Bản tin ngày 14-12-2021

Post date: 14/12/2021

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

tt

Tên bài/nội dung

Tên cơ quan báo chí và tác giả

Ghi chú

 
 

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

 

Ghi nhận thêm 27 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. 4

Baoquangbinh.vn 14/12

 

Bố Trạch: Tiêm 4.260 liều vắc-xin cho học sinh lứa tuổi 16 và 17. 4

Baoquangbinh.vn 14/12, Hương Trà

 

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

 

Quảng Bình tham gia hội nghị đối ngoại toàn quốc. 5

Baoquangbinh.vn 14/12, Ngọc Mai

 

Tiếp 81 lượt công dân trong tháng 11/2021. 7

Thanhtravietnam.vn 13/12, Việt Anh

 

KINH TẾ

 

Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông. 8

Baoquangbinh.vn 13/12, A. Tuấn

 

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Bình góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển KCHT giao thông trên địa bàn tỉnh. 9

Mt.gov.vn 14/12

 

Sau phản ánh của Báo Bảo vệ pháp luật, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chỉ đạo kiểm tra nóng. 10

Baovephapluat.vn 14/12, Nguyễn Cường- Bùi Tiến

 

Cảng biển Quảng Bình tăng trưởng hàng hóa trong trạng thái bình thường mới 11

Baogiaothong.vn 14/12, Văn Thanh – Nguyễn Đức

 

TNR Holdings Vietnam khẳng định dấu ấn tại thị trường bất động sản Quảng Bình. 12

Thoibaotaichinhvietnam.vn 14/12, Thái Duy

 

Khuyến nông liên kết triển khai mô hình ứng dụng KH-CN.. 14

Nongnghiep.vn 14/12, Nguyễn Trọng Hiếu

 

XÃ HỘI

 

Tăng "sức đề kháng" cho vùng đồng bào DTTS vượt qua đại dịch. 15

Baodantoc.vn 14/12, Khánh Ngân

 

OMO trao tặng 40.000 banh hạt giống và thí điểm rải hạt giống bằng máy bay không người lái 17

Tuoitrethudo.com.vn 14/12, Mai Anh

 

Huda “trân quý vị Tết nhà” cùng người dân miền Trung. 19

Baodautu.vn 13/12, Hương Việt

 

AN NINH – QUỐC PHÒNG

 

Công an Quảng Bình trao thưởng các đơn vị phá Chuyên án đối với chủ doanh nghiệp về hành vi cưỡng đoạt tài sản. 20

Baophapluat.vn 14/12, Minh Phương

 

I. Thông tin liên quan đến dịch COVID-19

1. Ghi nhận thêm 27 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua

(Baoquangbinh.vn 14/12)

Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 13-12 đến 6 giờ ngày 14-12), Quảng Bình ghi nhận thêm 27 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh lên 3.138 ca.

Mời xem nội dung chi tiết trong đường link dưới đây:

https://baoquangbinh.vn/thoi-su/202112/ghi-nhan-them-27-ca-nhiem-moi-trong-24-gio-qua-2196238/

Về đầu trang

2. Bố Trạch: Tiêm 4.260 liều vắc-xin cho học sinh lứa tuổi 16 và 17

(Baoquangbinh.vn 14/12, Hương Trà)

Thực hiện kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi,  ngày 14-12, huyện Bố Trạch bắt đầu tổ chức tiêm vắc-xin cho học sinh lứa tuổi 16 và 17 trên địa bàn huyện.

Theo đó, trong đợt này, có 4.260 liều vắc-xin được tiêm cho học sinh các trường học trên địa bàn, gồm: THPT Ngô Quyền, THPT Lê Quý Đôn, THPT Trần Phú, THPT Nguyễn Trãi, THPT Hùng Vương, THCS và THPT Việt Trung, Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện.

Để công tác tiêm phòng Covid-19 cho học sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng thời gian, các đơn vị y tế đã phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương, trường học trên địa bàn chuẩn bị các điều kiện cần thiết, thực hiện đúng quy định, cách thức tổ chức, kỹ thuật, quy trình tiêm. Đồng thời, các đơn vị cũng đã thành lập các tổ cấp cứu lưu động với đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện, thuốc, nhân lực, sẵn sàng xử lý khi có trường hợp phản ứng sau tiêm. Về đầu trang

https://baoquangbinh.vn/suc-khoe/202112/bo-trach-tiem-4260-lieu-vac-xin-cho-hoc-sinh-lua-tuoi-16-va-17-2196247/

II. Thời sự - Chính trị

1. Quảng Bình tham gia hội nghị đối ngoại toàn quốc

(Baoquangbinh.vn 14/12, Ngọc Mai)

Sáng 14-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành…

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh, các sở, ban, ngành…

Hội nghị đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về thành tựu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo đó, công tác đối ngoại luôn được Đảng và Nhà nước ta triển khai toàn diện, chủ động, tích cực. Qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tích lũy và nâng tầm được cả thế và lực, uy tín ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, tạo ra những tiền đề quan trọng và vị thế thuận lợi để phát triển.

Đặc biệt, 5 năm qua (2016-2021), Việt Nam đã tận dụng được thời cơ, hoá giải thách thức, tiếp tục đạt những kết quả toàn diện. Việt Nam đã xác lập thêm 6 khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện lên 30 nước. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các đoàn thể, tổ chức nhân dân có quan hệ với hàng nghìn tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.

Việt Nam cũng đã gia nhập và ký kết hơn 80 điều ước quốc tế đa phương; là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu; đã và đang tham gia hiệu quả vào xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng vai trò quan trọng trong củng cố đoàn kết nội khối, đẩy mạnh quan hệ của ASEAN với các đối tác.

Cùng với việc đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 224 thị trường và đối tác; 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho nước ta. Nhờ liên kết kinh tế sâu rộng, năm 2021, mặc dù kinh tế thế giới rất khó khăn, kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn vượt mốc 600 tỉ USD, vốn đầu tư nước ngoài đã ký từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay đạt khoảng 400 tỉ USD. Các lĩnh vực công tác đối ngoại được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã triển khai quyết liệt, kịp thời và hiệu quả công tác ngoại giao y tế/vắc-xin. Đến nay, Việt Nam đã nhận được trên 151 triệu liều vắc-xin; viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, là “thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế.

Báo cáo cũng đã khẳng định nguyên tắc nền tảng và tư tưởng chỉ đạo của đối ngoại thời kỳ đổi mới, các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại cùng 9 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Hội nghị đã phân tích tình hình khu vực và thế giới, làm rõ hơn đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định, từ đó, đề ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị. Đây cũng là dịp các cấp, các ngành, các địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cả trong nước và nước ngoài nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước ta trong khu vực và trên thế giới; vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho toàn hệ thống chính trị, cho các cấp, các ngành trong hoạt động đối ngoại.

Đồng chí Tổng Bí thư đề nghị các bộ ngành, các cấp cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời đổi mới tư duy, không ngừng sáng tạo trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, phù hợp với lợi ích quốc gia-dân tộc và xu thế thời đại… Nêu lên các nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu các bộ, ngành, các cấp tập trung thực hiện, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định quyết tâm xây dựng, phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc. Về đầu trang

https://baoquangbinh.vn/thoi-su/202112/quang-binh-tham-gia-hoi-nghi-doi-ngoai-toan-quoc-2196242/

2. Tiếp 81 lượt công dân trong tháng 11/2021

(Thanhtravietnam.vn 13/12, Việt Anh)

Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Quảng Bình, trong tháng 11/2021, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tiếp 81 lượt công dân (Ban Tiếp công dân tỉnh tiếp 14 lượt công dân), tiếp nhận và xử lý 120 đơn, trong đó 13 đơn khiếu nại, 17 đơn tố cáo, 90 đơn kiến nghị, phản ánh.

Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, nội dung tập trung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại công tác giải phóng mặt bằng xây dựng đường dây 500KV; tố cáo việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định; tố cáo liên quan đến việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tố cáo sai phạm trong việc xét bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển; kiến nghị về việc phân chia đất đai; kiến nghị về xử lý phương tiện vi phạm chở hàng quá vượt quá tải trọng cho phép; kiến nghị việc xem xét lại việc đình chỉ chế độ Thanh niên xung phong của một số cá nhân... Lãnh đạo và cán bộ tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị đã trực tiếp xem xét, giải thích, hướng dẫn, trả lời cho công dân; đồng thời, giao trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc Thủ trưởng các cấp, các ngành giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Cụ thể: Thanh tra tỉnh tiếp nhận, xử lý 07 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân, trong đó: Khiếu nại 01 đơn, tố cáo 03 đơn, kiến nghị phản ánh 03 đơn; nội dung là đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo của công dân; Các sở, ban, ngành tiếp lượt 02 công dân, tiếp nhận và xử lý 26 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (06 đơn khiếu nại, 04 đơn tố cáo, 16 đơn kiến nghị, phản ánh), đang giải quyết 02 đơn tố cáo; UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp 65 lượt công dân. Tiếp nhận và xử lý 87 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (06 đơn khiếu nại, 10 đơn tố cáo, 71 đơn kiến nghị, phản ánh).

Cũng trong tháng 11/2021, Thanh tra tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19; đôn đốc, rà soát, hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch thanh tra đối với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ; ban hành văn bản chỉ đạo về thực hiện chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; tham gia góp ý nhiều dự thảo văn bản.

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 12/2021, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, toàn Ngành quán triệt thực hiện nghiêm các Văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 để điều chỉnh phù hợp, kịp thời theo chỉ đạo. Về đầu trang

http://thanhtravietnam.vn/tin-trong-nganh/quang-binh-tiep-81-luot-cong-dan-trong-thang-11-2021-198295

III. Kinh tế   

1. Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông

(Baoquangbinh.vn 13/12, A. Tuấn)

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại buổi làm việc với 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị về khảo sát để chuẩn bị Báo cáo thẩm tra Dự án, diễn ra vào chiều 13-12.

Dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ; đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội. Về phía tỉnh Quảng Bình có đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan. Buổi làm việc được tổ chức kết nối trực tuyến với 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Trị.

 

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 là dự án quan trọng quốc gia có tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2025, dự án sẽ đầu tư thực hiện tại 12 tỉnh, thành phố trong đó có 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh, với quy mô từ 4-6 làn xe.

 

Trong địa phận 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị có 3 dự án. Đó là, dự án Vũng Áng-Bùng có tổng chiều dài 58 km; dự án Bùng-Vạn Ninh có tổng chiều dài 51 km và dự án Vạn Ninh-Cam Lộ có tổng chiều dài 68 km.

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đã nêu lên những thuận lợi, vướng mắc trong quá trình triển khai các nội dung liên quan đến dự án. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng thống nhất cao phương án đầu tư dự án và khẳng định, tỉnh Quảng Bình cam kết sẽ phối hợp tối đa với Bộ GTVT, các đơn vị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, chỉnh hướng tuyến và các công việc liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

 

Tỉnh Quảng Bình hiện đang tiến hành rà soát, kiểm tra trữ lượng các khu mỏ khoáng sản trên địa bàn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của dự án khi triển khai thi công; đề xuất với Quốc hội cho tỉnh làm chủ đầu tư dự án Bùng-Vạn Ninh.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam.

Dự án được lập cơ bản phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương mà đường bộ cao tốc Bắc-Nam đi qua và phù hợp quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt.

 

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án, giai đoạn 2021-2025; xây dựng phương án thi công, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và có giải pháp hiệu quả xử lý các khu vực có nền đất yếu, lưu ý các khu vực quốc phòng an ninh, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến các di tích lịch sử, khu bảo tồn, vườn quốc gia; bổ sung các giải pháp tránh gây ngập úng, ảnh hưởng đến tiêu, thoát lũ; bố trí các đường gom, hầm chui dân sinh, các điểm kết nối với các cảng biển hợp lý...

 

Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý các địa phương cần nêu cao trách nhiệm và chủ động trong phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Về đầu trang

https://baoquangbinh.vn/thoi-su/202112/tap-trung-thao-go-vuong-mac-trong-trien-khai-thuc-hien-du-an-duong-cao-toc-bac-nam-phia-dong-2196223/

2. Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Bình góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển KCHT giao thông trên địa bàn tỉnh

(Mt.gov.vn 14/12)

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021.

Nội dung kiến nghị như sau: “Nội dung kiến nghị: Bộ Giao thông vận tải xem xét đầu tư mở rộng tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đoạn từ cầu Bùng xã Hưng Trạch đến cầu Xuân Sơn, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và đầu tư mở rộng tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, từ xã Phúc Trạch đến các thôn: Na - Trằm - Mé - Chày Lập thuộc thị trấn Phong Nha”.

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.

Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau: Cho đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành đầu tư các đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông và nhánh Tây) đảm bảo phù hợp với Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT sẽ triển khai các đoạn Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông với quy mô 4 làn xe (quy hoạch là 6 làn xe), khi hoàn thành sẽ chia sẻ lưu lượng phương tiện với các tuyến đường lân cận nên các đoạn nhánh Đông và nhánh Tây đường Hồ Chí Minh qua thị trấn Phong Nha đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vận tải. Do vậy, Bộ GTVT chưa xem xét đầu tư mở rộng các đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh nêu trên trong giai đoạn này.

Đối với các hạng mục vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng... phục vụ chỉnh trang đô thị tại thị trấn Phong Nha thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của UBND tỉnh Quảng Bình nên ngân sách được giao của Bộ GTVT không thể chi cho đầu tư xây dựng công trình. Bộ GTVT ủng hộ và đề nghị Tỉnh chủ động cân đối ngân sách địa phương cho đầu tư các hạng mục phục vụ chỉnh trang đô thị.

Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình, trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT. Về đầu trang

https://www.mt.gov.vn/atgt/tin-tuc/77592/bo-gtvt-tra-loi-kien-nghi-cu-tri-tinh-quang-binh-gop-y-doi-voi-cong-tac-quan-ly--dau-tu-phat-trien-ket-cau-ha-tang-giao-thong-tren-dia-ban-tinh.aspx

3. Sau phản ánh của Báo Bảo vệ pháp luật, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chỉ đạo kiểm tra nóng

(Baovephapluat.vn 14/12, Nguyễn Cường- Bùi Tiến)

Sau khi báo Bảo vệ pháp luật có bài viết "Núp bóng trang trại để làm điện mặt trời", lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã ra chỉ đạo nóng yêu cầu kiểm tra làm rõ.

Theo đó, ngay sau khi Báo Bảo vệ pháp luật đăng tải bài viết "Núp bóng trang trại để làm điện mặt trời" phản ánh việc 1 đơn vị tại Quảng Bình lấy danh nghĩa làm trang trại để làm điện mặt trời với nhiều sai phạm nghiêm trọng thì lãnh đạo tỉnh này đã có chỉ đạo các ban ngành liên quan tiến hành kiểm tra làm rõ.

Cụ thể, ngày 2/12 ông Đoàn Ngọc Lâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có chỉ đạo tới Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp Sở Công thương và địa phương kiểm tra cụ thể, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/12/2021.

Trao đổi với PV, ông Trần Đình Hiệp- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNN tỉnh Quảng Bình cho biết Sở đã phối hợp với Sở Công thương, UBND huyện Quảng Trạch tiến hành kiểm tra làm rõ để có báo cáo gửi UBND tỉnh.

Trước đó, Báo Bảo vệ pháp luật đã có bài viết "Núp bóng trang trại để làm điện mặt trời" phản ánh việc 1 hộ gia đình tại xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã núp dưới danh nghĩa trang trại nông nghiệp để làm 1 dự án điện năng lượng mặt trời công suất lớn. Đáng nói, mặc dù đã tiến hành đóng điện thu tiền, nhưng tới nay sau gần 1 năm, dự án này vẫn chưa hoàn thành thủ tục thuê đất. Đồng thời trong thời gian tiến hành dự án đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng và bị xử phạt hành chính số tiền lên tới 155 triệu đồng. Đáng chú ý, tới thời điểm hiện tại, thủ tục cho thuê đất của đơn vị này vẫn chưa hoàn thành. Về đầu trang

https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/dieu-tra-theo-don-thu/sau-phan-anh-cua-bao-bao-ve-phap-luat-lanh-dao-tinh-quang-binh-chi-dao-kiem-tra-nong-116191.html

4. Cảng biển Quảng Bình tăng trưởng hàng hóa trong trạng thái bình thường mới

(Baogiaothong.vn 14/12, Văn Thanh – Nguyễn Đức)

Khối lượng hàng hóa thông qua cảng Hòn La (Quảng Bình) bằng 126,7% so với năm 2020, đây là mức tăng trưởng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid- 19”, cảng Hòn La luôn bám sát và áp dụng chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm thích ứng linh hoạt đảm bảo nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Trên tinh thần không chủ quan lơ là, cảng Hòn La tiếp tục duy trì thực hiện thông điệp 5K; Kiểm soát người ra vào cảng. Thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng, khách hàng và nhà thầu phụ nhằm kiểm soát người ra vào cảng, nhất là đối với thuyền viên và người đến từ địa phương khác.

Bên cạnh đó, đơn vị luôn duy trì việc tuyên truyền, nhắc nhở người lao động đảm bảo công tác phòng dịch chủ động, tích cực và trách nhiệm. Sẵn sàng các phương án ứng phó linh hoạt trong tình huống khẩn cấp có thể xảy ra, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Hoàng Tuấn - Giám đốc chi nhánh PTSC Quảng Bình cho biết, từ đầu năm đến nay kết quả sản xuất kinh doanh đạt được hiệu quả tương đối tốt và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Mặc dù tổng số lượt tàu giảm nhưng khối lượng hàng hóa tăng do các thiết bị điện gió đều là hàng siêu trường và siêu trọng nên tổng lượng quy đổi lớn (khoảng gần 650.000 tấn quy đổi).

“Với tổng số lượt tàu ước đạt 173 lượt, đạt 84,4% kế hoạch do số lượng tàu chở các mặt hàng truyền thống giảm mạnh, bằng 66,8% so với năm 2020. Tuy nhiên, tổng khối lượng hàng hóa qua cảng đạt 1.654.083 tấn, đạt 140,8% kế hoạch (1.175.000 tấn), bằng 126,7% so với năm 2020”, ông Tuấn cho biết thêm.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Tùng - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình cho biết, tuy ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng sản lượng thông qua các cảng biển ngành hàng hải tại Quảng Bình vẫn tăng trưởng rất ấn tượng, đã đảm bảo mục tiêu kép như Nghị quyết 128 của Chính phủ đề ra. Đối với hàng hóa nội địa, nhập khẩu, xuất khẩu và công tác nhập cảnh vẫn diễn ra bình thường với mục tiêu là không để ách tắc về hàng hóa.

“Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình đã áp dụng linh hoạt đối với các tàu thuyền đi từ các vùng dịch đến thì các thuyền viên yêu cầu phải test nhanh hoặc xét nghiệm PCR, nếu có vấn đề dương tính với SARS- CoV- 2 thì được thực hiện theo quy định phòng, chống dịch. Riêng đối với hoạt động của phương tiện bốc xếp hàng hóa thì vẫn tiếp tục bốc xếp bằng cách thay đổi thuyền viên.

Đối với những người thường xuyên tiếp xúc với các thuyền viên thì được bố trí làm việc theo nhóm, theo ca, luân phiên ở lại cảng và được tiêm phòng đủ liều sớm. Ngoài ra, ưu tiên làm việc online theo quy trình đối với cảng biển. Bên cạnh đó chú trọng đánh giá nguồn lây nhiễm và đối tượng lây nhiễm để khuyến cáo các cảng biển về những đối tượng như: Hoa tiêu lên tàu, bốc xếp hàng hóa…”, ông Tùng cho biết thêm. Về đầu trang

https://www.baogiaothong.vn/cang-bien-quang-binh-tang-truong-hang-hoa-trong-trang-thai-binh-thuong-moi-d535748.html

5. TNR Holdings Vietnam khẳng định dấu ấn tại thị trường bất động sản Quảng Bình

(Thoibaotaichinhvietnam.vn 14/12, Thái Duy)

Ráo riết đẩy nhanh phần thi công kết cấu hạ tầng, đến nay, tiến độ xây dựng dự án TNR Stars Đồng Hới (Quảng Bình) của TNR Holdings Vietnam đã vượt kế hoạch đề ra. Đây là minh chứng xác thực khẳng định năng lực, uy tín của đơn vị quản lý và phát triển dự án TNR Holdings Vietnam.

Nằm trong chiến lược phát triển chuỗi dự án TNR Stars tại nhiều huyện lỵ trên cả nước, thời gian qua, nhà quản lý và phát triển TNR Holdings Vietnam đã triển khai hàng loạt dự án tại nhiều địa phương như Nghệ An, Quảng Bình, Phú Yên… Trong đó, TNR Stars Đồng Hới (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) được xác định là dự án trọng tâm trong chiến lược định hình và phát triển thương hiệu TNR Holdings Vietnam tại thị trường bất động sản khu vực duyên hải miền Trung.

TNR Stars Đồng Hới sở hữu vị trí chiến lược ngay nút giao đường Lý Thánh Tông và Hữu Nghị, đây là hai tuyến giao thông huyết mạch của thành phố Đồng Hới nhằm kết nối khu vực trung tâm với các vùng quy hoạch phát triển đô thị thương mại – du lịch – giáo dục của thành phố.

Trên quy mô 9.96 ha, TNR Stars Đồng Hới được quy hoạch với 251 sản phẩm, hứa hẹn kiến tạo không gian sống chuẩn mực, tiện nghi đa dạng từ trung tâm thương mại đến dịch vụ, giải trí, giáo dục… sôi động, sầm uất.

Đây được xem là dự án trọng điểm trong chiến lược phát triển các khu đô thị kiểu mẫu và xúc tiến du lịch của tỉnh Quảng Bình. Theo đó, cư dân tại dự án sẽ được tận hưởng phong cách sống, nghỉ dưỡng trong một đô thị xanh, an lành và ngập tràn năng lượng.

Đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của TNR Holdings Vietnam tại thị trường bất động sản Quảng Bình và khu vực duyên hải miền Trung, tiến độ triển khai dự án TNR Stars Đồng Hới đặc biệt được quan tâm và ráo riết triển khai.

Với phương châm uy tín, chất lượng, đảm bảo tiến độ và cam kết mang đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất, TNR Holdings Vietnam khẳng định vai trò tiên phong và là một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam, xứng đáng với danh vị “Đơn vị phát triển bất động sản nhà ở tốt nhất Việt Nam”.

TNR Holdings Vietnam (thành viên Tập đoàn TNG Holdings Vietnam với 25 năm xây dựng và phát triển) được biết đến là đơn vị quản lý và phát triển nhiều dự án bất động sản cao cấp tại các thành phố lớn với thương hiệu TNR Gold như TNR Goldmark City, TNR GoldSeason, TNR GoldSilk Complex (Hà Nội) hay TNR The GoldView (TP. Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, TNR Holdings Vietnam còn gặt hái nhiều thành công với chuỗi dự án khu đô thị TNR Stars tại các đô thị vệ tinh rộng khắp trên toàn quốc.

Mới đây, vượt qua hàng trăm chủ đầu tư, doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn trên thị trường, TNR Holdings Vietnam đã vinh dự đón nhận danh hiệu Nhà phát triển bất động sản phức hợp tốt nhất Việt Nam (Best Mix-use Developer) năm 2021 tại Lễ trao giải DOT Property Vietnam Award - giải thưởng uy tín hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản.

Đây là lần thứ ba TNR Holdings Vietnam tham gia và nhận giải thưởng do DOT Property trao tặng (2017, 2020, 2021).

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý và phát triển các dự án bất động sản cùng khả năng am hiểu thị trường trong nước, các sản phẩm do TNR Holdings Vietnam đều được đánh giá cao về thiết kế, chất lượng, phù hợp với nhu cầu, năng lực tài chính của đại đa số khách hàng, đồng thời mang đến khả năng sinh lời hiệu quả cho các nhà đầu tư.

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây nhiều khó khăn, cản trở đến tiến độ triển khai dự án nhưng với nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đảm bảo uy tín, cam kết với khách hàng, các dự án do TNR Holdings Vietnam quản lý luôn tuân thủ tiến độ, giãn cách an toàn trong thi công cũng như hoàn tất thủ tục pháp lý. Đây là minh chứng rõ nét khẳng định uy tín của TNR Holdings Vietnam trên thị trường bất động sản. Về đầu trang

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tnr-holdings-vietnam-khang-dinh-dau-an-tai-thi-truong-bat-dong-san-quang-binh-97137.html

6. Khuyến nông liên kết triển khai mô hình ứng dụng KH-CN

(Nongnghiep.vn 14/12, Nguyễn Trọng Hiếu)

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình đã liên kết cùng Sở KH-CN tỉnh triển khai có hiệu quả nhiều mô hình ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, mặc dù Quảng Bình đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây lúa, tuy nhiên, tỷ lệ các giống lúa chất lượng cao chưa nhiều, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của các địa phương.

Để đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, Sở KH-CN phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (Sở NN-PTNT) Quảng Bình đã hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi giống cá trắm đen trong ruộng lúa tại huyện Quảng Ninh. Mô hình do HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Vạn Hải thực hiện.

Mô hình được triển khai trên 2 ha ruộng lúa của HTX Vạn Hải. Đến tháng 11/2021, nhiệm vụ đã hoàn thành và được nghiệm thu. Sau 8 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống đạt 85%, cá đạt được chiều dài trung bình 37,3 cm, trọng lượng trung bình 1,52 kg/ con. Tốc độ tăng trưởng của lúa khá cao, thời gian sinh trưởng ngắn (120 ngày). Kết quả thu hoạch được 662,5 kg cá trắm đen và 21,5 tấn lúa, lợi nhuận thu về hơn 39 triệu đồng.

Trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quảng Bình cũng triển khai thực hiện nhiệm vụ KH-CN liên kết nuôi giống lợn Khùa theo phương pháp bán chăn thả do Công ty TNHH Nông trại Sen Việt chủ trì thực hiện, được triển khai từ tháng 5/2021.

Kết quả kiểm tra vào cuối tháng 11/2021 cho thấy, tỷ lệ nuôi sống đạt 100% (30 con, chia làm 2 đợt). Hiện tại, lợn vẫn được theo dõi và phát triển bình thường, không có dịch bệnh xảy ra. Đến nay, 30 con giống đã đạt trọng lượng xuất chuồng theo đúng thuyết minh đề ra. Nhiệm vụ vẫn được tiếp tục thực hiện các hạng mục để tiến tới hoàn thiện quy trình sản xuất.

Mới đây, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ sự nghiệp KH-CN cấp tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ “Mô hình trồng thử nghiệm giống lúa chất lượng cao ST25”, do HTX Nông nghiệp Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy chủ trì thực hiện. Mục tiêu của nhiệm vụ là đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất và hiệu quả kinh tế của giống lúa ST25; xây dựng quy trình sản xuất giống lúa ST25 phù hợp với huyện Lệ Thủy - vùng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Bình.

Mô hình được triển khai tại 2 vùng có chân đất khác nhau với diện tích 5 ha của HTX Nông nghiệp Đại Phong. Thời gian thực hiện từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021 gồm 2 vụ đông xuân và hè thu. Sau gần 1 năm, nhiệm vụ đã đạt được những kết quả, cụ thể: Giống lúa ST25 thích nghi khá tốt với điều kiện sinh thái tại xã Phong Thủy, giống có khả năng thâm canh cao, thích hợp với chân đất trũng nhiều mùn.

ST25 có thời gian sinh trưởng trong vụ đông xuân là 125 ± 5 ngày, vụ hè thu 105 ± 5 ngày, giống có rạ cứng và độ tàn lá muộn nên thích hợp cho vụ đông xuân và để lúa tái sinh. Mô hình cho lợi nhuận thuần đạt 84,885 triệu đồng, tương đương 28,295 triệu đồng/ha, cao gấp 1,5 lần so với các giống lúa chất lượng cao khác. Về đầu trang

https://nongnghiep.vn/khuyen-nong-lien-ket-trien-khai-mo-hinh-ung-dung-kh-cn-d310526.html

IV. Xã hội    

1. Tăng "sức đề kháng" cho vùng đồng bào DTTS vượt qua đại dịch

(Baodantoc.vn 14/12, Khánh Ngân)

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều lao động đã mất việc, người dân đã phải chi tiêu dè xẻn hơn. Đồng bào các DTTS vốn dĩ còn nhiều khó khăn vất vả, đại dịch càng làm cho đồng bào thêm nhiều nỗi lo toan. Tích lũy chưa có, “sức đề kháng” kinh tế yếu… thế nhưng đồng bào không “cô đơn”, chính quyền địa phương, xã hội luôn sát cánh cùng đồng bào, không để đồng bào ở lại phía sau.

Tại xã Dân Hóa, huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình), nơi chủ yếu là đồng bào Chứt và Bru Vân Kiều sinh sống. Sau khi ghi nhận 4 ca dương tính với Covid-19 (tháng 7/2021), UBND huyện đã phong tỏa tạm thời một số khu vực trên địa bàn bản Bãi Dinh, bản K-Ai để bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19. Để kịp thời hỗ trợ đồng bào yên tâm phòng chống dịch, UBND huyện Minh Hóa đã phân bổ 5 tấn gạo, 100 chai dầu ăn, 100 chai nước mắm, 60kg cá khô và một số nhu yếu phẩm thiết yếu khác đến với bà con.

Cùng với số hàng nhu yếu phẩm của UBND huyện Minh Hóa phân bổ, đồng bào DTTS ở các bản cũng đã nhận được hơn 630 suất quà của Ủy ban MTTQ huyện Minh Hóa và các đơn vị, tổ chức các mạnh thường quân. Qua đó đã tiếp thêm động lực giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn và chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết: Xã hiện có 943 hộ với gần 4.300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Chứt và Bru Vân Kiều. Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng hiện đồng bào ở 3 bản Bãi Dinh, K-Ai và Y Leng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, các đơn vị tổ chức, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm.

Đặc biệt, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi các nhà hảo tâm, cán bộ, công chức và người lao động Ban hỗ trợ đồng bào 329 suất quà, gồm cá khô, dầu ăn, nước mắm. Trong đó đã trao cho 209 hộ tại bản Bãi Dinh và 120 hộ tại bản K-Ai giảm bớt khó khăn trong thời gian cách ly, để cùng nhau phát huy tinh thần đoàn kết, phòng, chống dịch Covid-19. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đồng bào các DTTS ở tỉnh Quảng Bình đã yên tâm chấp hành quy định về cách ly, phong tỏa không để dịch lây lan ra diện rộng.

Cùng với nhu yếu phẩm trong các điểm cách ly tập trung, thôn bản phong tỏa tạm thời, thì vấn đề giải quyết các chính sách dân tộc, các chương trình, hoạt đông hỗ trợ cho đồng bào DTTS tiếp tục được UBND tỉnh Quảng Bình hết sức quan tâm triển khai. Chỉ tính riêng những tháng cuối năm 2021, đã có hơn 200 ngôi nhà dành cho đồng bào DTTS ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh bàn giao vào sử dụng.  Đơn cử, khu tái định cư bản Cha Lo ( xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa); Bản Sắt (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh)… Đây là những hỗ trợ có ý nghĩa to lớn giúp đồng bào các DTTS sớm ổn định cuộc sống trong điều kiện đất nước có dịch.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động tới mọi mặt đời sống xã hội, lao động là người đồng bào DTTS không thể đi làm ăn xa, để bà con ổn định cuộc sống, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến Ngư tỉnh Quảng Bình, cũng đã hỗ trợ đồng bào ở bản An Bai, bản Hà Lẹc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy xây dựng mô hình kinh tế tại chỗ.

Ngoài ra, Trung tâm cũng hỗ trợ thêm người Bru Vân Kiều ở bản Chôm xây dựng mô hình nuôi ngan thịt. Gia đình chị Hồ Thị Lý là một trong những hộ gia đình được hỗ trợ nuôi ngan, chị Lý vừa chia sẻ: Tham gia mô hình, gia đình chị được cấp 35 con ngan giống, thức ăn và đầy đủ thuốc phòng bệnh cho ngan. Ngoài ra trước khi nuôi, cán bộ khuyến nông- khuyến Ngư còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, đảm bảo tỷ lệ sống và sinh trưởng tốt của ngan.

Với mô hình này, gia đình chị an tâm đã có thêm thực phẩm cải thiện bữa ăn, cũng như thu nhập từ việc bán ngan. Từ những mô hình trực quan, đồng bào các DTTS có thể nhân rộng, đầu tư sản xuất để phát triển kinh tế hộ gia đình, tìm hướng thoát nghèo ngay trong đại dịch.

Đồng bào các DTTS ở tỉnh Quảng Bình định cư chủ yếu ở các huyện vùng cao, xa trung tâm. Đây là những địa bàn yếu thế, việc tiếp cận thông tin, y tế còn nhiều khó khăn, do vậy, việc tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là thời gian qua việc tiêm văc xin phòng chống dịch covid-19 luôn được các cấp chính quyền ưu tiên, chú trọng để đồng bào được tiêm vắc xin sớm.

Với chủ trương ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ phủ sóng vắc xin vùng đồng bào DTTS, vùng miền núi, đến thời điểm này, những người từ 18 tuổi trở lên là người đồng bào DTTS đã được tiêm 2 mũi vắc xin là rất cao.

Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết: Bên cạnh việc ưu tiên tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 cho người dân vùng ven biển, có nguy cơ mắc bệnh cao… huyện Bố Trạch đã ưu tiên tiêm cho đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, miền núi trên địa bàn.

Bà con các DTTS ở Quảng Bình đã luôn được quan tâm của chính quyền địa phương, các đoàn thể. Tuy nhiên, để tăng “sức đề kháng” cho đồng bào các DTTS, về lâu dài, chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, có những chính sách hỗ trợ đặc thù đối với đồng bào DTTS với những chính sách toàn diện hơn nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng của đồng bào DTTS, như: Tạo việc làm, tăng thu nhập... để giúp đồng boa DTTS vượt qua đại dịch, thích ứng với cuộc sống bình thường mới và thoát nghèo bền vững. Về đầu trang

https://baodantoc.vn/quang-binh-tang-suc-de-khang-cho-vung-dong-bao-dtts-vuot-qua-dai-dich-1639212406925.htm

2. OMO trao tặng 40.000 banh hạt giống và thí điểm rải hạt giống bằng máy bay không người lái

(Tuoitrethudo.com.vn 14/12, Mai Anh)

Tổng kết chiến dịch “Lấm bẩn vì màn chắn xanh Việt Nam” năm 2021, nhãn hàng OMO thuộc Công ty TNHH quốc tế Unilever kết hợp cùng các đối tác chính thức triển khai hoạt động trao tặng 40.000 banh hạt giống tại vườn quốc gia Sông Thanh (Quảng Nam) và khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong (Quảng Bình).

Với thông điệp “Cho mái ấm một cây - Cho trái đất một rừng”, chiến dịch năm 2021 mở đầu cho nỗ lực của OMO để hoàn thành mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh trên khắp Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, trong chiến dịch này, nhãn hàng OMO thực hiện trao tặng 40.000 banh hạt giống và thí điểm phương pháp rải hạt giống bằng máy bay không người lái (drone).

Trong đó, sử dụng drone để mang theo hàng ngàn quả banh hạt giống là một phương pháp trồng rừng hiệu quả nhờ tăng đến 50% khả năng nảy mầm của các hạt giống quý, tăng 20 lần năng suất của kiểm lâm; đặc biệt là tăng cường thêm khả năng đưa hạt giống đến nhiều khu vực hiểm trở bên trong rừng sâu, khó tiếp cận theo cách truyền thống.

Hoạt động này đi kèm với chiến dịch “Lấm bẩn vì màn chắn xanh Việt Nam” do nhãn hàng OMO triển khai với sự đồng hành của Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cùng với sự ủng hộ, sẻ chia của nhiều tổ chức bảo vệ môi trường, diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng cũng như cộng đồng, chiến dịch đã được triển khai rộng khắp cả nước với thông điệp “Cho mái ấm một cây - Cho Trái đất một rừng”.

Nhằm biến thông điệp thành hành động, nhãn hàng OMO đã khuyến khích cộng đồng tự gieo trồng và chăm bón thêm nhiều cây xanh quanh mình và cam kết với mỗi cây xanh mà người dân tự trồng và chia sẻ, nhãn hàng sẽ trồng thêm một cây trong rừng.

Vườn quốc gia Sông Thanh (Quảng Nam) và khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong (Quảng Bình) được thành lập sau đợt bão lũ xảy ra năm 2020 là hai địa điểm được chọn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi rừng phòng hộ.

Chiến dịch “Lấm bẩn vì màn chắn xanh Việt Nam” năm 2021 là bước nối dài đầy ý nghĩa để duy trì và mở rộng những thành quả đã đạt được của hành trình “Phủ xanh Việt Nam” do nhãn hàng OMO thực hiện từ năm 2019.

Tính đến nay, nhãn hàng đã cùng người tiêu dùng trồng 165.000 cây xanh. Trong đó, tinh thần “Làm điều hay, ngại gì bẩn” (Dirt for Good) luôn được xác định là “kim chỉ nam” cho nhãn hàng trong những hoạt động liên quan các vấn đề xã hội - môi trường.

Điều này cũng được thể hiện rõ qua những nỗ lực không ngừng nghỉ từ phía nhãn hàng trong việc khuyến khích mọi người cùng nhau lấm bẩn để học hỏi, khám phá những điều tốt đẹp và góp phần cho những chuyển biến tích cực đến môi trường sống.

Đại diện nhãn hàng OMO, ông Nguyễn Đình Duy bày tỏ: “Thông qua chương trình “Lấm bẩn vì màn chắn xanh Việt Nam”, điều mà chúng tôi thực sự mong chờ chính là những hành động trực tiếp của mỗi cá nhân để góp phần tạo ra thay đổi thiết thực cho môi trường.

Từ những việc làm giản đơn như trồng cây tại nơi mình sinh sống, hay trực tiếp tham gia góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, khi được thực hiện bởi nhiều người sẽ tạo nên kết quả to lớn.

Đó là cách chúng ta lan tỏa mạnh mẽ tinh thần lấm bẩn vì điều tốt đẹp đến mọi người để cùng nhau xây dựng màn chắn xanh cho Việt Nam và bảo vệ tương lai xanh cho trải nghiệm của thế hệ trẻ”. Về đầu trang

https://tuoitrethudo.com.vn/omo-trao-tang-40000-banh-hat-giong-va-thi-diem-rai-hat-giong-bang-may-bay-khong-nguoi-lai-185525.html

3. Huda “trân quý vị Tết nhà” cùng người dân miền Trung

(Baodautu.vn 13/12, Hương Việt)

Với hy vọng mang một mùa Tết tươi sáng hơn đến với người dân miền Trung, Huda triển khai chương trình trao tặng quà Tết thường niên vào tháng 12 này.

Thực hiện chương trình trách nhiệm xã hội thường niên, Huda tiếp tục trao tặng 7.500 phần quà đến các hộ gia đình tại 9 tỉnh miền Trung, như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Mỗi món quà chứa đựng tình cảm của thương hiệu bia Huda dành cho mảnh đất và con người miền Trung, hướng tới một năm mới tốt đẹphơn.

Đặc biệt hơn mọi năm, năm nay, Huda còn kêu gọi sự ủng hộ tinh thần của cộng đồng với chiến dịch tương tác trên mạng xã hội mang thông điệp “Trân qúi vị Tết nhà”.

Mỗi phần quà không chỉ được đội ngũ Huda chuẩn bị kỹ lưỡng mà còn gói trọn cả sự ủng hộ tinh thần từ cộng đồng, đong đầy ý nghĩa và ấm áp tình thân.

Bên cạnh đó, thông điệp “Trân qúi vị Tết nhà” cũngđược lan toả qua phim quảng cáo, áp phích ngoài trời,… của bia Huda góp phần mang đến bầu không khí đón Tết vui tươi cho người dân miền Trung. Với các hoạt động chào Xuân sôi động, ý nghĩa cùng các giải thưởng giá trị, Huda mong muốn mang đến cho người dân những trải nghiệm thú vị trong mùa Tết năm nay.

Ông Onno Rombouts, Giám đốc Điều hành Carlsberg Việt Nam cho biết: “Trải qua hơn 3 thập kỷ đồng hành cùng mảnh đất và con người miền Trung, Huda luôn trân trọng tình cảm gắn bó với người dân địa phương. Để đáp lại tình cảm nồng hậu đó, Huda đã không ngừng nỗ lực cống hiến để góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân nơi đây.

Đặc biệt là sau một năm 2021 khó khăn, Huda mong muốn mang đến cho các gia đình miền Trung một mùa Tết 2022 ấm cúng, hạnh phúc với những khoảnh khắc sum họp đáng nhớ bên người thân yêu.”

Với mục tiêu đồng hành cùng miền Trung trên chặng đường phát triển bền vững vì một tương lai tươi sáng hơn, Huda đã tổ chức nhiều hoạt động trách nhiệm xã hội để hỗ trợ cộng đồng địa phương như chương trình trao quà Tết thường niên, chương trình CSR dài hạn “Khơi nguồn nước sạch vì miền Trung yêu thương” nhằm giải quyết thực trạng khan hiếm nước sạch hay chương trình “Làm đẹp biển miền Trung” nhằm bảo vệ và tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên miền Trung.

Những hoạt động này một lần nữa khẳng định cam kết và quyết tâm của Huda trong việc đồng hành cùng người dân miền Trung, lan tỏa thông điệp tự hào “Huda yêu miền Trung”. Về đầu trang

https://baodautu.vn/huda-tran-quy-vi-tet-nha-cung-nguoi-dan-mien-trung-d157422.html

V. Pháp luật - An ninh quốc phòng  

1. Công an Quảng Bình trao thưởng các đơn vị phá Chuyên án đối với chủ doanh nghiệp về hành vi cưỡng đoạt tài sản

(Baophapluat.vn 14/12, Minh Phương)

Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh thưởng và tặng hoa chúc mừng ban Chuyên án.

Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh thưởng và tặng hoa chúc mừng ban Chuyên án.

Ngày 13/12, tại Công an huyện Quảng Trạch, Công an tỉnh Quảng Bình đã tổ chức trao thưởng các đơn vị có thành tích trong đấu tranh thành công Chuyên án đối với chủ doanh nghiệp về hành vi cưỡng đoạt tài sản tại địa bàn xã Quảng Đông.

Trước đó, từ tháng 5 đến tháng 8/2021, trên vùng biển thuộc các xã Quảng Phú, Quảng Đông, Cảnh Dương (Quảng Trạch) tập trung các ngư dân đến khai thác sò biển.

Sau khi khai thác, ngư dân tập kết vào các bãi và liên hệ thương lái các tỉnh ở Nghệ An, Hà Tĩnh đến thu mua. Lợi dụng tình hình phức tạp của dịch COVID-19 và danh nghĩa của Công ty Phước Thịnh, đối tượng Phan Sinh Thành (SN 1982, trú tại thôn Cảnh Thượng, xã Cảnh Dương) cùng với một số đối tượng khác đến tại các điểm tập kết đe dọa, ép buộc các chủ tàu khai thác và thương lái đến mua bán tại cảng Phước Thịnh, thuộc thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông để thu tiền với giá từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/kg sò. Các đối tượng soạn thảo các hợp đồng dịch vụ nhằm hợp thức hóa hành vi thu tiền trái phép, sau đó ép buộc các chủ thương lái ký.

Sau một thời gian lập chuyên án để đấu tranh, ngày 13/9/2021, ban chuyên án đã thi hành lệnh bắt Phan Sinh Thành (Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thành Phát, trụ sở tại xã Cảnh Dương); Ngô Mạnh Linh (SN 1987, trú ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch); Phạm Văn Hân (SN 1991, trú tại huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) và Trần Ánh Phúc (SN 1991, trú tại phường Quảng Long, TX. Ba Đồn) về tội “Cố ý gây thương tích” do các đối tượng gây ra vào ngày 11/8/2021. Đồng thời, chuyển vụ án cho Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh phục vụ điều tra, mở rộng chuyên án.

Để sớm đấu tranh với hành vi cưỡng đoạt tài sản của các đối tượng, Phòng Cảnh sát Hình sự đã phối hợp với Công an huyện Quảng Trạch tích cực triển khai xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ và tinh thần quyết tâm cao, lực lượng phá án đã buộc các đối tượng thừa nhận hành vi cưỡng đoạt tài sản. Đến ngày 24/11/2021, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản, ban chuyên án đã làm rõ căn cứ, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Sinh Thành và Ngô Mạnh Linh về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình đã biểu dương, chúc mừng thành tích xuất sắc của ban chuyên án, trực tiếp là Phòng Cảnh sát Hình sự và Công an huyện Quảng Trạch đã bắt các đối tượng có liên quan, góp phần ổn định tình hình ANTT tại địa phương, được người dân rất ghi nhận.

Đồng thời, Giám đốc Công an tỉnh cũng lưu ý một số nội dung mà Công an huyện Quảng Trạch, Phòng Cảnh sát Hình sự cần tập trung thực hiện tốt, như: Tập trung xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật; cần quản lý tốt địa bàn, đối tượng để kịp thời đấu tranh; chủ động nắm chắc tình hình nổi lên tại địa bàn để kịp thời có giải pháp đấu tranh hiệu quả; nêu cao tinh thần, quyết liệt đấu tranh với các loại tội phạm...

Tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh, ông Nguyễn Xuân Đạt, Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch đã trao giấy khen và tặng hoa chúc mừng, thưởng nóng ban chuyên án. Về đầu trang

https://baophapluat.vn/cong-an-quang-binh-trao-thuong-cac-don-vi-pha-chuyen-an-doi-voi-chu-doanh-nghiep-ve-hanh-vi-cuong-doat-tai-san-post426157.html

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More