Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 14-5-2019

Post date: 14/05/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.Sắp xếp lại chế độ phụ cấp tối đa bằng 30% tổng quỹ lương. 1

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 2

2. Đô thị thông minh ở TPHCM: Dân lợi, cán bộ khỏe. 2

3.Mô hình “Làm hết việc chứ không làm hết giờ” tại Ninh Bình. 3

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

4. Dự báo Việt Nam vào top nền kinh tế dẫn đầu tăng trưởng thập niên 2020. 4

5. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp dám làm.. 5

6.Bloomberg: GDP Việt Nam đạt 10,4 nghìn USD năm 2030, gia nhập "hội tăng trưởng 7%". 6

7.Báo Trung Quốc: Nếu không nhanh chân, các công ty muốn tránh chiến tranh thương mại có thể sẽ "lỡ thuyền" vào Việt Nam vì hết chỗ. 7

8.  Rút ngắn khoảng cách năng suất lao động. 9

QUẢN LÝ.. 10

9. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019. 10

10.Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt 30%.. 11

11.Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe chưa đủ sức răn đe. 12

12.Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra công vụ tại UBND thành phố Hà Nội 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

13. Cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành: Không để lợi ích nhóm chi phối 13

14.Tây Ninh: Tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính qua Zalo. 15

15.  Hà Nội: Đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực đất đai tiết kiệm hàng tỷ đồng. 15

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 16

16. Đề nghị thu hồi nếu chưa phân bổ vốn đầu tư công. 16

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 17

17.Thanh Hóa: Nghi can hối lộ thanh tra là Đại biểu HĐND huyện. 17

18. Một giám đốc ở Cà Mau bị kiểm điểm vì... lính nhận hối lộ. 18

19. Phú Yên: Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa bị kỷ luật cảnh cáo. 18

 CHÍNH SÁCH MỚI

Sắp xếp lại chế độ phụ cấp tối đa bằng 30% tổng quỹ lương

Đó là một trong những nội dung về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

 Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công), một trong những nội dung cải cách chính sách tiền lương là sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương. Trong đó, tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).

 Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...). Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

 Đặc biệt, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề). Đồng thời, quy định mới chế độ phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính đối với cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.

 Thực hiện nhất quán khoán quỹ phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố trên tỉ lệ chi thường xuyên của Uỷ ban nhân dân cấp xã; đồng thời, quy định số lượng tối đa những người hoạt động không chuyên trách theo từng loại hình cấp xã, thôn, tổ dân phố. Trên cơ sở đó, Uỷ ban nhân dân cấp xã trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể chức danh được hưởng phụ cấp theo hướng một chức danh có thể đảm nhiệm nhiều công việc nhưng phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc được giao. (Tapchitaichinh.vn 13/5, N.Ánh)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Đô thị thông minh ở TPHCM: Dân lợi, cán bộ khỏe

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, nhìn nhận: Dù chỉ với một thời gian rất ngắn để thực hiện nhưng đến nay đô thị thông minh (ĐTTM) đã đạt được những kết quả ban đầu như kế hoạch đề ra.

 Cụ thể, Trung tâm Điều hành của ĐTTM đã hoạt động từ giữa tháng 4-2019, trên hệ thống cơ sở dữ liệu ban đầu đã giúp lãnh đạo TP có bức tranh tổng thể để dễ dàng đưa ra quyết định chỉ đạo, điều hành. Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế-xã hội được đặt tại Viện Nghiên cứu phát triển TP, Kho dữ liệu dùng chung được đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung cũng đã cơ bản thành hình.

 Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế-xã hội đang hoàn thiện cơ sở vật chất, lắp đặt thiết bị, tài liệu tổng hợp các phương pháp khoa học dự báo. Nhờ có trung tâm này mà việc dự báo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của TP có khoa học, thông qua phần mềm chứ không chỉ là dự báo theo mong muốn.

 Trong đó trung tâm sẽ có một số mô hình dự báo, dựa vào những dữ liệu đầu vào để vẽ ra mô hình chỉ số kinh tế-xã hội sẽ phát triển như thế nào. “Chúng ta sẽ dễ dàng nhìn trước được kịch bản phát triển kinh tế-xã hội ứng với các điều kiện cụ thể” - ông Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, một trong những nhiệm vụ chính của ĐTTM chính là xây dựng chính quyền điện tử. Thông qua ĐTTM, chính quyền điện tử được mở rộng và phong phú hơn, tạo một không gian sống trong môi trường mạng giữa người dân và chính quyền TP.

 Cụ thể, kênh tương tác giữa người dân và chính quyền nằm ở Trung tâm Điều hành và Kho dữ liệu dùng chung. Chẳng hạn, với chính quyền ĐTTM, khi người dân thực hiện dịch vụ công đều có sự giám sát tự động từ trên xuống dưới, hạn chế nhũng nhiễu nhờ tính công khai, minh bạch. Công khai từ dữ liệu đến quy trình và kết quả xử lý. Qua cổng 1022, người dân có thể phản ánh tất cả vấn đề đến chính quyền.

 “Nếu có cán bộ nhũng nhiễu ngâm lâu hồ sơ, thay vì giải quyết nhanh mà ngâm quá lâu mà không ai biết được điều này. Qua Trung tâm Điều hành, quy trình được công khai, minh bạch và được giám sát bởi hệ thống thì lãnh đạo các cấp chỉ cần một cái click chuột là biết ngay. Vậy thì đâu cán bộ nào dám làm sai” - ông Cường nhấn mạnh.

 Như thế, ông Lê Quốc Cường cho biết ba trung tâm là Trung tâm Điều hành, Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế-xã hội, Trung tâm An toàn thông tin với Kho dữ liệu dùng chung có sự liên kết thành một vòng tròn khép kín. Trong đó dữ liệu là nền tảng, cung cấp cho Trung tâm Điều hành để ra quyết định chỉ đạo, điều hành. Thông tin sản sinh ra từ Trung tâm Điều hành và Trung tâm Mô phỏng sẽ được cung cấp ngược trở lại cho kho dữ liệu để phục vụ những mục tiêu khác nhau.

 “Chúng ta tin tưởng rằng với ĐTTM, TP sẽ tiết kiệm được rất nhiều thứ mà trước mắt là tiết kiệm được thời gian và công sức. Mục tiêu của ĐTTM đã cơ bản được hiện rõ là nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền, giải quyết các vấn đề nhanh chóng hơn, chính xác hơn, còn người dân được phục vụ và chăm sóc tốt hơn, môi trường làm việc và môi trường sống tốt hơn” - ông Cường nói.

 Theo ông Cường, song song với đó, năng suất lao động của chính quyền và người dân cũng cao hơn. Chẳng hạn, với các ứng dụng thông minh, công việc được triển khai và giải quyết nhanh chóng. Nếu người dân biết ứng dụng giao thông thông minh sẽ tránh kẹt xe, biết ứng dụng dịch vụ công sẽ khỏi phải đi lại nhiều lần… Thời gian đó, người dân có thể dùng để lo toan công việc và cuộc sống của chính mình.

 Lãnh đạo TP.HCM cũng nâng cao công tác chỉ đạo điều hành thông qua app trên điện thoại, có thể truy cập dữ liệu mọi lúc mọi nơi, giúp việc nắm bắt thông tin và điều hành của lãnh đạo kịp thời. (Pháp Luật TPHCM 13/5, Lê Thoa)Về đầu trang

Mô hình “Làm hết việc chứ không làm hết giờ” tại Ninh Bình

Mô hình trên gắn với thực hiện phương châm "3 không" (không gây phiền hà cho dân; không thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công việc của dân; không nhận hối lộ, tham nhũng).

 Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, 3 năm qua, trên cả nước, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, nhiều cách làm sáng tạo.

 Ở nhiều địa phương, việc học tập và làm theo tấm gương của Bác được triển khai, gắn với đổi mới lề lối, tác phong làm việc, nâng cao đạo đức thực thi công vụ, từ đó hoàn thành tốt công tác chuyên môn.

 Mời xem video chi tiết tại đường link dưới đây:

https://vtv.vn/trong-nuoc/mo-hinh-lam-het-viec-chu-khong-lam-het-gio-tai-ninh-binh-20190512181050474.htm 

(Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 19h ngày 12/5)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Dự báo Việt Nam vào top nền kinh tế dẫn đầu tăng trưởng thập niên 2020

Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo vừa được công bố của ngân hàng Standard Chartered cho biết Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar và Philippines sẽ là những quốc gia châu Á giữ được mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên 7% trong thập niên tới. Hai quốc gia châu Phi là Ethiopia và Bờ Biển Ngà cũng có khả năng đạt mức tăng trưởng kinh tế 7% trong thập niên 2020.

 Đây là mức tăng trưởng thường đồng nghĩa với nhân đôi GDP trong vòng 10 năm. Bởi vậy và thu nhập bình quân đầu người của các nền kinh tế nói trên cũng sẽ tăng trưởng mạnh. Trong đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam được Standard Chartered dự báo sẽ đạt mức 10.400 USD vào năm 2030, từ mức khoảng 2.500 USD vào năm ngoái.

 Theo báo cáo, các nước Nam Á của "câu lạc bộ" nói trên hưởng lợi nhờ chiếm khoảng 1/5 dân số toàn cầu vào thời điêm 2030. Dân số trẻ sẽ tạo động lực quan trọng cho kinh tế Ấn Độ, trong khi đầu tư vào y tế và giáo dục ở Bangladesh sẽ giúp nước này gia tăng mạnh năng suất lao động.

 Sự thống lĩnh của các nền kinh tế châu Á trong danh sách mà Standard Chartered đưa ra là một thay đổi lớn so với thời điểm năm 2010, khi ngân hàng này bắt đầu theo dõi những nền kinh tế được dự báo có mức tăng trưởng khoảng 7%.

 Ở thời điểm đó, 10 nền kinh tế trong danh sách được chia đều giữa châu Á và châu Phi, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Việt Nam, Nigeria, Ethiopia, Tanzania, Uganda và Mozambique.

 Trung Quốc đã không còn có mặt trong danh sách mới nhất, sau khi đã có mặt trong "câu lạc bộ" này suốt gần 4 thập kỷ. Điều này phản ánh sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, cũng như việc Trung Quốc đã đạt tới quy mô kinh tế lớn mà tốc độ tăng trưởng cao là việc khó duy trì.

 Standard Chartered dự báo Trung Quốc sẽ giữ tốc độ tăng trưởng khoảng 5,5% trong thập niên 2020. Các quốc gia châu Phi ở tiểu sa mạc Sahara cũng giảm sự hiện diện trong danh sách, mà theo báo cáo là do "động lực cải cách giảm sút, cho dù giá hàng hóa cơ bản yếu đi".

 Tăng trưởng kinh tế được đẩy nhanh có thể đi kèm với những vấn đề như gia tăng bất bình đẳng thu nhập, tội phạm, ô nhiễm môi trường…, nhưng cũng mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực.

 "Tăng trưởng nhanh hơn không chỉ giúp người dân thoát nghèo nhanh hơn, mà còn mang lại điều kiện tốt hơn về y tế và giáo dục, cũng như sự tiếp cận rộng hơn và dễ hơn với các hàng hóa và dịch vụ", báo cáo viết. "Thu nhập cao hơn nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn cũng có tác dụng làm giảm tình trạng mất ổn định chính trị-xã hội, và giúp việc thực thi các cải cách cơ cấu trở nên dễ dàng hơn, tạo ra một vòng tròn tích cực".

 Ngoài ra, theo báo cáo, các thành viên trong "câu lạc bộ" tăng trưởng kinh tế trên 7% trong thập niên 2020 sẽ có tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư trong khoảng ít nhất 20-25% GDP. (Vneconomy.vn 13/5)Về đầu trang

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp dám làm

Rào cản về thuế và tư duy quản lý cũ đang khiến doanh nghiệp công nghệ dù đầy đủ nguồn lực, thừa quyết tâm, nhưng vẫn không dám làm. Tổng Giám đốc VCCorp Nguyễn Thế Tân cho rằng, cần có ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp công nghệ; đồng thời, để tạo cơ chế cho doanh nghiệp được làm, dám làm mà vẫn kiểm soát được thì mỗi bộ, ngành nên tách kinh tế số khỏi quản lý.

 Theo Tổng Giám đốc Công ty VCCorp Nguyễn Thế Tân, những công ty hàng đầu thế giới đều là công ty công nghệ, như Google, Facebook, Amazon... Họ đứng đầu cả về số người dùng, doanh số, tầm ảnh hưởng, giá trị thị trường, làm ra những sản phẩm dịch vụ hoàn toàn mới, giải quyết vấn đề mới... “Việt Nam hoàn toàn làm được!” - ông Tân khẳng định và dẫn chứng: Doanh nghiệp Việt Nam đã có thể sản xuất tự động hóa 4.0 (Vingroup), làm thiết bị mạng 5G (Viettel). Đặc biệt, trong mảng nội dung số, doanh nghiệp Việt Nam (VNG với Zalo, VCCorp với nền tảng quảng cáo bằng công nghệ) có đủ thực lực và sức mạnh để cạnh tranh với tổng nhân lực khoảng 50.000 người; doanh số 500 triệu - 1 tỷ USD và có thể còn phát triển; công nghệ tuy kém so với Google, Facebook nhưng là tốp đầu thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nga.

 Song, trên thực tế, các doanh nghiệp công nghệ vẫn đang gặp rào cản về thuế lẫn tư duy quản lý cũ. Ông Tân phân tích, chính sách cho công ty công nghệ vẫn đang ở mức kém nhất. Ở Trung Quốc, doanh nghiệp công nghệ hưởng mức bảo hộ ưu đãi thuế âm; ở Mỹ, Amazon lợi nhuận hàng tỷ USD nhưng đóng thuế 0 đồng; trong khi ở Việt Nam, các doanh nghiệp này phải chịu mức thuế 15 - 20% doanh thu, chưa kể thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều loại hình kinh doanh mới lại chưa có quy định, hoặc bị buộc phải tuân thủ theo quy định cũ, tư duy quản lý cũ. Trường hợp của Grab là minh chứng điển hình, khi nhà quản lý muốn xe Grab phải gắn mào như taxi truyền thống. Chính những điều này khiến doanh nghiệp công nghệ dù “rất muốn làm, đầy đủ nguồn lực để làm, thừa quyết tâm để làm, nhưng không dám làm, không dám chạy hết tốc lực, không dám huy động lực lượng xã hội, vì nghi ngại”, ông Tân nói.

 Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhìn nhận, xu hướng toàn cầu hiện nay là công nghệ và doanh nghiệp công nghệ. “Sự đi lên và lớn mạnh của doanh nghiệp công nghệ cho phép các nền kinh tế không phải đi theo từng bước trong cả lộ trình 30 - 50 năm để chuyển từ nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên sang nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo. Việt Nam cũng không ngoại lệ”.

 Ông Thành nhấn mạnh thêm, mặc dù Singapore vẫn là trung tâm nhưng những cụm ngành đổi mới đang hình thành trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã trở thành điểm ngắm của các nhà đầu tư quốc tế. Các cụm ngành đổi mới và doanh nghiệp công nghệ đòi hỏi sự hỗ trợ của một hệ sinh thái start-up. Song, “trong các trụ cột về năng lực cạnh tranh của Việt Nam thì năng lực đổi mới được đánh giá là yếu nhất”, ông Thành chỉ rõ.

 Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy sự phát triển của các cụm ngành đổi mới và doanh nghiệp công nghệ, theo chuyên gia Fulbright, cần bảo đảm các điều kiện nhân tố là nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, yếu tố tài chính. “Kinh nghiệm của các nước, kể cả trong khu vực, là cho phép sinh viên, học sinh phổ thông được tự tìm kiếm, đăng ký chương trình học trên internet của các công ty start-up. Các chứng chỉ đó đều được công nhận. Bản thân các trường đại học, cơ sở đào tạo cũng không bị ràng buộc bởi chương trình cứng nhắc, áp đặt từ trên xuống, mà cần được tự do liên kết với doanh nghiệp công nghệ”, ông Thành đề xuất.

 Tổng Giám đốc VCCorp Nguyễn Thế Tân cho rằng, cần có ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp công nghệ. “Chính sách thuế phải hướng đến phát triển doanh nghiệp công nghệ một cách rực rỡ chứ không phải tìm cách thu cật lực”. Đồng thời, cần coi nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng các công ty Việt phục vụ thị trường trong nước, coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm (dịch vụ) công nghệ trọn gói ra quốc tế (không phải outsourcing).

 Ông Tân cũng đề xuất, để tạo cơ chế cho doanh nghiệp được làm, dám làm mà vẫn có thể quản lý, kiểm soát được, mỗi bộ, ngành đều tách riêng kinh tế số ra khỏi quản lý, chẳng hạn tách riêng taxi điện tử để tránh cái cũ kéo lùi cái mới. Đối với nhóm chưa rõ ràng thì nên khoanh quy mô lại, chẳng hạn đối với tiền điện tử chỉ nên cho phép mỗi người được giao dịch 1 triệu đồng/ngày…

 Cho rằng “tài sản quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ là dữ liệu, dữ liệu là tài nguyên quốc gia”, Tổng Giám đốc Be Group Trần Thanh Hải đề xuất “các doanh nghiệp Việt cần làm chủ được tài nguyên này”. Tuy nhiên, chính sách và điều kiện kinh doanh áp dụng cho các start-up còn khắt khe, trong khi một số doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước. “Nếu không thay đổi những vấn đề này thì chúng ta không làm chủ được công nghệ”, ông Hải cảnh báo. Do vậy, để vươn tới khu vực, chúng ta phải có nền tảng trong nước, trong đó “phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ”. (Đại Biểu Nhân Dân 13/5)Về đầu trang

Bloomberg: GDP Việt Nam đạt 10,4 nghìn USD năm 2030, gia nhập "hội tăng trưởng 7%"

Bloomberg đánh giá, 10 năm tiếp theo kể từ 2020 sẽ được coi là "thập kỷ châu Á", khi lục địa này sở hữu các nền kinh tế mà dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 7%.

 Theo một nghiên cứu mới công bố của Madhur Jha, Trưởng phòng nghiên cứu chuyên đề của Ấn Độ Standard Chartered, và Nhà kinh tế trưởng toàn cầu David Mann: Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar và Philippines sẽ là những cái tên tiêu biểu đáp ứng tiêu chuẩn đó. Ethiopia và Côte d hèIvoire cũng có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng 7%, điều này thường có nghĩa là tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội sau mỗi 10 năm.

 Nhóm nghiên cứu ước tính, tốc độ tăng trưởng này sẽ giúp thu nhập bình quân đầu người Việt Nam tăng vọt lên tới 10.400 USD vào năm 2030 từ khoảng 2.500 USD vào năm ngoái.

 Trong năm 2018 vừa qua, tăng trưởng Việt Nam đạt 7,08%. Nhưng với sự suy giảm của kinh tế toàn cầu được dự báo, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ suy giảm nhẹ, ở mức 6,8-6,9%.

 Các quốc gia Nam Á sẽ cùng nhau chiếm khoảng một phần năm dân số thế giới vào năm 2030, theo ước tính của Standard Chartered. Trước đó, có 10 quốc gia Châu Á và Châu Phi nằm trong "hội tăng trưởng 7%" này: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Nigeria, Ethiopia, Tanzania, Uganda, Mozambique, và Việt Nam cũng có tên trong danh sách này.

 Trung Quốc đã không còn nằm trong bảng xếp hạng mới nhất này. Họ từng là thành viên của "hội tăng trưởng 7%" trong gần 4 thập kỷ. Điều này phản ánh sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, và việc Trung Quốc đang tiến tới thu nhập bình quân đầu người cao hơn khiến tốc độ tăng trưởng cao cũng khó duy trì hơn. Standard Chartered ước tính nền kinh tế số 2 thế giới sẽ giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,5% trong những năm 2020.

 "Tăng trưởng kinh tế cao không phải là thuốc chữa bách bệnh - nó sẽ dẫn đến bất bình đẳng thu nhập, tội phạm, ô nhiễm", Jha và Mann viết. Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh hơn không chỉ giúp mọi người nhanh chóng thoát khỏi nghèo đói tuyệt đối, mà còn đi kèm với sức khỏe và giáo dục tốt hơn, cũng như tiếp cận tốt hơn với hàng hóa và dịch vụ, họ nói trong báo cáo.

 Thu nhập cao hơn do tăng trưởng nhanh hơn cũng thường làm giảm bất ổn chính trị - xã hội và giúp đưa ra các cải cách cơ cấu dễ dàng hơn. Ngoài ra, các quốc gia tăng trưởng cao có xu hướng có tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư ít nhất 20-25% GDP, theo báo cáo. (Báo điện tử Trí Thức Trẻ 13/5, Thái Trang)Về đầu trang

Báo Trung Quốc: Nếu không nhanh chân, các công ty muốn tránh chiến tranh thương mại có thể sẽ "lỡ thuyền" vào Việt Nam vì hết chỗ

Tiền lương tương đối tăng cao, các quy định ngày càng khắt khe khiến Quảng Đông - khu công nghiệp sản xuất lớn của Trung Quốc không còn là trung tâm công nghiệp giá rẻ như trước đây. Do đó, Việt Nam được coi là một sự thay thế hợp lý. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy xu hướng này tăng cao hơn bao giờ hết.

 Theo tờ Securities Times của Trung Quốc, quý I/2019, FDI vào Việt Nam tăng 86,2%, đạt 10,8 tỷ USD, với đầu tư từ Trung Quốc chiếm gần một nửa.

 Ernie Koh là CEO của nhà sản xuất đồ nội thất Singapore - Koda, điều hành các nhà máy ở Malaysia và Việt Nam. Ông rất có niềm tin vào các khoản đầu tư tại Việt Nam của mình. Nhưng mặt khác, ông cũng lo lắng rằng Việt Nam sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức khi tiếp nhận các công ty nước ngoài - những người đang tìm cách tránh thuế từ chiến tranh thương mại. Nhất là khi cơ sở hạ tầng cầu cảng, kho bãi cũng như lao động chưa được chuẩn bị đầy đủ cho điều đó.

 "Các tòa cao ốc mọc lên ở khắp nơi. Đường ngày càng đông, tình trạng kẹt xe ngày càng tồi tệ hơn", ông Koh nói. "Trong hai năm trở lại đây, cảng liên tục tắc nghẽn. Hiện nay, chúng tôi phải đặt tàu trước hai tuần".

 Năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao 7,08%, thu hút rất nhiều công ty đa quốc gia, bao gồm Intel, Samsung và LG, tất cả đều đầu tư rất lớn. Fred Burke, đại diện công ty luật Baker McKenzie Việt Nam đánh giá: một loạt các nhà sản xuất Trung Quốc đã vào Việt Nam ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại diễn ra. Tuy nhiên, trong khi các trung tâm công nghiệp chính của Trung Quốc đã đạt tới quy trình sản xuất chất lượng cao và cơ sở hạ tầng hàng đầu, thì những điều này ở Việt Nam vẫn chưa thật sự trưởng thành.

 Ông Fred Burke nói: "Công nhân Việt Nam chưa được đào tạo đến trình độ như Trung Quốc. Trung Quốc đã có cơ sở hạ tầng rất tốt, nhưng ở Việt Nam, mọi thứ vẫn còn chưa hoàn thiện".

 Cuộc di cư của các công ty ra khỏi Trung Quốc đã được dự đoán sẽ còn tiếp tục, đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa cuộc chiến thương mại lên một tầm cao mới. Nhưng hiện nay, khi nguồn lao động chất lượng cao vẫn còn hạn chế về số lượng và các công ty đã đổ bộ vào Việt Nam rất đông, các chuyên gia cảnh báo, những công ty chưa nhảy vào Việt Nam có thể đã "lỡ thuyền".

 Các công ty Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia có mặt từ trước đã tuyển dụng phần lớn đội ngũ nhân viên lành nghề, vì thế những "người đến sau" có thể sẽ không còn có lợi thế như ban đầu, hoặc sẽ có một cuộc chiến "săn lao động" xảy ra.

 Một số nhà sản xuất Trung Quốc cho biết họ đã gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng ngoại ngữ ở Việt Nam, đặc biệt là trong và xung quanh trung tâm công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà máy thậm chí phải tranh giành công nhân với nhau. Sẽ dễ dàng hơn nếu như tìm kiếm lao động hơn ở các vùng sâu vùng xa, nhưng kỹ năng của công nhân ở đó kém hơn. Hoặc nếu các công ty phải chuyển đi xa khu vực trung tâm thì cơ sở hạ tầng cũng không bằng các thành phố lớn.

 Wilkie Wong là CEO của Tập đoàn Esquel - nhà sản xuất áo dệt lớn nhất thế giới với sản lượng 100 triệu áo mỗi năm. Đây là một tập đoàn Trung Quốc nhưng đã có mặt tại Việt Nam được 15 năm.

 "Trước đây, chúng tôi thường gặp phải một số cuộc đình công ở Việt Nam, nhưng nhiều năm trở lại đây thì không. Đó là bởi vì chúng tôi đã cải thiện quy trình làm việc, đào tạo và hỗ trợ công nhân giúp họ cải thiện năng suất, khiến cho phép họ kiếm được nhiều tiền hơn", ông Wong nói. "Tại các nhà máy của chúng tôi, có những người xếp hàng trước cổng mỗi ngày để xin việc. Vì vậy, nếu chúng ta cung cấp chế độ đãi ngộ đủ tốt, tôi cho rằng nhân sự không phải là vấn đề, vì tiềm năng ở Việt Nam là rất lớn".

 Tuy nhiên, nếu như không sớm giải quyết được vấn đề nhân lực và cơ sở hạ tầng, Việt Nam có thể sẽ đánh rơi một số cơ hội tốt vào tay Malaysia, Indonesia và Philippines.

 Năm ngoái, công ty lắp ráp iPhone Đài Loan, Pegatron, đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Batam (Indonesia), để tránh thuế quan của Mỹ. Nhà sản xuất thiết bị Phillips cũng có một nhà máy lớn trên hòn đảo này, sản xuất máy cạo râu và bàn là, cùng với các sản phẩm khác.

 Bà Angelia Chew, nhà sáng lập công ty tư vấn AC Trade Advisory có trụ sở tại Singapore, cho biết Việt Nam và Batam (Indonesia) là khu vực thu hút hầu hết sự quan tâm từ khách hàng của bà: "Batam là một trong những khu thương mại thành công nhất ở Indonesia, vì gần Singapore".

 Bà chia sẻ, mặc dù lo ngại về nhân lực và cơ sở hạ tầng, bà vẫn rất lạc quan về Việt Nam. Lợi thế là Việt Nam sắp ký kết hiệp định thương mại tự do EVFTA với Liên minh châu Âu và có lợi thế từ CPTPP: "Tôi cũng đang thấy rất nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam. Nếu bạn đang tìm cách rời Trung Quốc trong tương lai gần, Việt Nam vẫn là tốt nhất". (Báo điện tử Trí Thức Trẻ 13/5, Thái Trang)Về đầu trang

Rút ngắn khoảng cách năng suất lao động

Năng suất lao động (NSLÐ) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 NSLÐ của Trung Quốc và Ma-lai-xi-a, 1/3 của In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin, 1/2 của Ấn Ðộ và Thái-lan. Còn so với Nhật Bản và Hàn Quốc, NSLÐ của Việt Nam chỉ bằng khoảng 7% vào năm 2015".

 Số liệu từ Báo cáo "Năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam" vừa được công bố, một lần nữa cho thấy thực trạng đáng lo ngại về NSLÐ của nước ta đối với ngành sản xuất có tính chất động lực phát triển chính của nền kinh tế.

 Kể từ khi mở cửa đến nay, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách cũng như chương trình cải cách, nhưng năng suất và mức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện như kỳ vọng. Việc chưa nhận diện, chỉ rõ những trở ngại chính gây hạn chế năng suất và khả năng cạnh tranh của các ngành, nhất là ở cấp độ tiểu ngành, liên ngành và ở cấp độ DN là một trong những nguyên nhân chính khiến công tác hoạch định và thực thi chính sách về phát triển DN còn nhiều hạn chế.

 Các chuyên gia khuyến cáo, với thu nhập bình quân đầu người dự kiến đạt 3.000 USD vào năm 2020, theo phương pháp luận của Diễn đàn Kinh tế thế giới thì Việt Nam đã qua giai đoạn có tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào, bắt đầu chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào hiệu quả và năng suất. Sau mỗi giai đoạn tăng trưởng, bối cảnh kinh tế trong nước và nước ngoài đã thay đổi, làm bộc lộ rõ hơn những hạn chế của mô hình tăng trưởng cũ. Các động lực tăng trưởng giúp Việt Nam đạt được kết quả cao kể từ khi đổi mới đến nay, gồm tài nguyên khoáng sản; lao động giá rẻ,… đang tiến dần đến trần giới hạn.

 Do đó, vấn đề cấp thiết đang đặt ra cho Việt Nam là chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh của các DN. Trong đó, nâng cao năng suất của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đổi mới sáng tạo là then chốt để Việt Nam có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình, tiến tới đạt được tăng trưởng bao trùm.

 Ðể thành công, Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho thử nghiệm và áp dụng cách làm mới đối với DN tư nhân. Từ đó, có thể xác định các nút thắt kìm hãm sự phát triển của mỗi tiểu ngành để có hành động cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi này. Một vấn đề quan trọng khác là cần chuyển trọng tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ số lượng sang chất lượng, đồng thời gia tăng liên kết giữa khu vực tư nhân trong nước và khu vực FDI; hướng tới phát triển hệ sinh thái, chuyển dịch lên mức cao hơn trong các chuỗi giá trị địa phương và toàn cầu.

 Ðây là vấn đề không chỉ được đặt ra cho câu chuyện nâng cao NSLÐ của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mà cần được đặt ra ở tầm chiến lược cấp cao. Theo đó, cần có nền tảng kết nối Chính phủ, DN FDI và DN trong nước theo cách tiếp cận các bên cùng có lợi; phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích DN trong nước đầu tư vào xây dựng năng lực sản xuất và DN FDI sử dụng nhiều hạng mục và dịch vụ do địa phương cung cấp. (Nhân Dân 13/5, Phương Anh)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019

Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm của các bộ, ngành, địa phương là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; cải cách thủ tục hành chính thực chất, hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ người dân và doanh nghiệp... Đó là các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.

 Đẩy mạnh không dùng tiền mặt: Theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công thương, Tài chính và Ban Chỉ đạo điều hành giá thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, phối hợp chặt chẽ trong điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động tình hình trong và ngoài nước; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác về công tác điều hành giá, thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu để tạo đồng thuận trong xã hội.

 Chống trốn thuế: Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục siết chặt và tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN); đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN; thực hiện tốt công tác quản lý thu, chi NSNN; giám sát chặt chẽ các khoản chi NSNN, tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi mua xe ô tô, thiết bị đắt tiền, khánh tiết, tổ chức hội nghị; đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, mở rộng thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử đối với các hộ và cá nhân kinh doanh tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, trốn thuế.

 Sớm chấm dứt lây lan dịch tả lợn châu Phi: Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng; kiểm soát, sớm chấm dứt lây lan dịch tả lợn châu Phi; theo dõi sát tình hình thời tiết, chủ động chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, nắng nóng, cung cấp đủ nước cho sinh hoạt, sản xuất; phòng, chống cháy rừng; có phương án đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu về dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn hàng xuất khẩu sang thị trường EU và Nhật Bản; phối hợp với các địa phương có biển tiếp tục thực hiện các giải pháp ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp.

 Ngăn chặn lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo: Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; đẩy mạnh quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch; đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các dịch vụ du lịch; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo, mê tín, dị đoan để thu lợi bất chính; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

 Tổ chức tốt kỳ thi THPT, đại học: Bộ Giáo dục và đào tạo cùng các bộ, cơ quan chức năng chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, sai phạm trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2018; chuẩn bị các điều kiện, tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh đại học năm 2019, bảo đảm thuận lợi cho học sinh và gia đình, có chất lượng, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực. (Thời Báo Tài Chính Việt Nam 13/5)Về đầu trang

Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt 30%

Kết quả thu hồi tài sản của Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian quan tại TP HCM mới chỉ đạt 26,7% chỉ tiêu đặt ra.

 Tại buổi làm việc với Đoàn Công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do ông Phan Đình Trạc – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng dẫn đầu diễn ra ngày 10/3, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã công bố Dự thảo báo cáo kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế xảy ra trên địa bàn.

 Theo đó, thời gian qua, Công an TP HCM đã thụ lý 749 vụ án tham nhũng, kinh tế; với tổng thiệt hại hơn 770 tỷ đồng; áp dụng biện pháp tạm giữ hoặc kê biên, phong tỏa hơn 280 tỷ đồng; kê biên 8 tài sản bất động sản với tổng trị giá khoảng 20 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án dân sự của thành phố cũng thu hồi số tiền bị chiếm đoạt hơn 10.400 tỷ đồng…

 Tuy nhiên, kết quả thu hồi tài sản của Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế mới chỉ đạt 26,7% chỉ tiêu mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đề ra đối với thành phố.

 Qua buổi làm việc, Đoàn công tác kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM tăng cường hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường truy nguyên tài sản để kê biên nhằm phục vụ cho công tác thi hành án.

 Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM cần tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến công tác thu hồi tài sản, nhất là việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; yêu cầu các cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án dân sự tập trung xử lý dứt điểm các tồn đọng để phục vụ điều tra, xử lý vụ án tham nhũng, kinh tế và thu hồi tài sản…

 Cùng với đó, Đoàn công tác số 3 cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng giao cho Đảng ủy Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Đảng ủy Công an Trung ương có biện pháp kiểm soát công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiến hành rà soát các vụ việc sai phạm, nếu có dấu hiệu phạm tội thì khởi tố điều tra theo thẩm quyền. (Thanh Tra 12/5, Việt Đức)Về đầu trang

Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe chưa đủ sức răn đe

Nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe khi gần đây liên tiếp nhiều vụ tai nạn xảy ra do lái xe say bia, rượu.

 Khi biết thông tin về việc mức xử phạt vi phạm khi sử dụng rượu, bia tham gia giao thông trong dự thảo luật phòng chống tác hại của rượu, bia không được xem xét đúng mức, nhiều người dân đã có phản ứng khá gay gắt.

 Trên thực tế, việc ai cũng có thể mua, uống bia, rượu ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào, mua, sử dụng bao nhiêu cũng được đang gây hệ lụy cho nhiều mặt đời sống xã hội.

 Lái xe uống rượu bia gây tai nạn chỉ là một khía cạnh cụ thể. Cơ quan Cảnh sát giao thông cho biết, 5 tháng qua, 50.000 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã bị xử phạt. Trong khi đó, nội dung quy định về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia trong dự thảo luật lần này chỉ nêu, tất cả dựa vào những quy định đang có một cách chung chung.

 Ngay chính tại nội dung dự thảo luật đã chỉ ra, Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới về tiêu thụ bia, rượu. Đáng chú ý, 100 người nhập viện vì tai nạn giao thông khi đã có nồng độ cồn trong máu, một tỷ lệ rất cao. (Kênh VTV1 – Bản tin Chào ngày mới lúc 6h35 ngày 13/5)Về đầu trang

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra công vụ tại UBND thành phố Hà Nội

Chiều 13-5, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra công vụ theo Quyết định số 364/QĐ-TTg (ngày 2-4-2018) do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm Tổ trưởng đã về kiểm tra công vụ tại UBND thành phố Hà Nội.

 Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chào mừng Tổ công tác về làm việc tại UBND thành phố và khẳng định trên cơ sở kết luận của Tổ công tác, thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu, tổ chức thực hiện nghiêm túc, nâng cao hơn nữa chất lượng kỷ cương, kỷ luật công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

 Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức, trong hai năm 2017 và 2018 (gắn với chủ đề công tác “Năm kỷ cương hành chính 2017” và "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”), thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

 Thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân về các quy định đối với công chức, cán bộ... bằng nhiều hình thức. Từ năm 2017, đoàn kiểm tra công vụ của thành phố thực hiện kiểm tra công vụ đột xuất đối với 79 cơ quan, đơn vị; kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố đối với 7 vụ việc. Thực hiện vai trò giám sát, năm 2018, HĐND thành phố đã khảo sát, giám sát chuyên đề việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn với việc triển khai thực hiện 2 quy tắc ứng xử của thành phố.

 Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, thời gian qua, Hà Nội đã tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã hằng tuần báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị kiểm tra việc thực hiện các văn bản, chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố, của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về phần việc được giao ngay cả khi đã phân công hoặc ủy nhiệm cho cấp phó...

 Thành phố cũng đã chú trọng nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, trong đó xác định phòng ngừa là chính, đồng thời kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính. Năm 2018 và quý I-2019, thành phố đã tổ chức 341 lớp, hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng với 48.495 lượt người tham gia. Hà Nội cũng thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của tổ chức, đơn vị, nhất là các quy trình giải quyết công việc gắn với cải cách thủ tục hành chính... (Hà Nội Mới 13/5, Thành Tâm)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành: Không để lợi ích nhóm chi phối

Sáng 13/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đã tham dự “Hội nghị giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp tổ chức.

 Theo Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, qua giám sát, một trong những nút thắt cần được Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ban ngành tập trung tháo gỡ, loại bỏ là những vướng mắc về thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

 Đây cũng là nội dung mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm trong thời gian qua khi thường xuyên đặt ra tại các phiên họp của Ủy ban quốc gia về một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại cũng như nhiều lần làm việc theo chuyên đề với các bộ, ngành có nhiều thủ tục hải quan chuyên ngành là y tế và NN&PTNT.

 Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận việc công tác kiểm tra chuyên ngành thời gian qua từng bước đã có những chuyển biến tích cực về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực thi trên thực tế.

 Theo đó, với việc đưa 126 thủ tục hải quan tham gia một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, năm 2018 có kết quả toàn diện, đột phá nhất từ trước tới nay trong thực hiện cải cách lĩnh vực hải quan. Tính luỹ kế trong 4 năm qua, số thủ tục tham gia cơ chế một cửa đã đạt 97%. Dự kiến cuối năm nay, các bộ, ngành sẽ kết nối 100% thủ tục, đạt cấp độ 4 (thanh toán chi phí) lên cơ chế một cửa. Tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành đã giảm mạnh từ 35% tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu xuống còn 19,1% trong vòng 3 năm.

Tuy nhiên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định việc cắt giảm các thủ tục chuyên ngành chưa thực chất, còn yếu kém trong thái độ thực thi chính sách, mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao, số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN chưa nhiều, chống gian lận thương mại chưa tương xứng với tạo thuận lợi thương mại.

 Phó Thủ tướng cũng cho biết một số mặt hàng xuất nhập khẩu có sự chồng chéo kiểm tra của nhiều đơn vị của 1 bộ, thậm chí của nhiều bộ khác nhau. Bộ, ngành ban hành danh mục kiểm tra nhưng không có mã HS, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Việc xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành còn hạn chế, công tác phối hợp giữa các bộ còn lúng túng. Bên cạnh đó, Cổng kết nối một cửa ASEAN còn “nghẽn” trong thời gian cao điểm, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Nghị quyết số 02/NQ-CP nêu rõ tạo thuận lợi phải đi với chống gian lận thương mại, yêu cầu các bộ, ngành rà soát tính phù hợp, chặt chẽ trong cắt giảm thủ tục hải quan chuyên ngành. “Thủ tục, mặt hàng nhập khẩu nào không hợp lý thì cắt giảm, nhưng thủ tục, mặt hàng nhập khẩu không đáng cắt mà lại cắt, bãi bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành mà không hợp lý, phải rà lại. Không thể mở toang cửa quốc gia được”, Phó Thủ tướng nói và cho biết thêm trong lĩnh vực cơ yếu, y tế phải tăng thêm hơn 10 danh mục hàng hóa nhập khẩu vì liên quan tới an ninh quốc gia và chăm sóc sức khỏe người dân.

 Theo Phó Thủ tướng: “Nếu cắt giảm máy móc thì dễ bị lợi ích nhóm lợi dụng khi có việc các nhóm lợi ích vận động để các bộ, Chính phủ cắt giảm thủ tục và danh mục mặt hàng kiểm tra. Đây là vấn đề có tính 2 mặt, phải suy xét thấu đáo”.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam không chỉ giám sát việc thực thi của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức mà mở rộng cả ra cả khối doanh nghiệp là các đơn vị thực thi.

 Về phía các bộ, ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2019 phải chấm dứt ngay tình trạng chưa ban hành mã HS, quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu nhưng vẫn phải kiểm tra chuyên ngành, dễ nảy sinh các tiêu cực, khắc phục các yếu kém trong tổ chức thực thi công vụ. “Đây là trách nhiệm của bộ trưởng”, Phó Thủ tướng nói rõ. (Thời Báo Tài Chính Việt Nam 13/5)Về đầu trang

Tây Ninh: Tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính qua Zalo

Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức tập huấn tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính nộp qua Zalo.

 Buổi tập huấn nhằm hướng dẫn cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người đang trực tiếp xử lý thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị về chủ trương, quy trình nghiệp vụ, quy trình thao tác trên hệ thống thông tin liên quan đến việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ nộp qua Zalo.

 Tại buổi tập huấn trực tuyến, gần 500 cán bộ, công chức, viên chức địa phương và các sở ngành đã được hướng dẫn sử dụng Zalo trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

Được biết, từ tháng 11-2018, UBND tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Zalo trong công tác cải cách hành chính. Việc hợp tác này nhằm tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời hiện đại hóa nền hành chính công trên địa bàn tỉnh.

 Theo đó, người dân có thể nộp hồ sơ thủ tục hành chính mức độ 3 qua Zalo, chấp nhận các giấy tờ được chụp hình bằng điện thoại. Khi trả kết quả, công dân trình bộ hồ sơ gốc để đối chiếu với những hình ảnh tự chụp. Nếu trùng khớp, kết quả thủ tục hành chính được trả ngay tức thì.

 Thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, có gần 300 hồ sơ thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nộp qua Zalo. (Sài Gòn Giải Phóng 13/5, Tấn Ba)Về đầu trang

Hà Nội: Đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực đất đai tiết kiệm hàng tỷ đồng

Hàng loạt thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP Hà Nội đã được bãi bỏ, rút gọn, giúp tiết kiệm hàng trăm ngày làm việc và nhiều tỷ đồng; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng tỷ lệ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

 Với phương châm “lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm phục vụ”, thời gian qua, Hà Nội đã không ngừng cải cách hành chính, nâng chất lượng giải quyết thủ tục nhanh và gọn. Đặc biệt, việc rà soát, đơn giản hóa TTHC, giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục và tiết kiệm kinh phí được đặt biệt quan tâm. Thành phố cũng liên tục tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, cải cách TTHC, nhất là trong cấp phép đầu tư, xây dựng, thu hồi, giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất…

 Báo cáo số 49 về kết quả rà soát, đánh giá TTHC năm 2018 trên địa bàn TP Hà Nội nêu rõ, kết quả rà soát có 50 TTHC thuộc lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền quản lý của Sở TN&MT và 6 TTHC lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, cũng giúp giảm thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết hồ sơ đối với 5 TTHC. Ước tính sẽ tiết kiệm được khoảng hơn 800 triệu đồng chi phí tuân thủ TTHC hàng năm. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Sở đã rà soát, đơn giản hóa 61 TTHC, trong đó có 30 TTHC lĩnh vực đất đai, cắt giảm thời gian thực hiện từ 30-50% theo quy định (chiếm tỷ lệ 67% tổng số TTHC được rà soát).

 Sở cũng đang tiếp tục rà soát để tinh giảm hơn nữa về TTHC, đồng thời, đảm bảo quy trình hồ sơ chặt chẽ, công khai, minh bạch về nội dung hồ sơ, quy trình, các bước và thời gian giải quyết các TTHC. Đồng thời, thực hiện triệt để việc luân chuyển hồ sơ ở tất cả các khâu, các bước trong Sở khi thực hiện TTHC, phân công trách nhiệm của từng cán bộ thụ lý chịu trách nhiệm từ khâu thụ lý hồ sơ đến khi có Quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ, 3,4.

 Bên cạnh đó, Sở đang triển khai 6 TTHC dịch vụ công trực tuyến mức 3 và đang nghiên cứu, khảo sát áp dụng việc tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích của Thành phố đối với một số TTHC tại Sở. Kết quả đơn giản hóa TTHC của Sở TN&MT đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn; tăng tỷ lệ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vốn là vấn đề rất khó khăn trước đây. 

Báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội cũng chỉ rõ, trong 3 năm 2016-2018, đơn vị đã tham mưu với UBND Thành phố quyết định giao 787,36 ha đất cho các tổ chức thuê đất để sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nguồn thu từ đất hằng năm chiếm 15-18% tổng thu ngân sách Thành phố.

 Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng dự án chậm tiến độ thực hiện, sử dụng sai mục đích, để lấn chiếm, không sử dụng còn xảy ra; tình trạng sử dụng đất công, đất nông nghiệp không đúng mục đích, tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công và xây dựng công trình trái phép còn diễn ra ở nhiều địa phương nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

 Do vậy, thời gian tới, cần quan tâm, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực về đất đai, chất lượng, hiệu quả quản lý đất đai; nâng cao hiệu quả đấu giá đất.

 Và năm 2019, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên định mục tiêu lấy DN và người dân là trung tâm phục vụ. Trong đó việc rà soát, đơn giản hóa TTHC trong thẩm quyền và quy định vẫn là một nội dung quan trọng được đặt ra, để hỗ trợ, đồng hành và tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. (Tài Nguyên & Môi Trường 13/5, Tuyết Chinh)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Đề nghị thu hồi nếu chưa phân bổ vốn đầu tư công

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính đề nghị rà soát, thu hồi về ngân sách trung ương số vốn còn lại của kế hoạch năm 2019 đến 31/3/2019 chưa phân bổ, trong đó có dự án nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

 Bộ Tài chính đề nghị rà soát, thu hồi số vốn còn lại của kế hoạch năm 2019 đến 31/3/2019 chưa phân bổ cho dự án cụ thể (trừ số vốn giao để thực hiện các đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc chỉ đạo từ nguồn 10% vốn dự phòng CTMTQG xây dựng nông thôn mới và các dự án khởi công mới được thực hiện theo cơ chế đặc thù không phải thực hiện quy định có quyết định phê duyệt dự án trước ngày 31/10/2018).

 Đối với số vốn 46,903 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2019 nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương (Yên Bái, Hòa Bình) nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa phân bổ chi tiết cho các dự án, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức kiểm tra để xác định nguyên nhân không phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thu hồi số vốn này về ngân sách trung ương.

 Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các CTMTQG ban hành kèm theo Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, thời hạn gửi báo cáo phân bổ kế hoạch thực hiện các CTMTQG về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 31/3 năm kế hoạch.

 Đến ngày 25/4/2019, có 46/54 đơn vị gửi báo cáo phân bổ về Bộ Tài chính, với số vốn đã phân bổ là hơn 14.175 tỷ đồng, đạt 78,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa phân bổ là hơn 3.824 tỷ đồng. Đa số các địa phương chưa phân bổ vốn thực hiện các đề án thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới (chỉ có 3/51 địa phương đã phân bổ, với số vốn phân bổ chỉ đạt 48,98 tỷ đồng/1.459 tỷ đồng).

 Một số địa phương phân bổ vượt kế hoạch được giao cho nhiệm vụ thuộc CTMTQG nhưng ngoài mục tiêu thực hiện đề án (Hưng Yên vượt 2,377 tỷ đồng và Ninh Thuận vượt 4,4 tỷ đồng). (Thời Báo Tài Chính Việt Nam 13/5, Minh Anh)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Thanh Hóa: Nghi can hối lộ thanh tra là Đại biểu HĐND huyện

Ngày 13/5, ông Hoàng Văn Toản, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) xác nhận nghị can Trần Ngọc Tài (52 tuổi, Giám đốc doanh nghiệp Cường Quý) là đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2016-2021.

 Ông Tài vào ngày 11/5 đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra hành vi đưa hối lộ cho cán bộ thanh tra tỉnh.

 Theo ông Toản, trong trường hợp bị truy tố, ông Tài đương nhiên bị bãi nhiệm tư cách đại biểu hội đồng. Do chưa nhận được thông tin chính thức từ cơ quan điều tra nên HĐND huyện Thiệu Hoá chưa tổ chức họp xem xét tư cách của ông này.

 Theo hồ sơ từ Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thanh Hoá, doanh nghiệp Cường Quý của ông Tài lập năm 2008, chuyên thi công san lấp mặt bằng, nhà xưởng, cầu đường, vận tải... Gần đây, công ty này trúng thầu một số dự án công cộng có vốn đầu tư bằng ngân sách ở huyện Thiệu Hoá.

 Trước đó, ngày 18/4, theo tin báo về thành viên trong đoàn thanh tra tỉnh Thanh Hoá có hành vi đe doạ, tống tiền một cơ quan tại huyện Thiệu Hoá, Cơ quan An ninh điều tra đã bắt quả tang việc giao nhận phong bì có số tiền lớn.

 Tại hiện trường, cơ quan điều tra thu nhiều tài liệu và tờ giấy A4 ghi chi tiết số tiền và tên các đơn vị đến "chung chi" cho đoàn thanh tra. Khám nhà riêng và phòng làm việc của thành viên đoàn thanh tra, nhà chức trách thu nhiều phong bì chứa tiền.

 Theo nhà chức trách, đoàn thanh tra gồm năm người do ông Lê Mạnh Hà làm trưởng đoàn đang thực hiện thanh tra về ngân sách và đầu tư, xây dựng cơ bản nhiều cơ quan, doanh nghiệp tại huyện Thiệu Hóa.

 Ngày 23/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá khởi tố bị can, tạm giam bốn tháng về tội Nhận hối lộ với 5 thành viên đoàn thanh tra gồm: Lê Mạnh Hà (57 tuổi), Nguyễn Thị Cúc (55 tuổi), Nguyễn Hưng (43 tuổi), Dương Văn Bằng (52 tuổi) và Nguyễn Quý Diễn (50 tuổi).

 Ngày 11/5 nhà chức trách đã khởi tố thêm hai bị can Nguyễn Gia Hải (46 tuổi, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hải Lam); Trần Ngọc Tài (52 tuổi, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và dịch vụ thương mại Cường Quý) về tội Đưa hối lộ. Hải bị bắt, ông Tài đang điều trị tại bệnh viện nên được tại ngoại. (VnExpress.net 13/5, Lê Hoàng)Về đầu trang

Một giám đốc ở Cà Mau bị kiểm điểm vì... lính nhận hối lộ

Ngày 12-5, nguồn tin từ Cà Mau cho hay, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh TP Cà Mau (thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Cà Mau) bị kiểm điểm rút kinh nghiệm vì để xảy ra tham nhũng.

 Theo báo cáo từ ông Lâm Thái Hậu, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Cà Mau, do hành vi nhận hối lộ của cán bộ Trịnh Vĩnh Đức là tự ý, lãnh đạo Chi nhánh không hề biết trước, nên chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm Giám đốc chi nhánh.

 Như PLO đã thông tin, ngày 3-10-2018, chị K. (ở phường 6, TP. Cà Mau) đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Cà Mau làm thủ tục để sang tên một thửa đất do được hưởng thừa kế. Ông Trịnh Vĩnh Đức là cán bộ văn phòng này, làm khó và đòi tiền bôi trơn. Ngày 8-10-2018, Đức bị bắt quả tang đang nhận hối lộ từ chị K. số tiền 3 triệu đồng.

 Đức bị Tòa án TP Cà Mau xử 2 năm tù giam về tội nhận hối lộ. (Pháp Luật TPHCM 12/5, Trần Vũ)Về đầu trang

Phú Yên: Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa bị kỷ luật cảnh cáo

Ngày 11-5, nguồn tin từ Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho hay, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đã kết luận về những sai phạm của ông Nguyễn Lương Sinh-Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa và ra quyết định kỷ luật cảnh cáo.

 Theo đó, ông Sinh được phân công làm Trưởng ban Quản lý dự án nạo vét cửa Đà Diễn, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về nạo vét thông luồng tạm thời cửa Đà Diễn vào năm 2017-2018. Tuy nhiên, ông Sinh không chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện đúng các quy trình, quy định trong lĩnh vực đầu tư - xây dựng để đề xuất phương án, nguồn vốn thực hiện việc nạo vét.

 Ông Sinh lại chỉ đạo tổ chức thi công bằng nguồn vốn xã hội hóa, chỉ đạo Ban quản lý Dự án nạo vét cửa Đà Diễn tiếp tục ký phụ lục hợp đồng thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký với Doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu nạo vét, hút cát theo Dự án nạo vét cửa Đà Diễn, trái với chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

 Ngoài ra, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) tỉnh Phú Yên còn kết luận: ông Sinh Không thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về rà soát đánh giá sự cần thiết tiếp tục thực hiện Dự án nạo vét cửa Đà Diễn, chỉ đạo tiếp tục nạo vét đủ khối lượng cát theo hồ sơ thiết kế; ký hợp đồng kinh tế và các văn bản cho phép tiêu thụ nội địa khối lượng cát nhiễm mặn không đúng thẩm quyền.

 Trong thời gian ông Sinh được Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa phân công xử lý công việc (thay ông Lê Vĩnh Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa) đã thiếu kiểm tra hồ sơ, thủ tục, ký cấp 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trái quy định.

 UBKT Tỉnh ủy Phú Yên cũng yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Tuy Hòa chỉ đạo xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Phan Khánh- nguyên Trưởng phòng Kinh tế, nguyên Phó Trưởng ban quản lý Dự án nạo vét cửa Đà Diễn; xử lý theo quy định đối với các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng. (Pháp Luật TPHCM 12/5, Nguyễn Đức)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More