Thông cáo báo chí về việc Chung tay kêu gọi không săn bắn, mua bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã bất hợp pháp

14:4, Thứ Sáu, 21-4-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Đồng Hới, ngày 22 tháng 04 năm 2023,Trong khuôn khổ thực hiện Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc dự án Quản lý Rừng Bền vững và Bảo tồn Đa dạng Sinh học (VFBC), doUSAID tài trợ, BQL dự án VFBC tỉnh Quảng Bình phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Động thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) và các cơ quan, ban ngành liên quan trên địa bàn tỉnh tổ chức sự kiện mít tinh kết hợp với hoạt động đạp xe tuyên truyền tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình và các tuyến đường chính tại Thành phố Đồng Hới.

Thông qua thông điệp chính là “Chung tay bảo tồn động, thực vật hoang dã”, sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ động, thực vật hoang dã, chung tay góp phần chấm dứt các vấn nạn liên quan đến săn bắn, bẫy bắt, buôn bán và tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD) trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Ngày Động, Thực vật Hoang dã Thế giới hàng năm dành để tôn vinh và ghi nhận tầm quan trọng của tất cả các loài động, thực vật hoang dã trên thế giới đối với cuộc sống và sức khỏe của hành tinh. Quảng Bình có Di sản thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong, dãy núi Giăng Màn… với hệ sinh thái vô cùng đa dạng, là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, quá trình khai thác lâm sản, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái quy định của pháp luật đã gây ảnh hưởng đến vấn đề đa dạng sinh học. Lời kêu gọi chung tay tham gia các hoạt động nhằm chấm dứt vấn nạn săn bắn, bẫy bắt, buôn bán và tiêu thụ các loài ĐVHD sẽ góp phần nâng cao nhận thức và niềm tự hào về kho tàng tài nguyên động, thực vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động để bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, đồng thời thúc đẩy cộng đồng dân cư đưa ra các giải pháp, sáng kiến mới để phục hồi và bảo tồn nhằm tạo nên sự cân bằng sinh thái, đảm bảo môi trường sống hài hòa cho tất cả chúng ta...

Nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số sống trong vùng đệm, trong sự kiện lần này, đại diện của 8 nhóm Bảo tồn cộng đồng thuộc các xã Phúc Trạch, Thượng Trạch, Xuân Trạch, thị trấn Phong Nha (thuộc Huyện Bố Trạch), Kim Thuỷ (thuộc Huyện Lệ Thuỷ) Thượng Hoá, Dân Hoá (thuộc Huyện Minh Hoá), Trường Sơn (thuộc Huyện Quảng Ninh) do Dự án hỗ trợ thành lập đã tham gia triển lãm các áp phích truyền thông giảm tiêu thụ ĐVHD góp phần đóng góp các sáng kiến cộng đồng trong việc tuyên truyền bảo vệ rừng, giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã, đồng thời đem đến cho sự kiện các tiết mục văn nghệ tuyên truyền độc đáo.

Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc BQL dự án VFBC tỉnh Quảng Bình cho biết:Chuỗi sự kiện truyền thông lần này là một trong các hoạt động quan trọng của dự án nhằm huy động sự tham gia của các thành phần khác nhau trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy các hoạt động ngăn chặn tình trạng tiêu thụ ĐVHD, góp phần đáng kể trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của hai khu rừng đặc dụng là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe nước trong”

—-HẾT—

Liên hệ để biết thêm thông tin chi tiết:

Ông Hồ Anh Vũ

Điều phối viên kỹ thuật - Tiểu hợp phần Giảm cầu tiêu thụ động vật hoang dã, Dự án VFBC tỉnh Quảng Bình

Điện thoại: 0914 777 440, Email: Vu.Anh.Ho@fauna-flora.org

Thông tin thêm cho Biên tập viên:

Thông tin thêm về Ngày Động, Thực vật Hoang dã Thế giới

Tại phiên họp thứ 68, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) đã tuyên bố lấy ngày 03 tháng 03 hàng năm là Ngày Động, Thực vật Hoang dã Thế giới (World Wildlife Day) để tôn vinh sự đóng góp của tất cả các loài động vật và thực vật hoang dã trên thế giới đối với cuộc sống của chúng ta và sức khỏe của hành tinh.

Ngày 03/03 được chọn vì đây là ngày ra đời của Công ước về thương mại quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) ký kết năm 1973. Ngày Động, Thực vật Hoang dã Thế giới năm 2023 cũng là dịp đặc biệt kỷ niệm Công ước CITES ra đời tròn 50 năm. Việt Nam là một trong các quốc gia tham gia ký cam kết từ năm 1994.

Chủ đề 'Chung tay bảo tồn động, thực vật hoang dã' được chọn trong lễ kỷ niệm Ngày Động, Thực vật Hoang dã Thế giới năm nay sẽ là cơ hội đánh giá tầm quan trọng của những người đang tạo ra sự khác biệt, những mối quan hệ mà CITES đã tạo nên đóng góp đáng kể cho sự bền vững, bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học.

Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc dự án VFBC

Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học (BCA) thuộc Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Các hoạt động của hợp phần này được thực hiện trong 5 năm, từ tháng 07/2020 - 06/2025. Hợp phần BCA nhằm duy trì, nâng cao chất lượng rừng và bảo vệ đồng thời duy trì ổn định các loài quần thể hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao. Mục tiêu của dự án hướng đến 14 khu rừng đặc dụng (RĐD) và 7 khu rừng phòng hộ (RPH), liên kết các ban quản lý rừng trên toàn cảnh quan khu vực để duy trì độ che phủ rừng và kết nối các sinh cảnh quan trọng nhằm bảo vệ những loài động vật đặc hữu và nguy cấp ở Việt Nam. Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học (BCA) được thực hiện bởi WWF Mỹ với sự cộng tác của các đối tác của dự án bao gồm Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT), Sở NN và PTNT/Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Vườn quốc gia Cúc Phương, Bạch Mã và Cát Tiên, WWF-Việt Nam, tổ chức Helvetas Việt Nam, Leibniz-Viện Nghiên cứu Động, Thực vật hoang dã, Re:wild (Tiền thân là Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Toàn cầu, GWC), Tổ chức Giáo dục vì Thiên nhiên Việt Nam (ENV), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Tổ chức Bảo tồn Động, Thực vật Quốc tế (FFI).

Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học bao gồm 4 tiểu hợp phần: 

Tiểu hợp phần 6         Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng

Tiểu hợp phần 7         Tăng cường quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ

Tiểu hợp phần 8         Tăng cường hiệu quả hệ thống thực thi pháp luật đối với tội phạm hủy hoại rừng và động vật hoang dã 

Tiểu hợp phần 9         Giảm nhu cầu tiêu thụ thông qua các phương pháp thay đổi hành vi

Tìm hiểu thêm về Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học:

https://www.usaid.gov/vietnam/fact-sheets/usaid-biodiversity-conservation 

Ban biên tập