Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 03-11-2020

Post date: 03/11/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.                Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11. 1

2.                Người lao động có thêm quyền lợi khi nhận lương từ năm 2021. 2

CHỈ THỊ MỚI 3

3.                Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu kiểm tra mô hình du lịch farmstay. 3

TIN QUỐC HỘI 3

4.                Quốc hội dành 1 phút mặc niệm đồng bào tử nạn, chiến sĩ hy sinh do bão lũ. 3

5.                Thủ tướng: Hạn chế phát triển thủy điện nhỏ để tránh mất rừng. 4

6.                Thủ tướng: Quy mô kinh tế Việt Nam đã vượt Singapore, sẽ cạnh tranh với Thái Lan. 5

7.                Quốc hội nghe báo cáo triển khai 2 dự án xây dựng hồ chứa nước lớn. 6

8.                Trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc. 6

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 7

9.                PMI tháng 10 đạt 51,8 điểm, số lượng việc làm lần đầu tăng trở lại sau Covid-19. 7

10.             Tháng 10/2020, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. 7

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

11.             Giúp đúng và trúng. 8

QUẢN LÝ.. 9

12.             Để người dân mạnh dạn tố cáo tham nhũng. 9

13.             Quỹ phòng, chống thiên tai: Vì sao 1.692 tỉ đồng vẫn… đóng băng?. 10

14.             Vụ "Bớt xén gạo cứu đói dân nghèo": Thị trấn nói 1 nơi, huyện nói 1 nẻo! 11

15.             Chủ tịch tỉnh Bình Dương hủy họp vì các đơn vị cử cán bộ đi dự thay “sếp”. 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 12

16.             Bộ Nông nghiệp phê bình 9 chủ đầu tư có tiền mà không "tiêu" được. 12

17.             Giải ngân vốn: Cần nhanh nhưng phải hiệu quả. 14

PHÁP LUẬT. 15

18.             Khánh Hòa: Nguyên Bí thư Thành ủy Nha Trang bị tấn công tại nhà riêng. 15

19.             Loạt cán bộ ở Cần Thơ bị đề nghị truy tố. 15

 CHÍNH SÁCH MỚI

Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11

Giáo viên mầm non dạy hợp đồng hưởng chế độ như viên chức đến hết 2021; Điều kiện trở thành hiệu trưởng, hiệu phó trường cấp II, III,... là những chính sách về giáo dục sẽ có hiệu lực từ tháng 11.2020.

 Giáo viên mầm non dạy hợp đồng hưởng chế độ như viên chức đến hết 2021 từ ngày 1.11: Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non có hiệu lực thi hành và thay thế Nghị định 06/2018/NĐ-CP. Riêng chính sách đối với giáo viên mầm non quy định tại khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 8 Nghị định 06/2018/NĐ-CP được thực hiện đến hết năm 2021. Như vậy, chính sách đối với giáo viên mầm non dạy hợp đồng hưởng chế độ, chính sách như viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập được thực hiện đến hết năm 2021.

 Điều kiện trở thành hiệu trưởng, hiệu phó trường cấp II, III từ 1.11: Người được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đối với trường công lập hoặc công nhận làm hiệu trưởng đối với trường tư thục, người được bổ nhiệm hoặc công nhận làm phó hiệu trưởng phải đạt các tiêu chuẩn tại Khoản 3 Điều 11 Điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học và theo quy định của pháp luật.

 Tiêu chuẩn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học gồm: Phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học; Đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học; Đã dạy học được ít nhất 05 năm (hoặc 04 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó. 

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học phải đạt tiêu chuẩn quy định tại chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học theo quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

 Sinh viên sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng từ 15.11: Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học; Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

 Bảng lương giảng viên cao đẳng sư phạm: Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00; Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78; Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

 Tăng mức tiền thưởng cho học sinh giỏi quốc gia từ 1.11: Giải Nhất: 4 triệu đồng (tăng 3 triệu đồng so với quy định hiện hành); Giải Nhì: 2 triệu đồng (tăng 1.3 triệu đồng so với quy định hiện hành); Giải Ba: 1 triệu đồng (tăng 600 nghìn đồng so với quy định hiện hành). (Laodong.vn 02/11, Minh Hương)Về đầu trang

Người lao động có thêm quyền lợi khi nhận lương từ năm 2021

Bộ luật Lao động 2019 bổ sung nhiều quyền lợi mới cho người lao động, trong đó có quy định mới liên quan đến việc nhận lương của người lao động.

 Khoản 3, Điều 95 của Bộ luật Lao động 2019 quy định, mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê các khoản lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có). Trước đây, Luật Lao động 2012 chưa có quy định này.

 Việc yêu cầu doanh nghiệp phải gửi bảng kê trả lương cho người lao động tăng thêm quyền lợi cho người lao động khi có thể chủ động biết rõ các khoản thu nhập, gia tăng tính minh bạch nói chung trong chi trả lương. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng sẽ có thêm 1 công việc phải làm khi trả lương.

 Bên cạnh đó, Bộ luật mới còn quy định trường hợp lương được trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng, người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương (trước đây do người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận).

 Bộ Luật Lao động 2019 được thông qua ngày 20/11/2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. (VTV.vn 31/10)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu kiểm tra mô hình du lịch farmstay

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị kiểm tra, rà soát, thống kê các khu vực đang tồn tại các mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay).

 Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và các trang quảng cáo mời gọi đầu tư bất động sản có xuất hiện mô hình dự án du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay) tại nhiều địa phương (Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, TP. Hồ Chí Minh...)

 Ngày 21.7, Văn phòng Chính phủ có văn bản về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh về mô hình farmstay. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là mô hình dự án có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của nhiều ngành như: Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng... Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thành lập tổ kiểm tra liên ngành để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố có biện pháp quản lý, giải quyết đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện.

 Đối với lĩnh vực quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị kiểm tra, rà soát, thống kê các khu vực đang tồn tại các mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay) nêu trên; xác định các khu có vi phạm pháp luật đất đai, làm rõ từng hành vi vi phạm, lập hồ sơ để xử lý kịp thời theo đúng quy định; các khu chưa có vi phạm pháp luật đất đai hoặc có vi phạm nhưng chưa có chế tài xử lý, chưa có trong quy định của pháp luật đất đai để kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh các trường hợp có thể xảy ra vi phạm (nếu có) và có hướng nghiên cứu đánh giá đối với các mô hình nêu trên để đề xuất phương án quy hoạch hoặc biện pháp xử lý phù hợp với phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. (Laodong.vn 02/11, Nhiệt Băng)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Quốc hội dành 1 phút mặc niệm đồng bào tử nạn, chiến sĩ hy sinh do bão lũ

Ngày 2.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp 10, Quốc hội khoá XIV họp đợt thứ 2, họp trực tiếp, bàn nhiều nội dung quan trọng.

 Mở đầu ngày họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, khai mạc Kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ đến ĐBQH Nguyễn Văn Man và các cán bộ, chiến sĩ, hy sinh trong lúc tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, cùng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tử nạn trong đợt lũ lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung đầu tháng 10.

 "Từ đó đến nay, miền Trung thân yêu của chúng ta vẫn còn những cán bộ và người dân tử nạn do các đợt bão lũ lớn xảy ra" - Chủ tịch Quốc hội nói.

 Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, năm 2020, nước ta liên tiếp hứng chịu các đợt thiên tai lịch sử; trong đó kể từ đầu tháng 10 đến nay, tại nhiều tỉnh miền Trung dồn dập xảy ra các đợt bão, lũ lớn, kéo dài nhiều ngày, trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống Nhân dân.

 "Trong các đợt mưa lũ, bão lớn, chúng ta vô cùng đau đớn, xót xa khi chứng kiến những vụ sạt lở, vùi lấp nhiều người sâu dưới hàng mét đất đá; nhiều người bị lũ cuốn trôi hoặc mất tích ngoài biển khơi...

 Đặc biệt là vụ sạt lở vùi lấp nhiều người tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đến thời điểm này, có hàng trăm đồng bào đã tử nạn và mất tích, nhiều người vẫn chưa được tìm thấy, có em nhỏ không còn cha mẹ, có gia đình bị vùi lấp toàn bộ.

 Đây là đau thương, mất mát không gì bù đắp được của gia đình người dân bị tử nạn; thân nhân của các cán bộ đã hy sinh; cũng là mất mát to lớn của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và Nhân dân" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.

 Để tưởng niệm đồng bào tử nạn, cán bộ hy sinh do bão lũ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội dành 1 phút mặc niệm. (Laodong.vn 02/11)Về đầu trang

Thủ tướng: Hạn chế phát triển thủy điện nhỏ để tránh mất rừng

Sáng 2.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.

 Phát biểu tại buổi thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành nhiều thời gian để nói về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp; vấn đề lũ lụt, thiên tai ở các tỉnh miền Trung cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.

 Về vấn đề lũ lụt, thiên tai hiện nay, Thủ tướng cho rằng chưa bao giờ thiên tai dồn dập như thế, gây thiệt hại rất lớn, làm giảm GDP. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân các tỉnh miền Trung sớm ổn định cuộc sống.

 Về lũ lụt, thiên tai, sạt lở đất xảy ra ở miền Trung, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên nhân chính là do kết cấu địa chất ở khu vực này chủ yếu là đất sét. Mưa lớn kéo dài, lượng mưa lớn đã phá hỏng kết cấu, gây ra sạt lở. 

Nhiều nơi, các ngọn núi đều ở khá xa khu dân cư hoặc khu nhà ở của quân đội, nhưng do mưa lớn, sạt lở, bùn đất "dịch chuyển" vùi lấp nhiều người.

 “Như khu vực Trà Leng (Quảng Nam) mà chúng ta đang nói không có thuỷ điện nào cả”- Thủ tướng dẫn chứng và cho rằng chúng ta cần đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người. 

“Tôi đồng ý với các đồng chí là phải xem xét vấn đề phát triển thuỷ điện nhỏ, để tiếp tục hạn chế việc phá rừng. Những công trình nào liên quan đến đất rừng phải trình Quốc hội. Những công trình thuỷ điện nhỏ phải rất hạn chế” - Thủ tướng nhấn mạnh. (Laodong.vn 02/11)Về đầu trang

Thủ tướng: Quy mô kinh tế Việt Nam đã vượt Singapore, sẽ cạnh tranh với Thái Lan

Phát biểu thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại Quốc hội sáng 2-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông tin, dù bối cảnh năm nay rất khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và lũ lụt lịch sử, song nước ta vẫn đạt được những kết quả tích cực, nổi bật, thế giới đánh giá là điểm sáng.

 Chính phủ đã thể hiện sự linh hoạt trong điều hành thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Đặc biệt, ở làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã có sự điều chỉnh, thay đổi trong chỉ đạo, không yêu cầu thực hiện giãn cách toàn quốc như ở đợt dịch lần thứ nhất mà chỉ đạo tổ chức linh hoạt, cách ly hợp lý.

 "Nếu làm theo cách cũ thì kinh tế đã tăng trưởng âm. Chỉ đạo là quan trọng, ưu tiên chống dịch nhưng phải lo phát triển kinh tế, thế giới đánh giá cao cách làm của Việt Nam" - người đứng đầu Chính phủ nói. "Tập trung phát triển kinh tế nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh” – Thủ tướng nói thêm.

 Về kết quả thực hiện mục tiêu kép từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã báo cáo Quốc hộị, Việt Nam là 1 trong 2 nước châu Á và là nước duy nhất trong khu vực ASEAN có tăng trưởng kinh tế dương, trở thành 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi tốt nhất hiện nay.

 “Đặc biệt, rất vui mừng là quy mô nền kinh tế (GDP) của nước ta mới đây đã vượt Singapore (năm ngoái đã vượt Malaysia). Nếu như quyết tâm, đoàn kết và có khát vọng mạnh mẽ hơn thì tương lai có thể cạnh tranh với Philippines và Thái Lan” – Thủ tướng thông tin. 

Ngoài vấn đề kinh tế xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã dành khá nhiều thời gian để nói về vấn đề lũ lụt, thiên tai ở các tỉnh miền Trung vừa qua.

 Theo Thủ tướng, chưa bao giờ thiên tai lại dồn dập như vậy ở Việt Nam, gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân các tỉnh miền Trung sớm ổn định cuộc sống.

 Đề cập đến các vụ sạt lở đất nghiêm trọng vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân chính là do kết cấu địa chất bị ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài, lượng mưa lớn. Vùng núi ở các tỉnh miền Trung rất dốc, nhiều đất sét nên mưa lớn đã phá hỏng kết cấu địa chất, gây sạt lở.

 Một số ĐBQH lo ngại về việc phát triển thuỷ điện nhỏ, đặc biệt khu vực miền Trung, Tây Nguyên có thể khiến thiên tai, lũ lụt sẽ càng thêm nghiêm trọng. Ghi nhận ý kiến này, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần hạn chế phát triển thuỷ điện nhỏ để không xảy ra tình trạng chiếm rừng, đất rừng. Đối với những dự án quan trọng có liên quan đến đất rừng, đều phải trình Quốc hội để xin ý kiến, xem xét. (Anninhthudo.vn 02/11, Duy Tiến)Về đầu trang

Quốc hội nghe báo cáo triển khai 2 dự án xây dựng hồ chứa nước lớn

Sáng 2.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp 10, Quốc hội đã nghe báo cáo về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than (tỉnh Ninh Thuận) và Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (tỉnh Nghệ An).

 Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Dự án hồ chứa nước sông Than được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt lần đầu tại Quyết định số 971/QĐ-UBND ngày 14.5.2010 với tổng mức đầu tư 716,587 tỉ đồng; diện tích sử dụng đất 801,15 ha nhưng dự án phải tạm dừng do khó khăn về nguồn vốn.

 Năm 2016, do tình hình hạn hán xảy ra nghiêm trọng, nhu cầu cấp bách của việc chống hạn, dự án được đưa vào bố trí kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020. Năm 2017, tỉnh Ninh Thuận phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư với tổng mức đầu tư 855 tỉ đồng.

 Mục tiêu của dự án: Cấp nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 hộ dân vùng hạ lưu, cấp 24 triệu m3/năm cho các ngành kinh tế khác; cấp nước bổ sung cho các hồ chứa nước Lanh Ra, Tà Ranh và Bầu Zôn, cắt giảm lũ cho khu vực hạ du và tình trạng ngập úng.

 Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 7.2018 đến nay đã triển khai xây dựng được khoảng 35% khối lượng công việc.

 Dự án có phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia do có sử dụng 100,63 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Vì vậy, Chính phủ đã có báo cáo số 455/BC-CP ngày 5.10.2020 để trình Quốc hội tại kỳ họp 10 về tình hình thực hiện dự án là tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về đầu tư công. (Laodong.vn 02/11)Về đầu trang

Trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc

Chiều 2/11, Quốc hội tiến hành họp riêng về công tác nhân sự. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, tiến hành thảo luận ở Đoàn về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

 Dự kiến, vào chiều 3/11, Quốc hội sẽ bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh bằng hình thức bỏ phiếu kín.

 Trước đó, vào tháng 8, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc bị phát hiện có thêm quốc tịch nước ngoài sau khi loạt bài điều tra của hãng tin Al Jazeera nêu đích danh tên ông và vợ được nhận quốc tịch Cộng hòa Cyprus. 

Ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi là Đại biểu Quốc hội và thôi chức vụ Tổng Giám đốc tại Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận vào ngày 25/8 sau khi thông tin trên được công bố.

 Tại cuộc họp báo ngày 1/9, đại diện UBND TP.HCM cho biết, thành phố sẽ báo cáo cơ quan thẩm quyền đề nghị bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc. Quan điểm của TP.HCM là sẽ xử lý quyết liệt, minh bạch. (VTV.vn 02/11)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

PMI tháng 10 đạt 51,8 điểm, số lượng việc làm lần đầu tăng trở lại sau Covid-19

IHS Markit vừa công bố báo cáo cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 của Việt Nam 51,8 trong tháng 10, giảm nhẹ từ mức 52,2 của tháng 9 nhưng vẫn cho thấy sự cải thiện của sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Nhìn chung, các điều kiện kinh doanh đến nay đã cải thiện mạnh mẽ trong hai tháng vừa qua.

 Đầu quý 4, lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục ghi nhận những phục hồi đáng kể. Số lượng đơn đặt hàng tại các doanh nghiệp tăng mạnh, đồng thời số lượng việc làm cũng tăng trở lại sau 8 tháng giảm liên tiếp.

 Lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Trong khi đó, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tại các doanh nghiệp hàng hóa đầu tư cơ bản đều tiếp tục giảm.

 Nhu cầu tiêu dùng của Việt Nam tăng đáng kể nhờ những thành công trong việc kiểm soát sự bùng nổ của Covid-19. Theo đó, số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh tháng thứ hai liên tiếp, từ đó sản lượng tăng theo ở mức độ tương ứng.

 Song, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới không thay đổi do nhu cầu ở các thị trường vẫn đang phải đổi mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, điển hình là châu Âu, còn yếu kém. Trong tháng 10, yêu cầu sản xuất cao hơn đã khuyến khích các nhà sản xuất tuyển thêm nhân viên. Kể từ tháng 1, đây là lần đầu tiên số lượng việc làm tăng, mặc dù tốc độ tăng chưa đáng kể do công suất vẫn có dấu hiệu dư thừa.

 Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng trong tháng 10 vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài ở mức cao hơn so với tháng 9. Các yếu tố như nguyên vật liệu khan hiếm, điều kiện thời tiết bất lợi cũng làm chậm quá trình giao hàng. 

Cuối cùng, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit nhận định: "Lĩnh vực sản xuất bắt đầu quý cuối cùng của năm với một nền tảng vững chắc. Điều này sẽ tiếp tục nếu đại dịch Covid-19 vẫn được kiểm soát trong nước. Khía cạnh tích cực nhất của lần khảo sát này đó là lần đầu tiên sau đại dịch, số lượng việc làm đã tăng trở lại. Kết thúc tích cực của năm sẽ tạo tiền đề cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ vào đầu năm 2021". (Cafef.vn 02/11)Về đầu trang

Tháng 10/2020, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng Cục thống kê, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 10 tăng 18,4% so với tháng 9.

 Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập năm nay có thể đạt bằng so với năm 2019. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đó cũng là một nỗ lực lớn của chính cộng đồng doanh nghiệp.

 Phân tích số liệu, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, một bộ phận doanh nghiệp đã tìm được cách thích nghi với bối cảnh mới còn thị trường lao động quý IV dự báo cũng sẽ phục hồi nhanh, thậm chí một số ngành vẫn tăng trưởng mạnh.

 Bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search cho biết: "Ngành công nghệ thông tin hầu như không bị suy giảm nhiều so với giai đoạn trước đây và thậm chí ngành này vẫn luôn đứng đầu trong danh sách những ngành nghề có nhiều nhu cầu về tuyển dụng lao động nhất. Mảng thứ hai cũng không bị ảnh hưởng nhiều là bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ".

 Tính chung 10 tháng, quy mô vốn đăng ký bình quân doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,3 tỷ đồng, tăng 14,4%. (VTV.vn 02/11)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Giúp đúng và trúng

Giờ mà hỏi người dân vùng bão cần gì thì sẽ nhận vô số câu trả lời. Chỗ thì cần tôn và ngói để lợp lại mái nhà; chỗ cần xi măng để xây lại bức tường; nơi cần sách vở vì bị bão làm ướt hết; chỗ lại cần nước sạch vì nguồn nước bị nhiễm bẩn…

 Ấy thế nhưng, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, thì lại đặt vấn đề mang tính khái quát hơn: “Người dân đang cần được hỗ trợ sớm nhưng nhà nước thì lại cần ở dân sự trung thực trong khai báo thiệt hại. Phải trao đúng người cần, không chấp nhận báo cáo một đường nhưng thực tế một nẻo”.

 Sở dĩ bà Quỳnh Vân nói điều đó là vì ngay sau khi bão vừa tan, Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh này đã phân công cán bộ về vùng bão để nắm tình hình thực tế từ cơ sở. Kiểm tra ngẫu nhiên ở xã Nghĩa Điền, một xã cận kề thành phố Quảng Ngãi, thì toàn xã có 2 nhà bị tốc mái hoàn toàn chứ không phải “có 7 nhà bị sập hoàn toàn” như báo cáo.

 Phải phân biệt “tốc mái” khác với “sập” để hỗ trợ cho chính xác. Cần sự trung thực trong báo cáo chính là chỗ này. Nếu chỉ tốc mái mà hỗ trợ như sập hoàn toàn thì sẽ thiếu công bằng đối với những nhà bị thiệt hại khác. Điều này vừa bất công cho người bị thiệt hại lại vừa gây khó cho công tác hỗ trợ khắc phục của cả nhà nước lẫn các tổ chức thiện nguyện. Hẳn nhiên phải hiểu “báo cáo nhanh” ngay sau khi cây đổ, nhà sập tứ bề thì mức độ chính xác không thể như yêu cầu của cấp trên được. 

 Ngoài “cần phải trung thực trong báo cáo” như đã nói, vùng bão cũng rất cần ở sự cưu mang từ các nguồn lực ngoài ngân sách nhưng phải làm bài bản và khoa học chứ không nên “mạnh ai nấy giúp”.

 Nên chăng, mỗi ngành cần phải có những con số báo cáo cụ thể từ cơ sở, càng chi tiết càng tốt. Ví dụ như trường A ở xã X hiện cần bao nhiêu tôn để lợp, bao nhiêu sách vở để hỗ trợ các em; trạm y tế xã Y cần bao nhiêu tôn để sửa lại mái bị tốc, cần bao nhiêu thuốc khử khuẩn để xử lý số giếng bị ô nhiễm, cần bao nhiêu dụng cụ y tế đã bị nước cuốn trôi; huyện N cần bao nhiêu giống, loại cây gì, con gì để hỗ trợ người dân...

 Những thông tin kiểu vậy cần được tập hợp công khai trên Cổng thông tin điện tử của từng tỉnh, huyện, ngành để bất kỳ cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ở trong hay ngoài nước cũng đều có thể qua đó chọn giúp đỡ trong khả năng và lĩnh vực của mình. Trường học giúp trường học; bệnh viện giúp bệnh viện, trạm y tế... Giúp đúng và trúng.

 Quà gì giúp dân lúc này cũng đều quý cả nhưng chúng ta cũng nên ưu tiên những thứ bức thiết hơn, mà tiền mặt là thứ bức thiết nhất để người dân chọn lựa những gì mình cần nhất để mua sắm lúc này. (Thanhnien.vn 02/11, Trần Đăng)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Để người dân mạnh dạn tố cáo tham nhũng

Bộ Công an vừa đưa ra Dự thảo thông tư về “Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí”. Việc ra đời thông tư này sẽ đảm bảo quyền lợi rõ hơn đối với người tố cáo.

 Theo đó, dự thảo quy định: Những người được bảo vệ gồm: Người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí. Người được bảo vệ đang sinh sống, làm việc, học tập tại nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư.

 Việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ phải liên quan trực tiếp đến việc tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí. Tài sản được bảo vệ là tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người được bảo vệ và có giá trị thực tế từ 2.000.000 đồng trở lên.

 Tại các quy định trước đây, việc bảo vệ tài sản của người tố cáo còn chung chung, dự thảo mới đưa ra mức 2 triệu đồng được cho là cụ thể hoá tài sản cần được bảo vệ của người tố cáo.

 Việc ra đời những quy định mới chính là nhằm đảm bảo cho người dân tham gia mạnh mẽ hơn trong việc tố cáo những hành vi tham nhũng, lãng phí. Song song với việc bảo vệ, pháp luật cũng có nhiều cơ chế để việc bảo vệ này không bị lợi dụng. Tố cáo là quyền của công dân, được pháp luật bảo vệ nhưng pháp luật cũng quy định cụ thể những hành vi lợi dụng tố cáo để vu khống, làm nhục, gây rối, xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự... người khác, cơ quan, tổ chức.

 Các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo như: Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo. Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo. Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước... (Laodong.vn 02/11, Minh Bằng)Về đầu trang

Quỹ phòng, chống thiên tai: Vì sao 1.692 tỉ đồng vẫn… đóng băng?

Tình hình thiên tai diễn ra phức tạp, nhiều tỉnh cần sự hỗ trợ thế nhưng theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong 6 năm thực hiện Quỹ phòng chống thiên tai vẫn còn dư 1.692 tỉ đồng.

 Quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai (PCTT) đã được đưa ra từ Luật Phòng, chống rủi ro thiên tai năm 2013 và Nghị định 94/2014/NĐ-CP quy định về thành lập và quản lý Quỹ PCTT. Đến 1.1.2020, Nghị định 83/2019/NĐ-CP có hiệu lực sửa đổi một số điều tại Nghị định 94/2014 có hiệu lực. 

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai công khai ngày 29.10.2020, tính đến 15.10.2020 có 60/63 tỉnh thành tiến hành thu Quỹ, tổng quỹ thu được là 3500 tỉ đồng. 3 địa phương cho đến nay không lập Quỹ là Lai Châu, Quảng Bình, Bạc Liêu. Tổng chi kể từ ngày lập Quỹ là 1.808 tỉ đồng. Như vậy hiện nay Quỹ PCTT còn tới 1.692 tỉ.

 Điều đáng nói là ngoài 3 địa phương không lập Quỹ như đã nêu trên thì báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng cho thấy rất nhiều địa phương có thu nhưng không chi, hoặc chi rất thấp. Điển hình như Yên Bái thu 12,8 tỉ đồng, Ninh Bình thu 17,4 tỉ đồng, Quảng Trị 2,9 tỉ đồng, Thừa Thiên-Huế thu 8,9 tỉ đồng, Quảng Ngãi 10,3 tỉ đồng, Bình Định 27 tỉ đồng, Ninh Thuận 1,8 tỉ đồng nhưng tất cả các địa phương này đã không chi bất kỳ đồng nào từ Quỹ PCTT.

 Hoặc có những địa phương thu rất tốt như Bà Rịa-Vũng Tàu thu 47,3 tỉ đồng nhưng chỉ chi có 48 triệu đồng, Điện Biên thu 16.9 tỉ đồng nhưng chi 45 triệu đồng.

 Theo Nghị định 94 thì đối tượng thu Quỹ PCTT thì đối tượng phải thu được quy định Mức đóng góp bắt buộc một năm là hai phần vạn trên tổng giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hàng năm nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh; Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp như sau: Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp; người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng; người lao động khác, trừ các đối tượng đã được quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, đóng 15.000 đồng/người/năm. Cuối cùng là các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện cho Quỹ.

 Nếu như đúng quy định thì Quỹ PCTT sẽ rất lớn, cao hơn nhiều so với con số đã thu chỉ vẻn vẹn 3.500 tỉ đồng. Một con số từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nếu thu đúng đối tượng theo Nghị định 94/2014 thì riêng năm 2018 đã phải thu được trên 5.000 tỉ đồng nhưng cuối cùng chỉ thu được 826 tỉ đồng, chỉ bằng 14,4% kế hoạch.

 Chính vì lý do này, trong văn bản góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều vào cuối năm 2019, VCCI đã đề xuất nghiêm túc đánh giá lại hiện trạng, hiệu quả và hệ quả của chính sách Quỹ phòng, chống thiên tai và bãi bỏ chính sách này trong Luật Phòng, chống rủi ro thiên tai.

 Theo VCCI, một trong những lý do khó thu chính là “Có doanh nghiệp phải nộp hàng trăm triệu đồng cho quỹ này, bao gồm cả nghĩa vụ của chính doanh nghiệp và nghĩa vụ nộp thay người lao động. Nhưng nhiều doanh nghiệp khác không bị thu nộp mà không rõ lý do vì sao lại có sự khác biệt. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cho rằng đang bị thu một cách bất hợp lý và không biết được số tiền mình nộp đang được quản lý và sử dụng như thế nào, có hiệu quả hay không”.

 Cũng theo VCCI, khi tiến hành tìm kiếm thông tin về báo cáo sử dụng quỹ tại website của các địa phương, nhưng chỉ có một địa phương (Bình Dương) có báo cáo chi tiết đến từng dự án/hoạt động sử dụng quỹ để DN và người dân có thông tin để giám sát trên thực tế. Có hai địa phương (Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh) có báo cáo về số tiền chi cho các quận, huyện, đơn vị trong tỉnh, nhưng không chi tiết từng hoạt động. Tất cả các địa phương khác không có thông tin báo cáo về việc sử dụng quỹ. Như vậy, người dân và doanh nghiệp dù phải đóng tiền quỹ nhưng hầu như không được biết tiền của mình được sử dụng thế nào.

 Một lý do khác khiến cho Quỹ PCTT không mang lại kết quả như mong đợi hầu hết là kiêm nhiệm, mức chi thấp, điều kiện chi còn nhiều khó khăn nhất là công tác xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ. (Laodong.vn 02/11, Quang Thành)Về đầu trang

Vụ "Bớt xén gạo cứu đói dân nghèo": Thị trấn nói 1 nơi, huyện nói 1 nẻo!

Liên quan đến vụ việc "Bớt xén gạo cứu đói dân nghèo", sáng 2-11, ông Nguyễn Hữu Ánh, Chủ tịch UBND thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho biết đã hoàn thành việc cấp phát gạo cho 17 hộ nhận thiếu và 4 hộ không được nhận. 

Theo báo cáo của UBND thị trấn Ea T’ling, căn cứ vào quyết định của UBND huyện Cư Jút về việc tổ chức rà soát số hộ nguy cơ thiếu đói trong thời gian hạn hán năm 2020 và quyết định phân bổ, tổ chức cấp phát gạo, trên địa bàn thị trấn có 592 hộ/2.018 khẩu được hỗ trợ 30.270 kg gạo. Kết quả của Đoàn kiểm tra về việc cấp phát gạo hỗ trợ cho thấy 12/13 tổ dân phố, bon đã cấp đúng, đủ theo danh sách đã phê duyệt.

 Riêng Tổ dân phố 1 cấp không đúng quy định, cụ thể: Tổ dân phố 1 có 26 hộ/109 khẩu được hỗ trợ 1.635 kg gạo. Tuy nhiên, có 17 hộ không được nhận đủ gạo theo quy định với số lượng 630kg, 4 hộ không được nhận gạo với số lượng 315kg. Theo bản giải trình của ông Hoàng Văn Chuẩn, Tổ trưởng Tổ dân phố 1 về số lượng gạo không cấp, cấp không đủ cho các hộ theo danh sách phê duyệt vì đã cấp cho các hộ khó khăn khác ngoài danh sách (!?). 

Như vậy, theo báo cáo của UBND thị trấn (đề ngày 26-10 và có gửi cho UBND huyện Cư Jút) thì ngoài 17 hộ bị bớt xén gạo, có 4 hộ không được nhận 1 ký gạo nào. Tuy nhiên, ngày 1-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vũ Văn Bính, Phó chủ tịch UBND huyện Cư Jút cho rằng: "Việc này do ông Hoàng Văn Chuẩn, Tổ trưởng tổ dân phố 1 hiểu sai danh sách, thấy một số hộ cũng bị đói kém trong mùa Covid-19 nên chia đều. Do đó, có sự nhầm lẫn của 17 hộ và đã xử lý rồi".

 Khi phóng viên thắc mắc UBND thị trấn Ea T’ling xác định có 4 hộ không nhận được ký gạo nào, ông Bính vẫn khẳng định: "Chỉ có 17 hộ ấy thôi, không có hộ không được cấp phát đâu" rồi cho biết ông Chuẩn cũng đã làm bản tường trình và cam kết chịu xử lý trước pháp luật.

 Tiếp tục đề cập đến vụ việc này với ý kiến thừa nhận có 4 hộ không nhận được gạo của Chủ tịch UBND thị trấn Ea T’ling Nguyễn Hữu Ánh, ông Bình lần nữa lại bảo: "Chưa có chuyện ấy đâu, chỉ có nhận không đủ thôi"(!?) 

Trước đó, nhiều hộ dân ở Tổ dân phố 1, thị trấn Ea T’ling gửi đơn tới cơ quan chức năng tố cáo việc bị ăn chặn, bớt xén gạo hỗ trợ, cứu đói cho nhân dân. Theo tố cáo, từ đầu năm đến nay, người dân Tổ dân phố 1 được Nhà nước hỗ trợ 3 đợt gạo cứu đói gồm: hỗ trợ gạo dịp Tết Nguyên đán tháng 1-2020, hỗ trợ gạo trong đợt giáp hạt tháng 5-2020 và hỗ trợ gạo cho nhân dân ảnh hưởng trong đợt nắng hạn tháng 10-2020. Tuy nhiên, trong quá trình cấp phát gạo, nhiều hộ dân có tên trong danh sách phê duyệt nhưng không được nhận gạo, một số hộ được nhận nhưng bị bớt xén, không đủ số lượng được cấp. Đặc biệt, có những hộ dân không được nhận gạo nhưng trong danh sách lại có chữ ký nhận đủ số gạo. (Nld.com.vn 02/11, Cao Nguyên)Về đầu trang

Chủ tịch tỉnh Bình Dương hủy họp vì các đơn vị cử cán bộ đi dự thay “sếp”

Ngày 2/11, nguồn tin Tiền Phong cho hay, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vừa phải đề nghị hủy một cuộc họp do ông chủ trì.

 Cuộc họp do người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Dương chủ trì với nội dung liên quan đến công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Lý do cuộc họp bị hủy theo ông Thao là thành phần tham dự không đúng kỳ vọng, một số đơn vị chính quyền, công an huyện, thị xã, thành phố cử cán bộ hoặc cấp phó đi thay người đứng đầu.

 Theo ông Thao, người dự họp không thể đưa ra được quyết định ngay mà phải tham mưu lại thì rất khó để công việc chạy nhanh, do đó việc hủy họp ông sẽ chịu trách nhiệm và sẽ bố trí vào một ngày gần nhất.

 Trước đó, ngay sau khi bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021 – 2025, ông Nguyễn Hoàng Thao đã có cuộc gặp gỡ để thông tin đến cơ quan báo chí.

 Tại đây, vị tân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, vấn đề tai nạn giao thông, kẹt xe đang khiến người dân quan tâm. Do đó, Bình Dương đã và đang rà soát nguyên nhân để khắc phục. Ngoài việc chỉ đạo tăng cường lực lượng đảm bảo an toàn giao thông, tỉnh đang thực hiện mở rộng các tuyến đường liên thông khu vực. (Tienphong.vn 02/11, Hương Chi)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Bộ Nông nghiệp phê bình 9 chủ đầu tư có tiền mà không "tiêu" được

Bộ NN&PTNT vừa có công văn đánh giá kết quả giải ngân 9 tháng đầu năm cho 136 chủ đầu tư. Trong đó Bộ tuyên dương cá nhân giám đốc, tập thể lãnh đạo của 14 chủ đầu tư và phê bình cá nhân người đứng đầu và tập thể của 9 chủ đầu tư.

 Theo Bộ NN&PTNT, giải ngân 9 tháng đầu năm vốn kế hoạch năm 2020 các dự án của Bộ là 8.430 tỷ đồng, đạt 60,3% vốn kế hoạch năm đã giao cho các dự án.

 Căn cứ vào tình hình thực hiện và kết quả giải ngân của 136 chủ đầu tư, Bộ NNPTNT tuyên dương cá nhân giám đốc, tập thể lãnh đạo của 14 chủ đầu tư, trong đó dự án vốn trái phiếu Chính phủ có 8 đơn vị và dự án vốn ngân sách tập trung có 6 đơn vị có tỷ trọng giải ngân lớn.

 Bộ NN&PTNT sẽ xem xét khen thưởng 8 đơn vị (vốn trái phiếu Chính phủ) trong tổng kết phong trào thi đua "Xây dựng công trình thủy lợi đảm bảo chất lượng, vượt tiến độ thi công".

 Cùng với đó, Bộ NN&PTNT phê bình người đứng đầu và tập thể lãnh đạo của 9 chủ đầu tư yếu kém do triển khai dự án, hợp phần dự án trong 9 tháng đầu năm chậm, kết quả giải ngân rất thấp mặc dù đã được các Cục, Vụ và Bộ tháo gỡ khó khăn thuộc thẩm quyền.

 Trong số 9 dự án này, đối với dự án vốn trái phiếu Chính phủ, có 4 đơn vị có vốn lớn nhưng giải ngân dưới 40% hoặc không đạt cam kết, gồm: Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình Giao thông và NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk – hợp phần đền bù, giải phóng mặt bằng hồ Krông Pách;

 Ban QLDA Đầu tư các công trình NN&PTNT tỉnh Đắk Nông – hồ Nam Xuân; Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8; Ban QLDA tỉnh Hòa Bình – được ủy thác phần xây lắp của giải phóng mặt bằng hồ Cánh Tạng.

 Đối với dự án vốn ngân sách tập trung, có 3 đơn vị vốn lớn nhưng giải ngân không đạt 40%, không đạt cam kết hoặc chưa giải ngân, gồm: Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và Tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản; Cục Kiểm ngư - Trạm kiểm ngư Phú Quốc; Sở NN&PTNT Bến Tre - Hạ tầng nuôi trồng thủy sản tập trung Bình Đại, Bến Tre.

 Đối với dự án ODA, có 2 đơn vị giải ngân thấp dưới 40%, chậm trễ làm thủ tục rút vốn với Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), gồm: Ban QLDA Nông nghiệp - CPO Nông nghiệp; Ban QLDA Lâm nghiệp - CPO Lâm nghiệp.

 Đối với 3 chủ đầu tư yếu kém là đơn vị thuộc UBND tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Bến Tre), Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh rà soát năng lực và việc thực thi nhiệm vụ của các đơn vị này, xử lý nghiêm thủ trưởng và tập thể lãnh đạo đơn vị nếu tiếp tục chậm trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hợp phần dự án được giao..

 Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng giao Cục Quản lý xây dựng công trình và Vụ Kế hoạch tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện cả năm và phân loại từng chủ đầu tư dự án, báo cáo Bộ trước 10/2/2021.

 Những đơn vị không hoàn thành kế hoạch 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2020 thì Bộ xem xét không giao chủ đầu tư trong trung hạn 2021- 2025. (Anninhthudo.vn 01/11, Tuyết Nhung)Về đầu trang

Giải ngân vốn: Cần nhanh nhưng phải hiệu quả

Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp với tinh thần quyết liệt nhất.

 Đến nay kết quả thực hiện đã có những kết quả rõ rệt, ước giải ngân đến ngày 31-10 là hơn 321.529 tỉ đồng, đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo Bộ Tài chính, có 13 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có ước tỉ lệ giải ngân đến ngày 31-10 đạt trên 70%. Tuy nhiên, vẫn còn 18 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 45%, trong đó có 8 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương là Đồng Nai có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

 Trao đổi với phóng viên, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, cho rằng việc này đã góp phần sớm phục hồi và phát triển nền kinh tế. Chính phủ, các bộ - ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt để đạt được kết quả khả quan nêu trên. Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận giải ngân vốn đầu tư công nhanh nhưng phải chất lượng, hiệu quả; nếu chạy theo tiến độ thì sẽ dễ phát sinh tiêu cực, làm ẩu, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.

 Trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhìn nhận trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là rất cần thiết để thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, chạy đua theo thành tích, giải ngân để lấy số lượng thì sẽ gây ra không ít hệ lụy.

 Ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không chú trọng về hiệu quả thì nguồn vốn có thể sẽ giải ngân vào các khâu, hạng mục chưa mang lại hiệu quả ngay. Đầu tư xong, xây dựng xong nhưng công trình, dự án đó chưa phát huy được hiệu quả đồng bộ. Cần tính toán để đầu tư phải đồng bộ, còn để dở dang thì việc giải ngân đó chưa mang lại hiệu quả tổng thể. Phải lưu ý không chạy theo thành tích". Ông Cường lưu ý giải ngân theo số lượng thì nhà thầu cũng sẽ chạy theo khối lượng, có thể ảnh hưởng tới công trình, dự án và khi đó hiệu quả đầu tư công thấp hơn rất nhiều.

 Cũng theo ông Hoàng Văn Cường, không nên giải ngân vốn đầu tư công bằng mọi giá bởi nếu giải ngân theo thành tích, có thể vốn sẽ bị "rót" vào những khâu, hạng mục chưa có trong kế hoạch chuẩn bị trước. Một vấn đề nữa được ông Cường nêu ra là năm nay có nhiều vốn, tìm mọi cách để giải ngân xong thì đến năm sau, chu kỳ sau có tiếp nối được hay không, hay sẽ xảy ra tình trạng đứt gãy đầu tư. Chính vì vậy, việc giải ngân vốn nhanh nhưng phải đi đôi với hiệu quả, chất lượng, có tầm nhìn dài hạn. "Cả nhiệm kỳ vừa rồi chúng ta đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thì thời gian này cần thận trọng để không xảy ra tình trạng đó, nếu không sẽ rất nguy hại" - ông Hoàng Văn Cường lo ngại. 

Theo TS Lê Đăng Doanh, trong quá trình thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cần cân nhắc kỹ lưỡng, những dự án đã giao nhưng không có khả năng hấp thụ, không hiệu quả mà tiếp tục "rót" vốn để đạt kế hoạch giao vốn thì không những không đạt kết quả tích cực mà còn tiềm ẩn rủi ro. Vị chuyên gia đề nghị đối với từng dự án, đặc biệt là những dự án quan trọng cần được ưu tiên để tháo điểm nghẽn, "vướng ở đâu gỡ ở đó" để nguồn vốn khi giải ngân phát huy hiệu quả, công trình khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Về các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn, Bộ Tài chính vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp phương án cắt giảm số vốn chưa phân bổ chi tiết đến hết ngày 30-9-2020 của các bộ - ngành, địa phương. Đồng thời, tổng hợp phương án điều chuyển vốn của các bộ - ngành có tỉ lệ giải ngân đến ngày 30-9-2020 dưới 60% để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh trong năm 2020 và các dự án khẩn cấp như ứng phó với biển đổi khí hậu, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. (Nld.com.vn 02/11, Minh Chiến)Về đầu trang

PHÁP LUẬT

Khánh Hòa: Nguyên Bí thư Thành ủy Nha Trang bị tấn công tại nhà riêng

Chiều 1-11, lãnh đạo phường Phước Long, TP Nha Trang (Khánh Hòa) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc ông Hoàng Văn Trường, nguyên Bí thư Thành ủy TP Nha Trang, bị tấn công tại nhà riêng

 Theo đó, chiều 1-11, nhà ông Trường tại Khu đô thị Phước Long A được công an địa phương phong tỏa để làm rõ vụ việc.

 Một nguồn tin cho biết vụ việc xảy ra vào trưa cùng ngày, ông Trường bị kẻ lạ mặt tấn công vào vùng cổ khiến phải nhập viện.

 Theo thông tin ban đầu, có một người đàn ông đeo khẩu trang, mặc áo khoác đen, đội mũ bảo hiểm trùm kín đầu, chạy xe máy tới trước nhà ông Trường.

 Người này bất ngờ leo qua cánh cổng cao khoảng 2m, vào bên trong nhà. Thấy ông Trường đứng bên trong, người này rút dao xông vào tấn công khiến ông Trường bị thương ở cổ, rồi thoát ra ngoài, lên xe máy phóng đi. 

Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cho biết ông Trường bị đứt tĩnh mạch máu do vết thương ở vùng cổ, mất nhiều máu. Các bác sĩ đã tiến hành khâu mạch máu thành mạch vết thương, đến nay bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

 Nhà ông Trường ở là khu biệt thự, đa số các nhà đều kín cổng cao tường nên hàng xóm hầu như không rõ khi ông Trường bị tấn công.

 Ông Hoàng Văn Trường (66 tuổi), nguyên Bí thư Thành ủy Nha Trang, nhiệm kỳ 2010-2015. Ông nghỉ hưu vào năm 2014. (Nld.com.vn 02/11, K.Nam)Về đầu trang

Loạt cán bộ ở Cần Thơ bị đề nghị truy tố

Công an TP. Cần Thơ vừa có kết luận điều tra, đề nghị truy tố 5 bị can nguyên là cán bộ, nhân viên Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VP ĐKQSDĐ), nay là Văn phòng đăng ký đất đai (VP ĐKĐĐ) quận Bình Thuỷ về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

 Năm bị can bị đề nghị truy tố gồm: Lê Văn Vũ (SN 1976, Trưởng phòng, sau đó là Phó Phòng TN&MT quận Bình Thuỷ); Huỳnh Trung Thanh (SN 1967, Quyền Giám đốc VP ĐKQSDĐ, sau này là Phó Giám đốc Chi nhánh VP ĐKĐĐ Bình Thuỷ); Lê Văn Trứ (SN 1984, Phó Giám đốc VP ĐKQSDĐ quận Bình Thủy); Lê Hồng Khánh (SN 1982, chuyên viên Phòng TN&MT) và Trần Tuấn Anh (SN 1986, nhân viên hợp đồng VP ĐKQSDĐ quận Bình Thủy).

 Theo kết luận điều tra, năm 2017, Thanh tra TP. Cần Thơ tiến hành thanh tra đối với dự án đường nối Cách Mạng Tháng Tám đến đường tỉnh 918 và dự án Khu đô thị mới Võ Văn Kiệt. Kết quả thanh tra phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan khi triển khai 2 dự án này như: Điều chỉnh loại đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định, dẫn đến hình thành đường dây chuyên tách thửa, phân lô bán nền, xây nhà không phép, sai phép; Tình trạng san lấp kênh rạch, lấn chiếm đất, hình thành nhiều khu dân cư tự phát có hạ tầng kém. Những vi phạm này tập trung chủ yếu tại địa bàn phường Long Hòa.

 Tháng 2/2018, Thanh tra TP. Cần Thơ chuyển hồ sơ sai phạm cho cơ quan điều tra thụ lý. Cơ quan điều tra Công an TP Cần Thơ sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can nêu trên về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

 Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng 33 thửa đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch của quận Bình Thủy.

 Cơ quan điều tra cũng nhận định, việc ông Tuấn ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng, sau đó cấp giấy phép xây dựng là chưa làm hết trách nhiệm, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, gây thiệt hại cho Nhà nước khi thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

 Tuy nhiên, do thời gian điều tra đã hết, cơ quan điều tra tách nội dung vi phạm này ra để tiếp tục điều tra, làm rõ và xem xét xử lý sau.

 Liên quan sai phạm trong quản lý đất đai tại quận Bình Thủy, năm 2019, UBND TP Cần Thơ từng kỷ luật cảnh cáo ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận và ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy (cả hai sau đó chuyển công tác đi nơi khác). (Tienphong.vn 02/11, Nhật Huy)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More