Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024

Post date: 10/05/2024

Font size : A- A A+

Ngày 22/6/2023, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15, gồm 7 chương, 54 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
 

Phạm vi điều chỉnh
Điều 1  quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử và không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch điện tử.
Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật này
Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.
Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu
Điều 12  quy định về điều kiện chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu như sau:
- Thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây: Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy; Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu; Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi; Trường hợp văn bản giấy là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản này và phải có chữ ký số của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu.
- Văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây: Thông tin trong văn bản giấy được bảo đảm toàn vẹn như thông điệp dữ liệu; Có thông tin để xác định được hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu gốc để tra cứu; Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi; Trường hợp thông điệp dữ liệu là chứng thư điện tử thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản này và phải có chữ ký, con dấu (nếu có) của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy
3. Quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung (Điều 41)
-    Dữ liệu trong cơ quan nhà nước được tổ chức thống nhất, được phân cấp quản lý theo trách nhiệm của cơ quan nhà nước
-    Cơ sở dữ liệu quốc gia: chứa dữ liệu chủ làm cơ sở tham chiếu, đồng bộ, chia sẻ với bộ, ngành, địa phương; Dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia có giá trị sử dụng chính thức, tương đương văn bản giấy được cơ quan có thẩm quyền cung cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia được chia sẻ với Bộ, ngành, địa phương phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia.
-    Cơ sở dữ liệu bộ, ngành, địa phương: là tập hợp thông tin dùng chung của bộ, ngành, địa phương; Dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương có giá trị sử dụng chính thức, tương đương văn bản giấy do Bộ, ngành, địa phương cung cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định danh mục cơ sở dữ liệu; việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương mình..
- Nhà nước bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, cơ quan khác của Nhà nước.
4. Kết nối, chia sẻ dữ liệu (Điều 42)
-    Cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo đảm khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ giao dịch điện tử;
-    Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, cơ quan nhà nước có trách nhiệm kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan, tổ chức khác; không cung cấp thông tin qua hình thức văn bản giấy đối với thông tin đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin; không thu phí việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước;
-    Cơ quan nhà nước phải áp dụng phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu trực tuyến trên môi trường mạng giữa các hệ thống thông tin của cơ quan cung cấp dữ liệu và cơ quan, tổ chức khai thác dữ liệu, trừ trường hợp thông tin liên quan đến bí mật nhà nước hoặc yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh;
- Cơ quan nhà nước áp dụng mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu theo thứ tự ưu tiên: qua các hệ thống trung gian (Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ, cấp tỉnh theo Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số); Kết nối trực tiếp giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khi các hệ thống trung gian chưa sẵn sàng hoặc không đáp ứng được yêu cầu về kết nối, chia sẻ dữ liệu.
5. Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước (Điều 43)
-    Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ. 
-    Dữ liệu mở phải toàn vẹn và phản ánh đầy đủ thông tin do cơ quan nhà nước cung cấp, được cập nhật mới nhất, có khả năng truy cập và sử dụng trên mạng Internet, bảo đảm khả năng thiết bị số có thể gửi, nhận, lưu trữ và xử lý được, tuân thủ định dạng mở và miễn phí. 
6. Hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử (Điều 44)
-    Cơ quan nhà nước phải tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
-    Các lĩnh vực hoạt động của cơ quan nhà nước ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử bao gồm: cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra.
-    Cơ quan nhà nước được thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của pháp luật để tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu; thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.
7. Hợp đồng điện tử (Điều 34)
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn./.

Trần Diện (Tổng hợp)

More