Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 28-12-2021

Post date: 28/12/2021

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

  1. Việt Nam về đích sớm trong việc bao phủ vắc xin phòng COVID-19. 1
  2. Hà Nội chủ động ngăn ngừa quá tải F0 ở tầng điều trị thứ nhất 2
  3. 8 quận Hà Nội cấm bán hàng ăn uống tại chỗ: Cấm quận này thì sang quận khác. 3
  4. Bình Dương công bố mức phí xét nghiệm mới nhất thấp hơn nhiều so với trước. 4
  5. Sẽ bỏ quy định khách bay từ TP.HCM, Cần Thơ phải test âm tính trong 72 giờ. 4

CÁCH LÀM HAY CHỐNG DỊCH COVID-19. 5

  1. Kon Tum: Mô hình bong bóng trong trường học. 5

VỤ NÂNG KHỐNG GIÁ KIT TEST. 6

  1. Vụ Công ty Việt Á: Đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế và Bộ KH&CN.. 6
  2. Ngoài CDC Hải Dương, Công ty Việt Á còn chi tiền cho những ai?. 7
  3. Kit xét nghiệm của Việt Á: Công ty Dược Quảng Bình được chiết khấu từ 20-25%.. 9
  4. Vụ Việt Á và loạt câu hỏi người dân cần câu trả lời! 9

CHÍNH SÁCH.. 11

  1. Những chính sách kinh tế có hiệu lực từ tháng 1/2022. 11

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP. 13

  1. Chuyên gia lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam.. 13
  2. World Bank hỗ trợ Việt Nam hơn 221 triệu USD.. 14
  3. Ùn tắc cửa khẩu, doanh nghiệp chưa chú trọng thị trường 100 triệu dân. 15

QUẢN LÝ.. 16

  1. Đề nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan các app chống dịch gây lãng phí 16
  2. Sở Xây dựng Quảng Ngãi xin lỗi doanh nghiệp. 17

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 18

  1. Ngành thuế quá xuất sắc! 18
  2. Mới 15/63 tỉnh, thành có quyết định phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước 2022. 19
  3. Một ban ở TP Thanh Hóa chi tiếp khách, ăn sáng vượt định mức hàng tỉ đồng. 20

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 22

  1. Cựu Giám đốc Sở KH&ĐT: Bị cáo Nguyễn Đức Chung như là một "ông trời". 22
  2. Dự án “tai tiếng” ở Thanh Hóa: Nhiều sở, ngành bị gọi tên. 24

THẾ GIỚI 25

  1. Chống dịch hiệu quả, thủ tướng Nhật Bản được tín nhiệm cao. 25
  2. Thuỵ Sĩ: Cố tình nhiễm COVID-19 có thể bị phạt tù 5 năm.. 25

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Việt Nam về đích sớm trong việc bao phủ vắc xin phòng COVID-19

Tính đến 27-12, Việt Nam đã tiêm hơn 144 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 và trở thành 1 trong 63 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới đã bao phủ 2 mũi tiêm chủng vắc xin cho 66% dân số.Việt Nam về đích sớm trong việc bao phủ vắc xin phòng COVID-19

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết tại lễ phát động kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, do Bộ Y tế phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 27-12, với thông điệp "Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ".

Sự kiện này là một trong số các hoạt động nhằm mang đến thông điệp về tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều được tiêm chủng, vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với hoạt động tiêm chủng phòng bệnh nói chung và tiêm chủng phòng COVID-19, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ.

Đến nay, Việt Nam nằm ở vị trí 52 trong tổng số 63 quốc gia/vùng lãnh thổ đã thực hiện được mục tiêu tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 66% dân số. Tỉ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới - WHO đề ra đến hết năm 2021: 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Tính về số liều vắc xin đã được tiêm thì Việt Nam xếp thứ 8 trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Pakistan, Đức. Trong số 8 nước này mới chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Việt Nam đạt được mục tiêu bao phủ 2 mũi vắc xin cho gần 70% dân số.

Đầu quý 2-2021, dự báo lạc quan nhất của Tổ chức Y tế thế giới cho rằng sau ít nhất 1 năm, tức tháng 4-2022 Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu bao phủ vắc xin cho người dân. Tuy nhiên, với những nỗ lực trong việc tiếp cận nguồn vắc xin, thực hiện chiến dịch tiêm chủng và sự hưởng ứng của người dân, Việt Nam đã về đích sớm.

Việc tiêm đủ liều vắc xin cơ bản phòng COVID-9 đang giúp tỉ lệ tử vong do COVID-19 tại Việt Nam ở mức thấp, chiếm 1,9% ca bệnh. (Tuoitre.vn 27/12, Dương Liễu)Về đầu trang

Hà Nội chủ động ngăn ngừa quá tải F0 ở tầng điều trị thứ nhất

Các địa phương tại Hà Nội đang tăng cường phòng chống dịch COVID-19, chủ động ngăn ngừa quá tải F0 ở tầng điều trị thứ nhất.

Tại Hà Nội, 1 tuần qua liên tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 ở mức cao nhất cả nước. Tuy nhiên, theo báo cáo, tỷ lệ F0 thể nhẹ vẫn chiếm đa số. Điều này đồng nghĩa, các địa phương sẽ phải tăng cường công tác thu dung, chăm sóc, điều trị cho các ca mắc COVID-19 ở tầng 1, tránh tạo gánh nặng tới các tầng điều trị tiếp theo.

130 bệnh nhân đang được chăm sóc tại trạm y tế lưu động điều trị cho F0 thể nhẹ trên địa bàn huyện Mê Linh. Mặc dù các trạm vẫn đang đáp ứng được nhu cầu điều trị, tuy nhiên tình hình dịch ở Thủ đô những ngày này vô cùng căng thẳng, nhiều khả năng thời gian tới, số ca nhiễm sẽ còn tăng nhanh. UBND huyện Mê Linh đã chủ động thiết lập thêm các trạm y tế lưu động đặt tại các nhà văn hóa, với sức chứa khoảng 300 F0 thể nhẹ; đồng thời bố trí nhân lực tương ứng để bảo đảm cho công tác thu dung.

Tại quận Hoàn Kiếm, một trong những địa bàn liên tục ghi nhận số ca mắc tăng nhanh trong những ngày qua, để phòng chống dịch, các lực lượng đang phải hoạt động xuyên đêm để thiết lập thêm các trạm y tế lưu động.

Với mô hình tháp điều trị 3 tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trạm y tế lưu động sẽ tiếp nhận các F0 thể nhẹ, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Việc bảo đảm tầng 1 không bị quá tải sẽ giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế ở tầng 2, tầng 3, mang lại cơ hội điều trị cho những F0 trở nặng. Tuy nhiên, đây vẫn là thách thức không nhỏ đối với tuyến cơ sở; cần có sự hỗ trợ của chính người dân địa phương.

Hà Nội từng lên phương án ứng phó với 100.000 ca mắc. Đến nay, tổng số ca mắc đã xấp xỉ 40.000 ca. Nếu đà tăng này tiếp tục duy trì trong những ngày tới, con số 100.000 ca mắc không còn quá xa. Việc chủ động ứng phó với kịch bản xấu từ bây giờ không còn quá sớm. (VTV.vn 27/12)Về đầu trang

8 quận Hà Nội cấm bán hàng ăn uống tại chỗ: Cấm quận này thì sang quận khác

Chuyên gia ngành y tế cho rằng, việc các quận "vùng cam" Hà Nội yêu cầu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng mang về là vô tác dụng, không đem lại hiệu quả cho công tác phòng chống dịch.

Nhận định này được PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ với PV Dân trí sau khi 8 quận "vùng cam" ở Hà Nội lần lượt yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21h hằng ngày.

Trong khi đó, chính quyền sở tại ở 22 quận, huyện, thị xã còn lại của Hà Nội vẫn đang tiếp tục cho phép chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát phục vụ khách hàng tại chỗ.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, việc cấm bán hàng ăn uống tại chỗ theo địa giới hành chính sẽ nảy sinh thực trạng người dân tìm đến các vùng chưa bị cấm để sử dụng dịch vụ, càng có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh sang các địa bàn khác.

"Việc cấm theo địa giới hành chính thế này sẽ không có tác dụng, bởi vì cấm phường này thì người dân vẫn có thể đi sang phường khác, cấm ở quận này thì họ đi sang quận khác và dịch vẫn có nguy cơ lây lan" - ông Nga nhận định.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết, lĩnh vực y học thì làm việc trên bằng chứng dịch tễ học. Vì vậy, Hà Nội cần nghiên cứu về các ổ dịch đã bùng phát do ăn uống tại hàng quán, từ đó chứng minh, truyền thông để người dân biết và nâng cao ý thức phòng dịch, hạn chế tập trung đông người.

"Tôi thì chưa thấy có nghiên cứu khoa học nào chứng minh dịch lây lan trong nhà hàng ăn uống, cũng chưa thấy công bố tài liệu nghiên cứu về vấn đề này. Người dân đi ăn uống cũng giống như đi siêu thị, thậm chí khi đi ăn uống tại các nhà hàng lịch sự, quán cơm, quán phở bình thường còn an toàn hơn vì đều là người quen, lại không ngồi lâu nói chuyện với nhau. Riêng quán bar, quán bia, quán karaoke thì chưa nên cho phép hoạt động trở lại vì không gian kín, nguy cơ lây nhiễm cao" - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay.

Đặc biệt, ông Nga cho rằng, việc cấm bán hàng ăn uống tại chỗ sẽ xảy ra hệ lụy ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân khi mua thức ăn nóng đựng trong các hộp nhựa không được kiểm soát chất lượng. Bởi lẽ, khi sử dụng để đựng đồ nóng, các hộp nhựa sẽ giải phóng ra chất độc gây tổn hại cho sức khỏe; về lâu dài sẽ gây ra bệnh vô sinh, ung thư cho người dân.

Cùng chung quan điểm này, một lãnh đạo phòng y tế (đề nghị giấu tên) cấp quận ở Hà Nội bày tỏ, virus không phân biệt và tuân theo địa giới hành chính; trong khi đó, địa giới hành chính các phường có chỗ đan xen lẫn nhau.

Vì vậy, vị lãnh đạo này cho rằng việc phòng, chống dịch theo địa giới hành chính cần căn cứ thêm nhiều yếu tố khác để đem lại hiệu quả cao hơn.

"Ví dụ có 2 quận nằm cùng trên một trục đường, khi một quận cấm, một quận chưa cấm thì người dân sẵn sàng sang quận chưa cấm để ăn uống, sử dụng dịch vụ tại chỗ. Lúc này, việc chống dịch theo địa giới hành chính cấp quận sẽ không đem lại hiệu quả" - vị này bày tỏ. (Dantri.com.vn 27/12, Nguyễn Trường - Nguyễn Dương) Về đầu trang

Bình Dương công bố mức phí xét nghiệm mới nhất thấp hơn nhiều so với trước

Ngày 25/12, HĐND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Nghị quyết số 21 quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo đó, xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh, giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương theo quy định cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Mức thanh toán tối đa không quá 109.700 đồng/xét nghiệm.

Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động, giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương theo quy định cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Mức thanh toán tối đa không quá 186.600 đồng/xét nghiệm.

Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, trường hợp mẫu đơn, giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Mức thanh toán tối đa không quá 518.400 đồng/xét nghiệm.

Mức giá phí xét nghiệm mới này thấp hơn nhiều so với trước. Trước đó, mức phí xét nghiệm test nhanh với giá cao nhất đến 400 nghìn đồng/xét nghiệm; 1,7 triệu đồng/xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR. (Tienphong.vn 27/12, Hương Chi)Về đầu trang

Sẽ bỏ quy định khách bay từ TP.HCM, Cần Thơ phải test âm tính trong 72 giờ

Bộ GTVT đang xem xét ban hành quyết định hướng dẫn bay nội địa tạm thời nhằm sửa đổi, bổ sung các điều khoản tại Quyết định 1840/QĐ-BGTVT ngày 20.10 của Bộ GTVT.

Theo đó, trường hợp hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4, hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp 4, hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR, hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ, thì phải thực hiện khai báo y tế theo quy định; sử dụng ứng dụng PC-Covid; chịu trách nhiệm tính trung thực của các thông tin khai báo.

Đặc biệt, hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác…

Trước đó, theo Quyết định 1840, hành khách ở vùng dịch cấp 4, hoặc vùng cách ly y tế (phong toả), hoặc hành khách bay từ Tân Sơn Nhất, Cần Thơ phải có xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay.

Như vậy, theo dự kiến nêu trên, hành khách bay từ TP.HCM và Cần Thơ sẽ không cần xét nghiệm âm tính trong 72 giờ khi đi máy bay.

Bộ GTVT cũng dự kiến giao Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, diễn biến dịch bệnh tại các địa phương và trên toàn quốc để đề xuất, báo cáo Bộ điều chỉnh tần suất trên các đường bay trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán năm 2022 (nếu cần thiết) trước ngày 13.1.2022.

Trường hợp điều chỉnh kế hoạch khai thác, Bộ GTVT sẽ ban hành quyết định điều chỉnh bổ sung hoặc văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. (Thanhnien.vn 27/12, Mai Hà) Về đầu trang

CÁCH LÀM HAY CHỐNG DỊCH COVID-19

Kon Tum: Mô hình bong bóng trong trường học

Từ đầu tháng 11/2021 đến nay, để thích ứng với tình hình dịch bệnh, Trường Mầm non THSP Kon Tum đã tổ chức dạy học theo mô hình bong bóng. Qua đó, bảo an toàn phòng dịch Covid-19, hạn chế lây nhiễm chéo trong trường học.

Mô hình bong bóng được hiểu là mỗi lớp học là một bong bóng tách biệt. Thực hiện mô hình này, tại Trường Mầm non THSP Kon Tum, mỗi ngày, từ cổng trường, phụ huynh sẽ được hướng dẫn đưa con em đến đúng khu vực quy định; học sinh các nhóm/lớp đều được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, phân luồng theo lối đi riêng vào từng lớp học. Đồng thời, việc trả trẻ cũng chia theo khung giờ khác nhau. Quy trình từ cổng trường vào lớp học gần như được khép kín, hạn chế ít nhất sự tiếp xúc giữa phụ huynh, giáo viên và học sinh các lớp.

Cơ sở vật chất như nhà vệ sinh, khu vực ăn được trang bị khép kín là cơ sở thuận lợi để nhà trường xây dựng mỗi lớp học là một bong bóng khép kín. Theo đó, hoạt động dạy học, vui chơi tại mỗi lớp học chỉ có sự tham gia của cô giáo và học sinh lớp đó. Nhân viên cấp dưỡng không vào lớp học, chuyển nước uống, thức ăn đến cửa lớp. Tuy nhiên, trẻ mầm non nhỏ tuổi nên đội ngũ giáo viên vừa chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, vừa phải đảm bảo phòng, chống dịch bệnh nên cũng khá vất vả. Dù vậy, đây là thời điểm phát huy tinh thần nỗ lực vượt qua khó khăn của giáo viên để cùng nhà trường thực hiện tốt mô hình bong bóng, đảm bảo chất lượng dạy và học.

Cô Võ Thị Thương cho biết: “Khi thực hiện mô hình bong bóng thì công việc của giáo viên có vất vả hơn một chút nhưng mà để đảm bảo an toàn cho các con cũng như là đảm bảo quá trình giảng dạy thì việc thực hiện mô hình bong bóng này luôn được các cô tuân thủ nguyên tắc và vui vẻ trong quá trình thực hiện mô hình”.

Không chỉ khép kín trong không gian lớp học, hoạt động trải nghiệm vui chơi ngoài sân trường cũng được triển khai trong điều kiện tách biệt mỗi lớp một khu vực.

Cô giáo Châu Thị Bông, Hiệu trưởng Trường Mầm non THSP Kon Tum cho biết: “Phương án dạy bong bóng này nhà trường đã tham khảo các trường học ở trong nước và họ đã thực hiện thì qua nghiên cứu mô hình này nhà trường thấy thực hiện phòng, chống dịch đem lại hiệu quả. Giống như một bong bóng vì một lớp khoanh riêng, nó gói gọn như một quả bóng ở trong đó, tất các hoạt động của lớp là tách bạch”. (Kontumtv.vn 27/12, Cát Tiên – Văn Hiển) Về đầu trang

VỤ NÂNG KHỐNG GIÁ KIT TEST

Vụ Công ty Việt Á: Đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế và Bộ KH&CN

Sáng 27/12, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 11 (khóa IX) theo hình thức trực tuyến. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào báo cáo kết quả công tác năm, trong đó có công tác giám sát, phản biện xã hội.

Đề cập đến các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí bức xúc tiếp tục xảy ra trong thời gian gần đây, ông Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đề nghị báo tổng hợp tình hình nhân dân 2021 cần cập nhật những vấn đề đang được người dân quan tâm.

“Những vụ việc mà người ta lấy cả nỗi đau, cái chết con người để làm phương tiện tham nhũng xảy ra tại các nơi như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội cần được đưa vào”, ông Trình nói.

Đặc biệt, ông Trình nhấn mạnh đến tình trạng tham nhũng trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 xảy ra ở CDC Hà Nội, nhất là vụ việc thổi giá kit xét nghiệm xảy ra ở Công ty Việt Á và hàng loạt bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố có liên quan.

“Vụ việc này đang làm cho nhân dân hoang mang lo lắng, mất niềm tin. Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước làm rõ vi phạm trong vụ việc xảy ra ở Công ty Việt Á, đến mức phải xử lý theo quy định pháp luật thì phải xử lý nghiêm”, ông Trình nói.

Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong vụ việc Việt Á, ông Trình đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế thế nào trước sản xuất, việc nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 để trục lợi.

Cùng chung quan điểm, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, vi phạm của Công ty Việt Á là vụ liên quan đến toàn dân, liên quan đến tiền của nhân dân, sức khoẻ của nhân dân, liên quan đến mối quan hệ các cấp và cả lòng tin.

Đây là sự lừa đảo nhân dân, lừa đảo ngay trong cơ quan nhà nước cũng có. Vì thế cần đưa nội dung này vào trong báo cáo về tình hình nhân dân. Người dân phản ứng hết sức dữ dội, quá nhiều thông tin liên quan đến vụ việc này cần làm rõ”, ông Truyền đề nghị.

Trước ý kiến trên, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, đã giao cho bộ phận chuyên môn tiếp tục bám sát, theo dõi vụ việc để góp phần bảo vệ quyền lợi của nhân dân và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Theo ông Nguyễn Túc, uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam, trong hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ không cần làm nhiều mà nên tập trung chọn 1- 2 vụ trọng điểm và làm đến nơi đến chốn, đến tận nơi để "giám sát, phản biện thực sự ra vấn đề, tạo tiếng vang, tạo sự tin cậy đối với nhân dân". (Tienphong.vn 27/12, Văn Kiên) Về đầu trang

Ngoài CDC Hải Dương, Công ty Việt Á còn chi tiền cho những ai?

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit test Covid cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng.

Theo tài liệu điều tra bước đầu, từ tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kít xét nghiệm Covid. Đến nay, công ty đã cung ứng kít test Covid-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.

Ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, khai, Công ty chủ động cung ứng sản phẩm cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, Công ty Việt Á thông đồng với lãnh đạo các đơn vị nhận cung ứng để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu. Hình thức chỉ định thầu được sử dụng bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do công ty này đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Ông Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kít; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. Bước đầu xác định, ông Việt chi ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến gần 30 tỷ đồng.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an cho biết, ngày 10/12, C03 Bộ Công an tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Thừa Thiên-Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An và triệu tập ghi lời khai trên 30 đối tượng có liên quan.

Tại Nghệ An, xác nhận với VietNamNet, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này cho biết, lực lượng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đã triệu tập 11 người ra Hà Nội làm việc vào đêm 22/12, trong đó có tám cán bộ ở CDC Nghệ An và 3 người khác liên quan. Được biết, ngoài ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An, còn có kế toán, thủ quỹ, cán bộ ở phòng kế hoạch, tổ đấu thầu.

Được biết, CDC Nghệ An mua sinh phẩm, vật tư của Công ty Việt Á theo bốn gói thầu, trong đó hai gói được đấu thầu rộng rãi, hai gói chỉ định thầu trị giá hơn 18 tỷ đồng. Gói chỉ định thầu đầu tiên là ngày 15/7, khi diễn biến dịch ở Nghệ An đang hết sức phức tạp, phải khẩn trương xét nghiệm trên diện rộng. Gói chỉ định thầu còn lại là vào ngày 31/10, với tổng trị giá hơn 13 tỷ đồng.  Bình quân CDC Nghệ An mua của Công ty Việt Á là 367.500 đồng/bộ test PCR. Ở thời điểm mua cao nhất là 470.000 đồng/bộ.

Tại Hà Tĩnh, Công ty Việt Á trúng gói thầu mua sắm kit test và sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 ở hai đơn vị gồm Bệnh viện đa khoa và CDC tỉnh này. Trong đó, Công ty Việt Á trúng hai gói thầu tại bệnh viện gồm một gói hơn 500 triệu đồng và một gói gần 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, gói thầu gần 5 tỷ đồng chưa ký hợp đồng mua bán thì xảy ra sự việc ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á bị khởi tố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu xác nhận, đã thành lập đoàn thanh tra toàn diện, liên quan đến gói thầu mua sắm test nhanh, sinh phẩm, vật tư tiêu hao phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19.

Đoàn thanh tra tỉnh sẽ thanh tra, kiểm tra hai đơn vị là bệnh viện đa khoa tỉnh và CDC tỉnh Hà tĩnh liên quan đến gói thầu mua sắm với Công ty Việt Á.

Tại Thanh Hóa, Sở Y tế tỉnh này thông tin, tháng 8/2021 Sở trình UBND tỉnh cho phép mua vật tư, sinh phẩm, hóa chất phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó có sinh phẩm xét nghiệm Real-time RT-PCR. Trên cơ sở quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu 01: Mua sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm Real-time RT-PCR với giá trúng thầu hơn 28 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2021.

Sở Y tế Thanh Hóa xác nhận, gói thầu số 01 nêu trên được chỉ định thầu với Công ty CP Công Nghệ Việt Á, giá trị hơn 28 tỷ đồng.

Còn tại tỉnh Long An, sau khi C03 Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan Công ty Việt Á, UBND tỉnh này đã yêu cầu thanh tra, kiểm tra về mua sắm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phòng dịch.

Sở Y tế Long An bước đầu xác định có một số đơn vị đã mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á. Hiện Sở Y tế  đã có văn bản gửi CDC tỉnh và các đơn vị trực thuộc khác yêu cầu khẩn trương rà soát lại tất cả các hồ sơ liên quan đến việc đầu tư, mua sắm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị không dùng kit test Covid của Công ty Việt Á. Năm 2020, CDC Hà Nội được nhận một số bộ kit test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất từ các nhà tài trợ thông qua Mặt trận Tổ quốc Thành phố.

Còn đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, liên quan đến vụ việc Bộ Công an đang điều tra, qua rà soát, TP có 2 bệnh viện công lập mua sắm các test kit, sinh phẩm của công ty Việt Á. Cụ thể, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mua 1.250 test (tổng số tiền là 636.562.500 đồng), Bệnh viện TP Thủ Đức mua 65.870 test (tổng giá trị 32.022.967.500 đồng). Cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ các thông tin liên quan. (Vietnamnet.vn 27/12, Hà An)Về đầu trang

Kit xét nghiệm của Việt Á: Công ty Dược Quảng Bình được chiết khấu từ 20-25%

Ngày 26.12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình cho biết, toàn bộ 29.000 kit xét nghiệm COVID-19 của công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đều được nhập thông qua công ty Cổ phần Dược phẩm Quảng Bình.

Theo ông Đỗ Quốc Tiệp - Giám đốc CDC Quảng Bình, giá mua kit theo đúng giá quy định, theo từng giai đoạn được công bố trên cổng thông tin của Bộ Y tế.

Cụ thể, mức giá này được chia thành 3 giai đoạn, giai đoạn đầu 509.000 đồng/kit xét nghiệm; giai đoạn 2 là 470.000 đồng/kit xét nghiệm; giai đoạn 3 367.000 đồng/kit xét nghiệm. Toàn bộ 29.000 kit test giá khoảng 13 tỉ đồng, được CDC Quảng Bình chia làm 8 gói thầu.

Liên quan đến vấn đề trên, Công ty Cổ phần Dược phẩm Quảng Bình cho biết, từ tháng 7.2020 đến nay, công ty là đơn vị đầu mối nhập kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á thông qua Công ty Cổ phần Thiết bị y tế và dược phẩm Thừa Thiên - Huế.

Sau đó, Công ty Cổ phần Dược phẩm Quảng Bình đã tham gia đấu thầu, phân phối lại cho CDC Quảng Bình và một số bệnh viện khác trên địa bàn.

Theo ông Phan Văn Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Quảng Bình, khi mua các sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Công ty Cổ  phần Dược phẩm Quảng Bình được đối tác chiết khấu từ 20-25%. Tuy nhiên không trả bằng tiền mặt mà trả bằng sản phẩm kit xét nghiệm, dưới hình thức tặng thêm.

“Chúng tôi là doanh nghiệp, việc chiết khấu khi mua hàng là rất bình thường. Chúng tôi sử dụng số hàng này để hạ giá và cạnh tranh cũng là chuyện hết sức bình thường khi đưa ra thị trường; số kit test tặng đó đã ghi rõ trên hóa đơn là hàng tặng thì đã chia vào giá thành, bán đúng giá và thấp hơn để cạnh tranh” - ông Ngọc nói.

Theo ông Ngọc, việc đưa số hàng này vào để hạ giá thành và cạnh tranh đã được hạch toán cụ thể vào sổ sách của công ty, hoàn toàn không có tư lợi cá nhân.

Khi về bán lại cho CDC tỉnh Quảng Bình và các bệnh viện, Công ty Dược phẩm Quảng Bình cũng bán đúng giá đã mua.

Liên quan đến vấn đề trên, nguồn tin của báo Lao Động cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an đã thu thập hồ sơ để làm rõ việc nhập kit xét nghiệm COVID-19 liên quan đến Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á. (Laodong.vn 27/12, Lê Phi Long)Về đầu trang

Vụ Việt Á và loạt câu hỏi người dân cần câu trả lời!

Các bên liên quan, từ Học viện Quân Y, Bộ Y tế, Bộ Khoa học & Công nghệ… đều cần lên tiếng, phải lên tiếng và giải thích rõ. Người dân có quyền "yêu cầu", chứ không chỉ là "đề nghị"!

440.000 đồng là mức giá mà đại biểu tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho biết, ông đã phải trả khi xét nghiệm tại "vỉa hè" của Sân bay Tân Sơn Nhất khi đi họp Quốc hội hồi tháng 10-11 vừa qua. Không nói rõ nhưng tôi đoán đây là giá test nhanh.

Còn theo phản ánh của báo chí thì phí xét nghiệm tại nhiều nơi niêm yết một đằng, thu một nẻo, giá chi thực tế cũng chẳng thua gì giá "vỉa hè" như vị đại biểu Đồng Tháp nêu.

Một người bạn của tôi gần đây khi đi test Covid-19 đã "kêu khóc" với tôi vì phí đắt đỏ quá. Bạn tôi là doanh nhân, đi xe Lexus, đương nhiên là chẳng phải không có tiền trả phí, còn bất bình như vậy, thử hỏi số đông chúng ta sẽ cảm thấy "xót ví" đến thế nào (!!).

Nhưng rồi ai cũng sẽ "chậc lưỡi" cả thôi, vì để cho "được việc" (giờ đi đâu cũng phải có giấy chứng nhận, đi đâu chẳng phải test!).

Khi mà khắp nơi dư luận sục sôi về vụ bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á vỡ lở chuyện "lại quả", "hoa hồng" lên tới hàng chục tỷ đồng, điều mà tôi thật sự quan tâm là, rốt cuộc chất lượng bộ kit đó thế nào? Nó có dùng được không, có hiệu quả không, có phát hiện được virus không?

Nói thật, với một người dân bình thường không có trình độ về hóa sinh như tôi, khi nghe tin kit test của Việt Á bị WHO tuyên bố là "không được chấp thuận" vì chưa đạt được một số tiêu chuẩn, đã không khỏi hoang mang. WHO không chấp nhận vậy sao Bộ Y tế chấp nhận?

Đây là bộ kit test do Học viện Quân y phối hợp với doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất. Trong thông tin mà Bộ KH&CN vừa công bố, Bộ này khẳng định, bộ kit xét nghiệm có hàm lượng khoa học cao, cũng như tính ứng dụng thực tiễn thể hiện bằng những chứng nhận, bao gồm Quyết định cấp phép lưu hành của Bộ Y tế Việt Nam (số 774/QĐ-BYT ngày 04/3/2020; số 5071/QĐ-BYT ngày 04/12/2020); Giấy chứng nhận kiểm nghiệm trang thiết bị y tế chẩn đoán in-vitro số 1160/VSDTTƯ -NCYS ngày 18/8/2020.

Ngoài ra, kit test của Việt Á cũng được Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sinh phẩm (20/4/2020).

Một đại diện của Bộ KH&CN thừa nhận rằng Bộ có thể đã chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á. "WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng" không phải "chấp thuận sử dụng". "Đây là sơ suất của Bộ KH&CN", đại diện này bày tỏ. Vậy thì sơ suất này là sơ suất gì (chả lẽ dịch thuật sai chăng?), có để lại hậu quả nghiêm trọng không, có vô tình hay cố ý?

Rốt cuộc là một bộ kit không được WHO chấp nhận nhưng vì sao vẫn được nhiều cơ quan chấp nhận và đưa ra thị trường? Hay nói cách khác, việc không được WHO chấp nhận có đồng nghĩa đó là "kit dởm" hay không? Yếu tố nào còn thiếu sót khiến WHO không chấp nhận bộ kit trên? Quan trọng nhất chính là việc sản phẩm đã đưa ra thị trường sử dụng vậy thì sử dụng ở những đâu, chất lượng thực tế thế nào?

Những câu hỏi này, Học viện Quân Y, Bộ Y tế và Bộ KH&CN đều phải trả lời rõ, trả lời đúng trọng tâm và trọng điểm. Bởi, điều này không chỉ liên quan đến danh dự của chính các nhà khoa học, đến danh dự của Học viện và những cơ quan nói trên, liên quan đến kỳ vọng về "make in Vietnam" mà còn để trả lời, hàng thật hay hàng "dởm"?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an mở rộng vụ án. Tôi tin rồi thì "trùm đầu", "trùm cuối" hay các thế lực "chống lưng" nào đó nếu có rồi cũng sẽ lộ diện cả thôi.

Vấn đề là người dân cần thông tin và sự khẳng định về chất lượng của chẳng phải riêng bộ kit của Việt Á mà còn là của những bộ kit khác đang được sử dụng! Cần xem lại cơ chế, đã là thị trường thì vì sao doanh nghiệp phải "gửi giá"? Đã kiểm soát, đã niêm yết thì vì đâu vẫn còn "đội giá"?

Người dân có quyền được biết. Những cán bộ tham gia chống dịch cũng có quyền được biết. Cả hệ thống đã rất vất vả rồi! (Dantri.com.vn 27/12, Bích Diệp)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH

Những chính sách kinh tế có hiệu lực từ tháng 1/2022

Từ 1/1/2022, người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online; Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng; Quy định mới về kinh doanh xăng dầu… là một những chính sách về kinh tế đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 1/2022.

Từ 1/1/2022, người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online: Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; trong đó, bổ sung quy định: Tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng: Theo Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ban hành ngày 10/12/2021 của Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) phải thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Quy định mới về kinh doanh xăng dầu: Bộ Công Thương vừa bổ sung một số quy định mới trong kinh doanh xăng dầu như quy định về điều hành giá xăng dầu; về thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ và đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hàng năm. Đây là các quy định mới tại Thông tư 17/2021/TT-BCT ban hành ngày 15/11/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 2/1/2022.

Sửa đổi, bổ sung quy định giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt: Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 19/2021/TT-NHNN ngày 24/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 8/1/2022.

Sửa quy định về vé sử dụng đường bộ: Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2022.

Quy định mới về quản lý, bảo trì công trình hàng không: Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 24/2021/TT-BGTVT ngày 22/11/2021 quy định về quản lý, bảo trì công trình hàng không thay thế Thông tư số 48/2016/TT-BGTVT. Thông tư nêu rõ, công trình hàng không sau khi đưa vào khai thác sử dụng phải được quản lý, khai thác và bảo trì theo quy định. Thời gian thực hiện quản lý và bảo trì được tính từ ngày nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2022.

Quy định mới về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay: Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 29/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay. Theo Thông tư quy định, người khai thác cảng hàng không, sân bay phải cung cấp dịch vụ xe dẫn tàu bay yêu cầu của người khai thác tàu bay. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2022.

Hướng dẫn về lương, thưởng cho Ban kiểm soát tại công ty TNHH MTV Nhà nước: Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 105/2021/TT-BTC ngày 25/11/2021 hướng dẫn việc trích lập, quản lý tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2022.

Sửa đổi hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội: Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 20/2021/TT-NHNN ngày 30/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 6 Thông tư số 25/2015/TT-NHNN về mức cho vay như sau: Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/1/2022.

Sửa quy định thủ tục kiểm dịch thực vật xuất, nhập khẩu: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 15/2021/TT-BNNPTNT ngày 6/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2014/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2021 quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật. Thông tư sửa đổi, bổ sung Khoản 3 (kiểm tra vật thể) Điều 7 trình tự thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/1/2022.

Thêm cửa khẩu được nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ: Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BCT ngày 10/12/2021 quy định cửa khẩu nhập khẩu đối với ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi. Theo đó, ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển: Quảng Ninh (Cái Lân), Hải Phòng, Thanh Hóa (Nghi Sơn), Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thủ tục nhập khẩu thực hiện theo các quy định pháp luật có liên quan. Thông tư có hiệu lực từ ngày 24/1/2022.

Quy định về kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài: Bộ Tài chính ban hành Thông tư 110/TT-BTC ngày 10/12/2021 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, có hiệu lực thi hành từ ngày 26/1/2022. (TTXVN/Baotintuc.vn 27/12)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Chuyên gia lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia tăng trưởng tốt. Biến động trước mắt do dịch bệnh không làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2021, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư nước ngoài FDI lớn hàng đầu thế giới, theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển.

Trong nhiều tháng qua, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam đều liên tục đưa ra khảo sát cho thấy, gần 80% doanh nghiệp đã đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Lý giải cho những đánh giá tích cực nói trên, báo chí quốc tế và các định chế tài chính lớn đều cho rằng Nghị quyết số 128 của chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" được ban hành tháng 10 vừa qua là chỉ đạo thống nhất, kịp thời và sáng tạo của Việt Nam.

"Nền kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia tăng trưởng tốt trong khi phần lớn các quốc gia khác suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Đó là dấu hiệu của khả năng phục hồi, cho thấy các nền tảng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam là vững chắc. Chính phủ đang làm việc tích cực để ngăn chặn dịch bệnh trong khi vẫn nỗ lực bảo đảm các hoạt động kinh tế", bà Dorsati Mandani, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định.

"Tôi đã rất ngạc nhiên bởi sự phục hồi và mở cửa trở lại này đang diễn ra nhanh chóng như thế nào. Chính quyền ở cả cấp trung ương và địa phương đều tích cực lắng nghe khu vực tư nhân để điều chỉnh các chính sách cho phù hợp", bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam, cho hay.

Ngân hàng Standard Chartered vừa cho biết, trên 40% công ty quốc tế được khảo sát đang tìm hiểu hoạt động sản xuất tại Việt Nam hoặc có kế hoạch đặt trụ sở tại đây trong vòng 5 - 10 năm tới, khẳng định những biến động trước mắt do dịch bệnh không làm ảnh hưởng đến niềm tin dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

"Việt Nam là một trung tâm sản xuất toàn cầu đang phát triển và thu hút nhiều công ty nước ngoài đến đầu tư. Với thế mạnh là lực lượng lao động chất lượng cao sẵn có, chính sách thân thiện với đầu tư trực tiếp nước ngoài và việc gia tăng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do khác nhau giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường chuỗi giá trị trong tất cả các lĩnh vực và tạo việc làm đòi hỏi kỹ năng cao hơn", bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, nhấn mạnh.

"Tôi nghĩ rằng các chính sách chống dịch và phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng vì chúng mang lại những hiệu quả tích cực. Rất nhiều khuyến nghị của chúng tôi đã được xem xét, thực hiện và thực hiện rất nghiêm túc", bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết.

Năm 2021 là năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch COVID-19, tổn thất với kinh tế toàn cầu và Việt Nam là không tránh khỏi. Theo Ngân hàng Thế giới, quá trình đảo ngược để quay lại tăng trưởng GDP 6 - 6,5% sẽ khả thi khi Việt Nam và thế giới kiểm soát tốt dịch bệnh, cải thiện cán cân cung - cầu. (VTV.vn 27/12)Về đầu trang

World Bank hỗ trợ Việt Nam hơn 221 triệu USD

Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa ký hiệp định tín dụng trị giá 221,5 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Khoản tín dụng trị giá 221,5 triệu USD sẽ được giải ngân trực tiếp vào ngân sách, với các điều khoản ưu đãi trong thời hạn 30 năm với thời gian ân hạn là 5 năm. Khoản tín dụng này nhằm khuyến khích cải cách chính sách theo hai trụ cột.

Khoản tín dụng được cung cấp thông qua Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới, chuyên cung cấp các khoản vay ưu đãi dành cho các quốc gia có thu nhập thấp.

"Tôi tin rằng các hành động chính sách được khoản vay này hỗ trợ sẽ không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi ngắn hạn sau cuộc khủng hoảng COVID-19 mà còn mang lại lợi ích về lâu dài cho Việt Nam", Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết.

Theo World Bank, trụ cột thứ nhất hỗ trợ sự phục hồi kinh tế mang tính bao trùm thông qua giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận hỗ trợ tài chính của các nhóm dễ bị tổn thương, thu hẹp khoảng cách giới tại nơi làm việc và thúc đẩy tài chính toàn diện.

Trụ cột thứ hai góp phần vào việc xanh hóa các chính sách thương mại, thúc đẩy chính phủ điện tử và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

World Bank cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái nhanh chóng trong những tháng gần đây để thực hiện những cải cách này. Việc phê duyệt giấy phép triển khai mobile money và mở rộng phạm vi áp dụng hệ thống hóa đơn điện tử ở các tỉnh thành lớn nhất cả nước là những ví dụ điển hình.

Ngân hàng này dự báo, tốc độ cải cách dự kiến ​​sẽ được đẩy nhanh, đây là một phần trong gói phục hồi kinh tế dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận trong tuần tới. (VTV.vn 27/12)Về đầu trang

Ùn tắc cửa khẩu, doanh nghiệp chưa chú trọng thị trường 100 triệu dân

Chiều 26-12, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, đến ngày 25-12-2021, Quảng Ninh còn 1.555 xe, Lạng Sơn 4.204 xe, gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là mặt hàng nông sản (chiếm đến 80% các mặt hàng đặc tính dễ hư hỏng)...

"Thủ tục giao nhận thực hiện chặt chẽ hơn, lái xe Việt Nam không được vào nội địa Trung Quốc. Quy trình kiểm dịch cũng phức tạp hơn", Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng chỉ ra điểm yếu cố hữu là sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất khẩu chính ngạch…

Do vậy, dù đã có nhiều khuyến cáo ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu nhưng các thương nhân vẫn tiếp tục đưa hàng nên ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng các doanh nghiệp chưa chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Theo đó, bộ đã chỉ đạo tăng cường năng lực tiêu thụ ở thị trường nội địa qua các kênh truyền thông như chợ, siêu thị và bằng cả thương mại điện tử. "Sản xuất cái gì phải tính bán cho ai, ở đâu, tuân thủ tín hiệu thị trường" - ông Diên nói.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết trong 1 ngày chỉ thông quan được 88 xe ở 2 cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma, trong khi cửa khẩu Tân Thanh thì chưa mở trở lại, dẫn tới áp lực lớn về nơi đỗ phương tiện, ăn ở, sinh hoạt cho hàng vạn người, cùng các vấn đề an ninh trật tự; rác thải, vệ sinh môi trường...

"Trong 1 tháng qua, hội đàm 50 cuộc các cấp từ huyện, ngành, bản thân tôi đã viết thư trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Tây để đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh trong thông quan hàng hóa", Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nói.

Giải pháp đưa ra, Lạng Sơn đã thông tin trên trang điện tử từng ngày về thời gian, lượng xe thông quan; nhắn tin Zalo với các doanh nghiệp, chủ hàng về xuất nhập khẩu. Nhưng mỗi ngày vẫn có 60 - 70 xe từ các địa phương lên Lạng Sơn.

Do đó, tỉnh này khuyến cáo các doanh nghiệp cần điều tiết, hạn chế đưa hàng hóa xuất khẩu lên biên giới; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh như khử khuẩn xe chở hàng, thường xuyên xét nghiệm cho tài xế, thiết lập vùng an toàn dịch bệnh…

Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho hay trước tình hình trên Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phục hồi sản xuất nhưng vẫn chưa được giải quyết, nên cần phải có giải pháp trước mắt, dài hơi.

Cụ thể, ông Thành yêu cầu các bộ Ngoại giao, Công thương, các cơ quan và địa phương biên giới làm việc, phối hợp chặt chẽ hơn với Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thông quan hàng hóa của cả hai nước đang ùn tắc tại cửa khẩu.

Trong đó ưu tiên cho các hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước và các xe hàng, container hiện đang ùn ứ. "Ví dụ, cũng cửa khẩu đó trong một ngày thông quan 8 tiếng thì bây giờ có thể thông quan 12 tiếng được không?" - ông nêu vấn đề.

Với các địa phương có hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu, cần thông báo về tình hình thông quan, xác định rõ số lượng phương tiện có thể được vận tải hàng hóa và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không ùn tắc tại cửa khẩu.

Phó thủ tướng nêu rõ, phấn đấu để giải phóng sớm nhất lượng xe ùn ứ ở các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn. "Trong thời gian này, các đồng chí được quyền thông báo gửi các địa phương, doanh nghiệp không đưa hàng hóa đến".

Về lâu dài, Bộ Y tế, Hải quan, UBND các tỉnh, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để bàn bạc, hình thành các "vùng xanh", "luồng xanh" an toàn dịch bệnh tại khu vực biên giới.

Bộ Y tế nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình để hình thành "vùng xanh", "luồng xanh", góp phần đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu một cách an toàn.

Các địa phương tổ chức các hội nghị với doanh nghiệp để thông tin kịp thời cho doanh nghiệp, người dân biết để chủ động trong sản xuất, kinh doanh, như tổ chức tiêu thụ hàng hóa tại chỗ, có phương thức bảo quản, đóng gói tại chỗ cho tốt...

Đặc biệt, các địa phương cần hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thị trường, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Ông cũng đề nghị cần tập trung mở rộng thị trường, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Hạn chế tiến tới chấm dứt hoạt động thương mại đường mòn, lối mở. Đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng logistics để bảo quản, quản lý hàng hóa.

Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tích cực thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ trong nước, khai thác triệt để các dư địa của thị trường nội địa rộng lớn với gần 100 triệu dân... (Tuổi trẻ 27/12, N.An)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đề nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan các app chống dịch gây lãng phí

Trả lời tâm tư của ủy viên đoàn chủ tịch liên quan đến Công ty Việt Á, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết đã giao cho bộ phận chuyên môn tiếp tục bám sát, theo dõi vụ việc để góp phần bảo vệ quyền lợi của nhân dân.

Sáng 27-12 tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 11 (khóa IX) bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu tỉnh, thành; thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung chuẩn bị trình Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 6 (dự kiến tổ chức ngày 30-12) và cho ý kiến thống nhất ban hành kết luận của Đoàn chủ tịch về đề án "Tăng cường công tác bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới".

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh 3 nội dung trọng tâm về công tác mặt trận trong năm 2022: nâng cao thực chất chất lượng giám sát, phản biện xã hội; đa dạng hóa cách thức để lắng nghe, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước; tăng cường công tác hiệp thương, phối hợp hành động, tạo nên sức mạnh của hệ thống MTTQ từ trung ương đến địa phương.

Từ điểm cầu TP.HCM, ông Trần Hoàng Thám góp ý hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cần xác định nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực quản lý đất đai và quản lý sử dụng tài sản nhà nước để chủ động khép lại dần những kẽ hở, vấn đề, ngăn chặn kịp thời những sai phạm, đồng thời nhấn mạnh đến hoạt động của Mặt trận trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Từ điểm cầu Huế, ông Lê Bá Trình cho rằng nhân dân đã lấy lại niềm tin với việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, gần đây có nhiều vụ việc tham nhũng, đặc biệt các vụ việc liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19. Nhân dân yêu cầu nếu có vi phạm, cá nhân liên quan cần được xử lý nghiêm minh.

"Vừa qua, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực y tế, trong lĩnh vực liên quan đến phòng chống COVID-19, ví dụ như vụ tiêu cực ở Công ty Việt Á thổi giá kit xét nghiệm, nhân dân đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ KH-CN, Bộ Y tế, CDC các tỉnh, thành… phải làm rõ và xử lý thật nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Cần làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi tham mưu làm ra hàng chục phần mềm, app chống dịch gây lãng phí, hiệu quả sử dụng không cao", ông Lê Bá Trình gợi mở.

Cũng nêu ý kiến về vụ việc trên, ông Lê Truyền cho rằng vụ việc kit xét nghiệm của Công ty Việt Á hay những lùm xùm về từ thiện đã ảnh hưởng tới lòng tin của người dân. Trong báo cáo tình hình nhân dân của Mặt trận cần nhấn mạnh đến vấn đề này và có những phản ứng để ổn định dư luận xã hội.

Trả lời những tâm tư của ủy viên Đoàn chủ tịch liên quan tới vụ việc của Công ty Việt Á, chủ tịch Đỗ Văn Chiến hoan nghênh cơ quan điều tra đã sớm vào cuộc điều tra xử lý nghiêm minh, đồng thời cho biết ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã giao cho bộ phận chuyên môn tiếp tục bám sát, theo dõi vụ việc để góp phần bảo vệ quyền lợi của nhân dân và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. (Tienphong.vn 27/12, Hà Thanh)Về đầu trang

Sở Xây dựng Quảng Ngãi xin lỗi doanh nghiệp

Chiều 25-12, ông Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sở vừa có văn bản xin lỗi gửi Công ty TNHH xây dựng Đồng Khánh vì trễ hẹn trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Trước đó, quầy tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Sở Xây dựng tại Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận hồ sở của Công ty Đồng Khánh yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính. Đúng hẹn, Công ty Đồng Khánh sẽ nhận kết quả giải quyết hồ sơ vào ngày 21-12-2021.

Để giải quyết hồ sơ, Sở Xây dựng đã gửi văn bản lấy ý kiến của các sở liên quan theo quy định. Tuy nhiên, các sở chưa có văn bản trả lời dẫn đến việc Sở Xây dựng chưa thể giải quyết hồ sơ theo đúng thời hạn.

“Sở Xây dựng chân thành xin lỗi và mong nhận được sự thông cảm của quý công ty vì sự chậm trễ nêu trên. Xin được hẹn trả kết quả giải quyết hồ sơ cho quý công ty vào ngày 31-12”, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Công Hoàng thông tin, theo quy định hồ sơ của doanh nghiệp phải được trả đúng hẹn. Tuy nhiên, quá trình giải quyết hồ sơ gặp vướng mắc nên chưa giải quyết xong.

“Mặc dù việc chậm trễ vì lý do khách quan, không phải trực tiếp của Sở Xây dựng nhưng sở trả hồ sơ chậm nên phải xin lỗi để doanh nghiệp cảm thông, chia sẻ”, ông Hoàng nói. (Plo.vn 26/12, Thanh Nhật)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Ngành thuế quá xuất sắc!

Kết quả tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý đến nay hoàn thành vượt dự toán trên 177.000 tỉ đồng (trên 7 tỉ USD). 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.

Một loạt địa phương phải giãn cách xã hội thời gian dài, sản xuất kinh doanh vô cùng khó khăn nhưng ngành thuế vẫn hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021, nhiều doanh nghiệp đánh giá "quá xuất sắc". Để tổng số thu đạt trên 1,5 triệu tỉ đồng, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ngành thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ nhiều chính sách tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với người nộp thuế.

Tính đến cuối tháng 11, cơ quan thuế đã miễn, giảm 3.500 tỉ đồng tiền thuê đất cho doanh nghiệp; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, miễn thuế thu nhập cá nhân cho hộ và cá nhân kinh doanh với tổng số tiền 19.700 tỉ đồng...

Tuy nhiên, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặt vấn đề "nếu chính sách miễn, giảm thuế thu nhập thì kinh doanh có lãi đâu mà được hưởng lợi". Ông cũng đánh giá: "Bộ Tài chính chưa tích cực lắm... Các anh ấy nói thế giới không làm thế nhưng ý kiến Ngân hàng Thế giới là có. Chúng tôi đã đưa tài liệu cho Bộ Tài chính rồi nhưng các đồng chí nói Việt Nam không làm được".

Năm 2022, khó khăn vẫn còn đó. Theo ông Hồ Đức Phớc, "gói kích cầu miễn, giảm thuế năm 2022 mà Chính phủ trình Quốc hội gấp 3 lần năm nay. Theo ý kiến của Quốc hội, dự kiến gói miễn, giảm thuế hơn 60.000 tỉ đồng".

Chưa có thông tin cụ thể nhưng đây là tin vui với nhiều người nộp thuế. Trong gói hỗ trợ mới, nhiều ý kiến vẫn đề nghị Quốc hội, Chính phủ giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương. Vì suốt hai năm qua họ mong chờ mà chưa được hỗ trợ. Nếu chỉ giảm thuế cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà chính sách kích cầu chưa đủ thì hỗ trợ chưa thật trọn vẹn, đạt hiệu quả cao nhất! Hỗ trợ thuế VAT, thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng cần đủ ý nghĩa và thủ tục đơn giản.

Khoan sức dân lúc này là vô cùng cần thiết. Nói như tiến sĩ Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, là không nên "nhất bên trọng, nhất bên khinh", tức là miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh, nhưng sao lại bỏ quên người làm công ăn lương?

Bao năm qua, cứ sau mỗi lần miễn, giảm thuế để chia sẻ với người dân và doanh nghiệp, tổng số thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm nay do tình hình COVID-19, nhưng mới 11 tháng, tổng số thu từ thuế thu nhập cá nhân đã vượt 7% so với kế hoạch năm, ước đạt 120.000 tỉ đồng.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, bên cạnh việc hỗ trợ người nộp thuế, cần có giải pháp để bịt những địa chỉ gây thất thoát ngân sách. Đó là các công ty ma để mua bán hóa đơn. "Một năm chúng ta hoàn thuế hàng trăm ngàn tỉ đồng, trong số này thất thoát bao nhiêu?" - ông Phớc nói và điều này cũng đặt ra câu hỏi cần ngành thuế giải đáp trên thực tế: có chặn được tình trạng mua bán hóa đơn khi toàn quốc thực hiện hóa đơn điện tử từ ngày 1-7-2022?

Bên cạnh đó, việc quản lý thuế đối với các hoạt động của các "ông lớn" như Facebook, Google, YouTube, kinh doanh trên không gian mạng... liệu có được đảm bảo thu đúng, thu đủ?

Nếu trong năm 2021 ngành thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở việc thu vượt chỉ tiêu rất lớn thì năm 2022, kỳ vọng các chính sách thuế sẽ hài hòa, thúc đẩy phát triển. Muốn vậy, cần khoan sức thực chất cho khu vực cần giảm gánh nặng để phục hồi, vừa ngăn chặn được thất thu, tránh được khả năng tham nhũng, cưa đôi tiền thuế nhà nước. (Tuoitre.vn 27/12, Lê Thanh)Về đầu trang

Mới 15/63 tỉnh, thành có quyết định phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước 2022

Tại Công điện hỏa tốc số 08/CĐ-BKHĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu cho biết mới nhận được Quyết định phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 của 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có Công điện hỏa tốc số 08/CĐ-BKHĐT gửi bí thư tỉnh ủy, thành ủy và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022.

Theo đó, căn cứ Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; Căn cứ quy định tại khoản 5, Điều 3, Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 06/12/2021 về việc giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021, ngày 09/12/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 8691/BKHĐT-TH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022.

Theo quy định, việc phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương, danh mục và mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị phải hoàn thành trước ngày 31/12/2021, và phải được báo cáo lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công.

Tuy nhiên, đến thời điểm 24/12, Bộ này cho biết mới nhận được quyết định phân bổ kế hoạch vốn NSNN năm 2022 của 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, có 07 tỉnh, thành phố chưa phân bổ 100% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương được Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 06/12/2021.

Cụ thể, 15 địa phương đã có quyết định phân bổ kế hoạch vốn NSNN năm 2022 gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, TP. Đà Nẵng, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, TP. Cần Thơ và An Giang.

Trong đó, 7 địa phương còn chưa phân bổ hết 100% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương là: Phú Thọ, Sơn La, Gia Lai, Đồng Nai, Tây Ninh và TP. Cần Thơ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nội dung về phân bổ chi tiết vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2022 sẽ là một trong các nội dung được báo cáo trong phiên họp của Chính phủ với các địa phương (dự kiến đầu tháng 01/2022) và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 01/2022.

Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương sớm hoàn thành việc phân bổ chi tiết vốn kế hoạch năm 2022 trước ngày 31/12/2021 và gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 10/1/2022 để cập nhật lên Hệ thống thông tin về đầu tư theo quy định.

Công điện hỏa tốc số 08/CĐ-BKHĐT cũng nêu rõ, các bí thư tỉnh ủy, thành ủy và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các nội dung tại công điện này và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ việc chậm triển khai các nhiệm vụ về giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. (Cafef.vn 27/12)Về đầu trang

Một ban ở TP Thanh Hóa chi tiếp khách, ăn sáng vượt định mức hàng tỉ đồng

Không chỉ tuyển dụng trái quy định hàng chục lao động, Ban Ban Giải phóng mặt bằng và Tái định cư TP Thanh Hóa còn chi sai nguồn, sai chế độ chính sách, định mức… với số tiền hơn 88 tỉ đồng; trong đó chi tiếp khách, ăn sáng vượt định mức hàng tỉ đồng.

Thanh tra tỉnh Thanh Hóa vừa có kết luận thanh tra dấu hiệu vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, thu, chi tài chính; tiếp nhận, tuyển dụng, hợp đồng và sử dụng lao động tại Ban Giải phóng mặt bằng và Tái định cư (GPMB-TĐC) TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, qua đó phát hiện hàng loạt vi phạm về tuyển dụng, luân chuyển, thu chi tài chính.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, trong giai đoạn 2010-2020, Ban GPMB-TĐC TP Thanh Hóa đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần triển khai thực hiện các dự án làm thay đổi diện mạo đô thị TP Thanh Hóa.

Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy Ban GPMB-TĐC đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm. Cụ thể, về quản lý nguồn, sử dụng kinh phí, Ban đã sử dụng không đúng mục đích, vi phạm Luật ngân sách nhà nước từ nguồn ngân sách, nguồn kinh phí chi trả GPMB, tiền đất tái định cư, tiền bảo lãnh dự thầu với tổng số tiền hơn 55,7 tỉ đồng.

Trong đó, tổng số tiền sử dụng sai nguồn và chi sai chế độ, đối tượng, định mức, tiêu chuẩn hơn 24,6 tỉ đồng, đã thu hồi 20,5 tỉ đồng, số chưa thu khoảng 4 tỉ đồng. Tổng số tiền chi sai nguồn nhưng đảm bảo chế độ, đối tượng, tiêu chuẩn là 31 tỉ đồng, đã thu hồi hơn 8,4 tỉ đồng, hiện hơn 22,7 tỉ đồng chưa thu hồi được.

Về thu, chi hoạt động tài chính, trong giai đoạn 2010-2020, Ban GPMB-TĐC TP Thanh Hóa đã sử dụng không đúng mục đích, vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước, tổng số tiền gần 33 tỉ đồng.

Trong đó, theo Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, Ban này đã chi sai mục đích và chi sai chế độ, chính sách tới 14,5 tỉ đồng. Cụ thể, chi thuê xe, sửa chữa xe cho Thành ủy, UBND TP không đúng đối tượng theo quy định của đơn vị tự chủ, số tiền gần 4 tỉ đồng; chi cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân không đúng đối tượng, định mức, tiêu chuẩn gần 3,8 tỉ đồng; chi phí tiếp khách của UBND TP, chi ăn sáng không đúng đối tượng, định mức, tiêu chuẩn số tiền 3,3 tỉ đồng…

Hiện số tiền chi sai đã thu hồi 11 tỉ đồng, số chưa thu là 3,4 tỉ đồng (đây là tiền lương Ban đã chi cho những hợp đồng làm việc tại các phòng chuyên môn của UBND TP trái quy định).

Không chỉ chi sai nguồn ngân sách hàng chục tỉ đồng, Ban GPMB-TĐC TP Thanh Hóa còn tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức trái quy định hàng chục trường hợp. Cụ thể, không thực hiện tuyển dụng viên chức đối với những người chưa là viên chức đối với 6 trường hợp; không thực hiện xét tuyển đặc cách viên chức đối với cán bộ xã với 3 trường hợp; không thực hiện việc ký hợp đồng làm việc đối với 8 viên chức do Chủ tịch UBND TP điều động, tiếp nhận về Ban là không đúng theo quy định.

Đáng nói, trong giai đoạn 2010-2020, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa đã thực hiện ký 36 hợp đồng lao động không xác định thời hạn được hưởng chế độ ngạch, bậc, hệ số, nâng lương theo quy định như viên chức để làm việc tại Ban GPMB-TĐC, là không đúng theo quy định. Đến thời điểm thanh tra, một số người chuyển công tác, nghỉ việc, được tuyển dụng vào viên chức, số hợp đồng còn lại là 24 người.

Chủ tịch UBND TP điều động hợp đồng lao động từ các phòng, ban của TP và giao nhiệm vụ cho Ban GPMB-TĐC tiếp nhận và ký hợp đồng lao động với 84 người là không đúng thẩm quyền, vi phạm quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ năm 2016-2020, UBND TP giao Ban này chi trả lương và các khoản đóng góp theo lương cho 24 người làm việc tại phòng chuyên môn của UBND TP là vi phạm quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ rõ từ ngày 1-3-2020 đến ngày 31-10-2021, Ban GPMB nợ lương của người lao động tại Ban và người lao động làm việc tại phòng chuyên môn do UBND giao cho Ban trả lương là 8,7 tỉ đồng. Trong đó, người lao động làm việc tại Ban 7,1 tỉ đồng, lao động hợp đồng có danh sách tại Ban nhưng làm việc tại các phòng chuyên môn của UBND TP gần 1,6 tỉ đồng. (Nld.com.vn 26/12, Tuấn Minh)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Cựu Giám đốc Sở KH&ĐT: Bị cáo Nguyễn Đức Chung như là một "ông trời"

Ông Nguyễn Văn Tứ khai phải dừng đấu thầu gói thầu số hoá vì ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo quyết liệt và năm 2016, cựu Chủ tịch này như "một ông trời".

Chiều 27.12, kết thúc phần công bố cáo trạng, TAND Hà Nội thẩm vấn các bị cáo trong vụ án sai phạm tại 2 gói thầu số hoá của Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội được đưa ra ngoài cách ly, trước khi chủ toạ thẩm vấn ông Nguyễn Văn Tứ - cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội.

Theo cáo buộc, sau khi nhận được điện thoại của ông Nguyễn Đức Chung, bị cáo Tứ đã chỉ đạo dừng gói thầu số hoá năm 2016 của Sở.

Trước toà, bị cáo Tứ trình bày, sau khi nhận được điện thoại lần thứ 3, bản thân thấy rằng, ông Chung chỉ đạo rất quyết liệt. Ông Chung có nói, bị cáo không dừng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

"Ông Chung là trưởng ban chỉ đạo công nghệ thông tin thành phố. Trước chỉ đạo quyết liệt của ông Chung, chúng tôi đã phải thực hiện", bị cáo Tứ nói.

Sau đó bị cáo đã chỉ đạo bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến -Trưởng phòng đăng ký kinh doanh thông báo chỉ đạo của ông Chung. Tại một cuộc họp giao ban, bị cáo Phạm Thị Thu Hường - Chánh văn phòng đã ghi ý kiến của ông Tứ, rồi bị cáo Nguyễn Tiến Học - Phó Giám đốc Sở ký, gửi cho các phòng ban.

"Việc dừng này không phải theo mong muốn, ý chí của Sở KH&ĐT, và của cá nhân tôi", ông Tứ nói to. Bản thân bị cáo tại thời điểm đó nhận thấy dừng không đúng, song cho rằng không có nguy cơ gây thiệt hại. Nếu biết có thiệt hại như kết luận điều tra và cáo trạng bị cáo không bao giờ dừng.

Bị cáo cho hay có gửi văn bản báo cáo chủ tịch Nguyễn Đức Chung việc đã dừng gói thầu. Tuy nhiên, Sở đề nghị tiếp tục đấu thầu lại. Đề nghị này được nêu trong báo cáo 61 ngày 15.5.2016, sau khi dừng thầu 9 ngày. Ngày 14.6.2016, UBND thành phố có văn bản 3531 đồng ý với đề xuất của Sở.

Sau khi UBND có văn bản này, tiếp đó Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu tổ chức 1 buổi làm việc với công ty Nhật Cường để công ty này giới thiệu về công nghệ số hoá mới.

Sở đã phân công ông bà Học, Hường, Tuyến báo cáo về công nghệ số hoá của Nga do Nhật Cường giới thiệu. Nhật Cường có nêu về công nghệ này và cho rằng sẽ miễn phí. Nhật Cường cho hay công ty độc quyền công nghệ này, đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, theo cựu Giám đốc Sở, vấn đề công nghệ quan trọng, nên bị cáo đã yêu cầu Nhật Cường làm văn bản về đề xuất đưa trình diễn công nghệ mới cho Sở. Việc thí điểm này quan trọng, nên cần có văn bản.

Sau đó, Sở có gửi văn bản 3961 gửi Chủ tịch Nguyễn Đức Chung về vấn đề Công ty nhật Cường làm thí điểm.

"Kết quả thí điểm có đạt yêu cầu hay không?", chủ toạ Vũ Quang Huy hỏi. Bị cáo Tứ cho hay, gói thầu có hai nội dung gồm: Số hoá và Đính tài liệu đã số hoá. Sau khi thí điểm, Sở thấy Nhật Cường mới hoàn thành số hoá, chưa đính tài liệu lên hệ thống phần mềm dữ liệu quốc gia.

"Ai gặp bị cáo đề nghị Nhật Cường thực hiện gói thầu?", chủ toạ hỏi tiếp. Bị cáo Tứ cho hay, từ ngày đầu làm giám đốc đến tận ký văn bản 1363 báo cáo kết quả thí điểm không có bất cứ tiếp xúc nào với Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường, đang bỏ trốn) và Lê Duy Tuấn - Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh… gián tiếp hay trực tiếp.

Duy nhất bị cáo chỉ nhận được chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung. Theo bị cáo nhớ, có một lần bị cáo Tuấn đến nói chung chung về công nghệ hiện đại. Bị cáo có nói, bất cứ đơn vị nào có công nghệ mới thì đều ủng hộ. Việc Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo hứa, ủng hộ Tuấn, theo bị cáo chưa chính xác.

"Kết quả đấu thầu lại, công ty nào trúng thầu?", chủ toạ thẩm vấn tiếp. Ông Tứ cho hay, Ban giám đốc phân công phó giám đốc được chỉ đạo, đề nghị hỏi ông Học, không nắm được thông tin. Chỉ sau khi đấu thầu xong thì biết liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu.

Chủ toạ hỏi thằng, sau khi đấu thầu có ai đến gặp bị cáo biếu tiền không? Bị cáo Tứ cho hay, toàn bộ quá trình không có ai trao đổi cả.

"Có việc Bùi Quang Huy đến biếu rượu tiền không?", chủ toạ hỏi trực tiếp. Bị cáo trình bày rằng, trước Tết nguyên đán 2017, Huy có gọi điện muốn đến chúc Tết. Bùi Quang Huy có nói việc công ty năm đó làm ăn được, trong đó có gói thầu trúng tại Sở.

"Tôi nói với Huy, liên thiên về số % là chết. Anh đã chỉ đạo Chánh Văn phòng rồi, Sở không có bất cứ yêu cầu % nào. Duy nhất có yêu cầu là làm tốt gói thầu", bị cáo Tứ trình bày.

Chủ toạ nhắc lại việc bị cáo có nhận tiền Huy biếu hay không? Ông Tứ cho hay, khi đó Huy không nói gì đến việc biếu tiền mà chỉ nói là quà Tết. Số tiền sau này bị cáo biết là 300 triệu đồng, 1 chai rượu Huy biếu quà tết.

Trả lời câu hỏi của chủ toạ "Có nhận thức nhận tiền đúng hay sai?", bị cáo Tứ cho hay, bản thân nhận thức rất rõ về việc nhạy cảm này. Bị cáo có nhớ sau khi liên danh trúng thầu, Hường có báo Tuấn gặp có nói Sở yêu cầu gì về phần trăm hay không.

Bị cáo có yêu cầu Hường rằng, Sở không có yêu cầu này và dặn cấp dưới phải biết doanh nghiệp đó là của ai nên phải hết sức cẩn thận. Công ty Nhật Cường không chỉ làm gói thầu ở Sở mà còn nhiều đơn vị khác thành phố.

“Tôi luôn luôn cảnh giác nên không giao lưu. Sau này biết Huy không vô tư như vậy”, bị cáo nói. “Chỉ đạo của ông Chung đúng hay sai?", chủ toạ hỏi. Bị cáo cho hay, về luật đúng hay sai HĐXX và Viện Kiểm sát phán quyết.

"Bị cáo là cấp dưới, trong khi tính cách của bị cáo Nguyễn Đức Chung là người chỉ đạo quyết liệt. Thời điểm này ông Chung vướng vụ án này, kia, chứ thời năm 2016, bị cáo Chung ở Hà Nội này như là một "ông trời"", bị cáo Tứ nói. (Laodong.vn 27/12, Việt Dũng)Về đầu trang

Dự án “tai tiếng” ở Thanh Hóa: Nhiều sở, ngành bị gọi tên

Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã chỉ ra nhiều sai phạm của các chủ đầu tư và sở, ngành, địa phương khi triển khai 5 dự án tại khu vực nút giao đường Võ Nguyên Giáp và đường CSEDP, TP Thanh Hóa.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì tham mưu triển khai giao đất, cho thuê đất thực hiện 1 dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất khi chưa có văn bản đồng ý chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là chưa đúng trình tự. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng Thanh Hóa chưa thực hiện đầy đủ chức năng quản lý khi triển khai các dự án. Các phường liên quan, TP Thanh Hóa, đội quy tắc đô thị… cũng được thanh tra tỉnh này chỉ rõ từng vi phạm trong quản lý, tham mưu, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, đất đai của 5 dự án. Đối với chủ đầu tư 5 dự án phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi triển khai dự án chậm, vi phạm quy định về đất đai, trật tự xây dựng…

Thanh tra tỉnh Thanh Hóa kiến nghị các cá nhân, tập thể có khuyết điểm thực hiện kiểm điểm trách nhiệm; tháo dỡ đối với hạng mục công trình không được phép, vi phạm chỉ giới về khoảng lùi; rà soát lại quy hoạch, giải quyết triệt để vướng mắc, vi phạm…

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo thanh tra toàn diện, xem xét xử lý 7 dự án “tai tiếng” tại khu vực nút giao đường Võ Nguyên Giáp và đường CSEDP, TP Thanh Hóa. Trong đó, thanh tra toàn diện 5 dự án về các vấn đề quy hoạch, đất đai, trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng gồm: Cửa hàng xăng dầu loại III; Trung tâm thương mại tổng hợp và showroom ô tô Ford Thanh Hóa; Khu thương mại hỗn hợp; Trung tâm dịch vụ thương mại tổng hợp và showroom ô tô; Tổ hợp khách sạn, thương mại Tự lập Plaza. (Tienphong.vn 27/12, Hoàng Lam)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Chống dịch hiệu quả, thủ tướng Nhật Bản được tín nhiệm cao

Kết quả của cuộc khảo sát mới nhất do báo Nikkei Asia thực hiện cho thấy gần 2/3 số cử tri Nhật Bản tín nhiệm Thủ tướng Kishida Fumio, hoan nghênh các biện pháp chống dịch do chính phủ của ông đưa ra thời gian qua.

Ngày 27-12, theo Hãng tin Reuters, Nikkei Asia công bố kết quả cuộc khảo sát dư luận từ ngày 24-12 đến 28-12 vừa qua. Kết quả cho thấy 61% người tham gia khảo sát đánh giá tích cực về các nỗ lực chống dịch của ông Kishida, trong đó bao gồm cả quy định tạm thời đóng cửa biên giới với khách nước ngoài.

Đây là mức tín nhiệm cao nhất Nikkei Asia ghi nhận được kể từ khi bắt đầu cuộc trưng cầu dân ý về cách chống dịch của Chính phủ Nhật từ tháng 2-2020. Bên cạnh đó, mức ủng hộ dành cho nội các của ông Kishida đạt 65%, tăng 4% so với cuộc khảo sát tương tự cách đây một tháng. (Tuoitre.vn 27/12, Nguyên Hạnh)Về đầu trang

Thuỵ Sĩ: Cố tình nhiễm COVID-19 có thể bị phạt tù 5 năm

Việc cố tình phát tán và lây nhiễm virus SARS-CoV-2 để đạt khả năng miễn dịch tự nhiên là một hành vi phạm tội có thể bị phạt tới 5 năm tù, theo Cơ quan y tế công cộng Thuỵ Sĩ (FOPH).

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng một số nhóm người hoài nghi vắc xin đã tìm kiếm các F0 và tổ chức “tiệc COVID-19” để phát tán virus, chủ động lây bệnh nhằm đạt miễn dịch tự nhiên.

Những người khỏi COVID-19 ở Thuỵ Sĩ cũng sẽ được cấp “thẻ xanh” mà không cần phải tiêm chủng. Tuy nhiên FOPH cho biết việc cố tình phát tán virus có thể dẫn đến án tù 5 năm.

Quy định này xuất phát từ mối lo ngại rằng việc cố tình lan truyền virus có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tăng số ca nhập viện và tử vong. (Tienphong.vn 27/12, Minh Hạnh)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More