Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 18-02-2021

Post date: 18/02/2021

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

1.                Dịch diễn biến phức tạp, Chủ tịch Chu Ngọc Anh cần biện pháp chống "toang". 1

2.                Bài học xét nghiệm COVID-19 thần tốc diện rộng. 2

3.                Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Xử lý nghiêm người khai báo y tế gian dối 4

4.                Hải Dương siết kỷ luật trong khu cách ly tập trung. 5

5.                Lời kêu cứu từ Hải Dương. 6

6.                Bắc Ninh yêu cầu cán bộ, công chức không ra tỉnh ngoài vì việc riêng. 7

7.                32 địa phương lùi thời gian đến trường, học trực tuyến sau Tết 7

8.                Nhiều tỉnh tá hỏa bác bỏ tin học sinh nghỉ Tết kéo dài 8

CHỈ THỊ MỚI 9

9.                Thủ tướng: Tập trung xử lý công việc ngay ngày làm việc đầu tiên sau nghỉ Tết 9

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 10

10.            Nikkei Asia: Cập nhật dự báo tăng trưởng GDP tại ASEAN, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu. 10

11.            Chuyên gia Séc nhận định về chiến lược công nghiệp 4.0 của Việt Nam.. 10

12.            Việt Nam sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp vào 2025. 11

13.            Hỗ trợ doanh nghiệp phải bình đẳng. 12

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN.. 13

14.            Khát vọng phát triển. 13

QUẢN LÝ.. 15

15.            5 điều cán bộ, công chức cần biết khi đi làm sau Tết Tân Sửu 2021. 15

16.            Hết Tết, TP Hồ Chí Minh phục vụ người dân bình thường trong bối cảnh bất thường. 16

17.            Hải Dương tạm dừng thủ tục hành chính công. 16

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 17

18.            Các Tỉnh ủy, Thành ủy cần có nghị quyết riêng về chuyển đổi số. 17

19.            Ninh Bình: Ứng dụng Công dân số thành hệ sinh thái hành chính công nhiều tiện ích. 18

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 19

20.            Đề nghị sớm xử lý 15 người sử dụng văn bằng giả do Trường ĐH Đông Đô cấp. 19

 THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Dịch diễn biến phức tạp, Chủ tịch Chu Ngọc Anh cần biện pháp chống "toang"

Diễn biến dịch COVID-19 tại Hà Nội khá phức tạp, nhất là sau ca của bệnh nhân người Nhật, phát hiện F0 sau khi chết. Đây là trường hợp gây khó khăn trong truy vết để kiểm soát dịch tễ. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh nói: "Chúng ta vẫn chủ động, kiểm soát được tình hình. Từ trường hợp người Nhật Bản đặt ra yêu cầu các đơn vị phải kiểm soát, khống chế dịch bệnh phải nhanh hơn nữa”.

 Cũng cần nhắc lại phát biểu của ông Chu Ngọc Anh tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hà Nội chiều 2.12, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cam kết: “Nếu Hà Nội mà bung, mà toang, hứa với các đồng chí, tôi chịu trách nhiệm".

 Và một loạt biện pháp được đưa ra, Hà Nội đóng cửa các quán ăn đường phố, quán cà phê, di tích từ 0h ngày 16.2. Biện pháp này ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán của người dân, nhưng bắt buộc phải triển khai, vì trong thời gian 10 ngày bệnh nhân người Nhật sinh hoạt ở Hà Nội tính từ ngày 2.2, rất có khả năng lây lan dịch trong cộng đồng.

 Đặt giả thiết này không phải quá lo lắng sợ hãi, mà tỉnh táo để phòng dịch, từ mỗi cá nhân cho đến các cơ quan có trách nhiệm.

 Một trong những thách thức đặt ra với Hà Nội là lượng người về quê ăn Tết trở lại Hà Nội rất đông, kiểm soát y tế được toàn bộ là điều không dễ. Chủ tịch Chu Ngọc Anh chỉ đạo kiểm soát y tế, nhưng cần phải gắn trách nhiệm của lãnh đạo quận huyện, phường xã. Đặc biệt đối với các nhà máy, xí nghiệp, cần chủ động bảo vệ công nhân của mình để đảm bảo sản xuất.

 Một biện pháp khác rất đúng đắn, đó là học sinh phổ thông tại Hà Nội sẽ nghỉ học tập trung đến hết ngày 28.2, chuyển sang học bằng hình thức trực tuyến để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch. Ngoài ra, ông Chu Ngọc Anh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho sinh viên các trường cao Đẳng, đại học học trên địa bàn Hà Nội học trực tuyến trong tháng 2 thay cho việc học tập trung.

 Nhưng thêm một biện pháp nữa xin được đề xuất cùng Chủ tịch Chu Ngọc Anh, đó là chỉ đạo cho các cơ quan chính quyền làm việc trực tuyến trong các trường hợp có thể, hạn chế tối đa ra đường. Chủ tịch cũng nên kêu gọi các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội triển khai làm việc trực tuyến, đây không chỉ là biện pháp phòng dịch, mà còn là cơ hội để thay đổi.

 Chỉ cần một phần ba lực lượng lao động offline chuyển sang làm việc online thì đã ngăn chặn được 1/3 nguy cơ lây lan dịch bệnh. Chưa kể đây là giải pháp chống kẹt xe, hạn chế tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. (Laodong.vn 16/02, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

Bài học xét nghiệm COVID-19 thần tốc diện rộng

Từ ngày 10-2, TP.HCM đã không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, xuất phát từ chuỗi lây nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất. Chiến lược xét nghiệm thần tốc chính là chìa khóa của thành công.

 Trước đó, khi số báo Tuổi Trẻ tất niên (7-2) đến tay bạn đọc, mới chỉ có ca bệnh 1979 là nhân viên bốc xếp tại sân bay và một người em của bệnh nhân này được xác nhận dương tính với COVID-19. Sau đó, toàn bộ số bệnh nhân được phát hiện từ chuỗi lây nhiễm này lên đến 33 người. Đến nay bước đầu khẳng định TP đã cơ bản kiểm soát được chuỗi lây nhiễm sau 6 ngày liên tiếp không phát hiện ca bệnh mới.

 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho rằng chiến lược xét nghiệm thần tốc chính là chìa khóa của thành công trong việc kiểm soát chuỗi lây bệnh từ sân bay Tân Sơn Nhất. Xét nghiệm được thực hiện cho các nhóm đối tượng nguy cơ như F1, mở rộng cho nhóm F2, lấy mẫu rộng các hộ gia đình xung quanh các địa điểm liên quan đến bệnh nhân khi có thời điểm TP phong tỏa đến 35 địa điểm.

 Sau khi thực hiện xét nghiệm tầm soát diện rộng, đánh giá nguy cơ và dựa trên các bằng chứng điều tra, các địa điểm phong tỏa được gỡ bỏ một phần hoặc toàn phần, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Hiện TP còn 12 nơi phải phong tỏa phòng dịch.

 Theo HCDC, một nguyên tắc tối quan trọng để kiểm soát được ổ dịch hoặc chuỗi lây nhiễm là phải tìm ra được nguồn lây.

 Đối với chuỗi lây nhiễm lần này, bước đầu TP đã đánh giá có khả năng bắt nguồn từ nhóm nhân viên thuộc đội quản lý và đội bốc xếp hàng hóa, hành lý của Công ty phục vụ mặt đất (VIAGS) tại sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, TP đã triển khai khẩn xét nghiệm rà soát lần 2 cho toàn bộ nhân viên VIAGS, lấy mẫu toàn bộ hộ gia đình họ với hơn 5.400 mẫu xét nghiệm.

 Tại Hà Nội, ca bệnh 2229 (nam giới, 54 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, đã tử vong hôm 13-2) cũng thuộc diện chưa rõ nguồn lây. Giới chức y tế nghiêng nhiều về khả năng bệnh nhân lây bệnh tại Hà Nội, do ngay trước khi bệnh nhân rời khu cách ly ngày 31-1 tại TP.HCM, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính.

 Tâm dịch Hải Dương cũng đang xuất hiện những ca bệnh không rõ nguồn lây. Người đầu tiên được phát hiện mắc COVID-19 trong gia đình 4 người ở phường Hải Tân, TP Hải Dương là bà N.T.T., 52 tuổi.

 Bà T. có đi tập yoga ở phòng tập nhưng đã nghỉ từ khi Hải Dương ghi nhận ca bệnh (27-1), thời điểm gần đây chỉ đi chợ. Từ ngày 4 và 5-2 bà bắt đầu mệt, ho nhiều, sốt về chiều, gia đình tự mua thuốc về uống.

 Đến 8-2 bà đề nghị được xét nghiệm COVID-19, ngày 11-2 được lấy mẫu và có kết quả nghi mắc, đến 15-2 xét nghiệm khẳng định dương tính COVID-19. Đến 16-2 xét nghiệm cả gia đình đều mắc bệnh.

 Hiện đã bắt đầu có những thay đổi về chiến lược xét nghiệm, theo hướng xét nghiệm sàng lọc rộng rãi thay vì chỉ xét nghiệm ở vùng có ca bệnh và người liên quan ca bệnh. Tại Hà Nội, việc xét nghiệm tại sân bay Nội Bài với hơn 12.000 mẫu khi ở đây chưa ghi nhận ca bệnh là đợt xét nghiệm diện rộng đầu tiên.

 Hiện tại Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, TP.HCM đều đang triển khai những đợt xét nghiệm rộng rãi tương tự nhằm phát hiện nguy cơ trước khi có ca bệnh, không đợi có ca bệnh mới xét nghiệm.

 Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết tại Hà Nội hiện vẫn ghi nhận thêm các ca bệnh ở ngoài cộng đồng và các ca bệnh là những trường hợp F1 đã được cách ly tập trung nên nguy cơ về dịch bệnh bùng phát vẫn ở mức cao, đặc biệt sau tết khi người dân từ các tỉnh thành khác trở lại Hà Nội sinh sống, làm việc.

 Đặc biệt, với ca bệnh là người Nhật Bản, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết có thể bệnh nhân này phát bệnh ngày 2-2 và như vậy đến ngày 13-2 là 11 ngày, tiếp xúc rất nhiều nơi, rủi ro với cộng đồng rất cao.

 Từ nhận định trên, ông Dũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP có phương án, hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên ở các khu vực có nguy cơ cao. "Cần xét nghiệm sàng lọc để kiểm soát, trước hết là những chuyên gia nước ngoài, những khu vực xung quanh khu cách ly, lưu trú sẽ lấy mẫu xét nghiệm xác suất" - ông Dũng cho biết.

 Ngoài ra, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu CDC Hà Nội cần có kế hoạch triển khai xét nghiệm ngẫu nhiên, nhất là khu công nghiệp có người đi từ 12 tỉnh thành đang có dịch. Tại TP.HCM, việc tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên đối với người đến TP bằng các phương tiện giao thông công cộng cũng sẽ được thực hiện khi người lao động trở lại TP. (Tuổi trẻ 17/02, nhóm PV)Về đầu trang

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Xử lý nghiêm người khai báo y tế gian dối

Sáng 17-2, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả chăm lo Tết Tân Sửu 2021 của TPHCM.

 Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Tết Tân Sửu 2021 là tết rất đặc biệt, vừa tổ chức tết, vừa phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, TPHCM đã chủ động, có điều chỉnh kịp thời khi dịch Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM cùng chia sẻ, đồng lòng chung tay mang đến tết an lành, đầm ấm và nghĩa tình.

 Đánh giá cao kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận xét, việc phòng, chống dịch Covid-19 đã được TPHCM thực hiện một cách bài bản, quyết liệt. Đặc biệt là đội ngũ “chiến sĩ áo trắng” đã nỗ lực thực hiện đúng tinh thần “thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động”, kiên trì các nguyên tắc chống dịch “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch”.

 Trong đó, TPHCM thực hiện sáng tạo việc cách ly chặt chẽ, trong phạm vi nhưng truy vết, xét nghiệm trên diện rộng. Cùng với đó là việc người dân chia sẻ, ủng hộ các biện pháp cũng như lời kêu gọi của lãnh đạo TPHCM về việc hạn chế đi lại, tụ tập và đón tết tại gia đình nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe. Đồng thời, việc TPHCM tạm dừng một số hoạt động vui chơi giải trí để đảm bảo công tác phòng, chống dịch cũng nhận được sự đồng tình cao của các tầng lớp nhân dân.

 Vui mừng trước việc TPHCM đã kiểm soát được ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, song đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý cần tiếp tục cảnh giác cao độ và không chủ quan. Đặc biệt là tình trạng từ sau tết, người dân từ các tỉnh, thành sẽ trở về TPHCM sinh sống, học tập và làm việc. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ để phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên địa bàn TPHCM. 

Cụ thể hơn, cần kiểm soát những người trở lại TPHCM bằng việc khai báo y tế toàn dân. Công tác này cần được thực hiện một cách chặt chẽ hơn, nghiêm túc hơn và cần thiết sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp khai báo y tế gian dối hoặc không chấp hành, tránh né. “Một lời khai sai sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác truy vết”, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu.

 Bí thư Thành ủy TPHCM kêu gọi người dân TP không lơ là, chủ quan với dịch bệnh. Trong đó có việc nghiêm túc thực hiện theo khuyến cáo 5K và hạn chế tối đa việc tiếp xúc không cần thiết.

 “Nếu TPHCM tiếp tục kéo giảm sự căng thẳng về dịch bệnh và duy trì tình trạng an toàn với dịch Covid-19 sẽ tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ”, đồng chí Nguyễn Văn Nên phân tích. Cho nên, phòng chống dịch Covid-19 phải tiếp tục được xem là một nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu của TPHCM.

 Tại cuộc họp, Giám đốc Công an TPHCM Lê Hồng Nam báo cáo về 2 vụ án mạng xảy ra trong dịp tết. Trong đó có một vụ, người đi xe máy nẹt pô, bị người đi đường phàn nàn liền nhảy xuống xe rút dao đâm chết người. Bức xúc trước thông tin này, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, vụ án mạng này không phải do băng nhóm gây ra, nhưng thể hiện rất rõ tính côn đồ.

 “Đi chơi mà lận dao theo, gặp chuyện thì rút dao đâm người khác là rất nguy hiểm. Nếu không phải ngáo đá thì cũng là rất côn đồ”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận xét và bày tỏ không chấp nhận xã hội có tình trạng nguy hiểm như thế. Do đó, đồng chí yêu cầu các đơn vị liên quan cần đặc biệt quan tâm, có giải pháp tuyên truyền, ngăn chặn. (Sài gòn giải phóng 17/02, Kiều Phong)Về đầu trang

Hải Dương siết kỷ luật trong khu cách ly tập trung

Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 103 khu cách ly tập trung, trong đó, nhiều nhất ở thành phố Chí Linh có 29 điểm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường quản lý khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa, bệnh viện dã chiến… thực hiện quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo.

 Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 103 khu cách ly tập trung, trong đó, nhiều nhất ở thành phố Chí Linh có 29 điểm, tiếp đến là thị xã Kinh Môn có 27 điểm, huyện Cẩm Giàng 16 điểm cách ly tập trung.

 Mới đây, trong Hội nghị trực tuyến giữa Tỉnh ủy Hải Dương với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về chỉ đạo phòng, chống dịch mới tổ chức ngày 14/2 vừa qua, một số chuyên gia của Bộ Y tế bày tỏ quan ngại về nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung. Một số dẫn chứng được đưa ra là: cơ sở vật chất, việc thực hiện quy định giãn cách tại một số điểm cách ly chưa đảm bảo về kiểm soát nhiễm khuẩn, nhất là những điểm đang cách ly cho hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam.

 Các chuyên gia đã đề nghị Sở Y tế Hải Dương xây dựng danh mục cụ thể, chi tiết và bổ sung đầy đủ các phương tiện cho các nơi cách ly này. Đồng thời, tăng lực lượng quân đội kiểm tra, giám sát yêu cầu người cách ly chấp hành nghiêm quy định cách ly; tăng cường biện pháp bảo vệ cho đội ngũ làm tại các khu cách ly tập trung như: xét nghiệm định kỳ hàng tuần, hướng dẫn sử dụng thành thạo các phương tiện bảo hộ cá nhân, cách vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt môi trường…

 Ngày 15/2, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng yêu cầu tăng cường cao độ các giải pháp phong tỏa, cách ly để hạn chế phát sinh các ca bệnh trong khu cách ly, khu phong tỏa. Kiên quyết không nhận người vào cách ly ở những nơi không đủ điều kiện. Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chịu trách nhiệm và sẽ bị kỷ luật nếu để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

 Trong Chỉ thị 11/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn sau Tết Tân Sửu nêu rõ, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức cách ly tập trung.

 Tiểu ban Hậu cần và tổ chức cách ly, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh có trách nhiệm siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong các khu cách ly trên toàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định cách ly. Đồng thời, thường xuyên phun khử khuẩn, đảm bảo giãn cách trong khu cách ly, xử lý an toàn chất thải, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường khu cách ly.

 Phối hợp với cán bộ y tế của Trung ương tổ chức tập huấn cho cán bộ làm nhiệm vụ quản lý trong các khu cách ly về thực hiện quy trình cách ly. Rà soát các điểm tập trung đông, nếu không đảm bảo điều kiện cách ly thì chuyển người đang cách ly sang địa điểm mới. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã triển khai lắp camera giám sát trong các khu cách ly. (VTV.vn 17/02)Về đầu trang

Lời kêu cứu từ Hải Dương

Nếu tất cả cùng “dừng tiếp nhận”, thậm chí cả “hàng hoá từ Hải Dương” thì điều gì sẽ xảy ra? Chưa biết. Chỉ biết chắc là người nông dân sẽ khốn đốn. Đây có lẽ cũng là lý do Hải Dương vừa ra văn bản “xin giúp đỡ” lưu thông hàng hoá.

 “Ai đến mua cũng bán. Giá nào cũng bán”. Nhưng rồi gọi hơn chục cuộc điện thoại cho khách quen, và cả không quen... Tất cả là những câu từ chối: Hải Dương nhà chị như thế, ai dám về nữa mà buôn với bán. Câu chuyện của chị Hoài, một nông dân trồng rau ở Gia Lộc, Hải Dương- trên Vnexpress.

 Đó là thời điểm “tròn một tuần COVID-19 bùng phát ở Hải Dương”. Rồi Hải Dương, cách ly 21 ngày. Rồi đào Hải Dương ế, như củi ngoài ruộng. Rồi “bốn trăm mấy năm trăm” ca dương tính. Rồi giãn cách xã hội. Rồi công nhân, hàng hoá từ Hải Dương bị “tạm dừng tiếp nhận”. Không biết Hoài và những mẫu rau của chị ra sao.

 Hải Dương, cả người dân và lãnh đạo địa phương có lẽ như đang ngồi trên lửa.

 4.087 ha rau vụ Đông, 55.902 tấn hành, 26.766 tấn cà rốt, rồi bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại. Tổng cộng đến cả trăm ngàn tấn. Đó là tiền bạc, là mồ hôi nước mắt nông dân.

 Trong khi đó, chẳng hạn như Hải Phòng, thậm chí đã tạm dừng tiếp nhận hàng hoá, và cả công nhân từ Hải Dương. Trong khi đó, trong tâm lý, thì “Hải Dương nhà chị như thế”.

 Trên Zingnews, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vừa nói tuyệt hay rằng điều mà ông quan tâm là “nâng cao vị thế của người nông dân”, để họ trở thành trung tâm của sự phát triển, để không ai bị bỏ lại phía sau; để có một vị thế mà mỗi tiếng nói, nguyện vọng của họ được ghi nhận lắng nghe.

 Hoài, có lẽ không nghĩ nhiều đến vậy. Cuộc sống của chị là từ nhà ra ruộng. Cả năm với phân giống, một công việc “như đánh bạc với đất”, chỉ biết số tiền mình đặt cược chứ không biết thắng, hoà hay lỗ. Chỉ biết “không giao giờ có (vụ rau nào) suôn sẻ từ đầu đến cuối”.

 Đúng. Chúng ta không nên bi luỵ hoá nông thôn, không bi thương hoá nông dân. Nhưng như Hoài, như những người trồng đào, trồng rau ở Hải Dương, dịch bệnh, với việc ngăn sông cấm chợ chỉ cho thấy họ vẫn luôn là những đối tượng nhạy cảm nhất, chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất.

 Vụ Đông năm 2018, được mùa nhưng mất giá, “họ” chỉ trả Hoài 8.000 đồng cho một bịch su hào 20 củ, không quên gia ơn: “Em còn cân cho chị là may". 400 đồng một củ su hào. Tủi thân.

 Chúng ta chống dịch quyết liệt, không được chủ quan. Điều đó tuyệt đối đúng. Nhưng hàng hóa lưu thông với những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vẫn là cách làm đúng, rất cần kíp.

 Còn giờ, lạy lục để ai đó mua giúp nhưng không ai dám về vì “Hải Dương nhà chị như thế...”, vì “người đến từ Hải Dương...”. Liệu còn có bi kịch nào nhiều nước mắt hơn thế?! (Laodong.vn 17/02, Anh Đào)Về đầu trang

Bắc Ninh yêu cầu cán bộ, công chức không ra tỉnh ngoài vì việc riêng

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản hỏa tốc về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID - 19 khi kết thúc nghỉ Tết.

 Theo đó, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở tạm thời không đi tham quan du lịch, đi việc riêng ra tỉnh ngoài, kể từ ngày 17/2/2021; trừ trường hợp đặt biệt phải được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan đơn vị.

 Người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trong việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị mình.

 Đối với trường hợp ra khỏi tỉnh Bắc Ninh khi quay lại phải thực hiện khai báo y tế, những trường hợp đi về từ vùng dịch thuộc các ổ dịch phải thực hiện cách ly tập trung.

 Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh bố trí cơ sở cách ly tập trung theo hình thức tự trả phí đối với tất cả người đến Bắc Ninh từ toàn tỉnh Hải Dương và các ổ dịch tại các tỉnh thành phố khác trong cả nước (là những khu vực có quyết định phong tỏa, hoặc giãn cách xã hội); trừ các trường hợp thực hiện công vụ và được sự đồng ý của trưởng ban chỉ đạo tỉnh. (Tienphong.vn 17/02, Nguyễn Thắng)Về đầu trang

32 địa phương lùi thời gian đến trường, học trực tuyến sau Tết

Đến 18h ngày 16/2/2020, đã có 32 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên lùi thời gian đến trường, học trực tuyến sau Tết.

 Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh, đối tượng chưa đủ ý thức, hạn chế về kỹ năng tự phòng ngừa, đồng thời hạn chế việc tập trung đông người và giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhiều tỉnh, thành phố đã cho phép học sinh, học viên các cấp học, bậc học mầm non, tiểu học, THCS, TPPT; trung tâm ngoại ngữ, tin học... tạm dừng đến trường từ ngày 17/2. Học sinh, sinh viên các cấp tiếp tục học trên Internet để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 theo quy định.

 Đến 18h ngày 16/2/2020, đã có 32 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên lùi thời gian đến trường, học trực tuyến sau Tết.

 Cụ thể 32 tỉnh, thành phố gồm: TPHCM, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Bình Định, Thái Nguyên, Điện Biên, Bạc Liêu, Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Bình Thuận, Bình Phước, Quảng Ngãi, Ninh Bình, Hậu Giang, Quảng Nam, Bến Tre, An Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Bình, Kon Tum, Đồng Tháp, Hưng Yên, Ninh Thuận, Vĩnh Phúc, Sơn Lam và Tuyên Quang. (VTV.vn 17/02)Về đầu trang

Nhiều tỉnh tá hỏa bác bỏ tin học sinh nghỉ Tết kéo dài

Ít nhất 2 tỉnh là Thái Nguyên và Lào Cai đã lên tiếng bác bỏ thông tin sai lệch trên mạng xã hội về việc học sinh được kéo dài kì nghỉ Tết. 

Sáng 17.2, trao đổi với PV Báo Lao Động qua điện thoại, bà Dương Bích Nguyệt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết cơ quan này vừa phải ban hành văn bản hỏa tốc gửi đến các đơn vị trực thuộc để bác bỏ những thông tin sai lệch đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. 

Nội dung văn bản như sau: "Hiện nay trên mạng xã hội lan truyền thông tin (giả mạo văn bản của UBND tỉnh Lào Cai) cho phép học sinh các cấp Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 29.02.2021 để phòng chống dịch COVID-19. Qua xác minh, Sở GD&ĐT xác nhận đây là thông tin giả mạo.

 Sở GD&ĐT thông báo, thời gian đi học trở lại sau kì nghỉ Tết của trẻ mầm non, học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên vẫn thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Lào Cai theo văn bản số 184/SGD&ĐT-GDĐH&GDTX ngày 03.02.2021".

 Bà Dương Bích Nguyệt cho hay, theo văn bản số 184 thì ngày học sẽ là ngày 22.2, tức thứ 2 tuần tới. "Ngay trong ngày hôm qua, Sở GD&ĐT đã có văn bản khẳng định và truyền tải thông chính thống nhất đến các cơ sở giáo dục toàn tỉnh, giúp mọi người có thông tin chính xác nhanh nhất. Sở vẫn luôn chuẩn bị các phương án sẵn sàng, ứng phó với các diễn biến mới của dịch COVID-19. Quyết tâm vừa đảm bảo việc học xuyên suốt vừa giữ an toàn cho cả thầy và trò" - vị Giám đốc Sở nói. 

Bà Nguyệt cũng khuyên người dân nên bình tĩnh và lắng nghe có chọn lọc các thông tin, tránh để những tin giả mạo, tin xấu.

 Trước đó một sự việc tương tự cũng xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Khoảng 20h30 phút ngày 15.02.2021, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp văn bản của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19.

 Ngay lập tức, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên đã đều lên tiếng khẳng định Văn bản trên là giả mạo, đã được đối tượng chỉnh sửa, cắt ghép và đăng tải phản ánh nội dung sai sự thật. (Laodong.vn 17/02, An Trịnh)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Thủ tướng: Tập trung xử lý công việc ngay ngày làm việc đầu tiên sau nghỉ Tết

Ngày 17/2, trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự cuộc họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Văn phòng Chính phủ (VPCP).

 Tại cuộc họp Thủ tướng đánh giá cao cố gắng, phục vụ chu đáo của VPCP đối với sự điều hành của Chính phủ trong suốt năm 2020, đặc biệt là thời gian trước, trong và sau Tết.

 “Các đồng chí đã làm nhiều việc hiệu quả, thể hiện Chính phủ lo cho dân, hướng về người dân, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, “trước Tết, đặc biệt là trong Tết, VPCP đã làm tốt công tác báo cáo thường xuyên cho lãnh đạo Chính phủ”. 

Theo đó, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước cơ bản tốt; an sinh xã hội được quan tâm… Đặc biệt, công tác chỉ đạo phòng chống COVID-19 kịp thời, quyết liệt trước, trong và sau Tết.

 Đề cập đến nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị VPCP tập trung xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chuẩn bị phục vụ tốt các cuộc họp, các hoạt động của lãnh đạo Chính phủ theo lịch công tác; theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh COVID-19 để tham mưu, đề xuất các quyết sách.

 “VPCP kịp thời tham mưu các giải pháp hiệu quả để ứng phó kịp thời dịch bệnh, không để trong chỉ đạo điều hành có vướng mắc xảy ra, đặc biệt thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau Tết”, Thủ tướng nêu rõ.

 Theo Thủ tướng, cuộc sống vẫn phát triển, người dân cần thu nhập, do đó, cần xử lý các vấn đề, vướng mắc trên tinh thần bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng cần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.

 Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị, cán bộ, công chức VPCP phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy, gương mẫu, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính. Ngay sau Tết, VPCP cần phát động phong trào thi đua, tạo không khí làm việc phấn khởi, khí thế mới trong năm 2021, năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

 Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao ngay từ đầu năm, nhất là các nhiệm vụ được giao trong các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 05 ngày 28/1/2021. (Thanhtra.com.vn 17/02, Hương Giang)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Nikkei Asia: Cập nhật dự báo tăng trưởng GDP tại ASEAN, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu

Theo Nikkei Asia, năm 2021, các nền kinh tế Đông Nam Á đang hướng đến mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng như trước giai đoạn đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, với những diễn biến phức tạp cũng như các dự báo cho thấy rủi ro vẫn tiếp tục "rình rập".

 Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 2,9% nhờ thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như xuất khẩu mạnh mẽ đồ điện tử và các sản phẩm tiêu dùng khác. Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.

 Ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Capital Economics nhận định, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể vẫn kéo dài trong những năm tới.

 Trước giai đoạn đại dịch Covid-19, tăng trưởng bình quân GDP khu vực Đông Nam Á đạt khoảng 5% trong nhiều năm liền, là một trong những khu vực năng động nhất thế giới. Đông Nam Á cũng là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, với dân số tương đối trẻ thúc đẩy nhu cầu tăng cao và cung cấp nhiều lao động cho các hoạt động sản xuất. Những lợi thế này cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhưng trước tiên, các quốc gia trong khu vực cần ngăn chặn triệt để Covid-19. (Cafef.vn 17/02)Về đầu trang

Chuyên gia Séc nhận định về chiến lược công nghiệp 4.0 của Việt Nam

Chính phủ Việt Nam đã thông qua một chiến lược mới thích ứng nền kinh tế với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), nhằm chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng hiện nay chủ yếu dựa trên việc sử dụng lao động giá rẻ.

 Chiến lược dự kiến sẽ tăng tỷ trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong tổng GDP lên 30% vào năm 2030. Sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số cũng sẽ mang lại một số cơ hội mới cho các công ty của Séc, đã bắt đầu thành lập trong lĩnh vực này ở Việt Nam, như trong lĩnh vực an ninh mạng hoặc ngân hàng kỹ thuật số.

 Theo phóng viên TTXVN tại Praha, trên đây là nhận định của tác giả David Jarkulisch, nhà ngoại giao công tác tại Đại sứ quán Cộng hòa Séc ở Hà Nội, trong bài viết đăng trên trang mạng của Bộ ngoại giao Cộng hòa Séc (mzv.cz) mới đây.

 Tác giả bài viết nhận định chiến lược mới của Việt Nam về công nghiệp 4.0 có những mục tiêu tương đối tham vọng.

 Theo đó, bên cạnh sự ra đời nhanh chóng của các công nghệ mới và số hóa nền kinh tế, chiến lược này cũng kỳ vọng năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế sẽ tăng trưởng và vị thế của Việt Nam trong so sánh quốc tế sẽ được cải thiện đáng kể. 

Như vậy, Việt Nam sau 10 năm nữa sẽ vào nhóm 40 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số đổi mới toàn cầu, 30 quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số An ninh mạng (GCI) và 50 quốc gia dẫn đầu về tin học hóa hành chính nhà nước (chỉ số chính phủ điện tử - EGDI).

 Chiến lược mới bao gồm một loạt các biện pháp hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu ứng dụng và tiêu chuẩn hóa, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, hậu cần và những thay đổi cần thiết về luật pháp.

 Để đạt được các mục tiêu của chiến lược, Việt Nam có kế hoạch đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết (mạng 5G, mạng quang, cơ sở dữ liệu), đảm bảo chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ cao và mở rộng năng lực đổi mới tổng thể của quốc gia.

 Là một phần của chiến lược, Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định 99 công nghệ ưu tiên sẽ tập trung hỗ trợ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, Internet đa dụng, công nghệ lượng tử, tin sinh học, công nghệ hàng không và không gian, công nghệ viễn thám, nghiên cứu và phát triển màn hình độ phân giải cao, và công nghệ in 3D hiện đại.

 Tuy nhiên, ông Jarkulisch cho rằng, việc phát triển nền kinh tế số đối với Việt Nam không phải là sự khởi đầu. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực chuẩn bị một vị trí xuất phát tương đối tốt và tạo ra những tiền đề cơ bản để phát triển nhanh hơn nữa. 

Tốc độ phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số cũng tăng tốc đáng kể với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 với tổng giá trị nền kinh tế Internet Việt Nam đã tăng trưởng 16%, lên 14 tỷ USD.

 Tác giả dẫn một nghiên cứu công bố gần đây của Google cho thấy, các động lực tăng trưởng của lĩnh vực này tại Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và đạt giá trị lên đến 52 tỷ USD vào năm 2025.

 Tác giả nhận định, về các lĩnh vực cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế số, Việt Nam không bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh gần nhất trong khu vực.

 Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam hiện đứng thứ 3 về số lượng người sử dụng Internet, thứ 3 về tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và thứ 2 về Internet di động tốc độ trung bình.

 Việt Nam cũng có thể tự hào là một trong những quốc gia có lượng người dùng Facebook lớn nhất thế giới. Với 60 triệu người đăng ký, Việt Nam có cộng đồng Facebook lớn thứ 8 thế giới. (TTXVN/Vietnamplus.vn 17/02)Về đầu trang

Việt Nam sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp vào 2025

Một nghị quyết mới về phát triển doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 vừa được Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng.

 Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có 1,3 - 1,5 triệu DN vào năm 2025, trong đó có 15 - 20 DN tư nhân có vốn hóa đạt trên 1 tỉ USD.

 Với khoảng 810.000 DN tính đến năm 2020, để đạt mục tiêu trên, tốc độ tăng trưởng số lượng DN trong 5 năm tới phải đạt 12 - 14%/năm, tính ra mỗi năm sẽ có thêm 100.000 - 150.000 DN.

 Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu thúc đẩy quá trình chuyển đổi hàng triệu hộ kinh doanh thành DN.

 Dù mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu DN hoạt động được Chính phủ đề ra trong nghị quyết 35 (NQ35) vẫn chưa đạt được, nhưng các chuyên gia cho rằng việc triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ phát triển DN thời gian qua đã tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, mang đến làn sóng khởi nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

 Trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, Bộ KH&ĐT cho biết trong giai đoạn 2016 - 2019 tốc độ tăng số lượng DN bình quân cả nước đạt 10,5%/năm, gấp hai lần giai đoạn 2011 - 2015.

 Đến cuối năm 2020, cả nước có khoảng 810.000 DN đang hoạt động. Các địa phương được ghi nhận có số DN tăng nhanh nhất cả nước là An Giang (tăng 55%), Kiên Giang (tăng 80%), Bạc Liêu (tăng 105%), TP.HCM (tăng 53%)...

 Giải thích về việc không đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, Bộ KH&ĐT cho rằng từ năm 2016, việc đề ra mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 là một thách thức lớn bởi đến năm 2015 cả nước chỉ có khoảng 442.400 DN đang hoạt động. Nếu tính lũy kế số DN thành lập mới trong 5 năm vừa qua, đến cuối năm 2020 cả nước có hơn 1 triệu DN.

 Tuy nhiên, số DN đóng cửa, rút lui khỏi thị trường tăng mạnh nên không đạt mục tiêu 1 triệu DN hoạt động như Chính phủ đã đề ra trong NQ35. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 bùng phát, số DN giải thể, đóng cửa liên tục tăng mạnh.

 Trong 10 tháng năm 2020 có khoảng 111.200 DN đăng ký thành lập mới nhưng cũng có tới 85.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, dừng hoạt động, chờ giải thể, làm thủ tục phá sản.

 Số liệu của Bộ KH&ĐT cũng ghi nhận đến năm 2020 trên thị trường chứng khoán có 13 DN tư nhân có vốn hóa trên 1 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng các DN quy mô vừa và lớn 5 năm vừa qua đạt khoảng 4-5%, các DN này đang tạo nhiều việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách. 

Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết tính đến năm 2020, khoảng 30 mã chứng khoán có vốn hóa trên 1 tỉ USD, trong đó có 13 DN tư nhân. Để phát triển các DN có quy mô vừa và lớn, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế, thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành các chính sách đột phá hỗ trợ phát triển DN theo hướng tạo ra các sản phẩm thương hiệu quốc gia, khẳng định thương hiệu hàng Việt trên thị trường quốc tế. (Tuoitre.vn 17/02, Bảo Ngọc)Về đầu trang

Hỗ trợ doanh nghiệp phải bình đẳng

Trong năm 2021, không gian chính sách không còn rộng rãi như năm 2020. Điều ấy khiến chính sách vĩ mô nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội sẽ gặp nhiều hạn chế hơn.

Hỗ trợ doanh nghiệp phải bình đẳng. 

Đó là nhận định của các nhà kinh tế từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nêu trong báo cáo nghiên cứu thường niên về kinh tế vĩ mô, được công bố vào trung tuần tháng 2. Cũng theo báo cáo, nếu không thận trọng, các chính sách hỗ trợ còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.

 Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ các công cụ lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ tín dụng trị giá 250.000 tỷ đồng vẫn đang được các ngân hàng thương mại triển khai, song do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam chưa thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới (chẳng hạn như nới lỏng tiền tệ quy mô lớn). Thêm vào đó, việc phòng chống dịch Covid-19 và trợ cấp an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch cũng đang tạo áp lực lớn lên cán cân ngân sách.

 “Đây là thời điểm khó khăn trong chính sách tiền tệ, vì việc thắt chặt trở lại trong bối cảnh nền sản xuất vẫn chưa có cải thiện ở cấp độ căn bản, sẽ dẫn tới khó khăn hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp thực. Trong mọi tình huống, ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá, cần được duy trì ổn định, là hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch”, báo cáo nêu trên nhận định.

 Trong bối cảnh đó, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động. Việc khoanh/ngưng, miễn/giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai. Bên cạnh đó, cần cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp. Với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch, hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành. Trong trường hợp có các ý tưởng chính sách để hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp cụ thể, thì những chính sách này cần đi theo hướng kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ của hãng, thay vì tài trợ trực tiếp cho hãng.

 Với tiêu chí như thế, việc giãn/giảm thuế, nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế giá trị gia tăng (VAT) thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp, vì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch, không giúp được đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.

 Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là khả năng giải ngân các gói cứu trợ xã hội, do mạng lưới thực thi chưa thật sự hiệu quả và thủ tục hành chính còn phức tạp, khó tiếp cận. Để các gói cứu trợ thực sự có hiệu quả, cần thiết kế lại kế hoạch thực thi chính sách. Bởi khi gói cứu trợ lần một còn chưa được giải ngân một cách hiệu quả, thì gói cứu trợ lần hai có khả năng sẽ gây thêm gánh nặng cho ngân sách, thay vì thực sự tạo được ảnh hưởng tích cực trong nền kinh tế. (Sài gòn giải phóng 17/02, Anh Thư)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Khát vọng phát triển

Cả nước vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021 thật vui tươi, an lành và hôm nay bắt đầu trở lại nhịp độ công việc, học tập thường ngày. Năm nào cũng vậy, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cũng chỉ đạo rất quyết liệt các bộ, cơ quan, địa phương phải xử lý, giải quyết công việc ngay ngày làm việc sau tết, nhất là những công việc tồn đọng từ trước tết, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như công việc của người dân.

 Nhìn lại năm Canh Tý 2020, vừa chống chọi thiên tai, vừa chống dịch Covid-19, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,91%, là một trong những mức tăng trưởng tốt nhất thế giới. Việt Nam còn đạt kỳ tích trong xuất khẩu, với mức xuất siêu 20,1 tỷ USD. Về GDP đầu người, năm 2020 đạt 2.750 USD/người; quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt khoảng 268,4 tỷ USD.

 Bối cảnh trong nước và trên thế giới hiện có nhiều thuận lợi, song cũng đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức. Tác động của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta. Kinh tế nước ta tuy có bước phát triển vượt bậc, song chưa tương xứng với tiềm năng; sự tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao.

 Công tác lãnh đạo, quản lý ở một số nơi còn lỏng lẻo; vẫn còn có những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, nhũng nhiễu người dân. Việc bảo đảm an ninh con người, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân. Năng lực tổ chức thực hiện còn hạn chế; chất lượng luật pháp, chính sách trong một số lĩnh vực còn thấp. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đồng bộ; hiệu quả chưa cao…

 Nhận thức rõ những yếu kém, hạn chế, khó khăn và thách thức, trong mùa xuân mới Tân Sửu 2021, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.

 Phát biểu tại đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII không chỉ xác định mục tiêu phát triển đất nước trong 5-10 năm tới mà còn đưa ra tầm nhìn, định hướng đến năm 2045 gắn với hai cột mốc quan trọng là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 thành lập nước vào năm 2045.

 Các mục tiêu cụ thể đã được đại hội nhất trí là: Năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Có lẽ chưa có đại hội nào mở ra một tầm nhìn xa như vậy!

 Với quyết tâm và ý chí cao độ, bắt đầu từ ngày làm việc đầu năm mới Tân Sửu 2021 này, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp tăng cường sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt, làm tốt chức trách, nhiệm vụ, nỗ lực đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống, tin chắc chúng ta sẽ gặt hái những thành tựu đầy ngoạn mục, phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. (Sài Gòn giải phóng 17/02)Về đầu trang

QUẢN LÝ

5 điều cán bộ, công chức cần biết khi đi làm sau Tết Tân Sửu 2021

Cán bộ, công chức, viên chức cần đặc biệt chú ý những điều này khi đi làm trở lại sau dịp Tết Tân Sửu 2021.

 Cán bộ công chức phải khai báo y tế khi trở về Hà Nội: Đối với những cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm việc ở Hà Nội sẽ phải thực hiện khai báo y tế khi đi làm trở lại sau Tết Tân Sửu 2021. Cụ thể, tại phiên họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 với các quận, huyện, phường xã diễn ra vào chiều 13/2/2021 (mùng 2 Tết), Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu người dân ở các địa phương trở lại Hà Nội phải khai báo y tế để nắm chắc lịch trình, sức khỏe.

 Cán bộ công chức phải bắt tay vào công việc: Theo Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 10/12/2019 về việc tổ chức Tết năm 2020, ngay trong ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch, cán bộ, công chức bắt buộc phải đi làm đúng giờ, đủ số lượng và bắt tay ngay vào công việc, không để chậm trễ, ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan.

 Cán bộ công chức không được uống rượu trong giờ làm việc: Thông thường nhiều cơ quan, đơn vị sẽ tổ chức liên hoan mừng năm mới khi đi làm sau Tết. Tuy nhiên, đây là khoảng thời gian làm việc nên cán bộ, công chức, viên chức phải hết sức lưu ý khi sử dụng rượu, bia trong khi tham dự "khai xuân".

 Theo quy định của Chỉ thị số 26/CT-TTg được Thủ tướng ban hành năm 2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan Nhà nước. Nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực.

 Đây cũng là quy định tại khoản 5 Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là cán bộ, công chức không được uống rượu, bia ngay trước, trong thời gian làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

 Bên cạnh đó, về việc uống rượu, bia, tại khoản 1 Điều 21 Luật trên cũng nêu rõ, cán bộ, công chức tuyệt đối không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Hiện nay, Nghị định 100 đã tăng mạnh mức phạt hành chính khi trong hơi thở hoặc trong máu có nồng độ cồn.

 Cán bộ công chức không đi lễ hội, chùa, du xuân trong giờ hành chính: Bên cạnh việc không được uống rượu bia trong giờ làm việc, cán bộ công chức cũng không được dùng thời gian này để đi lễ hội, chùa và du xuân. Điều này được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý trong Chỉ thị số 26 và tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 110/2018/NĐ-CP.

 Theo đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, công chức, Thủ tướng yêu cầu, cán bộ, công chức tuyệt đối không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng như đi lễ hội, liên hoan, du xuân… Nếu vi phạm các đối tượng này có thể bị xem xét xử lý kỷ luật.

 Cán bộ công chức không dùng xe công đi lễ hội, chùa sau Tết: Ngoài ra, Nghị định 110 cấm cán bộ công chức tuyệt đối không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).

 Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm mà việc sử dụng xe công cho mục đích cá nhân có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật. Về xử lý kỷ luật, tùy vào tính chất, biểu hiện của hành vi để áp dụng một số biện pháp xử lý kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc đuổi việc (theo Điều 8 Nghị định 34/2011/NĐ-CP).

 Về xử phạt hành chính, người nào sử dụng tài sản là xe ô tô không đúng mục đích, sử dụng vào mục đích cá nhân thì bị phạt từ 10 triệu đồng - 20 triệu đồng (Căn cứ khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP). (Danviet.vn 16/02)Về đầu trang

Hết Tết, TP Hồ Chí Minh phục vụ người dân bình thường trong bối cảnh bất thường

TP Hồ Chí Minh đang triển khai công tác phòng dịch căng thẳng sau Tết mà vẫn phải đảm bảo bộ máy công quyền hoạt động thông suốt để phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân.

 Những tiểu cảnh bày biện Tết giờ đang được thu dọn như một lời tuyên bố chính thức Tết đã hết. Tại UBND quận 12 ở TP Hồ Chí Minh sáng 17/2, các công chức đã trở lại nhiệm sở để phục vụ người dân như thường lệ.

 Công tác phòng chống dịch được đặc biệt quan tâm. Từ cổng vào đã đo thân nhiệt, khuyến cáo bà con rửa tay, giữ khoảng cách. Bên trong từ cán bộ đến người dân buộc phải đeo khẩu trang đầy đủ. Chỗ ngồi cũng cách quãng. Ngay cạnh khu nhận trả hồ sơ còn có thêm cả chỗ uống cà phê, đọc sách để nếu đông quá bà con ra ngồi cho thông thoáng.

 Quận 12 là hình ảnh thu nhỏ của TP Hồ Chí Minh khi có tỷ lệ người nhập cư cao, nhiều nhà máy, xí nghiệp. Trước Tết lại có tới 9 ca nhiễm COVID-19 nên chính quyền và người dân đều hết sức cẩn trọng. Chính quyền quận này cũng đã và đang cung cấp rất nhiều dịch vụ công trực tuyến để bà con có thể làm thủ tục qua mạng, hạn chế đi lại trong mùa dịch.

 Sau Tết, người dân các nơi đổ về các đô thị lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh - chắc chắn sẽ lại là một thử thách nữa với công tác phòng chống dịch bệnh. Việc các cơ quan chức năng đang nỗ lực hết sức để phục vụ được người dân như bình thường trong bối cảnh đầy bất thường này rõ ràng là điều rất đáng ghi nhận. (VTV.vn 17/02)Về đầu trang

Hải Dương tạm dừng thủ tục hành chính công

UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành công văn số 515/UBND-VP về việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19.

 Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu: Tạm dừng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã (trừ việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ của Thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe thuộc Sở Giao thông vận tải và thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội) kể từ ngày 17/2 đến hết ngày 2/3.

 Đối với những hồ sơ đã tiếp nhận, giải quyết và đến thời hạn trả kết quả cho người dân thì chỉ được sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển kết quả đến cho người dân.

 Các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công tỉnh Hải Dương hoặc dịch vụ bưu chính công ích để nộp hồ sơ thủ tục hành chính nhằm hạn chế việc người dân, doanh nghiệp đi lại, tiếp xúc trực tiếp.

 UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền trên Đài truyền thanh cấp xã để người dân biết, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công tỉnh Hải Dương hoặc dịch vụ bưu chính công ích thông qua hệ thống Bưu điện để nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà. Chỉ nên đi thực hiện đối với một số thủ tục hành chính thực sự cần thiết. Hạn chế đi lại hoặc tập trung đông người tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết hồ sơ.

 Bưu điện tỉnh Hải Dương phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp tuyên truyền, hỗ trợ tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà thông qua dịch vụ bưu chính công ích. (Dantri.com.vn 17/02, Nguyễn Dương)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Các Tỉnh ủy, Thành ủy cần có nghị quyết riêng về chuyển đổi số

Theo Bộ TT&TT, các tỉnh/thành ủy cần có nghị quyết riêng về chuyển đổi số để chỉ đạo ở tầm chiến lược chuyển đổi số tại địa phương và UBND tỉnh, thành phố có chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số để triển khai nghị quyết. 

Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến đầu tháng 2/2021, đã có khoảng 30 tỉnh, thành phố đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số. Một số địa phương như Bến Tre, Thái Nguyên đã ra nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về chuyển đổi số.

 Mới đây, Cục Tin học hóa thuộc Bộ TT&TT đã có công văn 132 gửi các Sở TT&TT tỉnh, thành phố trên cả nước để đôn đốc việc xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số tại địa phương.

 Trong văn bản nêu trên, Cục Tin học hóa nhấn mạnh, để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số tại các địa phương, trong thời gian tới cần có sự chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng. Các tỉnh/thành ủy cần có nghị quyết riêng về chuyển đổi số để chỉ đạo ở tầm chiến lược chuyển đổi số tại địa phương và UBND tỉnh, thành phố có chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số để triển khai nghị quyết.

 Các Sở TT&TT tỉnh, thành phố được đề nghị xem xét, tham mưu tỉnh/thành ủy ban hành nghị quyết để chỉ đạo, định hướng về chuyển đổi số của địa phương; đồng thời tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số để triển khai (nếu chưa ban hành).

 Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng nghị quyết của tỉnh/thành ủy về chuyển đổi số, Cục Tin học hóa đã xây dựng mẫu nghị quyết gửi để các địa phương tham khảo.

 Liên quan đến công tác triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong năm 2020, Bộ TT&TT cũng đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia; ban hành Quyết định giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT tổ chức triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh phối hợp triển khai thí điểm chuyển đổi số xã; đồng thời hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình chuyển đổi số. (Ictvietnam.vn 17/02, M.T)Về đầu trang

Ninh Bình: Ứng dụng Công dân số thành hệ sinh thái hành chính công nhiều tiện ích

Đều đặn 19h hàng ngày, 6 nhân viên Bưu điện tỉnh Ninh Bình lại về nhà văn hóa các thôn để hướng dẫn bà con đăng kí tài khoản định danh và xác thực điện tử PostID, tải app “Công dân số”, đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản, tra cứu thông tin trên hệ sinh thái hành chính công.

 Là người đến sớm nhất, ông Đoàn Ngọc Minh thôn Lạc Hiền, xã Yên Hòa chỉ mất 5 phút để đăng kí tài khoản PostID và tải app “Công dân số”. Dù hơn 70 tuổi nhưng sau khi nghe nhân viên Bưu điện cùng Phó Chủ tịch xã giới thiệu về các tiện ích của “Công dân số”, ông Minh đã nhanh chóng vào từng mục để tìm hiểu cách sử dụng.

 “Lúc đầu nghe thì có vẻ khó, nhưng sử dụng rồi thì không thấy vấn đề gì. Tôi vào tất cả các mục từ hành chính công, tin tức, phản ánh góp ý đến tiện ích. Việc đọc thông tin và sử dụng rất dễ hiểu, không phức tạp. Giờ muốn nộp hồ sơ đổi thẻ bảo hiểm y tế, tôi chỉ cần vào mục nộp hồ sơ trực tuyến và làm theo hướng dẫn là xong. Nộp hồ sơ xong mình có thể tra cứu tình trạng hồ sơ đang giải quyết ở khâu nào, có đúng thời gian quy định không. Khi có kết quả, nhân viên Bưu điện sẽ chuyển kết quả đến tận địa chỉ tôi đã đăng kí. Vừa tiết kiệm thời gian, chí phí đi lại, chờ đợi" - ông Đoàn Ngọc Minh chia sẻ.

 Những ngày đầu năm mới 2021 câu chuyện của những người nông dân quanh năm gắn bó với đồng ruộng, với sản phẩm chạch sụn và rau cần nổi tiếng đã sôi nổi, rôm rả hơn khi cùng nhau hướng dẫn cách tải app Công dân số từ kho ứng dụng CH Play, App Store về điện thoại thông minh; hoặc trên máy tính kết nối mạng có thể truy cập vào website https://congdanso.vnpost.vn.

 Chỉ trong 2 ngày đầu tiên xã Yên Hòa tổ chức cài đặt tập trung nhưng hơn 400 người nông dân quanh năm gắn bó với ruộng vườn, ao cá đã không quản ngại đêm hôm, rét mướt cùng nhau đi đăng kí tài khoản PostID để sử dụng ứng dụng mới. Nhiều người đi về đã giới thiệu cho những thành viên trong gia đình, bạn bè, hàng xóm để cùng cài đặt nền tảng mới. Đồng thời hướng dẫn tới Bưu điện để đăng kí tài khoản PostID.

 Ông Hoàng Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) cho biết, Yên Hòa là một trong 12 xã của cả nước đang thí điểm triển khai chuyển đổi số, xây dựng xã thông minh. Việc Bưu điện Việt Nam tổ chức triển khai hệ sinh thái hành chính công gồm 2 nền tảng Công dân số và Chính quyền số giúp địa phương này nhanh chóng nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, hệ thống sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn xã thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

 Với chính quyền xã, ngoài việc thực hiện các dịch vụ liên quan đến hành chính công, cán bộ công chức của xã còn có thể chủ động tuyên truyền về các thông tin đến với đông đảo người dân trong xã trên ứng dụng Công dân số. Khi có bất cứ thông tin mới nào của xã được cập nhật, người Yên Hòa dù ở đâu chỉ cần có tài khoản PostID đều có thể cập nhật ngay các thông tin thông qua ứng dụng.

 “Đây là một kênh thông tin online rất hiệu quả, đặc biệt trong việc nắm bắt các phản ánh, góp ý của người dân về các lĩnh vực dù là nhỏ nhất. Công dân số sẽ giúp cho người dân nhận được các thông tin hữu ích, tin cậy từ chính quyền xã. Các thông tin được gửi trực tiếp đến App của người dân nên người dân sẽ không bị bỏ lỡ những thông tin quan trọng” - ông Cảnh chia sẻ. (Viettimes.vn 17/02, Minh Đàm)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Đề nghị sớm xử lý 15 người sử dụng văn bằng giả do Trường ĐH Đông Đô cấp

Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô, chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 10 bị can.

 Sau gần 2 tháng điều tra bổ sung theo yêu cầu của Viện KSND tối cao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 10 bị can có liên quan. 

Trong kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an làm rõ ngoài 193 người được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả đã nêu trong kết luận trước đó, còn có 10 cá nhân khác được trường này cấp bằng giả. Trong số này có 5 trường hợp đã sử dụng bằng giả để học nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, 2 người dùng giấy tờ giả để học nghiên cứu sinh ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM; 1 trường hợp để học nghiên cứu sinh tại Học viện Cán bộ TP.HCM và 2 trường hợp khác ở Học viện Khoa học xã hội. Ngoài ra, một trường hợp bị phát hiện sử dụng văn bằng giả do Trường ĐH Đông Đô cấp để thi thăng hạng viên chức tại UBND tỉnh Thái Bình.

 Căn cứ vào kết quả điều tra, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã lập danh sách, cung cấp cho VKSND Tối cao (kèm theo hồ sơ vụ án) 203 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả.

 Về việc xử lý hậu quả việc làm, cấp bằng giả theo yêu cầu điều tra bổ sung, kết luận điều tra cho biết đối với 58 trường hợp sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh giả của Trường ĐH Đông Đô, ngày 12.11.2020, Cơ quan An ninh điều tra đã có văn bản kiến nghị đơn vị chủ quản của người sử dụng văn bằng và cơ sở giáo dục mà các cá nhân này nộp văn bằng để làm hồ sơ học thạc sĩ, tiến sĩ xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả theo quy định.

 Đến nay, đã có 43 trường hợp đã có kết quả xử lý. Còn 15 trường hợp cá nhân sử dụng văn bằng chưa có kết quả xử lý, Cơ quan An ninh điều tra đã có văn bản đề nghị các đơn vị chủ quản sớm xử lý, cung cấp kết quả nhưng nội dung này không ảnh hưởng đến việc truy tổ, xét xử đối với các bị can.

 Đối với 11 trường hợp sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh giả của Trường ĐH Đông Đô phát hiện trong giai đoạn điều tra bổ sung, Cơ quan An ninh điều tra đã có kiến nghị đơn vị chủ quản của người sử dụng văn bằng và cơ sở giáo dục mà các cá nhân này sử dụng văn bằng để làm hồ sơ học thạc sĩ, tiến sĩ để xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả theo quy định.

 Bên cạnh đó, trong số 203 trường hợp được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả, đã thu hồi tổng số 127 văn bằng; 24 trường hợp chưa nhận bằng, còn lại đã làm thất lạc hoặc tự tiêu hủy. (Thanhnien.vn 17/02, Thái Sơn)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More