Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 24-12-2020

Post date: 24/12/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.                Năm 2021: Những điều cần biết về điểm mới chính sách Bảo hiểm y tế. 1

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 2

2.                Truyền thông Malaysia đánh giá cao sức hút của Việt Nam đối với FDI 2

3.                Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 319 tỷ USD, tăng nhanh nhất thế giới 3

4.                Ngân hàng Việt "thắng lớn" trong mùa COVID-19. 4

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 5

5.                Miễn học phí, làm nhanh được không?. 5

6.                Giữ uy tín, tạo niềm tin... 6

QUẢN LÝ.. 7

7.                Cán bộ Mặt trận phải tiên phong về nhận thức, gương mẫu trong hành động. 7

8.                Thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế: Người bệnh mừng, bệnh viện chịu áp lực. 8

9.                Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan vụ bằng giả ở Trường ĐH Đông Đô. 9

10.            "Bắt tại trận" cảnh xếp hàng "đi Tết" ở nhà Thứ trưởng từ phản ánh của dân. 9

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

11.            Bình Dương: Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong giải quyết hành chính. 11

12.            Hải quan hỗ trợ kết nối 2 thủ tục hành chính của ngành Nông nghiệp lên NSW... 12

13.            Năm 2021 thực hiện số hoá tài liệu văn thư lưu trữ. 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 13

14.            Không sử dụng ngân sách nhà nước để bắn pháo hoa dịp Tết 13

15.            8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được nhà nước rót tiền đầu tư. 13

16.            Kho bạc Nhà nước phát hiện hơn 62.000 khoản chi chưa đủ thủ tục. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 14

17.            500 tấn hàng lậu vào Quảng Ninh, lực lượng chức năng địa phương ở đâu?. 14

18.            16 thạc sĩ dùng chứng chỉ giả tiếng Anh bị thu hồi bằng cấp. 15

THẾ GIỚI 17

19.            Israel giải tán Quốc hội sau những vướng mắc về ngân sách. 17

20.            Brazil bắt thị trưởng Rio de Janeiro vì 'đứng đầu một tổ chức tội phạm' 18

 CHÍNH SÁCH MỚI

Năm 2021: Những điều cần biết về điểm mới chính sách Bảo hiểm y tế

Năm 2021 tới đây, nhiều chính sách mới về Bảo hiểm y tế sẽ được triển khai để tạo điều kiện cho người dân khi tham gia.

 Theo Khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi bổ sung 2014, từ năm 2021, người có thẻ Bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến với tỷ lệ như sau:

 Tại bệnh viện tuyến Trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú; Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước (hiện nay chỉ được thanh toán là 60%); Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. 

Theo đó, từ ngày 1.1.2021, người dân có thẻ Bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến sẽ được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước theo mức hưởng khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến.

 Nội dung này được đề cập tại Luật Cư trú 2020, sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2021. Theo đó, Khoản 2 Điều 38 Luật Cư trú sửa đổi khoản 7 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi năm 2013, 2014, 2015 và 2018) như sau: 

Hộ gia đình tham gia Bảo hiểm y tế (sau đây gọi chung là hộ gia đình) là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú.

 Trong khi đó, hộ gia đình tham gia Bảo hiểm y tế theo quy định hiện nay bao gồm toàn bộ người có tên trong Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú.

 Có thể thấy, đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình từ ngày 1.7.2021 là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp, thay vì có tên cùng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú như hiện nay. 

Căn cứ Quyết định 1666/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mẫu thẻ Bảo hiểm y tế mới sẽ được sử dụng thống nhất trên phạm vi cả nước từ ngày 1.4.2021. Tuy nhiên, thẻ Bảo hiểm y tế đã cấp còn thời hạn sử dụng trước ngày này thì người dân tiếp tục được dùng để khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

 Mẫu thẻ Bảo hiểm y tế mới được đánh giá là có nhiều ưu điểm so với mẫu thẻ Bảo hiểm y tế giấy đã sử dụng hiện nay. Cụ thể:

 Kích thước nhỏ hơn, được ép plastic sau khi in để người dân dễ dàng đem theo cũng như bảo quản; Mã số thẻ ngắn gọn với 10 ký tự (thẻ Bảo hiểm y tế hiện nay là 14 chữ số) giúp thực hiện các thủ tục nhanh chóng; Thêm thông tin nơi cấp, nơi đổi thẻ để người dân tiết kiệm thời gian tìm kiếm nơi cấp, đổi thẻ; Bỏ thông tin về địa chỉ cư trú trên thẻ Bảo hiểm y tế, thẻ Bảo hiểm y tế của trẻ dưới 6 tuổi không còn ghi tên cha, mẹ… 

Mặt sau của thẻ mới bổ sung hướng dẫn tra cứu thông tin về thẻ, kiểm tra chi phí khám, chữa bệnh, tổng đài tư vấn giải đáp thắc mắc… (Laodong.vn 23/12, Anh Thư) Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Truyền thông Malaysia đánh giá cao sức hút của Việt Nam đối với FDI

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, báo FreeMalaysia Today vừa có bài viết đánh giá cao sức hút của Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

 Bài viết nhấn mạnh Việt Nam đang trên đường trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và là một trong những địa điểm thu hút được nhiều FDI. Không khó để thấy rằng các nhà sản xuất toàn cầu đã và đang đổ xô đến Việt Nam.

 Các nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam và hiện thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tại một số địa phương đã tăng gần gấp 5 lần trong thập kỷ qua. Apple cùng với Samsung đã giúp củng cố năng lực ngày càng tăng của Việt Nam trong việc sản xuất các sản phẩm như tai nghe AirPod và Galaxy Buds trong kế hoạch mở rộng dài hạn của các công ty này. Việt Nam cũng đang trở thành một trung tâm sản xuất thiết bị âm thanh để bán hàng vào thị trường Mỹ 

Theo bài viết, điều này có được là nhờ Việt Nam đã duy trì tốt sự ổn định về chính trị, nhanh nhạy trong thu hút vốn đầu tư. Chi phí thấp, chính sách thân thiện với nhà đầu tư, không khoan nhượng với tham nhũng và những nỗ lực được nhà nước hậu thuẫn để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp công nghệ cũng giúp Việt Nam tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng tích cực ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều ưu đãi nhằm tạo ra môi trường kinh doanh năng động. (TTXVN/Baotintuc.vn 22/12)Về đầu trang

Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 319 tỷ USD, tăng nhanh nhất thế giới

Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020.

 Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19.

 Hãng định giá thương hiệu của Anh nhận định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm 2019, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó, Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

 Trong giai đoạn 4 năm qua, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp và những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP.

 Trong năm 2019, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD tương đương 5,4% so với con số 235 tỷ USD năm 2018) và xếp hạng thứ 42.

 Năm nay, Brand Finance đánh giá cao công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh đây là thời điểm tốt để các nước như Việt Nam tăng cường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 "Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 và tử vong thấp một cách đáng ngạc nhiên. Đây cũng được chọn là điểm đến hàng đầu tại Đông Nam Á cho hoạt động sản xuất, và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ đang tìm cách chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, các hiệp định thương mại mới ký kết với Liên minh châu Âu (EU) cũng góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam", báo cáo cho biết.

 Việt Nam xếp thứ 57 về hạng mục "kinh tế mạnh mẽ và ổn định", hiện là một trong số ít các quốc gia được IMF dự báo tăng trưởng dương trong năm nay.

 Theo Brand Finance, 2020 là phép thử đối với các quốc gia trên thế giới với đại dịch COVID-19 gây tác động tới triển vọng GDP, lạm phát và gây bất ổn kinh tế trên toàn cầu. Hãng này ước tính 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới mất 13.100 tỷ USD trong năm nay, giảm từ 98.000 tỷ USD năm 2019 xuống còn 84.900 tỷ USD.

 Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục là hai quốc gia có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới với lần lượt 23,7 nghìn tỷ USD và 18,8 nghìn tỷ USD, giảm lần lượt 14% và 4%. Brand Finance đánh giá quan hệ giữa hai cường quốc vẫn "rất mong manh" do chiến tranh thương mại gây tác động tới cả hai nền kinh tế trong vài năm qua.

 Dù giá trị thương hiệu giảm 6% xuống còn 4.261 tỷ USD, Nhật Bản tăng từ hạng 4 năm 2019 lên thứ 3 năm nay. Ngược lại, Đức rơi từ thứ 3 xuống 4 với mức giảm tới 21,5% xuống còn 3.812 tỷ USD. Đức là quốc gia có giá trị thương hiệu giảm mạnh nhất trong top 10. Anh đứng vị trí thứ 5 với giá trị thương hiệu quốc gia giảm 14% xuống còn 3.300 tỷ USD.

 Trong khi đó, Ireland là quốc gia duy nhất trong top 20 có giá trị thương hiệu tăng với mức 11% lên 670 tỷ USD nhờ xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng trong nước.

 Trên toàn cầu, Argentina là quốc gia có giá trị thương hiệu giảm mạnh nhất với 57% xuống còn 157 tỷ USD. Quốc gia này hiện ghi nhận trên 1 triệu ca nhiễm COVID-19.

 Brand Finance định giá thương hiệu quốc gia dựa trên mô hình tương tự với doanh nghiệp khi sử dụng các chỉ số về Sức mạnh thương hiệu, GDP dự báo và phương pháp tính giá trị ròng (NPV) để đưa ra kết quả cuối cùng.  (Vtv.vn 23/12) Về đầu trang

Ngân hàng Việt "thắng lớn" trong mùa COVID-19

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế hồi phục, kết quả kinh doanh của các ngân hàng đã có những dấu hiệu khả quan trong quý III và dự đoán sẽ tiếp tục trong quý IV/2020.

 Thống kê về tình hình kinh doanh quý III và 3 quý năm 2020 của 21 ngân hàng niêm yết, công ty chuyên về dữ liệu tài chính Fiin Group đánh giá, khối ngân hàng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng rất tốt trong quý III/2020 với tổng thu nhập hoạt động tăng 10,8% và lợi nhuận sau thuế tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

 Cụ thể, tăng trưởng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng ở tất cả các mảng hoạt động chính, bao gồm: thu nhập lãi thuần (tăng 9,4%), hoạt động dịch vụ (tăng 31,4%) và các hoạt động còn lại, gồm: mua bán ngoại tệ, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, góp vốn/mua cổ phần... (tăng 2,7%).

 Biên lãi ròng (NIM) của 21 ngân hàng niêm yết tăng 9,7 điểm cơ bản so với quý II/2020 lên 0,89%. Đây là mức NIM cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý I/2018 - giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng.

 Để có được mức NIM cao này, các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay bình quân ở mức cao, bình quân 9,2% từ mức 9% trong quý II/2020, trong khi đó lãi suất huy động giảm. Trong quý IV /2020, biên lãi ròng của các ngân hàng vẫn sẽ ở mức cao do lãi suất huy động tiếp tục giảm.

 Các ngân hàng cũng sẽ cân đối kết quả kinh doanh với việc trích lập dự phòng để phần nào dự trù cho tương lai khi Thông tư 01 hết hiệu lực.

 Vì vậy, với điều kiện dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, dự báo lợi nhuận sau thuế của 21 ngân hàng niêm yết sẽ tăng hơn 10% so với năm 2019, giảm so với mức tăng trưởng của các năm trước, nhưng vẫn là mức khả quan trong bối cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp suy giảm. (VTV.vn 23/12)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Miễn học phí, làm nhanh được không?

Luật Giáo dục 2019 quy định miễn học phí (HP) cho trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Toàn bộ trẻ mầm non, học sinh (HS) THCS được miễn HP theo lộ trình của Chính phủ. 

Trong điều kiện thu nhập tăng lên thì hệ thống giáo dục không HP ngày càng được mở rộng với sự đa dạng hóa các hình thức giáo dục - đào tạo. Đây là xu hướng chung của thế giới. Nhiều nước ở châu Âu, nhiều bang ở Mỹ thực hiện miễn HP đến cấp THPT, một số nước còn thí điểm miễn HP đối với sinh viên ĐH. Ở các nước đang phát triển, trong đó có một số quốc gia thu nhập thấp như Campuchia cũng đã miễn HP cho HS THCS, Triều Tiên thực hiện miễn HP cho tất cả cấp học phổ thông. Xu hướng này nhằm không chỉ đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển bền vững, mà còn xây dựng xã hội văn minh và thực hiện các quyền cơ bản của con người.

 Thực tiễn chính sách mở rộng diện miễn giảm HP đối với HS mầm non, tiểu học, THCS và THPT đã có tác động mạnh mẽ làm tăng tỷ lệ huy động HS các cấp trong độ tuổi đến lớp; tỷ lệ dân số tốt nghiệp THCS, THPT, người có trình độ chuyên môn kỹ thuật đã tăng lên. 

Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2019, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có chuyên môn kỹ thuật là 22,3%, nhưng vẫn còn thấp hơn các nước như Hàn Quốc (55%), Nhật Bản (trên 60%). Vì vậy, trong những năm tới cần mở rộng diện miễn HP theo 2 hướng, nếu không, Việt Nam sẽ tụt hậu so với thế giới về vốn con người.

 Từ ngân sách T.Ư và huy động doanh nghiệp hỗ trợ HP cho HS các cấp, ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, hải đảo... Với những địa phương có điều kiện về kinh tế, HĐND cấp tỉnh có chính sách hỗ trợ HP cho HS các cấp như TP.Hải Phòng đã tiên phong thực hiện, được xã hội và nhân dân đồng tình cao. Bên cạnh đó, cần thực hiện chính sách công bằng trong hỗ trợ HP đối với HS các trường tư thục.

 Thực tế hiện nay có một số lãnh đạo cho rằng mức HP không nhiều so với chi phí học tập của con em và chi phí đầu tư chung cho giáo dục, vì vậy, một số địa phương chờ lộ trình chung của cả nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội, việc miễn HP có ý nghĩa rất lớn với người nghèo, người thu nhập thấp và quan trọng nữa là ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ học tập của mỗi người dân được nâng lên. Điều này góp phần nâng cao nguồn nhân lực để đất nước phát triển bền vững trong thời đại công nghiệp 4.0.

 Như vậy, thay vì chờ Chính phủ thực hiện theo lộ trình chung thì sẽ chậm, những địa phương nào có điều kiện nên tiến hành thực hiện miễn HP cho các đối tượng HS theo quy định trước để chủ trương này diễn ra nhanh chóng. (Thanhnien.vn 23/12, Hồ Sỹ Anh) Về đầu trang

Giữ uy tín, tạo niềm tin...

Gần 2 năm trước, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng đã từng phát biểu rằng, số người "dám" bỏ tiền ra mua hàng trực tuyến còn khiêm tốn và chỉ mua các sản phẩm, dịch vụ với số tiền nhỏ do chưa có niềm tin. Do vậy, để tạo niềm tin về thương mại điện tử phải có chính sách an ninh tốt để bảo vệ người tiêu dùng khi có các tranh chấp trực tuyến xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay quyền lợi người tiêu dùng chưa được bảo vệ, ví dụ như khi mua một món đồ có trị giá nhỏ nhưng chi phí khiếu nại khi có tranh chấp lại lớn hơn...

Nhận định này của Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam là có cơ sở bởi thương mại điện tử là một chuỗi khép kín từ bán hàng - thanh toán - vận chuyển... Vậy nên, chỉ cần một trong những "mắt xích" trong "chuỗi" có vấn đề sẽ ngay lập tức "xảy ra chuyện". Đáng tiếc là mới đây đã xảy ra nhiều vụ việc các shipper đánh tráo hàng hóa có giá trị khi khách mua hàng qua thương mại điện tử. Đã có bị can bị khởi tố, vậy nhưng chừng đó là chưa đủ, như đại diện chuỗi bán lẻ đã nơi đã gửi hàng phải thốt lên: Các bạn làm vậy là "giết chết" thị trường thương mại điện tử...

 Hiện nay, thị trường thương mại điện tử của nước ta tăng trưởng bình quân từ 20 - 30% và theo nhận định của nhiều chuyên gia, với tốc độ này, dự kiến năm 2025 giá trị thương mại điện tử sẽ đạt 33 tỷ USD, đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Indonesia và Thái Lan. Thậm chí, dự báo trong năm nay có thể sẽ đạt 13 tỷ USD... Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

 Trước tiên là việc sử dụng tiền mặt khi thanh toán. Hàng phải chuyển đến thì khách mới trả tiền. Đây là một trong những trở ngại lớn vì làm xói mòn sự tin tưởng giữa doanh nghiệp - người bán và người tiêu dùng, mà lý do là bởi "các bên" đều nghi ngờ, không tin tưởng nhau. Người mua thì không tin tưởng về chất lượng hàng hóa nên cứ nhận hàng thì mới trả tiền còn người bán vì chưa được trả tiền trước nên cho rằng việc từ chối, hủy đơn hàng là rất lớn.

 Vấn đề nữa là hành lang pháp lý cho thương mại điện tử (cả về mô hình cũng như chế tài xử lý khi xảy ra tranh chấp hoặc vi phạm về chất lượng, thương hiệu hàng hóa) cũng cần phải nhanh chóng hoàn thiện hơn và phải nhanh chóng "thích nghi" với những thay đổi trong thực tế.

 Những gì đã xảy ra thời gian qua chỉ là những hiện tượng cá biệt. Vậy nhưng không vì thế mà có thể xuê xoa mà cần thiết phải xử lý nghiêm khắc, không thể chỉ vì lòng tham của một vài cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến cả thị trường - vốn dĩ đặc biệt cần và đề cao uy tín như thương mại điện tử. Chỉ có sự trung thực, tạo dựng và giữ được uy tín, niềm tin; tôn trọng quyền lợi của khách hàng mới tạo nền tảng vững chắc cho thị trường thương mại điện tử tìm được chỗ đứng trên thị trường và phát triển bền vững. (Daibieunhandan.vn 23/12, Khánh Ninh) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Cán bộ Mặt trận phải tiên phong về nhận thức, gương mẫu trong hành động

Ngày 22.12, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ ba, khóa IX theo hình thức trực tuyến.

 Phát biểu tại hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khái quát tình hình, kết quả đạt được của đất nước trong năm 2020.Thường trực Ban Bí thư khẳng định, trong những thành công đó có sự đóng góp quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

 Nhấn mạnh thời gian tới, tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến khó lường, năm 2021 cũng là năm có nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng, bối cảnh đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần ra sức phấn đấu, đoàn kết, thống nhất, chung sức, chung lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

 Thường trực Ban Bí thư đề nghị, trong năm 2021, Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm thực hiện tốt một số nội dung. Trong đó có triển khai, tổ chức tốt việc nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng XIII; trên cơ sở đó tập trung xây dựng, triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

 Mặt trận Tổ quốc cần có kế hoạch cụ thể, tham gia cùng các cấp, ngành tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân; thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người thực sự đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử thực hiện đúng quy định Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

 Cùng với nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân chủ động, tích cực phòng, chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Thường trực Ban Bí thư mong muốn Mặt trận Tổ quốc các cấp nâng cao chất lượng các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động, chăm lo tốt hơn cho người nghèo vùng bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa, người yếu thế trong xã hội.

 Thường trực Ban Bí thư đề nghị Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt vai trò chủ trì, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội; phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động, cơ hội chính trị, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao chất lượng tập hợp ý kiến nhân dân phản ánh với Đảng, Nhà nước...

 Mặt trận Tổ quốc các cấp cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Mỗi cán bộ Mặt trận phải tiên phong về nhận thức, gương mẫu trong hành động; năng động, sáng tạo, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, có bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân.

 Bên cạnh đó, các ban công tác Mặt trận ở khu dân cư phải là lực lượng nòng cốt trong vận động nhân dân, là cầu nối bền chặt giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền cơ sở; phát huy cao nhất vị thế, uy tín, kinh nghiệm của các nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tham gia góp ý, vận động nhân dân xây dựng, bảo vệ quê hương.

 Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc các cấp, hoàn thiện cơ chế hoạt động, chính sách đối với công tác Mặt trận, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng công tác Mặt trận trong tình hình mới. (Laodong.vn 22/12, Vương Trần) Về đầu trang

Thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế: Người bệnh mừng, bệnh viện chịu áp lực

Bệnh nhân các tỉnh không cần giấy chuyển tuyến khi điều trị nội trú tại TPHCM vẫn được chi trả 100% bảo hiểm y tế là thông báo mới nhất từ Bảo hiểm xã hội TPHCM. Điều này khiến phần lớn bệnh nhân vui mừng, phấn khởi nhưng các bệnh viện tuyến thành phố lâu nay vốn quá tải nay lại càng lo không đủ nhân lực, vật lực để phục vụ tốt bệnh nhân.

 Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TPHCM - vừa ký văn bản hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn cuối năm 2020 đầu năm 2021. Theo đó, từ ngày 1.1.2021, bệnh nhân các tỉnh không cần giấy chuyển tuyến khi điều trị nội trú tại TPHCM vẫn được chi trả 100% BHYT. Các trường hợp khám BHYT ngoại trú tại TPHCM cần có giấy chuyển tuyến.

 Nếu bệnh nhân tỉnh nhập viện tại các bệnh viện: Chợ Rẫy, Quân y 175, Răng Hàm Mặt Trung ương và Thống Nhất không có giấy chuyển tuyến chỉ được trả 40% BHYT. Các bệnh nhân BHYT cấp cứu hoặc có giấy chuyển tuyến sẽ được thanh toán 100% theo mức quyền lợi.

 Khi nghe thông tin này, ông Nguyễn Quốc Việt (50 tuổi, ngụ thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) không giấu được niềm vui. Ông Việt đón xe từ Đồng Nai lên Bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh, TPHCM) khám bệnh chứ không khám tại bệnh viện tỉnh. “Tôi thấy không khoẻ nên lên thẳng TPHCM cho yên tâm. Với tình hình bệnh như lúc này, rất có thể tôi sẽ nhập viện điều trị tại đây. Theo quy định hiện hành, BHYT không thanh toán 100% chi phí. Thời gian tới, những người tỉnh lẻ lên các bệnh viện ở thành phố điều trị nội trú, nếu được BHYT chi trả 100% mà không cần giấy chuyển viện thì rất thuận tiện” - ông Việt nói.

 Có bố nằm viện nhiều năm nay, ông Huỳnh Nhật Nam (ngụ TPHCM) thường xuyên ra vào bệnh viện để lấy thuốc, làm giấy tờ thủ tục. Những thủ tục rườm rà ở các cơ sở y tế cũng nhiều lần khiến ông Nam “đau đầu”. “Nếu không cần giấy chuyển tuyến vẫn được hưởng 100% BHYT thì đỡ những thủ tục, gánh nặng nên người bệnh lẫn người nhà. Tôi rất hoan nghênh quy định này. Những gia đình nghèo, điều kiện kinh tế eo hẹp, gặp các bệnh nan y rất cần đến BHYT để trang trải chi phí” - ông Nam chia sẻ. 

Mặc dù quy định này hỗ trợ nhiều cho người bệnh nhưng khiến các bệnh viện quá tải khi tâm lý chung, người bệnh các tỉnh đều muốn được thăm khám ở các cơ sở y tế của TPHCM.

 Theo đại diện Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, với khoảng 900 giường bệnh hiện có, đơn vị này luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, bệnh viện phải chuyển khoảng 20 bệnh nhân điều trị nội trú sang các bệnh viện khác. 

Khi triển khai thông tuyến tỉnh BHYT từ đầu năm 2021, dự kiến lượng bệnh nhân đến bệnh viện điều trị tăng cao khiến đội ngũ y tế gặp nhiều áp lực về nhân lực, vật lực nên rất khó tiếp nhận thêm số bệnh nhân điều trị nội trú.

 Tương tự, TS-BS Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM - cũng bày tỏ nhiều tâm tư trước quy định trên. Ông Tuấn cho rằng, điều này giúp người dân lựa chọn nơi điều trị theo đúng bệnh lý và lòng tin. Tuy vậy, quy định thông tuyến tỉnh BHYT vào đầu năm tới cũng gây nhiều trở ngại cho các bệnh viện đầu ngành.

 Dự toán quỹ BHYT năm 2021 chưa được giao cho bệnh viện. Đơn vị sẽ đề đạt với BHXH TPHCM để giải trình những trường hợp tăng quỹ đột biến, do kỹ thuật, số lượng bệnh nhân, kỹ thuật cao… (Laodong.vn 23/12, Thanh Chaan – Anh Nhàn) Về đầu trang

Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan vụ bằng giả ở Trường ĐH Đông Đô

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Bộ GDĐT và các ngành chức năng cần khẩn trương điều tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm liên quan đến việc cấp bằng giả ở Trường ĐH Đông Đô. 

Vụ việc Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả cho 626 cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo, chưa đủ điều kiện cũng là những vấn đề người dân bức xúc, lo lắng.

 Trước những vấn đề còn nổi cộm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GDĐT, các ngành chức năng tiếp tục đánh giá, rà soát lại chương trình sách giáo khoa mới; công khai việc học sinh cần phải mua sắm dụng cụ học tập, sách giáo khoa bắt buộc, sách tham khảo để phụ huynh, học sinh biết và mua sách cho phù hợp.

 Đồng thời, Bộ GDĐT và các ngành chức năng cần khẩn trương điều tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm liên quan đến cấp bằng giả ở Trường Đại học Đông Đô. (Laodong.vn 22/12, Thiên Hà) Về đầu trang

"Bắt tại trận" cảnh xếp hàng "đi Tết" ở nhà Thứ trưởng từ phản ánh của dân

Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc kể, ít năm trước có nhận phản ánh của người dân về việc cổng nhà lãnh đạo cấp phó một Bộ cứ Tết là người xếp hàng dài đến "chúc Tết".

 Thời điểm cuối năm, sắp tới Tết Nguyên đán Tân Sửu, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 48 về việc tổ chức Tết năm 2021, trong đó có yêu cầu "không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức".

 Trao đổi bên hành lang hội nghị lần thứ 3 UB Trung ương MTTQ Việt Nam về vấn đề này, nguyên Ủy viên thường vụ thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Phạm Thế Duyệt nhận định, Chỉ thị của Ban Bí thư nói riêng và các quy định về tặng quà nói chung nhằm mục đích phòng ngừa tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, "đừng nghĩ đơn giản giải quyết một lúc là xong".

 "Tôi cho rằng, để ngăn chặn tham nhũng, phải giải quyết được cái gốc thì cái ngọn sẽ tốt. Cái gốc ở đây chính là cán bộ. Cán bộ năm nay tốt thì những năm tiếp theo sẽ có đội ngũ cán bộ tốt. Chỉ thị về việc cấm tặng quà Tết lãnh đạo năm nào cũng có nhưng quan trọng là thực hiện, giám sát thế nào. Người đứng đầu cố gắng thực hiện tốt thì chuyển biến ngay" - ông Phạm Thế Duyệt nhận xét.

 Cũng về vấn đề này, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc bày tỏ tin tưởng, năm nay Chỉ thị của Ban Bí thư sẽ được thực hiện tốt hơn.

 Ông Túc nhận định, quy định mang tính chất cảnh báo, răn đe có nhiều ý nghĩa ở thời điểm đang tiến tới Đại hội Đảng XIII.

 "Cùng với quy định về cấm chạy chức, chạy quyền, anh em ở các địa phương thấy rằng nếu không cẩn thận, mình bị phát hiện ra trước Đại hội thì chết" - ông Túc nói.

 Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận cũng cho rằng, tác động của cả quá trình phòng chống tham nhũng thời gian qua đã thúc đẩy cho Chỉ thị "cấm quà Tết" thực hiện có hiệu quả hơn ở chỗ ngăn chặn đẩy lùi chứ không thể chấm dứt được. Bởi, cơ chế thị trường hiện nay tác động mạnh mẽ đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức là có quyền, có quyền là có tiền. Chính vì vậy, nhiều người tìm mọi cách, có thể qua những người thân ở nhà, có thể qua thư ký để nhận quà cáp nọ kia.

 Vậy nên, muốn thực hiện có hiệu quả quy định "cấm tặng quà Tết lãnh đạo" thì phải huy động sức mạnh của toàn dân. Mặt trận có trách nhiệm vận động nhân dân, trước hết là ở địa bàn khu dân cư giám sát việc thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, phải dùng tai mắt của dân để giám sát chứ làm sao Ban Nội chính, Ban Tổ chức các nơi biết được.

 Dân ở địa bàn dân cư, ai đến nhà quan chức là người ta biết ngay. Có nhiều trường hợp người ta không đến nhà quan chức mà người ta đến nhà con ông quan chức, em ông ấy thì chỉ có người dân ở xung quanh đó mới biết được.

 "Tôi nhớ mấy năm trước có nhận được phản ánh của người dân về một lãnh đạo chỉ cấp phó ở một cơ quan tương đương cấp Bộ phụ trách về đổi mới doanh nghiệp thôi nhưng cứ Tết là người ta xếp hàng dài đến nhà. Qua phản ánh của người dân như thế, buổi tối tôi lẳng lặng đến chỗ nhà cán bộ này thì thấy đúng cảnh "nườm nượp" đi Tết như thế. Ông này vừa rồi đã bị kỷ luật" - ông Túc kể.

 Tương tự, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh nhận định, quy định "nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết lãnh đạo" là chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm nay.

 Ý nghĩa đặc biệt của quy định trong năm nay là trong bối cảnh trước Đại hội XIII, việc kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực hiệu quả, làm trong sạch bộ máy... khi đất nước còn đang rất khó khăn thì chỉ thị này càng cần thiết.

 Để thực hiện yêu cầu Chỉ thị 48 của Ban Bí thư đặt ra, ông Lềnh cho rằng, trước hết là nêu cao tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có chức có quyền phải tự giác chấp hành. Đấy là yếu tố quan trọng nhất. Còn có giám sát đến đâu, kiểm soát đến đâu, nếu không tự giác thì cũng không làm được.

 Mặt trận mong muốn là cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị phải chấp hành nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư, đặc biệt là những đồng chí nắm giữ những vị trí có điều kiện để nhận quà cáp này kia nhân dịp lễ, Tết.

 Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Mặt trận cho biết, hiện MTTQ đã giao văn phòng soạn thảo văn bản triển khai trong toàn hệ thống MTTQ một số nội dung như phát huy vai trò giám sát của người dân, nhất là người có uy tín trong cộng đồng trong việc thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, thực hiện nghiêm túc các quy định trong dịp Tết Nguyên đán.

 Khi có ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, Mặt trận có trách nhiệm phản ánh đến các cơ quan chức năng, trong đó có cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng để xem xét làm rõ nếu vi phạm thì xử lý, công khai cho người dân biết.

 Việc này là kênh hết sức quan trọng để phòng ngừa những chuyện tiêu cực qua quà cáp có thể xảy ra.

 Ông Hầu A Lềnh thông tin, qua quá trình giám sát, lắng nghe ý kiến nhân dân đến nay MTTQ cấp Trung ương chưa nhận được ý kiến nào phản ánh một cách đầy đủ, có cơ sở về việc tặng quà, nhận quà đối với một cán bộ, lãnh đạo cụ thể nào. (Dantri.com.vn 23/12, Thái Anh) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bình Dương: Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong giải quyết hành chính

Ngày 22/12, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ công bố dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương.

 Phát biểu tại lễ công bố, ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền thông cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt khi giải quyết TTHC được UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện thí điểm từ năm 2017, với ngân hàng tham gia thí điểm là VietinBank và VietcomBank. Từ tháng 7/2020, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các đơn vị tham mưu UBND tỉnh phương án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể: Thanh toán trực tiếp tại quầy một cửa là cung cấp dịch vụ hỗ trợ người dân giao dịch tại các quầy một cửa không sử dụng tiền mặt thông qua mã quét (QR Code) theo tiêu chuẩn quốc tế (EMVCo) mà không lệ thuộc bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử nào. Thông qua một mã duy nhất trên biên nhận hồ sơ, người dân có thể sử dụng các loại ví điện tử, các ứng dụng ngân hàng để quét và tiến hành thanh toán.

 Hiện tại, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán TTHC thông qua các dịch vụ của VNPT Pay tại địa chỉ: https://dichvucong.binhduong.gov.vn. Trong thời gian tới, Cổng dịch vụ công của tỉnh sẽ tiếp tục nâng cấp để cung cấp một mã quét (QR Code) theo tiêu chuẩn quốc tế (EMVCo) và bổ sung thêm một số phương thức thanh toán khác giúp người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa việc lựa chọn dịch vụ thanh toán điện tử.

 Tại lễ công bố, các đại biểu đã được nghe báo cáo tình hình thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và thanh toán không dùng tiền mặt trên phần mềm một cửa điện tử dùng chung; trải nghiệm thực tế dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính tỉnh với nhiều người dân, doanh nghiệp. (Dangcongsan.vn 22/12, Hồ Văn)Về đầu trang

Hải quan hỗ trợ kết nối 2 thủ tục hành chính của ngành Nông nghiệp lên NSW

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hướng dẫn các cục hải quan địa phương về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với 2 thủ tục của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 Trước đó, Cục Chăn nuôi có công văn gửi Tổng cục Hải quan về việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) đối với 2 thủ tục: Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu và Miễn giảm kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

 Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia NSW, Tổng cục Hải quan thông báo các cục hải quan địa phương thực hiện các nội dung theo các quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP về việc hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; Nghị định số 74/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, từ ngày 21/12/2020 đối với 2 thủ tục hành chính nêu trên được thực hiện thông qua NSW.

 Tổng cục Hải quan đề nghị các cục hải quan địa phương phân quyền sử dụng chức năng tra cứu kết quả xử lý trên hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan (E-Customs) với 2 thủ tục hành chính nêu trên cho cán bộ hải quan.

 Đồng thời, Tổng cục Hải quan yêu cầu cán bộ hải quan tại các chi cục hải quan truy cập hệ thống E-Customs để tra cứu, khai thác kết quả xử lý đối với 2 thủ tục hành chính vừa kết nối của Cục Chăn nuôi và không yêu cầu doanh nghiệp nộp bản giấy đối với giấy phép đã được cấp thông qua NSW. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 22/12, Ngọc Linh)Về đầu trang

Năm 2021 thực hiện số hoá tài liệu văn thư lưu trữ

Bộ Nội vụ vừa ban hành công văn hướng dẫn các cơ quan, tổ chức ở trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, xây dựng kế hoạch công tác văn thư, lưu trữ năm 2021.

 Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ, Bộ Nội vụ hướng dẫn các cơ quan, tổ chức ở trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, xây dựng kế hoạch công tác văn thư, lưu trữ năm 2021, trong đó công tác quản lý, chỉ đạo nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung vào các công tác: Quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn công tác văn thư, lưu trữ; quản lý tài liệu tại Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh; bố trí kinh phí để thực hiện công tác văn thư, hoạt động lưu trữ.

 Năm 2021 các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước cần tập trung quản lý, chỉ đạo thực hiện 05 nhiệm vụ trọng tâm sau:

 1. Sắp xếp tổ chức bộ máy về công tác văn thư, lưu trữ theo quy định của pháp luật.

 2. Hoàn thiện Hệ thống quản lý tài liệu điện tử theo quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm lập hồ sơ điện tử trên hệ thống và nộp hồ sơ điện tử vào Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử.

 3. Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử tại cơ quan, địa phương đảm bảo thực hiện nhiệm vụ lưu trữ, tổ chức sử dụng hồ sơ điện tử trên hệ thống và giải pháp tích hợp, kết nối liên thông để trích xuất nộp lưu hồ sơ, tài liệu có thời hạn bảo quản vĩnh viễn vào Lưu trữ lịch sử. 

4. Thực hiện số hoá tài liệu lưu trữ, nộp lưu tài liệu và tích hợp dữ liệu theo lộ trình quy định tại Quyết định số 458/QĐ-TTg.

 5. Đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về văn thư, lưu trữ điện tử của các cơ quan, tổ chức khi triển khai, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. (Baochinhphu.vn 22/12) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Không sử dụng ngân sách nhà nước để bắn pháo hoa dịp Tết

Không sử dụng ngân sách Nhà nước tổ chức bắn pháo hoa - đây là một trong những nội dung trong Chỉ thị 44/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa mới ban hành về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Nội dung này cũng như các thông tin trong chỉ thị ngay khi được ban hành đã nhanh chóng nhận được sử ủng hộ của đông đảo cộng đồng mạng. (Antv.gov.vn 23/12) Về đầu trang

8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được nhà nước rót tiền đầu tư

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, chuẩn bị và thẩm định hồ sơ dự án/công trình đầu tư kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí ...

 Thủ tướng Chính vừa phủ đồng ý lựa chọn 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025.

 8 khu kinh tế cửa khẩu gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh); Khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

 Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo hướng dẫn các địa phương nâng cao vai trò định hướng, dẫn dắt của nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương nhằm thu hút và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ cho sự phát triển bền vững của các Khu kinh tế cửa khẩu. (Vneconomy.vn 22/12, Tuệ Linh) Về đầu trang

Kho bạc Nhà nước phát hiện hơn 62.000 khoản chi chưa đủ thủ tục

Thông qua việc phát hiện các khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, Kho bạc Nhà nước đã yêu cầu bổ sung và từ chối thanh toán số tiền 39,6 tỷ đồng.

 Đây là thông tin được lãnh đạo Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính) chia sẻ trong cuộc họp báo chuyên đề kết quả công tác trọng tâm năm 2020 trên toàn hệ thống diễn ra sáng nay (23/12).

 Theo lãnh đạo cơ quan quản lý ngân quỹ, tính đến ngày 21/12, lũy kế thu ngân sách Nhà nước năm đã đạt 1,378 triệu tỷ đồng, bằng 91,14% dự toán. Trong đó, thu nội địa (không kể dầu thô) đạt 1,166 triệu tỷ, bằng 92,29% dự toán năm. Số thu từ dầu thô đạt 33.974 tỷ, bằng 96,52% dự toán năm, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 176.726 tỷ đồng, tương đương 84,96% so với dự toán.

 Trong kiểm soát chi ngân sách, lũy kế vốn thanh toán từ đầu năm đến 15/12, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát 993.729 tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán chi thường xuyên năm của ngân sách Nhà nước qua Kho bạc (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

 Đặc biệt, theo lãnh đạo Kho bạc Nhà nước, thông qua công tác kiểm soát chi thường xuyên ngân sách Nhà nước, các đơn vị Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 62.196 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định và đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết, từ chối thực hiện thanh toán 39,6 tỷ đồng. (Khoahocdoisong.vn 23/12, Quang Thắng) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

500 tấn hàng lậu vào Quảng Ninh, lực lượng chức năng địa phương ở đâu?

Như Thanh Niên thông tin, Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa yêu cầu Đảng ủy Bộ đội biên phòng tỉnh; Đảng ủy Cục Hải quan tỉnh; Ban Thường vụ Huyện ủy Hải Hà nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể liên quan vì để xảy ra vụ buôn lậu quy mô lớn tại Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (H.Hải Hà, Quảng Ninh).

 Đáng chú ý, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị nêu trên xem xét điều chuyển, thay thế ngay cán bộ lãnh đạo quản lý Đồn biên phòng Quảng Đức; Hải quan Cửa khẩu Bắc Phong Sinh; Trưởng ban Quản lý Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, với quan điểm khi cơ quan chức năng kết luận đến đâu, rõ đến đâu thì xử lý cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng liên quan đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

 Liên quan vụ buôn lậu khủng (đã thu giữ khoảng 500 tấn hàng) tại Cửa khẩu Bắc Phong Sinh do Cường “Hà” cầm đầu, hiện nay Bộ Công an đang phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh mở rộng điều tra vụ việc, trong đó rà soát các kho hàng khủng tại khu vực biên giới Móng Cái.

 Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên đã “không thể tưởng tượng” khối lượng khủng hàng lậu như vậy được đưa qua biên giới trót lọt. “Đọc mà em tưởng 500 kg, nhưng hóa ra 500 tấn. Họ mang về kiểu gì nhỉ? Hoạt động bao lâu mà lực lượng chức năng sở tại không biết, phải Bộ Công an vào cuộc mới lòi ra”, BĐ Văn Minh nêu vấn đề.

 Còn BĐ Minh Tuyển thắc mắc: “Câu hỏi là tại sao số hàng lậu lớn đó qua mắt được tất cả cơ quan chức năng dọc chặng đường hàng trăm cây số?”. Trong khi đó, BĐ Robin thẳng thắn: “Buôn lậu khối lượng khủng như vậy qua biên giới trót lọt phải có người chống lưng, làm lơ...”.

 “Loại tội phạm này phá hoại sản xuất, phá hoại uy tín quốc gia, làm hư hỏng, tha hóa bộ máy công quyền... Phải xử lý thật nghiêm”, BĐ Tuấn Đào kiến nghị. Tương tự, BĐ Van Tan cho rằng: “Hàng lậu không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sẽ ảnh hưởng sức khỏe người dùng và giết chết các nhà sản xuất trong nước, người lao động thất nghiệp... Vì vậy, cần mạnh tay và truy tố người buôn lậu, cán bộ biến chất tiếp tay nếu đủ yếu tố cấu thành”.

 Nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng để xảy ra vụ việc này thì các lực lượng chuyên môn liên quan phải chịu trách nhiệm chính và đề nghị xử lý thật nghiêm, không có vùng cấm. “Con voi chui qua lỗ kim. Những hành vi này làm giảm lòng tin của người dân với cán bộ công chức, viên chức. Phải xử lý mạnh, kiên quyết không có vùng cấm”, BĐ Song Giang đề nghị.

Trong khi đó, BĐ Văn Tuấn cho rằng: “Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét thay thế ngay cán bộ, lãnh đạo tại Cửa khẩu Bắc Phong Sinh vì để xảy ra buôn lậu quy mô lớn. Chỉ thay đổi thôi thì chưa đủ. Phải xử lý trách nhiệm mới đúng. Canh gác cửa khẩu mà để tình trạng buôn lậu “khủng” mỗi ngày thì họ đang làm gì, ở đâu?”.

Tương tự, BĐ Hong Quang viết: “Với lượng hàng nhập lậu khủng như vậy ung dung qua cửa khẩu là đã đủ điều kiện để truy tố những người được giao nhiệm vụ tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh ngay lập tức. Nếu không thì tình trạng buôn lậu vẫn không thể kiểm soát được”.

 “Phải xử lý nghiêm minh, truy cứu trách nhiệm của từng cá nhân đơn vị liên quan để lấy lại lòng tin của người dân, doanh nghiệp. Nhưng quan trọng hơn là các cơ quan chức năng phải có những biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để không xảy ra tình trạng tương tự”, BĐ Bích Thủy ý kiến. (Thanhnien.vn 23/12, Đ.Huân) Về đầu trang

16 thạc sĩ dùng chứng chỉ giả tiếng Anh bị thu hồi bằng cấp

Hàng loạt học viên đứng ra mua Chứng chỉ giả năng lực ngoại ngữ của Trịnh Minh Hoàng (47 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) để làm điều kiện tốt nghiệp.

 Ngày 23.12, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử Trịnh Minh Hoàng, Đỗ Thị Mận (39 tuổi) và 3 bị cáo cùng về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

 Toà đã tuyên phạt Hoàng 4 năm, Mận 3 năm tù, 3 bị cáo còn lại từ 20 tháng tù treo đến 30 tháng tù treo.

 Theo cáo trạng, Hoàng làm nghề tự do. Khoảng cuối năm 2007, bị cáo thấy nhiều người có nhu cầu mua Chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, tin học giả để bổ sung hồ sơ nên nảy sinh ý định làm giả những loại chứng chỉ này.

 Bị cáo biết Trung tâm đào tạo tiếng Anh khoa học Jupiter có đào tạo và cấp các loại chứng chỉ nên đã lấy mẫu giấy chứng nhận tiếng Anh, tin học của trung tâm này. Bị cáo còn chụp ảnh hình dấu tròn màu đỏ của Trung tâm, scan lên máy tính cá nhân để làm giả chứng chỉ. 

Năm 2016, bị cáo thuê văn phòng và đăng tuyển sinh các lớp học lấy Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để bán. Hoàng đặt mua phôi Trung tâm trên của một đối tượng với giá 4.000 đồng/phôi.

 Khi có khách đặt mua chứng chỉ, Hoàng yêu cầu gửi ảnh chân dung, photo chứng minh nhân dân và bán từ 70.000 - 200.000 đồng/chứng chỉ ngoại ngữ giả, 50.000 đồng/chứng chỉ tin học giả.

 Sau đó, Hoàng dùng máy tính điền thông tin của khách mua phôi chứng chỉ giả, ghép dấu đỏ tròn của Trung tâm Jupiter, dấu tên chức danh của Giám đốc trung tâm để scan in màu rồi lấy bút ký giả tên đè lên dấu tròn scan. Hoàng dán ảnh của người mua vào phôi, đóng dấu dập nổi giáp lai ảnh. Sau đó, bị cáo dùng dấu đỏ đóng vào phôi.

 Đối với khách hàng muốn mua các loại chứng chỉ giả các trường đại học thì Hoàng mua của một đối tượng tên Thắng, bán lại kiếm lời.

 Thông qua mối quan hệ xã hội, Hoàng biết Đỗ Thị Mận (39 tuổi, ở quận Đống Đa) từng làm giáo viên tin học nên bàn bạc tìm người mua, để bán chứng chỉ giả.

 Bị cáo sau đó cùng với Mận, Ngô Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thuỳ Ninh, Nguyễn Thị Huyền tham gia làm Giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh giả, Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ giả của trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Huyền cung cấp thông tin, tên tuổi, địa chỉ, ảnh của các học viên có nhu cầu cho Ninh, rồi chuyển cho Nhung, sau đó đến tay Mận. Khi nhận được thông tin này từ Mận, Hoàng chuyển cho Thắng làm giả để đem bán, hưởng tiền chênh lệch.

 Cụ thể, Hoàng và Mận đã làm giả 27 loại giấy tờ. Trong đó, Hoàng trực tiếp làm giả 4 chứng chỉ tiếng Anh, tin học của Trung tâm Jupiter để bán cho Mận.

 Sau đó, Hoàng cùng Mận tham gia làm giả 23 Giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh giả, Chứng chỉ ngoại ngữ giả.

 Toà cáo buộc, Hoàng thu lời bất chính hơn 47 triệu đồng, Mận hơn 30 triệu đồng. Các bị cáo còn lại thu lời từ 5,7 triệu đồng đến hơn 29 triệu đồng.

 Liên quan đến vụ án, toà xác định có 22 học viên mua giấy Chứng nhận năng lực tiếng Anh và Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ giả của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

 Trong số này có một học viên đã bỏ học và không đến làm việc với nhà trường. Có 16 học viên đã bảo vệ tốt nghiệp và được cấp bằng thạc sĩ của Trường ĐH Khoa học tự nhiên.

 Ngày 11.9.2019, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã ra Quyết định xoá tên các học viên cao học khỏi danh sách tốt nghiệp và thu hồi bằng thạc sĩ.

 Đối với 5 học viên còn lại chưa bảo vệ tốt nghiệp, chưa được cấp bằng thạc sĩ, ngày 29.11.2019, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức đình chỉ học tập 1 năm và thông báo toàn trường.

 Đối với việc mua để sử dụng Giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh, Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ giả của những người trên, cơ quan điều tra cho rằng mức độ vi phạm không lớn, chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nên không truy cứu trách nhiệm hình sự. (Laodong.vn 23/12, Việt Dũng) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Israel giải tán Quốc hội sau những vướng mắc về ngân sách

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 22/12, Quốc hội Israel đã giải tán sau khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu không thông qua được ngân sách trước thời hạn chót, qua đó sẽ dẫn đến cuộc bầu cử thứ 4 chỉ trong vòng 2 năm và tiếp tục kéo dài cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có trong lịch sử

 Liên minh cầm quyền do ông Netanyahu và cựu đối thủ là Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz cùng dẫn đầu đã đứng trên bờ vực sụp đổ trong nhiều tuần qua do sự thiếu tin tưởng giữa hai bên. Với việc quốc hội giải tán, cuộc bầu cử mới ở Israel có thể được tổ chức sớm nhất vào ngày 23/3/2021.

 Trong cuộc bầu cử Quốc hội Israel hồi tháng 3 vừa qua, không có đảng nào hội đủ số phiếu cần thiết để thành lập chính phủ. Để phá vỡ thế bế tắc chính trị này, đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu và đảng Xanh-Trắng của ông Benny Gantz đã đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực.

 Theo thỏa thuận, ông Netanyahu đảm nhận vị trí Thủ tướng trong thời hạn 18 tháng tính tới tháng 10/2021, trước khi ông Gantz tiếp quản chức vụ này trong 18 tháng tiếp theo.

 Tuy nhiên, chính trường Israel lại rơi vào bế tắc do bất đồng xung quanh vấn đề ngân sách. Thủ tướng Netanyahu muốn thông qua dự thảo ngân sách thời hạn 1 năm, thay vì 2 năm như thông lệ, với lập luận rằng điều này giúp chính phủ linh hoạt trong ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong khi đó, đảng Xanh-Trắng muốn một ngân sách 2 năm như thông lệ.

 Hạn chót để liên minh cầm quyền thông qua ngân sách là nửa đêm 22/12. Người phát ngôn của Quốc hội Israel Uri Michael nêu rõ việc không thông qua được ngân sách này khiến quốc hội phải giải tán theo quy định của luật pháp.

 Kênh truyền hình i24news của Israel đưa tin chính phủ nước này tối 22/12 đã thông qua đề xuất của Bộ Tài chính gia hạn ngân sách nhằm ngăn việc chính phủ phải đóng cửa do thiếu ngân sách chính thức cho năm 2020 và 2021.

 Theo các nhà phân tích, nếu cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 3 tới, Thủ tướng Netanyahu sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn, khi ông phải tranh cử tái nhiệm trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn hoành hành trong khi vẫn phải đối mặt với phiên tòa xét xử tham nhũng. (VietnamPlus.vn 23/12, Thanh Phương) Về đầu trang

Brazil bắt thị trưởng Rio de Janeiro vì 'đứng đầu một tổ chức tội phạm'

Ông Crivella bị bắt giữ vào thời điểm ông này chỉ còn 9 ngày nữa sẽ kết thúc nhiệm kỳ thị trưởng.

 Một tòa án ở Rio de Janeiro (Brazil) đã ra lệnh bắt giam thị trưởng thành phố - ông Marcelo Crivella với cáo buộc "đứng đầu một tổ chức tội phạm" thực hiện các hoạt động nhận hối lộ, tham nhũng và làm lợi bất chính bằng nhiều phương thức. 

Cơ quan chức năng bắt đầu mở một cuộc điều tra liên quan tới ông Crivella từ năm 2018 sau khi nhận được đơn tố cáo nghi ngờ có sự mờ ám trong hoạt động ký hợp đồng của cơ quan du lịch địa phương Riotur, trong đó doanh nhân Rafael Alves - một người thân tín của cựu thị trưởng Crivella, đóng vai trò quan trọng.

 Phó tổng công tố Ricardo Ribeiro Martins cho biết theo tài liệu điều tra, tổ chức tội phạm này đã quyên góp một cách bất hợp pháp ít nhất 50 triệu real, tương đương gần 10 triệu USD, thông qua các hợp đồng được ký kết giữa các doanh nghiệp và Riotur. (Tuoitre.vn 23/12) Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More