Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) - Hãy đọc sách mỗi ngày

14:27, Thứ Sáu, 31-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Từ xưa đến nay, sách được xem là chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. Sách không chỉ thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô tận mà còn là người bạn tâm giao chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. "Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người".

Các bạn trẻ tìm đọc và mua sách tại Hội sách Alpha Books Quảng Bình.

Xã hội ngày càng phát triển cùng với xu hướng công nghệ 4.0 khiến thói quen đọc sách cũng như tiếp nhận tri thức đã thay đổi. Nhưng chắc chắn không ai có thể phủ nhận vai trò của sách đối với sự bảo tồn và phát triển nền văn hóa của một dân tộc. Mahatma Gandhi - nhà lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ đã từng nói: "Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa, chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi."

Chỉ một câu nói như vậy đủ để khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách như thế nào. Chỉ cần chúng ta không ngừng đọc, thế giới tươi đẹp sẽ luôn mở cửa chào đón chúng ta. Văn hóa đọc sẽ lan tỏa và ngày càng giúp cho xã hội phát triển một cách văn minh, tiến bộ và giàu đẹp. Điều đó luôn được chứng minh ở vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách đối với đời sống tâm hồn của mỗi con người. Nếu bạn đã quên thói quen đọc sách, hãy đọc lại câu chuyện sau đây để thay đổi nhận thức và trở lại đọc sách mỗi ngày nhé !

Chuyện kể rằng, tại một ngôi làng ở miền núi có hai ông cháu sống cùng nhau. Vào mỗi buổi sáng, người ông đều thức dậy sớm ngồi vào bàn để đọc sách - dù những cuốn sách này đã cũ kỹ. Cậu cháu trai thấy vậy, cũng cố gắng bắt chước ông mình đọc sách.

Một ngày cậu hỏi ông mình: "Ông ơi, cháu đã cố gắng đọc những quyển sách như ông nhưng vẫn không thể hiểu nó. Có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại thì quên nó ngay. Vậy đọc sách có lợi ích gì đâu?".

Người ông liền đứng dậy, lấy hết than trong giỏ đặt vào lò và nói: "Cháu hãy mang giỏ đựng than này ra ngoài sông và mang nước về giúp ông nhé!".

Cậu bé làm theo lời ông, nhưng toàn bộ nước chảy ra hết trước khi cậu quay về đến nhà. Người ông liền cười và nói: "Lần sau cháu cần đi nhanh hơn nữa". Rồi người ông đưa lại cho cậu bé cái giỏ để đi lấy giỏ nước khác.

Lần này, cậu bé chạy nhanh hơn, nhưng cái giỏ đã trống rỗng khi cậu về đến nhà. Thở không ra hơi, cậu nói với ông: "Chúng ta không thể đựng nước trong cái giỏ này được", và cậu định đi lấy cái xô để chứa nước.

Người ông liền nói: "Ông không muốn đựng nước trong chiếc xô mà là trong chiếc giỏ kia. Cháu có thể làm được điều này, do cháu chưa cố gắng hết sức đấy thôi". Người ông lại đưa cái giỏ và bảo cậu bé ra ngoài sông lấy nước lần nữa.

Mặc dù cậu biết điều đó không thể nhưng không muốn cãi lời ông mình, cậu cố chạy nhanh hết sức, nước vẫn chảy hết ra ngoài giỏ trước khi cậu về đến nhà. Cậu bé nói: "Ông nhìn này, thật là vô ích!".

“Con nghĩ nó vô ích? Hãy nhìn vào chiếc giỏ kia”, người ông nói.

Cậu bé nhìn vào chiếc giỏ và lần đầu tiên cậu nhận thấy rằng chiếc giỏ trông thật khác. Thay vì một chiếc giỏ đựng than cũ kỹ và bẩn, nó lại trông sạch sẽ.

"Đó là tất cả những gì xảy ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ mọi thứ, nhưng khi đọc, sách sẽ làm thay đổi bên trong tâm hồn của cháu, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy".

Chỉ là một câu chuyện hết sức giản dị và đời thường nhưng đằng sau đó là cả một triết lí nhân văn. Tri thức luôn là một kho tàng muôn thuở của con người, nó sẽ là cơ hội, là trải nghiệm để bạn khám phá ra những điều mới, điều hay.

Hãy đọc sách nhiều hơn lướt facebook, tiktok, youtube… hằng ngày bạn nhé. “Một cuốn sách hay là một giấc mơ mà bạn cầm trong tay”. Hãy nâng niu, trân trọng và ấp ủ, biến giấc mơ ấy thành hiện thực tươi sáng trên mỗi bước đi của cuộc đời mình.

TL