Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 20-11-2020

Post date: 20/11/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1.                Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Quyết định nhiều nội dung quan trọng. 1

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 2

2.                Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng của chuỗi cung ứng toàn cầu. 2

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 2

3.                Ồ ạt xin “phá” rừng! 2

4.                Kỷ luật những lãnh đạo địa phương đề xuất phá rừng. 3

QUẢN LÝ.. 4

5.                Tăng mức phạt gấp 10 lần, người dân vẫn không đeo khẩu trang. 4

6.                Hà Nội sẽ “siết” việc xử phạt tiền triệu nếu không đeo khẩu trang. 5

7.                Con trai Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông xin thôi việc. 6

8.                Công an Đồng Nai: Nhiều lãnh đạo cấp trưởng bị giáng cấp, chuyển làm phó phòng. 7

9.                Hải Phòng: Quy định mới về sử dụng tài sản công. 7

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 8

10.             Mỗi năm tiêu sai 50.000 tỉ đồng thì không nợ nần mới lạ. 8

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 9

11.             Bộ Ngoại giao chưa có thông tin về việc bắt bà Hồ Thị Kim Thoa. 9

12.             Ông Đinh La Thăng tiếp tục bị truy tố trong vụ án Ethanol Phú Thọ. 9

13.             Nguyên cán bộ văn phòng đăng ký đất đai ở Cần Thơ bị khởi tố. 9

14.             Hà Giang: Bắt tạm giam Trưởng Công an do dùng nhục hình với nghi phạm.. 10

THẾ GIỚI 10

15.             Nga xem xét dự luật cho phép Tổng thống Putin tái tranh cử. 10

16.             Cấp dưới của ông Trump âm thầm liên hệ với nhóm ông Biden. 10

 TIN QUỐC HỘI

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Quyết định nhiều nội dung quan trọng

Vào chiều 17/11, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc. Các nội dung, chương trình đề ra từ đầu kỳ họp đều đã hoàn thành tốt đẹp, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

 Có thể nói, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế xã hội bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, bão lũ, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và của tại các tỉnh miền Trung. Với trách nhiệm của mình, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vừa có tầm nhìn xa, nhưng lại cũng rất cụ thể để đưa ra những giải pháp cùng với Chính phủ trong nỗ lực phục hồi kinh tế xã hội, đồng thời hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai.

 Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến 4 dự án luật; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng. Việc đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại kỳ họp cũng khẳng định trách nhiệm của Quốc hội với chủ trương mà Đảng vạch cho nhiệm kỳ tới. Với kết quả này, kỳ họp đã tiếp tục khẳng định rõ tinh thần đoàn kết dân tộc, quyết tâm cao để đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.

 Cũng tại kỳ họp, Quốc hội đã ấn định chọn Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23/5/2021. (VTV.vn 19/11)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng của chuỗi cung ứng toàn cầu

Đây là nhận định của các doanh nghiệp và chuyên gia tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm nay.

 Ngày 18/11, tại TP.HCM, Bộ Công Thương phối hợp UBND TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2020. Với chủ đề "25 năm quan hệ kinh tế và con đường phía trước", diễn đàn nhấn mạnh đến cơ hội thương mại của 2 nước trong tình hình mới.

 Lấy ví dụ từ chuỗi cung ứng ngành điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam được cho rằng đang ở đoạn giữa của chuỗi đang gia công, lắp đặt và thâm dụng ít lao động. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm đẹp để Việt Nam có thể thu hút FDI chất lượng cao.

 Tuy nhiên, làm sao để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn nữa trong mắt nhà đầu tư Hoa Kỳ? Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia vẫn nhấn mạnh đến 2 từ khóa là cơ sở hạ tầng và lao động.

 "Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục hành chính. Vấn đề lao động và cơ sở hạ tầng tôi đã thấy Việt Nam đi đúng hướng, nhưng cần phải tốt hơn nữa. Dù chi phí lao động hấp dẫn nhưng năng suất còn thấp. Điểm về cơ sở hạ tầng cần rút ngắn khoảng cách với Singapore hay Malaysia", ông Dustin Daugherty - Công ty Tư vấn Dezan Shira& Cộng sự - Hoa Kỳ nói.

 Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp - Đại học Fulbright cho biết: "Chúng ta có quan hệ thương mại tự do với nhiều đối tác đó là lợi thế của Việt Nam so với Indonesia, Ấn Độ. Bất lợi của Việt Nam là chúng ta đang đánh đồng và chưa hiểu rõ các chuỗi cung ứng".

 Đây cũng là thời điểm Việt Nam đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh thu hút dòng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ, đặc biệt những lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao như: Năng lượng, y tế, tài chính, hàng không… 

Qua 25 năm, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng 168 lần. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của nước này. (VTV.vn 19/11)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Ồ ạt xin “phá” rừng!

"Xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án…”, nếu chủ trương này được duyệt, hiểu theo nghĩa đen, chính là quyết định cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp thực hiện “hành vi phá rừng đúng luật”.

 Trong văn bản của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) lâu nay, cụm từ “hành vi phá rừng trái luật” để chỉ những vụ phá rừng mà thủ phạm là “lâm tặc”. Nhưng theo thống kê tổng diện tích rừng tự nhiên mất đi trong giai đoạn 2012 - 2017 cũng từ Tổng cục Lâm nghiệp thì diện tích rừng bị phá bởi “lâm tặc” chỉ chiếm 11%; và 89% diện tích rừng còn lại bị hạ sát, chặt phá trong các dự án được duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. 

Đóng cửa rừng tự nhiên là yêu cầu Bộ Chính trị chỉ đạo cụ thể trong Kết luận số 97, ngày 9.5.2014, và được Chính phủ cụ thể bằng nhiều nghị quyết, quyết định yêu cầu các địa phương nghiêm túc quán triệt thực hiện. Đến năm 2017, Ban Bí thư T.Ư Đảng tiếp tục có Chỉ thị số 13 yêu cầu dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế chấp hành, theo Tổng cục Lâm nghiệp, từ năm 2017 đến nay, các địa phương vẫn ồ ạt gửi 3.630 dự án xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với diện tích 183.740 ha. Nhưng sau đó, chỉ có 163 dự án cấp thiết về an ninh quốc phòng được phê duyệt, số còn lại đều bị Thủ tướng thẳng thừng bác bỏ.

 Gần đây nhất, chỉ trong 1 ngày, Bộ NN-PTNT liên tiếp ra 3 văn bản “bác” kiến nghị xin chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên để thực hiện các dự án làm đường giao thông, điện gió, khai thác đá vôi của các tỉnh Quảng Nam, Bình Thuận và Ninh Bình. Đặc biệt, với tỉnh Quảng Nam, từ hồ sơ gửi về, Bộ NN-PTNT chỉ rõ căn cứ các quy định pháp luật khẳng định địa phương này đã vượt thẩm quyền khi tự ý ban hành quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án (ĐTM), mà đáng lẽ công việc này thuộc chức năng và thẩm quyền của Bộ TN-MT. Điều này cho thấy rừng tự nhiên dù có những chỉ đạo, quy định bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng thực tế vẫn bị các địa phương lăm le triệt hạ, tàn phá bằng các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

 Ăn của rừng rưng rưng nước mắt! Miền Trung vừa qua liên tiếp xảy ra sạt lở đất đến mức “thảm họa”, cướp đi sinh mạng của nhiều người chính là hồi chuông cảnh tỉnh, yêu cầu phải bảo vệ bằng được những cánh rừng tự nhiên. Chưa có một kết luận nguyên nhân rõ ràng nhưng ý kiến nhiều chuyên gia, nhà khoa học chỉ rõ, diện tích rừng tự nhiên suy giảm; tỷ lệ rừng che phủ gần 42% nhưng chủ yếu là rừng trồng; chất lượng rừng không cao, không có thảm thực vật đa tầng đa lớp như rừng tự nhiên khiến lũ quét, sạt lở đất khi xảy ra đều có mức độ tàn phá khủng khiếp.

 Bên cạnh việc trồng lại, trồng mới rừng, cách tốt nhất để bảo vệ con người trước thiên tai mưa lũ ngày càng phức tạp là phải bảo vệ bằng được diện tích rừng tự nhiên hiện có. Các cơ quan nhà nước có chức năng gác cổng bảo vệ rừng phải kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác của các dự án phát triển kinh tế - xã hội, thủy điện, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế trước mắt thiếu bền vững. (Thanh niên 19/11)Về đầu trang

Kỷ luật những lãnh đạo địa phương đề xuất phá rừng

Trong lúc dư luận cả nước bức xúc vì nạn phá rừng thì Ninh Bình lại làm cái việc không thể chấp nhận, xin phá rừng tự nhiên.

 UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị chuyển mục đích sử dụng 38,17ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi. Cụm từ “chuyển đổi mục đích sử dụng” là nói cho nó có tính “khoa học”, là để che mắt thiên hạ. Còn nói cho nó thẳng thắn là xin phá rừng.

 Đơn giản vì, phải phá rừng mới khai thác đá vôi được và xin thưa, hơn 38ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ là quá quý giá, là vô giá. Cho dù bán bao nhiêu tấn đá vôi cũng không thể đổi lại được giá trị của rừng tự nhiên.

 Giải trình trước Quốc hội ngày 6.11, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà thông tin thời gian tới, bộ sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát từng mét đất rừng tự nhiên, phòng hộ, đặc dụng, kể cả những nơi không còn rừng nhưng có ý nghĩa trong phòng hộ thì phải phục hồi rừng nguyên sinh theo đúng nghĩa của nó.

 Trong phần trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội sáng 10.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong nhiều giải pháp chống thiên tai, cần có một giải pháp trồng 1 tỉ cây xanh. Điều này cho thấy quyết tâm của Thủ tướng không chỉ là giữ rừng, mà phải trồng rừng, tăng diện tích phủ xanh.

 Ngoài ra, đã có nhiều ý kiến đề xuất về trồng rừng, tái tạo những đồi núi bị cạo trọc thành những ngọn núi xanh, những cánh rừng có khả năng chống lũ theo cách của tự nhiên. Cho nên, không ai ngạc nhiên khi đề nghị của UBND tỉnh Ninh Bình bị Bộ NNPTNT bác bỏ. Nếu cho phép phá chừng đó rừng tự nhiên mới là đáng kinh ngạc.

 Cái giá mà con người phải trả vì phá rừng đã quá rõ, những trận lũ lụt vừa rồi chứng minh một cách thuyết phục rằng, chúng ta cần phải phục hồi diện tích rừng càng sớm càng tốt. Vậy thì lúc này, bất cứ địa phương nào đề xuất “phá rừng” đều đáng lên án. Các ngôn từ đẹp đẽ để trang điểm cho các dự án kinh tế như “chuyển đổi mục đích sử dụng” không thể che được mắt người dân.

 Đối với những đề xuất phá rừng, không chỉ Bộ NNPTNT bác bỏ, mà ở mức cao hơn, cần phê bình lãnh đạo của địa phương đó. Ai đề xuất phá rừng để phục vụ các dự án kinh tế, nên kỷ luật thẳng tay. Cùng với phê phán những địa phương phá rừng, thì cũng ủng hộ, khen thưởng những địa phương giữ rừng, trồng rừng hiệu quả. (Lao Động 19/11)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Tăng mức phạt gấp 10 lần, người dân vẫn không đeo khẩu trang

Dù mức phạt cho hành vi không đeo khẩu trang tại nơi công cộng lên đến 1-3 triệu đồng thế nhưng nhiều người dân vẫn "thờ ơ" với khẩu trang.

 Theo ghi nhận của phóng viên, gần 10h tại công viên 30/4, Quận 1 (TP.HCM), dù có đông người nhưng nhiều người tại đây không đeo khẩu trang, lơ là trong việc phòng dịch. Khi được hỏi về thông tin mức xử phạt việc không đeo khẩu trang đã tăng lên nhiều người khẳng định đã biết nhưng thực tế vẫn thì không đeo khi chưa bị xử phạt.

 "Nghe nói công an phường phạt nhưng hầu như ít thấy phạt lắm. Giống như trước đây, thấy tài xế nói chuyện mà không đeo là có bị phạt rồi còn giờ phạt cao thì chưa thấy" - một người dân cho hay.

 "Họ ra ngoài mà không đeo khẩu trang thì sẽ gây ảnh hưởng cho những người khác. Nếu không có mức phạt cao thì họ sẽ không tuân thủ một cách nghiêm khắc" - chị Nguyễn Thị Châu (quận 2) bức xúc khi thấy còn khá nhiều người chủ quan trong việc phòng chống dịch.

 Trước đó, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã quy định tại 5 điểm bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị và chợ, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang. Theo UBND quận 1, hiện lực lượng chức năng đang tiến hành tuyên truyền nhắc nhở bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông của quận, còn việc xử phạt sau khi có hướng dẫn của TP sẽ triển khai trong thời gian sắp tới. (VTV.vn 19/11)Về đầu trang

Hà Nội sẽ “siết” việc xử phạt tiền triệu nếu không đeo khẩu trang

Chiều 19/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19.

 Phát biểu tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, vừa qua, thành phố Hà Nội có ca nghi ngờ mắc COVID-19 là một du học sinh từ Nga về, đã được xác định khỏi bệnh từ 2 tháng trước. “Đây là trường hợp coi như báo động, diễn tập sau thời gian khoảng gần 3 tháng không có ca mắc mới. CDC Hà Nội và Trung tâm y tế quận Đống Đa đã khoanh vùng, chuyển ca nghi ngờ đến Bệnh viện cách ly, điều trị, truy vết ngay các trường hợp tiếp xúc gần”, ông Hạnh nêu.

 Theo ông Hạnh, trường hợp này đặt ra vấn đề về việc nhiều cơ sở khám chữa bệnh vẫn chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Nếu gặp ca dương tính mà không khai thác kịp thời lịch sử dịch tễ thì rất nguy hiểm. Riêng ca nghi ngờ dương tính này đã có 59 trường hợp F1, nếu trở thành bệnh nhân thì rất nguy hiểm, nguy cơ cao lây ra cộng đồng.

 Theo ông Hạnh, một vấn đề đặt ra, hiện nay, các khách sạn hiện nay đang cách ly hơn 1.500 người. Đây là con số rất lớn, gấp 3 lần ở khu cách ly tập trung. Thời gian vừa qua, nhiều ca nhập cảnh về cũng đã dương tính, vì thế, cần đặc biệt coi trọng công tác cách ly tại khách sạn, tránh lây nhiễm ra cộng đồng. “Việc cách ly tại khách sạn hết sức lo lắng. Các địa phương cần quan tâm. Những nơi làm không đúng quy định phải  xử lý nghiêm”, ông Hạnh nêu. 

Trong khi đó, báo cáo của thành phố cũng chỉ rõ, hiện nay, nhiều người dân vẫn không đeo khẩu trang nơi công cộng. “Chúng tôi đi kiểm tra có đếm thử, tính ra khoảng 40% vẫn không đeo khẩu trang nơi công cộng”, ông Hạnh nói.

 “Không thể chủ quan và lơ là. Hiện nay thành phố đang yên bình nhưng rất lo lắng. Đột ngột xuất hiện như ca ở bệnh viện GTVT, nếu dương tính thì rất vất vả. Vì vậy lúc nào cũng phải sẵn sàng”, ông Hạnh nói thêm.

 Tại cuộc họp, các đoàn kiểm tra của thành phố đã báo cáo về thực tế kiểm tra tại các địa phương. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 cho rằng, tại các chung cư, số lượng người dân ra vào đông, chưa thực hiện tốt việc đeo khẩu trang. “Chúng tôi thấy vẫn chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở. Nếu chỉ nhắc nhở thì khó thực hiện. Vì thế, cần phải xử phạt hành chính. Cần tăng cường kiểm tra, xử phạt để nâng cao trách nhiệm của Ban quản lý”, ông Hiền nêu.

 Ông Hiền cũng cho rằng, qua trường hợp ca nghi ngờ dương tính ở bệnh viện GTVT, cần phải thực hiện tốt hơn các quy định phòng chống dịch ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Bài học ca bệnh ở bệnh viện E đã có. Với trường hợp ở bệnh viện GTVT, dù bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19 nhưng bệnh viện vẫn cho về nhà. “Nên siết chặt quản lý ra vào của bệnh nhân. Các trường hợp nghi ngờ cần cho xét nghiệm sớm”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu.

 Ông Hiền cũng đề nghị tiếp tục kiểm tra, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép. Với các trường hợp cách ly tập trung xong 2 tuần, cần tiếp tục theo dõi thêm 2 tuần, làm thêm xét nghiệm một lần để yên tâm.

 Báo cáo tại cuộc họp, đại diện một số quận, huyện cho biết, đã tiến hành kiểm tra, xử lý việc không đeo khẩu trang tại các chợ, bến xe, siêu thị. Tuy nhiên, chủ yếu là nhắc nhở, chưa xử phạt. Theo đại diện Thị xã Sơn Tây, tại các chợ, chỉ khoảng 25 – 30% người dân đeo khẩu trang, còn lại chưa thực hiện nghiêm túc.

 “Chúng tôi cũng lập biên bản, yêu cầu các chợ thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch. Chủ yếu mới nhắc nhở chứ chưa xử phạt được ai”, vị này nói, đồng thời cho rằng, mức phạt 1 – 3 triệu với hành vi không đeo khẩu trang rất khó thực hiện. “Hiện vẫn tuyên truyền, nhắc nhở là chính. Nếu tuần sau vẫn như thế, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý 1 – 2 trường hợp để răn đe, làm gương”, vị này nêu. (Tienphong.vn 19/11)Về đầu trang

Con trai Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông xin thôi việc

Ngày 19/11, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, ông Hồ Thanh (SN 1996) đã nộp đơn xin thôi việc tại Phòng kế hoạch nghiệp vụ thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Nông, từ ngày 13/11.

 Theo đơn, ông Thanh đưa ra lý do, cá nhân không thể tiếp tục đảm nhiệm công việc. Sau khi tiếp nhận đơn, Giám đốc CDC Đắk Nông Đặng Thành ký tờ trình xin ý kiến của Sở Y tế xem xét, giải quyết nguyện vọng của cá nhân theo quy định.

 Ônh Thanh là con trai của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông. Người được ưu ái trong tuyển dụng việc làm tại ngành y tế. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông đã chỉ ra những sai phạm liên quan đến tuyển dụng ông này.

 Trước đó, Tiền Phong và nhiều báo khác có các bài viết về vụ việc trên. Dù biết UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các ngành tạm dừng tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức sự nghiệp để tiến hành sắp xếp bộ máy, nhưng bà Hương vẫn chỉ đạo, đồng ý cho Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk R’lấp (nay là Trung tâm Y tế huyện Đắk R’Lấp) ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với 11 trường hợp (năm 2018), trong đó có con ruột của mình.

 Đáng nói, thời điểm này, ông Thanh đang là sinh viên chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Viện đào tạo Quốc tế trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh liên kết với Đại học Lincoln, Hoa Kỳ). Nhờ can thiệp của mẹ, ông Thanh được ký HĐLĐ trong chỉ tiêu biên chế, xếp ngạch lương chuyên viên.

 Theo UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông, việc làm của bà Hương là trái quy định, không minh bạch, dân chủ, khách quan, ưu ái cho người nhà; không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương cán bộ, đảng viên, tạo dư luận không tốt. Vị này phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, quyết định tiếp nhận tuyển dụng viên chức khi không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. (Tienphong.vn 19/11, Nhóm PV)Về đầu trang

Công an Đồng Nai: Nhiều lãnh đạo cấp trưởng bị giáng cấp, chuyển làm phó phòng

Công an tỉnh Đồng Nai đã hạ cấp, điều động 4 trưởng công an huyện và thành phố, 2 lãnh đạo phòng về giữ các chức vụ phó phòng nghiệp vụ.

 Cụ thể, Bộ Công an điều động đại tá Cao Hữu Nguyên (Trưởng Công an huyện Nhơn Trạch), Đại tá Ngô Quang Tuấn (trưởng Công an TP. Long Khánh) về nhận công tác và cùng giữ chức Phó phòng Tham mưu tổng hợp, Công an tỉnh Đồng Nai. 

Đại tá Dương Thanh Hải (Trưởng Công an huyện Long Thành) và Thượng tá Phan Trọng Lộc (Trưởng Công an huyện Xuân Lộc) giữ chức vụ Phó phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh Đồng Nai.

 Thượng tá Nguyễn Văn Ba (Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Đồng Nai) và Thượng tá Đào Tuấn Anh (giám thị trại tạm giam Công an tỉnh Đồng Nai) cùng được điều động về giữ chức Phó phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai.

 Quyết định điều động trên được ký dự vào đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh và Cục tổ chức cán bộ, Bộ trưởng Bộ Công an.

 Theo xác nhận ban đầu, những sĩ quan cấp tá nêu trên bị điều động xuống cấp phó vì liên quan tới những vi phạm nghiêm trọng trong thời gian qua, bị xử lý kỷ luật từ mức khiển trách đến cảnh cáo. Trong đó, có cán bộ, sĩ quan bị kỷ luật liên quan vụ việc băng nhóm giang hồ Nguyễn Tấn Lương, Giang "36". (Giaoducthoidai.vn 19/11)Về đầu trang

Hải Phòng: Quy định mới về sử dụng tài sản công

UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành văn bản số 7306/UBND-DN ngày 18.11.2020 về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

 Để đảm bảo việc sử dụng tài sản công theo đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát tài sản nhà nước, UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố thực hiện rà soát các trường hợp đang sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để xử lý chuyển tiếp các trường hợp theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 136 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26.12.2017 của Chính phủ và các trường hợp phát sinh sau ngày 1.1.2018.

 Trên cơ sở kết quả rà soát, thực hiện chấm dứt ngay các trường hợp kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định của pháp luật. Báo cáo kết quả rà soát, thực hiện về Sở Tài chính trước ngày 25.11.2020 để tổng hợp báo cáo UBND thành phố, Bộ Tài chính.

 Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, chịu trách nhiệm trong việc xác định giá trị tài sản, vốn góp của đối tác tham gia vào liên doanh, liên kết tránh tình trạng “thổi giá” làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đơn vị sự nghiệp công lập và người sử dụng dịch vụ có được từ hoạt động liên doanh, liên kết. Thực hiện nghiêm quy định về lựa chọn đối tác tham gia vào liên doanh, liên kết, tổ chức đấu giá khi cho thuê tài sản công, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; không gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. (Daibieunhandan.vn 19/11, Nguyên An)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Mỗi năm tiêu sai 50.000 tỉ đồng thì không nợ nần mới lạ

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới tổ chức, hoạt động của ngành thanh tra góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân” do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 18.11, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thống kê 5 năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước và ngành thanh tra mỗi năm phát hiện khoảng 5% ngân sách quốc gia bị chi tiêu không đúng quy định, tương đương khoảng khoảng 45 -50 nghìn tỷ cộng với hàng nghìn ha đất được giao quản lý sử dụng không đúng.

 Con số 50.000 tỉ đồng chi tiêu không đúng quy định phải hiểu như thế nào? Không phải tham ô, tham nhũng, nhưng là lãng phí, phá hoại. Ví dụ như đá lát đường chất lượng 70 năm bị nát chỉ sau 2 năm. Biết bao nhiêu con đường làm xong vừa nghiệm thu đã hỏng, phải đào đi bới lại nhiều lần, đó là phá hoại. Rồi biết bao nhiêu hội nghị, hội thảo, công tác trong nước, nước ngoài nhưng chủ yếu là du lịch hơn là học tập nghiên cứu. Tất cả đều là tiền "chùa".

 Nhiều nơi mọc lên tượng đài, quảng trường, cổng chào, không thể kể hết về sự lãng phí, thất thoát, thậm chí là có dấu hiệu chia chác, lợi ích nhóm ở các công trình này. Cứ liên hệ con số chi tiêu hoang phí với nợ công mới thấy rằng, Việt Nam không nợ mới là chuyện lạ.

 Với 4 triệu tỉ đồng nợ công thì mỗi người Việt Nam sẽ gánh hơn 40 triệu đồng nợ công. Số trả nợ trực tiếp đến 2021 sẽ là 368.000 tỉ đồng, chiếm 27,4% thu ngân sách. Tức là cứ thu được 100 đồng thì 27,4 đồng trả nợ.

 Để trả được số nợ này, phải thắt lưng buộc bụng, thậm chí vét tài nguyên để bán. Đáng tiếc là tài nguyên cạn kiệt, con cá, giọt dầu không còn nhiều như xưa. Nhưng chỉ cần biết "sửa sai", chi tiêu đúng, chưa nói tiết kiệm, thì đã dư ra 50.000 tỉ đồng để trả nợ công. Chưa kể, nếu hàng nghìn ha đất sử dụng có hiệu quả thì sẽ tạo ra lợi nhuận, bù vào để trả nợ công cho quốc gia.

 Ai có quyền chi tiêu tiền ngân sách nếu không phải là quan chức được giao quyền đó. Dân không thể chi tiêu tài sản công. Vậy thì phải thay đổi từ con người, con người cán bộ. Chỉ có cán bộ liêm chính, công chính mới không phá hoại tiền công, tài sản công. (Laodong.vn 19/11, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Bộ Ngoại giao chưa có thông tin về việc bắt bà Hồ Thị Kim Thoa

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay để trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị xác nhận thông tin bắt giữ bà Hồ Thị Kim Thoa tại Pháp.

 Trong mấy ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin bà Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, đã bị bắt tại Pháp và sắp bị dẫn về Việt Nam.

 Có thông tin nói rằng bà Kim Thoa đang sống tại Paris, thủ đô nước Pháp từ lúc bị Việt Nam khởi tố.

 Tháng 7 năm nay, bà Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". (Tienphong.vn 19/11, Bình Giang)Về đầu trang

Ông Đinh La Thăng tiếp tục bị truy tố trong vụ án Ethanol Phú Thọ

Cáo trạng xác định mặc dù liên danh có sự tham gia của công ty do Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch không đủ năng lực thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ song ông Đinh La Thăng vẫn chỉ đạo chỉ định cho nhà thầu này, gây thiệt hại hơn 500 tỷ đồng.

 Cáo trạng xác định mặc dù liên danh có sự tham gia của công ty do Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch không đủ năng lực thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ song ông Đinh La Thăng vẫn chỉ đạo chỉ định cho nhà thầu này, gây thiệt hại hơn 500 tỷ đồng.

 Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB).

 Đồng thời Viện kiểm sát truy tố ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí (PVC) cùng 10 bị can khác (gồm nhiều cựu lãnh đạo và nhân viên PVB). (Tienphong.vn 19/11)Về đầu trang

Nguyên cán bộ văn phòng đăng ký đất đai ở Cần Thơ bị khởi tố

Ngày 18/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Việt Hòa (44 tuổi, Nguyên Tổ trưởng Tổ đo đạc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Bình Thuỷ) để điều tra về hành vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

 Ông Nguyễn Việt Hòa làm Tổ trưởng Tổ đo đạc từ năm 2014 đến tháng 4/2018. Trong đó, giai đoạn năm 2015, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đang trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thủy. 

Ông Hòa được giao nhiệm vụ kiểm tra hồ sơ đo đạc, ký kiểm tra “Mảnh trích đo địa chính”. Đồng thời, ông Hòa phải thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, đánh giá thửa đất có phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay không. 

Tuy nhiên, ông Hòa đã không thẩm định 6 thửa đất, dẫn đến tham mưu chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2015 đối với 8 thửa đất, diện tích hơn 5.700m2, giá trị gần 2,8 tỷ đồng). (VTC.vn 18/11, Thanh Tiến)Về đầu trang

Hà Giang: Bắt tạm giam Trưởng Công an do dùng nhục hình với nghi phạm

Cơ quan chức năng vừa tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 3 tháng đối với Trưởng Công an thị trấn Vĩnh Tuy (tỉnh Hà Giang).

 Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, Cơ quan Điều tra (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) vừa tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 3 tháng đối với Đặng Thế Đông, Đại úy, Trưởng Công an thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang).

 Cơ quan Điều tra (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Trọng Tấn và Nguyễn Vũ Hiệp là công an viên thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang.

 Cả 3 bị can trên đều bị khởi tố để điều tra về tội “Dùng nhục hình” theo quy định tại khoản 2, Điều 373 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Các lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn.

 Theo thông tin điều tra ban đầu, trong khi làm việc với ông Vũ Đình H, trú tại thị trấn Vĩnh Tuy (huyện Bắc Quang), Đặng Thế Đông và hai công an viên là Hoàng Trọng Tấn và Nguyễn Vũ Hiệp đã tát, bẻ tay ra sau lưng, dùng thuốc lá đang cháy dí vào móng tay của Vũ Đình H gây cháy, bỏng móng tay, dùng còng số 8 treo tay ông H lên tường… (TTXVN/Bnews.vn 18/11)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nga xem xét dự luật cho phép Tổng thống Putin tái tranh cử

Dự luật cho phép Tổng thống đương nhiệm Nga Vladimir Putin tái tranh cử đã được đệ trình lên Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga xem xét thông qua. Đây là bước đi để thực hiện các sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 4/7. 

Hiến pháp sửa đổi của Liên bang Nga được thông qua tháng 7 vừa qua sau khi nhận được sự ủng hộ của đa số người dân trong cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc.

 Cùng ngày, Duma Quốc gia Nga cũng đã thông qua lần thứ nhất dự luật về đảm bảo quyền miễn trừ cho các cựu Tổng thống Nga và gia đình họ. Theo đó, Tổng thống Nga sau khi hết nhiệm kỳ vẫn được hưởng quyền miễn trừ (tức là không bị bắt, tạm giữ, khám xét hay truy cứu trách nhiệm hành chính và hình sự). Quyền miễn trừ chỉ bị tước nếu bị buộc tội phản quốc hoặc phạm các tội nghiêm trọng khác. (VTV.vn 19/11)Về đầu trang

Cấp dưới của ông Trump âm thầm liên hệ với nhóm ông Biden

Một số quan chức đương nhiệm trong chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng như các cựu quan chức, đã âm thầm bắt đầu liên hệ với các thành viên trong nhóm chuyển giao của ông Joe Biden.

 CNN đưa tin, các quan chức chính quyền ông Donald Trump và các cựu quan chức đã rời chính quyền trong những tháng gần đây tiếp cận với nhóm của ông Joe Biden.

 Một cựu quan chức trong chính quyền ông Donald Trump chia sẻ với CNN rằng, họ đang coi nỗ lực này là trách nhiệm với đất nước không kể đảng phái. Theo các nguồn tin, các cuộc trao đổi không chi tiết có thể giúp các thành viên nhóm chuyển giao của ông Joe Biden hiểu được những vấn đề mà họ có thể cần giải quyết khi nhậm nhiệm vụ.

 Một cựu quan chức Nhà Trắng rời chính quyền vài tháng trước nói rằng, cá nhân ông đã gửi email cho một người mà ông dự kiến là sẽ đảm nhận vai trò tương tự như ông trong chính quyền ông Joe Biden và đề xuất giúp đỡ.

 Tương tự, một quan chức đương nhiệm xác nhận với CNN hôm 18.11 rằng, đã có cuộc tiếp cận không chính thức từ bên trong chính quyền ông Donald Trump tới nhóm của ông Joe Biden.

 "Không có gì có thể khiến chúng tôi gặp rắc rối. Chỉ là một lời đề nghị giúp đỡ. Họ biết chúng tôi muốn nói gì và những gì chúng tôi có thể và không thể làm hoặc nói" - quan chức này nói.

 Theo quan chức đương nhiệm trong chính quyền ông Donald Trump, việc tiếp cận nhóm ông Joe Biden cho tới nay không mang lại bất kỳ cuộc trao đổi thực sự.

 Một cố vấn cao cấp của ông Joe Biden thừa nhận sự tiếp cận từ chính quyền nhưng từ chối bình luận. Một trợ lý khác của ông Joe Biden nói rằng, sự hỗ trợ được đánh giá cao và trong một số trường hợp là sự phát triển thêm từ các mối quan hệ đã có từ trước trong các lĩnh vực cụ thể nhưng lưu ý rằng nó gần như không mạnh mẽ như quá trình chuyển giao quyền lực. (Laodong.vn 19/11, Hải Anh)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG 

More