Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

9:44, Chủ Nhật, 1-9-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

(QBĐT) - Sáng 31/8, tại TP. Đà Nẵng, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức hội nghị trực tuyến chuyên đề "Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến", do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì. Tham dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. 

Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của cơ quan nhà nước trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số khi lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng phục vụ. Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn triển khai DVCTT.

Giai đoạn từ năm 2011-2019 được xem là “khởi động” cho triển khai DVCTT hướng tới mức cao nhất. Năm 2011, cả nước chỉ có 4/83 cơ quan triển khai cung cấp 11 DVCTT mức cao nhất (mức 4), chiếm 0,01% tổng số dịch vụ công và sau đó mức độ tăng trưởng rất chậm, đến hết năm 2019 mới chỉ đạt gần 11%. 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chủ trì hội nghị tai điểm cầu Quảng Bình.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Từ năm 2020 đến nay là giai đoạn phát triển theo chiều rộng. Giai đoạn này, số lượng thủ tục hành chính được đưa lên trực tuyến tăng đột biến. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 43%, tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2023; trong đó, khối bộ, ngành đạt 63%, khối địa phương đạt 17,9%.

DVCTT toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi mà người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng mà không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước, thể hiện thông qua tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Việc triển khai DVCTT đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình. Trung bình khối địa phương mới chỉ đạt 17,9%.

Để triển khai DVCTT trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập DVCTT theo hướng trực tuyến toàn trình, mục tiêu trong năm 2024, đối với các bộ, ngành, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương, đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, đối với các bộ, ngành, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương, đạt tối thiểu 70%.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện DVCTT; đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trong triển khai DVCTT, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, bất cập trong quá trình triển khai tại các đơn vị, địa phương, đồng thời yêu cầu cần rút ra bài học kinh nghiệm để thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai DVCTT trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất hơn. 

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Đồng chí Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Trong chuyển đổi số, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Vai trò của người đứng đầu mang tính quyết định. 

Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương cần khắc phục những hạn chế, bất cập, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trên tinh thần: Chính sách phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh; cần thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, nói thì phải làm, đã đi thì phải đến.

Mục tiêu cuối cùng của việc cung cấp DVCTT là người dân phải được hưởng lợi thông qua hồ sơ dịch vụ công phải được trực tuyến và toàn trình.

Theo: baoquangbinh.vn

Các tin khác