Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 22-5-2019

Post date: 24/05/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1.  Cần làm rõ một số quy định trong Dự án sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu Trí tuệ. 1

2. Quốc hội thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật Kiến trúc. 2

3.Đại biểu Quốc hội: Rất bất công nếu đổ hết trách nhiệm cho nhà trường. 3

CHÍNH SÁCH MỚI 4

4.  “Nhận diện” hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức. 4

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 5

5.Hà Nội: Nhân rộng mô hình chốt trực phòng ngừa kẻ gian. 5

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

6.Tại sao năng suất 1 lao động Singapore bằng 23 người Việt Nam?. 6

7.Công bố bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững 2019. 7

8. Chính phủ sẽ làm gì để cải thiện kinh tế tư nhân?. 7

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

9.Chặn đứng thao túng quyền lực! 8

QUẢN LÝ.. 9

10.Tập trung điều tra, xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng. 9

11.Chuyển đổi vị trí công tác hơn 1.100 cán bộ, công chức, viên chức. 11

12. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại tại các dự án ODA.. 12

13. Lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp. 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

14.Bộ LĐ-TB&XH tích cực triển khai cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin  13

15.Thừa Thiên - Huế: Triển khai cảnh báo những vấn đề dân sinh qua điện thoại di động  14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 15

16.Nợ công Việt Nam xuống mức thấp nhất từ năm 2015. 15

17. Quyết toán ngân sách năm 2017, có dự án “đội vốn” 39 lần. 16

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 17

18.Thanh tra Chính phủ đang xử lí 1 Vụ trưởng khai bằng Cao đẳng thành Đại học. 17

THẾ GIỚI 18

19. 79 nghị sỹ Madagascar bị nghi ngờ tham nhũng. 18

 TIN QUỐC HỘI

Cần làm rõ một số quy định trong Dự án sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu Trí tuệ

Chiều 20/5, các đại biểu Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

 Cuối năm 2018, Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Để thực thi hiệp định, tổng số luật cần phải sửa đổi, bổ sung là 8 luật, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Chiều 20/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của hai luật này và thảo luận tại tổ về dự án luật.

 Một trong những điểm đáng chú ý của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đề cập tới điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Người bán bảo hiểm sẽ buộc phải có văn bằng, chứng chỉ. Trong buổi thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ một số quy định cụ thể.

 Đối với Luật Sở hữu trí tuệ, nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số vấn đề như sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu... Một số đại biểu cho rằng có nhiều điểm mới trong dự thảo luật, tuy nhiên một số quy định cần phù hợp với thực tế Việt Nam hơn.

 Theo kế hoạch, ngày 31/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, trước khi biểu quyết thông qua vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp vào ngày 14/6. (VTV.vn 21/5)Về đầu trang

Quốc hội thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật Kiến trúc

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ngày 21/5, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và thảo luận hai dự án Luật.

 Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 21/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

 Đây là dự án luật quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân nên nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của cử tri và nhân dân. Dự án Luật này đã được Quốc hội thảo luận tại 2 kỳ họp (kỳ họp thứ 5 và thứ 6); được Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân một cách rộng rãi. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục lấy ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách và các chuyên gia tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tổ chức vào tháng 4 năm 2019.

 Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 10 chương, 119 điều, trong đó một số nội dung cơ bản đã được tiếp thu chỉnh lý, như về triết lý giáo dục; quy định hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; về các loại cơ sở giáo dục; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp trung học phổ thông; các quy định liên quan đến nhà giáo, người học; vấn đề đầu tư, tài chính trong giáo dục; quản trị của cơ sở giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục.

 Sau khi nghe Báo cáo, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

 Trong phiên họp chiều nay, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc và thảo luận về dự án Luật này.

 Dự án Luật Kiến trúc đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tại phiên họp lần thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật.

 Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua gồm 5 chương, 41 điều (tăng 4 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6), quy định về hoạt động kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

 Những nội dung của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý bao gồm: phạm vi điều chỉnh của Luật; chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc và Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam; bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc và bảo tồn, khai thác công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa; đối tượng quản lý kiến trúc; Quy chế quản lý kiến trúc; Hội đồng tư vấn về kiến trúc; thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc; dịch vụ kiến trúc và phạm vi hành nghề kiến trúc; chứng chỉ hành nghề kiến trúc; điều kiện năng lực của tổ chức hành nghề kiến trúc; mô hình Kiến trúc sư trưởng; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và xử lý tranh chấp trong hoạt động kiến trúc. (VTV.vn 21/5)Về đầu trang

Đại biểu Quốc hội: Rất bất công nếu đổ hết trách nhiệm cho nhà trường

Cho ý kiến dự luật Giáo dục sửa đổi sáng 21/5, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình) nêu thực trạng giáo dục hiện nay là "học thế nào cũng được lên lớp, rèn luyện thế nào cũng được tốt nghiệp" và bày tỏ lo lắng học sinh sẽ ảo tưởng về năng lực của mình.

 "Ngày xưa ông cha ta chọn thầy hay chữ, dữ đòn cho con. Còn bố mẹ yêu thương con là yêu cho roi cho vọt. Thế hệ chúng ta học phổ thông ở lớp lưu ban là bình thường, có bạn 2-3 năm, trường tôi năm 1977 có 40% được tốt nghiệp, trường cao cũng chỉ 70-80% và như vậy vẫn bình thường", ông Phương nói.

 Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh, việc thầy cô trách phạt học sinh cũng không phải vấn đề gì to tát, bởi vì trách phạt nhưng thầy cô vẫn tình cảm, yêu thương học sinh. Nhiều người bây giờ trưởng thành, khi nhìn lại thấy sự phạt của thầy cô chính là bài học để mình thành người.

 "Vậy tại sao bây giờ cái gì thầy cô cũng sợ? Sợ đánh giá điểm thấp thì học sinh buồn nên phải đổi mới đánh giá không dùng điểm; cho lưu ban, không cho tốt nghiệp lại sợ học sinh tổn thương? Thầy cô không dám nghiêm khắc với học sinh vì sợ xã hội, sợ Internet", ông nói và tiếp tục đặt câu hỏi "tỷ lệ gần 100% khá giỏi có phải là đáng mừng? Phải chăng giáo dục như ông cha trước đây là không tốt?".

 Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) khẳng định sự kết nối của gia đình, nhà trường và xã hội hình thành phẩm chất, đạo đức công dân. "Thời gian qua, gia đình, xã hội đã toàn tâm toàn ý với giáo dục hay chưa? Những tiêu cực trong thi cử bị phát hiện đã đặt giáo dục trong tâm điểm của dư luận suốt thời gian dài và chưa dừng lại. Vậy vai trò của gia đình thế nào, rất cần được suy xét đến tận cùng", ông nói.

 Theo ông Nhân, cái sai của người lớn trong gia đình lẫn xã hội không chỉ là hệ luỵ quá lớn cho giáo dục mà còn góp phần nhào nặn nên nhân cách của con em mình. Cha mẹ và người giám hộ đã tạo điều kiện cho con em hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc theo quy định, nhưng việc này đôi khi lại được tiến hành theo một cách thức phi giáo dục.

 "Như vậy gia đình ở khía cạnh này có phải là thành trì để bảo vệ các em khỏi cái xấu trong xã hội hay là nơi khởi phát giá trị lệch lạc?", ông nói và cho rằng có thể ví dụ trên chỉ là thiểu số nhưng hiện nay nhiều gia đình vẫn "khoán trắng" trách nhiệm giáo dục con em cho nhà trường, trong khi chưa chú trọng việc tu thân tề gia, xây dựng và gìn giữ cách cư xử giữa các thành viên trong gia đình. Do đó sẽ rất bất công nếu đổ hết trách nhiệm cho nhà trường và ngành giáo dục trước những hành xử thiếu quy chuẩn của học sinh.

 Xét ở khía cạnh xã hội, ông Nhân cũng cho rằng, hiện chưa có môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Sức đề kháng của trẻ em đối với thói hư, tật xấu còn yếu ớt, trong khi những hành vi lệch chuẩn giữa con người với nhau xảy ra hàng ngày, hàng giờ trong mỗi ngóc ngách, thậm chí ngôi nhà của các em.

 "Tôi cho rằng, bệ đỡ từ gia đình và xã hội chưa thể hiện hết trách nhiệm và một mình nhà trường không đủ sức gồng gánh cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nguồn nhân lực", đại biểu tỉnh Bình Dương nói.

 Góp ý vào những điểm cấm trong dự luật, đại biểu Y Nhàn (Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) cho rằng, Điều 21 quy định cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế không chỉ có xuyên tạc chủ trương, chính sách mà còn có xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận lịch sử. "Vì vậy, dự luật cần bổ sung nghiêm cấm việc xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận lịch sử", bà Y Nhàn nói.

 Theo nữ đại biểu, Điều 22 quy định các hành vi bị cấm, khoản 4 có "cấm hút thuốc, uống rượu bia" là chưa đủ mà cần bổ sung "cấm các chất kích thích khác". Dự án luật Giáo dục sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến tại hai kỳ họp, dự kiến được thông qua tại kỳ họp này. (VnExpress.net 21/5, Hoàng Thùy)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

“Nhận diện” hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức

Từ ngày 1.7, luật Phòng, chống tham nhũng 2018 bắt đầu có hiệu lực. Luật quy định rõ các hành vi tham nhũng.

 Theo đó, luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

 Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

 Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi. (Thanh Niên 21/5, Tường Vy)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Hà Nội: Nhân rộng mô hình chốt trực phòng ngừa kẻ gian

Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội có thời gian là địa bàn có  tình hình an ninh trật tự phức tạp. Đặc biệt tại các khu đô thị mới, các  đối tượng nghiện thường lang thang ra vào, dẫn đến nạn trộm cắp xảy ra. Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với các loại tội phạm, giữ gìn bình yên địa bàn, ngoài lực lượng Công an Phường, tại đây đã xuất hiện những chốt trực phòng ngừa kẻ gian.

 Chốt trực tại chung cư TT5, Khu đô thị Linh Đàm, mỗi chốt trực sẽ có 3 người làm nhiệm vụ, mỗi ca 8 tiếng. Nhân viên mặc đồng phục làm nhiệm vụ 24/24. Nhiệm vụ của mỗi nhân viên bảo vệ tại đây là tuần tra, nhắc nhở các gia đình về tình hình an ninh trật tự, sớm phát hiện người lạ vào khu vực. Ông Đoàn Thế Yết , Đội trưởng đội bảo vệ công ty Minh Châu, Hà Nội cho biết, nNhững năm vừa nói nói chung bọn tội phạm trộm cướp hoạt động liên tục thì nó có xảy ra một số phi vụ, Chúng tôi đứng tại ngã 3 này kiểm tra, nếu có động tĩnh gì thì anh em đi tuần kiểm tra và phối hợp anh em bảo vệ ở 2 bên và dùng bộ đàm rồi còi báo động và nếu cảm thấy căng thẳng quá thì chúng tôi lại điện cho bên công an phường thì các anh ấy lập tức xuống hỗ trợ ngay.

 Điều đáng nói, mô hình phòng gian, chống trộm này do chính người dân ở khu dân cư Linh Đàm đề xuất hoạt động. Mỗi gia đình tại khu đô thị sẽ tự nguyện đóng góp số tiền từ 500 - 700 ngàn đồng/ tháng để duy trì các chốt trực này. Đến nay mô hình đã được các khu dân cư phát triển lên tới 15 chốt trực phòng gian.

 Theo anh Nguyễn Ngọc Thuấn, nhà số 12, TT5B, Linh Đàm, Hà Nội, bên cạnh có các anh công an thường xuyên tuần tra ở khu vực này thì các bác bảo vệ ở đây cũng được coi là "tai mắt" để giám sát, theo dõi và báo cho các anh công an có biện pháp, phương án để làm sao theo dõi giám sát và bắt được các đối tượng gian manh. Tổ chức một cái bốt như này thì cũng hiệu quả, trước hết là an ninh trật tự rất là tốt, các bác bảo vệ cũng đi tuần rất chuyên cần, thứ hai là các gia đình có đi vắng thì cũng rất là an tâm.

 Từ ngày mô hình được đưa vào hoạt động tình hình trộm cắp vặt gần như được xóa xổ. Người dân đã yên tâm hơn về tình hình an ninh trật tự. Nhưng để mô hình thực sự có hiệu quả, lực lượng công an phường đã thường xuyên xuống các chốt phối hợp trao đổi, tiến hành tập huấn, trau dồi kiến thức pháp luật cho đội ngũ nhân viên bảo vệ; hướng dẫn họ cách thức cơ bản phát hiện kẻ gian và thông tin kịp thời đến cơ quan Công an những biểu hiện bất thường

 Đại úy Nguyễn Trọng Liêm - Phó trưởng Công an phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng, toàn nhân dân cùng chung tay bảo vệ an ninh Tổ quốc, được sự đồng thuận đó thì hiệu quả công tác của lực lượng Công an phường chúng tôi sẽ hiệu quả hơn. Mặt khác qua chốt phòng gian này công an chúng tôi được gắn kết hơn với nhân dân, bởi qua những vụ việc thì luôn được bà con ủng hộ, tin yêu, thông tin đến chúng tôi kịp thời, Mô hình nên nhân rộng ra tôi nghĩ tình hình tội phạm cũng giảm đi cũng như trong công tác đấu tranh chúng tôi có nhiều thuận lợi.

 Chốt trực phòng gian tại phường Hoàng Liệt cũng là một trong những mô hình cụ thể hóa sức dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự địa bàn. Tuy nhiên, mô hình mới đang triển khai tại các khu chung cư cao cấp hoặc biệt thự liền kề, điều kiện kinh tế khá giả, vì vậy đây cũng là một trong những hạn chế khi triển khai sâu rộng. Nhưng nếu có sự quyết tâm, sự đồng lòng, và ý thức trách nhiệm của người dân, thì việc triển khai các chốt trực như này sẽ là một trong những mô hình  tạo điều kiện  giữ vững an ninh trật tự địa bàn. (Kênh ANTV – Nhật ký an ninh lúc 22h ngày 20/5)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Tại sao năng suất 1 lao động Singapore bằng 23 người Việt Nam?

Tại hội thảo “Giáo dục và đào tạo Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Hội đồng Lý luận Trung ương và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 20/5, các đại biểu một lần nữa sốt sắng với câu chuyện chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều bất cập của Việt Nam.

 Nhìn nhận việc đào tạo đại học hiện nay, Chủ tịch Hội Khuyến học Nguyễn Thị Doan đánh giá còn nhiều bất cập ngay từ khâu đầu vào: Thực tế đòi hỏi một đằng, còn các trường lại tuyển sinh một kiểu. Việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào chỉ tiêu cho phép hơn là nghiên cứu cơ cấu ngành nghề đã dẫn đến việc vừa thừa, vừa thiếu nguồn nhân lực.

 "Cung - cầu không gặp nhau. Nhiều trường đào tạo trên cơ sở “cái mình có” mà không chú ý đến “cái thực tế cần”.

 Bà Doan cũng cho rằng, trước yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, về nguyên tắc cần phải đổi mới toàn diện. “Nhưng việc Bộ GD-ĐT chọn đổi mới thi cử là khâu đột phá hình như chưa trúng vì thi cử là đánh giá chất lượng đầu vào, đầu ra. Còn làm thế nào để có đầu vào, đầu ra tốt phải là nội dung và phương pháp giảng dạy”.

 Bên cạnh đó, bà Doan nhìn nhận việc chuyển các trường từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học và cho ra đời nhiều trường đại học đã kéo chất lượng đào tạo đi xuống.

 Ngoài ra, còn nhiều bất cập khác như chương trình còn dạy lý thuyết nhiều, nhiều bài giảng vô bổ, lý thuyết suông; bản thân thầy cũng thiếu kiến thức thực tế, chỉ dạy lý thuyết là chính; lương giáo viên còn thấp… Hệ quả tất cả những điều trên, theo bà Doan, đã khiến Việt Nam tụt hậu xa hơn so với các nước trên thế giới.

 “Năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 là 15 lao động của Việt Nam bằng 1 người Singapore, nhưng đến nay là 23 lao động Việt Nam mới bằng 1 người của Singapore”, nguyên Phó Chủ tịch nước bày tỏ sự lo lắng.

 Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho hay các trường đã nỗ lực thay đổi để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thị trường; nhưng năng suất lao động vẫn không cải thiện là do thế giới đang thay đổi nhanh chóng với sự trợ giúp của khoa học công nghệ, kỹ thuật và hệ thống kết nối vạn vật. Nhờ đó, một người có thể làm gấp nhiều lần trước đây.

 Sự thay đổi quá nhanh này cũng khiến các trường đại học không đáp ứng kịp. "Chúng ta đã có nhiều điều chỉnh nhưng vẫn còn rất nhỏ và hạn chế. Cụ thể, chỉ có khoảng 1/4 tổng số trường đại học ở Việt Nam đã có sự thay đổi, trong khi số còn lại thì chưa. Đó cũng là lý do dẫn đến năng suất lao động không cao”, ông Minh lý giải. (Vietnamnet.vn 21/5, Thúy Nga)Về đầu trang

Công bố bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững 2019

Sáng 21/5 tại Hà Nội, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phát động chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2019. Đây là năm thứ 4 chương trình được tổ chức nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động với mục tiêu phát triển bền vững.

 Bộ chỉ số CSI năm nay gồm 98 chỉ tiêu như nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, sử dụng tài nguyên năng lượng, giảm phát thải chất thải, bảo hiểm cho người lao động, chất lượng đào tạo… Các tiêu chí được điều chỉnh tiệm cận với Bộ tiêu chuẩn GRI của Tổ chức Sáng kiến toàn cầu. Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ được công bố vào cuối năm nay. (VTV.vn 21/5)Về đầu trang

Chính phủ sẽ làm gì để cải thiện kinh tế tư nhân?

Mục tiêu đến năm 2020 phải có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là thách thức rất lớn. Chính phủ sẽ làm gì để cải thiện khu vực kinh tế tư nhân?

 Trong suốt hơn 15 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng để khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Vai trò của kinh tế tư nhân được nâng lên, là nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tư nhân ngày càng thể hiện khả năng đóng góp cho phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quan trọng là đóng góp phần ngân sách không nhỏ cho Nhà nước.

 Tuy nhiên, thực tế cho thấy kinh tế tư nhân bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng giảm, năng lực nội tại còn thấp, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trình độ công nghệ, trình độ quản lý, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm dịch vụ sức cạnh tranh rất thấp, chủ yếu tham gia các phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước hoàn toàn không mang lại hiệu quả. Gần đây xuất hiện hoạt động của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, câu lạc bộ xúc tiến thương mại, mạng lưới kinh doanh kết nối toàn cầu nhưng hầu như giải pháp, phương án tạo ra sự kết nối cộng đồng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Sự phát triển của doanh nghiệp cũng rất khó khăn, thậm chí thua lỗ, giải thể phá sản với số lượng rất lớn, lên đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp trong những năm vừa qua.

 Tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, trốn thuế, nợ thuế, cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, không quan tâm bảo đảm lợi ích của người lao động diễn biến rất phức tạp và hầu hết rất khó kiểm soát trong suốt nhiều năm qua. Các doanh nghiệp thành lập ảo, không có hoạt động thật sự và cũng không tham gia vào thị trường mà chủ yếu là kinh doanh hóa đơn và chính điều đó sẽ làm cho khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phức tạp.

 Mục tiêu đến năm 2020 phải có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là thách thức rất lớn và có khả năng là không thể đạt được. Chính phủ sẽ làm gì để cải thiện tình hình khu vực kinh tế tư nhân?

 Mặc dù tăng trưởng GDP trong năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong vòng 10 năm qua, cho thấy nền kinh tế đã từng bước hồi phục nhưng kết quả này phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài. Để khu vực kinh tế tư nhân thực sự là động lực phát triển, những giải pháp về vĩ mô như thay đổi thể chế, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tạo sân chơi công bằng giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân là chưa đủ. Cần phải có những giải pháp mang tính then chốt, có chiều sâu và đặc biệt là định hướng chiến lược cốt lõi sự phát triển của quốc gia; từ đó định hướng cho kinh tế tư nhân có chiến lược kinh doanh rõ ràng cũng như chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ cho phù hợp với sự phát triển chung của đất nước. Ứng dụng Bộ nguyên tắc quản trị công ty của OECD đối với doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa nhằm công khai, minh bạch trong hoạt động. Thúc đẩy hợp tác, liên doanh, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi nhằm tạo ra sức bật về công nghệ, kinh nghiệm quản trị, tài chính để doanh nghiệp tư nhân phát triển. (Đại Biểu Nhân Dân 21/5)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Chặn đứng thao túng quyền lực!

Những bức xúc, kiến nghị của cử tri đã làm nóng nghị trường Quốc hội ngay trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ Bảy khi báo cáo của Chính phủ trình QH, báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị cử tri, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri của MTTQ đều nhấn rất mạnh về phải tuyên chiến mạnh mẽ hơn với tham nhũng và thao túng quyền lực!

 Càng thấy chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, Nhà nước khi kết luận Hội nghị Trung ương 10 với thông điệp: Cuộc chiến với tham nhũng, thao túng quyền lực không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống, mà phải thực thi quyết liệt hơn.

 Tinh thần chỉ đạo ấy đã nhân lên sức mạnh của niềm tin trong cử tri cả nước. Đã đến lúc phải chọc thẳng vào những “lô cốt” của tham nhũng trú ngụ. Đã đến lúc phải “bật tung” những “boong ke” của lợi ích nhóm “kết bè, kéo cánh” trong cái “mớ bòng bong” dắt dây nhau, trong mối quan hệ bợ đỡ, o bế, “chống lưng” nhau sai phạm. Nói gì về vụ doanh nghiệp Nhật Cường của Bùi Quang Huy có thể khuynh đảo, bao hết các dự án công nghệ thông tin của các sở, ngành ở Hà Nội? Nói gì về doanh nghiệp Tân Thuận của Tề Trí Dũng ở TP Hồ Chí Minh không chỉ ôm quá nhiều dự án đất vàng mà còn mưu toan cản trở cả thanh tra?   

 Nói gì, khi những vụ đại án lớn của Vũ “nhôm”, AVG, Út “trọc” tiếp tục nóng ngay trong báo cáo của Chính phủ giữa nghị trường Quốc hội? Rõ ràng cuộc chiến với tham nhũng, thao túng quyền uy đâu có thể ngừng, nghỉ, và chùng xuống được.

 Mạnh tay hơn với tham nhũng và thao túng quyền lực! Đó chính là mong mỏi của người dân cả nước. Nhìn lại cả loạt vụ đại án đã và đang được điều tra, truy tố, xét xử, có chuyện cậy ô dù, có ai đó chống lưng không? Câu hỏi này rất cần các cơ quan thực thi pháp luật phải làm rõ, từ đó mới có thể trị tiệt nọc của nạn tham nhũng!

 Từ sau Đại hội Đảng XII, dấu ấn sáng ngời của Đảng ta là chống tham nhũng và thao túng quyền lực. Cuộc chiến này Đảng bắt trúng ý nguyện của người dân, tạo ra niềm tin và sức mạnh triều dâng. Từ khi “lò lửa” của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đốt lên với quyết tâm không có vùng cấm, không nương nhẹ ai, không chịu sự chi phối về bất cứ cái gì, đã tạo ra sự đồng thuận tuyệt vời trong lòng dân. Một vấn đề cử tri trăn trở: Quyết liệt với tham nhũng, khui ra nhiều vụ lớn, nhưng tài sản, bạc tiền thu hồi về cho Nhà nước còn quá ít. Vậy bạc tiền, đất đai tham nhũng chúng cất giấu ở đâu, chúng tẩu tán kiểu gì, rất cần có quốc sách, giải pháp chặn lại, thu lại.

 Trong ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ Bảy, Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo trước Quốc hội báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, được tổng hợp từ 256 báo cáo kiểm toán trong năm 2018. Đáng chú ý là hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA, là 8 dự án BOT được kiểm toán còn nhiều khe hở, lỗ hổng rất dễ tạo đất cho tham nhũng, tiêu cực. Đã lại phơi ra chuyện có chính quyền tỉnh thành vượt cả quyền Chính phủ, né việc trình Quốc hội cho phép trong phê duyệt tăng mức đầu tư, đúng ra thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đã đến lúc phải truy trách nhiệm đến cùng của người đứng đầu với những ký tá, phê duyệt vượt quyền, lộng quyền gây thất thoát quá lớn. Đó chính là những “ông vua con” tự huýnh cần chặn lại ngay!

  O bế, bợ đỡ, chống lưng cho nhau trong các doanh nghiệp thân hữu, doanh nghiệp sân sau chính là hang ổ trú ngụ của tham nhũng và thao túng quyền lực. Dư luận đang nóng với câu hỏi: Trong đạo quân chống tham nhũng có tham nhũng trú ngụ không? (Đại Biểu Nhân Dân 21/5, Đăng Quang)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Tập trung điều tra, xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng

Ngày 21/5, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo.

 Cuộc họp đã thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 15 đến nay.

 Tại cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo đã biểu dương các cơ quan chức năng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm kết luận của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo tại phiên họp thứ 15. Nhất là, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã tập trung lực lượng, phối hợp chặt chẽ khởi tố mới 4 vụ án, phục hồi điều tra 4 vụ án, kết thúc điều tra 2 vụ/7 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 5vụ/15 bị can, xét xử sơ thẩm 5 vụ/12 bị cáo, xét xử phúc thẩm 4 vụ/109 bị cáo; đã kết thúc xác minh, giải quyết 14 vụ việc theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

 Thanh tra Chính phủ đã tập trung kết luận thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên, việc quản lý, sử dụng số tiền tạm ứng và nguồn vốn tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin). Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao có sai phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

 Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh, xử lý các vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2019 kết thúc điều tra 28 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 24 vụ án, xét xử sơ thẩm 29 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh 36 vụ việc.

 Nhất là, tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 8 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2019, gồm: vụ án "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây gậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

 Vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty Hải Thành. Vụ án "nhận hối lộ, đưa hối lộ; vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone.

 Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng"  xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), Phú Thọ. Vụ án "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam.

 Vụ án "vi phạm quy định về quản lý đất đai; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Đà Nẵng. Vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại xảy ra tại Tổng công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco). Vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" liên quan đến dự án tại số 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, Tp.HCM.

 Cũng tại Cuộc họp này Thường trực Ban Chỉ đạo cho ý kiến về báo cáo kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo kế hoạch số 192-KH/BCĐTW, ngày 4/9/2018 của Ban Chỉ đạo.

 Ban chỉ đạo cũng quyết định bổ sung 3 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 5 vụ án, 14 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã được giải quyết theo quy định của pháp luật. (Vneconomy.vn 21/5, Mỹ An)Về đầu trang

Chuyển đổi vị trí công tác hơn 1.100 cán bộ, công chức, viên chức

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái vừa có báo cáo gửi QH và các ĐBQH về việc thực hiện Nghị quyết số 113 QH khóa 13 và các nghị quyết của QH về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5 của QH khóa 14.

 Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

 TTCP tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra, kiểm tra do Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng giao, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

 Cụ thể là thanh tra dự án Mobifone mua 95% cổ phần của công ty cổ phần nghe nghìn Toàn Cầu; công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam; việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác ở TP Đà Nẵng.

 Ngoài ra còn có kết luận thanh tra toàn diện dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - công ty Gang thép Thái Nguyên; thanh tra việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam trả nợ cho Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam và số tiền 4.190 tỷ đồng Chính phủ tạm ứng cho Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam tái cơ cấu.

 "Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh - quốc phòng, đối ngoại", TTCP khẳng định.

 Về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, ngoài việc thực hiện cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý, TTCP tiến hành 359 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Qua đó phát hiện 112 vụ việc vi phạm, 19 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 3,1 tỷ đồng.

 Cùng với đó là thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập; thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà cho cấp trên dưới mọi hình thức, quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng; thực hiện nghiêm các quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm; quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; quy chế văn hóa nơi công sở.

Một số bộ, ngành, địa phương đã ban hành quy chế, xây dựng kế hoạch, tổ chức thi tuyển đối với một số chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Việc chuyển đổi vị trí công tác tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Quý 1 vừa qua đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 1.148 cán bộ, công chức, viên chức.

 Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng qua hoạt động công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong 3 tháng đầu năm đã phát hiện 8 vụ, 6 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 2 vụ, 2 đối tượng tham nhũng. (Vietnamnet.vn 20/5, Thu Hằng)Về đầu trang

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại tại các dự án ODA

Theo Kiểm toán Nhà nước, các bất cập tồn tại tại một số dự án ODA như sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao, giải ngân chậm, tỷ lệ thấp trong khi hiệp định hết hiệu lực.

 Có dự án vay vốn ưu đãi với thời gian thực hiện từ 2012 đến 2018 nhưng đến nay mới đạt được 1% tiến độ hay dự án 4 năm mới thực hiện được 3%, mức đầu tư chưa được sử dụng lên tới hơn 65 triệu USD. Đó là một số vấn đề tồn tại ở các dự án sử dụng vốn vay ODA vừa được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong báo cáo kiểm toán chuyên đề về các dự án này.

 Theo Kiểm toán Nhà nước, các bất cập tồn tại tại một số dự án ODA như sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao, giải ngân chậm, tỷ lệ thấp trong khi hiệp định hết hiệu lực. Cơ quan chức năng cho rằng, phần lớn dự án ODA có hiệu quả sử dụng vốn chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa tiên tiến. Nhiều dự án đội vốn do chậm tiến độ. Ngoài ra, việc chưa kiểm soát tốt biến động tỷ giá cũng khiến có những dự án đã tăng số tiền nhận nợ lên tới hàng chục tỷ đồng. (VTV.vn 21/5)Về đầu trang

Lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp

Sáng 21/5, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp”. Đây là một trong những quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

 Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành); trong đó, sửa đổi, bổ sung 162 điều trong tất cả các chương, sửa đổi hai điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

 ý giải về việc dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có quy định liên quan đến việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ ở Việt Nam, hầu hết các nước đều đặt ra việc nghỉ hưu theo hướng tăng dần. Lý do của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu này là nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; đồng thời, chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai; bảo đảm bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu; bảo đảm phù hợp sức khỏe, nhu cầu của người lao động; bảo đảm sự cân bằng, cân đối của quỹ Bảo hiểm xã hội.

 Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, việc tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật phải thực hiện theo lộ trình, để tránh gây sốc cho thị trường lao động; tạo tâm lý tốt hơn cho tâm lý xã hội, đối với người lao động, cũng như người sử dụng lao động.

 Trả lời câu hỏi của bạn đọc Hà Văn Tấn (Lào Cai) về việc dự thảo Bộ luật đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nam thêm 2 năm nhưng lao động nữ lại lên đến 5 năm, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết việc tăng tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo lộ trình: nam tăng lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi. Theo lộ trình như vậy, đến năm 2036, người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60. Năm 2021, người phụ nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 55, 3 tháng. Năm 2029 có người đàn ông đầu tiên về hưu ở độ tuổi 62.

 Như vậy, thời gian nâng tuổi nghỉ hưu dài, bắt đầu từ năm 2021 chứ không phải ngay lập tức. Việc tuổi nghỉ hưu của nữ tăng lên 5 năm, của nam tăng lên 2 năm vì muốn thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu.

 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham gia một số lần điều trần của Chính phủ Việt Nam trước Ủy ban về thúc đẩy bình đẳng phụ nữ, rất nhiều kiến nghị, đề xuất tuổi nghỉ hưu của nam - nữ cần phải bằng nhau và bước đầu tiên là điều chỉnh cho gần lại, nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Các đề xuất này cũng đã được tham khảo của các nước. Theo đó, ở các nước, đầu tiên thu hẹp lại khoảng cách nghỉ hưu của nam - nữ, sau đó, điều chỉnh cho bằng nhau. Đó là lý do trong dự thảo Bộ Luật lao động đề nghị nâng dần tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, của nam nâng dần lên 62.

 Thông tin về tuổi nghỉ hưu bình quân của người lao động nói chung, lao động nam và lao động nữ nói riêng, Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Điều Bá Được cho biết, theo thống kê, tuổi nghỉ hưu bình quân của người lao động nói chung năm 2017 là 55 tuổi, năm 2018 là 56 tuổi. Trong đó, riêng lao động nam tuổi nghỉ hưu bình quân của năm 2017 là 56 tuổi, năm 2018 là 58 tuổi; lao động nữ có tuổi nghỉ hưu bình quân của năm 2017 là 53 tuổi, năm 2018 là 54 tuổi. (TTXVN/Tin Tức 21/5, Phúc Hằng)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bộ LĐ-TB&XH tích cực triển khai cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin

Chiều 20/5, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ LĐ-TB&XH về công tác hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại Văn phòng Bộ.

 Theo báo cáo về việc thực hiện các quy định về công tác văn thư, lưu trữ; ứng dụng CNTT phục vụ công tác hành chính Văn phòng; tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 28-2018/QĐ-TTg, Bộ LĐ-TB&XH hiện đang sử dụng phần mềm eMolisa quản lý văn bản đi, đến, cho phép cập nhật thông tin, scan văn bản đi, đến đính kèm để phục vụ tra cứu trực tuyến và theo dõi đường đi của văn bản.

 Trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019 đã ban hành tổng số 11.425 văn bản, tiếp nhận 31.747 văn bản, trong đó có 3.969 văn bản điện tử đến; 2.343 văn bản điện tử đi. Toàn bộ đơn từ, khiếu nại, tố cáo về chính sách lao động, người có công được quản lý trên “phần mềm quản lý đơn khiếu nại” thuận tiện cho việc đăng nhập, tra cứu.

 Về kết quả thông tin báo cáo trong nội bộ cơ quan với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Bộ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện xây dựng báo cáo chỉ đạo điều hành định kỳ hàng tháng, 6 tháng, một năm, báo cáo tình hình đời sống nhân dân, an sinh xã hội dịp nghỉ lễ, Tết và các báo cáo đột xuất theo sự phân công của lãnh đạo Bộ. Xây dựng các Thông báo kết luận của Bộ trưởng trong các buổi họp giao ban Lãnh đạo các đơn vị; thông báo kết luận của Bộ trưởng, Thứ trưởng tại buổi làm việc với các địa phương và các đơn vị thuộc Bộ. Chất lượng báo cáo ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về thời gian, tiến độ.

 Văn bản mật đi, đến có sổ quản lý, theo dõi riêng. Bộ và một số đơn vị thuộc Bộ có máy tính riêng, không nối mạng phục vụ cho việc soạn thảo, in ấn, quản lý văn bản mật và có tủ riêng, có khóa để quản lý tài liệu mật.

 Bộ LĐ-TB&XH đang triển khai scan chữ ký của lãnh đạo Bộ, scan mẫu dấu của Bộ và tiến tới scan toàn bộ chữ ký của các cá nhân, mẫu dấu tổ chức được ủy quyền ký văn bản gửi Văn phòng Chính phủ. Triển khai việc ký văn bản điện tử trên eMolisa 6.0; Hướng dẫn sử dụng chứng thư số chuyên dùng và eMolisa 6.0 trong việc ký văn bản điện tử gửi lên Trục liên thông văn bản điện tử của Chính phủ đến các tổ chức, cá nhân liên quan….

 Đánh giá công tác hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tại Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, Vụ trưởng Vụ Hành chính (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Quốc Việt ghi nhận và đánh giá cao công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin tại Bộ LĐ-TB&XH. “Thời gian quan, Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực, đồng bộ triển khai công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin”, ông Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh. (Baodansinh.vn 21/5, Vân Khánh)Về đầu trang

Thừa Thiên - Huế: Triển khai cảnh báo những vấn đề dân sinh qua điện thoại di động

Sáng 21-5, Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, bắt đầu từ ngày 5-6, đơn vị sẽ cung cấp cho người dân những thông tin dân sinh trên địa bàn tỉnh này để người dân sớm nhận diện và phòng tránh.

 Theo đó, thông qua ứng dụng Hue-S (Dịch vụ đô thị thông minh), cơ quan nhà nước sẽ chuyển tải đến cho người dân những thông tin có tính chất cảnh bảo nhằm hỗ trợ cho người dân sớm nhận diện và phòng tránh như: Tình trạng giao thông; Tình hình cung ứng điện nước; Các hình thức lừa đảo; Tình hình thời tiết nguy hiểm…

 Dịch vụ thông tin cảnh báo là một chức năng trong ứng dụng trên điện thoại di động Hue-S. Điều kiện sử dụng dịch vụ: Dịch vụ được cung cấp miễn phí. Cá nhân, tổ chức tải ứng dụng Hue-S để sử dụng và nhận thông báo. Đối với các nhân, tổ chức đã cài đặt Hue-S cần lưu ý cập nhật phiên bản.

 Lộ trình triển khai chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn 1: Cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cảnh báo một chiều cho người dân nắm. Giai đoạn 2: Hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin cảnh báo tức thời đối với những sự kiện đang diễn ra trên thực tế. Giai đoạn 3: Hoàn thiện cộng đồng tương tác cảnh báo hướng đến nhà nước và người dân cùng tham gia toàn diện vào hoạt động cảnh báo.

 Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, địa phương đã triển khai và thực hiện hiệu quả nhiều ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp hướng đến xây dựng đô thị thông minh đang được nâng cấp chức năng tương tác theo hướng tiêu chí thông minh.

 Đáng chú ý, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã liên thông được 4 cấp, trong đó có 3 cấp ở địa phương và liên thông với hệ thống cấp quốc gia; chữ ký số đã được cấp phát đến cơ quan hành chính cấp xã đạt tỷ lệ 95%...

 Hệ thống Cổng dịch vụ công đã được triển khai đến 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện và đạt 54% ở cơ quan cấp xã; trong đó đã tích hợp các dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ thanh toán trực tuyến và các dịch vụ thành phố thông minh.

 Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính; hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia đang được phát triển và ngày càng nâng cấp hoàn thiện.

 Đến nay, trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đã đưa vào vận hành chính thức 7 dịch vụ: giám sát đô thị qua cảm biến camera; phản ánh hiện trường; giám sát thông tin báo chí; giám sát dịch vụ hành chính công; thẻ điện tử; cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh; giám sát quảng cáo điện tử. (Sài Gòn Giải Phóng 21/5, Văn Thắng)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Nợ công Việt Nam xuống mức thấp nhất từ năm 2015

Trong Báo cáo gửi Quốc Hội, Bộ Tài chính dự kiến Nợ công Việt Nam năm 2018 sẽ đạt mức 58,4%, thấp hơn các năm từ 2015 – 2017 (nợ công giai đoạn này lần lượt là 61,3% – 63,7% – 61,3%).

 Tính đến ngày 31/12/2018, Bộ Tài chính dự kiến các chỉ tiêu nợ đều có kết quả "Đạt" với mục tiêu ban đầu đề ra.

 Như vậy, các chỉ tiêu nợ nói trên đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 -2020 và thấp hơn mức dự kiến tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và báo cáo Quốc hội số 46/BC-CP ngày 19/10/2018 của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2018 và dự kiến năm 2019.

 Nguyên nhân, theo Bộ Tài chính, là nhờ vào 4 yếu tố:

 Thứ nhất, nền tảng vĩ mô khởi sắc, tăng trưởng GDP vượt kế hoạch và đạt mức cao nhất trong 11 năm qua, quy mô GDP đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng (cao hơn 5,3 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch là 5.530 nghìn tỷ đồng).

 Thứ hai, Điều hành chính sách tài khóa đạt được nhiều thành quả khả quan, thu cân đối ngân sách ước vượt 7,8% so với dự toán, dự kiến bội chi NSNN thấp hơn so với dự toán là 3,7% GDP, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ.

 Thứ ba là giải ngân vốn ODA, ưu đãi nước ngoài chậm hơn dự kiến như đã nêu ở trên và biến động tỷ giá được kiểm soát tốt đã góp phần giảm quy mô nợ nước ngoài của Chính phủ khi quy ra đồng Việt Nam

 Thứ tư là kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh của Chính phủ, không cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước và khuyến khích người vay trả nợ trước hạn dẫn đến giảm dư nợ bảo lãnh nước ngoài. (Báo điện tử Trí Thức Trẻ 20/5)Về đầu trang

Quyết toán ngân sách năm 2017, có dự án “đội vốn” 39 lần

Thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng số thu cân đối đạt hơn 1,683 triệu tỷ đồng. Tổng chi ngân sách là 1,681 triệu tỷ, gồm cả chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018. Bội chi ngân sách đạt 2,74% GDP, tương đương gần 137.000 tỷ đồng, giảm một nửa so với 2016. Khoản này không gồm kết dư ngân sách địa phương hơn 129.000 tỷ.

 Thẩm tra báo cáo này, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, việc lập và giao dự toán chưa sát thực tế, dẫn đến một số khoản thu vượt dự toán khá lớn. Trong đó, nhiều khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh không đạt, tăng thu chủ yếu từ đất và dầu thô.

 Về chi ngân sách, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh, tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm, quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định, chưa được khắc phục. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, trong lúc ngân sách hạn hẹp, nhiều công trình cần đầu tư nhưng vốn xây dựng cơ bản năm 2017 từ nguồn ngân sách giải ngân chậm nhất trong 5 năm gần đây, đạt hơn 86%.

 Theo ông, có địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đủ thủ tục, chưa đúng thẩm quyền, nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết dự án được kiểm toán đều có sai sót... Nhiều dự án điều chỉnh đầu tư nhiều lần, tăng gấp 2-3 lần tổng mức đầu tư ban đầu, cá biệt có dự án tăng gấp 39 lần.

 Điểm danh những dự án đội vốn "khủng", tại báo cáo quyết toán ngân sách năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước, Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi điều chỉnh ba lần. Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh điều chỉnh 6 lần, tăng tổng mức đầu tư hơn 3 lần, lên mức 5.654 tỷ đồng, tương đương 233%.

 Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận tăng 2.687 tỷ đồng, tương đương 105%. Cá biệt dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) điều chỉnh 4 lần, tổng mức đầu tư tăng hơn 39 lần. Cụ thể dự án này tăng vốn đầu tư từ 7 tỷ lên 275 tỷ đồng sau điều chỉnh quy mô, công năng sử dụng, tương đương 3.834%.

 Việc các dự án đội vốn gấp nhiều lần từng được cơ quan Kiểm toán chỉ ra trước đây. Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018, dự án Sào Khê (Ninh Bình) cũng từng gây nóng nghị trường Quốc hội khi đội vốn 36 lần. Hay một công trình nạo vét tuyến sông chưa đầy 3 km khác ở Ninh Bình cũng được tỉnh này phê duyệt cách đây 15 năm, sau nhiều lần điều chỉnh, bổ sung, dự án đội vốn lên tới 40 lần...

 Cũng tại báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách 2017, Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, tỷ lệ bội chi giảm so với dự toán (2,74% GDP) nhưng không do tiết kiệm chi để giảm vay mà vì giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn vay chậm.

 "Vốn trái phiếu Chính phủ, vay nước ngoài giải ngân chậm, đạt rất thấp so với dự toán nên trong điều hành Chính phủ phải giảm vay trong nước 15.142 tỷ đồng; giảm vay ngoài nước 20.195 tỷ đồng. Chính phủ cần lưu ý để quản lý, điều hành ngân sách nhà nước hiệu quả hơn", cơ quan thẩm tra của Quốc hội lưu ý.

 Chỉ ra nhiều vấn đề, song Ủy ban thẩm tra cũng thống nhất với số liệu của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. (VnExpress.net 21/5, Anh Minh)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Thanh tra Chính phủ đang xử lí 1 Vụ trưởng khai bằng Cao đẳng thành Đại học

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đang xử lí các vi phạm liên quan đến việc khai bằng cấp từ cao đẳng thành đại học của ông Lê Sỹ Bảy – Vụ trưởng Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành (Vụ 1, TTCP).

 Ngày 17-5, trao đổi với phóng viên, ông Lê Hồng Lĩnh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp Thanh tra Chính phủ (TTCP) kiêm người phát ngôn TTCP cho biết như trên. Theo ông, TTCP đang giao các đơn vị liên quan xử lí và khi có thông tin mới sẽ cung cấp.

 Còn theo nguồn tin của, vụ việc này cũng đã được Ủy Ban kiểm tra Trung ương đề nghị lãnh  đạo Thanh tra Chính phủ xử lí nghiêm.

 Theo hồ sơ chúng tôi có được, năm 1991, ông Bảy tốt nghiệp hệ Cao đẳng Ngân hàng, tuy nhiên năm 1992 khi được nhận về TTCP thì ông Bảy kê khai trong các bản sơ yếu lí lịch là có trình độ đại học. Trong khi đó theo quy định ông Bảy phải tốt nghiệp đại học mới được bổ nhiệm làm thanh tra viên.

 Kết luận của Uỷ ban kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương cũng nêu rõ việc bổ nhiệm thanh tra viên (1994) và thanh tra viên chính (2001) đối với ông Lê Sỹ Bảy là không đúng quy định tại quyết định số 818-TTCP/VP ngày 21/10/1993 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính Phủ. Theo đó tiêu chuẩn trở thành Thanh tra viên là phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có trình độ lí luận chính trị trung cấp trở lên. Trong khi, mãi đến năm 2004, ông Bảy mới đi học lớp hoàn chỉnh kiến thức đại học loại hình đào tạo chuyên tu và được cấp bằng đại học 12-2004.

 Uỷ ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương kết luận: “Do thanh tra nhà nước (nay là TTCP) bổ nhiệm thanh tra viên vào năm 1994 và thanh tra viên chính vào năm 2001 đối với ông Bảy không đúng quy định dẫn đến việc chuyển ngạch lương cũng không đúng quy định”.

 Điều đáng chú ý mặc dù việc bổ nhiệm sai nhưng năm 2008, ông Lê Sỹ Bảy tiếp tục được bổ nhiệm làm phó vụ trưởng vụ 1 và đến tháng 12-2013, bổ nhiệm làm vụ trưởng vụ 1.

 Uỷ Ban kiểm tra Đảng ủy khối cũng xác định từ năm 2008 đến năm 2012 ông Bảy đã không nộp bản kê khai tài sản, thu nhập  với Vụ tổ chức cán bộ TTCP  là không đúng quy định. Việc làm này có biểu hiện chưa minh bạch về kê khai tài sản, thu nhập, cơ quan chức năng cần xem xét, làm rõ.

 Dù kết luận của Uỷ ban kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương là vậy nhưng sau đó ông Bảy chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.

 Chiều ngày 17-5, trao đổi với phóng viên, ông Lê Sỹ Bảy không trả lời thẳng vào câu hỏi khai man bằng cao đẳng thành đại học và việc không kê khai tài sản theo quy định, tuy nhiên ông Bảy nói hẹn trả lời sau khi gặp PV. (Pháp Luật TPHCM 21/5, Nguyễn Đức)Về đầu trang

THẾ GIỚI

79 nghị sỹ Madagascar bị nghi ngờ tham nhũng

AFP đưa tin, Cơ quan Chống tham nhũng Madagascar đang bắt đầu các hành động pháp lý đối với hơn một nửa số nghị sỹ trong nước - những người bị nghi ngờ nhận hối lộ. Động thái này diễn ra chỉ 2 tuần trước khi cuộc bầu cử Quốc hội được tiến hành.

 Sau cuộc điều tra kéo dài 1 năm, một hồ sơ về 79 nghị sỹ đã được gửi tới Văn phòng Công tố "để bắt đầu các hành động pháp lý đối với các bị cáo" - nguồn tin của AFP cho biết.

 Các công tố viên sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ và sau đó ra quyết định khởi tố một số hoặc tất cả các nghị sỹ có liên quan. Tổng thống Madagascar đã cam kết chống tham nhũng ở quốc đảo Ấn Độ Dương.

 Tình trạng tham nhũng trong nước ảnh hưởng tới mọi cấp độ xã hội và trở nên đáng báo động. Madagascar là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, xếp thứ 155/180 quốc gia về đánh giá Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

 Năm ngoái, vấn đề tham nhũng trở nên nóng bỏng khi các nghị sỹ ủng hộ việc Tổng thống khi đó là ông Hery Rajaonarimampianina đưa ra một dự luật cải cách Luật Bầu cử. Đáng nói, dự luật được đưa ra chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018.

 Các cựu Tổng thống Andry Rajoelina và Marc Ravalomanana tham gia tranh cử khi đó chỉ trích hành động này và cáo buộc ông Rajaonarimampianina đổi luật để làm lợi cho bản thân.

 Phe đối lập cáo buộc một số nghị sỹ đã nhận khoảng 12.500 euro (14.000 USD) để đổi lấy lá phiếu ủng hộ việc cải cách luật. Số tiền này được trao trong cuộc họp bí mật tại một khách sạn sang trọng ở ngoại ô Thủ đô Antananarivo.

 Sau đó, Cơ quan Chống tham nhũng đã mở một cuộc điều tra về 79 nghị sỹ, trong tổng số 151 người trong Quốc hội. Đây là những người đã bỏ phiếu ủng hộ việc cải cách Luật Bầu cử.

 Trước sức ép của các cuộc biểu tình kéo dài 2 tháng, Tòa án Hiến pháp cuối cùng đã phải bãi bỏ một phần của những thay đổi trong Luật Bầu cử. (Thanh Tra 21/5, Ngọc Anh)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More