Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 15-11-2019

Post date: 15/11/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1.Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. 1

2. Ủng hộ thí điểm bỏ Hội đồng Nhân dân cấp phường ở Hà Nội 3

3. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng vũ khí tương tự vũ khí quân dụng. 3

CHỈ THỊ MỚI 4

4. Chấn chỉnh việc cấp văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận. 4

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

5. ECA: Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tăng trưởng lương. 4

6. Chính phủ yêu cầu đánh giá nguyên nhân giảm bậc chỉ số môi trường kinh doanh. 4

7. Đề xuất cắt giảm ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. 5

8. TS. Vũ Tiến Lộc: “5 triệu hộ kinh doanh cá thể là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng vặt”. 7

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

9.Cán bộ “chết chùm”, cần truy cứu trách nhiệm người đứng đầu. 8

QUẢN LÝ.. 9

10.  Chính phủ giao nhiệm vụ cho từng bộ về cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. 9

11.Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về tăng tuổi nghỉ hưu. 10

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

12.TP Hồ Chí Minh: Cải cách hành chính hải quan giúp tiết kiệm 2.000 tỷ đồng/năm.. 11

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 12

13. Cà Mau chi ngân sách xây nhà nghỉ nội bộ: Chủ yếu phục vụ khách… quan trọng(!?) 12

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 13

14.  Công bố quyết định kỷ luật của Ban Bí thư đối với lãnh đạo tỉnh ​Khánh Hòa. 13

15.   Hà Nội: Nhiều Sở kiểm điểm sau thanh tra vi phạm đất rừng Sóc Sơn. 14

16.Hậu Giang: Con lãnh đạo từ công chức phường thành phó phòng thị xã sau 1 ngày. 16

17. Khởi tố một Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy ở Hà Tĩnh. 16

THẾ GIỚI 17

18. Singapore áp dụng trí tuệ nhân tạo ở tất cả các cửa khẩu xuất nhập cảnh. 17

 TIN QUỐC HỘI

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020

Với tỷ lệ 90,48% biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

 Mở đầu phiên làm việc sáng 14/11, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

 Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hệ thống điện tử. Kết quả biểu quyết có 437/440 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 90,48% trên tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

 Cụ thể, Quốc hội quyết nghị tổng số thu ngân sách Trung ương là 851.768 tỷ đồng; Tổng số thu ngân sách địa phương là 660.531 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách trung ương là 1,069 triệu tỷ đồng, trong đó dự toán 367.709 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

 Theo Nghị quyết, Quốc hội đồng ý phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương; phân bổ số bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu và phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương. Quốc hội cũng tán thành với mức bội thu, mức vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương. 

Nghị quyết cũng nêu rõ Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội đến từng cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước trước ngày 31 tháng 12 năm 2019; thực hiện công khai, báo cáo kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

 Chính phủ cũng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển theo thứ tự ưu tiên đã được quy định trong Luật và Nghị quyết của Quốc hội có liên quan, ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; tuân thủ nghiêm danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

 Đáng chú ý, Nghị quyết cũng nêu rõ, trước ngày 30/11/2019, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2020 theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đồng thời, trước ngày 31/12/2019 các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới, gửi phương án phân bổ chi tiết cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ và theo dõi thực hiện.

 Quôc hội cũng giao Chính phủ tiếp tục cơ chế giao dự toán ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong dự toán ngân sách nhà nước cho Bộ Giao thông vận tải.

 Cùng với đó, phân bổ tăng thêm 2% dự toán số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách các địa phương nhận bổ sung cân đối so với dự toán năm 2019.

 Về giám sát và kiểm toán việc phân bổ ngân sách Trung ương, Nghị quyết nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật, giám sát việc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 của các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.

 Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, tiến hành kiểm toán việc thực hiện phân bổ ngân sách trung ương bảo đảm đúng quy định của pháp luật. (VTV.vn 14/11)Về đầu trang

Ủng hộ thí điểm bỏ Hội đồng Nhân dân cấp phường ở Hà Nội

Theo dự thảo Nghị quyết, 177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây của Hà Nội sẽ thí điểm không tổ chức HĐND phường bắt đầu từ 1/6/2021.

 Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội. Nhiều ĐBQH đồng tình về mục tiêu, thời gian và phạm vi thí điểm và cho rằng đây là một điểm táo bạo, đổi mới để thực hiện nghị quyết của Quốc hội về tinh giản biên chế và sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

 Việc thí điểm này phần nào đáp ứng yêu cầu trực tiếp đổi mới cải cách bộ máy tổ chức tinh gọn, giảm cấp trung gian, giảm thủ tục hành chính, hiệu lực, hiệu quả hơn.

 Một số đại biểu Quốc hội cũng đã góp ý để hoàn thiện Nghị quyết nhằm đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp và điều kiện thực thi việc thí điểm này. (VTV.vn 14/11) Về đầu trang

Quản lý chặt chẽ việc sử dụng vũ khí tương tự vũ khí quân dụng

Sáng 14/11, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

 Các đại biểu đồng tình việc cần thiết sửa đổi điều luật này nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép và chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.

 Mặc dù ở Việt Nam, công tác quản lý vũ khí quân dụng là hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, trước thực tế tội phạm có sử dụng các loại vũ khí tự chế có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng để gây án, nhiều đại biểu cho rằng việc sửa đổi này sẽ khắc phục giải quyết hơn 230 vụ án tồn đọng có liên quan.

 Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật cần đồng thời xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 304 của Bộ luật Hình sự.

 Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, mục tiêu xây dựng dự án luật này là nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 để có căn cứ pháp lý trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ và vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt, vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Do vậy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết phạm vi sửa đổi lần này là phù hợp. (VTV.vn 14/11)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chấn chỉnh việc cấp văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa yêu cầu các cơ quan rà soát, chấn chỉnh việc đào tạo, cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

 Bộ Công an chủ trì, rà soát trên các trang mạng xã hội, xử lý nghiêm hành vi mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả. Báo cáo Thủ tướng chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 31/12.

 Thời gian qua nạn buôn bán bằng giả diễn ra tràn lan, thậm chí còn được công khai trên Internet. Các giao dịch cũng được thực hiện một cách dễ dàng. (VTV.vn 14/11)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

ECA: Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tăng trưởng lương

Theo kết quả khảo sát của hãng tư vấn độc lập Quản lý thu nhập người nước ngoài (ECA), Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tăng trưởng tiền lương, với mức tăng 5,1% dự kiến vào năm 2020.

 Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn kết quả khảo sát cho thấy Ấn Độ vẫn đứng đầu châu Á với mức tăng lương trung bình 5,4%. Trung Quốc có mức tăng lương dự kiến đạt 3,6% vào năm 2020.

 Tăng trưởng lương tại Singapore vào khoảng 3% trong năm 2020, giảm so với 3,3% của năm nay, song vẫn cao hơn mức trung bình ở châu Á-Thái Bình Dương và hơn gấp hai lần mức tăng của Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) là 1,4%.

 Mức tăng lương trung bình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào khoảng 3,2%, cao hơn nhiều so với mức 1,4% toàn cầu và 1,1% của châu Âu. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 2 sau Ấn Độ và xếp trên Indonesia, Campuchia, Thái Lan. Người lao động ở Thái Lan sẽ hưởng mức lương tăng 4,1% vào năm 2020, so với mức tăng 3,9% trong năm nay.

 Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của ECA, ông Lee Quane cho rằng người lao động ở Việt Nam và Thái Lan sẽ được hưởng mức tăng lương cao hơn đánh giá của hãng này vì thu nhập của họ cao hơn trong khi chỉ số lạm phát ở hai nước này được dự báo thấp trong năm 2020.

 Theo ông Lee, đây là một xu hướng dài hạn cho cả hai nước Việt Nam và Thái Lan, khi năng suất lao động tiếp tục tăng và lạm phát được kiểm soát.

 Trong danh sách 20 nền kinh tế có tốc độ tăng lương ấn tượng, châu Á tiếp tục dẫn đầu với 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời chiếm trọn 5 vị trí cao nhất. (Bnews.vn 13/11)Về đầu trang

Chính phủ yêu cầu đánh giá nguyên nhân giảm bậc chỉ số môi trường kinh doanh

Các Bộ, ngành sẽ đánh giá nguyên nhân giảm bậc hoặc xếp hạng thấp và chịu trách nhiệm cải thiện từng chỉ số thành phần.

 Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới vừa công bố, chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm 1 bậc (từ vị trí 69 xuống vị trí 70/190 nền kinh tế được khảo sát), trong đó đa số các chỉ số thành phần giảm bậc. Trước thực tế này, Chính phủ đã yêu cầu đánh giá nguyên nhân giảm bậc chỉ số môi trường kinh doanh.

 Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành đánh giá nguyên nhân giảm bậc hoặc xếp hạng thấp và chịu trách nhiệm cải thiện từng chỉ số thành phần. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc nhiệm vụ này. Các Bộ tiến hành rà soát, đề xuất xử lý các vướng mắc do các quy định của các luật, pháp lệnh, Nghị định, Thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn. (VTV.vn 14/11)Về đầu trang

Đề xuất cắt giảm ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Tại Hội thảo “Diễn đàn chính sách tài khóa và phát triển Việt Nam 2019 - Hướng tới một hệ thống thuế công bằng” diễn ra ngày 13.11, đại diện tổ chức Oxfam cho biết, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đã tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể và làm gia tăng khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Nếu cắt giảm các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp tăng thu ngân sách 20%, trong khi không có tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.

 Theo đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), mặc dù, hiện nay Việt Nam đã có nhiều cải cách tích cực về hệ thống thuế, tuy nhiên vẫn còn phức tạp và chưa tương đồng với các nước trên thế giới. Một số sắc thuế còn khá cao, kém cạnh tranh, trong khi một số sắc thuế khác lại chưa có; cấu trúc thu ngân sách kém bền vững; tình trạng trốn và tránh thuế còn nhiều phức tạp; chu trình ngân sách kém hiệu quả; thực trạng phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương còn nhiều bất cập.

 Đi vào cụ thể, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý Chương trình cấp cao về quản trị Oxfam tại Việt Nam cho biết, thu ngân sách từ thuế của Việt Nam giảm dần qua các năm. Thu ngân sách đã giảm từ mức 27,3% GDP (năm 2010), xuống 23,7% GDP (năm 2016). Một trong những lý do giảm thu ngân sách và thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong những năm qua là do sụt giảm nguồn thu từ thuế và giảm sụt giá dầu thô. Thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh từ năm 2006, từ 6,9% GDP năm 2010, xuống còn 4,3% GDP năm 2017. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam.

 Theo ông Johan Langerock, chuyên gia về chính sách thuế của Tổ chức Oxfam, trong nhiều năm qua, Việt Nam thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế. Và một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thu ngân sách từ thuế giảm xuống là do sự tập trung vào giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp và tăng ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông dẫn số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), theo đó, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tại Việt Nam tương đương với 1% GDP, tương đương trên 50 nghìn tỷ đồng. Số tiền này có thể đầu tư xây dựng 25 bệnh viện mới với quy mô 1.000 giường tại Việt Nam.

  Cũng theo ông Johan Langerock, ưu đãi thuế đang được tập trung vào nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo), có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong khu công nghiệp. Năm 2016, thuế suất phổ thông là 20% thì thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp trong nhóm này chỉ khoảng 10%. Đáng chú ý, trong khi nguồn thu ngân sách từ thuế giảm thì chi tiêu qua thuế (nguồn thu mất đi do ưu đãi thuế) vẫn duy trì ở mức cao.

 Phân tích và lượng hóa các chi phí và lợi ích ưu đãi thuế của Việt Nam, bà Hương cho hay, ước tính, giai đoạn 2012 - 2016, tổng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam bằng 7% tổng thu ngân sách nhà nước, tương ứng với 5% tổng chi ngân sách nhà nước và luôn cao hơn số ngân sách chi cho y tế, cao nhất là năm 2012 với con số bằng 1,4 lần chi cho y tế. Từ đó, Việt Nam đã mất đi một nguồn lớn ngân sách có thể đầu tư cho y tế, trong khi số tiền túi mà người dân Việt Nam bỏ ra để khám, chữa bệnh chiếm 44,6% (năm 2016) tổng chi tiêu cho ngành y tế. “Khi nguồn ngân sách thu từ thuế từ các công ty lớn giảm, áp lực đóng thuế VAT của người dân bình thường sẽ tăng lên hoặc dịch vụ công như y tế hay giáo dục cho người dân bị cắt giảm”, bà Hương nói.

 Hơn nữa, nếu OECD thông qua áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, mà Việt Nam vẫn tiếp tục ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp và mức đóng thuế thực tế của các doanh nghiệp thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu, thì Chính phủ các nước bản địa của các doanh nghiệp nước ngoài có quyền thu phần chênh lệch giữa thuế thực trả của doanh nghiệp tại Việt Nam và mức thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ mất đi một phần nguồn thu lớn từ thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nước phát triển.

 Nghiên cứu của Liên minh Công bằng thuế Việt Nam và Oxfarm cũng cho thấy, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đã tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể và làm gia tăng hơn nữa khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Và nếu cắt giảm các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp tăng thu ngân sách 20%, trong khi không có tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô. Đại diện Oxfam dẫn một khảo sát gần đây của Grant Thornton về triển vọng đầu tư tư nhân tại Việt Nam, trong đó, 69% số câu trả lời coi sự gia tăng của thu nhập khả dụng và tầng lớp trung lưu là yếu tố quan trọng nhất để đầu tư vào Việt Nam; 60% cân nhắc tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; và chỉ 13% coi ưu đãi và trợ cấp của chính phủ là yếu tố quan trọng nhất.

 Nhìn ở bình diện rộng hơn, Oxfam cho rằng, đây không chỉ là vấn đề ở cấp độ quốc gia mà là một cuộc đua xuống đáy khốc liệt về các sắc thuế cho doanh nghiệp giữa các quốc gia trong khối ASEAN. Các công ty trong khu vực ASEAN đã và đang trả mức thuế suất ngày càng thấp trong thập kỉ qua. Trong môi trường kinh doanh như vậy, các công ty lớn với các cổ đông giàu có ngày càng hưởng nhiều lợi ích, trong khi các dịch vụ công thiết yếu cho người dân thường chưa được đầu tư phát triển đúng mức.

 Đại diện Oxfam đưa ra hai khuyến nghị. Một là, loại bỏ một số ưu đãi thuế sau khi thực hiện đánh giá tác động. Hai là, với vai trò là chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam nên bổ sung vấn đề về cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về chủ đề này. “Cả hai hành động này đều nhắm tới việc tăng nguồn thu ngân sách từ thuế một cách công bằng và bình đẳng. Nếu thành công, bất bình đẳng trong xã hội sẽ giảm và Chính phủ sẽ có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư cho y tế, giáo dục và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt hơn ở Việt Nam” đại diện Oxfam tin tưởng. (Đại biểu nhân dân 14/11)Về đầu trang

TS. Vũ Tiến Lộc: “5 triệu hộ kinh doanh cá thể là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng vặt”

Theo Chủ tịch VCCI, khu vực kinh tế hộ gia đình với mô hình quản trị rất sơ khai. Đó chính là mảnh đất "màu mỡ" cho tham nhũng vặt.

 Trao đổi với BizLIVE bên lề Hội thảo: "Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy cam kết kinh doanh liêm chính" diễn ra ngày 13/11, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, nạn tham nhũng đang khá phổ biến trên thế giới và cả ở Việt Nam, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa các cán bộ với doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ.

 Trong môi trường kinh doanh chưa thực sự minh bạch, luật pháp chồng chéo, nhất là khi hành vi và ứng xử của công chức có thể ảnh hưởng lớn đến các quyết định hành chính thì thường tham nhũng có điều kiện phát triển.

 Khu vực kinh tế hộ gia đình với mô hình quản trị rất sơ khai. Đó chính là mảnh đất "màu mỡ" cho tham nhũng vặt. Do đó, việc chuẩn hoá, việc minh bạch hoá, đưa các hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp với tư cách là một đối tượng điều chỉnh sẽ giúp nâng cấp khu vực này.

 "Điều này này sẽ giúp giải quyết định gốc rễ nạn tham nhũng vặt và xây dựng kinh doanh liêm chính", TS. Lộc nói.

 Theo TS. Lộc, kinh doanh liêm chính là cần thiết với tất cả doanh nghiệp, từ doanh nghiệp xuyên quốc gia đến các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Tuy nhiên, đối với các tập đoàn xuyên quốc gia hay doanh nghiệp lớn, họ có hệ thống quản trị minh bạch. Đây là công cụ rất tốt trong việc phòng chống tham nhũng còn với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị còn ở mức sơ khai thì việc ứng dụng bộ công cụ kinh doanh liêm chính trở nên vô cùng quan trọng.

 “Sự chuyên nghiệp, hành vi đạo đức đúng đắn và tính chính trực được đề cao đối với nhân viên, khách hàng và chuỗi cung ứng là phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh,” TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

 Đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam qua việc thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: “Thay đổi cần thời gian, vì vậy chúng ta cần có những mục tiêu rõ ràng cho từng thời điểm để theo dõi tiến độ thực hiện cam kết, đảm bảo cam kết không chỉ là một lời hứa mà còn là một công cụ hiệu quả thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch tại Việt Nam.”

 Tại buổi hội thảo cũng đã ghi nhận sự cam kết của 11 Hiệp hội doanh nghiệp trong việc thúc đẩy liêm chính doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây là kết quả của cuộc vận động quy mô nhỏ do VCCI thực hiện kêu gọi một số Hiệp hội doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM tham gia ký kết “Bản cam kết kinh doanh liêm chính”.

 Bản cam kết này có mục đích đề cao giá trị cốt lõi của tính chính trực, tính trách nhiệm và hành vi đạo đức của doanh nghiệp, hướng tới cùng hợp tác hành động nhằm xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính. (Bizlive.vn 14/11, Hạ An)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Cán bộ “chết chùm”, cần truy cứu trách nhiệm người đứng đầu

Nếu chỉ so với hai người chưa đến tuổi thành niên vì đói mà ăn cướp bánh mì ở TP HCM cũng bị xử lý hình sự thì sai phạm của một số vị đứng đầu tỉnh nếu chỉ xử lý hành chính liệu có công bằng?

 Với những gì Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã, đang thực hiện cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng vẫn đang rất quyết liệt, không có vùng cấm và ngày càng cương quyết hơn, đồng thời cũng cho thấy ở một số địa phương, lãnh đạo đã “hỏng cả chùm” trong hai khóa liên tục.

 Điển hình nhất, gần đây nhất là việc Chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cùng bị Ban Bí thư quyết định kỷ luật cách hết tất cả chức vụ trong Đảng. Hai ông cùng tập thể lãnh đạo tỉnh vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng.

 Kết luận của Ban Bí thư cho thấy, các vị lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa vi phạm những nguyên tắc tối thiểu về những quy định của pháp luật, diễn ra trong hai khóa liền. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng hệ thống lãnh đạo, các đoàn thể của tỉnh Khánh Hòa đã bị tê liệt? Một câu hỏi khác cần đặt ra tiếp: Trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương đến đâu khi để những sai phạm sờ sờ trước bàn dân thiên hạ có thể kéo dài đến như vậy?

 Trước đó, ở Đồng Nai liên tiếp hai Trưởng đoàn ĐB Quốc hội của Đồng Nai  là ông Hồ Văn Năm và bà Phan Thị Mỹ Thanh cùng bị kỷ luật và cho thôi làm đại biểu. Đáng chú lý là bà Mỹ Thanh vi phạm nghiêm trọng khi giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó có những sai phạm rất trắng trợn: Ký quyết định không thuộc mảng mình phụ trách cho Cty của chồng thực hiện dự án kinh tế. Còn ông Năm, ở cương vị Viện trưởng VKSND tỉnh, rồi tiếp là Trưởng Ban Nội chính vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thực hiện không đúng nhiệm vụ, can thiệp trái quy định vào việc xử lý một số vụ án, vụ việc.

    Trong cả hai trường hợp này, điều khiến dư luận băn khoăn, từng bị Ban Bí thư  kỷ luật cảnh cáo, nhưng bà Mỹ Thanh vẫn giữ trọng trách Trưởng đoàn QH khá lâu trước khi bị mất chức. Những ngày đó công luận từng lên tiếng với những sai phạm như vậy bà Thanh làm sao đủ uy tín để làm ĐB Quốc hội chứ chưa nói gì là Trưởng đoàn ĐB. Còn với ông Năm là người dựa vào nắm trọng trách của cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương  đã can thiệp thô bạo vào các vụ án trong nhiều năm, nhưng vẫn được giới thiệu và trúng cử  ĐB Quốc hội 3 khóa liên tục!? Không thể hình dung nổi. Điều đó khiến dư luận thêm hoài nghi về công tác kiểm tra, quản lý cán bộ. 

Gần như đồng thời việc phát hiện xử lý kỷ luật Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy, việc một loạt cán bộ chủ chốt của Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, trong đó có cả Giám đốc, nguyên Giám đốc khóa trước bị cách chức, khai trừ Đảng khiến dư luận bàng hoàng và sững sờ. Những vị đứng đầu các cơ quan bảo vệ pháp luật sai phạm như vậy thì pháp luật chắc chắn sẽ chỉ là ... trò đùa của họ. Nhưng sẽ đắng cay hơn nếu dư luận tự hỏi:  Có bao nhiêu vụ án bị đổi trắng thay đen, bao nhiêu vụ án oan sai, bao nhiêu kẻ gây tội đã thoát tội và bao con người bị bức hại, bao gia đình đã tan nát chỉ vì những vị nhân danh pháp luật như thế này gây ra?

 Do đó, dù có cách chức tuốt tuồn tuột của các vị này đi nữa liệu đã đủ sức răn đe không, hay hình thức kỷ luật hành chính tưởng như nghiêm khắc này lại càng khuyến khích đối tượng khác tiếp tục phạm tội?

 Cần nhắc lại, trước đó hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng của hai khóa liên tiếp là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến vì tiếp tay cho Vũ “nhôm” thâu tóm đất công đã bị xử lý hình sự. Vậy đến khi nào những vị lãnh đạo ở Khánh Hòa, ở Đồng Nai sẽ bị truy cứu trách nhiệm? Tất nhiên, quy trình để xử lý hình sự không đơn giản, nhưng làm quá chậm hoặc để lọt người lọt tội, dư luận sẽ mất niềm tin vào công lý.

 Mặt khác, dư luận chưa thể quên chuyện hai đứa trẻ chưa đến tuổi thành niên vì đói mà ăn cướp bánh mì ở TP HCM cũng bị ra tòa, bị kết án tù. Chỉ khi dư luận dậy sóng, đến phiên tòa phúc thẩm, hai đứa trẻ này mới được tuyên miễn chịu trách nhiệm hình sự. Nếu so với vụ án này thì tội trạng của các vị đứng đầu UBND tỉnh, đứng đầu cơ quan bảo vệ pháp luật trong các vụ việc nêu trên nếu chỉ xử lý hành chính liệu có công bằng?  Mặt khác, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Với trách nhiệm của người đứng đầu, Bí thư tỉnh ủy những tỉnh để những cán bộ thuộc quyền quản lý của mình sai phạm nghiêm trọng như vậy liệu có thể vô can? (Dantri.com.vn 14/11, Vương Hà)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Chính phủ giao nhiệm vụ cho từng bộ về cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 vừa được Chính phủ ban hành, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục cải cách các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

 Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm, trình Chính phủ trong Quý I/2020.

 Trong tháng 11/2019, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ rà soát, đề xuất xử lý các vướng mắc do quy định của các luật, pháp lệnh báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát, đề xuất xử lý các vướng mắc do quy định của các Nghị định, Thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn.

 Đối với các mặt hàng còn chịu nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan, trong đó, với sữa chế biến và sản phẩm chế biến từ sữa, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với sữa chế biến và sản phẩm chế biến từ sữa theo hướng chỉ định các cơ quan thú y vùng, cơ quan kiểm dịch động vật vùng có đủ điều kiện, năng lực thực hiện việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này. Cơ quan được chỉ định thực hiện đồng thời việc kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch theo quy định.

 Chính phủ cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu đối với bột, tinh bột. Bộ Công Thương rà soát, cắt giảm các mặt hàng này trong danh mục các mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

 Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, loại bỏ các sản phẩm, hàng hóa là chất hỗ trợ chế biến Casein ra khỏi danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế rà soát, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng dược liệu phải kiểm dịch. (Haiquanonline.com.vn 13/11, Hương Dịu) Về đầu trang

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về tăng tuổi nghỉ hưu

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa có văn bản gửi BHXH Việt Nam liên quan đến điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động (sửa đổi).

 Theo đó, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại hai kỳ họp bảy và tám, Quốc hội khóa XIV, để đảm bảo tính đồng bộ về tăng tuổi hưu, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị cơ quan có ý kiến về tăng tuổi nghỉ hưu.

 Trong đó, phương án 1 (do Chính phủ trình) quy định, từ năm 2021, mỗi năm tăng ba tháng với nam và bốn tháng với nữ, để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và của nam là 62 tuổi vào năm 2028.

 Phương án 2, Bộ luật Lao động sẽ quy định nguyên tắc tăng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60), từ ngày 1-1-2021. Theo đó, Chính phủ sẽ quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm lao động khác nhau.

 Hai phương án trên đều có quy định chung là người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá năm tuổi so với quy định.

 Liên quan đến điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, tổng thư ký Quốc hội cũng vừa có văn bản tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường tại kỳ họp thứ tám về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

 Theo đó, nhiều ý kiến đồng ý phương án 1, một số ý kiến đồng ý phương án 2. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ cụm từ “trong điều kiện lao động bình thường”, nếu không quy định rõ thì chưa tạo được sự đồng thuận lớn. Một số ý kiến đề nghị đối với lao động nữ nên được nghỉ hưu ở tuổi 58 là phù hợp.

 Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu việc tăng tuổi nghỉ hưu theo hướng công chức thì nên tăng tất cả, viên chức nên tăng một bộ phận lớn, công nhân lao động thì tăng một bộ phận nhỏ sao cho phù hợp. 

Đặc biệt, có ý kiến cho rằng Chính phủ cần quy định chi tiết theo hướng xem xét không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn, nghỉ hưu sớm hơn từ 5-10 năm so với quy định của luật đối với các trường hợp lao động ở lĩnh vực độc hại, nguy hiểm, môi trường đặc biệt, trong đó có công nhân, thầy thuốc, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, người làm nghệ thuật...

 Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc thông qua tại kỳ họp này vì khi thảo luận dự luật có nhiều ý kiến cho rằng nên thông qua với quy trình ba kỳ họp. Với những vấn đề hiện nay đang đặt ra của dự luật, Quốc hội cũng cần phải cân nhắc. Rõ ràng còn nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều, chưa tập trung, chưa thống nhất, kể cả về tuổi nghỉ hưu và giảm thời giờ làm việc bình thường.

 “Đồng thời, với việc sửa đổi bộ luật này cũng cần phải sửa Luật Công đoàn để Chính phủ có thời gian chuẩn bị các nghị định quy định chi tiết. Còn hai phương án nghỉ hưu nếu chọn phương án 2 Chính phủ phải có nghị định hướng dẫn thi hành…” - báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu rõ. (Pháp Luật TPHCM 14/11, Viết Long)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TP Hồ Chí Minh: Cải cách hành chính hải quan giúp tiết kiệm 2.000 tỷ đồng/năm

Ngày 13.11, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh công bố Đề án tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động Logistics và chống ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, mục tiêu giảm 70% thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội ước tính từ 1.000 đến 2.000 tỷ đồng/năm.

 Cải cách hành chính giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội ước tính từ 1.000 đến 2.000 tỷ đồng/năm

 Đề án nhằm nâng cao khả năng liên kết vùng, giảm ùn tắc giao thông, gia tăng khả năng lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng Cát Lái đến khu vực vành đai và các tỉnh lân cận.

 Để triển khai thực hiện Đề án, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và lựa chọn 200 doanh nghiệp tham gia đề án là đại lý hải quan và doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, kim ngạch lớn, đóng góp số thu ngân sách cao trong tổng số 50.000 doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

 Các đơn vị sẽ thực hiện các giải pháp như: bố trí khu vực lưu trữ hàng hóa riêng, có phương án giao nhận hàng hóa tại cầu cảng và phân luồng di chuyển riêng cho xe chở container của các doanh nghiệp tham gia đề án; đồng thời tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đẩy nhanh thủ tục, giảm chi phí…

 Ngoài ra, các đơn vị cũng triển khai xây dựng hệ thống giám sát trực tuyến quá trình làm thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu và đánh giá mức độ hài lòng của người đi làm thủ tục hải quan đối với công chức hải quan và cơ quan hải quan, chia sẻ thông tin về hàng hóa đang làm thủ tục.

 Với ứng dụng này, người làm thủ tục và lãnh đạo doanh nghiệp có thể theo dõi, giám sát tiến độ giải quyết thủ tục cho các lô hàng từ khi nhập cảng đến khi thông quan, biết hồ sơ của đơn vị mình đang được xử lý ở giai đoạn nào, lãnh đạo doanh nghiệp tiếp cận được thông tin phản hồi chính xác của cơ quan hải quan, loại bỏ các thông tin không trung thực. (Đại Biểu Nhân Dân 14/11)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Cà Mau chi ngân sách xây nhà nghỉ nội bộ: Chủ yếu phục vụ khách… quan trọng(!?)

Liên quan đến việc tỉnh Cà Mau chi ngân sách xây nhà nghỉ nội bộ hàng chục tỷ đồng, Chánh văn phòng Tỉnh ủy lý giải, nhà nghỉ này không có mục đích kinh doanh mà chủ yếu phục vụ khách nội bộ, quan trọng.

 Tại buổi họp báo của tỉnh Cà Mau mới đây, báo giới đặt vấn đề, vừa qua dư luận địa phương băn khoăn, Cà Mau đã có nhà khách Minh Hải (trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy) thì có cần thiết phải chi ngân sách hàng chục tỷ đồng để xây thêm 3 nhà nghỉ nội bộ khác của tỉnh ủy.

 Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Nhứt - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, có 2 lý do để tỉnh này quyết định xây dựng công trình 3 nhà nghỉ nội bộ của Tỉnh ủy.

 Theo ông Nhứt, nhà khách Minh Hải là đơn vị sự nghiệp công, tự chủ 100% kinh phí hoạt động. Hàng năm, trên cơ sở lợi nhuận, nhà khách phải nộp vào ngân sách Đảng. Do được phép làm kinh doanh, nhà khách tổ chức tiệc cưới, tiệc ăn, cho thuê phòng nghỉ. Ngoài ra, nhà khách còn phục vụ lãnh đạo Trung ương, các Bộ, ngành đến làm việc. Từ đó, nhà khách luôn bị động trong công tác bố trí sắp xếp. Việc lên phương án bảo vệ an ninh cho lãnh đạo Trung ương đến làm việc rất vất vả.

 “Từ những lý do đó, trên cơ sở xem xét nhiều mặt, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cà Mau quyết định chủ trương đầu tư xây dựng khu nhà nghỉ nội bộ của Tỉnh ủy”, ông Nhứt nói.

 Chánh văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau thông tin, nhà nghỉ nội bộ Tỉnh ủy được đầu tư chia làm 3 giai đoạn, với kinh phí hơn 39 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Nhà nghỉ này chỉ có 17 phòng nghỉ, còn lại là các phòng phụ trợ khác và hệ thống cây xanh, đường nội bộ… trên diện tích khoảng 3.400m2.

 Nói về tiêu chuẩn khách được ở nhà nghỉ nội bộ Tỉnh ủy, theo ông Nguyễn Minh Nhứt, mục tiêu xây dựng nhà nghỉ nội bộ để đảm bảo phục vụ ăn nghỉ tốt nhất, an toàn nhất cho lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quan trọng của Bộ, ngành Trung ương đến thăm, làm việc với tỉnh Cà Mau.

 “Nói là nhà khách nội bộ vì không đưa vào mục đích kinh doanh mà chỉ phục vụ khách nội bộ từ Trung ương và một số khách quan trọng khác như cán bộ hưu trí, lão thành cách mạng. Tùy theo thời điểm và sự kiện của tỉnh, khi có các đoàn khách đến, trách nhiệm của các văn phòng sẽ xin ý kiến cụ thể với lãnh đạo tỉnh để bố trí ăn nghỉ, chứ không có quy định cụ thể về tiêu chuẩn khách”, ông Nhứt lý giải.

 Chánh văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau cũng khẳng định, dù xây thêm nhà nghỉ nhưng không phát sinh thêm về tổ chức bộ máy để phục vụ.

 “Hiện nay chúng tôi mới sáp nhập các văn phòng phục vụ chung của cấp ủy, từ đó sẽ bố trí những người phục vụ này phục vụ luôn nhà nghỉ nội bộ”, ông Nhứt quả quyết.

 Như Dân trí đã đưa tin, vào tháng 7/2018, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt dự án xây dựng 3 nhà nghỉ nội bộ Tỉnh ủy Cà Mau, với tổng mức đầu tư hơn 39 tỷ đồng.

 Công trình được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách tập trung, nguồn thu sử dụng đất do tỉnh quản lý trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

 Theo đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng nhà nghỉ 1 và nhà nghỉ 2, nhà bảo vệ, bể nước ngầm, cống, hàng rào, sân, đường nội bộ. Giai đoạn 2 xây dựng nhà nghỉ 3 và hàng rào, sân, đường nội bộ,...

 Thời gian thực hiện dự án này từ năm 2019 đến năm 2021. Hiện có một số gói thầu đang được triển khai xây dựng.

 Được biết, hiện tỉnh Cà Mau đã có nhà khách Minh Hải (nằm gần với công trình 3 nhà nghỉ nội bộ đang xây dựng) đang hoạt động, thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau. Nhà khách này được xem là nơi phục vụ nơi ăn, nghỉ các đoàn khách đến thăm, làm việc với tỉnh và thực hiện một số nhiệm vụ khác của cơ quan quản lý giao. (Dantri.com.vn 14/11, Huỳnh Hải)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Công bố quyết định kỷ luật của Ban Bí thư đối với lãnh đạo tỉnh ​Khánh Hòa

Sáng 14.11, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Thế Toàn, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố các quyết định kỷ luật của Ban Bí thư đối với tập thể và các cá nhân lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.

 Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa; cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa.

 Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015-2020 và Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016, nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng.

 Ban Bí thư cũng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các ông: Lê Đức Vinh (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016); Nguyễn Chiến Thắng (Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016); Đào Công Thiên (Tỉnh ủy viên, ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021).

 Ông Vinh bị kỷ luật vì cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa trong 2 nhiệm kỳ và những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng, của UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016; chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016 - 2021.

 Ông Thắng bị kỷ luật vì cùng chịu trách nhiệm về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2010-2015; chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng và UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016. Ông Vinh và Thắng đã trực tiếp ký các văn bản của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, của UBND tỉnh Khánh Hòa về đất đai, về đầu tư xây dựng các dự án, vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có nội dung cố ý vi phạm.

 Ông Đào Công Thiên bị kỷ luật vì cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021; đã trực tiếp ký các văn bản về đất đai và đầu tư xây dựng các dự án vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

 Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: "Trách nhiệm của Ban thường vụ Tỉnh ủy 2 nhiệm kỳ đã rõ, cần phải thể hiện cầu thị, nhận lấy thiếu sót và có hướng khắc phục. Còn bản thân các đồng chí trong thường vụ, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm với hình thức xử lý kỷ luật mà Ban Bí thư công bố. (VOV.vn 14/11)Về đầu trang

Hà Nội: Nhiều Sở kiểm điểm sau thanh tra vi phạm đất rừng Sóc Sơn

Sở Tài Nguyên Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng đã họp kiểm điểm và kỷ luật cán bộ sau kết luận thanh tra vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn.

 Trong kết luận thanh tra thành phố Hà Nội công bố tháng 3/2019, có hàng nghìn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Chỉ hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm. 

Trả lời cử tri về việc xử lý những cá nhân, đơn vị, Sở ngành liên quan đến những vi phạm này, UBND TP Hà Nội cho biết, nhiều nội dung xử lý sau thanh tra đã  được thực hiện.

 Cụ thể, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã kiểm điểm trách nhiệm của Sở và trách nhiệm của giám đốc Chu Phú Mỹ, phó giám đốc Nguyễn Xuân Đại và "nhất trí không thi hành kỷ luật" với hai ông. Tuy nhiên, sau hai lần kiểm điểm Sở đã đề xuất thành phố quyết định cảnh cáo giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng.

 Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và 5 vị trí là Phó Giám đốc Sở phụ trách, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và Viễn thám, Chi cục Trưởng Chi cục quản lý đất đai, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.

 Bên cạnh đó, Sở đã cảnh cáo Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đại chi nhánh huyện Sóc Sơn Vũ Thị Bích Thủy. Bốn cá nhân thuộc đơn vị này được yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm.

 Đối với Sở Xây dựng, đơn vị này đã chỉ đạo và tổ chức kiểm điểm về chính quyền và về Đảng đối với tập thể Thanh tra Sở, chi bộ Thanh tra Sở với hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm và nghiêm khắc phê bình 7 cá nhân ( một Phó Chánh Thanh tra Sở, 6 Trưởng phòng, phó phòng, công chức phòng Kế hoạch tổng hợp).

 UBND huyện Sóc Sơn đã thành lập Hội đồng kỷ luật để tiến hành xem xét, đề xuất hình thức kỷ luật đối với 39 cán bộ, công chức có vi phạm.

 Kết quả kiểm điểm về chính quyền: 29 trường hợp khiển trách; Cảnh cáo 7 trường hợp; Cách chức 1 trường hợp thuộc diện Ban thường vụ Huyện ủy quản lý và buộc thôi việc 2 công chức, lao động hợp đồng.

 Đã xem xét trách nhiệm đối với 82 đảng viên. Trong đó có hình thức kỷ luật 38 người (cách hết các chức vụ trong Đảng 3 cán bộ; cảnh cáo 9 cán bộ; khiển trách 26 cán bộ), còn 44 trường hợp kiểm điểm rút kinh nghiệm. 

Tập thể lãnh đạo UBND huyện đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo UBND huyện các nhiệm kỳ ( 2006-2011; 2011-2016, 2016-2021) và các Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện của 3 nhiệm kỳ trên. UBND TP Hà Nội đã quyết định khiển trách ông Đỗ Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện.

 Ban thường vụ Huyện ủy đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban thường vụ Huyện ủy 3 nhiệm kỳ (2005-2010; 2010-2015, 2015-2020) và các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trách nhiệm liên quan trong 3 nhiệm kỳ trên. Ủy ban kiểm tra Thành ủy đã có các Quyết định xử lý kỷ luật đối với 3 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý, trong đó khiển trách một cán bộ, cảnh cáo hai người khác.

 Tuy nhiên, báo cáo của thành phố cũng cho biết còn một số nội dung các đơn vị liên quan chưa thực hiện xong như cưỡng chế công trình sai phạm, rà soát quy hoạch, việc cấp giấy chứng nhận...

 Cụ thể, huyện Sóc Sơn chưa xử lý 32/68 công trình vi phạm năm 2017, 2018 chưa tổ chức cưỡng chế, trong đó 25 trường hợp tại xã Minh Trí có đơn thư khiếu nại. Thanh tra chính phủ có văn bản đề nghị tạm dừng việc cưỡng chế và thụ lý giải quyết đơn. 

Đối với 215 công trình vi phạm phát sinh trong giai đoạn từ 2008 đến 2016, huyện đã xây dựng kế hoạch giao cho các ngành và các xã tiếp tục kiểm tra, rà soát để đề xuất phương án xử lý, khắc phục.

 Huyện Sóc Sơn cũng chưa hoàn thành kiểm tra, rà soát các trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong quy hoạch rừng trên địa bàn thị trấn Sóc Sơn và 10 xã.

 Sở Tài nguyên Môi trường chưa hoàn thành xong Dự án xây dựng tổng thể hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai thành phố Hà Nội... (Vnexpress.net 14/11)Về đầu trang

Hậu Giang: Con lãnh đạo từ công chức phường thành phó phòng thị xã sau 1 ngày

Chỉ 1 ngày sau khi được chuyển từ công chức cấp xã thành công chức cấp huyện, ông Triều được bổ nhiệm làm Phó phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ngã Bảy.

 Gần tháng nay, nhiều người Hậu Giang ngạc nhiên khi biết tin ông Dương Hải Triều, 32 tuổi, công chức địa chính - xây dựng phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy được bổ nhiệm làm Phó phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thị xã. Ông Triều là con trai của Phó bí thư thường trực Thị ủy Ngã Bảy.

 Điều khiến dự luận băn khoăn là ngày 1/10, Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang có văn bản chuyển ông Triều từ công chức cấp xã thành công chức cấp huyện thì ngay ngày 2/10, UBND Thị xã Ngã Bảy có quyết định điều động và bổ nhiệm ông Triều làm Phó phòng TN-MT.

 Sau khi quyết định bổ nhiệm được công bố, dư luận đặt câu hỏi liệu có sự ưu ái nào đối với ông Triều không? Về vấn đề này, ông Võ Quốc Thắng - Phó phòng Nội vụ thị xã Ngã Bảy - khẳng định việc bổ nhiệm ông Triều là đúng quy trình. Theo đó, ông Triều là công chức cấp xã từ tháng 3/2014. Do đó đến năm 2019, ông Triều đủ thời gian để xét chuyển lên công chức cấp huyện.

 Cũng theo ông Thắng, việc hôm trước ông Triều được xét chuyển từ công chức cấp xã lên công chức cấp huyện, hôm sau được bổ nhiệm giữ chức Phó phòng TN-MT thị xã là không sai.

 “Khoản 6, Điều 25 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP có nêu, khi tiếp nhận cán bộ công chức cấp xã để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý ở cấp phòng trở lên, quy trình xét tuyển cán bộ công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên được thực hiện đồng thời với quy trình bổ nhiệm công chức giữ chức vụ quản lý”, ông Thắng nói. (VTC.vn 14/11, Thanh Tiến)Về đầu trang

Khởi tố một Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy ở Hà Tĩnh

Ngày 14-11, Công an TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Ngọc Việt (chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối doanh nghiệp và cơ quan Hà Tĩnh) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

 Hiện ông Việt đang bị tạm đình chỉ công tác và được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra.

 Như đã đưa tin, khoảng 21 giờ đêm 19-9, gần điểm giao nhau giữa đường Trần Phú và đường Lê Hồng Phong (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) xảy ra va chạm giữa ô tô hiệu Toyota 38A-224.25 và xe máy 38Y-101.92 khiến một người tử vong, một người bị thương nặng. 

Theo đó, Nguyễn Xuân Tùng (29 tuổi, trú huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) chạy xe máy chở Ngô Quang Huân (29 tuổi, trú huyện Hương Khê) ngồi sau đi hướng Hà Tĩnh - Nghệ An. Khi họ bắt đầu rẽ sang đường thì bị ô tô con do ông Lê Ngọc Việt va chạm phải khiến họ văng xuống đường.

 Tùng và Huân được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu. Do Tùng bị thương quá nặng, tiên lượng không qua khỏi, người thân đã xin đưa về nhà để lo hậu sự. Sáng 20-9 nạn nhân này tử vong. Huân được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu.

 Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Tĩnh đo nồng độ cồn ông Việt sau khi xảy ra tai nạn cho thấy ông Việt đã điều khiển ô tô lúc có nồng độ cồn cao. (Pháp Luật TPHCM 14/11, Đ.Lam)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Singapore áp dụng trí tuệ nhân tạo ở tất cả các cửa khẩu xuất nhập cảnh

Ngày 13/11, phát biểu tại Hội chợ Công nghệ Tài chính và Tuần lễ Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo Singapore, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat khẳng định đến năm 2025, việc kiểm soát an ninh tại tất cả các trạm kiểm soát nhập cảnh ở nước này sẽ được tự động hóa hoàn toàn với công nghệ quét nhận dạng vân tay, nhận dạng khuôn mặt và nhận dạng mống mắt.

 Đây là một phần trong kế hoạch của Singapore nhằm khai thác, tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để mang lại nhiều hơn lợi ích về kinh tế và xã hội. Ngoài việc hỗ trợ kiểm soát an ninh tại các cửa khẩu xuất nhập cảnh, 4 chương trình AI chủ chốt khác ở cấp độ quốc gia bao gồm lĩnh vực logistics, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và quản lý bất động sản.

 Theo Văn phòng Chính phủ kỹ thuật số và Quốc gia thông minh của Singapore, việc lựa chọn 5 lĩnh vực này để tập trung ứng dụng công nghệ AI chủ yếu là do đây là những lĩnh vực sẽ nhanh chóng mang lại các kết quả tích cực, có ảnh hưởng lớn về mặt kinh tế và xã hội.

 Việc áp dụng công nghệ AI tại các cửa khẩu xuất nhập cảnh sẽ giúp quy trình làm các thủ tục diễn ra nhanh chóng và thông suốt. Công nghệ AI cũng sẽ giúp giảm các lỗi, sai sót của con người và cho phép các nhân viên xuất nhập cảnh tập trung vào các công việc cần thiết hơn.

 Tại cửa khẩu Changi Airport Terminal 4, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã giúp tiết kiệm được nguồn lực con người và nâng cao hiệu quả hoạt động thêm 20%. (Bnews.vn 14/11, Thế Vũ)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More