Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 11-12-2019

Post date: 11/12/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 1

1.Doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam.. 1

2.  110 doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh thua lỗ năm 2018. 2

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 3

3. Hướng về “tam nông”, vì “tam nông”! 3

QUẢN LÝ.. 4

4.Người giỏi ra ngoài làm việc, chỉ người có vị trí ở lại Nhà nước. 4

5.Chống tham nhũng vẫn không có vùng cấm, không loại trừ bất kỳ ai 5

6.Hà Nội: 4 năm, tinh giản được hơn 4.000 biên chế. 6

7. Bình Dương: Bổ nhiệm 25 cán bộ chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn. 7

8. Quảng Ngãi: Con bốn cán bộ bị thu lại tiền học thạc sĩ nước ngoài 8

9.Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Phải loại bỏ các con sâu đục khoét tiền của nhân dân. 9

10.Quảng Ngãi: Con lãnh đạo đi học bằng ngân sách rồi không về. 10

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

11.   Bộ Tài chính tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia  11

12.  TP.HCM tham gia lễ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. 12

13.Sơn La đẩy nhanh chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua thẻ điện tử. 13

14.Thanh Hóa: Cải cách hành chính theo phương châm 'bốn tăng, hai giảm, ba không' 14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 15

15.Phấn đấu thu ngân sách nhà nước 3 năm (2020-2022) đạt 21-22% GDP. 15

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 16

16.  Quảng Bình: Quan hệ với kế toán ở phòng làm việc, Chánh án bị cách chức. 16

17. Đắk Lắk: Huyện Ea Súp thông tin việc nhiều cán bộ bị nghi vấn bằng cấp. 17

THẾ GIỚI 17

18. Trung Quốc yêu cầu cơ quan nhà nước loại bỏ máy tính nước ngoài 17

19. Saudi Arabia dự trù ngân sách trên 270 tỷ USD cho năm 2020. 18

 MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam

Tiếp tục Chương trình Lãnh đạo quản lý cao cấp Việt Nam 2019 tại Đại học Harvard, Mỹ, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã gặp gỡ một số chính khách và doanh nghiệp Mỹ.

 Tại cuộc làm việc với Quyền Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mitchell Silk và Cựu Trợ lý Ngoại trưởng, Phó Chủ tịch Hội Châu Á Daniel Russel, hai bên đã trao đổi về hợp tác song phương trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nhất là huy động, tận dụng nguồn vốn tư nhân và phát triển thị trường tài chính.

 Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị phía Mỹ quan tâm tới việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ.

 Đồng chí Nguyễn Văn Bình chủ trì Tọa đàm bàn tròn với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ; tiếp Giám đốc điều hành của Tập đoàn Năng lượng AES và Chủ tịch Điện khí GE; thăm Nhà máy điện khí Mystic Generation tại Boston do Tập đoàn Exelon là chủ đầu tư. Đồng chí khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ tăng cường khả năng tiếp cận và tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam.

 Các doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong tái cơ cấu, cải thiện môi trường đầu tư, và cho biết có kế hoạch tăng cường đầu tư, sản xuất tại Việt Nam với nhiều dự án mới như sản xuất khí hóa lỏng, kinh tế số, viễn thông, cơ sở hạ tầng...

 Đoàn công tác cũng đã làm việc với Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và các cơ quan bên cạnh Phái đoàn. (VTV.vn 10/12)Về đầu trang

110 doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh thua lỗ năm 2018

Ngày 10/12/2019, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 và kết quả. tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước năm 2019.

 Theo đó, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, qua báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu thì kết thúc năm tài chính 2018 có 855 doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Trong đó, có 505 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 350 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.

 Tính đến hết năm 2018, tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 855 doanh nghiệp là 1,53 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là 1,36 triệu tỷ đồng và doanh nghiệp có vốn nhà nước là 164.134 tỷ đồng.

 Tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đạt 3,71 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2017.

 Đáng chú ý, trong năm 2018 có đến 110/855 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, chiếm 13% tổng số doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

 "Riêng 505 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn thì có tổng tài sản đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2017. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 39% tổng tài sản. Còn vốn chủ sở hữu của DNNN là trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2017", ông Tiến cho biết.

 Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, năm 2018, tổng doanh thu của các DNNN đạt 1,56 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017. Lãi phát sinh trước thuế của các DNNN đạt 165.752 tỷ đồng, tăng 3%.

 Tỷ suất lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp/vốn chủ sở hữu bình quân chung của các DNNN năm 2018 là 12%, tương đương năm 2017. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp/tổng tài sản bình quân chung chung của các DNNN năm 2018 là 6% cũng tương đương năm 2017", ông Tiến nhận định.

 Về số phát sinh nộp ngân sách của DNNN năm 2018 là gần 268.000 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2017, chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh nội địa, chiếm 76% tổng số phát sinh phải nộp ngân sách của các DNNN.

 Dựa trên các kết quả tổng hợp, ông Đặng Quyết Tiền đánh giá các chỉ tiêu về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 của các DNNN đều có xu hướng tăng lên so với năm 2017.

 Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cũng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn tồn tại nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án có tình hình kinh doanh không tốt, gây thua lỗ và thất thoát lãng phí trong năm 2018. (Vneconomy.vn 10/12, Duyên Duyên)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Hướng về “tam nông”, vì “tam nông”!

Việt Nam là nước nông nghiệp đầy tiềm năng với những dòng sông, những cánh đồng bao la không phải quốc gia nào cũng có được. Nhưng vì sao sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn chưa bứt phá nhanh? Vì sao các chiến lược, chỉ đạo từ vĩ mô nhằm tạo thế cho “tam nông” đột phá đã có nhưng hiệu quả lại chưa như mong muốn? Có phải lỗ hổng, nút thắt là từ khâu tổ chức thực hiện?

 Không để ai bị bỏ lại phía sau, trong khi khoảng cách giàu - nghèo giữa các đô thị và các vùng quê vẫn còn cách xa nhau, thì chính sách hướng về “tam nông”, vì “tam nông” không thể chỉ nói mạnh mà không làm mạnh.

 Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn coi trọng mặt trận sản xuất nông nghiệp, có chiến lược về “tam nông” với tầm nhìn cả trước mắt đến xa dài với nhiều chính sách thiết thực để các vùng quê, làng quê nhanh chóng bứt phá đi lên. Nhiều cuộc đối thoại với nhà nông, với các doanh nghiệp không gì khác là tìm ra quốc sách, kế sách trúng và hay, bắt trúng thực tiễn.

 Hôm nay, 10.12, người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành lại có cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhà nông. Đó chính là một “Diên Hồng về tam nông”! Cuộc đối thoại này phải đặt ra cách nhìn thẳng, phân tích, mổ xẻ đến cùng những gì làm được và cả những gì chưa làm được trong chiến lược “tam nông”. Đối thoại không gì khác để hiểu người quê đang cần gì, mong gì? Nói trao “cần câu” thì “cần câu” chính là đất đai, là giống cây trồng, vật nuôi, là chuyển giao kỹ thuật, là vốn liếng. Nhưng xem ra những vấn đề này vẫn còn những “điểm nghẽn” và “nút thắt”. Bộ, ngành nào cũng nói hướng về “tam nông”, vì “tam nông”, nhưng sự chung tay phối hợp đã đến nơi, đến chốn chưa?

 Người nông dân vì sao mãi trong cảnh “tự bơi”, mất mùa cũng lo, được mùa cũng lo vì đầu ra không ổn định. Bộ NN - PTNT nói rất mạnh về tích tụ đất đai, về cánh đồng mẫu lớn thu hút doanh nghiệp, về việc phải sản xuất cái gì thị trường cần nhưng việc thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

 Chính sách với “tam nông” càng phải nhìn về hàng trăm ngàn hộ dân không có đất để sinh kế. Nhà nông không có đất sao có thể gọi là nhà nông? Thị trường xuất khẩu từ hạt gạo, con cá, con tôm, trái cây... sẽ hướng vào những thị trường nào? Bộ Công thương đã có sách lược mới gì?

 Đối thoại với nhà nông cần thấu đến tận cùng gan ruột của nhà nông. Hãy nghe cô bác trải lòng để hiểu cô bác mong gì, cần gì. Chính sách quản lý, sử dụng đất đai có cần phải xem lại không? Việc thu hồi, đền bù phải đúng luật định, phải thỏa đáng. Chính sách tín dụng của các ngân hàng đã mở rộng, nhưng thủ tục có còn là “rào cản” khi tiếp cận không?

  Xây dựng nông thôn mới không thể nhìn hình thức bên ngoài mà phải đi vào thực chất. Phải tính toán quy hoạch, tạo liên kết vùng, chứ không thể tỉnh, thành nào mạnh tỉnh, thành ấy lo. Phải sớm nhìn rõ biến đổi khí hậu sẽ ngày càng khốc liệt để xây dựng kịch bản ứng phó hiệu quả. Đất rừng quản lý chặt, đất nông nghiệp quản lý càng phải chặt chẽ. Vùng Nam Bộ làm gì; đất Tây Nguyên, các vùng xa nẻo miền núi Tây Bắc đồng bào các dân tộc mong gì, cần gì, khó gì các bộ, ngành phải góp sức tháo gỡ ngay...

 Cuộc sống thay đổi từng ngày, từng giờ, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì chiến lược “tam nông” càng phải đột phá mạnh vào việc tổ chức thực hiện. Thiết kế, ban hành chính sách gì cũng phải tự soi, tự hỏi xem có trúng với sự mong chờ của nhà nông không? (Đại Biểu Nhân Dân 10/12, Đăng Quang)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Người giỏi ra ngoài làm việc, chỉ người có vị trí ở lại Nhà nước

Mọi điểm nghẽn, vấn đề của nền hành chính công vụ hiện nay đều bắt nguồn từ con người. Muốn thay đổi chất lượng hoạt động của bộ máy thì phải thay đổi tư duy, năng lực của từng con người. Vậy công tác đào tạo cán bộ, công chức nên bắt đầu từ đối tượng nào: lãnh đạo quản lý hay người làm việc?

 Tiến sĩ Võ Khánh Vinh – nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội cho rằng, chúng ta xác định ưu tiên hàng đầu phải là nhân lực và có bước đột phá trong đào tạo cho đội ngũ. “Vậy “đột phá” chỗ nào, có phải là toàn bộ hệ thống chính trị? Nên chăng đột phá vào đội ngũ lãnh đạo. Đội ngũ lãnh đạo của ta so với yêu cầu hiện nay là đang không đi kịp” – ông Vinh đặt vấn đề.

 Từ chỗ xác định đối tượng rồi thì đào tạo cái gì và theo nhu cầu nào? Nên có tư duy chuyển từ kiến thức thuần tuý sang đào tạo kết hợp năng lực phẩm chất, kỹ năng. “Cái thiếu của cán bộ là năng lực, phẩm chất, kiến thức nhiều nhưng năng lực yếu. Năng lực phẩm chất cần là mẫu số chung cho tất cả các loại cán bộ. Vậy thì chương trình đào tạo có thiết kế cho một mẫu số chung này không? Có năng lực, phẩm chất thì sẽ giải quyết được các vấn đề của phát triển”.

 Thế nhưng, một thực tế hiện nay được nhiều chuyên gia nhắc tới đó là tình trạng nhiều người làm công tác quản lý, làm lãnh đạo luôn cho rằng mình đã đủ giỏi không cần thiết phải học hành, bồi dưỡng gì thêm nữa. Chính vì thế, nhiều lớp học tổ chức ra cho các đối tượng quản lý nhưng lại chỉ có nhân viên đi học, vừa không phù hợp đối tượng vừa gây lãng phí rất lớn.

 Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Thế Liên – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp nói: “Bác Hồ nói cán bộ là gốc của vấn đề. Khi chúng ta cải cách hành chính từ cai trị sang dân chủ thì yêu cầu đó càng cao hơn. Đào tạo nhân lực cho công vụ, công chức rồi phải làm như thế nào để người ta tự vươn lên. Còn làm như hiện nay thì nguồn lực nhà nước không đủ sức và lãng phí. Tự học quan trọng hơn là đào tạo, vì người ta tự thấy cái gì thiếu”.

 Làm thế nào thiết kế chương trình đào tạo thiết thực? Theo ông Liên, việc cần bàn là đội ngũ cán bộ đang nằm trong hệ thống. Để có chương trình thiết thực và hiệu quả thì phải nhận diện cái yếu của họ. Thứ nhất cần đánh giá bất cập của chúng ta so với yêu cầu như thế nào? Trong nền hành chính truyền thống họ đã làm đúng vai trò của mình chưa? Chưa. Vậy cái truyền thống còn chưa làm được mà bỏ qua để nhảy lên cái cao hơn thì liệu có ổn? 

Cùng với đó, theo ông Liên, chúng ta phải xây dựng hệ tiêu chí đối với công chức hiện nay. Nền hành chính chuyên nghiệp mà công chức chưa chuyên nghiệp. Muốn chuyên nghiệp thì phải cạnh tranh tìm kiếm người giỏi, còn giờ ở ta người giỏi ra ngoài chỉ còn người có vị trí mới ở lại. Dựa trên bất cập của đội ngũ công chức phải xây dựng bộ tiêu chí, coi như đây là đơn đặt hàng với các cơ sở đào tạo để họ làm đầu ra. Trước mắt, phải rà soát cán bộ, phân loại: Đáp ứng, đáp ứng 1 phần (để đào tạo) và loại yếu thì cho ra. Phải hướng đào tạo vào nhu cầu thực tế công việc.

 “Tôi đi các khóa đào tạo, người tham gia rất đông nhưng có người nói các kiến thức rất cần, nhiều người lại nói thừa, không muốn nghe” – ông Liên cho biết.

 Ông Liên cũng cho rằng, cần chấm dứt việc vào làm việc rồi còn đi học, đi làm rồi thì chỉ bồi dưỡng. Việc học tại chức, chuyên tu chỉ dành cho thời kỳ đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, bao cấp, giáo dục chưa phát triển. Bây giờ các chương trình đào tạo đầy đủ rồi mà vẫn còn đi học tại chức, trong khi có nhiều người được đào tạo bài bản lại đứng ngoài. (VOV.vn 10/12, An Nhi)Về đầu trang

Chống tham nhũng vẫn không có vùng cấm, không loại trừ bất kỳ ai

Chiều 9/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tiếp xúc cử tri huyện Đức Hòa.

 Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Đức Hòa tiếp tục nêu kiến nghị liên quan đến một số dự án đầu tư hạ tầng giao thông, công tác triển khai giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu tư mở rộng thêm đường giao thông…

 Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội trong xây dựng hay sửa đổi các quy định pháp luật cần bám sát thực tiễn, tăng cường chế tài đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn ma túy, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng…

 Phát biểu với cử tri Đức Hòa, bên cạnh việc thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, những vấn đề phức tạp trong quan hệ thương mại, chính trị khu vực và trên thế giới, công tác đối ngoại, đấu tranh bảo vệ chủ quyền và giữ gìn hòa bình thời gian qua… Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề cập nhiều đến công tác phòng chống tham nhũng, đấu tranh phòng chống tội phạm… được nhiều cử tri quan tâm. 

Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, đa số doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp lại phát triển theo hướng móc nối với một số cán bộ hư hỏng, nhưng có vị trí trong bộ máy Nhà nước để tham ô, tham nhũng ngân sách, tài nguyên, mà chủ yếu là đất đai với giá trị rất lớn.

 Phó Thủ tướng khẳng định, quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là tiếp tục đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, tiếp tục tổ chức điều tra, phát hiện tới đâu, xử lý tới đó. Chống tham nhũng vẫn trên tinh thần không có vùng cấm, không loại trừ bất kỳ ai dù ở cương vị nào. Ông cũng cho hay, vừa qua, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, cơ quan chức năng đã làm tốt việc thu hồi tài sản tham nhũng, nhưng tới đây, công tác này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa, nhằm thu hồi lượng rất lớn tài sản của Nhà nước, của nhân dân bị tham nhũng đã được phát hiện.

 Cùng với đó, tập trung trấn áp các loại tội phạm như buôn lậu qua biên giới, kinh doanh hàng gian, hàng giả, ma túy, tín dụng đen và đi cùng là đòi nợ thuê… không để các loại tội phạm này lộng hành. Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng sửa đổi các quy định theo hướng tăng chế tài, xử lý mạnh tay hơn đối với các loại tội phạm, làm lành mạnh hoạt động kinh tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

 Đối với Long An nói chung và huyện Đức Hòa nói riêng, Phó Thủ tướng gợi ý, tới đây, cần mạnh dạn đột phá vào cơ sở hạ tầng kết nối với các địa phương khu vực, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và chủ động cải cách thủ tục hành chính trong tỉnh để thu hút đầu tư.

 Long An tiếp tục phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp. Trong nông nghiệp, phát triển lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác có chất lượng cao, tạo ra những vùng nguyên liệu lớn gắn với chế biến, gắn hộ nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo quyền lợi cho người nông dân tham gia góp đất. 

Với điều kiện, đặc thù của khu vực Đồng Tháp Mười, Long An ưu tiên phát triển điện mặt trời, điện gió, đồng thời, trong bối cảnh cả vùng ĐBSCL được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, quy hoạch vùng này theo hướng phát triển các vùng sinh thái thích nghi với nguy cơ trên. (Baochinhphu.vn 10/12, Mạnh Hùng)Về đầu trang

Hà Nội: 4 năm, tinh giản được hơn 4.000 biên chế

Thông tin trên được đưa ra tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều ngày 10.12.

 Báo cáo công tác cải cách thủ tục hành chính của thành phố Hà Nội trong thời gian qua, Trưởng Phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ Hà Nội Phạm Tuấn Anh cho biết: Công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông luôn được Thành phố quan tâm, chỉ đạo sát sao. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ giải quết đúng hạn, trước hạn đã tăng lên đáng kể theo từng năm. Cụ thể, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn đạt 98,81% ( năm 2006), đạt 98,13% ( năm 2017), và đạt 98,5% ( năm 2018), đến hết quý III năm 2019, đạt 99,86%.

 Cũng trong thời gian qua, Thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Đến nay, toàn Thành phố có 1.448 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Đáng chú ý, số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng Dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử Thành phố đạt hơn 2,2 triệu hồ sơ. Riêng thủ tục liên thông đăng ký khai sinh đang vận hành trên hệ thống một cửa điện tử dùng chung đạt tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 74%.

 Đối với cải cách tài chính, đến nay Thành phố đã triển khai thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại 8 cơ quan, đơn vụ của Thành phố, góp phần tiết kiệm được kinh phí quản lý hành chính và tinh giản biên chế lái xe ở các cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm khoán xe.

 Tại hội nghị, trả lời xung quanh những câu hỏi báo chí nêu về việc sáp nhập các đơn vị hành chính, cải cách bộ máy- vấn đề đặt ra là sau khi sáp nhập, số lượng con người có giảm hay không, hay chỉ giảm đẩu mối các đơn vị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Chí Đoàn cho biết: Hà Nội rất có kinh nghiệm trong sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính. Thời gian qua, thực hiện việc sắp xếp được bảo đảm đúng quy định, nhờ đó quá trình sắp xếp của Thành phố bảo đảm ổn định, cơ bản cán bộ không có tâm tư lớn; không có trường hợp khiếu kiện trong sắp xếp bộ máy. Đối với cải cách bộ máy, thực tế để biết được có giảm về con người hay không thì sau sáp nhập phải cộng dồn các sở, ngành vào mới biết. Tuy nhiên, kết quả có thể nhìn thấy, đó là sau khi sáp nhập các đơn vị, có giảm số lượng lãnh đạo ( từ cấp trưởng xuống cấp phó, từ cấp phó xuống nhân viên).

 Ông Đoàn cũng cho biết, hơn 4 năm qua, Hà Nội đã tinh giản được hơn 4.000 biên chế. (Đại Biểu Nhân Dân 10/12, Bảo Hân)Về đầu trang

Bình Dương: Bổ nhiệm 25 cán bộ chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn

Thanh tra Bộ Nội vụ vừa có Thông báo kết luận thanh tra chỉ rõ nhiều sai sót về quản lý, tuyển dụng, nâng ngạch công chức, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý, số lượng cấp phó và việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Bình Dương (giai đoạn từ 1/1/2017 đến 31/5/2019).

 Theo kết luận thanh tra, căn cứ chỉ tiêu biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao thì năm 2017, UBND tỉnh Bình Dương giao vượt 543 chỉ tiêu, năm 2018 giao vượt 489 chỉ tiêu, năm 2019 vượt 325 chỉ tiêu. Qua kiểm tra, năm 2017 số công chức có mặt của tỉnh vượt 104 người, năm 2018 vượt 40 người, đến 30/6/2019 vượt 17 người. UBND tỉnh Bình Dương đã xây dựng đề án vị trí việc làm, được Bộ Nội vụ phê duyệt khung danh mục 317 vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh. Đến nay, UBND tỉnh mới phê duyệt đề án vị trí việc làm của 10 cơ quan, đơn vị, còn 20 cơ quan, đơn vị chưa phê duyệt.

 Tại thời điểm thanh tra, còn 10 cơ quan, tổ chức sử dụng 150 hợp đồng làm công tác chuyên môn nghiệp vụ. Ngày 26/11/2019, UBND tỉnh báo cáo đến nay đã chấm dứt hoàn toàn số hợp đồng lao động này.

 Về tuyển dụng công chức, trong giai đoạn thanh tra, UBND tỉnh Bình Dương đã tuyển dụng 39 công chức trong trường hợp đặc biệt. Qua kiểm tra có 2 hồ sơ không có tài liệu thể hiện việc Hội đồng kiểm tra sát hạch báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt hình thức, nội dung kiểm tra sát hạch. 11 hồ sơ thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước. 5 hồ sơ thiếu chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B và tương đương theo yêu cầu của tiêu chuẩn ngạch. 

Kết quả kiểm tra cho thấy, hồ sơ của 5 trường hợp thể hiện tại thời điểm tuyển dụng bằng đại học chưa đủ 60 tháng, tính đến thời điểm thanh tra 2 trường hợp đã trên 60 tháng và 3 trường hợp chưa đủ 60 tháng. Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương đã thu hồi quyết định tuyển dụng đối với 3 trường hợp này.

 Về việc xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên, trong giai đoạn thanh tra UBND tỉnh Bình Dương đã xét chuyển 8 trường hợp cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện. Tuy nhiên một số biên bản kiểm tra, sát hạch hoặc văn bản đề nghị Sở Nội vụ chưa thể hiện đầy đủ nội dung kiểm tra, sát hạch.

 Theo Thanh tra Bộ Nội vụ, tháng 12/2018, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức 2 kỳ thi nâng ngạch từ ngạch cán sự, nhân viên và tương đương lên ngạch chuyên viên và tương đương. Từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính. Qua kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện còn tồn tại, hạn chế về đáp án đề thi như: phiếu chấm, bảng tổng hợp điểm của các giám khảo, việc bàn giao danh sách ghép phách… Qua kiểm tra xác suất một số bài thi viết môn kiến thức chung chấm chưa sát đáp án, nhiều trường hợp được xét miễn thi môn ngoại ngữ nhưng chứng chỉ, chứng nhận nộp sau thời hạn nhận hồ sơ.

 Về bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý, qua kiểm tra Thanh tra Bộ Nội vụ phát hiện có 8 trường hợp được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại trước ngày 28/12/2017 và 17 trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại sau ngày 28/12/2017 chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học, trung cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà ngạch chuyên viên chính, bồi dưỡng về quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định của ban ngành chủ quản. Có trường hợp chưa giữ ngạch chuyên viên chính theo quy định của Tỉnh ủy Bình Dương. Đáng chú ý, một lãnh đạo cấp sở được tuyển dụng công chức trong trường hợp đặc biệt khi chưa đủ 60 tháng công tác và không lấy ý kiến thống nhất Bộ Nội vụ trước khi tuyển dụng...

 Trên cơ sở kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng biên chế công chức, tuyển dụng công chức, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý. (Daidoanket.vn 10/12, Đức Sơn) Về đầu trang

Quảng Ngãi: Con bốn cán bộ bị thu lại tiền học thạc sĩ nước ngoài

Ngày 10/12, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã có quyết định thu hồi kinh phí đào tạo nước ngoài theo đề án của tỉnh, với bốn thạc sĩ (ba nữ, một nam), là con các quan chức về hưu và cán bộ đương nhiệm. Số tiền thu hồi của mỗi người gấp đôi chi phí đi học từ ngân sách.

 Cụ thể, con của cựu Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh bị thu hồi 3,48 tỷ đồng; con  Giám đốc Sở Tài chính bị thu hồi 2,05 tỷ đồng; con Chủ tịch TP Quảng Ngãi bị thu hồi gần 1,95 tỷ đồng vì không về làm việc như cam kết.

Con của cựu Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy bị thu hồi gần 2,4 tỷ đồng vì chuyển công tác ra ngoài cơ quan thuộc tỉnh Quảng Ngãi khi chưa thực hiện đủ thời gian cam kết.

 Năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi có đề án định hướng đến 2015 đào tạo và thu hút 300 thạc sĩ và 20 tiến sĩ trong và ngoài nước. Từ năm 2016 đến 2020, tỉnh cử đi đào tạo và thu hút 350 thạc sĩ, 25 tiến sĩ trong, ngoài nước.

 Theo đề án, sinh viên tốt nghiệp được cử đi học phải có thành tích xuất sắc trong công tác học tập nghiên cứu; phải phục vụ ở địa phương ít nhất gấp 4 lần thời gian đào tạo nhưng không dưới 10 năm; khi tốt nghiệp phải chấp hành sự bố trí, phân công công tác của cơ quan thẩm quyền.

 Người đi học sau đại học ở nước ngoài được hỗ trợ 100% học phí và chi phí bắt buộc khác nếu trường yêu cầu tự túc; tiền sinh hoạt hàng tháng theo quy định. Nếu họ được tổ chức cá nhân tài trợ một phần kinh phí thì số tiền còn lại được hỗ trợ. Nếu được tài trợ 100% học bổng thì được hỗ trợ 20% tiền sinh hoạt hàng tháng theo quy định.

 Cũng theo đề án, người được cử đi học phải đền bù gấp đôi khi kết thúc khóa đào tạo mà không về công tác ở cơ quan được bố trí hoặc không chấp hành quyết định phân công công tác; bỏ việc, thôi việc bị kỷ luật khi chưa thực hiện đủ thời gian cam kết. (Vnexpress.net 10/12, Phạm Linh)Về đầu trang

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Phải loại bỏ các con sâu đục khoét tiền của nhân dân

Chiều 10-12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu Quốc hội gồm ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM và ông Phạm Phú Quốc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 10.

 Tại buổi tiếp xúc, hai vấn đề lớn của đất nước mà cử tri quận này quan tâm nhất là chủ quyền biển, đảo và công tác chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

 Cử tri Đinh Văn Huệ cho rằng mặc dù Đảng và Nhà nước đã quyết liệt chống tham nhũng và đem lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, ông Huệ vẫn cảm thấy buồn về tình trạng nhiều đảng viên, cán bộ suy thoái làm những điều hại nước, hại dân. “Quốc nạn này chưa được ngăn chặn triệt để. Chúng tôi đề nghị Quốc hội cùng với Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng hợp lực, nghiên cứu tìm ra nguyên nhân để chống tham nhũng quyết liệt, hiệu quả hơn nữa” - ông Huệ nói.

 Cùng quan điểm, ông Vũ Nga cho biết từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung ương đã xử lý kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị. Gần đây lại có thêm một người nguyên là phó thủ tướng Hoàng Trung Hải bị vi phạm đến mức xem xét kỷ luật. “Trung ương Đảng đã kiên quyết loại bỏ những con sâu đục khoét tiền của nhân dân, tham ô, nhũng nhiễu” - ông Nga nói và cho rằng còn nhiều cán bộ tham nhũng, nếu không xử lý nghiêm sẽ làm mất niềm tin của nhân dân. Ông đề nghị Trung ương phải tiếp tục làm và làm thật quyết liệt, không được dừng lại, đây cũng là yêu cầu của nhân dân. 

Chia sẻ với cử tri, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng bí thư, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến vượt bậc, đem lại niềm tin cho cán bộ và nhân dân. “Nhưng chống xong chưa? Chưa, còn phải tiếp tục, kiên quyết và kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII trong việc phòng, chống tham nhũng, suy thoái, lãng phí, tiêu cực” - ông Nhân nói và cho biết ông cũng rất đau lòng khi 70 cán bộ cao cấp bị xử lý.

 “Nhưng không xử lý không được. Như Tổng bí thư có nói, xử lý này vừa là trực tiếp đối với những người có sai phạm nhưng cũng là răn đe những người khác nếu tiếp tục đi theo con đường tham nhũng là không có lối ra, không lối thoát” - ông Nhân nói và cho biết thêm muốn kết luận xử lý một vụ việc liên quan đến tham nhũng, các cơ quan liên quan phải có thời gian kiểm tra, kết luận. Như vụ việc sai phạm liên quan đến các cựu lãnh đạo Bộ TT&TT, cơ quan chức năng đã tập hợp hồ sơ nhiều năm, hiện đã xử lý từng bước từ thấp lên cao, bây giờ mới đến trách nhiệm của những người đứng đầu nguyên của bộ này.

 Chia sẻ thêm thắc mắc của cử tri cho rằng luật hiện nay bỏ hình phạt tử hình với tội tham nhũng, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết không có chuyện miễn tử hình với tội phạm tham nhũng. Nếu tham nhũng gây tổn thất ở khung cao, ví dụ nhận hối lộ, vẫn có thể tử hình.

 Liên quan đến chủ quyền biển, đảo, cử tri Đinh Văn Huệ cho rằng biển, đảo của chúng ta thường xuyên bị xâm phạm bởi âm mưu lâu dài của Trung Quốc. Ông cho rằng phải thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân biết đường lối đấu tranh của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Bằng mọi giải pháp phải kiên trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên cơ sở pháp luật quốc tế.

 Cử tri Nguyễn Văn Họe cũng cho rằng lãnh đạo trung ương đã từng khẳng định chủ quyền quốc gia là không bao giờ nhân nhượng nhưng tình trạng Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ở biển Đông làm cho người dân cảm thấy lo lắng. Ông đề nghị Quốc hội trong kỳ họp tới đây cần phải có nghị quyết lên án Trung Quốc với những hành động ngang ngược trên biển Đông. (Pháp Luật TPHCM 11/12, Tá Lâm) Về đầu trang

Quảng Ngãi: Con lãnh đạo đi học bằng ngân sách rồi không về

Ngày 10-12, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định thu hồi kinh phí đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài đối với bốn cá nhân đi du học bằng ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng không về tỉnh công tác như cam kết.

 Theo tìm hiểu, những người được cử đi du học nước ngoài là con của giám đốc Sở Tài chính; con của nguyên trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; con chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi và con của cựu trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

 Sở Nội vụ Quảng Ngãi quyết định thu hồi gấp đôi kinh phí đã hỗ trợ cho bốn người này. Tổng số tiền thu hồi là hơn 9,8 tỉ đồng.

 Sở Nội vụ tỉnh này cũng yêu cầu các cá nhân có tên nêu trên nộp tiền trong hai năm và cho phép chia nhỏ thành 10 lần (mỗi lần khoảng 10% tổng số tiền phải nộp).

 Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi quyết định ban hành đề án đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh này.

 Theo đề án, sau khi kết thúc khóa học, người được hỗ trợ đi học ở nước ngoài phải về nước và phục vụ ở địa phương ít nhất gấp bốn lần thời gian đào tạo (không dưới 10 năm).

 Nếu người được cử đi học theo đề án nhưng không về công tác ở cơ quan bố trí hoặc không chấp hành quyết định phân công công tác của cơ quan thẩm quyền, bỏ việc, thôi việc khi chưa đủ thời gian cam kết phải đền bù gấp đôi số tiền được hỗ trợ. (Pháp Luật TPHCM 10/12, Thanh Nhật)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bộ Tài chính tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia

Chiều 9/12, tại Hà Nội, thực hiện nghi thức khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tuyệt đối không để tâm lý, tình trạng các ngành, các cấp thấy có Cổng DVCQG rồi thì lơi lỏng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của mình, ngược lại cần đẩy mạnh hơn nữa…

 Theo đó, Cổng DVCQG chính thức được khai trương, trở thành công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.

 Tại thời điểm khai trương, Cổng DVCQG cung cấp các dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp; dịch vụ cấp điện trung áp và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. Cổng DVCQG cung cấp 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ: Cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.

 Trong quý I/2020, các bộ, ngành, địa phương sẽ tích hợp lên Cổng DVCQG 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế cá nhân, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, thu phạt vi phạm giao thông đường bộ…

  Cổng DVCQG cho phép giấy tờ, thông tin tổ chức, cá nhân đã cung cấp một lần thành công khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến được tái sử dụng khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau và kết quả giải quyết thủ tục hành chính được công nhận tính pháp lý trên toàn hệ thống. Việc cung cấp dịch vụ công không còn phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

 Cổng DVCQG được xây dựng là một hệ thống thống nhất, truy cập tại một địa chỉ duy nhất giúp tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí trong quá trình chuẩn bị và xử lý hồ sơ, giấy tờ của cá nhân, tổ chức mà các Cổng dịch vụ công của các bộ, tỉnh, thành phố khó thực hiện được. Đây là địa chỉ cung cấp các thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công đầy đủ, tin cậy, chính xác, được đảm bảo thi hành của Chính phủ.

 Việc nâng cấp Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính cũng nhằm thiết lập hệ thống thông tin điện tử một cửa kết nối giữa các cấp chính quyền nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.

 Là một trong những bộ, ngành, địa phương đầu tiên đã kết nối, tích hợp với Cổng DVCQG, ông Nguyễn Đại Trí – Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Cổng DVCQG được xây dựng giúp giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công thông qua việc cắt giảm các thủ tục, trình tự kiểm tra, xác nhận đối với các thông tin được truy xuất từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được tích hợp như đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm.

 Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thực hiện tích hợp một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có số lượng hồ sơ phát sinh lớn và thiết yếu với tổ chức, doanh nghiệp và người dân lên Cổng DVCQG. Đồng thời Bộ Tài chính sẽ rà soát, tiếp tục mở rộng danh sách các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tích hợp lên Cổng DVCQG.

 Để phục vụ cho việc tích hợp với Cổng DVCQG và đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đang thực hiện nâng cấp Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính nhằm bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa kiểm soát thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử.

 Bên cạnh đó, việc làm này còn nhằm tăng cường tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; tăng tính liên thông, kết nối, chia sẻ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng số lượng thủ tục hành chính được hướng dẫn, tiếp nhận, giám sát, trả kết quả.

 Ông Nguyễn Đại Trí cho rằng việc xây dựng và khai trương Cổng DVCQG là bước đi cụ thể, khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai Chính phủ điện tử và hướng tới xây dựng Chính phủ số, đồng thời là minh chứng rõ nét nhằm hiện thực hóa chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. (Tapchitaichinh.vn 10/12, D.Bùi) Về đầu trang

TP.HCM tham gia lễ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia

Cùng với 6 điểm cầu khác, điểm cầu TP.HCM đã tham gia lễ khai trương cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ dichvucong.gov.vn. do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

 Tại buổi lễ, nhiều điểm cầu đã trực tiếp cùng đăng ký các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia như: đổi giấy phép lái xe tại điểm cầu Hà Nội, đăng ký khai sinh ở tỉnh Quảng Ninh, đăng ký cấp điện mới lưới điện trung áp TP.HCM…

 Hiện nay, TP.HCM đã hoàn thành kết nối 42 dịch vụ công của thành phố với dịch vụ công quốc gia như: thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục cấp phép xây dựng, đăng ký khai sinh, cấp lại, đổi thẻ căn cước, giải quyết thủ tục làm con dấu mới… Theo kế hoạch, năm 2020, 50%, tương đương với 322 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 của thành phố, sẽ kết nối với dịch vụ công quốc gia.

 Cổng dịch vụ công quốc gia là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng theo nguyên tắc xây dựng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ và không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách. (VTV.vn 10/12)Về đầu trang

Sơn La đẩy nhanh chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua thẻ điện tử

Từ tháng 12/2019, Bưu điện và Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân.

 Theo đó, hàng tháng, ngành Bưu điện và Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La phối hợp thực hiện chi trả cho 31.051 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội với tổng số tiền trên 120 tỷ đồng.

 Bà Đỗ Thị Thành, Phó Giám đốc Bưu điện thành phố Sơn La cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua thẻ chi trả điện tử được triển khai, thực hiện theo lộ trình do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng.

 Tại tỉnh Sơn La, tháng 11/2019, cơ quan bưu điện đã tiến hành lấy thông tin, cấp phát thẻ chi trả điện tử thay thế cho phiếu lĩnh lương hưu, trợ cấp xã hội cho người hưởng trên địa bàn. Các điểm chi trả có số lượng cấp phát thẻ trên 80% thực hiện chi trả lương, trợ cấp xã hội qua thẻ chi trả điện tử ngay trong tháng 12/2019.

 Bà Nguyễn Thị Thọ, trú tại tổ 4, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La chia sẻ, tháng 12/2019 là kỳ lương đầu tiên bà nhận qua thẻ chi trả điện tử. Bà nhận thấy đây là hình thức chi trả rất văn minh, tiện lợi, phù hợp với xu hướng công nghệ thông tin. Với thẻ chi trả điện tử được tích hợp ảnh, mỗi lần đi nhận lương, bà không phải mang theo chứng minh thư nhân dân hay giấy tờ tùy thân có ảnh để đối chiếu. Thẻ lại được cơ quan bưu điện cấp phát, sử dụng miễn phí và có thời hạn 5 năm, không mất thời gian đi thay mỗi năm như phiếu lĩnh trước đây.

 Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua thẻ chi trả điện tử tạo điều kiện cho người hưởng có thể rút lương hưu, trợ cấp xã hội tại tất cả các điểm chi trả của bưu điện, không phụ thuộc vào nơi đăng ký danh sách nhận ban đầu. Hoặc có thể rút vào bất kỳ thời điểm nào thích hợp, không phụ thuộc vào ngày chi trả lương hay linh động chọn nhận hết, nhận từng phần và khoản tiền còn vẫn nằm trong tài khoản thẻ.

 Theo bà Phạm Thanh Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua thẻ chi trả điện tử nhằm hiện đại hóa công tác chi trả, giảm thủ tục hành chính, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người hưởng nhận lương hưu, trợ cấp xã hội. Đặc biệt, các khoản chế độ, trợ cấp được tích hợp trên cùng một thẻ giúp người hưởng thuận tiện hơn trong việc quản lý, không phải đi nhận tiền nhiều lần tại nhiều điểm chi trả khác nhau.

 Ông Phùng Thế Hùng, Giám đốc Bưu điện tỉnh Sơn La cho biết, với thẻ chi trả điện tử, người hưởng có thể quản lý, theo dõi số tiền và thông tin giao dịch thông qua các công cụ như website, điện thoại di động và các điểm chi trả. Ngành Bưu điện và Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ có thêm công cụ quản lý người hưởng một cách hợp lý, hiệu quả, bảo đảm chính xác và tránh thiếu sót, gây trục quỹ bảo hiểm xã hội. Thời gian tới, ngành Bưu điện sẽ đề xuất với Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường nhân lực tham gia kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các điểm chi trả có số người hưởng trên 100 người nhằm bảo đảm tiến độ và nâng cao hiệu quả chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua thẻ chi trả điện tử.

 Cùng với đó, ngành Bưu điện và Bảo hiểm xã hội tỉnh vẫn tiếp tục phối hợp duy trì song song các điểm chi trả tập trung để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc nhận lương hưu, trợ cấp xã hội của người hưởng. Cùng với đó, hai ngành tăng cường tuyên truyền ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua thẻ chi trả điện tử, phấn đấu đến tháng 1/2020 sẽ triển khai, thực hiện đồng loạt tại các điểm chi trả trong toàn tỉnh. (Baotintuc.vn 10/12, Diệp Anh) Về đầu trang

Thanh Hóa: Cải cách hành chính theo phương châm 'bốn tăng, hai giảm, ba không'

Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh cải cách hành chính theo phương châm “bốn tăng, hai giảm, ba không”.

 Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa vào một buổi sáng đầu tuần. Thời điểm này phải có đến hàng trăm người dân đến làm các thủ tục. Đội ngũ chuyên viên các sở, ban ngành tỉnh Thanh Hóa làm việc tại trung tâm này ăn mặc chỉnh tề đang tận tình hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục, giấy tờ. Ngoài bàn máy tính làm việc của các chuyên viên, trung tâm còn trang bị các máy tính nối mạng để người dân có thể truy cập thông tin, in, sao tại liệu miễn phí ngay tại khu vực này.

 Ông Trần Văn Tân, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và thương mại Phong cách mới cho hay, ngày 15/11/2019, ông đến để làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực trồng trọt. Sau 21 ngày, đúng thời gian hẹn, ông lên để nhận kết quả.

 “Bây giờ, làm thủ tục liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp thông qua trung tâm phục vụ hành chính công phải nói là rất thuận tiện. Chỉ sau 1 lần nộp hồ sơ chúng tôi được các chuyên viên phụ trách hướng dẫn cụ thể, chỉ cần bổ sung hồ sơ 1 lần, đúng hẹn là có kết quả. Tất cả các thông tin về quy trình giải quyết hồ sơ đều được công khai, minh bạch. Vướng ở đâu, vì sao vướng tôi có thể ngồi ở nhà nắm được thông tin để bổ sung. Sau khi thực hiện thủ tục do các chuyên viên phụ trách mảng hồ sơ của mình hướng dẫn, chúng tôi được đánh giá thái độ, mức độ hài lòng đối với việc giải quyết các thủ tục. Điều này rất hiệu quả trong việc đơn giản hóa các thủ tục hiện nay” – ông Tân cho hay.

 Đại diện Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Thanh Hóa cho hay, các thủ tục khi được đưa đến đây đều được công khai, minh bạch. Tại khu vực làm việc của trung tâm có camera không góc chết có thể quan sát được hết các hoạt động ở mọi góc độ khác nhau. Từ thái độ của công dân đến đây làm việc đến thái độ của cán bộ, công chức phụ trách đều được phản ánh một cách trung thực. Và thực tế, từ năm 2017 đến nay, trung tâm hoạt động rất hiệu quả, các thủ tục hành chính khi được công khai, ứng dụng ngày càng nhiều công nghệ thông tin đã cắt giảm được 30% thời gian thực hiện.

 Đại diện Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Thanh Hóa đánh giá rất cao hiệu quả của ngành nông nghiệp trong cải cách hành chính thời gian gần đây. Đến thời điểm này của năm 2019, tình hình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của Sở NN-PTNT thông qua Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa đạt tỷ lệ 99,94 hồ sơ, thủ tục trước hạn và đúng hạn.

 Theo ông Nguyễn Khang Duẩn, chuyên viên Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, người được biệt phái sang giải quyết thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa thì có ngày có đến 40 bộ hồ sơ cần phải giải quyết ở 21 lĩnh vực. Các máy tính ở đây đều được cài đặt phần mềm hẹn ngày trả kết quả. Quy trình, đường đi của hồ sơ được cập nhật trên hệ thống nên người dân có thể theo dõi diễn biến quá trình giải quyết. 

“Điều quan trọng khi giải quyết thủ tục ở đây là phải nắm vững các thủ tục hành chính. Khi tiếp nhận nhu cầu của người dân, cán bộ phải tư vấn, hỗ trợ, trao đổi để người dân có đầy đủ thủ tục. Các hồ sơ chuyên sâu thì sau khi tiếp nhận chúng tôi chuyển về cho phòng chuyên môn xử lý. Quá trình xử lý, ai xử lý, xử lý đến đâu sẽ được cập nhật trên hệ thống để người dân theo dõi” – ông Duẩn cho hay.

 Cũng theo ông Duẩn, cải cách hành chính của Sở NN-PTNT được thực hiện theo phương châm “bốn tăng, hai giảm, ba không”. Bốn tăng gồm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ; tăng sự hài lòng của tổ chức công dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Hai giảm gồm, giảm thời gian, giảm chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính. Ba không gồm, không phiền hà, sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần; không trễ hẹn… (Nongnghiep.vn 10/12, Võ Văn Dũng) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Phấn đấu thu ngân sách nhà nước 3 năm (2020-2022) đạt 21-22% GDP

Trong thông cáo báo chí được Bộ Tài chính vừa phát ra, đơn vị này đang đặt mục tiêu thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2020-2022 đạt 21-22% GDP, trong đó số thu nội địa sẽ chiếm tới 84% tổng thu.

 Bộ Tài chính đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể trong Kế hoạch Tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm (2020-2022). Việc xây dựng các mục tiêu này được căn cứ trên thực hiện kế hoạch tài chính những năm qua và dự toán thu năm 2020.

 Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 được Quốc hội thông qua là 1.512,3 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 1.264,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,6% tổng thu ngân sách nhà nước. Dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 là 1.747,1 nghìn tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển là 470,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,9% tổng chi ngân sách nhà nước; chi thường xuyên là 1.056 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,5% tổng chi ngân sách nhà nước; nếu bao gồm chi tạo nguồn cải cách tiền lương và tinh giản biên chế thì chiếm khoảng 63,9% tổng chi ngân sách.

 Với kết quả đạt được năm 2016-2018, đánh giá năm 2019 và dự toán năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, tính chung về cơ bản đạt và vượt các mục tiêu Kế hoạch Tài chính 5 quốc gia giai đoạn 2016-2020.

 Trên cơ sở các mục tiêu về tài chính-ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, đánh giá các kết quả tài chính – ngân sách 5 năm 2016-2020; các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội,... tại các Nghị quyết Trung ương, Bộ Tài chính đưa ra mục tiêu đối với kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm (2020-2022) là:

 “Phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công, đảm bảo an toàn, bền vững; huy động hợp lý từ nền kinh tế vào ngân sách nhà nướctrên cơ mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu, cải cách hiện đại hoá thủ tục hành chính thuế; quản lý, phân bổ, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả chi ngân sách nhà nước phù hợp với khả năng cân đối nguồn thu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, giải quyết các vấn đề an sinh và công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách; đồng thời thực hiện có hiệu quả các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội”.

 Theo đó, thu ngân sách nhà nước 3 năm (2020-2022) phấn đấu đạt khoảng 21-22% GDP, trong đó thu nội địa chiếm trên 84% tổng thu ngân sách nhà nước.

 Thực hiện Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 27, số 28/NQ-TW Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII, phấn đấu tỷ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 26% tổng chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước các năm 2021, 2022 đạt khoảng 3,5%. (Hải quan 10/12)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Quảng Bình: Quan hệ với kế toán ở phòng làm việc, Chánh án bị cách chức

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang vừa ký thông báo cách hết các chức vụ trong Đảng gồm huyện ủy viên, bí thư chi bộ đối với ông Đinh Lâm Xướng, Chánh án TAND huyện Minh Hóa.

 Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, ông Xướng có hành vi quan hệ bất chính với kế toán của tòa này (lớn hơn ông Xướng bốn tuổi) ở phòng làm việc, trong giờ hành chính.

 Trong lúc quan hệ, hai người bị ghi hình và clip này đã được giao cho cơ quan chức năng của huyện và tỉnh Quảng Bình.

 Sau thời gian xác minh, cơ quan chức năng xác định clip phản ánh đúng sự thật, không bị cắt ghép.

 Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Xuân, Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình, cho hay đang thực hiện quy trình để cách chức chánh án với ông Xướng và xem xét xử lý cả kế toán. (Pháp Luật TPHCM 10/12, Minh Quê)Về đầu trang

Đắk Lắk: Huyện Ea Súp thông tin việc nhiều cán bộ bị nghi vấn bằng cấp

Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch huyện Ea Sup, vừa ký văn bản gửi đến UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT)… về việc nhiều cán bộ nghi dùng  bằng cấp ba không hợp lệ.

 Văn bản cho biết vào ngày 8-11, Phòng Nội vụ huyện có báo cáo về việc kiểm tra, đối chiếu bằng chuyên môn nghiệp vụ và bằng THPT đối với cán bộ, công chức các phòng ban, đơn vị theo kết luận của Sở Nội vụ.

 Cụ thể, ông Trần Văn Bình (SN 1987, Cán sự phòng Lao động Thương binh và Xã hội) tốt nghiệp cấp ba năm 2005, bà Ban Thùy Dung (SN 1969, Phó Ban Dân tộc HĐND huyện) tốt nghiệp năm 1986, ông Nguyễn Văn Tuyên (SN 1966, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng) tốt nghiệp năm 1984, Phạm Xuân Huy (SN 1965, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin) tốt nghiệp năm 1983 và bà Nguyễn Thị Kim Anh (Cán sự phòng Văn hóa Thông tin) tốt nghiệp năm 2003.

 Riêng ông Nguyễn Văn Nguyên (SN 1967, Phó phòng Kinh tế Hạ tầng) trúng tuyển kỳ thi bổ túc THPT khóa thi năm 2003 tại hội đồng thi Ninh Thuận, nghĩa là ông Nguyên tốt nghiệp khi đã 36 tuổi.

 Đối với ông Nguyễn Xuân Bình (Phó Chánh Thanh tra huyện), bà Nguyễn Thị My (cán sự phòng Giáo dục Đào tạo), Cao Thị Hạ (cán sự phòng Tài chính Kế hoạch) tại thời điểm kiểm tra không cung cấp bản chính tốt nghiệp THPT; đồng thời đã nghỉ hưu hưởng BHXH theo quy định.

 Theo phản hồi của huyện Ea Súp, nguyên nhân Sở Nội vụ kết luận chín trường hợp không có bằng trung học phổ thông và một trường hợp không có bằng chuyên môn vì lý do: Tại thời điểm thanh tra của Sở Nội vụ kiểm tra các  trường hợp trên đi công tác, đi học, thất lạc bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và nộp không đầy đủ văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.

 Sau khi có kết luận của Sở Nội vụ, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nội vụ yêu cầu các trường hợp trên cung cấp văn bằng chứng chỉ để kiểm tra, đối chiếu và đã có báo cáo của Phòng Nội vụ.

 Trước đó, Sở TT&TT tỉnh Đắk Lắk có văn bản đề nghị cơ quan liên quan chỉ đạo làm rõ vụ việc nhiều cán bộ huyện Ea Súp nghi dùng bằng cấp ba không hợp lệ. Sở TT&TT tỉnh Đắk Lắk đề nghị Sở Nội vụ, UBND huyện Ea Súp chỉ đạo kiểm tra, làm rõ, đồng thời phản hồi bằng văn bản gửi về UBND tỉnh trước ngày 10-12. (Pháp Luật TPHCM 10/12)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc yêu cầu cơ quan nhà nước loại bỏ máy tính nước ngoài

Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu loại bỏ tất cả thiết bị và phần mềm máy tính nước ngoài tại trụ sở các cơ quan nhà nước và tổ chức hành chính sự nghiệp trong vòng 3 năm tới nhằm giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Đây là thông tin vừa được tờ Thời báo Tài chính đưa ra.

 Theo các chuyên gia phân tích, chỉ thị này sẽ dẫn đến việc phải thay thế khoảng 20 đến 30 triệu phần cứng. 30% quá trình thay thế sẽ diễn ra vào năm 2020, 50% vào năm 2021 và 20% vào năm 2022. Tuy nhiên, việc thay thế sẽ là không đơn giản bởi nhiều sản phẩm hiện được phát triển cho các hệ điều hành của Mỹ.

 Ngay cả máy tính để bàn do công ty Lenovo thuộc sở hữu của Trung Quốc sản xuất cũng có nhiều thành phần bao gồm chip xử lý và ổ cứng được sản xuất bởi các công ty Mỹ. (VTV.vn 10/12)Về đầu trang

Saudi Arabia dự trù ngân sách trên 270 tỷ USD cho năm 2020

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 9/12, Saudi Arabia cho biết dự trù chi ngân sách 272 tỷ USD cho năm 2020 trong bối cảnh chi ngân sách thực hiện chương trình cải cách kinh tế và xã hội của nước này gia tăng.

 Theo Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia, ông Mohammed Al-Jadaan, chi tiêu cho năm tới sẽ thấp hơn năm 2019 và chính phủ sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển lĩnh vực tư nhân.

 "Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án lớn và sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án triển vọng," Bộ trưởng Mohammed Al-Jadaan nói, đồng thời cho biết thêm "hỗ trợ lĩnh vực tư là ưu tiên hành đầu trong Chương trình Tầm nhìn 2030."

 Ngân sách năm tới không tăng so với tiến triển nhanh trong chương trình cải cách nói trên trong năm 2019 và một loạt sự kiện quan trọng như việc niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) của công ty năng lượng Aramco, ước tính trị giá 1,7 nghìn tỷ USD, cũng như ban hành quy định cấp visa nhanh để thu hút khách du lịch quốc tế.

 Song song với việc tìm cách giảm phụ thuộc của nền kinh tế Saudi Arabia vào nguồn thu từ năng lượng là phần chủ chốt trong chương trình cải cách Tầm nhìn 2030, kinh tế hàng hóa vẫn là động lực chủ yếu của xu hướng chi ngân sách cho cả Saudi Arabia và các quốc gia xuất khẩu dầu khác tại vịnh Arab.

 Nguồn thu ngân sách của các nước xuất khẩu dầu thô tại vịnh Arab bị ảnh hưởng do giá dầu chỉ ở mức xung quanh 60 USD/thùng. Các nước xuất khẩu dầu mỏ tại khu vực này đã tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô của nhóm OPEC+ từ năm 2017 trong nỗ lực duy trì ổn định giá dầu trong bối cảnh sản lượng dầu thô đá phiến của Mỹ tăng. (TTXVN/Vietnam+ 10/12)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More