Đề án phát triển Chính quyền điện tử và dịch vụ Đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 đến

15:5, Thứ Sáu, 25-2-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

1. Quan điểm phát triển

Việc phát triển Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi số, dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số, gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo quan điểm sau:

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 26/2017/NQ-HĐND ngày 18/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thông qua quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Quảng Bình đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035;

- Chuyển đổi toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số; coi chuyển đổi số là bắt buộc, mang tính mặc định; chuyển đổi số phải toàn trình, từ đầu đến cuối trong triển khai hoạt động của cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước có năng lực sử dụng công nghệ số và dữ liệu số để ra quyết định.

- Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Cắt giảm thủ tục hành chính, thay đổi nhận thức từ nền hành chính công “một cửa cđịnh” đến “một cửa bất kỳ, mọi lúc, mọi nơi.

- Dữ liệu số là tài nguyên quan trọng, được chia sẻ một cách tối đa trong các cơ quan nhà nước phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp một lần đối với một loại dữ liệu khi thực hiện các thủ tục hành chính.

- Phát triển Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh như là nền tảng, là cơ sở của chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số.

- Tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh. Các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung; phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt các cấp hành chính để có thể sử dụng mọi nơi.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu

- Ứng dụng rộng rãi Công nghệ thông tin, Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Hoàn thiện việc xây dựng Chính quyền điện tử, xây dựng và đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số từ tỉnh đến cơ sở, kết nối liên thông với Trung ương.

- Hoàn thành việc triển khai các dịch vụ cơ bản của đô thị thông minh: dịch vụ phản ánh hiện trường; dịch vụ giám sát điều hành an toàn giao thông; dịch vụ an ninh trật tự của đô thị và nông thôn; dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; dịch vụ giám sát an toàn thông tin. Từng bước đẩy mạnh việc triển khai các dịch vụ nâng cao của đô thị thông minh, như: Giáo dục, y tế, du lịch, tài nguyên môi trường,...

2.2. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025

- Trên 80% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm dùng chung của tỉnh, của các ngành, các lĩnh vực được xây dựng, đầu tư, nâng cấp hiện đại, đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu từ tỉnh đến cơ sở, kết nối, liên thông với các hệ thống của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương.

- Trên 70% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; 60% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng.

- Trên 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ các hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

- Trên 70% hệ thống tài liệu, dữ liệu được số hóa, được quản lý và lưu trữ điện tử trên môi trường mạng.

- Trên 80% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống báo cáo cáo của tỉnh.

- Trên 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- Trên 70% cuộc họp của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và 50% cuộc họp cấp xã sử dụng hệ thống phòng họp không giấy.

- Trên 50% cuộc họp từ tỉnh đến huyện được họp trực tuyến; 40% các cuộc họp từ huyện đến xã được họp trực tuyến.

- Internet băng rộng cáp quang, dịch vụ di động 4G được phổ cập rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh; dịch vụ di động 5G được triển khai ở một số khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh.

- 80 - 100% dịch vụ cơ bản của đô thị thông minh: phản ánh hiện trường; giám sát điều hành giao thông; an ninh trật tự đô thị; dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; dịch vụ giám sát an toàn thông tin được triển khai.

- Trên 30% các sở, ban, ngành, 25% đơn vị cấp huyện và 20% đơn vị cấp xã thực hiện thành công chuyển đổi số.

- Trên 90% cán bộ, công chức, viên chức làm chuyên môn, nghiệp vụ được trang bị máy vi tính; hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng Chính quyền điện tử.

3. Định hướng phát triển đến năm 2030

- Tiếp tục phát triển Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; cơ bản hoàn thành việc triển khai xây dựng đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình.

- Phổ cập dịch vụ di động 5G; phổ cập cho người dân sử dụng điện thoại thông minh, máy vi tính để thực hiện thủ tục hành chính.

4. Nhiệm vụ và giải pháp

- Tập trung phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và toàn xã hội các văn bản chỉ đạo của Đảng, của Nhà nước, của tỉnh, đặc biệt: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị (khóa XI); Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị; Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hành động số 31-CTr/TU ngày 17 tháng 3 năm 2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 22 tháng 4 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy..., vai trò, hiệu quả của công nghệ thông tin, Chính quyền điện tử, đô thị thông minh, Chính quyền số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Tập trung, đẩy mạnh việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông, internet ngày càng hiện đại, đồng bộ từ thành thị đến tận vùng sâu, vùng xa đảm bảo cho hạ tầng phát triển Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số.

- Tập trung rà soát các hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Rà soát xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm đồng bộ, kết nối với các hệ thống của tỉnh.

- Rà soát, đánh giá thực trạng từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp hạ tầng nền tảng Chính quyền điện tử, đặc biệt tập trung vào Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh, mạng diện rộng của tỉnh, hệ thống giám sát điều hành đô thị thông minh, hệ thống giám sát an toàn, an ninh thông tin, họp trực tuyến, họp không giấy, hạ tầng công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, địa phương.

- Nghiên cứu, đẩy mạnh việc triển khai các dịch vụ đô thị thông minh cơ bản, như: Dịch vụ phản ánh hiện trường; dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; dịch vụ giám sát an toàn thông tin... Từng bước, triển khai các dịch vụ đô thị thông minh nâng cao, như: Giáo dục thông minh, y tế thông minh, du lịch thông minh...

- Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, từng bước lập đề án, dự án triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính; cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, đảm bảo ứng dụng Chính quyền điện tử phải thường xuyên, liên tục; chú trọng việc trao đổi văn bản trên môi trường mạng, họp trực tuyến, họp không giấy, làm việc từ xa,...

- Thường xuyên cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Bình để phù hợp với Khung kiến trúc Chính quyền điện tử Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử của Quốc gia, của tỉnh Quảng Bình,

- Từng bước hoàn thiện, xây dựng các quy định chính sách áp dụng tại địa phương để cụ thể hóa các quy định, chính sách của Quốc gia về phát triển chính phủ số, chuyển đổi số.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về công nghệ thông tin, Chính quyền điện tử cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử. Người đứng đầu có vai trò quyết định, không chỉ dẫn dắt quá trình thay đổi mà còn phải là người sử dụng đầu tiên, thường xuyên, hàng ngày các ứng dụng Chính quyền điện tử.

- Rà soát, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh, Tổ triển khai Xây dựng Chính quyền điện tử của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện.

- Ưu tiên bố trí nguồn vốn, kinh phí, tổng hợp tất cả các nguồn lực từ tỉnh đến cơ sở nhằm tránh việc đầu tư dàn trải, trùng lặp; lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin. Tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ về giải pháp, phần mềm của các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty.

- Lựa chọn, triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh tại địa bàn thành phố Đồng Hới, từ đó đánh giá triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

- Nghiên cứu, phát huy những lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.

5. Kinh phí, danh mục dự án, lộ trình thực hiện

5.1 Nguồn kinh phí: Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

5.2 Danh mục dự án: Có Phụ lục danh mục các dự án kèm theo.

5.3 Lộ trình thực hiện

- Từ năm 2021 - 2025: Hoàn thiện việc xây dựng Chính quyền điện tử Quảng Bình, đặc biệt là hạ tầng nền tảng quan trọng; hệ thống thông tin, CSDL, phần mềm dùng chung của tỉnh, của chuyên ngành đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, chia sẻ thông tin từ tỉnh đến cơ sở, kết nối, liên thông với Trung ương. Triển khai các dịch vụ đô thị thông minh cơ bản. Từng bước đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Từ năm 2026 - 2030: Hoàn thiện việc xây dựng triển khai các dịch vụ đô thị thông minh nâng cao trên các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, du lịch, giám sát và cảnh báo môi trường... Đẩy mạnh việc ứng dụng Chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh trên tất các lĩnh vực kinh tế - xã hội; xây dựng thành công Chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Các tin khác