năng hiện thực hoá giấc mơ độc lập, tự do, văn minh và phồn thịnh của mình; thậm chí có thể sẽ dẫn đến mất nước, làm nô lệ.

1.3. Phụ nữ cần làm gì để giữ được lòng tự trọng?

Thứ nhất:Luôn đề cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, không làm những việc ảnh hưởng tới giá trị, thanh danh của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam. Niềm tự hào về đất nước là cơ sở tạo nên lòng tự tôn dân tộc, tính tự trọng công dân của người phụ nữ trong giai đoạn mới. Người phụ nữ yêu nước phải phấn đấu góp phần làm cho đất nước giàu đẹp, nêu cao lòng tự hào về văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc trước bạn bè quốc tế. Không chỉ phê phán những hiện tượng quay lưng lại với giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc mà cần quảng bá hình ảnh dân tộc với bạn bè quốc tế. Không chỉ phê phán những hiện tượng bắt chước văn hóa nước ngoài một cách nô lệ, đi ngược lại thuần phong, mỹ tục của dân tộc mà còn phải biết tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới tốt đẹp từ bên ngoài để làm đẹp cho văn dân tộc trong giai đoạn mới. Đồng thời cần xác định trách nhiệm của bản thân: Khi làm bất cứ việc gì, ở bất cứ đâu, dù trong nước hay ở nước ngoài, cũng tự nhắc nhở mình: không được phép đánh mất lòng tự trọng của bản thân và lòng tự tôn dân tộc.

Lâu nay, việc người ta tìm cách để " móc túi" người khác một cách phi lý và không một chút áy náy lương tâm như đã trở thành lẽ tự nhiên. Một sự thật mà hầu hết những người Việt Nam đều biết là cứ thấy ai là người nước ngoài thì rất nhiều những người tham gia làm dịch vụ du lịch từ khách sạn, nhà hàng đến xích lô, bán hàng lưu niệm... đều tìm cách lấy được từ những khách du lịch ngoại quốc này thêm đồng nào hay đồng ấy mà không cần nghĩ đến những ảnh hưởng xấu của việc làm đó.

Sự "khôn lỏi" và sự "ăn xổi" để kiếm thêm một hai đồng lẻ chỉ riêng trong khu vực của những người tham gia làm các dịch vụ du lịch đã đánh mất đi những lợi ích lớn hơn rất nhiều và có tính lâu dài. Nó cho thấy chúng ta thiếu tư cách của những chủ nhân và thiếu một tư duy chiến lược cho sự phát triển lĩnh vực mình kinh doanh.

Đó là những câu chuyện rất nhỏ của những cá nhân bé nhỏ trong xã hội. Nhưng câu chuyện của họ chính là câu chuyện về lòng tự trọng cho cả một quốc gia. Bản chất của vấn đề ấy không có gì khác giữa một cá nhân vô danh và một quốc gia cho dù rộng lớn đến nhường nào. Lòng tự trọng hay nói một cách khác là tư cách của một con người hay một quốc gia không phụ thuộc vào sự giàu ngèo của cá nhân đó hay quốc gia đó trong một giai đoạn nào đó.

Thứ hai, người phụ nữ phải tạo cho mình một niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, chúng ta hoàn toàn chỉ có thể xây dựng cho mình lòng tự trọng bằng cách tin vào bản thân, tôn trọng mình và tôn trọng người khác. Nếu không học cách tin vào bản thân, không gây dựng cho mình lòng tự trọng, không thoát khỏi sự sợ hãi để mặc cảm tự ti lấn át thì con người sẽ tự dằn vặt mình về những thất bại, những thiếu thốn…, và vì thế có thể đánh mất lòng tự trọng, đánh mất danh dự bản thân. Chỉ có lòng tự trọng cao thì chúng ta mới có thể có được lòng tin vào chính mình, mới luôn có khả năng nhận xét, đánh giá mình một cách chính xác trong bất cứ trường hợp nào. Để hình thành một lòng tự trọng đích thực, mỗi người cần phải tập trung vào sự thành công và quên đi những điều tiêu cực hay những sai lầm chúng ta mắc phải trong cuộc sống.

Thứ ba, lòng tự trọng của người phụ nữ cần được thể hiện ở tinh thần vượt khó, ở ý chí vươn lên trong cuộc sống. Khi đứng trước những hoàn cảnh khó khăn, con người thường có hai thái độ ứng xử: một là dễ dàng nhụt chí, đầu hàng trước khó khăn, thất bại; hai là tìm cách để vượt qua những khó khăn thử thách. Người phụ nữ có ý chí vươn lên trong cuộc sống sẽ chọn cách ứng xử thứ hai này. Khó khăn không làm họ nản lòng. Thất bại không làm họ gục ngã. Trái lại, họ tìm mọi cách để vươn lên, làm chủ số phận, làm chủ hoàn cảnh. Trong thực tế, không ít người phụ nữ có khát vọng sống mạnh mẽ với những ước mơ, hoài bão, chí tiến thủ và nỗ lực để biến ước mơ thành hiện thực. Có người mong muốn vun vén một gia đình hạnh phúc. Có người phấn đấu để được thăng tiến trong sự nghiệp. Có người khát khao đạt được thành công trong nghiên cứu khoa học... Tuy nhiên, không phải bất cứ sự nỗ lực để đạt mục đích cá nhân nào cũng đồng nghĩa với ý chí vươn lên trong cuộc sống. Chỉ những người nào đặt ra những mục đích có ý nghĩa, không làm phương hại đến người khác, phấn đấu vì những giá trị đích thực cho bản thân họ hoặc cho cộng đồng, cho xã hội mới được xem là con người có lòng tự trọng.

Một lần, tôi thấy hai thanh niên đi hát rong mà chúng ta vẫn thường gọi là "ăn mày" đứng hát trước một quán cà phê. Họ ăn mặc sạch sẽ, có hệ thống âm thanh khá tốt, thuộc nhiều bài hát và hát khá đúng nhạc. Có những người dè bỉu họ  "ăn mày" còn chơi sang. Nhưng tôi có suy nghĩ khác. Tôi gọi họ là "những người hát rong". Cho dù nghề hát rong kiểu này ở xã hội chúng ta vẫn coi là "ăn mày". Họ đứng hát nhưng không cầm cái mũ như thông thường dúi vào tay khách hay kỳ kèo ép khách phải cho tiền.

Họ biểu diễn thực thụ cho dù chỉ là những người hát rong. Sự lao động một cách chân chính và trong sạch của họ đã chiếm được cảm tình của rất nhiều người uống cà phê ở đó. Nhiều người uống cà phê nói với họ hãy thường xuyên đến quán cà phê đó hát. Những người uống cà phê này không phải là những người mê giọng hát hay phong cách biểu diễn của họ hơn những ca sỹ chuyên nghiệp hay các DIVA trong nước mà là có cảm tỉnh với thái độ lao động của họ.

Tôi đã hỏi hai thanh niên kia cần gì mà họ phải ăn mặc nghiêm chỉnh như thế, chuẩn bị đồ nghề kỹ như thế và có một "chương trình biểu diễn" khá phong phú như thế. Họ trả lời "Làm gì cũng phải cho đàng hoàng. Đói cho sạch, rách cho thơm chú ạ". Đấy chính là lòng tự trọng. Nếu không có lòng tự trọng ấy thì hai thanh niên "ăn mày" kia không được những người uống cà phê có cảm tình như thế. Lòng tự trọng của hai thanh niên "ăn mày" đã làm ra tư cách và thương hiệu của họ. Những người uống cà phê ở đó đã gọi họ là Ban nhạc hai chàng trai.

Thứ tư, người phụ nữ muốn giữ được lòng tự trọng cần phải thường xuyên tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và kĩ năng sống cho bản thânBiết học cách kiềm chế thái độ, cảm xúc để xử lí tốt các mối quan hệ, trong các tình huống khác nhau. Biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác (với mình thì nghiêm khắc, với người thì độ lượng); luôn có ý thức làm cho người khác tôn trọng mình. Không làm những việc tổn hại đến thanh danh của bản thân, gia đình, cộng đồng tập thể nơi mình sống; Không có những lời nói, việc làm xúc phạm đến danh dự của người khác và không để người khác xúc phạm đến danh dự của mình. Không tham gia khiếu kiện đông người, không vì quyền lợi chưa chính đáng của bản thân gây cản trở hoạt động của tập thể. Tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên để sống tốt, sống có ích, tuân thủ theo pháp luật và quy ước, hương ước của tập thể, cộng đồng là cách tạo giá trị đích thực cho bản thân và khẳng định vị trí của mình trong gia đình, trong xã hội.

2. Phẩm chất tự tin

2.1. Khái niệm – Biểu hiện

Tự tin là tin vào bản thân mình, sẵn sàng vượt lên trên định kiến giới, dám nghĩ, dám làm, dám tin vào khả năng thành công của mình1.

Người tự tin trước hết là người tin tưởng vào năng lực bản thân, tự đánh giá mặt mạnh, mặt yếu của mình, điểm nào là lợi thế, điểm nào là hạn chế; tức là có sự tự tin đúng mức dựa nên thực tế cũng như năng lực của bản thân. Từ đó, đặt cho mình mục tiêu để phấn đấu vươn lên, vượt mọi hoàn cảnh khó khăn, khắc phục tâm lí tự ti, rụt rè; rèn luyện bản lĩnh, nghị lực để đạt mục tiêu được xác định trong cuộc đời. Chìa khóa để có được sự tự tin chính là lòng tự trọng, sự hiểu biết, ý thức về bản thân, về thế giới.Trong công việc, người tự tin là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không trốn tránh, đùn đẩynhiệm vụ của mình cho người khác; và khi đã nhận thì cố gắng hoàn thành tốt. Trong cuộc sống, người tự tin thường quyết đoán, chủ động, bình tĩnh xử lí mọi tình huống khó khăn. Ở người tự tin còn luôn thể hiện thái độ hợp tác cao; sẵn sàng tôn vinh thành công của người khác; không sợ người khác giỏi hơn mình; đồng thời cũng luôn là người khiên tốn,thắng không kiêu, bại không nản, coi “thất bại là mẹ thành công”, coi khó khăn là môi trường rèn luyện để thử thách năng lực và ý chí của mỗi người. Trong giao tiếp, ứng xử, người tự tin thường tỏ thái độ bình tĩnh, chủ động; nói năng rành mạch, phong thái chững chạc, đường hoàng.

Có thể phân biệt tự tin và tự cao, tự mãn như sau: Người tự tin lại luôn muốn phấn đấu vươn lên, luôn khao khát học hỏi, luôn trau dồi bản thân để luôn nâng cao giá trị của mình, xem đây là cơ sở cho sự tự tin của mình. Còn người tự cao, tự mãn thì luôn phóng đại về khả năng của bản thân để rồi thỏa mãn với những gì mình có và coi thường người khác. Người tự tin xem hiểu biết, lòng tin vào khả năng của mình là năng lượng để luôn mở rộng tầm nhìn, hiểu biết của mình, từ đó vươn lên không ngừng. Còn người tự cao tự mãn xem đây là cái khiên để bảo vệ mình, khép kín mình, thỏa mãn với những gì mình có, do vậy, có nguy cơ bị tụt hậu...

Phẩm chất tự tin thuộc về bản lĩnh của mỗi người, đồng thời cũng không chỉ thể hiện trong ý nghĩ mà còn thể hiện qua thái độ, qua hành động thực tiễn của con người; gắn với khả năng thực, giá trị thực của con người.

2.2.Vì sao phụ nữ thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có phẩm chất tự tin?

a. Trước hết, người phụnữ cần có sự tự tin để đáp ứng yêu cầu của thời kì CNH, HĐH, phát triển và hội nhập.

Nhìn một cách tổng thể, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang đòi hỏi việc trí thức hóa người lao động nữ, đào tạo nhân lực nữ có trình độ cao, biết ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất. Trong điều kiện đó, nếu thiếu sự tự tin vào bản thân, vào những điều kiện cần và đủ để có thể đáp ứng yêu cầu của công việc, của cuộc sống, người phụ nữ sẽ không thể hội nhập; sẽ làm mất đi những cơ hội thay đổi, thăng tiến, cải thiện cuộc sống của mình. Sự tự tin giúp người phụ nữ tiếp cận với những thông tin, tri thức, cách suy nghĩ hiện đại, cải thiện được suy nghĩ bảo thủ, trì trệ của Nho giáo. Do đó, nhờ tự tin, người phụ nữ sẽ tiếp cận ngày càng gần hơn với cơ hội bình đẳng và phát triển, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho gia đình, quê hương, đất nước.

b. Bên cạnh đó, trong thời kì CNH, HĐH, người phụ nữ có rất nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành và nuôi dưỡng sự tự tin. Trước hết, toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận, giao lưu với nền văn hóa toàn cầu, được tiếp xúc với những phẩm chất tự tin, cởi mở; giao tiếp, kỹ năng, văn hóa lao động công nghiệp… của phụ nữ ở nhiều nước trên thế giới, qua đó tiếp thu, bồi bổ, làm giàu thêm những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, toàn cầu hóa về kinh tế đã tạo ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, giúp phụ nữ trở thành người chủ thực sự về kinh tế trong gia đình, đóng góp kinh tế cho xã hội. Người phụ nữ đã có tiếng nói, có quyền tham gia vào việc ra quyết định và thể hiện được trách nhiệm chia sẻ trong việc thực hiện các chức năng của gia đình, góp phần quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới ngày càng hiệu quả hơn. Một thuận lợi nữa là hiện nay, phụ nữ Việt Nam đang sống trong một thời đại mà vấn đề bình đẳng giới được đưa vào chính sách, chiến lược phát triển của quốc gia. Để tham gia thực hiện bình đẳng giới, chị em không những phải thay đổi về mặt nhận thức, mà bản thân mình cũng phải khắc phục tâm lý tự ti, mặc cảm. Tự tin, cố gắng vươn lên với tinh thần tự khẳng định địa vị của phụ nữ sẽ giúp chị em có thể đóng góp nhiều nhất trong khả năng của mình cho xã hội, cho tương lai.

3. Phụ nữ cần làm gì để có được sự tự tin?

a. Phải sẵn sàng vượt ra khỏi định kiến giới, dám nghĩ, dám làm, tin vào khả năng thành công của mình.

Trong xã hội ngày nay, mặc dù công cuộc giải phóng phụ nữ đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng những định kiến giới vẫn còn khá phổ biến. Do vậy, người phụ nữ hiện đại phải biết vượt qua những định kiến của xã hội, chủ động khẳng định vai trò, vị thế, quyền lợi và trách nhiệm của mình trước yêu cầu mới của đất nước; nhận thức về “Sự tiến bộ của phụ nữ gắn liền với sự phát triển của đất nước”. Đồng thời, người phụ nữ luôn phải vươn lên, vượt qua mọi rào cản khó khăn, thử thách; vượt qua tâm lý mặc cảm tự ti; vượt lên chính mình để không ngừng phấn đấu, học tập tiếp thu tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghề nghiệp nhằm hoàn thành tốt công việc và khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Thực tế đã chứng minh nhiều phụ nữ với sự nỗ lực vượt bậc, với bản lĩnh kiên cường và ý chí quyết tâm cao đã vượt qua hoàn cảnh, vượt qua số phận để tự khẳng định, vươn lên thoát nghèo, làm giàu và thành đạt.

Với 12 Huy chương vàng, 3 huy chương Bạc tại các giải quốc tế, quốc nội và nhiều huy chương khác tại các giải thể thao trong tỉnh là những thành tích đáng khâm phục của nữ vận động viên khuyết tật Hồ Thị Loan giành được trong 5 năm thi đấu thể thao (năm 2007 - 2011) của mình.

Hồ Thị Loan sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo người Vân Kiều bên bờ sông Đakrông ở thôn Klu, xã Đakrông, huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị). Ngay từ nhỏ, khi mới chỉ 5 tuổi (Hồ Thị Loan sinh năm 1991), Hồ Thị Loan đã phải cùng mẹ đi làm nương, phát rẫy để kiếm cái ăn, cái mặc hàng ngày. Trong một ngày đi làm cùng mẹ, cái ngày định mệnh em vướng phải mìn. Sau tiếng nổ chát chúa, em đã bị thương, bị co rút gân bàn chân phải, khiến cho chân phải của em không thể hoạt động được như những người bình thường. Từ đó, cuộc sống của Loan chỉ thu hẹp, quẩn quanh trong nhà với các bạn gần nhà. Đầu tháng 4/2007 là bước ngoặt của Loan, xuất phát từ tình thương của một thầy giáo trong huyện muốn giúp em hoà nhập với cộng đồng, nên đã giới thiệu em với Hội thể thao người khuyết tật và xin cho em được sinh hoạt ở Hội. Trong những ngày sinh hoạt tại Hội, các tố chất, tài năng của một vận động viên bơi lội trong người em đã được huấn luyện viên Nguyễn Thị Hồng Vân của Hội thể thao người khuyết tật tỉnh Quảng Trị phát hiện và tập trung tập luyện cho em. Để thuận lợi hơn cho Loan, Chị Vân đã đón Loan về sinh sống trong gia đình mình để Loan có điều kiện hơn trong tập luyện.

Không phụ với sự tin tưởng của huấn luyện viên và mọi người, ngay trong giải thể thao đầu tiên mà Loan tham gia vào tháng 7/2007, tại Giải bơi lội giành cho người khuyết tật toàn quốc diễn ra tại thành phố Huế ( tỉnh Thừa Thiên - Huế), Loan đã giành được 1 Huy chương vàng ở nội dung 50 m bơi bướm.

Để đạt được những kỷ lục và thành tích đó, em đã phải vượt lên rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Bằng nghị lực và quyết tâm của bản thân mình, nhiều hôm trái nắng trở trời, vết thương ở bàn chân phải đã gây cho em rất đau đớn. Nhưng để đạt được sự ổn định trong thi đấu, em đã phải nuốt nước mắt vào trong mà tập luyện. Những nỗ lực vượt bậc của em, những thành tích, những kỷ lục không tưởng của em đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vào các năm 2008 và 2010 vì Đã thi đấu đạt thành tích xuất sắc tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á.

b. Bản thân người phụ nữ phải tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; tự ý thức học hỏi, bồi dưỡng trí tuệ, tích lũy tri thức.

Quá trình CNH, HĐH đất nước gắn với kinh tế tri thức luôn đòi hỏi người lao động phải quan tâm hàng đầu về phẩm chất trí tuệ. Để đáp ứng được yêu cầu nền sản xuất này, phụ nữ phải có trí tuệ, có trình độ học vấn, kiến thức cao mới có thể tham gia một cách chủ động vào phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần sáng tạo khoa học, công nghệ, ứng dụng nó vào thực tiễn. Bên cạnh đó, người phụ nữ cần năng động, sáng tạo, có phương pháp làm việc khoa học để đạt được năng suất lao động và hiệu quả công việc một cách tốt nhất. Trong những điều kiện mới, cần có cách suy nghĩ, cách làm khác trước; cần vượt qua những cách làm không còn phù hợp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, năng động, sáng tạo không phải là một tố chất bẩm sinh, nó được hình thành trên cơ sở của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự trau dồi về học vấn, kiến thức... Thực tế cho thấy trình độ văn hóa, nghề nghiệp của số đông phụ nữ hiện còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Do vậy, phụ nữ cần quyết tâm nâng cao năng lực bản thân, tranh thủ cơ hội, điều kiện để tự học và tham gia các lớp học. Học tập là chìa khóa để người phụ nữ tự tin mở cánh cửa hội nhập với xã hội, với thế giới. Đối với nữ nông dân, phải có ý thức học hỏi, nắm vững tri thức trong lĩnh vực nông nghiệp để có thể làm chủ những tri thức mới, những kỹ thuật và công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm mà mình tạo ra.Đối với nữ công nhân, phải thường xuyên rèn luyện nâng cao tay nghề, làm chủ những dây chuyền công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại để có vị trí tốt trong quá trình sản xuất công nghiệp. Đối với lao động nữ trong khu vực dịch vụ, nhất là dịch vụ gắn với công nghệ cao, ngoài việc làm chủ được kỹ thuật, công nghệ hiện đại liên quan trực tiếp đến công việc của mình, thì cần nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghề nghiệp, làm chủ ngoại ngữ. Đối với nữ trí thức, các nhà khoa học nữ trên các lĩnh vực, cần không ngừng tiếp thu tri thức, nâng cao trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học, làm chủ được những tri thức khoa học đã được đào tạo để say mê nghiên cứu sáng tạo những giá trị mới, công trình nghiên cứu khoa học mới, vươn lên trở thành những chuyên gia giỏi, những nhà khoa học tài ba trong lĩnh vực của mình.

c. Phụ nữ cần có ý thức rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe, giữ gìn vẻ đẹp hình thể. Trong xã hội hiện đại, tốc độ vận động của cuộc sống ngày càng được đẩy nhanh, đòi hỏi con người phải tích lũy được nhiều kỹ năng ứng phó, nhất là kỹ năng sống với các phương diện cụ thể: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng học tập, kỹ năng làm việc, kỹ năng chăm sóc nuôi dạy con cái, kỹ năng nội trợ, kỹ năng làm đẹp, kỹ năng quản lý và đồng thời cũng rất cần quan tâm đến kỹ năng làm mẹ, làm vợ, vì đây chính là bí quyết để làm nên hạnh phúc gia đình. Có được các kỹ năng sống, người phụ nữ mới không cảm thấy lúng túng khi đóng vai trò kép: vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, làm tốt chức năng nội tướng và nuôi dạy con cái thành đạt. Bên cạnh đó, không nên quên rằng, trong mọi thời đại, sức khỏe và vẻ đẹp luôn là những thành tố quan trọng làm nên giá trị của mỗi con người. Do đó, trong thời đại ngày nay, để làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ trong gia đình, người lao động, làm việc ngoài xã hội, người phụ nữ cần phải có sức khỏe tốt. Trước hết là cần một thể lực tốt để đảm nhiệm công việc, cần một tinh thần luôn sảng khoái để giữ được bầu không khí đầm ấm, tươi vui, thân thiện trong gia đình, nơi làm việc. Sức khỏe tốt còn giúp cho người phụ nữ luôn tự tin, trẻ trung, xinh đẹp, góp phần giữ gìn hạnh phúc của cá nhân, gia đình và xã hội.

3. Phẩm chất đảm đang

1. Khái niệm – Biểu hiện?

Đảm đang (tương tự đảm đương) là khái niệm chỉ (người phụ nữ) đảm đang việc nhà; người đàn bà gánh vác giỏi công việc trong gia đình (Theo Từ điển tiếng Việt).1

Theo quan niệm cũ, đảm đang là khái niệm chỉ phẩm chất người phụ nữ giỏi giang trong công việcthường là lo toan việc gia đình. Ngày nay, khái niệm đảm đangđã có những phát triển, mở rộng về nghĩa. Đó là khả năng quán xuyến việc nước, việc nhà. Người phụ nữ đảm đang là người biết sắp xếp hài hòa công việc gia đình và công việc xã hội.

Trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước, phụ nữ miền Bắc sôi nổi tham gia phong trào ba đảm đang: đảm đang sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; đảm đang gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ tay súng tay cày đã trở thành một biểu tượng cao đẹp cho người phụ nữ thời đại Hồ Chí Minh, góp phần làm nên kì tích trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh bại Đế quốc Mĩ xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Biểu hiện rõ nhất của phẩm chất đảm đang ở người phụ nữ chính là khả năng quán xuyến công việc gia đình tốt. Đảm đang không phải là tự mình cáng đáng hết mọi việc, mà quan trọng là cần biết cách sắp xếp, phân công công việc cho các thành viên một cách hợp lí; thu hút được sự tham gia tích cực của các thành viên trong chia sẻ công việc gia đình với mình. Người đảm đang cũng là người cần cù, chăm chỉ, sáng tạo trong lao động, tạo thu nhập ổn định đóng góp vào nguồn thu của gia đình; đồng thời biết cách chi tiêu hợp lý, có kế hoạch, phù hợp điều kiện kinh tế gia đình, thực hành tiết kiệm; bảo đảm điều kiện quan trọng về cơ sở vật chất để gia đình tồn tại và phát triển. Bằng sự khéo léo, người phụ nữ đảm đang còn biết cách tổ chức tốt cuộc sống tinh thần trong gia đình thông qua những bữa cơm, những cuộc sinh hoạt đại gia đình, sự thăm hỏi đối với họ hàng, làng xóm, ông bà , anh em…sao cho tạo sự gắn kết các thành viên trong gia đình; quan tâm chăm sóc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, chia sẻ tâm tư tình cảm với con, hiểu những giai đoạn thay đổi tâm sinh lí của con để khéo léo định hướng cho con phát triển nhân cách; không bao giờ phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, cho xã hội.

Bên cạnh đó, người phụ nữ đảm đang là người biết sắp xếp hài hòa việc gia đình với việc xã hội; phấn đấu giỏi việc nước, đảm việc nhà; làm tốt việc nhà, đồng thời làm tốt việc xã hội. Biết cách tạo quan hệ hỗ trợ giữa việc nhà và việc nước: sắp xếp việc nhà hợp lý để toàn tâm toàn ý cho việc nước (bảo đảm về thời gian, đầu tư trí tuệ, sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình); Làm tốt việc nước để có điều kiện hỗ trợ thêm việc nhà (tăng thêm nguồn thu nhập, có thêm kĩ năng sống, tăng cường uy tín với các thành viên trong gia đình…); Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, học tập nâng cao trình độ, chăm sóc bản thân; chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để trở thành một người công dân tốt, một người lao động có chất lượng cao, một người vợ đảm, một người mẹ hiền (Tham gia lao động đem lại thu nhập cho gia đình; chăm lo cho con cái trưởng thành về cả vóc dáng, tâm hồn và tính cách; …). Đồng thời chú ý tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình có thời gian học tập, tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng, xã hội.

3.2. Tại sao phụ nữ Việt Nam thời kì CNH, HĐH cần là người đảm đang?

a. Đảm đang luôn là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, vừa thể hiện đúng thiên chức làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ Việt Nam, vừa khẳng dịnh vị thế của họ trong cộng đồng. Từ xưa đến nay, do những điều kiện tự nhiên, đặc điểm về kinh tế, xã hội, phụ nữ Việt Nam dù muốn hay không cũng luôn là những người có vai trò to lớn trong nền sản xuất xã hội cũng như kinh tế gia đình. Trong truyền thống văn hóa, người Việt rất coi trọng gia đình, đề cao nghĩa tình, sự thủy chung chồng vợ, thờ phụng tổ tiên, biết ơn cha mẹ, chữ hiếu, tôn trọng người già, lễ nghĩa, trật tự kỷ cương… Gia đình lại gắn chặt với dòng họ, xóm làng, xã hội tạo nên cộng đồng bền chặt từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Nhờ đó, những đóng góp quan trọng của người phụ nữ đối với gia đình cũng chính là đang đóng góp cho xã hội, góp phần tạo nên địa vị cao của họ trong gia đình và ngoài xã hội. Trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, việc nối tiếp truyền thống đảm đang vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với gia đình và xã hội và đối với chính người phụ nữ. Chính sự đảm đang ấy đã góp phần khẳng định quyền bình đẳng của người phụ nữ, xác nhận địa vị, phẩm giá của người phụ nữ đối với gia đình và xã hội; nâng cao hơn nữa những năng lực, phẩm chất, đạo đức của họ trong thời đại mới. Làm tốt trách nhiệm gia đình cũng là làm tốt trách nhiệm với xã hội, ngược lại làm tốt trách nhiệm với xã hội thì càng có điều kiện thể hiện trách nhiệm với gia đình.

b. Trước yêu cầu ngày càng cao của thời kì CNH, HĐH, phẩm chất đảm đang sẽ giúp cho người phụ nữ thực hiện hài hòa hai vai: việc nhà, việc nước để vừa có cơ hội phát triển cho bản thân, vừa bảo toàn hạnh phúc gia đình. Không phủ nhận rằng, cuộc sống hiện đại và những áp lực từ công việc trong một thế giới đang đổi thay nhanh chóng như hiện nay đang làm cho cả phụ nữ và nam giới ít có thời gian dành cho gia đình. Đồng thời, xã hội hiện đại với nhiều vấn đề phức tạp trong đời sống gia đình và xã hội, vai trò của gia đình và trách nhiệm của các thành viên lại càng cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Sự đóng góp về kinh tế cho gia đình là điều kiện quan trọng để người phụ nữ có tiếng nói và vươn tới một vị trí bình đẳng với người chồng trong gia đình, song kinh tế không phải là mục đích tự thân, mà là phương tiện để chúng ta hướng tới một gia đình hạnh phúc. Và trong hoàn cảnh ấy, mỗi gia đình rất cần đến đôi bàn tay và khả năng tổ chức cuộc sống một cách khéo léo, khoa học của người phụ nữ đảm đang. Như vậy, khái niệm đảm đang trong giai đoạn hiện nay không hề lạc hậu. Ngược lại, nó là chìa khóa để người phụ nữ thể hiện sự năng động của mình. Chính điều này đòi hỏi người phụ nữ cần phát huy phẩm chất đảm đang, có như thế mới dung hòa được các nhiệm vụ, vai trò của mình.

3.3. Phụ nữ thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần làm gì để thể hiện được phẩm chất đảm đang?

a. Người phụ nữ cần biết cách tổ chức tốt cuộc sống gia đình để tự tạo điều kiện tham gia hoạt động xã hội cho bản thân và cho các thành viên khác.

Thực tế cho thấy, dưới những tác động của kinh tế thị trường, người phụ nữ đang chuyển dần từ trạng thái ít tham gia hoạt động kinh tế, đến chỗ dành quá nhiều thời gian cho hoạt động kinh tế, bị cuốn theo “nhịp sống nhanh” của xã hội hiện đại. Nếu không biết cách sắp xếp, người phụ nữ có thể sao nhãng trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục con cái, sao nhãng trách nhiệm gắn bó tình cảm của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, cần phải phân biệt đảm đang với việc bao bọc, ôm đồm, làm thay công việc người khác. Nói cách khác, người phụ nữ đảm đang không phảitự mình làm tất thảy mọi việc mà phải là người biết tổ chức, sắp xếp để khơi dậy được thế mạnh của mọi người, giúp các thành viên trong gia đình định hướng, hoàn thành các công việc của mình để mọi việc chung luôn suôn sẻ, trôi chảy.

Vấn đề đặt ra ở đây là không chỉ sắp xếp các công việc gia đình một cách khoa học, mà người phụ nữ còn phải thể hiện trong mỗi hành động, mỗi việc làm bằng tất cả trái tim, tình yêu và trách nhiệm. Tổ chức cuộc sống gia đình một cách hợp lý còn có nghĩa là phụ nữ biết cách thu hút các thành viên khác trong gia đình, nhất là người chồng chia sẻ công việc và khó khăn trong gia đình, từ đó tạo điều kiện để bản thân và cho các thành viên khác trong gia đình có thời gian học tập, lao động, được tham gia vào các hoạt động của cộng đồng, xã hội.

b. Người phụ nữ xử lý hài hòa trách nhiệm hai vai việc nước, việc nhà

Người phụ nữ hiện đại cần biết cách cân bằng trách nhiệm gia đình với việc tham gia các hoạt động kinh tế ngoài xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới trong quan niệm về sự “đảm đang” của người phụ nữ, không nên bó hẹp trong “khuôn khổ” của gia đình. Người phụ nữ hôm nay có tri thức nhiều hơn, được độc lập về kinh tế nhiều hơn, và đồng thời cũng biết cách tạo ảnh hưởng của bản thân đối với các thành viên trong gia đình rõ nét hơn. Và hơn hết, người phụ nữ hiện đại cần biết tổ chức cuộc sống gia đình và biết gắn kết sợi dây tình cảm của các thành viên gia đình; là người biết lấy các giá trị bền vững của gia đình làm nền tảng để tiếp nhận những giá trị mới làm cho gia đình phát triển hơn và hạnh phúc hơn. Cũng chính nhờ phát huy tính năng động, sáng tạo mà người phụ nữ có thể làm tốt hơn những thiên chức của mình như nuôi dưỡng, giáo dục con cái, bảo tồn và trao truyền văn hóa cho thế hệ sau.

Hỏi : Không như nam giới, những người phụ nữ ngoài công việc còn phải lo cho gia đình, người thân... Các chị làm thế nào để đảm bảo "mười phân vẹn mười" cho cả hai ?

Họa sĩ Ý Lan : Gia đình hạnh phúc tôi mới an tâm và làm tốt công việc kinh doanh cũng như các công tác xã hội. Còn cách nào để đảm bảo hạnh phúc gia đình, với tôi là giữ gìn sức khỏe và nấu ăn giỏi.

Chị Triệu Thị Hương Giang (Phó Tổng GĐ Trung tâm thương mại Zen Plaza) : Gia đình đã giúp tôi có được sự thăng bằng với công việc. Khi gia đình hạnh phúc, tôi cảm thấy mình có thêm nhiều sức mạnh, nghị lực để tham gia công việc tốt hơn.

Chị Nguyễn Thị Nghĩa (CT HĐQT hệ thống siêu thị Co-op Mart) : Gia đình đóng vai trò quyết định trong thành công của tôi. Vì vậy, sự chia sẻ cảm thông giúp đỡ của gia đình là vô cùng cần thiết và tôi phải tính toán, sắp xếp thứ tự ưu tiên giữa gia đình và công việc kinh doanh trong những hoàn cảnh cụ thể. (Dẫn theo Lê Thị Nhâm Tuyết).

Sự hài hòa hai vai việc nhà, việc nước của người phụ nữ sẽ tạo nên và giữ được thế cân bằng trong hạnh phúc gia đình. Thực hiện tốt hai vai “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; hài hoà bổn phận, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình (thiên chức làm mẹ, nghĩa vụ làm vợ) và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội (vai trò của người công dân ) chính là lời giải mà người phụ nữ thời CNH, HĐH cần phải tìm được cho bài toán hạnh phúc của chính bản thân và gia đình.

c. Người phụ nữ cần tự bồi dưỡng cho mình kiến thức văn hoá, kĩ năng sống bao gồm: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng ứng xử, kĩ năng nuôi dạy con cái và chăm sóc gia đình…;

Trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện chức năng “kép” của phụ nữ càng khó khăn hơn bởi gia đình Việt Nam đang bị tác động rất nhiều yếu tố thuận chiều, nghịch chiều. Trong khi, tính chất công việc đòi hỏi phụ nữ phải dành nhiều thời gian, tâm sức cho công việc sản xuất, kinh doanh, lao động chuyên môn… Do vậy, tình trạng ngày càng ít thời gian dành cho gia đình đã gây khó khăn cho phụ nữ trong việc thực hiện chức năng gia đình.

Do đặc điểm công việc của đa số người lao động trong khu vực lao động không chính thức là phải đi bán hàng rong, đi xa nên đã hạn chế thời gian san sẻ công việc gia đình với những người trong gia đình… Điều này chứng tỏ ngày càng có nhiều phụ nữ lao động ở khu vực phi chính thức có ít thời gian để làm công việc gia đình, và thiên chức làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ cũng bị mai một đi. Một chị phụ nữ làm nghề bán cá rong nói: “Cháu sợ vào bếp lắm. Bán cá nhưng cháu không biết nấu cá. Nhà cháu chỉ ăn rau luộc với đậu kho. Nếu hôm nào ăn cá kho thì bố cháu làm…” (Dẫn theo Lê Thị Nhâm Tuyết)

Để hoàn thành chức năng “kép” này, bên cạnh yếu tố sức khỏe, phụ nữ phải có năng lực hoạt động chuyên môn, vừa phải tích lũy kiến thức về gia đình, có kỹ năng ứng xử, sắp xếp, điều hành cuộc sống gia đình, biết động viên, khích lệ chồng, con và các thành viên khác cùng tham gia chia sẻ công việc gia đình, nhất là người chồng. Công việc gia đình thường tủn mủn, không được tính công như các công việc khác, do định kiến giới nên nam giới rất ít tham gia. Vì vậy, người phụ nữ phải luôn biết cách động viên chồng con sẵn sàng chia sẻ, coi đây là trách nhiệm chung của tất cả mọi thành viên. Tuy nhiên, việc động viên nam giới tự nguyện tham gia hỗ trợ công việc gia đình là một nghệ thuật, đòi hỏi người phụ nữ phải khéo léo; đồng thời cũng cần phải nhận thức một cách đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình trên tinh thần bình đẳng, không được hiểu bình đẳng giới theo tinh thần: “Sáng em rửa bát quét nhà, chiều anh quét nhà, rửa bát”. Mặt khác, hiệu quả của việc thu hút mọi thành viên chia sẻ công việc trong gia đình phụ thuộc nhiều vào năng lực tổ chức và nghệ thuật ứng xử của người phụ nữ, đòi hỏi khi người phụ nữ cần được trang bị các kiến thức, kỹ năng làm vợ, làm mẹ, làm chủ nhân thực sự của gia đình.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, ngay cả khi đã về hưu vẫn là người rất được xã hội chú ý bởi những ý kiến sắc sảo, thực tế của bà trong lĩnh vực kinh tế thời cơ chế thị trường. Ở bà toát lên dáng vẻ của phụ nữ phương Đông, nhưng cách tư duy và lối làm việc lại như một phụ nữ phương Tây. Trao đổi xung quanh những hình dung mới về một doanh giới Việt Nam, bà trở đi trở lại những ngẫm suy về cái Tâm của người làm kinh tế. Bởi chăng, một người giàu và một doanh nhân thành đạt đôi khi khác nhau ở ba chữ: Tài, Tâm và Tầm.

"Hằng ngày tôi cũng vẫn thích những công việc bếp núc, thích tự tay nấu ăn, chăm sóc các cháu. Chúng tôi sống cùng với gia đình con trai. Ngoài giờ sinh hoạt chung của cả gia đình, tôi vẫn đọc, dịch và viết sách, quen cái nếp từ nhiều năm tới giờ. Chồng tôi cũng như một đồng nghiệp, ông giúp tôi phản biện, đưa ra ý tưởng mới và cùng nhau tranh luận. Tôi vẫn nhận được không ít những lời mời làm việc từ nhiều doanh nhân ở các địa phương. Và tôi cũng vẫn muốn là người bạn đồng hành, chia sẻ khó khăn trong việc tìm tòi và khám phá con đường mới, xu thế mới với các doanh nghiệp" (Theo Lê Thị Nhâm Tuyết).

VI. Trung hậu

1. Trung hậu là gì?

Trung hậu là trung thực và nhân hậu với mọi người, có những tình cảm tốt đẹp và chân thành, trước sau như một trong quan hệ đối xử với mọi người 1.

Như vậy, phẩm chất trung hậu được hiểu là trung thực, thẳng thắn, nhân ái, giàu lòng thương người, chỉ muốn đem lại những điều tốt lành cho người khác. Trong khái niệm trung hậu còn có thể hiểu bao gồm cả nghĩa tình, thủy chung, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Trái với trung hậu là sự dối trá, lừa lọc, là tâm địa phản trắc xấu xa.

Biểu hiện của phẩm chất trung hậu theo nghĩa rộng chính là lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Biết tôn trọng những thành quả cách mạng mà các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu mới giành lại được, hiểu rõ đạo lí “ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Do đó, người trung hậu không bao giờ phản bội Tổ quốc, không nhẹ dạ nghe theo lời xúi dục của kẻ xấu, không tiếp tay cho kẻ xấu phá hoại thành quả cách mạng. Cũng không bao giờ thay lòng đổi dạ, không là người thất hứa, bội tín, không vô tình vô nghĩa.

Trong quan hệ cộng đồng, biểu hiện của phẩm chất trung hậu chính là sự thủy chung son sắt trong các mối quan hệ gia đình, xã hội như tình bạn, tình yêu, tình đồng nghiệp. Người phụ nữ trung hậu luôn là người thật thà, ngay thẳng, sống nhân ái với mọi người, giàu lòng thương người, mong muốn đem lại những điều tốt lành cho người khác. Yêu thương, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ người khác trên cơ sở đồng cảm; không thờ ơ, bàng quan, vô cảm trước bất hạnh của người khác; không làm việc thiện vì những động cơ xấu; không vì quyền lợi cá nhân mà làm hại người khác. Đó còn là lòng vị tha, sẵn sàng hy sinh bản thân cho gia đình, cho đất nước, cho những người thân của mình mà không tính toán; là sự chân thành trong cách đối xử với mọi người, luôn nhìn nhận khách quan về các sự việc trong cuộc sống; công tâm, khách quan trong đánh giá, đối xử với mọi người; trung thực, ngay thẳng, không tham lam, vụ lợi; luôn tôn trọng và bảo vệ chân lí, bảo vệ lẽ phải. Thẳng thắn, cương trực, có chính kiến để bảo vệ lẽ phải, đấu tranh chống cái xấu, cái ác.

Do vậy, trung hậu luôn là một phẩm chất đạo đức thể hiện cách sống đẹp của người Việt Nam nói chung và người phụ nữ nói riêng. Trong suốt tiến trình lịch sử đấu tranh của dân tộc, lòng trung hậu đã trở thành nền tảng cho những phẩm chất tinh thần phong phú, đặc sắc, những khả năng và vai trò thực tế to lớn của phụ nữ Việt Nam. Đồng thời làm nên vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, giàu nữ tính, tạo nên bản lĩnh riêng cho mỗi người phụ nữ, trí tuệ được nâng cao, tỏa ra từ tấm lòng nhân hậu, khoan dung.

2. Tại sao phụ nữ thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa lại cần có lòng trung hậu?

2.1. Trong bất cứ thời đại nào, lòng trung hậu cũng luôn là một phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào của phụ nữ Việt Nam

Đức tính nhân hậu là giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam được hình thành và khẳng định trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc. Truyền thống ấy được hun đúc, bồi đắp nên qua những thăng trầm của lịch sử. Trên cơ sở đó, người phụ nữ hiện đại đã kế thừa và phát huy giá trị truyền thống cho phù hợp với công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, xứng đáng với lời ngợi khen ‘‘Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng’’. Như vậy, những người phụ nữ Việt Nam hiện đại mang trong mình truyền thống được đúc kết qua lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước; tự giác phát huy truyền thống đó trong hoàn cảnh và điều kiện mới, trên cơ sở vừa mang phẩm chất chung cho con người, lại vừa mang đặc trưng giới.

Ngày nay, xã hội mới đòi hỏi một hệ thống giá trị mới, vừa phù hợp và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, vừa đáp ứng được những đòi hỏi của một xã hội đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong bối cảnh đó, những giá trị truyền thống không những không thể bị làm mai một mà phải mang một bản sắc mới rất Việt Nam. Tình yêu thương biểu hiện ở con người nói chung và người phụ nữ nói riêng ở chính giàu lòng nhân ái, độ lượng, vị tha, thuỷ chung, biết chia sẻ vui buồn với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ và cảm thông với những người có hoàn cảnh đặt biệt, khó khăn, với tinh thần tương thân tương ái "lá lành đùm lá rách", ‘‘Chị ngã em nâng”; đồng cam, cộng khổ, chia sẻ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Chính từ những hoạt động có tính chất từ thiện, những hoạt động Uống nước nhớ nguồn, những hoạt động giúp đỡ, cứu trợ... đang làm ngời sáng một nét văn hóa có tính truyền thống, tỏa sáng mọi thời đại. Trong cuộc sống có biết bao tấm lòng cao cả với lương tâm, trách nhiệm cao, luôn hướng đến phương châm sống “Mình vì mọi người’’. Sự cưu mang, đùm bọc lẫn nhau xuất phát từ lòng nhân ái, từ sự đồng cảm, "thương người như thể thương thân", tuyệt nhiên không phải sự gia ơn của kẻ mạnh trước những người gặp hoàn cảnh trắc trở, kém may mắn trên đường đời. Hơn ai hết, lòng trắc ẩn "vốn là bản tính gần như bẩm sinh" của phụ nữ Việt Nam đã giúp tạo nên những phẩm chất cao đẹp của lòng nhân hậu, vị tha, nhân ái.

Nhân hậu là phẩm chất cao đẹp, tôn lên vẻ đẹp quý báu của phụ nữ Việt Nam. Lòng nhân hậu của phụ nữ Việt Nam đã góp phần vào chiến thắng của dân tộc trước đây. Đến nay, những phẩm chất ấy vẫn tỏa sáng, giúp người phụ nữ vẹn tròn công tác xã hội, công việc gia đình, làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ, đồng thời hoàn thành nghĩa vụ người công dân trong xã hội, xứng đáng với danh hiệu Giỏi việc nước, đảm việc nhà. Những phẩm chất ấy có ý nghĩa thiết thực với mọi thời đại, đặc biệt là trong thời kỳ CNH, HĐH hiện nay. Chính điều đó ngày càng khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

b. Lòng trung hậu của phụ nữ Việt Nam là cơ sở để tạo nền tảng gia đình luôn vững chắc, bền chặt

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xã hội biến đổi theo nền kinh tế thị trường. Xu hướng thực dụng, chạy theo đồng tiền cũng trở thành một xu thế tiêu cực tác động đến sự phát triển của xã hội và trực tiếp chi phối nền tảng gia đình Việt Nam. Trong xu thế đó, phẩm chất trung hậu là cái neo để người phụ nữ - những người giữ lửa trong gia đình giữ được sự gắn bó, kết nối giữa các thành viên trong gia đình, giữ được ngọn lửa chung thủy, hạnh phúc trong gia đình. Ra ngoài xã hội, phẩm chất này lại là chìa khóa để làm cho xã hội tốt đẹp hơn, người với người đối xử có tình với nhau hơn.

‘‘Phúc đức tại mẫu’’ là câu tục ngữ khẳng định vai trò to lớn của người phụ nữ trong gia đình. Người phụ nữ và gia đình có mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời. Trong gia đình Việt Nam có lẽ chưa bao giờ thiếu vắng người phụ nữ. Thiếu họ ở vai trò người mẹ, người vợ, người chị..., ở chức năng ‘‘nội tướng’’, gia đình trở nên chông chênh, trống vắng, buồn chán, hẫng hụt... Điều đó cho thấy họ chính là người giữ phần hồn của gia đình. Những phẩm chất ấy làm giàu có đời sống tinh thần, giúp người phụ nữ hoàn thiện vẻ đẹp tâm hồn, sự đằm thắm, dịu dàng; tình yêu thương con người đậm tính nhân văn; sự thủy chung đầy trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình, đồng nghiệp, xóm giềng...

Là ‘‘nội tướng’’ với đức hy sinh, khiêm nhường, lòng chung thủy, tinh thần trách nhiệm, người phụ nữ khẳng định ưu thế nổi trội trong vai trò quản lý, hoàn thiện đời sống gia đình, tổ chức văn hóa, nền tảng của xã hội. Phẩm chất đó là căn cốt để người phụ nữ đảm nhận tốt công tác xã hội; đảm nhận vai trò thực tế của người chủ gia đình, trụ cột gia đình. Từ vai trò tổ chức gia đình, người phụ nữ góp phần lớn làm lành mạnh hóa "tế bào xã hội’’, làm vững chắc nền tảng gia đình, giúp cuộc sống ổn định, gắn bó hài hòa các thiên chức để chăm sóc gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, nâng cao chất lượng cuộc sống, phấn đấu xây dựng‘‘gia đình no ấm, thuận hòa, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc’’.

3. Phụ nữ thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần làm gì để thể hiện lòng trung hậu?

a. Luôn ý thức sâu sắc về tinh thần “tương thân tương ái”, đề cao nghĩa tình, coi trọng đạo lí, sống có nghĩa có tình, có trước có sau, thuỷ chung, son sắt. Với gia đình, người phụ nữ cần giữ được những tình cảm tốt đẹp như: hiếu thuận với cha mẹ, thủy chung với chồng, gương mẫu yêu thương con cái... Luôn thể hiện tốt vai trò là người giữ lửa cho tổ ấm gia đình.Với cộng đồng, tập thể, người phụ nữ cần có sự chia sẻ, nhường nhịn, cảm thông. Tích cực hưởng ứng các phong trào nhân đạo từ thiện, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; hưởng ứng cuộc vận động xây dựng sửa chữa Mái ấm tình thương; tham gia những hoạt động có tính chất từ thiện, những hoạt động Uống nước nhớ nguồn, những hoạt động giúp đỡ, cứu trợ... Trong cuộc sống có biết bao tấm lòng cao cả với lương tâm, trách nhiệm cao, luôn hướng đến phương châm sống “Mỗi người vì mọi người’’. Sự cưu mang, đùm bọc lẫn nhau xuất phát từ lòng nhân ái, từ sự đồng cảm, "thương người như thể thương thân", tuyệt nhiên không phải sự gia ơn của kẻ mạnh trước những người gặp hoàn cảnh trắc trở, kém may mắn trên đường đời. Hơn ai hết, lòng trắc ẩn "vốn là bản tính gần như bẩm sinh" của phụ nữ Việt Nam đã giúp tạo nên những phẩm chất cao đẹp của lòng nhân hậu, vị tha, nhân ái(Nghèo nhân nghèo ngãi thì lo – Nghèo tiền nghèo bạc chẳng cho là nghèo).

Chị Trần Mai Anh vừa ra viện sau đợt mổ nội soi chữa phình động mạch chủ trên não hồi tháng 7 vừa qua. Chị cười: “Lúc đó, tôi sợ mình sẽ chết. Người tôi lo lắng nhất là cháu Thiện Nhân. Cháu bé nhất, việc chữa bệnh còn chưa đâu đến đâu. Thậm chí tôi còn viết di chúc để lại dặn dò các con”. Tình thương người mẹ đã dành trọn vẹn cho các con yêu của mình.

Chị Mai Anh trở thành người mẹ của bé Thiện Nhân từ cách đây 3 năm. Khi tình cờ đọc thấy thông tin về một em bé ở Quảng Nam bị mẹ ruột bỏ rơi ngoài vườn hoang, bị động vật cắn đứt mất 1 chân và bộ phận sinh dục, trái tim người mẹ khiến chị không thể làm ngơ trước phận đời cháu bé bất hạnh. Chị gửi thư kêu gọi sự giúp đỡ đến nhiều nơi nhưng không nhận được hồi âm. Không thể chờ đợi thêm, chị bàn với chồng – anh Phùng Quang Nghinh nhận đứa trẻ về nuôi. Thâm tâm người mẹ trẻ chỉ nghĩ một điều: “Nhận cháu về, mình có điều kiện để chăm sóc, chữa bệnh cho bé”.

Nhận bé Thiện Nhân về nuôi, chị tiếp tục hành trình đưa cháu đi chữa bệnh ở khắp 14 bệnh viện lớn trong và ngoài nước như Thái Lan, Singapo, Mỹ… Chuyến dài nhất kéo dài 3 tuần, chuyến ngắn nhất cũng mất 3 ngày. Mỗi lần đi, chị phải sắp xếp thời gian, công việc, tận dụng hết các khoản chi phí để chữa trị hiệu quả nhất. Giờ sức khỏe của Nhân đã ổn định, không còn phải đóng bỉm, chữa được viêm nhiễm đường nước tiểu và có thêm chân giả, bộ phận sinh dục của em cũng đã được phẫu thuật, trở lại bình thường như bao bé trai khác.

Hiện chị Mai Anh đang làm BTV cho tạp chí Heritage của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam. Ngoài công việc, chị còn đảm đương cả một gia đình lít nhít trẻ con. Chị cười: “Hạnh phúc của người mẹ là được ở bên cạnh những đứa con yêu dấu”.

Chị Mai Anh biết tin mình nằm trong danh sách là Công dân Thủ đô ưu tú được tôn vinh, được mời đi tham dự Đại hội Thi đua yêu nước TP Hà Nội (giai đoạn 2010 – 2015), chị bảo: “Tôi thấy việc mình làm còn rất nhỏ bé. Có nhiều người lớn tuổi, các vị GS. TS suốt đời đóng góp công sức, ý tưởng xây dựng Thủ đô hơn”.

Chị cho rằng, để bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành, thì quan trọng nhất là lòng nhân ái và tính cộng đồng. Những người làm việc tốt phải được hỗ trợ, ghi nhận và giúp đỡ để họ không đơn độc. Chị cảm ơn tất cả mọi người đã dành tình cảm và ủng hộ chị, khiến chị tự tin hơn vì hành động đúng đắn của mình. Tháng 2/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi thư khen ngợi chị.

b. Luôn quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng; khắc phục tư tưởng ích kỉ, hẹp hòi, níu kéo, đố kị với người khác

Trước kia, cũng như ngày nay, người phụ nữ là người luôn biết sống vì gia đình, hoàn thành tốt chức năng làm mẹ, làm vợ, làm con trong gia đình và đồng thời phải là người làm tốt công việc xã hội. Khái niệm người phụ nữ thành đạt hôm nay thể hiện trên nhiều khía cạnh : thành đạt trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái trở thành những công dân có ích cho xã hội, biết giữ gìn tình yêu, hạnh phúc gia đình ; thành đạt trong việc học tập, rèn luyện và phấn đấu trưởng thành trong công tác xã hội. Nói cách khác, ngoài việc phải biết hy sinh cho gia đình, người phụ nữ còn phải tận tụy, trung thực và biết quan tâm đến nguồn lợi vật chất và tinh thần của đồng nghiệp, của cơ quan, đoàn thể và xa rộng hơn là với mọi phụ nữ trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ của giới. Đó cũng là đức tính giúp họ hòa nhập, gắn kết mọi người trong xã hội, một yếu tố thành công của mỗi người phụ nữ.

Lòng nhân hậu, khoan hòa giúp người phụ nữ không ác cảm, xa lánh với những Lòng nhân hậu, khoan hòa giúp người phụ nữ không ác cảm, xa lánh với những người mắc lỗi lầm, mà luôn tạo cơ hội cho họ tái hoà nhập động đồng, trở về với cuộc sống đời thường với trái tim đồng cảm. Đó là sự chia sẻ, bao dung, nhân ái với những cảnh ngộ thiếu may mắn. Các cấp Hội phụ nữ đã có những mô hình Câu lạc bộ, Nhà mở, nhà tạm... cho nhiều đối tượng phụ nữ sinh hoạt, như: Phụ nữ có HIV, phụ nữ nghiện ma túy, phụ nữ vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng. Định kiến xã hội đã được phá bỏ, khi chúng ta tổ chức một “Cuộc thi Hoa hậu có H” cho những phụ nữ bị nhiễm HIV diễn ra ở Hà Nội vừa qua (2010). Cuộc thi giúp những phụ nữ có H xóa đi mặc cảm và cũng là để cộng đồng giang cánh tay nhân ái đón những người kém may mắn trở về.

Một vấn đề cần được nhận thức một cách đúng đắn là: phụ nữ tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng không chỉ đem lại lợi ích cho cộng đồng, mà bản thân người phụ nữ cũng sẽ được hưởng lợi từ sự tham gia đó. Trong quá trình này, phụ nữ được tiếp cận với thông tin và kiến thức, nâng cao sự hiểu biết về pháp luật, chính sách, về những vấn đề còn đang tồn tại trong đời sống của cộng đồng. Nhu cầu giao lưu, mở rộng mạng lưới và các mối quan hệ, thực hành dân chủ sẽ giúp phụ nữ hòa nhập tốt hơn vào đời sống xã hội. Điều quan trọng là phụ nữ không nên quan niệm hoạt động xã hội là công việc của nam giới; cần chủ động vượt qua những rào cản khó khăn như thiếu thời gian do bị cuốn hút vào công việc gia đình và lao động tạo thu nhập. Phụ nữ cần mạnh dạn trao đổi đóng góp ý kiến vào công việc chung của cộng đồng, chủ động tham gia xây dựng và tìm hiểu luật pháp, chính sách.

c. Luôn sống trung thực, thẳng thắn, không làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức

Một trong những đặc trưng bản chất của cơ chế thị trường là cạnh tranh, là lợi nhuận đang đặt ra nhiều yêu cầu đòi hỏi mỗi công dân phải có trách nhiệm xã hội cao, nghĩa là phải biết vun đắp những giá trị nhân văn, hướng sự sáng tạo, phát minh của mình phục vụ sự tiến bộ, văn minh, nhân bản cho xã hội. Trong điều kiện kinh tế thị trường, giữa yếu tố lợi nhuận và yếu tố trung thực không dễ dung hòa. Chủ nghĩa thực dụng, lối sống ích kỷ đã và đang chi phối không ít phụ nữ và gia đình trong xã hội hiện nay. Thực tế đã cho thấy, có nhà doanh nghiệp, người sản xuất vì lợi nhuận đã bất chấp giá trị nhân văn, đạo đức nghề nghiệp tham gia vào các hoạt động tiêu cực làm tổn hại đến cộng đồng, đến xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước. Do đó, với lòng trung thực, đồng thời cũng là vì hạnh phúc và sự bình yên cho mỗi cộng đồng, mỗi gia đình, người phụ nữ phải biết nói không với các hành vi trái đạo đức (không sử dụng hóa chất bừa bãi trong sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm; không gian dối trong kinh doanh; không vì lợi nhuận mà làm trái lương tâm…).

Một thực trạng nữa cũng đang đặt ra là tình làng, nghĩa xóm, tình cảm gia đình cũng đang bị khúc xạ bởi lợi nhuận, đồng tiền trong nền kinh tế thị trường. Đã không ít tình trạng bạo lực, đổ máu, nhẹ hơn là không nhìn mặt nhau giữa những người thân, hàng xóm… cũng diễn ra. Không ít giá trị truyền thống dân tộc đang biến dạng trước sự tấn công của cơ chế thị trường. Mối quan hệ giữa thầy - trò, cha mẹ - con cái, anh - em… đang xuống cấp ở nơi này, nơi khác. Lòng tốt của con người nhiều lúc trở nên lạc lõng trước nhiều vấn nạn hiện nay. Do vậy, người phụ nữ ngày nay, ngoài việc phải biết hy sinh cho gia đình, còn phải biết khéo léo trong ứng xử, có nghệ thuật tạo sự hòa nhập, gắn kết mọi người trong xã hội, trong gia đình; hóa giải mọi mâu thuẫn, hàn gắn những vết rạn nứt trong các mối quan hệ gia đình, hàng xóm láng giềng (tham gia tốt vai trò vận động, hòa giải tại địa phương; tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động lớn do Hội LHPN Việt Nam và các địa phương phát động : Cuộc vận động Phụ nữ cả nước tích cực thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng ; Cuộc vận động gia đình 5 không 3 sạch, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc...).

Tóm lại: Phụ nữ Việt Nam vốn có truyền thống phẩm chất tốt đẹp. Ở bất cứ thời kì nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, những phẩm chất đạo đức ấy luôn tỏa sáng, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, để phát huy hơn nữa những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là 4 phẩm chất tự trọng, tự tin, đảm đang, trung hậu nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kì CNH, HĐH đất nước, mỗi người phụ nữ càng phải luôn luôn cố gắng phấn đấu, học tập để nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kĩ năng sống, tu dưỡng rèn luyện không ngừng, xứng đáng là người “giữ ngọn lửa ấm” trong mỗi gia đình, đồng thời góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Chính sự kết hợp hài hoà những phẩm chất tinh hoa truyền thống và những tính cách hiện đại, văn minh sẽ tạo nên giá trị và vẻ đẹp đích thực của người PNVN.

Theo http://hoilhpn.org.vn/



1 Theo nghĩa từ điển, tự trọng là coi trọng và giữ gìn phẩm cách (Theo Đại từ điển tiếng Việt - tr. 1765); tự trọng là "coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình" (Theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng, tr.877); là “tự gìn giữ tư cách và phẩm chất của mình, không hạ mình xuống làm những việc xằng bậy" (Theo Từ điển Tiếng Việt, tr. 472); là "biết trọng lấy mình, coi trọng và giữ gìn phẩm cách của mình” (theo Kim từ điển).

1 Tự tin là Tin vào bản thân mình (Theo Đại từ điển tiếng Việt , tr. 765; Từ điển Tiếng Việt thông dụng , tr. 877); Là mình tin ở mình; tin vào bản thân mình (Theo Kim từ điển).

1 Theo nghĩa từ điển: Đảm đang (tương tự đảm đương) là (chỉ người phụ nữ) đảm đang việc nhà; là giỏi giang công việc, thường là việc nhà (Theo Đại từ điển Tiếng Việt, tr. 582); Chỉ người phụ nữ giỏi giang trong công việc, thường là vệc gia đình (Theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng tr.206); Nói người đàn bà gánh vác giỏi công việc trong gia đình (Theo Từ điển tiếng Việt)

1 Theo từ điển: Trung hậu là trung thực và nhân hậu với mọi người (Theo Đại từ điển tiếng Việt, tr.1729); là có những tình cảm tốt đẹp và chân thành, trước sau như một trong quan hệ đối xử với mọi người (Theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng, tr.853)

Các tin khác