Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 07-12-2020

Post date: 07/12/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Đại dịch COVID-19 - khúc ngoặt mới 1

2.                Bình tĩnh nhưng phải quyết liệt 3

3.                "Bung", "toang" thì Chủ tịch Chu Ngọc Anh chịu trách nhiệm thế nào?. 3

CHÍNH SÁCH MỚI 4

4.                Công chức không được giữ chức vụ lãnh đạo quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. 4

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 4

5.                Đắk Nông: Công an tỉnh triển khai kế hoạch “Tôi làm Công an xã”. 4

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 5

6.                Kinh tế Việt Nam "dẻo dai" trước COVID-19. 5

7.                Trao cơ hội từ Hiệp định EVFTA đến ngư dân. 5

8.                GWEC: Đề xuất giảm giá FIT có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến tăng trưởng điện gió Việt Nam.. 6

9.                Ngành dệt may đón cơ hội từ Hiệp định RCEP. 6

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 7

10.            Từ năm 2021, thêm trường hợp thi công chức bị đình chỉ thi 7

11.            Vụ thủy điện Buôn Kuốp xả lũ: 'Sẽ đánh giá quy trình vận hành liên hồ xem ai sai, ai đúng' 7

QUẢN LÝ.. 8

12.            Ngành Hải quan: Cắt giảm quy định chồng chéo. 8

13.            Thanh tra Chính phủ điểm mặt hàng loạt sai phạm đất đai ở Bắc Giang. 8

14.            Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình kiểm tra tiến độ nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. 9

15.            Hà Nội phối hợp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, ngân sách. 10

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 10

16.            Quảng Ninh: Tăng cường nâng cao hiệu quả trong công tác hoạt động cải cách Tư pháp. 10

17.            Tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2021: Tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm.. 11

18.            Nơi người dân Huế trao gửi niềm tin. 11

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 12

19.            Ngân sách đã chi 17.900 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch COVID-19. 12

THẾ GIỚI 12

20.            Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Indonesia bị bắt với cáo buộc tham nhũng. 12

 TIÊU ĐIỂM

Đại dịch COVID-19 - khúc ngoặt mới

Ngày 1.12, sau 88 ngày không có ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam đã ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 từ cơ sở cách ly. Có 2 trường hợp khác lây nhiễm sau đó. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này, ở bộ phận nào, cá nhân nào trong thực hiện quy trình cách ly; cơ quan nào chịu trách nhiệm.

 Ðể chủ động phòng, chống dịch COVID-19, chính quyền, ngành Y tế các địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế trong tình hình mới.

 Các chuyên gia lĩnh vực y tế trong nước và nước ngoài nhận định, số ca mắc trên thế giới sẽ tiếp tục ghi nhận số lượng lớn, trong đó có khu vực Ðông Nam Á và diễn biến dịch bệnh còn kéo dài ít nhất hai năm nữa. Trong khi đó, vaccine phòng bệnh chưa sẵn sàng để sử dụng trong cộng đồng; các ổ dịch tại các nước sẽ tiếp tục bùng phát trở lại sau khi mở cửa nền kinh tế...

 Ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM - cho rằng: Bệnh nhân 1342 (BN1342) - nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines - vi phạm các quy định phòng dịch khi thực hiện cách ly tập trung, cũng như không tuân thủ quy định phòng dịch khi cách ly tại nhà khiến mình mắc COVID-19 và làm lây lan thêm cho một người khác. BN1342 đã có sự buông lỏng và không chấp hành các quy định cách ly (cả cách ly tập trung và cách ly tại nhà), khiến dịch bệnh lây lan.

 Về việc xác định trách nhiệm các bên liên quan và xử lý người vi phạm, ông Dũng cho biết, lãnh đạo TPHCM sẽ họp bàn, xem xét. Tuy nhiên, sau vụ việc này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP sẽ siết chặt hơn nữa các quy định về cách ly tập trung và cách ly tại nhà.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, BN1342 vi phạm nghiêm trọng về cách ly tập trung và vi phạm cách ly tại nhà (đã tiếp xúc người khác). Người đứng đầu khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý làm không đúng quy định về cách ly, khi cho về và không kêu gọi cách ly tập trung. Không thực hiện quy định quản lý, thực hiện giám sát y tế của tổ bay; chủ cơ sở lưu trú nhà trọ không thực hiện nghiêm về cách ly. UBND phường và Vietnam Airlines chưa thực hiện nghiêm túc kiểm tra, trách nhiệm. Do đó, Bộ Y tế đề nghị kiểm điểm trách nhiệm với người quản lý cách ly của Vietnam Airlines, nhà trọ và BN1342 khi để lây nhiễm ra cộng đồng. Khi phát hiện ra trường hợp tiếp xúc với người nhiễm bệnh thì cũng phải cách ly 14 ngày. Nhưng ở đây, việc thực hiện lỏng lẻo đã dẫn đến lây nhiễm.

 Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên thế giới hiện nay, đồng thời để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị chính quyền các địa phương phải rà soát lại tất cả kịch bản phòng, chống dịch. Việt Nam vẫn giữ năm nguyên tắc là: Ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả, nhưng "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

 Giai đoạn hiện nay, có thể nói nguyên tắc quan trọng nhất là phát hiện, ngăn không cho dịch từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam bằng việc thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch tại cửa khẩu, khai báo y tế; khuyến cáo sử dụng các phần mềm truy vết, khai báo sức khỏe; phân luồng người nhập cảnh ngay tại cửa khẩu, vận chuyển an toàn về nơi cách ly. Tiếp tục tổ chức, quản lý chặt các hình thức cách ly theo hướng dẫn của ngành Y tế, không để xảy ra lây nhiễm trong cơ sở cách ly tập trung và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng, nhất là hình thức cách ly ngoài quân đội, cách ly tại nơi lưu trú...

 Ðối với công tác giám sát, xử lý ổ dịch tại cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu, Sở Y tế các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan rà soát cập nhật các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật phù hợp với tình hình dịch và những biểu hiện mới về dịch; tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, bệnh viện, nhất là đối với các trường hợp có biểu hiện triệu chứng, người viêm đường hô hấp, viêm phổi...; thực hiện tốt các nguyên tắc phòng, chống dịch và nâng cao hơn nữa năng lực của các đội phản ứng nhanh, làm tốt công tác truy vết tại cộng đồng. (Laodong.vn 06/12, Lệ Hà) Về đầu trang

Bình tĩnh nhưng phải quyết liệt

Phản ứng của hệ thống y tế và chính quyền địa phương với việc dịch Covid-19 “tái xuất” trong cộng đồng sau gần 90 ngày vắng bóng là hết sức bài bản, nhanh chóng, kịp thời.

 Công tác điều tra, truy vết, cách ly mọi đối tượng F1, F2 đối với những người đã phát hiện được triển khai thần tốc không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, nơi xuất hiện các ca bệnh số 1342, 1347 và 1348 tính đến sáng 2.12, mà còn ở những địa phương có người liên quan, ví dụ như Đà Nẵng.

 Sự việc này một lần nữa cho thấy nguy cơ dịch bệnh luôn rình rập, đòi hỏi mỗi người dân, từng tổ chức phải luôn cảnh giác và tự giác chấp hành các quy định bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ và quy trình phòng chống dịch. Đối với những người, đơn vị liên quan trực tiếp đến các chuyến bay thương mại, chuyến bay giải cứu, các khu cách ly… thì càng phải tuân thủ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không chỉ cho bản thân, gia đình mà cho cả cộng đồng.

 Trường hợp bệnh nhân 1342 không chỉ làm dịch bệnh lây lan trong cộng đồng mà còn khiến cả trăm nghìn sinh viên, học sinh ở TP Hồ Chí Minh phải nghỉ học, 3 quận nguy cơ thực hiện giãn cách xã hội, kế hoạch tổ chức hơn ba chục chuyến bay mỗi tuần đưa người Việt về nước phải tạm dừng… Đây mới chỉ là hậu quả “domino” trước mắt, nếu dịch bệnh lây lan rộng hơn thì vòng ảnh hưởng và mức độ thiệt hại chắc chắn còn nặng nề hơn.

 Kết luận họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 chiều 1.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tinh thần “phải bình tĩnh và quyết liệt hơn”, cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác ở mọi địa bàn, trước hết là các thành phố lớn, các khu tập trung đông người. Nhằm duy trì, bảo vệ sự an toàn cho người dân và đất nước, người đứng đầu Chính phủ cũng đã lệnh tạm dừng các chuyến bay thương mại từ nước ngoài.

 Những việc này càng được tiến hành khẩn trương, hiệu quả thì không chỉ các chuyến bay thương mại sẽ sớm khai thác trở lại mà một số hoạt động liên quan khác (ví dụ du lịch) cũng có cơ hội mở cửa, phục hồi, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế - điều Chính phủ đã xác quyết và theo đuổi suốt cả năm nay.  (Daibieunhandan.vn 05/12, Hà Lan) Về đầu trang

"Bung", "toang" thì Chủ tịch Chu Ngọc Anh chịu trách nhiệm thế nào?

Nhiều địa phương trong cả nước đang siết chặt công tác phòng chống dịch COVID -19. Chủ tịch thành phố Hà Nội - ông Chu Ngọc Anh lên tiếng rất kiên quyết.

 Tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội chiều 2.12, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cam kết: “Nếu Hà Nội mà bung, mà toang, hứa với các đồng chí, tôi chịu trách nhiệm".

 Hoan hô ông Chu Ngọc Anh, đã nói một lời chắc nịch, bày tỏ quyết tâm phòng chống dịch. Ông Chủ tịch không phải nói giỡn chơi, mà công khai, nghiêm túc giữa cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội.

 Các địa phương khác cũng trong tư thế khẩn trương phòng dịch, rất mong lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng tuyên bố mạnh dạn như Chủ tịch thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh.

 Ông Chu Ngọc Anh còn nói thêm: “Mà chả hứa tôi cũng chịu trách nhiệm. Phải rõ trách nhiệm ra. Gắn với trách nhiệm người đứng đầu”. (Tapchimattran.vn 05/12, Lê Thanh Phong) Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Công chức không được giữ chức vụ lãnh đạo quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp

Từ ngày 1-12-2020, Nghị định 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức có hiệu lực, trong đó có quy định công chức không được giữ chức vụ lãnh đạo quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

 Cụ thể, thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của công chức được quy định như sau: Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực, trừ trường hợp thời hạn dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành.

 Như vậy, công chức không được giữ chức vụ lãnh đạo quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp. (Nld.com.vn 06/12, An Chi) Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Đắk Nông: Công an tỉnh triển khai kế hoạch “Tôi làm Công an xã”

Công an tỉnh Đắk Nông tổ chức lễ xuất quân thực hiện kế hoạch tăng cường cán bộ, chiến sỹ các đơn vị các đơn vị cấp phòng thực hiện nhiệm vụ tại Công an xã và khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Công an xã. Ngày 2/12/2020,Tại trụ sở công an tỉnh đã long trọng tổ chức buổi lễ xuất quân, về dự có Đại tá Hồ Văn Mười - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông và lãnh đạo cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh về tham dự.

 Phát biểu tại buổi lễ xuất quân, thay mặt Đảng uỷ, lãnh đạo Công an tỉnh, Đại tá Hồ Văn Mười - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc từ nhận thức đến hành động của các cấp lãnh đạo và toàn thể Cán bộ chiến sĩ các đơn vị đối với yêu cầu, với nhiệm vụ xây dựng lực lượng Công an chính quy, vì nhân dân phục vụ cũng như trang bị, nâng cao kiến thức, nhận thức cho Cán bộ chiến sĩ về công tác tại địa bàn cơ sở, góp phần đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá cán bộ.

 Với phương châm “vì nhân dân phục vụ”, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, đặc biệt tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, Đảng uỷ, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông đã triển khai kế hoạch “Tôi làm Công an xã” để 100% Cán bộ chiến sỹ không giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy thuộc các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh thực hiện nhiệm vụ Công an xã. Đây là kế hoạch được triển khai làm nhiều đợt. mỗi đợt khoảng 100 Cán bộ chiến sĩ, hết thời gian tăng cường mỗi Cán bộ chiến sỹ đều báo cáo cho Thủ trưởng đơn vị kết quả ngoài ra đề xuất các biện pháp để nâng cao hiệu quả đồng thời để bình xét thi đua và đánh giá sơ bộ hàng năm. (Vietnamhoinhap.vn 05/12, H'SiLi - Quang Phiêu) Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Kinh tế Việt Nam "dẻo dai" trước COVID-19

Tăng trưởng kinh tế càng về cuối năm, càng lấy lại được “phong độ”. Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 2-3% trong năm nay.

 Dễ thấy nhất đó là số liệu về xuất nhập khẩu vẫn "đứng vững" giữa đại dịch. Xuất khẩu trong 11 tháng đạt 254,6 tỉ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tờ Lao động bình luận, đây là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến nền kinh tế trên thế giới.

 "Sức khỏe" nền kinh tế đang có chiều hướng tốt lên. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tăng dần. Nếu như xuất khẩu 10 tháng chỉ là 4,7% thì nay đã nhích lên 5,3%. Đà này nếu được tiếp tục duy trì trong tháng 12, xuất khẩu có khả năng tăng trưởng tiệm cận mức Quốc hội giao trong năm 2020 là khoảng 7%.

 Mức độ tăng giải ngân vốn đầu tư công trong 11 tháng đạt hơn 400.000 tỷ đồng, gần bằng 80% kế hoạch của năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

 Việc COVID-19 được kiểm soát tốt ở trong nước và việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi đã tạo thêm động lực cho các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

 Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra trong tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Lời hứa trước Quốc hội, trước nhân dân về tăng trưởng được thực hiện nghiêm túc" khi mà năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5% và phấn đấu đạt 3%.

 Theo Reuters, vào cuối tháng 11 vừa qua, Foxconn - nhà gia công lớn của thế giới và chuyên sản xuất cho Apple, sẽ chuyển một phần dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook sang Việt Nam.

 Đại diện Bộ KH-ĐT cũng xác nhận việc có nhà đầu tư đối tác lớn của Apple là Foxconn, Winstron và Luxshare đã chính thức hiện diện tại Việt Nam và Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng làn sóng đầu tư FDI thứ 4. (Vtv.vn 06/12) Về đầu trang

Trao cơ hội từ Hiệp định EVFTA đến ngư dân

Với Hiệp định EVFTA, cơ hội được mở ra không chỉ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ mà đó cũng chính là cơ hội đối với ngư dân khai thác.

 Trong 4 tháng qua, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực, nhiều cơ hội đã được mở ra đối với các ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có thủy sản. 

Ngay trong tháng 8, tháng đầu tiên Hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vào châu Âu đã tăng gần 9%, đạt mức 11,4 triệu USD. Tiếp đó, những tháng qua, xuất khẩu cá ngừ vẫn giữ mức tăng từ 11- 13%. 

Như vậy, đúng như kỳ vọng, Hiệp định EVFTA đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu cá ngừ- một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam nhờ những ưu đãi thuế quan mà EVFTA đã mang lại. Thế nhưng, cùng với cơ hội là không ít thách thức. (Vtv.vn 05/12, Tấn Quýnh) Về đầu trang

GWEC: Đề xuất giảm giá FIT có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến tăng trưởng điện gió Việt Nam

Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) nhận định, mức đề xuất giảm 17,4% và 13,6 % đối với điện gió trên bờ và điện gió trên biển là một trong những mức giảm mạnh nhất đối với điện gió trên toàn cầu.

 Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Công thương ngày 28/10, các dự án điện gió đưa vào vận hành từ tháng 11/2021 đến tháng 12/2022 sẽ được áp dụng giá FIT là 7,02 UScent/kWh (dự án trên bờ) và 8,47 UScent (dự án trên biển). Tuy nhiên, điều này có thể làm chệch hướng tăng trưởng điện gió dài hạn ở Việt Nam.

 GWEC cho biết, việc giảm nhẹ giá FIT sẽ đảm bảo đủ thời gian để các dự án đi vào hoạt động ổn định, đồng thời phát triển chuỗi cung ứng ngành điện gió. Nhưng nếu giảm giá mạnh mà không tính đến các thách thức liên quan, thị trường điện gió Việt Nam có thể phải đối mặt với chu kỳ "bùng nổ-phá sản" như các nước châu Âu, châu Mỹ trước đây. (Cafef.vn 05/12, Hoài Thương) Về đầu trang

Ngành dệt may đón cơ hội từ Hiệp định RCEP

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng mở rộng thị trường xuất khẩu cho các ngành hàng trong nước; trong đó, có ngành dệt may.

 Hiệp định RCEP chính thức được ký kết vừa qua với sự tham gia của 15 thành viên, tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới. Nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý Hiệp định RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, hiệp định này dự kiến sẽ tạo cơ hội để ngành dệt may đẩy mạnh xuất khẩu, hình thành chuỗi cung ứng.

 Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 ông Thân Đức Việt, năm nay, dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, May 10 vẫn đạt tăng trưởng khoảng 3%, không phải sa thải người lao động mà còn tuyển thêm từ tháng 5 trở lại đây. Mỗi hiệp định thương mại tự do sẽ luôn đi kèm cả khó khăn, thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp. Hiệp định thương mại tự do được ký kết như EVFTA, RCEP với các ưu đãi về thuế quan sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế để xuất khẩu sang các thị trường, đây là cú hích tốt cho ngành phát triển. (Baotintuc.vn 05/12, Đức Dũng) Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Từ năm 2021, thêm trường hợp thi công chức bị đình chỉ thi

Từ ngày 20.1.2021, sẽ có thêm một trường hợp thí sinh tham dự các kỳ thi xét tuyển công chức, viên chức bị đình chỉ thi là thí sinh cố ý gây mất an toàn, trật tự làm ảnh hưởng đến phòng thi.

 Bộ Nội vụ mới ban hành Thông tư 6/2020/TT-BNV về Quy chế và Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

 Hiện nay, trường hợp thí sinh tham dự kỳ tuyển dụng công chức, viên chức; nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức bị đình chỉ thi được nêu cụ thể:

 Hình thức kỷ luật đình chỉ thi do Trưởng ban coi thi quyết định, công bố công khai tại phòng thi và áp dụng đối với thí sinh vi phạm đã bị lập biên bản cảnh cáo nhưng vẫn cố tình vi phạm nội quy thi.

 Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 2 Nội quy ban hành kèm Thông tư 6/2020 đã quy định các trường hợp đình chỉ thi như sau:

 Trưởng ban coi thi quyết định đình chỉ thi đối với thí sinh vi phạm đã bị lập biên bản với hình thức cảnh cáo nhưng vẫn cố tình vi phạm nội quy thi hoặc thí sinh cố ý gây mất an toàn, trật tự làm ảnh hưởng đến phòng thi. Việc đình chỉ thi được công bố công khai tại phòng thi. 

Như vậy, từ ngày 20.1.2021, khi Thông tư này chính thức có hiệu lực, Bộ Nội vụ đã bổ sung thêm một trường hợp thí sinh tham dự các kỳ thi trên bị đình chỉ thi là “thí sinh cố ý gây mất an toàn, trật tự làm ảnh hưởng đến phòng thi”. (Laodong.vn 06/12, Minh Phương) Về đầu trang

Vụ thủy điện Buôn Kuốp xả lũ: 'Sẽ đánh giá quy trình vận hành liên hồ xem ai sai, ai đúng'

UBND tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk cho biết đang yêu cầu cơ quan chức năng đánh giá thủy điện Buôn Kuốp xả lũ có đúng quy trình hay không.

 Sáng 5-12, ông Lê Trọng Yên - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - cùng đoàn UBND tỉnh đã kiểm tra việc khắc phục các thiệt hại do mưa lũ tại huyện Cư Jút.

 Khu vực dọc sông Sêrêpốk đoạn qua huyện Cư Jút cách thủy điện Buôn Kuốp 10km, nhưng với lượng nước xả lớn 1.500m3/s, 25 lồng bè của người dân bị thiệt hại hoàn toàn.

 Theo ông Yên, qua kiểm tra, ghi nhận ban đầu, toàn tỉnh Đắk Nông thiệt hại 185 lồng nuôi cá (ước tính trên 60 tỉ đồng) và 90ha hoa màu (tại thị trấn Eatling và huyện Krông Nô, ước khoảng 10 tỉ đồng). UBND tỉnh đã lên phương án đánh giá, kiểm kê để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Khánh - phó giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuốp - cho biết công ty đã đặt rất nhiều trạm đo nước, đo mưa tại tất cả các tuyến liên quan nên đã có những cảnh báo từ rất sớm.

 Nói thêm về việc này, ông Nguyễn Hoài Dương - giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk - cho biết địa phương đang cho thống kê thiệt hại do mưa lũ gây sạt lở, ngập ở 7 huyện. Qua đó sẽ phân tích nguyên nhân, đề ra các giải pháp như di dời dân đến những nơi an toàn.

 Theo ông Dương, vùng M’Đrắk và Krông Bông cứ mưa to là ngập cục bộ. Tuy nhiên, năm nay qua nhiều cơn bão, mưa to khiến khu vực này biến thành ‘túi nước’. Toàn bộ lượng nước này sau đó đổ dồn về vùng hạ du theo dòng sông K'rông Ana, Krông Nô thuộc các huyện Lắk, Krông Ana (Đắk Lắk), Krông Nô, Cư Jut (Đắk Nông) gây ngập diện rộng. (Tuoitre.vn 05/12, Trung Tân – Thế Thế) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Ngành Hải quan: Cắt giảm quy định chồng chéo

Nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt chính sách, mới đây, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội thảo tham vấn sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

 Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao hiệu quả của hoạt động hải quan và đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan, tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều điểm vướng. Do đó, việc bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hai nghị định trên là mục tiêu số 1 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Mai Xuân Thành - cho biết, đợt sửa lần này dựa trên nền tảng hệ thống luật hiện hành để tạo ra môi trường pháp lý cụ thể hướng tới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).

 Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan đánh giá, trong bối cảnh tham gia ký kết một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đòi hỏi Việt Nam phải kiện toàn hơn bộ máy nhà nước, hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ sở pháp lý, theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức, phù hợp với các thỏa thuận và cam kết.

 Đồng thời, việc sửa đổi Nghị định cũng đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung và tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực hải quan. (Congthuong.vn 06/12, Đỗ Nga) Về đầu trang

Hà Nội phối hợp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, ngân sách

Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính về công tác tài chính năm 2020; định hướng phối hợp công tác năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.

 Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định vai trò đặc biệt của Thủ đô đối với sự phát triển của đất nước, với sự đóng góp tăng theo từng năm.

 Năm nay, trong bối cảnh bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh nhưng Hà Nội tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, hoàn thành mục tiêu thu ngân sách nhà nước; nông nghiệp có sự phát triển đột phá; đầu tư công được đẩy mạnh. Thành phố cũng đề ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

 Tại buổi làm việc, TP Hà Nội đã kiến nghị với Bộ Tài chính 5 nhóm vấn đề với 31 nội dung cụ thể. Đồng chí Vương Đình Huệ mong muốn các nội dung được thống nhất trong buổi làm việc sẽ sớm được triển khai để tháo gỡ khó khăn, tạo cơ chế giúp Hà Nội thực hiện các mục tiêu phát triển. (Vtv.vn 05/12) Về đầu trang

Thanh tra Chính phủ điểm mặt hàng loạt sai phạm đất đai ở Bắc Giang

Trong giai đoạn 2006 - 2017, việc quản lý, sử dụng đất đai ở Bắc Giang có nhiều sai phạm với tổng giá trị thiệt hại kinh tế hàng chục tỷ đồng.

 Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng của tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2006-2017. Trong đó nêu rõ hàng loạt sai phạm về quản lý đất công, cho thuê đất dự án gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

 Theo kết luận thanh tra, từ năm 2006 - 2017, tổng số tiền nợ đọng tiền sử dụng đất và tiền thuê hạ tầng gắn với đất khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là hơn 79,5 tỷ đồng. Trong đó, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nợ hơn 13 tỷ đồng; số còn lại thuộc các đơn vị nợ đọng tiền sử dụng đất và tiền thuê hạ tầng gắn với đất khu công nghiệp.

 Đáng chú ý, trong các năm 2002-2007, 43 doanh nghiệp được chấp thuận và cấp phép đầu tư vào khu công nghiệp Đình Trám. Tổng diện tích đất cho thuê hơn 660m2 nhưng UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản cho phép không thu tiền, gây thất thoát ngân sách.

 Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Giang cho hàng loạt đơn vị thuê đất nhưng không thực hiện các trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thay đổi mục đích, cơ cấu sử dụng đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 UBND tỉnh Bắc Giang cũng thu hồi hơn 9.000m2 đất cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ KK Bắc Giang thuê để thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ Hoàng Ninh, không phù hợp với quy hoạch của Bộ Xây dựng.

 Đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Bắc Giang vẫn chưa chỉ đạo thực hiện xong việc đưa 3 công ty (Công ty TNHH sản xuất và thương mại Quỳnh An với hơn 4.000m2, hiện tại lô đất đã xây dựng khách sạn 7 tầng để kinh doanh; Công ty TNHH Vương Mỹ với gần 2.400m2, hiện đã xây dựng khách sạn 5 tầng để kinh doanh; Công ty TNHH VinaSolar Technologi trên 1.922m2, hiện đã xây dựng khách sạn 9 tầng kinh doanh) ra khỏi đất khu công nghiệp Đình Trám theo văn bản điều chỉnh quy hoạch. 

Với các sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cấp, các ngành tiến hành kiểm tra, tổng hợp và xử lý đối với diện tích đất công ích trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

 Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị chỉ đạo chủ tịch tỉnh Bắc Giang tổ chức kiểm điểm, có biện pháp xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ có liên quan vi phạm. (Vietnamfinance.vn 06/12) Về đầu trang

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình kiểm tra tiến độ nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Chiều 5/12, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tiến độ thi công, xây dựng nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tại tỉnh Thái Bình.

 Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nêu rõ: đây là dự án điện trọng điểm quốc gia có vai trò quan trọng, khi hoàn thành sẽ cung cấp điện cho khu vực duyên hải và cả nước. Hiện nay khối lượng hoàn thành đạt trên 86%. Tuy nhiên do có nguyên nhân khách quan và chủ quan, kể cả trước đây có vi phạm nên dự án dừng lại một thời gian, gây thiệt hại lớn. Các vi phạm đã được thanh tra chỉ ra khắc phục.

 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng giao các Bộ, ngành khẩn trương tổ chức rà soát lại các văn bản pháp lý liên quan đến dự án để có hướng xử lý. Bên cạnh đó, khi dự án đi vào sử dụng phải bảo đảm môi trường, không gây ra ô nhiễm, nhất là đối với số lượng xỉ thải rất lớn. (Vtv.vn 05/12) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Quảng Ninh: Tăng cường nâng cao hiệu quả trong công tác hoạt động cải cách Tư pháp

Công tác CCTP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

 Sau khi Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020 được ban hành, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tiến hành củng cố, kiện toàn và bổ sung nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW; chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, nhất là lãnh đạo các cơ quan tư pháp tỉnh tổ chức quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW, Chương trình hành động của Tỉnh ủy tới tận cán bộ, công chức và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CCTP từng giai đoạn và từng năm của đơn vị, địa phương mình. Qua 7 năm triển thực hiện, công tác CCTP trên địa bàn tỉnh đã thể hiện sự tiến bộ rõ nét ở nhiều mặt.

 Cụ thể, trong thời gian qua, công tác bắt, giam, giữ và điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm, không có án tồn đọng, quá hạn luật định. Hàng năm, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đều tổ chức các đoàn kiểm tra toàn diện hoặc theo từng chuyên đề nghiệp vụ tại các phòng trực thuộc và VKSND cấp huyện. Qua các cuộc kiểm tra đã chỉ rõ những khuyết điểm, tồn tại, đề ra hướng khắc phục những tồn tại, khuyết điểm đó và giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong nghiệp vụ của đơn vị, địa phương. 

 Trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành rà soát, khảo sát thực tế tình hình tội phạm và số lượng cán bộ làm công tác điều tra án hình sự, kinh tế, ma túy hiện có ở từng cơ quan điều tra cấp tỉnh và cấp huyện để quyết định điều động, bố trí cán bộ phù hợp với tình hình thực tế.

 Tỉnh cũng đã xây dựng được đội ngũ cán bộ dự bị, kế cận có đủ điều kiện về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác để đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý khi có nhu cầu cần bổ sung, thay thế.

 Từ những kết quả trên cho thấy, nhiệm vụ CCTP theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo chuyển biến quan trọng trong lĩnh vực CCTP trong toàn tỉnh, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân; bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ tích cực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội tỉnh.(Phapluatplus.vn 06/12, Đại Văn) Về đầu trang

Tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2021: Tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm

Quyết định số 1950/QĐ-TTg nêu rõ, tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2021 bao gồm cả khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm, tuy nhiên đối với khoản này phải lưu ý trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ.

 Cụ thể, Quyết định số 1950/QĐ-TTg nêu rõ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2021 từ: một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2020 còn dư chuyển sang (nếu có); 70% nguồn tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương so dự toán năm 2020; 50% nguồn tăng thu dự toán năm 2021 của ngân sách địa phương so dự toán năm 2020 để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2021 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.

 Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính xác định và giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm năm 2021 để tạo nguồn cải cách tiền lương cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định; xác định số tăng thu ngân sách trung ương trình cấp có thẩm quyền; số tăng thu nguồn ngân sách từng địa phương, làm cơ sở để thông báo cho các địa phương triển khai thực hiện. (Congly.vn 06/12) Về đầu trang

Nơi người dân Huế trao gửi niềm tin

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tại TT-Huế hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn.

 Áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình làm việc với người dân, nhắm lắng nghe, xử lý ý kiến của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đồng thời, lấy mức độ hài lòng làm tiêu chí đánh giá khen thưởng là điều mà các cơ quan hành chính tại tỉnh TT-Huế đã và đang triển khai rất tốt trong những năm vừa qua. Tất cả đều được kết nối thông qua một đơn vị duy nhất là Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh.

 Những ngày bão lụt vừa qua, các cán bộ của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh TT-Huế phải hoạt động gần như hết công suất bởi tín hiệu cầu cứu hay các thông tin người dân cần hỗ trợ liên tục đổ về trên hệ thống.

Mỗi ngày, trung tâm nhận được khoảng 100 phản ánh. Thông qua hệ thống AI và các cán bộ của trung tâm, cùng với hệ thống cán bộ địa phương sẽ tiếp nhận, xác minh thông tin và xử lý các vụ việc.

 Người dân cũng sẽ được bày tỏ quan điểm, đánh giá về chất lượng cũng như thông tin sau khi nhận câu trả lời. Mức độ hài lòng sẽ là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua cuối năm của các đơn vị hành chính trong tỉnh. Tất cả những yếu tố đó đã tạo cho người dân một sự tin tưởng về một hệ thống chính quyền của dân, do dân và vì dân. (Vtv.vn 06/12) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Ngân sách đã chi 17.900 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch COVID-19

Theo Bộ Tài chính, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên thu ngân sách giảm so với cùng kỳ những năm gần đây.

 Theo Bộ Tài chính, ngân sách Nhà nước (NSNN) đã chi khoảng 17.900 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; ngân sách Trung ương đã sử dụng hơn 4.540 tỷ đồng dự phòng để chi khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt và dịch tả lợn châu phi.

 Trong đó, Chính phủ đã chi ngân sách hỗ trợ 9 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khắc phục hậu quả bão, lũ và 11 tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả mưa đá, giông lốc, lũ quét, sạt lở đất với tổng số tiền 1.630 tỷ đồng. (Thuonghieucongluan.com.vn 05/12) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Indonesia bị bắt với cáo buộc tham nhũng

Ngày 6/12, Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia đã bắt giữ ông Juliari Batubara, Bộ trưởng các vấn đề xã hội nước này.

 Ông Juliari Batubara bị bắt giữ vì liên quan đến hành vi tham nhũng những khoản trợ cấp xã hội của Chính phủ Indonesia dành cho các địa phương ứng phó với đại dịch COVID-19.

 Trước đó, ông Batubara bị nghi ngờ đã biển thủ công quỹ trị giá 17 tỷ Rupiah (khoảng 1,2 triệu USD). Số tiền này là từ 2 gói trợ cấp xã hội liên quan đến các nhu cầu cơ bản trong xử lý dịch bệnh có trị giá 5,9 nghìn tỷ Rupiah (khoảng 418 triệu USD), được thực hiện trong 2 giai đoạn trong năm 2020.

 Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia cho biết có thể đề nghị kết án tử hình đối với những quan chức có hành vi tham nhũng, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch đang tiếp diễn rất khó khăn tại nước này.

 Phó Chủ tịch Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia, ông Nawawi Pomolango, cho biết, cơ quan này có thể sẽ đề nghị tòa án kết án tử hình đối với những quan chức có hành vi tham nhũng, đặc biệt là các quan chức thực hiện hành vi tham nhũng trong giai đoạn đại dịch đang tiếp tục diễn biến khó lường. Đây là thời điểm đất nước khó khăn nhất, cần có sự chung tay của cả người dân và Chính phủ để giải quyết vấn đề dịch bệnh. Do vậy, cần có bản án nghiêm khắc đủ để răn đe và cảnh báo.

 Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia, ông Firli Bahuri, nhấn mạnh rằng, Chính phủ nghiêm cấm hành vi tham nhũng, đặc biệt trong bối cảnh như hiện nay. Những trường hợp bị phát hiện có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là án tử hình. (Vtv.vn 06/12) Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More