Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 30-8-2019

Post date: 30/08/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.Những quy định có hiệu lực từ tháng 9. 1

TIN QUỐC HỘI 2

2. Chính phủ có thể chia sẻ đến 50% hụt thu của dự án PPP. 2

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 4

3.Mô hình Câu lạc bộ Phụ nữ “Biến rác thành tiền” ở Gia Lai 4

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 5

4. Bộ Tài chính: Chú trọng hoàn thiện thể chế để giảm chi phí tuân thủ pháp luật 5

QUẢN LÝ.. 6

5.  Ông Trần Quốc Vượng ký ban hành kết luận quan trọng của Bộ Chính trị 6

6.  Đà Nẵng sẽ thay thế cán bộ không đủ phẩm chất, có hành vi tham nhũng. 8

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 8

7.  “Các địa phương cần cân nhắc kỹ khi sử dụng các phần mềm như Zalo”. 8

8.   Khai trương vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh. 10

9. TPHCM: Quận 11 triển khai mô hình phòng họp không giấy. 11

10. Sẽ có nhiều ứng dụng thông minh phục vụ người dân Hà Nội 11

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 12

11.Bộ trưởng Bộ KH&ĐT ra công văn hỏa tốc thúc giải ngân vốn đầu tư công. 12

12.Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công! 12

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 14

13. Kiến nghị xử lý nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân. 14

14. TPHCM: Khởi tố thêm 3 cán bộ vụ sai phạm khu “đất vàng” Sabeco. 15

15. Phú Yên: Khởi tố Trung tá Công an tự viết thêm vào biên bản hỏi cung. 16

16.Thái Nguyên: 2 lãnh đạo xã bị khởi tố vì bán đất công trái phép. 17

THẾ GIỚI 18

17.Mỹ tiếp tục siết chặt quy định về cấp quốc tịch. 18

18. Lộ diện người đẹp Trung Quốc ngủ với hàng chục quan chức để tiến thân. 18

 CHÍNH SÁCH MỚI

Những quy định có hiệu lực từ tháng 9

Người dưới 18 tuổi không được vào vũ trường, quán karaoke không được hoạt động sau 0 giờ... là những quy định nổi bật có hiệu lực từ tháng 9-2019.

 Người dưới 18 tuổi không được vào vũ trường: Điều này được quy định tại Nghị định số 54/2019 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, có hiệu lực từ ngày 1-9-2019. Theo đó, doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ vũ trường không được cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi, không được hoạt động từ 2 giờ sáng đến 8 giờ sáng. Trường hợp có chương trình biểu diễn nghệ thuật phải thực hiện theo quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật.

  Xả rác xuống công trình thủy lợi có thể bị phạt đến 30 triệu: Nghị định 65/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 9-9-2019. Mức phạt này cũng được áp dụng với các hành vi như đổ chất thải, rác thải, tổ chức các hoạt động du lịch, thể thao trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, khai thác nước trái phép từ công trình thủy lợi.

 Điều chỉnh mức trợ cấp với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ: Thông tư 106/2019 của Bộ Quốc phòng (hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc) quy định: Từ ngày 1-7-2019, mức trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ được điều chỉnh tăng thêm 7,19% trên mức trợ cấp hằng tháng của tháng 6-2019. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8-9-2019.

 Sử dụng xe công sai mục đích có thể bị phạt tới 20 triệu: Nghị định 63/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; Kho bạc Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1-9-2019. Trong đó, mức cao nhất là phạt 10-20 triệu đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

  Trưởng phòng Giáo dục phải có ít nhất năm năm trong ngành: Thông tư 10/2019 của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT thuộc UBND huyện, quận, thị xã, TP có hiệu lực từ ngày 30-9-2019. Theo quy định tại thông tư này, trưởng phòng, phó trưởng phòng Giáo dục phải có thời gian công tác trong ngành giáo dục ít nhất năm năm, phải tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. (Plo.vn 29/8, Phương Dung)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Chính phủ có thể chia sẻ đến 50% hụt thu của dự án PPP

Sáng 29/8, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội bắt đầu phiên họp toàn thể thứ 11, thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

 Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 27/8 Uỷ ban mới có hồ sơ chính thức dự án luật, về mặt thời gian là thời gian gửi dự án luật không đúng với quy định về quy trình xây dựng luật.

 Nhưng, nếu trả về thì sẽ chậm cơ hội hoàn thiện thể chế cho PPP, vì thế nhiều thành viên của Uỷ ban Kinh tế rất băn khoăn. Mới nhận hồ sơ thì chất lượng tham gia thẩm tra sẽ rất là hạn chế, ông Thanh nhấn mạnh.

 Thừa nhận sự chậm trễ này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết lý do có cả khách quan và chủ quan.

 Trình bày báo cáo tóm tắt dự án luật, ông Trung nói về sự cần thiết ban hành Luật PPP. Đó là quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật, như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...

 Việc ban hành một đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của nhà đầu tư PPP, tránh tình trạng "vay mượn" quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết với mục tiêu ổn định, lâu dài.

 Về nội dung chính của dự thảo luật, ông Trung cho biết dự thảo luật quy định nguyên tắc ngưỡng tối thiểu thực hiện dự án PPP theo từng lĩnh vực do Chính phủ quy định chi tiết nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng (trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M) là dự án cung cấp dịch vụ, không có cấu phần xây dựng).

 Dự thảo luật quy định, đối với dự án BT, chỉ được lựa chọn nhà đầu tư sau khi có thiết kế, dự toán.

 Về các loại hợp đồng, dự thảo luật quy định 7 loại hợp đồng cơ bản theo ba nhóm: thu phí từ người sử dụng - BOT, BTO, BOO, O&M; Nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ - BLT, BTL và ba là đổi nguồn lực lấy công trình - BT.

 Về nguồn vốn để bố trí vốn đầu tư công trong dự án PPP cơ quan soạn thảo đề xuất phương án có dòng ngân sách dành cho phần vốn đầu tư công trong dự án PPP tại kế hoạch đầu tư công trung hạn.

 Đáng chú ý, dự thảo luật đã bổ sung các nội dung về hình thức huy động vốn thứ cấp cho các dự án PPP.

 Cụ thể, doanh nghiệp dự án được phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự án để huy động vốn thực hiện dự án PPP sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng.

 Liên quan đến các cơ chế bảo đảm của Chính phủ, dự thảo luật quy định Chính phủ quyết định việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng dự án. Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.

 Dự thảo luật cũng thiết kế cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, cụ thể áp dụng các biện pháp chia sẻ rủi ro về doanh thu trong khuôn khổ hợp đồng bao gồm điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng.

 Đối với các dự án PPP do Quốc hội, Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, dù đã thực hiện đầy đủ các biện pháp trên nhưng chưa đảm bảo được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

 Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

 Sau khi Uỷ ban Kinh tế thẩm tra sơ bộ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét dự án Luật PPP trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm nay. (VnEconomy.vn 29/8)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Mô hình Câu lạc bộ Phụ nữ “Biến rác thành tiền” ở Gia Lai

Thành lập và đi vào hoạt động được 5 năm nay, Câu lạc bộ (CLB) “Biến rác thành tiền” do các Hội Liên hiệp Phụ nữ một số huyện của tỉnh Gia Lai thành lập đang phát huy tốt vai trò trong công tác bảo vệ môi trường. Không những đi đầu trong hoạt động phân loại rác thải, CLB này còn tận dụng rác thải nhựa để gây quỹ ủng hộ trẻ em nghèo.

 Năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Kbang (huyện Kbang, Gia Lai) thành lập được 04 CLB “Biến rác thành tiền”. Từ đó đến nay, các CLB vẫn hoạt động thường xuyên, thu hút thêm nhiều Hội viên Phụ nữ cùng tham gia và lan tỏa mạnh mẽ phong trào bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại các Chi hội Phụ nữ của thị trấn Kbang.

 Đã 05 năm nay, chị Nông Thị Thủy (tổ dân phố 10, thị trấn Kbang) quen với việc phân loại rác thải tại nhà. Tham gia CLB “Biến rác thành tiền”, chị Thủy cùng với các thành viên trong gia đình luôn thực hiện phân tách rác thải có thể tái chế và rác thải không tái chế. Phần rác không tái chế sẽ được ủ làm phân bón hữu cơ hoặc phơi khô rồi đốt. Phần rác có thể tái chế là các chai nhựa sẽ gom lại rồi đưa đến CLB bán lấy tiền gây quỹ cho trẻ em nghèo.

 “Tham gia CLB ngay từ khi mới thành lập, tôi thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa. Việc phân loại rác thải giúp môi trường sống thêm sạch và xử lý rác cũng dễ dàng hơn. Các con của tôi cũng học được thói quen xả rác đúng nơi quy định và nâng cao hơn ý thức về bảo vệ môi trường cả ở nhà và ở bên ngoài”, chị Nông Thị Thủy chia sẻ.

 Số tiền bán chai nhựa tuy không nhiều nhưng đã là một nguồn quỹ ổn định để các Chi hội Phụ nữ tổ chức các hoạt động ý nghĩa cho trẻ em nghèo trên địa bàn như: mua sách vở, quần áo, tổ chức tiệc trung thu cho các cháu. Một số Chi hội Phụ nữ sử dụng khoản tiền này cho các Hội viên Phụ nữ khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế.

 Chị Ngô Thị Hồng, Hội viên Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 8 (thị trấn Kbang) phấn khởi cho biết, nhờ được vay 04 triệu đồng từ CLB “Biến rác thành tiền” cộng với 06 triệu tích góp nhiều năm, chị Hồng đã đầu tư nuôi gà. Sau 2 lần xuất bán, trừ chi phí và khoản vay nợ, chị Hồng thu lãi 10 triệu đồng. Không những thu nhập cải thiện, giờ đây, chị Hồng còn có tiền để tái chăn nuôi đợt mới. Số tiền vay lại chuyển sang cho hội viên khác để đầu tư nuôi trồng, cải thiện đời sống.

 CLB “Biến rác thành tiền” sau 05 năm hoạt động, đến nay đã có 133 thành viên tham gia và tổ chức rất nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Ngoài ra, Tổ Phụ nữ tự quản về bảo vệ môi trường cũng phát huy tối đa vai trò trong công tác làm cho môi trường thêm sạch, đẹp từ những việc làm thiết thực như: thu gom rác thải, tháo gỡ các bảng quảng cáo để làm sạch các tuyến đường, khu dân cư.

 Bà Nguyễn Thị Minh Phong - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Kbang vui vẻ nói: “Hoạt động của CLB “Biến rác thành tiền” vừa mang tính nhân văn sâu sắc, vừa góp phần làm sạch môi trường, chung sức xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này và có những việc làm mới, cách làm hay hơn để đưa mô hình ngày càng lan tỏa trong cộng đồng”. (Baotainguyenmoitruong.vn 29/8, Quế Mai)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Bộ Tài chính: Chú trọng hoàn thiện thể chế để giảm chi phí tuân thủ pháp luật

Với chức năng Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, các lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với các bộ, ngành khác nên nhiệm vụ hàng đầu để giảm chi phí tuân thủ pháp luật được Bộ Tài chính chú trọng là hoạt động xây dựng, hoàn thiện thể chế.

 Cụ thể, đến tháng 6/2019, Bộ Tài chính đã chủ trì trình Chính phủ trình Quốc hội 2 Luật (Luật Quản lý thuế sửa đổi và Luật Chứng khoán), trình Chính phủ 6 Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 30 Thông tư. Qua rà soát, các văn bản đã thực hiện cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý trong tuân thủ các quy định pháp luật, ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, đã rà soát đến việc bãi bỏ các quy định tạo ra chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp góp phần cải thiện chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1).

 Quán triệt chủ trương cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 832/QĐ-BTC về phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Trong đó, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 190 trên tổng số 370 điều kiện kinh doanh (chiếm 51,4%) đang được quy định tại 6 Luật và 16 Nghị định.

 Để thực thi ngay các phương án, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Nghị định 151 đã cắt giảm và đơn giản hóa 117/190 điều kiện kinh doanh thuộc 13 ngành nghề (gồm cắt giảm 47 điều kiện và đơn giản hóa 70 điều kiện). Bộ cũng đã và đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 68/2016/NĐ-CP nhằm cắt giảm, đơn giản hóa 19 điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP để cắt giảm, đơn giản 5 điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

 Đối với 49 điều kiện kinh doanh còn lại quy định tại 6 Luật, Bộ đang chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó cắt giảm, đơn giản 2 điều kiện kinh doanh đại lý làm thủ tục về thuế. Với 47 điều kiện còn lại, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu trong quá trình tổng kết, đánh giá thi hành Luật để đưa vào nội dung sửa đổi theo tiến độ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

 Đặc biệt, hưởng ứng tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”, Bộ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các khoản phí, lệ phí có liên quan trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp để xem xét giảm mức phí, lệ phí. Trên cơ sở rà soát, Bộ báo cáo Thủ tướng cho phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thống nhất không thu 6 khoản phí và 4 khoản lệ phí, điều chỉnh giảm mức thu của 21 khoản phí và 2 khoản lệ phí. Việc làm này nhận được sự đánh giá cao, đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề. Đây là hành động thiết thực, thể hiện sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương cùng chung sức hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí đầu vào, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

 Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã tổ chức 75 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, học tập, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, các chỉ thị, quyết định của Trung ương về phòng, chống tham nhũng với hơn 5,5 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính về công tác phòng, chống tham nhũng.  (Baophapluat.vn 29/8, Gia Lâm)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Ông Trần Quốc Vượng ký ban hành kết luận quan trọng của Bộ Chính trị

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành kết luận của Bộ Chính trị.

 Đây là kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

 Kết luận của Bộ Chính trị đã khẳng định những kết quả đạt được trong thực hiện đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của việc ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

 Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết trong thời gian tới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết; tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau:

 Thứ nhất, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

 Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

 Nhiệm vụ thứ ba là nâng cao năng lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm về tài nguyên, môi trường; kết hợp xử lý hành chính, hình sự với áp dụng công cụ kinh tế, thị trường để bảo đảm thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

 Rà soát, điều chỉnh các quy định xử lý vi phạm theo hướng nâng cao hơn mức xử phạt, bảo đảm đủ sức răn đe. Quy định rõ về cơ chế bồi thường, ký quỹ, đặt cọc, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, bảo hiểm rủi ro thiên tai, quy định mức trách nhiệm tối thiểu đối với từng đối tượng.

 Kết luận của Bộ Chính trị cũng nêu các nhiệm vụ cấp bách. Đó là tiếp tục cập nhật, cụ thể hoá "Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng" của cả nước và đến từng vùng, miền, địa phương. Lựa chọn các hạng mục, giải pháp ưu tiên để lồng ghép triển khai thực hiện. Khẩn trương hoàn thành các công trình chống ngập đang thi công ở Thành phố Hồ Chí Minh; bổ sung các giải pháp dần hình thành hệ thống chống ngập đồng bộ, hiệu quả. Triển khai các giải pháp chống ngập cho vùng lõi thành phố Cần Thơ. Đầu tư hoàn thiện và nâng cấp hệ thống đê biển, các công trình chống sạt lở ven sông, ven biển, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long… (Danviet.vn 29/8, Lương Kết)Về đầu trang

Đà Nẵng sẽ thay thế cán bộ không đủ phẩm chất, có hành vi tham nhũng

Ngày 28/8, UBND TP Đà Nẵng cho biết, vừa có công văn yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành… chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị.

 Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế hoạt động, quy trình làm việc của các đoàn kiểm tra, thanh tra; đảm báo giải quyết công việc công khai…không để tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

 Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đẩy nhanh tiến độ các công việc có liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ việc tham nhũng để răn đe, giáo dục chung.

 Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, cố tình né tránh, chậm trễ, kéo dài, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác.

 Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thường xuyên kiểm tra và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống tham nhũng…tại cơ quan, đơn vị mình. 

Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. (Vietnamnet.vn 28/8, Hồ Giáp) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

“Các địa phương cần cân nhắc kỹ khi sử dụng các phần mềm như Zalo”

Thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đặt ra tại cuộc họp giữa Tổ công tác của Thủ tướng với 8 tỉnh, thành phố phía bắc về tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính, tổ chức ngày 29/8 tại Hà Nội.

 Tại cuộc họp, các địa phương cho biết về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, ví dụ như việc chậm ban hành một số Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức… Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ…

 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, việc xây dựng Chính quyền điện tử phải tiếp cận trên cơ sở cải cách hành chính, công nghệ phục vụ cải cách; phải có đội ngũ cán bộ giỏi về công nghệ thông tin, đồng thời cũng phải có đội ngũ cán bộ giỏi cải cách, giỏi thủ tục, giỏi quản trị.

 Bộ trưởng cũng ghi nhận thực trạng hạ tầng công nghệ không đồng bộ giữa các địa phương, các phần mềm không ai giống ai, thậm chí ngay các sở ngành tại một địa phương cũng không kết nối được với nhau, dù vậy, theo Bộ trưởng vẫn có cách xử lý.

 Ông Dũng đơn cử như Văn phòng Chính phủ không đầu tư mà theo hướng các doanh nghiệp đầu tư, nhà nước thuê lại, không cần đầu tư, không cần biên chế.

 Đáng chú ý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cho biết, thời gian qua một số tỉnh đã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính công trên ứng dụng Zalo trên nền tảng Internet, điều này cho phép người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mọi lúc, mọi nơi.

 "Tuy nhiên, các địa phương cần cân nhắc việc sử dụng các phần mềm trong cung cấp dịch vụ công, nhất là về vấn đề an ninh, an toàn thông tin", ông Dũng lưu ý tới các địa phương cân nhắc việc sử dụng phần mềm Zalo, đồng thời cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đánh giá lại các yếu tố an ninh, an toàn khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua ứng dụng Zalo.

 Liên quan đến việc hợp tác giữa Zalo và các tỉnh thành, như một bài viết mới đây mà VnEconomy đăng tải, "mạng xã hội" Zalo của Công ty Cổ phần VNG đến thời điểm hiện tại đã hợp tác với trên 30 tỉnh thành trong việc triển khai mô hình hành chính công 4.0, nhằm cải cách hành chính và tương tác với người dân, xây dựng mô hình thành phố thông minh, cung cấp cho người dân tính năng kiểm tra tình trạng hồ sơ, góp ý với các cơ quan nhà nước hoặc cập nhật những thông tin, chính sách, dự thảo luật mới nhất…

 Cũng liên quan đến "mạng xã hội" này, giữa tháng 7/2019, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM đã có văn bản đề nghị các bên đăng ký và quản lý tên miền thu hồi hai tên miền của Zalo là Zalo.vn và Zalo.me của Công ty Cổ phần VNG với lý do Zalo đã hoạt động mạng xã hội chưa phép. (Vneconomy.vn 29/8, Thủy Diệu)Về đầu trang

Khai trương vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh

Ngày 28/8, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh (đặt tại trụ sở UBND tỉnh, phường Hồng Hà, TP Hạ Long).

 Dự và trải nghiệm hạ tầng công nghệ mới trong điều hành, ứng dụng của tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ TTTT; Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND, UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

 Cùng dự để trao đổi kinh nghiệm với tỉnh Quảng Ninh còn có các đồng chí lãnh đạo các tỉnh: Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái…

 Đề án mô hình thành phố thông minh được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2016, Đề án phát triển trên quan điểm ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng phát triển kho tích hợp dữ liệu dùng chung trong tất cả các lĩnh vực; hình thành công cụ quản lý tất cả trong một nền tảng, các tiện ích cho người dùng cuối là nhân dân. Qua đó, thúc đẩy đổi mới, thực thi công bằng xã hội, tăng cường sự minh bạch...

 Từ yêu cầu thực tế trong công tác quản lý, điều hành, Đề án đã hoạch định ra các giai đoạn hình thành, phát triển, xây dựng các dự án thành phần. Giai đoạn 2017-2020, tỉnh tập trung xây dựng 32 nhiệm vụ, dự án, hình thành hệ thống trung tâm điều hành, cơ sở hạ tầng, nguồn lực cho thành phố thông minh. Phấn đấu đến cuối năm 2020, xây dựng TP Hạ Long cơ bản trở thành thành phố thông minh; đến năm 2030 Quảng Ninh sẽ trở thành thành phố thông minh, hiện đại đứng trong tốp đầu các thành phố thông minh của Việt Nam và khu vực ASEAN.

 Trên cơ sở đó, tháng 4/2019, từ đề nghị của tỉnh Quảng Ninh, Công ty CP Tiến bộ quốc tế AIC - một trong những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam về các ứng dụng, giải pháp công nghệ, xây dựng thành phố thông minh đã đề xuất và giới thiệu demo Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh và thực hiện thi công hoàn thiện sau hơn 4 tháng, chính thức đưa vào vận hành thử nghiệm từ ngày 28/8 để lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, đơn vị sử dụng và nhân dân nhằm tiếp tục phát triển hoàn thiện.

 Theo đó, Trung tâm có quy mô tích hợp đồng bộ nhất hiện nay tại Việt Nam, có thể ví như "bộ não" của tỉnh Quảng Ninh, được tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có của tỉnh, giúp có được một cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực... trên phạm vi toàn tỉnh.

 Trung tâm sẽ cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích để người điều hành ra những quyết định sáng suốt, kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp… Đồng thời tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường… bằng vài thao tác bấm nút cực kỳ đơn giản trên thiết bị di động.

 Tính ưu việt của Trung tâm còn nằm ở chỗ theo dõi được tất cả các vấn đề thông qua hệ thống camera và cảm biến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)… Khi có sự cố hay cảnh báo, có thể dễ dàng quan sát từng camera được kết nối trên bản đồ số. Các thông tin sẽ được tập hợp, phân tích vào các hoạt động quản lý từ một đầu mối điều hành duy nhất. Vì thế, có thể dự báo về các vấn đề xảy ra, phản ứng trước các tình huống. (VTV.vn 29/8)Về đầu trang

TPHCM: Quận 11 triển khai mô hình phòng họp không giấy

Sáng 28-8, UBND quận 11 triển khai mô hình phòng họp không giấy và ứng dụng “Giao việc kịp thời, nhắc việc thông minh”. Đây là quyết tâm của quận 11 trong việc triển khai chính quyền điện tử và hướng đến Năm Cải cách hành chính mà TPHCM thực hiện.

 Qua mô hình này, nội dung và các tài liệu họp sẽ được số hóa, chuyển đến các thành viên dự họp để nghiên cứu trước. Các thành viên dự họp cũng có thể truy cập tức thời nhiều tài liệu liên quan đến nội dung cuộc họp, tham gia đóng góp ý kiến từ xa. Mô hình phòng họp không giấy giúp giảm 30% thời gian các phiên họp; giảm 30% chi phí photo, in ấn và giảm 40% chi phí so với tổ chức cuộc họp thông thường. Ngoài ra, từ mô hình phòng họp không giấy, trong thời gian tới, quận 11 sẽ triển khai họp trực tuyến. Các thành phần tham dự cuộc họp ngồi tại cơ quan, đơn vị cũng có thể trao đổi, nắm bắt thông tin mà không cần phải di chuyển đến phòng họp.

 Với ứng dụng “Giao việc tức thời, nhắc việc thông minh”, ngoài chức năng phân loại công việc, lên lịch thì ứng dụng còn tự động theo dõi và nhắc việc, qua đó giúp lãnh đạo kịp thời giám sát được quá trình giải quyết công việc của cấp dưới, nhất là các công việc giao đột xuất. Ứng dụng cũng đảm bảo thông tin được bảo mật hoàn toàn.

 Đồng chí Ngô Văn Luận, Bí thư Quận ủy quận 11, nhấn mạnh ứng dụng chỉ là công cụ hỗ trợ; yêu cầu các bộ phận, phòng ban vừa áp dụng công nghệ thông tin vừa phải đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ cấp ủy đến các cấp cơ sở, để công tác lãnh đạo, điều hành đạt hiệu quả, lấy hiệu quả phục vụ người dân làm thước đo. (Sài Gòn Giải Phóng 29/8, Thu Hường) Về đầu trang

Sẽ có nhiều ứng dụng thông minh phục vụ người dân Hà Nội

Bên lề “Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội năm 2019” ngày 29-8, trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sắp tới, TP sẽ ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến vào để xây dựng các ứng dụng thông minh để phục vụ người dân...

 Phóng viên hỏi: Mục tiêu mà Hà Nội đang đặt ra là sẽ xây dựng thành phố thông minh trong tương lai gần, vậy Hà Nội sẽ có những hành động cụ thể nào để triển khai việc này, để người dân sớm được hưởng nhiều quyền lợi hơn nữa?

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời: Để triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chọn Hà Nội là 1 trong 3 đô thị của Việt Nam tham gia xây dựng mạng lưới thông minh của Đông Nam Á, chúng tôi đã và đang triển khai những bước đi rất cụ thể và thận trọng.

 Ngoài việc xây dựng đề án về tập trung đào tạo các nguồn nhân lực cho thành phố, chúng tôi cũng đang ứng dụng công nghệ tiên tiến để xây dựng các ứng dụng  thông minh phục vụ người dân và quá trình cải cách, đổi mới của thành phố hướng đến một mục tiêu nhất quán "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ". (Anninhthudo.vn 29/8, Phú Khánh)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT ra công văn hỏa tốc thúc giải ngân vốn đầu tư công

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có công văn hỏa tốc gửi các Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.

 Trong công văn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Để hướng tới việc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đầu tư công vào nửa cuối tháng 9 tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ ngành, UBND các địa phương tăng cường chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch, sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án hoặc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2019.

 Cập nhật số liệu 7 tháng đầu năm 2019 cho thấy, tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước rất thấp, chỉ đạt hơn 32% kế hoạch được Quốc hội thông qua. Có đến 35 Bộ, cơ quan Trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân 7 tháng đạt dưới 40%. (VTV.vn 29/8)Về đầu trang

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công!

Đất nước thời xây dựng, việc các bộ, ngành cho đến 63 tỉnh, thành phố mở các dự án là vô cùng cần thiết. Bao nhiêu dự án đã làm thay đổi bộ mặt đất nước. Không ít những công trình mang tầm vóc quốc gia đang làm cho hình ảnh Việt Nam ngày càng đẹp lên trong mắt bạn bè. Bằng sức mạnh nội lực, bằng những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài sáng láng, chỉ hơn 30 năm đi vào đổi mới, hội nhập, nước ta đã trở thành quốc gia có uy thế, uy tín, vị thế trên trường quốc tế.

 Nhưng đã đến lúc phải nhìn lại câu chuyện mở các dự án phải chăng do tư duy một thời nóng vội nên đã “bật ra” những lỗ hổng? Không thể không nhìn rõ những bất cập khi dự án cứ “vẽ ra” mà nhiều nhà đầu tư không động tĩnh. Những vụ sang nhượng dự án, thay đổi mục đích sử dụng đất đai đang là rào cản không nhỏ. Cũng bởi đất đai nhiều “màu mỡ” chăng mà không ít cán bộ, đảng viên giữ trọng trách bị “quật ngã”?

 Nhìn lại tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội đang bứt lên có nhiều điểm sáng, nhưng cũng không ít “khoảng tối” không thể không lo. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành rà soát tất cả các dự án lớn, nhỏ xem thực trạng thế nào. Soi vào kỷ cương, những quy định của pháp luật trong phê duyệt dự án, trong thu hút đầu tư, trong đấu thầu, chọn thầu... rõ ràng còn bị buông lỏng. Thao túng đất đai nên nhiều doanh nghiệp (DN) đại gia giàu nhanh từ đất, từ các dự án chỉ định thầu, giao đất vội vã. Có không chính quyền tỉnh, thành phố nơi này, nơi kia còn bị các DN “dắt tay”? Có không những “lợi ích nhóm” chen vào trong các dự án lớn? Nhìn vào ngân sách quốc gia chưa dư dả, không thể không xót lòng cho những dự án “đội vốn” quá khủng. Càng trăn trở cho nhiều dự án các khu đô thị mở ra, thu hồi đất giờ để hoang hàng chục năm.

 Nhiều câu chuyện buồn về quyền uy thao túng đất đai công thổ quốc gia. Những khu “đất vàng” nơi đắc địa ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt... đã quản lý sử dụng hiệu quả chưa? Tình trạng xẻ đất chia lô bán nền, tình trạng biến báo đất nông nghiệp, đất rừng lọt vào tay cá nhân tư lợi như càng khó kiểm soát. Dư luận từng nói nhiều đến những vụ việc ở Đà Nẵng, Nha Trang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai... Mới thấy cũng đủ chiêu, đủ cách khuynh đảo đất đai. Một số cán bộ lãnh đạo bị Trung ương xử lý kỷ luật cũng bởi tay “nhúng chàm” vào các dự án để các DN đại gia điều khiển, dắt tay.

 Đất nước đi lên, nhiều dự án trọng điểm tầm vóc mới sẽ còn tiếp tục xây dựng. Nhưng chiến lược và tư duy quản lý, phê duyệt đầu tư cho đến mời thầu, gọi thầu, đấu thầu... càng phải thực thi chặt chẽ. Không thể diễn lại cảnh các dự án đội vốn quá khủng mà trách nhiệm cá nhân không rõ. Không thể khi những dự án nảy sinh tranh chấp pháp lý với đủ bất cập “phơi ra” lại né tránh và biện minh đổ lỗi do dự án lớn quá, mới quá nên chưa lường hết.

 Cần nhìn thẳng vào sự chung tay của các bộ, ngành trong thẩm định phê duyệt các dự án. Nói gì khi sân bay Vân Đồn, DN tư nhân làm rất nhanh, nhưng các dự án nhà nước thì bộ nọ còn ngó đợi ngành kia, chùng chình như việc của ai? Lộ trình cho một dự án đi vào thực hiện quá dài vì cả “biển” thủ tục bao vây, cả “rừng” quy định cát cứ. Bao nhiêu cuộc họp bàn về căn nguyên các dự án thi công ì ạch, chờ đợi là do mắc mớ trong giải phóng mặt bằng. Bao nhiêu hội thảo, kiến nghị, đề xuất tìm giải pháp để tháo gỡ cho tình trạng giải ngân chậm, có tiền mà không thể tiêu, nhưng giải ngân vẫn càng như chậm thêm. Người đứng đầu Chính phủ đã phê bình trực tiếp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chịu trách nhiệm về thực trạng này. Nhưng xem ra cách làm vẫn chưa có gì sáng ra. Hãy nghĩ xem, vốn đầu tư công đi vay, phải trả lãi mà tiền cứ trong két, nhiều dự án khát vốn, phải đợi tiền nghe có lạ không?

  Cả nước giải ngân quá chậm vốn đầu tư công. Ngay cả 2 thành phố “đầu tàu” là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giải ngân đầu tư công cũng rất ì ạch. Hà Nội mới giải ngân được 24,7%, TP Hồ Chí Minh mới giải ngân được 26% trong tổng số 33.170 tỷ đồng của kế hoạch năm 2019. Câu hỏi đặt ra vì sao đến giờ vẫn còn 35.000 tỷ đồng chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố để trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn. Nhiều dự án đợi vốn, khát vốn trong khi đó vốn ngân sách trung ương còn tới 16.500 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ còn 4.200 tỷ đồng và vốn vay nước ngoài còn 14.300 tỷ đồng, thì các bộ, ngành giải thích sao? “Tư lệnh” ngành kế hoạch và đầu tư đổ lỗi do năng lực một số chủ đầu tư hạn chế, còn chưa nắm bắt kịp thời các thủ tục, chậm trễ trong hồ sơ mời thầu, đấu thầu; rồi việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng là những điểm nghẽn trong giải ngân các dự án...  Nhưng cho dù lý giải kiểu gì, thì cũng đã đến lúc phải chỉ thẳng: Trong thực thi trọng trách được trao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa tròn trọng trách quản lý nhà nước!

 Nợ công dù vẫn dưới ngưỡng QH cho phép, nhưng vấn đề là không thể tiền nằm trong kho mà vẫn phải trả lãi. Càng không thể để tiếp diễn tình trạng các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án lớn nhỏ ở các tỉnh, thành phố phải đợi giải ngân, tình trạng các đối tác nước ngoài phạt vì chậm giải phóng mặt bằng, vì rót vốn chậm!

  Chính phủ rất quyết liệt đốc thúc để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Nhưng “nút thắt” có được cởi, “điểm nghẽn” có được khơi thông hay không lại phải nhìn từ sự bứt lên của chính các bộ, ngành! (Daibieunhandan.vn 29/8)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Kiến nghị xử lý nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân

Cùng với việc đề nghị truy tố 5 bị can trong đó có ông Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM), Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM) về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự, Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng cho rằng cần kiến nghị xử lý nghiêm ông Lê Hoàng Quân là Chủ tịch UBND TP.HCM thời điểm xảy ra vụ án.

 Theo Cơ quan điều tra (CQĐT), ngày 8/4/2015 Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”, Chủ tịch Công ty CP XD Bắc Nam 79) và lãnh đạo Công ty Novaland ký thỏa thuận nguyên tắc cùng hợp tác đầu tư khu đất 15 Thi Sách (TP.HCM). Cụ thể Công ty CP XD Bắc Nam 79 góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất tại số 15 Thi Sách và chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục liên quan về đất, Công ty Novaland sẽ bỏ tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai và đầu tư xây dựng, sau khi trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận sẽ chia đôi. Công ty CP XD Bắc Nam 79 và Công ty Novaland đã góp vốn thành lập 2 công ty là Công ty TNHH Madison và Công ty CP Navahome Madison.

 Ngày 8/12/2015 Công ty CP XD Bắc Nam 79, Công ty TNHH Madison và Công ty Novaland ký thỏa thuận 3 bên với nội dung Công ty TNHH Madison sẽ thay thế Công ty Novaland thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Công ty Novaland. Cụ thể Công ty TNHH  Madison sẽ chuyển cho Công ty CP XD Bắc Nam 79 số tiền 30 tỷ đồng và Công ty CP XD Bắc Nam 79 phải hoàn trả lại cho Công ty Novaland số tiền 30 tỷ đồng đã nhận trước đó.

 Ngày 10/12/2015 Công ty CP XD Bắc Nam 79, Công ty TNHH Madison và Công ty Novahome Madison ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nội dung, Công ty Novahome Madison nhận bao tiêu sản phẩm của dự án gồm 72 căn Officetel và 115 căn hộ. Ngày 30/12/2016 công trình dự án Madison được khởi công xây dựng. Mặc dù chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất đối với ngân sách nhà nước, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng Vũ “nhôm” cũng đã hợp tác với đối tác là Công ty Novaland xây dựng công trình 18 tầng.

 Ngày 31/5 /2016 Công ty TNHH Madison ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng 88 phòng khách sạn và cho thuê diện tích của thương mại trị giá 136 tỷ đồng với Công ty Ominigold, để đảm bảo cho việc mua bán về sau giữa hai công ty, Công ty Ominigold đã cho Công ty TNHH Madison vay 136 tỷ đồng.

 Tính đến ngày 30/9/2018 Công ty Novahome Madison đã ký hợp đồng đặt mua bán, cho thuê bất động sản với 114 khách hàng, gồm 76 cá nhân ở trong nước và 36 cá nhân ở nước ngoài, 4 tổ chức, tương ứng với số lượng 133 sản phẩm bao gồm 78/94 căn hộ, 54/72 căn Officetel và 1/2 lô thương mại. Tổng số tiền thu được của khách hàng là trên 1.000 tỷ đồng. Hiện tại dự án Madison còn 16 căn hộ, 18 Officetel và 1 lô thương mại chưa tiêu thụ và 21 căn hộ được Công ty CP XD Bắc Nam 79 giữ lại theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

 Theo Cơ quan điều tra, ông Lê Hoàng Quân - nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM được xác định là người có liên quan trong vụ án này. Theo đó, thực hiện theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg, Ban chỉ đạo 09 TP.HCM (do ông Lê Hoàng Quân làm Trưởng ban) đã tham mưu, trình UBND TP.HCM ban hành công văn số 5309/UBND-TM ngày 27/10/2011 về phê duyệt phương án xử lý nhà đất của Công ty quản lý kinh doanh nhà (QLKDN) đợt 3, trong đó nhà đất số 15 Thi Sách được sắp xếp giao cho Cty QLKDN tiếp tục quản lý cho thuê theo quy hoạch. Công ty QLKDN là đơn vị tiếp tục thuê để làm văn phòng, xưởng phim.

 Ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo, ký các văn bản và quyết định chấp thuận cho Công ty CP XD Bắc Nam 79 được ký hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT, được khấu trừ tiền bồi thường tài sản, vật kiến trúc trên đất và tiền thuê đất không phải nộp đối với nhà đất số 15 Thi Sách. CQĐT cho rằng, ông Nguyễn Hữu Tín đã không báo cáo xin ý kiến ông Lê Hoàng Quân (Chủ tịch UBND TP.HCM kiêm Trưởng Ban 09 lúc bấy giờ).

 Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Quân và các thành viên Ban 09 TP.HCM có nhận được các văn bản: Công văn 927 ngày 16/12/2014, công văn 198/UBND-ĐTMT do ông Nguyễn Hữu Tín ký, nội dung chấp thuận cho Công ty CP XD Bắc Nam 79 được ký hợp đồng thuê đất, được khấu trừ tiền thuê đất phải nộp theo quy định. Việc nhận được các văn bản trên, theo CQĐT không phải là báo cáo hay văn bản trao đổi thủ tục hành chính, do đó Cơ quan CSĐT nhận thấy chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự cựu Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân và các thành viên Ban 09.

 Tuy vậy, CQĐT cũng cho rằng, cần kiến nghị UBND TP.HCM có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với ông Lê Hoàng Quân và các cá nhân khác vì đã không có ý kiến gì khi nhận được văn bản quyết định do ông Nguyễn Hữu Tín ký cho Công ty CP XD Bắc Nam 79 khấu trừ tiền thuê đất đối với nhà đất số 15 Thi Sách, trái với quy định tại Quyết định 09/2007/QĐ-TTg và Luật Đất đai 2013. (Danviet.vn 29/8, Tân Châu)Về đầu trang

TPHCM: Khởi tố thêm 3 cán bộ vụ sai phạm khu “đất vàng” Sabeco

Liên quan đến sai phạm tại khu "đất vàng" của Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM), Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định khởi tố ông Lâm Nguyên Khôi - nguyên phó giám đốc, ông Nguyễn Quang Minh - nguyên Trưởng phòng Hạ tầng Sở KH&ĐT TP.HCM và bà Nguyễn Lan Châu - chuyên viên Phòng Quản lý đất Sở TN&MT TP.HCM.

 Những người trên bị khởi tố để điều tra hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Các bị can được tại ngoại.

 Trước đó, ngày 8-11-2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM; Đào Anh Kiệt, nguyên giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, ông Trương Văn Út, phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TP.HCM; ông Lê Văn Thanh, phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM và ông Nguyễn Thanh Chương, trưởng Phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM để điều tra hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

 Khu đất có bốn mặt tiền (đường Hai Bà Trưng, Thi Sách, Công trường Mê Linh, Đông Du) với tổng diện tích hơn 6.000 m2 do Sabeco quản lý, sử dụng. Năm 2008, Sabeco được UBND TP.HCM quyết định giao khu "đất vàng" này để triển khai dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng có tên Sài Gòn Mê Linh Tower, vốn đầu tư hơn 2.423 tỉ đồng.

 Năm 2015, Sabeco góp vốn thành lập Sabeco Pearl (Sabeco góp 26%) cùng ba nhà đầu tư khác nhằm thực hiện dự án Sài Gòn Mê Linh Tower nhưng đến năm 2016 lại tuyên bố thoái toàn bộ vốn tại Sabeco Pearl. Việc chuyển giao cơ sở nhà, đất nêu trên cho các công ty trên đã không thông qua đấu giá là trái quy định.

 Cụ thể, năm 2015, khi Công ty Sabeco Pearl được thành lập, phó chủ tịch UBND TP khi đó là ông Nguyễn Hữu Tín thuận chủ trương cho công ty này làm chủ đầu tư dự án tại lô đất trên và được cho là chưa qua ý kiến của Bộ Tài chính.

 Sau đó, Sở TN&MT lập tờ trình (do ông Đào Anh Kiệt làm giám đốc Sở thời điểm đó) đề nghị UBND TP cho Công ty Sabeco Pearl thuê đất. Tháng 6-2015, ông Tín ký quyết định cho Sabeco Pearl thuê đất 50 năm trả tiền một lần xây dựng dự án khu phức hợp sáu sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê. Việc ông Tín cho phép chuyển dự án từ Tổng Công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl được cho là chưa phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà, đất công của Bộ Tài chính.

 Ngoài ra, việc chỉ định cho công ty này thuê đất 50 năm trả tiền một lần với giá do cơ quan chức năng thẩm định mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất, theo nguồn tin riêng của chúng tôi, cơ quan tố tụng đã phát hiện nhiều điểm bất thường trong việc giao đất này và đang điều tra làm rõ.

 Trong một diễn biến khác, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố ông Nguyễn Hữu Tín (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng các đồng phạm liên quan đến vụ giao đất vàng ở số 15 Thi Sách, quận 1 cho công ty của Vũ “nhôm”.

 Ngoài ông Tín, các bị can còn lại là Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở TN&MT TP.HCM), Trương Văn Út (cựu phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TP.HCM), Lê Văn Thanh (cựu phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM) và Nguyễn Thanh Chương (cựu trưởng Phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM).

 Cả năm bị can cùng bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt 10-20 năm tù. (Plo.vn 29/8, Nguyễn Đức)Về đầu trang

Phú Yên: Khởi tố Trung tá Công an tự viết thêm vào biên bản hỏi cung

Ngày 29-8, nguồn tin của Pháp Luật TPHCM xác nhận Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Việt Cường (43 tuổi, trung tá, cựu điều tra viên Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên) về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án quy định tại khoản 2 Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015. Quyết định này đã được VKSND Tối cao phê chuẩn.

 Một nguồn tin khác cho hay ông Nguyễn Việt Cường đã bị đình chỉ chức trưởng Công an phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa và bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.

 Kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao xác định: Tháng 7-2012, Công an tỉnh Phú Yên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ba người về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Sau đó, Công an tỉnh Phú Yên chuyển hồ sơ vụ án cho Công an TP Tuy Hòa điều tra theo thẩm quyền.

 Lúc đó, ông Nguyễn Việt Cường là đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an TP Tuy Hòa được phân công thụ lý điều tra, giải quyết vụ án này.

 Trong quá trình điều tra, tháng 5-2013, Công an TP Tuy Hòa ra các quyết định khởi tố thêm bị can đối với Nguyễn Hồng Ngọc Anh và Từ Phạm Quang Vinh về tội mua bán trái phép chất ma túy. Sau đó, bị can Vinh bỏ trốn và bị truy nã.

 Tháng 3-2014, TAND TP Tuy Hòa xử sơ thẩm tuyên phạt bốn bị cáo, trong đó Nguyễn Hồng Ngọc Anh bảy năm tù. Xử phúc thẩm vụ án này hồi tháng 9-2014, TAND tỉnh Phú Yên hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Tuy Hòa đối với bị cáo Nguyễn Hồng Ngọc Anh để điều tra lại.

 Trong quá trình điều tra lại vụ án, VKSND TP Tuy Hòa phát hiện khi thụ lý hồ sơ, điều tra viên Nguyễn Việt Cường tự viết thêm nhiều nội dung có tính chất buộc tội đối với Nguyễn Hồng Ngọc Anh vào các biên bản hỏi cung bị can của Từ Phạm Quang Vinh, Nguyễn Hồng Ngọc Anh, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Đại diện VKSND TP Tuy Hòa đã đề nghị giám định các biên bản hỏi cung này.   

 Sau khi có kết luận giám định, ngày 31-5, Công an TP Tuy Hòa ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với Nguyễn Hồng Ngọc Anh với lý do hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội. (Plo.vn 29/8, PV)Về đầu trang

Thái Nguyên: 2 lãnh đạo xã bị khởi tố vì bán đất công trái phép

Thông tin từ cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên, đơn vị này vừa thực hiện khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với 2 lãnh đạo xã Tân Khánh, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) về tội lạm quyền bán đất công trái quy định pháp luật.

 Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Bá Trực – Chủ tịch UBND xã Tân Khánh, huyện Phú Bình và ông Dương Văn Chung hiện đang là Chủ tịch HĐND xã Tân Khánh về hành vi lạm quyền, vi phạm pháp luật.

 Thông tin ban đầu được biết, trước đây vào thời kỳ ông Dương Văn Chung làm Chủ tịch UBND xã Tân Khánh đã thực hiện việc bán 720m2 đất công, thu về 611 triệu đồng. Còn ông Nguyễn Bá Trực thì đã bán 160m2 đất công, thu 240 triệu đồng. Toàn bộ số tiền nói trên đã được sử dụng vào công việc chung của địa phương.

 Ngoài ra, theo ông Trần Minh Hòa, Bí thư Đảng Uỷ xã Tân Khánh, ngay sau khi 2 lãnh đạo của xã Tân Khánh bị khởi tố dư luận địa phương đang xôn xao vì có thông tin thất thiệt về việc cán bộ xã thu chi sai quy định với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. Hiện tại vụ việc đang được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tiến hành điều tra, làm rõ. (Danviet.vn 29/8, Hà Thanh)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Mỹ tiếp tục siết chặt quy định về cấp quốc tịch

Trẻ sinh ra tại nước ngoài trong thời gian bố mẹ - là công dân Mỹ - làm việc cho chính phủ hay phục vụ trong quân đội Mỹ ở hải ngoại sẽ không được mang quốc tịch Mỹ.

 Quy định trên do Cơ quan Di trú và nhập tịch Mỹ (USCIS) công bố ngày 28/8. Theo quy định hiện hành, những trẻ sơ sinh thuộc diện này được tự động cấp quyền công dân theo Đạo luật Nhập cư và quốc tịch 320. Tuy nhiên, với quy định mới, cha mẹ của những trẻ sơ sinh nói trên sẽ phải nộp đơn chính thức và chờ xét duyệt cấp quốc tịch cho con họ trước khi chúng tròn 18 tuổi.

 Cộng đồng người Mỹ hải ngoại không bị ảnh hưởng vì cơ quan chức năng vẫn cấp quyền công dân cho những trẻ sinh ra tại nước ngoài và có bố hoặc mẹ là công dân Mỹ, từng sống tại Mỹ trước đó trong ít nhất 5 năm. Quy định mới này dự kiến có hiệu lực vào ngày 29/10 tới.

 Lý giải về sự thay đổi này, USCIS giải thích một số quy định được áp dụng phổ biến mâu thuẫn với một số điều khoản trong luật nhập cư liên bang cũng như các quy trình của Bộ Ngoại giao.

 Trên mạng xã hội Twitter, Giám đốc USCIS Ken Cuccinelli nhấn mạnh quy định mới "không ảnh hưởng tới quyền hưởng quốc tịch theo nơi sinh" - vốn bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích vì cho phép những đứa trẻ sinh ra tại Mỹ nghiễm nhiên có quốc tịch Mỹ. (VTV.vn 29/8)Về đầu trang

Lộ diện người đẹp Trung Quốc ngủ với hàng chục quan chức để tiến thân

Ngày 28/8, Tòa án trung cấp Định Tây, Cam Túc, Trung Quốc đã xét xử công khai Khương Bảo Hồng, cựu Phó thị trưởng thành phố Vũ Uy, vì tội nhận hối lộ.

 Theo Viện Kiểm sát nhân dân Định Tây, từ tháng 5/2009 đến tháng 6/2018, Khương Bảo Hồng đã lợi dụng các chức vụ như Cục trưởng Xúc tiến đầu tư thành phố Vũ Uy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách phát triển thành phố, Phó thị trưởng Vũ Uy... để giúp người khác kiếm lợi rồi nhận hối lộ 14,18 triệu NDT, 200.000USD, 300gr vàng.

 Khương Bảo Hồng đã nhận tội trước tòa. Tòa án đã tuyên bố kết thúc phiên xét xử, nhưng mức án sẽ được tuyên vào dịp khác.

 Tư liệu cho thấy, Khương Bảo Hồng sinh năm 1974, có các bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ ngành luật. Ngày 10/8/2018, Hồng bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Cam Túc điều tra vì bị nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Tháng 3/2019, Viện Kiểm sát Cam Túc chỉ định Viện Kiểm sát Định Tây truy tố vụ án Hồng nhận hối lộ ra tòa án Định Tây xét xử.

 Thông báo chính thức cũng chỉ rõ, Khương Bảo Hồng là đảng viên, cán bộ lãnh đạo, nhưng quan niệm giá trị méo mó, biến chất chính trị, tham lam kinh tế, lối sống đồi bại. Đồng thời, còn tham gia vào giao dịch quyền - sắc, tìm kiếm sự thăng tiến chức vụ.

 Đáng chú ý là, ngày 10/1/2019, Hỏa Vinh Quý, Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác nông nghiệp và nông thôn Chính Hiệp tỉnh Cam Túc bị khai trừ đảng và công chức do vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Quý bị cáo buộc duy trì lâu dài quan hệ tình ái bất chính với một số phụ nữ. Cùng ngày, Hồng cũng bị khai trừ đảng và công chức.

 Theo tạp chí Tài Tân, trên quan trường Cam Túc, từ lâu đã lan truyền tin đồn Khương Bảo Hồng thông qua hối lộ tình dục các quan chức để được thăng tiến. Nhất là ở Vũ Uy, các giai thoại về mối quan hệ thân mật giữa nữ phó thị trưởng có gương mặt xinh đẹp và thân hình quyến rũ này cùng Hỏa Vinh Quý đã được lưu truyền rộng rãi trong giới quan chức.

 Bài báo của Tài Tân cũng cho biết, chức vụ của Hồng liên tục thay đổi theo chiều hướng đi lên và tất cả những điều này là nhờ những thư viết tay của Hỏa Vinh Quý.

 Sau khi bài viết trên được Tài Tân đăng tải, đã có tin nói để tránh bản thảo bị coi là như một tác phẩm văn học dành cho người lớn, rất nhiều tình tiết dâm loạn đã bị cắt bỏ. Trong quá trình điều tra, Khương Bảo Hồng đã khai nhận có quan hệ tình dục với hơn 40 quan chức, trong đó có 17 người là cán bộ lãnh đạo đã được xác nhận. (Danviet.vn 29/8, Ngô Tuyết)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More