Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 03-6-2019

Post date: 03/06/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1. Tăng tuổi nghỉ hưu: Bộ trưởng khẳng định không thể trì hoãn, đại biểu nói công nhân đã làm hết sức rồi! 1

2. Minh bạch nghị trường Quốc hội tạo ra niềm tin của nhân dân. 2

CHÍNH SÁCH MỚI 3

3.  Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2019. 3

4. Từ ngày 1/6, người say rượu, bia không được lên máy bay. 5

CHỈ THỊ MỚI 5

5.Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 27-31/5. 5

6.Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 5. 6

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 8

7. Quy mô kinh tế Việt Nam được dự báo lớn hơn Singapore, chuyên gia nói gì?. 8

8.Làn sóng khởi nghiệp tiếp tục là kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế. 8

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 9

9. Quyết liệt hành động! 9

10.Phạt “nguội” vẫn nóng. 10

QUẢN LÝ.. 11

11.Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 5. 11

12.  Thủ tướng: Cắt giảm điều kiện kinh doanh để tránh tiêu cực, tham nhũng. 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

13.  Ra mắt phần mềm tra cứu thông tin Giấy phép lái xe và phương tiện vi phạm qua hình ảnh. 13

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 14

14. Bội thu ngân sách 78.000 tỷ đồng. 14

15.Vốn giải ngân đầu tư công 5 tháng đầu năm chưa đạt 1/4 kế hoạch. 15

PHÁP LUẬT. 15

16.Hà Tĩnh kỷ luật Phó Bí thư, Chủ tịch xã Kỳ Xuân vì giao đất trái phép. 15

17. Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đề nghị kiểm điểm 4 sở vì tham mưu sai 16

THẾ GIỚI 17

18.Chuyện từ chức trên thế giới: Phải chăng chỉ do văn hóa?. 17

19. Nga nỗ lực khắc phục tình trạng sụt giảm dân số. 19

 TIÊU ĐIỂM

Tăng tuổi nghỉ hưu: Bộ trưởng khẳng định không thể trì hoãn, đại biểu nói công nhân đã làm hết sức rồi!

Có hay không việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề đã nhận rất nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội cũng như sự quan tâm đến từ dư luận.

 Tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, đây là một nội dung trong dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) mà Quốc hội thảo luận đầu tuần qua. Nội dung này tiếp tục gây tranh luận với 2 nhóm ý kiến khác nhau. Đồng tình và chưa đồng tình.

 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan soạn thảo dự luật này đã đưa ra 3 lý do đề xuất tăng tuổi hưu gồm: Dân số đang già hóa; Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để bảo đảm cân bằng ổn định của quỹ bảo hiểm xã hội; Khả năng lao động sau tuổi nghỉ hưu của người Việt Nam là cao.

 Với những lý do trên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng "tăng tuổi hưu đã là việc không thể trì hoãn".

 Cũng với quan điểm đồng tình, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng là cơ quan thẩm tra dự thảo luật này cũng khẳng định, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý vì thực tế vẫn có 42% người lao động sau nghỉ hưu tham gia vào thị trường lao động. Lương hưu của người lao động hiện rất thấp, chỉ trên 3 triệu đồng, đặc biệt là giáo viên mầm non. Nếu như kéo dài thêm thời gian làm việc thì cũng là kéo dài thêm thời gian tích lũy quỹ hưu trí để tiền lương hưu cao hơn.

 Dù Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là "không thể trì hoãn". Và bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng cũng khẳng định, không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc, và nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, thì sẽ truyền gánh nặng cho thế hệ sau", song khi thảo luận, không ít đại biểu Quốc hội nói rằng, họ vẫn không yên tâm.

 Như đại biểu Quốc hội TP.HCM, Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn phát biểu: "Chẳng công nhân nào mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu, vì họ cũng đã làm hết sức rồi".

 Còn bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dẫn kết quả mà Hội đã khảo sát ở 5 tỉnh Tây nguyên và một số tỉnh khác cho thấy: Lao động ở khu vực hầm lò độc hại, lao động một số ngành nghề nghiệp, cô giáo mầm non… hầu hết muốn được nghỉ hưu sớm.

 Về phía báo chí, viết về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tờ Thanh niên đặt câu hỏi "Làm luật cho ai?": Khi mà những người soạn thảo luật hẳn là chưa hình dung hết cảnh cô giáo mầm non đã ngoài 50 tuổi vẫn phải múa hát; chị công nhân dệt may ngồi còng lưng bên máy 10 tiếng mỗi ngày; hay anh công nhân điện tử mắt đã mờ vẫn phải cố đến ngày về hưu… thì việc tăng thêm 2 năm, 5 năm tuổi hưu là gánh nặng với họ đến mức nào? (Kênh VTV1 – Báo chí toàn cảnh lúc 7h ngày 2/6)Về đầu trang

Minh bạch nghị trường Quốc hội tạo ra niềm tin của nhân dân

Tuần qua, hàng loạt vấn đề nóng về kinh tế đã được đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 2018 và những tháng đầu năm 2019.

 Tại phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội vừa qua, có thể thấy rằng các đại biểu đã hết sức thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bất cập có nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, bên cạnh đó cũng đóng góp các kiến nghị rất xây dựng cho Chính phủ.

 Tăng giá điện, kiểm soát lạm phát, giải pháp ứng phó với dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng, giao thông, phát triển kinh tế tư nhân... là những vấn đề nóng được rất nhiều đại biểu đề cập, mong muốn được Chính phủ làm rõ thêm.

 Đi sâu về nội dung này, trang nhất của báo Đại đoàn kết nhấn mạnh về việc "sớm công khai kết luận về tăng giá điện". Đây cũng là mong mỏi của nhiều đại biểu và cũng được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định sẽ công khai kết luận thanh tra và xử lý nếu có sai phạm.

 Việc Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải trình một cách rất chi tiết, cụ thể, nhiều thông tin xung quanh việc tăng giá điện đã phần nào giúp mang tới một sự minh bạch nghị trường, tạo ra niềm tin trong nhân dân. Đây cũng chính là tựa đề bài viết trên tờ Đại biểu nhân dân.

 Theo tờ Đại biểu nhân dân, việc thông tin được công bố công khai, minh bạch đã giúp cử tri và người dân hiểu đúng hơn về cách thức điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước với lĩnh vực thiết yếu này.

 Và trước những ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, trong buổi họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các thành viên Chính phủ "nghiêm túc lắng nghe, nghiêm túc sửa chữa, nghiêm túc làm việc để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân", chứ không phải họp xong, thảo luận xong tại Quốc hội mà không có hành động gì đối với một số công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. (Kênh VTV1 – Báo chí toàn cảnh lúc 7h ngày 2/6)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2019

Quy định mới về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công; giảm số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; chế độ, chính sách đối với vận động viên thể thao thành tích cao; thủ tục biên phòng điện tử thực hiện 24/24 giờ... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2019.

  Quy định mới về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công: Nghị định 32/2019/NĐ-CP ban hành ngày 10/04/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sảm phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên có hiệu lực từ 01/06/2019.

 Quy định quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ban hành ngày 23/04/2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực từ 17/06/2019. Theo đó, mọi tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 Giảm số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã: Có hiệu lực từ 25/06/2019, Nghị định 34/2019/NĐ-CP ban hành ngày 24/04/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/1/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã. Cụ thể, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn: Cấp xã loại 1 tối đa 23 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 2 tối đa 21 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 3 đối đa 19 người (giảm 2 người so với quy định cũ)…

 Vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp phạt đến 1 tỷ đồng: Theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP ban hành ngày 25/04/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp có hiệu lực từ 10/06/2019, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với cá nhân là 500 triệu đồng. Tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với tổ chức là 1 tỷ đồng.

 Chế độ, chính sách đối với vận động viên thể thao thành tích cao: Nghị định 36/2019/NĐ-CP ban hành ngày 29/04/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao có hiệu lực thi hành từ ngày 14/06/2019, trong đó quy định chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao.

 Quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng: Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2019. Theo đó, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhập khẩu hàng hóa. Không cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong trường hợp: các nước xuất khẩu đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

 Thủ tục biên phòng điện tử thực hiện 24/24 giờ: Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg về việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý có hiệu lực thi hành từ 1/6/2019. Quyết định nêu rõ, thủ tục biên phòng điện tử cửa khẩu biên giới đất liền được thực hiện 24/24 giờ hàng ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Người làm thủ tục khai báo hồ sơ biên phòng điện tử và nhận xác nhận hoàn thành khai báo thủ tục biên phòng điện tử cửa khẩu biên giới đất liền bằng tài khoản đã được cấp tại bất kỳ nơi nào có thể truy cập Internet.

 Hướng dẫn khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công: Thông tư 24/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô có hiệu lực thi hành từ ngày 6/6/2019.

 Hướng dẫn bán cổ phần lần đầu theo phương thức dựng sổ: Thông tư 21/2019/TT-BTC hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ có có hiệu lực thi hành từ 3/6/2019. Theo Thông tư, bán cổ phần theo phương thức dựng sổ là hình thức bán cổ phần của doanh nghiệp công khai cho các đối tượng có sự cạnh tranh về giá, trên cơ sở tham khảo nhu cầu của thị trường. (Báo Chính Phủ Điện Tử 1/6, Chí Kiên)Về đầu trang

Từ ngày 1/6, người say rượu, bia không được lên máy bay

Từ ngày 1/6, những hành khách sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích dẫn đến mất khả năng làm chủ hành vi sẽ không được lên máy bay.

 Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 13 của Bộ Giao thông Vận tải vừa mới được ban hành. Thông tư này quy định chi tiết chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không.

 Cụ thể, "Không chấp nhận chuyên chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích". Ngoài ra, hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do bị bệnh tâm thần, việc chấp nhận chở hành khách hay không sẽ do đại diện hãng hàng không đánh giá và quyết định. (VTV.vn 2/6)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 27-31/5

Vi phạm sử dụng chất kích thích trong thi đấu thể thao sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng; xác định nguyên nhân cá chết trên sông La Ngà; kéo dài thí điểm xe 4 bánh có gắn động cơ xăng chở khách du lịch;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 27-31/5.

  Vi phạm sử dụng chất kích thích trong thi đấu thể thao sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng: Theo Nghị định 46/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao, phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao; hình thức phạt bổ sung là đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 1-3 tháng. Đối với hành vi bao che, tổ chức cho vận động viên sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng; hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 3-6 tháng.

 Phê duyệt Kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia đến năm 2020 với mục tiêu nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai, nâng cao năng lực, tính chủ động của toàn xã hội trong phòng chống thiên tai, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống thiên tai, kết hợp giữa phòng chống thiên tai với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

 Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chú trọng các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 109/NQ-CP ngày 23/8/2018 của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 248/TTg-PL ngày 25/1/2019 về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

 Xác định nguyên nhân cá chết trên sông La Ngà: Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cá chết số lượng lớn trên sông La Ngà và triển khai các biện pháp xử lý triệt để.

 Kéo dài thí điểm xe 4 bánh có gắn động cơ xăng chở khách du lịch: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý kéo dài thời gian thí điểm xe bốn bánh có gắn động cơ xăng để chở khách tham quan, du lịch hoạt động trong khu vực hạn chế tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang cho đến khi Luật giao thông đường bộ được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành. (Báo Chính Phủ Điện Tử 1/6, Chí Kiên)Về đầu trang

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 5

Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế; tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2019; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 5/2019.

 Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Ngày 14/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Theo đó, năm 2019 tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật liên quan đến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời, khuyến khích các địa phương thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định để giảm số lượng đơn vị hành chính.

 Thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế: Theo Nghị quyết 33/NQ-CP ban hành ngày 19/05/2019 của Chính phủ, thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Mục tiêu thực hiện thí điểm nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; tiếp tục phát huy truyền thống, uy tín của các bệnh viện; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao, phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài.

 Thủ tướng chỉ thị về phát triển bền vững: Ngày 20/5/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về phát triển bền vững.Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và ban hành Hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững. Theo dõi, đánh giá, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững trình Chính phủ, Quốc hội hằng năm. 

 Tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2019: Theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP ban hành ngày 9/5/2019 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.

 Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội: Ngày 20/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2019/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2019 đối với 8 nhóm đối tượng, áp dụng từ ngày 1/7/2019.

 Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch: Theo Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ban hành ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch được xây dựng theo kiến trúc một cổng thông tin điện tử kết nối giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh trên môi trường mạng, phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; phục vụ công tác lập quy hoạch, lấy ý kiến về quy hoạch, công bố, cung cấp thông tin về quy hoạch; giám sát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch.

 Khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn tai nạn giao thông do uống rượu, bia: Để ngăn chặn kịp thời, giảm và chấm dứt các vụ tai nạn giao thông do các hành vi vi phạm nồng độ cồn và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ngày 10/5/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành công văn 560/TTg-CN yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc với nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề gắn với các hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi vi phạm quy định về ma túy và nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; ra quân thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe trong các dịp nghỉ lễ dài ngày…

 Quy định chặt việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất: Ngày 13/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường. Trong đó, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 55 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam và đối tượng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

 Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản bị phạt tới 1 tỷ đồng: Theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP ban hành ngày 16/05/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.

 Quy định việc lập quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử: Ngày 15/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2019/NĐ-CP quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử. Trong đó, Nghị định quy định thời kỳ quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử là 10 năm, tầm nhìn của quy hoạch là từ 30 năm đến 50 năm. Thời hạn lập hợp phần quy hoạch không quá 18 tháng, thời hạn lập quy hoạch không quá 30 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.

 Sửa đổi quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng: Ngày 17/05/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngoài quyền quy định trình tự, thủ tục thanh tra ngân hàng, giám sát ngân hàng còn được phân cấp thẩm quyền trong thực hiện hoạt động giám sát ngân hàng.

 Để khách du lịch trốn lại nước ngoài bị phạt tới 90 triệu đồng: Theo Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ban hành ngày 21/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật bị phạt tiền từ 80 - 90 triệu đồng; đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 - 18 tháng.

 Dịch tả lợn châu Phi: Phải chủ động, cụ thể và quyết liệt hơn nữa: Tại văn bản số 4291/VPCP-NN ngày 20/5/2019 về việc tiếp tục quyết liệt triển khai công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các Bộ, ngành, địa phương, Bí thư các huyện, xã, thôn và Chi bộ cần phải thay đổi cách thức chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”, phải chủ động, cụ thể và quyết liệt hơn nữa, không đợi đến khi có dịch mới triển khai công tác phòng, chống; không được chủ quan để gây thiệt hại quá lớn cho người chăn nuôi.

 Vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn miền núi: Tại Quyết định 588/QĐ-TTg ban hành ngày 17/05/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025. Mục tiêu của Đề án là vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ em thông qua khám chữa bệnh, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; hỗ trợ trẻ em được tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí; hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em. (Báo Chính Phủ Điện Tử 1/6, Chí Kiên)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Quy mô kinh tế Việt Nam được dự báo lớn hơn Singapore, chuyên gia nói gì?

Theo Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành, báo cáo kinh tế Việt Nam của DBS là hiện tượng về quy mô, không có nhiều ý nghĩa về chất.

 Bình luận về báo cáo của Ngân hàng DBS có trụ sở tại Singapore liên quan đến thông tin nền kinh tế Việt Nam lớn hơn quy mô của nền kinh tế Singapore trong 10 năm tới, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR) đưa bình luận cho rằng điều này là không có gì ngạc nhiên và báo cáo trên chỉ có ý nghĩa về con số thống kê.

 Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành lý giải: "Singapore dân số chỉ có 5 triệu người, trong khi Việt Nam đang tiến tới mức 100 triệu người. Nói vậy để chúng ta có thể thấy ngay rằng GDP của Việt Nam kể cả khi bằng hoặc bắt đầu vượt Singapore thì GDP tính trên đầu người của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/20 của Singapore". Vấn đề DBS đặt ra đơn thuần là con số thống kê, là hiện tượng về quy mô chứ không có nhiều ý nghĩa về chất. (VTV.vn 2/6)Về đầu trang

Làn sóng khởi nghiệp tiếp tục là kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm nay có gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất trong 5 năm qua.

 Làn sóng khởi nghiệp tiếp tục là kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế. Các doanh nghiệp thành lập mới có tổng vốn đăng ký 669.000 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2018.

 Nếu tính cả 987.000 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 5 tháng năm 2019 là khoảng 1,65 triệu tỷ đồng. (VTV.vn 2/6)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Quyết liệt hành động!

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội đất nước, các đại biểu Quốc hội rất thẳng thắn mổ xẻ, phân tích những gì đã làm được và cả những gì chưa làm được. Tại Phiên họp tháng 5 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành nghiêm túc nhìn lại việc quản lý điều hành từng lĩnh vực. Ngành này, địa phương kia vì sao vẫn nổi lên những vấn đề làm dư luận bức xúc? Kinh tế vẫn trong đà tăng trưởng, nhưng đã thật sự yên tâm chưa khi phía trước thách thức, khó khăn không hề nhỏ.

 Tỉnh táo và thận trọng trong điều hành kinh tế - xã hội cần phải có tư duy, cách làm chiến lược để không bị động, không bị hụt hẫng. Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo để đánh giá trách nhiệm của từng bộ, từng ngành. Coi niềm tin của người dân, nhìn vào việc xử lý từng vấn đề quốc kế dân sinh có theo sát dòng chảy của đời sống, có tuân thủ cơ chế thị trường hay không để tự soi, tự sửa trong điều hành. Vẫn không gì khác là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu từng bộ, ngành, ở các tỉnh, thành!

 Kế hoạch năm 2019 đã đi qua 5 tháng với nhiều tín hiệu khả quan! Nhưng nhiệm vụ của 7 tháng còn lại đang đặt ra nhiều việc phải thực thi quyết liệt, bài bản hơn trong điều hành, chỉ đạo của các bộ, ngành. Tỉnh táo nhìn nhận kinh tế toàn cầu để không bị ngợp, bị choáng trước những biến động bất ưng. Càng phải thận trọng xử lý từng tình huống khi tỷ giá biến động, khi thị trường tài chính các nước trong khu vực và thế giới còn nhiều diễn biến khó lường.

 Cơ cấu nền kinh tế  đang chuyển động với nhiều gam màu sáng. Vị thế quốc gia nâng tầm, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, nhưng cần phải có “bộ lọc” để không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Đã đến lúc phải rà soát những ngành công nghiệp, tiêu tốn nhiều năng lượng và có nguy cơ gây nhiều ô nhiễm. Con số 50% doanh nghiệp FDI né thuế, chuyển giá không nộp thuế cho ngân sách nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn mở rộng sản xuất cần nhìn lại xem kẽ hở, khoảng trống trong quản lý từ đâu.

 Bộ Chính trị chỉ đạo quyết liệt về tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, nhưng chính sách thế nào để nâng bước, chắp cánh cho các doanh nghiệp vượt lên? Sức cạnh tranh của nền kinh tế vì sao còn chưa đủ mạnh? Có chuyện “kỳ thị” các doanh nghiệp tư nhân hay không? Rõ ràng muốn tạo động lực cho các doanh nghiệp tư nhân bứt lên nhanh, lớn mạnh nhanh cần có cách nhìn cởi mở hơn. Cởi mở trong chính sách thuế, trong vay vốn tín dụng. Cởi mở trong giải quyết các thủ tục hành chính để không làm khó thêm doanh nghiệp. Phải nhìn lại một cách công tâm, khách quan: Vì sao cứ 2 doanh nghiệp thành lập mới thì 1 doanh nghiệp lại “gục ngã”, “rời trận địa”? Các bộ, ngành và chính quyền các cấp phải trả lời cho được câu hỏi nóng bỏng này.

  Công bằng, minh bạch trong “sân chơi”của cơ chế thị trường, dư luận càng đòi hỏi chỉ đạo từ vĩ mô phải khách quan cả trong khen thưởng và xử lý kỷ luật. Doanh nghiệp tư nhân nào sản xuất, kinh doanh giỏi, đóng góp lớn cho xã hội  xứng đáng được khen thưởng. Nhưng nếu các doanh nghiệp, cả tư nhân và doanh nghiệp nhà nước có sai phạm đều phải xử nghiêm theo pháp luật, không ai có thể bao che.

 Cần nhìn thẳng vào những gì còn bất cập trong điều hành, chỉ đạo. Hơn thế, phải quyết liệt hành động để khắc phục! (Đại Biểu Nhân Dân 2/6, Hà Phương)Về đầu trang

Phạt “nguội” vẫn nóng

Ghi hình ô tô vi phạm luật giao thông đường bộ để xử phạt sẽ tiến hành đồng bộ từ ngày 1.6 tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, cảnh sát sẽ tuần tra liên tục, ghi hình ô tô vi phạm trên toàn bộ tuyến đường của thành phố làm căn cứ xử lý vi phạm. Đặc biệt tại những tuyến đường trọng điểm, phức tạp, thường xảy ra tai nạn và ùn tắc...

 Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hồ Chí Minh còn cho biết đang tập trung xử lý vi phạm qua truy xuất dữ liệu ghi được là hình thức phạt “nguội” ô tô vi phạm. Với xe máy sẽ lập biên bản xử lý tại hiện trường. Phạt “nguội” khi áp dụng trên toàn thành phố góp phần bảo đảm an toàn giao thông; nâng cao năng lực cưỡng chế của cảnh sát; hạn chế mâu thuẫn, cự cãi giữa người vi phạm với lực lượng chức năng...

 Hiện nay, phạt “nguội” chưa được ghi nhận trong Luật mà chỉ là cách gọi theo cách ví von. Phạt “nguội” dùng để chỉ hình thức xử phạt mà sau khi hệ thống camera ghi nhận được vi phạm sẽ in ảnh, truy xuất qua dữ liệu quản lý xe, xác định chủ phương tiện, địa chỉ, gửi thông báo cho người vi phạm để tiến hành xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời sẽ gửi thông báo vi phạm đến Cục Đăng kiểm Việt Nam nhằm từ chối đăng kiểm cho những xe chưa nộp phạt vi phạm giao thông trước đó.

 Có thể thấy phạt “nguội” là hình thức phạt sau vi phạm một thời gian được bổ sung bên cạnh “phạt nóng” là hình thức phạt tại chỗ, do lực lượng chức năng thực hiện công tác phát hiện và lập biên bản xử phạt ngay. Hình thức phạt nguội đem lại nhiều lợi ích, bảo đảm tốt trật tự giao thông đường bộ nhưng cũng có nhiều bất cập. Theo thống kê, năm 2018, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hồ Chí Minh trích xuất khoảng 60.000 trường hợp vi phạm giao thông qua hình ảnh nhưng chỉ ra quyết định xử lý được hơn 12.000 trường hợp. Còn theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, có tới 40% số thông báo vi phạm không xác định được hoặc không tìm thấy địa chỉ. Mà trong số 60% thông báo đến được tay người nhận thì có khoảng 20% chủ phương tiện “không buồn” đến làm thủ tục nộp phạt.

 Không thể phủ định những tích cực mà phạt “nguội” vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông mang lại. Tuy nhiên, việc phạt “nguội” vẫn tồn tại quá nhiều bất cập, đòi hỏi cơ quan chức năng phải nghiên cứu nhiều hơn nữa để hình thức phạt “nguội” thực sự có hiệu lực. Theo các chuyên gia pháp luật, phạt “nguội” rất khó xác định được người vi phạm thực sự để xử phạt;  phạt “nguội” chỉ có giá trị đối với những vi phạm rõ ràng hay khi phạt “nguội” thì không được ngăn chặn hành vi vi phạm được ngay; phạt “nguội” có thể dẫn đến tâm lý chủ quan của người có thẩm quyền mà lơ là trong đấu tranh phòng, chống vi phạm giao thông trực tiếp, kiên quyết, kịp thời.

 Thúc đẩy hình thức phạt “nguội” nhưng chúng ta cần hướng tới cơ chế giám sát liên tục. Từ kiểm tra xử lý thông tin camera, số liệu thống kê, thông báo hay biện pháp cưỡng chế. Trong đó, cần làm rõ trách nhiệm của người sở hữu phương tiện chứ không chỉ người sử dụng; không chỉ chạy theo tình huống mà phải xử lý thống nhất nghiêm minh. Nếu không, phạt “nguội” sẽ nguội theo thời gian!

 Phạt “nguội”, dù có khó khăn mấy cũng phải kiên quyết làm. Và trong quá trình thực hiện phải rà soát, thiết kế, bổ sung hoàn chỉnh phù hợp với thực tế, mang lại hiệu lực, hiệu quả. (Đại Biểu Nhân Dân 2/6, Thanh Hà)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 5

Chiều 31.5, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019.

 Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ thống nhất đánh giá, trừ ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn, tình hình kinh tế-xã hội nước ta vẫn tiếp tục có chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng trước; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp tăng khá, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp với chỉ số sản xuất tháng 5 tăng cao nhất 5 năm qua.

 Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng; Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế; đầu tư FDI tại Việt Nam vẫn tiếp tục khởi sắc và Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư đáng tin cậy. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục tăng cả về số doanh nghiệp và vốn đăng ký.

 Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận còn những hạn chế, tồn tại và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên trong, lẫn bên ngoài. Cụ thể, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề chống, dập dịch tả châu Phi; xuất khẩu đang có xu hướng tăng chậm lại; giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện. Thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa, như vẫn xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, tội phạm ma túy, đánh bạc trên mạng diễn biến phức tạp, quy mô lớn, xảy ra nhiều vụ giết người man rợ…

 Về giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức; biến thách thức thành cơ hội, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, nhất là kịch bản tăng trưởng năm 2019; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn; quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch.

 Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tuyệt đối không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành; chủ động theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước; nghiên cứu, phân tích kỹ xu hướng, tác động, ảnh hưởng để xây dựng đề xuất các giải pháp, đối sách mới hiệu quả, khả thi, phù hợp tình hình. Đặc biệt, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách kiểm tra chuyên ngành, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. (Báo Chính Phủ Điện Tử 1/6, Minh Hương)Về đầu trang

Thủ tướng: Cắt giảm điều kiện kinh doanh để tránh tiêu cực, tham nhũng

Tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, sau khi các thành viên Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và các vấn đề về thể chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận phiên họp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiêm túc cắt giảm điều kiện kinh doanh, tránh hình thức, để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tránh lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng.

 Sau khi phân tích những mặt tích cực, những thách thức và rủi ro đối với nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo nhiều giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển thời gian tới.

 Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, ngành phải quyết tâm, không lùi bước trước khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2019, trong đó khẳng định lại tăng trưởng kinh tế đạt 6,8%, lạm phát dưới 4%.

 Trước thực tế chiến tranh thương mại đang tác động đến nước ta, đồng thời trong bối cảnh nước ta đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, Thủ tướng cho rằng Bộ Công thương phải “nhạy cảm” hơn trước các vấn đề này. Theo đó, Bộ cần bám sát, cập nhật tình hình, và đánh giá tác động của tranh thương mại, đưa ra các kịch bản và giải pháp hiệu quả cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nước ta. Cụ thể như đa dạng hóa thị trường, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, tập trung khai thác thị trường trong nước.

 Nêu lên những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, nêu ra tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhất là tác động đa cấp của việc tăng giá điện, xăng dầu, Thủ tướng nhấn mạnh, cần đánh giá biểu giá, phương thức tính giá để đề xuất giải pháp phù hợp hơn, nhất là với người dân.

 Theo đó, Bộ Công thương cần phân tích biểu giá xem đã phù hợp hay chưa, nhất là bậc 1 vẫn giữ ở mức 50 với quan điểm hỗ trợ người nghèo như trước đây, nay được cho là không còn phù hợp. Đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ hộ nghèo nước ta đã giảm mạnh. Thủ tướng chỉ đạo cần đánh giá lại tất cả biểu giá này, đồng thời tiếp thu kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ để sau đó cùng các ngành để đánh giá lại.

 Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tăng giá điện vừa qua là cần thiết, bởi giá điện Việt Nam thấp nhất khu vực, nên cần có lộ trình phù hợp với khả năng cung cấp điện và cũng như giá thành sản xuất điện hiện nay.

 Dù Chính phủ đã tập trung và dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng thể chế, nhưng Thủ tướng lưu ý, nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm vấn đề này và cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến trách nhiệm đầu tiên là của các bộ, bởi đa số văn bản thể chế hiện nay do các bộ dự thảo trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội.

 Về việc trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng sẵn sàng giải trình trước Quốc hội và nhân dân những vấn đề đại biểu nêu ra.

 Nhấn mạnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan phải tìm động lực tăng trưởng mới. Cùng với đó là rà soát lại các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để triển khai, tháo gỡ các vướng mắc, trong đó có vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; giải pháp phát triển kinh tế tư nhân; thúc đẩy các dự án lớn; nghiên cứu giảm lãi suất; hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh thu hút khách du lịch.

 Đối với việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ và chất lượng đề ra. Không cắt hình thức, không để lợi ích nhóm chi phối. Tiêu cực tham nhũng trong việc điều kiện kinh doanh này, trong khi còn mấy vạn điều kiện, nhất là một số ngành trực tiếp xuất nhập khẩu hàng hóa. Đừng để chỉ cắt hình thức còn nội dung bên trong không chịu cắt, núp bóng dưới hình thức này, hình thức khác. Đây là điểm cản trở cho sản xuất".

 Thủ tướng cũng chỉ đạo tránh sự chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, gây khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vì doanh nghiệp và người dân quyết định tăng trưởng đất nước. (VOV.vn 1/6, Vũ Dũng)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Ra mắt phần mềm tra cứu thông tin Giấy phép lái xe và phương tiện vi phạm qua hình ảnh

Chiều ngày 30.5 tại Hà Nội, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp với Tổng Cục đường Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã tổ chức Hội nghị chia sẻ thông tin quản lý giấy phép lái xe ( GPLX) trên toàn quốc; đồng thời ra mắt phần mềm tra cứu thông tin GPLX và phương tiện vi phạm qua hình ảnh.

 Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Giao thông- Vận tải, Cục Cảnh sát giao thông đã chủ trì xây dựng phần mềm chia sẻ nghiệp vụ về Giấy GPLX bị tạm giữ, tước và thông tin cho chủ phương tiện biết phương tiện của mình có vi phạm thông qua hệ thống giám sát không.

 Theo đó, Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng phần mềm tích hợp trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông tại địa chỉ http://www.csgt.vn nhằm thông báo, chia sẻ các nội dung: Chia sẻ thông tin về GPLX: Lực lượng Cảnh sát giao thông chia sẻ thông tin dữ liệu về các trường hợp GPLX đang bị tước và tạm giữ quá thời hạn(trường hợp không đến chấp hành quyết định xử phạt)tại cơ quan Cảnh sát giao thông, để Tổng cục Đường bộ Việt Nam tra cứu thông tin, phục vụ công tác cấp đổi GPLX.

  Đồng thời Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cũng chia sẻ dữ liệu quản lý GPLX cho lực lượng Cảnh sát giao thông để phục vụ công tác nghiệp vụ, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Việc trao đổi thông tin giữa hai đơn vị thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý người lái xe trong tình hình hiện nay.

 Đến nay, Cảnh sát giao thông các địa phương đã nhập vào hệ thống gần 3.000 trường hợp GPLX bị tước, tạm giữ; 290 phương tiện vi phạm được ghi nhận qua hệ thống giám sát. Phần mềm đã hoàn thành và đang chạy thử nghiệm trước khi đưa vào hoạt động chính thức vào ngày 1.6.2019. (Đại Biểu Nhân Dân 1/6, Bảo Hân)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Bội thu ngân sách 78.000 tỷ đồng

Thu nội địa và xuất nhập khẩu đạt kết quả cao đã góp phần quan trọng để thu ngân sách Trung ương vượt dự kiến và thu vượt chi tới 78.000 tỷ đồng.

 Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng và khối doanh nghiệp trong nước phát triển khá đã tạo nguồn để tổng thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm nay đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây. Lần đầu tiên, thu ngân sách đạt kết quả toàn diện với thu nội địa, thu thuế xuất nhập khẩu, dầu thô, thu Ngân sách Trung ương đều vượt kế hoạch và bội thu tới 78.000 tỷ đồng. Đây tiền đề quan trọng để tổng thu ngân sách năm nay tiếp tục vượt dự toán với tỷ lệ cao và tạo nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

 Chiếm 1/5 tổng thu ngân sách Nhà nước, tổng thu 5 tháng đầu năm của Cục Thuế Hà Nội đạt gần 42% dự toán pháp lệnh. Hầu hết các chỉ tiêu thu ngân sách đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018, đặc biệt thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng tới hơn 80% so với cùng kỳ năm 2018.

 Ông Mai Sơn - Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho hay: "Cốt lõi của công tác thu ngân sách là sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất kinh doanh. Để đạt được kết quả như vậy và duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh đóng góp vào thu ngân sách, trước hết việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và thành phố đã đúng hướng và có hiệu quả".

 Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khiến thu thuế xuất nhập khẩu tăng trưởng gấp 3 lần cùng kỳ các năm trước và chưa năm nào mới chỉ qua 5 tháng đã đạt gần 50% dự toán. Cùng với việc tăng cường thanh tra, đẩy mạnh chống buôn lậu và hàng giả thì điện tử hóa các thủ tục hải quan cũng tác động tích cực đến số thu thuế xuất nhập khẩu.

 Ông Lưu Mạnh Tưởng - Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho hay: "Trong năm 2019, chúng tôi đã mở rộng ngân hàng phối hợp thu để thu thuế và hiện số thu qua ngân hàng này chiếm trên 90%. Đặc biệt từ ngày 1/4, Hải quan đã tiến hành không thu bằng tiền mặt đối với các tổ chức đã có mã số thuế".

 Thu nội địa và xuất nhập khẩu đạt kết quả cao đã góp phần quan trọng để thu ngân sách Trung ương vượt dự kiến và thu vượt chi tới 78.000 tỷ đồng. Qua đó sẽ giảm áp lực vay để trả nợ gốc và ngân sách có thêm nguồn chi cho đầu tư phát triển.

 Ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay: "Chúng tôi đã rất chặt chẽ trong quản lý điều hành ngân quỹ của Nhà nước và đảm bảo tiến độ kỳ phát hành trái phiếu Chính phủ, đảm bảo tiến độ cho giải ngân xây dựng cơ bản và tiến độ của trả nợ gốc theo kế hoạch đặt ra. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo xử lý dòng tiền của ngân quỹ, đảm bảo cho Ngân hàng Nhà nước có lượng tiền nhất định để ổn định thị trường tiền tệ và góp phần cùng chúng tôi ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát".

 Dù thu ngân sách ở một số khu vực kinh tế vẫn chưa như kỳ vọng, nhưng kết quả trên là một tín hiệu tốt cho thấy nền kinh tế vẫn trên đà tăng trưởng tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao đã tạo thêm nhiều nguồn thu cho ngân sách. (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 19h ngày 1/6)Về đầu trang

Vốn giải ngân đầu tư công 5 tháng đầu năm chưa đạt 1/4 kế hoạch

Tính đến ngày 31/5, vốn đầu tư công trên cả nước đã giải ngân được khoảng 96.899 tỷ đồng đạt 23,25% so với kế hoạch Quốc hội giao và 26,39% so với kế hoạch Chính phủ giao.

 Số liệu trên được đại diện Kho bạc Nhà nước đưa ra tại buổi toạ đàm giải ngân vốn đầu tư công diễn ra sáng 31/5.

 Theo Kho bạc Nhà nước, nguyên nhân là do các dự án vẫn đang tập trung giải ngân vốn của năm ngoái và việc giải ngân của năm nay các dự án còn đang xử lý thủ tục hành chính.

 Để đạt tiến độ trong các tháng còn lại, Kho bạc Nhà nước cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải phân loại để có chính sách thực hiện. Đối với dự án mới phải hoàn thiện và đẩy nhanh các thủ tục trình phê duyệt thiết kế dự toán, các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.

 Đối với dự án chuyển tiếp yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để giải ngân vốn. Thậm chí, nếu những dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch cũng sẽ được Kho bạc Nhà nước đề xuất chuyển vốn sang dự án khác có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2019. (VTV.vn 1/6)Về đầu trang

PHÁP LUẬT

Hà Tĩnh kỷ luật Phó Bí thư, Chủ tịch xã Kỳ Xuân vì giao đất trái phép

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng các nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 - 2020 đối với ông Nguyễn Xuân Lĩnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Anh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân.

 Theo Cổng TTĐT Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian làm Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân nhiệm kỳ 2011-2016, ông Nguyễn Xuân Lĩnh đã vi phạm Luật Đất đai, tổ chức giao đất trái thẩm quyền đối với 67 lô đất ở cho hộ gia đình và cá nhân; thiếu trách nhiệm, làm trái quy định của UBND tỉnh Hà Tĩnh về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân được giao đất làm nhà ở sai thẩm quyền, dẫn đến trên địa bàn xã tồn đọng 90 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; buông long công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, để 13 hộ gia đình trong xã tự ý xây nhà ở và các công trình trái phép trên đất do UBND xã quản lý. Thu sai quy định hơn 5 tỷ đồng tiền sử dụng đất của 67 hộ gia đình và cá nhân; trong đó, chỉ nộp vào Kho bạc Nhà nước 580.181.400 đồng để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 19 hộ gia đình, số còn lại để tại xã, không báo cáo quyết toán với cơ quan tài chính cấp trên theo quy định của pháp luật.

 Với trách nhiệm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Anh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân nhiệm kỳ 2015 - 2020, ông Lĩnh đã thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Thông báo kết quả giám sát của UBKT Huyện ủy Kỳ Anh đối với việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn xã Kỳ Xuân. Đến nay, các khuyết điểm, vi phạm của tập thể và cá nhân không được khắc phục dẫn đến các tồn đọng trong giao đất sai thẩm quyền, xây dựng nhà ở và các công trình trái phép chưa được giải quyết dứt điểm. (VOV.vn 2/6, PV)Về đầu trang

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đề nghị kiểm điểm 4 sở vì tham mưu sai

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản chỉ đạo giám đốc 4 sở: Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Sở Công Thương và Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc tham mưu sai quy định liên quan đến dự án trị giá 14 tỉ đồng.

 Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký văn bản số 6037/THKH về việc "giao kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở kết hợp thương mại tại số 19 Lê Hữu Lập tại phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa", có báo cáo kết quả xử lý tới Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 5/6.

 Trước đó, ngày 7/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 4914 "chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở kết hợp thương mại tại số 19 Lê Hữu Lập, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa". Tổng Công ty thương mại và xây dựng Đông Bắc - Công ty TNHH được giao thực hiện dự án, diện tích thực hiện là 1.125,3 m2; tổng vốn đầu tư là 14,631 tỉ đồng. Để ra quyết định trên, UBND tỉnh Thanh Hóa dựa trên cơ sở tham mưu, đề nghị của Sở Kế hoạch Đầu tư (sau khi tổng hợp ý kiến tham gia của các đơn vị: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Công Thương, UBND thành phố Thanh Hóa). Tuy nhiên, chỉ sau 1 tuần ban hành Quyết định số 4914, Sở Tài nguyên Môi trường bất ngờ có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét lại việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này, với lý do dự án không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, nhà đầu tư vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai.

 Sai phạm của chủ đầu tư chỉ bị phát hiện khi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp làm việc với kiểm toán nhà nước về tình hình quản, lý sử dụng đất trước, trong và sau cổ phần hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

 Từ lý do trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1888/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 4914/QĐ-UBND với lý do "dự án không đủ điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai".

 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp và các ban ngành liên quan, trên cơ sở báo cáo kiểm điểm của các Sở, ngành, căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật, có ý kiến tham mưu đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 5/6. (VOV.vn 1/6, Sỹ Đức)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Chuyện từ chức trên thế giới: Phải chăng chỉ do văn hóa?

 Sẽ rất phiến diện nếu cho rằng. yếu tố văn hóa quyết định nhiều đến việc các quan chức trên thế giới nhất quyết “ôm khư khư” chiếc ghế quyền lực.

 Nhật Bản: Khi từ chức đã thành văn hóa: Một điểm rất đáng chú ý tại Nhật Bản chính là việc “đất nước Mặt trời mọc” có truyền thống đề cao sự trung thành của mỗi cá nhân làm việc trong các tổ chức và luôn trân trọng những cống hiến của họ cũng như tạo điều kiện để những người này có thể làm việc trọn đời cho tổ chức dù năng lực của họ có thể không bằng được những ứng viên trẻ khác đủ khả năng thay thế và chấp nhận mức lương thấp hơn nhiều.

 Chính vì thế, không ít người đã rất ngạc nhiên khi biết rằng, chỉ trong vòng 21 năm, Nhật Bản đã có tới 10 vị Thủ tướng khác nhau (trong đó ông Shinzo Abe nắm quyền tới 2 lần, lần đầu từ 26/09/2006-26/09/2007 và lần thứ 2 từ 26/12/2012-nay). Ông cùng với ông Junichiro Koizumi là 2 vị Thủ tướng hiếm hoi làm hết một nhiệm kỳ 3 năm trong khi hầu hết các vị Thủ tướng khác chỉ tại nhiệm được trên dưới 1 năm.

 Tuy nhiên, sự khác biệt này vẫn xuất phát từ chính yếu tố văn hóa của Nhật Bản luôn đề cao trách nhiệm của những nhà lãnh đạo và sự kỳ vọng của người dân dành cho họ cũng rất lớn. Về phần mình, bản thân các nhà lãnh đạo này cũng ý thức được trách nhiệm nặng nề của họ với vận mệnh quốc gia và sẵn sàng từ chức nếu không đạt được những mục tiêu mà họ nêu ra hoặc khi sự tín nhiệm của người dân dành cho họ ở mức thấp chứ chưa cần đến lúc mắc sai phạm hay dính vào những bê bối có thể khiến “thân bại danh liệt”.

 Chính nét văn hóa đặc biệt này khiến Nhật Bản có thể duy trì ổn định kinh tế xã hội ngay cả trong những thời điểm các vị Thủ tướng liên tục xin từ chức và được thay thế bởi những nhân vật mới, điều mà nếu xảy ra ở các quốc gia khác sẽ bị coi là khủng hoảng chính trị có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về an ninh, trật tự quốc gia.

 Từ chức vì cơ chế giám sát chặt chẽ: Một quốc gia châu Á khác cũng rất được chú ý khi đề cập đến câu chuyện từ chức của các quan chức trong Chính phủ là “con rồng châu Á” Singapore. Quốc gia nhỏ bé trong khu vực Đông Nam Á này có tiềm lực kinh tế rất mạnh và tỉ lệ tham nhũng thấp thứ 3 trên thế giới và thấp nhất trong nhóm G20.

 Những thành tích đáng kinh ngạc của Singapore xuất phát từ nỗ lực kiến tạo Chính phủ liêm chính. Trong đó, mỗi thành viên Chính phủ sẽ nhận được mức lương rất cao (bản thân Thủ tướng Lý Hiển Long nằm trong số những nhà lãnh đạo thế giới có mức lương cao nhất, khoảng 3 triệu USD/năm, trong khi các quan chức khác dao động từ 1,5-2,3 triệu USD tùy theo chức vụ). Đổi lại, họ sẽ bị giám sát rất chặt chẽ trong mọi phát ngôn và hành động để đảm bảo rằng, những quan chức này “không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần phải tham nhũng và không được tham nhũng”.

 Sự giám sát chặt chẽ đó không chỉ giúp Singapore đạt được mục tiêu chống tham nhũng mà còn khiến các quan chức nước này sẵn sàng từ chức bất kỳ lúc nào. Điều này là bởi, khoản thu nhập cao trong thời gian nắm quyền có thể đảm bảo cuộc sống cho bản thân họ và gia đình trong một thời gian dài sau khi họ từ chức để có thể tìm được công việc mới. Trong khi đó, nếu cứ kiên quyết “giữ ghế bằng được” trong mọi hoàn cảnh, họ cũng khó có thể tại vị được lâu mà lại rất khó tìm được việc do “tiếng xấu tham quyền cố vị” khi còn làm việc trong Chính phủ.

 Từ chức… để kiếm việc khác nhiều tiền hơn: Ở chiều ngược lại, các quan chức Mỹ được cho là sẵn sàng từ chức vì những bổng lộc khi họ nắm quyền là không mấy hấp dẫn so với khi họ làm việc cho khu vực tư nhân. Điều này là bởi, Chính phủ Mỹ quy định rất chặt chẽ về mức lương cho các thành viên trong Nội các. Theo đó, Tổng thống Mỹ hưởng lương cao nhất là 400.000USD/năm, Phó Tổng thống là 230.000USD, các quan chức khác dao động từ 160.000-210.000USD.

 Mức lương này dù cao hơn từ 5-10 lần so với mức thu nhập trung bình hàng năm của người dân Mỹ (khoảng 40.000USD), nhưng vẫn được cho là “chưa thấm vào đâu” so với năng lực kiếm tiền thực sự của họ. Điều này là bởi, hầu hết các quan chức Mỹ, dù thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa thường xuất thân từ các gia đình “danh gia vọng tộc”, bản thân là những nhà tài phiệt giàu có hoặc tốt nghiệp từ các trường luật danh giá để tiện theo đuổi sự nghiệp chính trị. Hơn thế nữa, họ đều nằm trong số những “tinh anh của tinh anh” trong xã hội Mỹ và được các thành viên trong 2 chính đảng lớn lựa chọn cẩn thận cho từng vị trí sao cho phù hợp nhất với năng lực của họ.

 Đối với những người xuất thân từ những gia đình có thế lực hoặc bản thân là những tỷ phú như Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, mức lương theo quy định của Chính phủ chỉ là “muối bỏ bể” so với thu nhập thực tế của họ. Bản thân những người này cũng không hề qua tâm đến mức lương đó.

 Điển hình là Tổng thống Trump khi ông chỉ nhận lương danh nghĩa 1USD (do Chính phủ Mỹ quy định, mọi thành viên đều phải nhận lương để tránh xung đột lợi ích). Nội các “tỷ USD” của ông cũng có rất nhiều người từng là Chủ tịch hoặc Giám đốc điều hành các siêu tập đoàn của Mỹ như Bộ trưởng Tài chính Willbur Ross với khối tài sản lên đến 2,5 tỷ USD, Bộ trưởng Giáo dục Betsy Devos (1 tỷ USD), Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin (385 triệu USD).

 Đối với những người xuất thân từ các trường luật như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, mức lương 400.000USD có thể hấp dẫn ông hơn so với ông Donald Trump nhưng vẫn còn khá thấp so với những gì ông có thể kiếm được nếu hành nghề luật sư tại các hãng luật danh tiếng.

 Thực tế, đối với một người từng tốt nghiệp luật tại Đại học Havard và từng là Tổng Biên tập tạp chí Harvard Law Review như ông Obama, việc được các hãng luật hàng đầu của Mỹ như Cravath, Swaine & Moore; Wachtell, Lipton, Rosen & Katz hay Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom mời thực tập và làm việc lâu dài sau khi tốt nghiệp là “hoàn toàn nằm trong tầm tay” và ông có thể nhận mức thu nhập lên tới 315.000USD/năm sau 7 năm làm việc, cao hơn nhiều so với mức lương khi làm việc cho Chính phủ Mỹ trong thời gian tương tự.

 Chính sự khác biệt về thu nhập này đã khiến nhiều quan chức trong Chính phủ Mỹ sẵn sàng từ chức vì nhiều lý do khác nhau, từ không đạt được mục tiêu đề ra, không phù hợp với công việc đến bất đồng quan điểm với lãnh đạo hoặc thậm chí là Tổng thống. Với năng lực tốt cùng mối quan hệ sâu rộng trong thời gian làm việc cho Chính phủ, họ hoàn toàn có thể kiếm được cho mình những công việc có sự đãi ngộ tốt hơn nhiều trong khi áp lực trách nhiệm không quá nặng nề. Những gì diễn ra ở Mỹ cũng khá tương đồng với nhiều quốc gia phương Tây khác như Anh, Pháp, Đức…

 Như vậy có thể thấy, có nhiều yếu tố quyết định việc quan chức sẵn sàng từ chức. Điều quan trọng là mỗi quốc gia cần phải đề ra được những chính sách hiệu quả, phù hợp để họ làm điều này, trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ sẵn sàng “ra đi trong danh dự” vì sự phát triển chung của đất nước. (VOV.vn 1/6, Trần Khánh)Về đầu trang

Nga nỗ lực khắc phục tình trạng sụt giảm dân số

Với đà sụt giảm 0,5% dân số mỗi năm, đến năm 2200, trên thế giới không còn người Nga. Đây là thách thức không nhỏ đang được đặt ra cho quốc gia này.

 Thống kê trung bình mỗi năm, dân số Nga lại sụt giảm 0,5% trên con số 146 triệu người. Nếu cứ đà giảm trên, đến cuối thế kỷ này dân số Nga chỉ còn lại một nửa. Và đến năm 2200 sẽ không còn người Nga.

 Rõ ràng, sự sụt giảm dân số đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất của nước Nga. Và để ngăn chặn viễn cảnh tới năm 2200 không còn người Nga nữa, ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ Nga đã quyết định dành hơn 200 tỷ rub (là khoảng 3,2 tỷ USD) trong vòng 3 năm để hỗ trợ các gia đình sinh con ngay từ đứa trẻ đầu tiên.

 Nhà nước cũng triển khai dự luật mới đối với gia đình đông con, nhằm kích thích tăng trưởng dân số. Theo đó, khoản trợ cấp hàng tháng cho mỗi bà mẹ sinh con đầu lòng là 10.500 rub (khoảng 175 USD), sinh con từ lần thứ 2 trở đi được nhận trợ cấp 1 lần cho mỗi trường hợp là 450.000 rub, tương đương 7.500 USD. Tóm lại, càng đông con càng nhận được nhiều trợ cấp và ưu tiên.

 Bên cạnh đó, Nga cũng tìm cách khôi phục truyền thống "đại gia đình", kết hợp nhiều chính sách kinh tế - xã hội nhằm cải thiện quy mô dân số. Mục tiêu đặt ra là ngăn chặn đà suy giảm dân số trong vòng một thập kỷ tới. (VTV.vn 2/6)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More