Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022

18:11, Thứ Năm, 23-12-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Chiều ngày 22/12/2021, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022 và đề ra kế hoạch phát triển trung hạn giai đoạn 2022 - 2024, định hướng đến năm 2025.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 77 điểm cầu. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương.

Về phía Bộ TT&TT có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các Thứ trưởng: Phan Tâm, Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long, các đồng chí lãnh đạo Bộ TT&TT qua các thời kỳ, đại diện các UBND một số tỉnh thành, đại diện các Sở TT&TT; các doanh nghiệp  BCVT-CNTT, các hội, hiệp hội và các cơ quan báo chí.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Bộ TT&TT không chỉ có sứ mệnh tiên phong, mở đường mà phải đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy các tỉnh, các Bộ, ngành trong tiến trình chuyển đổi số

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá rất cao vai trò của ngành TT&TT trong năm 2021, một năm khó khăn của đất nước khi phải trải qua đại dịch COVID-19. “Chúng ta đã cùng nhau vượt qua năm 2021, vượt qua những khó khăn, có những tổn thất lớn, trong đó không thể thiếu được sự đóng góp rất quan trọng của ngành TT&TT”.

Phó Thủ tướng nhắc lại, vào những năm 1990 khi chuyển từ công nghệ analogue sang kỹ thuật số (digital), ngành Bưu điện đã được trao sứ mệnh “tiên phong mở đường”. Nay trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, ngành TT&TT không chỉ tiếp tục sứ mệnh tiên phong mở đường, mà còn thêm nhiệm vụ “đồng hành, thúc đẩy” các Bộ ngành khác, các địa phương trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. 

Năm 2021, trong chiến dịch phòng chống COVID-19 nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung, báo chí, truyền thông đã đồng hành cùng Chính phủ, cùng các cơ quan ban, ngành động viên toàn thể Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của các Bộ, ngành và góp lại là chính sách chung của Chính phủ, Đảng và Nhà nước; kể cả trong những lúc khó khăn nhất trong thời kỳ chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, niềm tin và sự đồng hành của người dân với các chủ trương của Đảng và Nhà nước. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng

COVID-19 đã đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi số đã xâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Để thúc đẩy chuyển đổi số, Bộ TT&TT không chỉ đồng hành, mà còn đóng vai trò hỗ trợ và thúc đẩy các địa phương, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp ICT Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Chúng ta đã cơ bản xây dựng được các Chiến lược, Đề án; các địa phương cơ bản đã thấy được những công việc cần phải làm. Chuyển đổi số hay ứng dụng CNTT không chỉ phụ thuộc công nghệ, mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà người làm công nghệ không thể làm chủ được. 

Bộ TT&TT và Thái Nguyên đã phối hợp hình thành các mô hình xã chuyển đổi số. Cần tiếp tục điều đó, hãy đặt ra những  bài toán cụ thể tại các địa phương, thậm chí ở quy mô rất nhỏ, rồi từ đó nhân rộng ra thì rất tốt.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dữ liệu, coi đó là “yếu tố sống còn” trong tiến trình chuyển đổi số 

Năm 2022, chúng ta cần phải làm mạnh hơn về dữ liệu, Phó Thủ tướng chỉ đạo. Chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp gồm thuế, hải quan, ngân hàng, đăng ký doanh nghiệp…,Trong năm 2022 chúng ta phải làm bằng được Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên, đặc biệt là về đất đai. Ba cơ sở dữ liệu lớn này kết hợp với thanh toán điện tử sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đưa cả ba trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) có những bước tiến vững chắc, góp phần phát triển kinh tế xã hội. 

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất cho đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT

Thành công lớn nhất năm 2021 của Bộ TT&TT chính là vượt qua nỗi sợ bị phê bình, bị chỉ trích

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, năm 2021 là một năm đất nước có nhiều khó khăn, cả nước phải căng mình chống chọi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 giúp chúng ta có một cách tiếp cận đúng với các vấn đề. Thay vì lo sợ và tìm cách giấu đi hay bao biện thì chúng ta đã chọn cách nhận trách nhiệm và tìm cách giải quyết. Tiếp cận đúng vấn đề là cơ may hiếm có để ngành TT&TT phát triển. Đi qua khó khăn và thách thức đã làm cho chúng ta tự tin hơn và quan trọng hơn tất cả là tinh thần sẵn sàng đương đầu với các vấn đề phát sinh, coi đây là động lực cho phát triển. Thành công lớn nhất năm 2021 của Bộ TT&TT chính là vượt qua nỗi sợ bị phê bình, bị chỉ trích, Bộ trưởng nhận định.

Cũng theo Bộ trưởng, đại dịch COVID-19 chính là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số. COVID-19 đã giúp con người bước ra khỏi giấy tờ và đối mặt với cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của hàng trăm triệu người dân về chuyển đổi số, về truyền thông. Trong chuyển đổi số, quan trọng nhất là kết nối dữ liệu, Bộ TT&TT với vai trò là người điều phối, sẽ kết nối, thúc đẩy đồng hành với các đơn vị trong lĩnh vực công nghệ số, báo chí truyền thông…

20211222-pg1-BK-TT1.jpg

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì cho đồng chí Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ TT&TT

Về triển khai công tác năm 2022, người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định, năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới. Năm 2022, cũng cần phải thiết kế lại vận hành của tổ chức, phẳng hóa bộ máy, tự động hoá các báo cáo, cần phải đầu tư nhiều hơn vào công cụ làm việc dựa trên dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI)… Vì khác biệt căn bản nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là máy móc thay lao động trí óc của con người.

Các đầu tư của Bộ, của ngành từ năm 2022 sẽ tập trung vào công nghệ số để giảm tải cho cán bộ công nhân viên. Việc thì nhiều hơn, yêu cầu thì cao hơn nhưng thời gian làm việc thì phải ít hơn.

Về các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hứa tiếp thu, cụ thể hoá trong kế hoạch hành động năm 2022 và sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2022 mà Đảng, Nhà nước đã giao cho Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Cờ thi đua của Bộ TT&TT năm 2021 cho năm cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT gồm: Văn phòng Bộ, Vụ Công nghệ thông tin, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Thông tin cơ sở, Tạp chí TT&TT. 

Đối với kiến nghị của các đại biểu, Văn phòng Bộ TT&TT sẽ tổng hợp, đưa vào kế hoạch năm 2022 để xử lý và cam kết xử lý nhanh nhất theo tinh thần là việc 5 năm thì làm 1 năm.

*Cũng tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT; trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ TT&TT.

Năm cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT được trao tặng Cờ thi đua của Bộ TT&TT năm 2021 gồm: Văn phòng Bộ, Vụ Công nghệ thông tin, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Thông tin cơ sở, Tạp chí TT&TT.

 

Một số kết quả nổi bật của ngành TT&TT trong năm 2021

Lĩnh vực Bưu chính:

Trong năm 2021, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử nhằm tập trung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp tại địa phương. Các doanh nghiệp bưu chính đã thành lập nhiều trung tâm khai thác lớn ứng dụng công nghệ hiện đại để kết nối các dịch vụ, triển khai và thúc đẩy thương mại điện tử, logistic, tạo đà cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Tính đến tháng 11/2021, đã có gần 4 triệu hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) được đưa lên sàn TMĐT, với 70.000 giao dịch. Doanh thu Lĩnh vực Bưu chính năm 2021 đạt 37.000 tỷ đồng. Trong đại dịch covid -19, toàn ngành Bưu chính đã biến nguy thành cơ,  tận dụng và phát huy được lợi thế và phát triển mạnh mẽ. 

Lĩnh vực Viễn thông:
Trong năm 2021, chỉ số phát triển viễn thông của Việt Nam (IDI) ước tính xếp hạng 74/176 nước, tăng ba hạng so với năm 2020. Cả ba nhà mạng Viettel, VNPT, Mobifone đều đã được cấp phép cung cấp dịch vụ Mobile Money. 

Trong năm 2021, số lượng thuê bao di động ước đạt 123,76 triệu thuê bao trong đó có 92,88 triệu thuê bao là Smartphone, chiếm khoảng 75%; Doanh thu dịch vụ Viễn thông năm 2021 ước đạt 130.768 tỷ đồng tăng 2% so với năm 2020; Tỷ lệ phủ cáp quang đến hộ gia đình năm 2021 đạt 65%, tăng 10% so với năm 2020.

Tổ chức công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) đến 100% cơ sở y tế tuyến huyện. Hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố chỉ trong 2,5 ngày. Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng kéo dài trong 3 tháng; tổ chức 6 đợt nhắn tin truyền thông vận động ủng hộ quỹ Phòng chống dịch Covid-19 (2,7 triệu tin nhắn ủng hộ Quỹ 120,9 tỷ đồng). Bộ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ngay trong lễ phát động, 1 triệu chiếc máy tính tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng đã được quyên góp, ủng hộ. Hoàn thành Hệ thống hội nghị truyền hình phục vụ công tác điều hành của Chính phủ, kết nối VPCP với 100% điểm xã, phường, thị trấn trên toàn quốc (10.596/10.596 điểm xã, phường, thị trấn).

Lĩnh vực Ứng dụng CNTT:

Ngày 8/8/2021, Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi Lễ ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia. Bộ đã triển khai phát triển ứng dụng PC-Covid phục vụ cho công tác phòng chống dịch trên phạm vi cả nước. Hiện đã có 32 triệu người sử dụng PC-COVID với hơn 132 triệu mũi tiêm vacxin đã được cập nhật; Lần đầu tiên tổ chức công bố Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020 (DTI). Theo đó, tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến mức 4 đạt 96% tăng vọt so với 2019 và 2020. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 1619/QĐ-TTg kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Bộ TT&TT đã luôn đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong việc tăng cường ứng dụng CNTT, đẩy nhanh quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Trong năm 2021, chuyển đổi số quốc gia có những bước phát triển đột phá trên cả ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước đạt trên 95%. Tỷ lệ sẵn sàng họp trực tuyến đến cấp xã tăng từ 40% lên 100%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện cung cấp mức độ 4 tăng từ 31% lên 96%. Ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP tăng từ 8,2% lên 9,6%.

Lĩnh vực An toàn thông tin mạng:

Năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ 7 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) xếp hạng. Bộ đã ra mắt hệ sinh thái Tín nhiệm mạng https://tinnhiemmang.vn và Bộ TT&TT lần đầu tiên công bố xếp hạng mức độ bảo đảm ATTT các bộ, ngành địa phương năm 2020. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan chủ động rà quét không gian mạng, bảo đảm an toàn thông tin cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII và Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các trong năm 2021. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược an toàn không gian mạng quốc gia năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Ban hành “Cẩm nang Bảo đảm ATTT trong đại dịch COVID-19”. Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 06/01/2021 phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn lực ATTT giai đoạn 2021-2025”.

Lĩnh vực Kinh tế số:

Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Vì vậy mà chính sách về dữ liệu có vai trò quyết định cho kinh tế số. Bộ đã xây dựng dự thảo Bộ chỉ tiêu thống kê đo lường kinh tế số và xã hội số; 22 chỉ tiêu cơ bản về kinh tế số đã được bổ sung vào Luật Thống kê. Chỉ đạo xây dựng Nền tảng địa chỉ số Việt Nam, là nền tảng hạ tầng quan trọng cho phát triển kinh tế số. Xây dựng, hoàn thiện Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp; Chỉ đạo hỗ trợ CĐS doanh nghiệp nhỏ và vừa, với gần 88 ngàn lượt doanh nghiệp truy vấn hỗ trợ từ Chương trình; gần 15 ngàn doanh nghiệp tiếp cận chương trình; hơn 2,5 ngàn doanh nghiệp đăng ký sử dụng nền tảng số, trong đó có gần 2 ngàn doanh nghiệp sử dụng nền tảng số để CĐS thành công.

Lĩnh vực Công nghiệp ICT:
Trong lĩnh vực Công nghiệp ICT, doanh thu năm 2021 ước đạt khoảng 136 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2020, trong đó doanh thu của các doanh nghiệp ICT Việt Nam không có vốn FDI đạt 18,78 tỷ USD (chiếm 13,8%). Tỷ lệ giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT chiếm khoảng 24,65% tương đương 33,57 tỷ USD.

Trong bảng xếp hạng  Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu GII 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2019 và năm 2020. Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu. 

Trong lĩnh vực công nghiệp ICT, doanh nghiệp nhà nước cần phải thực hiện vai trò dẫn dắt, là đầu tàu trong thực hiện các chiến lược quốc gia. Cần nỗ lực làm chủ công nghệ, tích hợp được sản phẩm tiến tới làm chủ công nghệ cốt lõi.

Lĩnh vực Báo chí, truyền thông:

Trong năm 2021, Bộ TT&TT đã tích cực chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí nhằm tạo điều kiện cho báo chí tiếp tục thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của mình; đồng thời chủ động quản lý thông tin, từng bước làm trong sạch không gian mạng với mục tiêu "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực", duy trì ngưỡng tỷ lệ thông tin an toàn, góp phần đảm bảo giữ vững trật tự, an toàn xã hội, và sự ổn định cho cuộc sống của người dân.. Hoàn thành việc sắp xếp, quy hoạch báo chí đối với các cơ quan báo chí tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương. Tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống; tuyên truyền về cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Bộ đã ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”. Xây dựng và vận hành Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam. Tăng cường thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới. Tập trung rà soát, bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động. Tăng cường xử lý thông tin vi phạm trên mạng và tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội. Ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực TTCS giai đoạn 2021 – 2025. Chủ trì phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam, Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 4.

Theo mic.gov.vn

Các tin khác