Tài liệu tuyên truyền Quảng Bình - Hào khí 420 năm (1604 - 2024) số 04

Post date: 07/05/2024

Font size : A- A A+

Ban Biên tập trân trọng giới thiệu Tài liệu tuyên truyền “Quảng Bình - Hào khí 420 năm (1604 - 2024)”. Tài liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình biên soạn và phát hành.

II. BƯỚC CHÂN THỜI GIAN

1. Danh xưng Quảng Bình (năm 1604)

(Tiếp theo)

1.2. Quảng Bình trong thời kỳ bị phong kiến phương Bắc đô hộ

Năm 207 trước Công nguyên, Triệu Đà, một viên quan nhà Tần chiếm ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Lâm (Trung Quốc) lập nên nước Nam Việt và xưng vương. Sau khi lập nước, Triệu Đà nhiều lần phát động chiến tranh xâm lược nước Âu Lạc. Khoảng năm 179 trước Công nguyên, sau khi chiếm được Âu Lạc, Triệu Đà sáp nhập vào nước Nam Việt và chia Âu Lạc làm hai quận là Giao Chỉ (Bắc Bộ) và Cửu Chân (Bắc Trung bộ). Như vậy trong thời kỳ Triệu Đà thống trị, vùng đất Quảng Bình thuộc phía Nam quận Cửu Chân.

Năm 111 trước Công nguyên, sau khi lật đổ nhà Triệu, nhà Tây Hán tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm các nước phía Nam, thống trị nước Âu Lạc. Đồng thời, với sự tan rã của quốc gia cổ Việt Thường, vùng đất phía Nam cũng rơi vào tay của nhà Tây Hán. Ngoài hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân có từ thời nhà Triệu, nhà Hán lấy đất Nam Hoành Sơn đặt làm quận Nhật Nam, chia làm 5 huyện là Tây Quyển, Tỷ Cảnh, Chu Ngô, Lô Dung và Tượng Lâm; vùng đất Quảng Bình nằm trong hai quận Tây Quyển và Tỷ Cảnh.

Năm 25 sau Công nguyên, nhà Đông Hán lên nắm quyền và thực hiện chính sách hà khắc hơn trước. Cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III, nhà nước Đông Hán ở Trung Quốc tan rã, phong kiến phương Bắc diễn ra cục diện “Tam quốc’’, quyền thống trị nước ta nằm trong tay Sỹ Nhiếp, sau đó lại lệ thuộc vào phong kiến nhà Ngô. Năm 280, nhà Tấn diệt Ngô tạm thời thống nhất Trung Quốc. Dưới thời nhà Tấn chúng đặt lại quận huyện, tách đất Tây Quyển, đặt thêm huyện Thọ Linh (năm Thái Khang thứ 10 (289)), tách đất Tỷ Cảnh, đặt thêm huyện Vô Lao tương đương với miền Nam Quảng Bình ngày nay.

                                                                                      (Còn nữa)

More